Vì Sao Niệm Phật 10 Niệm Có Thể Diệt Tội Nhiều Kiếp?

Vì Sao Niệm Phật 10 Niệm Có Thể Diệt Tội Nhiều Kiếp?Hỏi: Tạo tội chướng đã nhiều vì sao niệm Phật 10 niệm có thể diệt tội nhiều kiếp được?

Đáp: 10 câu hiệu Phật nhất định trừ diệt được các tội trong nhiều kiếp. Vì sao được biết? Xin đem vài thí dụ để giải thích. Có người chứa củi một ngàn ngày, chỉ cần châm một mồi lửa nhỏ thì đống củi ngàn ngày bị cháy trong nửa ngày là tiêu sạch. Tội nghiệp phiền não cũng như đống củi, niệm Phật cũng như mồi lửa, tội chướng từ vô lượng kiếp đến nay do một công đức câu niệm Nam Mô A Di Đà Phật mà tất cả tội chướng đều tiêu diệt. Tội chướng cũng như ngôi nhà tối, niệm Phật cũng như đèn sáng. Nhà tối ngàn năm, đèn sáng vừa chiếu đến các bóng tối liền trừ, công đức niệm Phật lại cũng như thế. Tội chướng từ vô lượng kiếp đến nay do công đức niệm Phật A Di Đà mà tất cả tội chướng đều tiêu diệt. Nên biết niệm Phật nhất định trừ diệt được các tội trong nhiều kiếp. Quán Kinh nói: “Ông xưng danh hiệu Phật nên các tội tiêu diệt, ta nay đến rước ông.” Niệm Phật mười tiếng công đức còn vô biên, huống chi có người một ngày niệm được mười muôn danh hiệu Phật A Di Đà, hoặc 1 ngày niệm được 20 muôn câu A Di Đà Phật. Công Đức 1 ngày niệm Phật còn vô biên huống là 2 ngày đến 7 ngày công đức vô cùng.

Kinh A Di Đà nói: “Khi sắp lâm chung, mau thì 1 ngày chậm thì 7 ngày niệm Phật liền được vãng sanh Tịnh Độ. Lại nói: “Chúng sanh sanh về cõi ấy đều ở vị Bất thối.” Địa vị bất thối là hàng Bồ tát Bát địa, đây là pháp vãng sanh của Thượng Phẩm Thượng Sanh. Vì sao được biết? Ví như ở thế gian người mua nhà cửa, người có nhiều tiền thì mua ngôi nhà đẹp, nếu tiền của ít thì mua ngôi nhà xấu. Niệm Phật công đức rất nhiều nên sanh về Tịnh độ dự vào Thượng Phẩm, niệm Phật ít thì sanh về Hạ Phẩm. Đức Như Lai nói các công đức lành của 8 muôn 4 ngàn pháp môn chỉ có pháp môn niệm Phật là pháp tối thượng. Đức Như Lai tuy nói các công đức lành duy có Pháp môn niệm Phật là nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nếu đem các tạp thiện mà so với niệm Phật thì ít căn lành, ít phước đức, pháp môn Niệm Phật thật chẳng phải của các môn khác có thể sánh kịp.

Lại nữa, pháp môn Niệm Phật y theo Kinh nói thì rất khó gặp. Vì sao được biết? Kinh Đại A Di Đà nói: “Thuở quá khứ có một quốc vương, phát khởi lòng tin nghĩ sẽ thực hành yếu pháp Niệm Phật liền đến gặp thiện tri thức, quyết chí cầu pháp Niệm Phật. Lúc bấy giờ thiện tri thức mới đáp rằng: Này đại vương chỗ cốt yếu của pháp Niệm Phật này, lý rốt ráo thật khó nghe. Nhà vua quyết tâm học pháp Niệm Phật nên đáp: Thưa Đại sư, xin Ngài vui lòng vì tôi mà nói pháp yếu Niệm Phật, tôi sẽ trọn đời cúng dường để ngài sai xử. Khi đó Thiện tri thức đáp: Này đại vương! Nếu ngài muốn biết pháp yếu Niệm Phật trước phải bỏ ngôi vua, ở đây phục vụ cung cấp cho ta không thối chuyển, ta sẽ vì vua mà nói pháp yếu Niệm Phật. Lúc ấy nhà vua bỏ ngôi vua theo hầu thiện tri thức cung cấp những điều cần dùng, không nề khổ cực, không sanh lòng thối chuyển. Nhà vua nghe dạy về pháp Niệm Phật Tam Muội, vua chuyên tu pháp này, sau đó gặp 2 muôn 8 ngàn Chư Phật đều vì nhà vua mà nói Niệm Phật Tam Muội. Nhà vua nghe được pháp Niệm Phật nên được thành Phật.” Huống chi ngày nay được nghe và chí thành tin niệm, đâu thể không được vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Ức ức chúng sanh bị chìm đắm trong đường ác, chẳng được thành Phật, chỉ vì không gặp được pháp môn Niệm Phật. Nên biết pháp môn Niệm Phật thật khó gặp.
 
Trích Niệm Phật Kính
Tuyển tập: Đại Sư Đạo Cảnh và Đại Sư Thiện Đạo

Niệm Phật Cầu Nhất Tâm Bất Loạn Sẽ Bị Trở Ngại

Niệm Phật Cầu Nhất Tâm Bất Loạn Sẽ Bị Trở NgạiKhi đưa ra một chương trình tu tập để “Nhất tâm bất loạn” thì đối với những người căn cơ cao, chư đại Bồ-Tát là chuyện bình thường không có gì lo sợ, nhưng mà lo sợ cho những người căn tánh hạ liệt, nghiệp chướng sâu nặng. Người căn cơ cao, tâm đã định, thì “Nhất tâm bất loạn” đối với họ là chuyện đương nhiên. Còn những người căn tánh hạ liệt mà nói về “Nhất tâm bất loạn” thì gọi là không “Khế cơ”, có thể đưa đến chỗ chướng ngại! Chính vì vậy, những chương trình “Nhất tâm bất loạn”, ít khi người ta phổ biến rộng rãi, mà thường thường chỉ phổ biến nội bộ, nội bộ trong những người căn cơ cao, vì khi đã “Nhất tâm bất loạn” thì chỉ nhìn là họ đã biết rồi. đọc tiếp ➝

Niệm Phật Cầu Bình An Thịnh Vượng Là Không Hợp Bản Ý Của Phật

Niệm Phật Cầu Bình An Thịnh Vượng Là Không Hợp Bản Ý Của PhậtỞ các xứ thuộc Bắc Phương Phật Giáo, người niệm danh hiệu Phật A Di Đà chiếm phần tối đa. Riêng tại Việt Nam, trong hàng tăng, tín chẳng những có nhiều người tu theo pháp môn Niệm Phật, mà một vài giáo phái tuy không phải đạo Phật, nhưng họ cũng niệm hồng danh đức giáo chủ ở Tây Phương. Song xét ra, số người niệm Phật tuy nhiều mà kẻ không rõ mục đích của sự trì niệm cũng chẳng ít. Vì vậy sự niệm Phật của họ không hợp với bản ý của đức Thế Tôn. Thử kiểm điểm lại, ta sẽ thấy:

* Có những vị đi chùa thấy người niệm Phật cũng bắt chước niệm theo, hoàn toàn không chủ định. Hành động này tuy cũng gieo căn lành phước đức về sau, nhưng không hợp với bản ý của Phật.

* Có những vị niệm Phật nguyện cho tiêu tai khỏi nạn, cầu gia đình khỏe mạnh bình yên, việc sinh hoạt càng ngày thêm thạnh vượng. Nguyện cầu như thế cũng tốt, nhưng không hợp với bản ý của Phật.

* Có những vị đời sống gặp nhiều cảnh không vừa ý, sanh nổi u buồn phẩn chí, niệm Phật cầu cho mình hiện tại và kiếp sau không còn gặp cảnh ấy nữa, sẽ được xinh đẹp vinh hoa, mọi việc đều thuận lợi như ý. Cầu như thế cố nhiên vẫn tốt, nhưng không hợp với bản ý của Phật.

* Có những vị cảm thấy cuộc sống trần gian không điều chi hứng thú, dù cho sang giàu quyền thế cũng còn nhiều lo lắng khổ tâm. Họ hy vọng dùng công đức niệm Phật để kiếp sau được sanh lên cõi trời, sống lâu nhàn vui tự tại. Cầu như thế cũng là điều tốt, nhưng không hợp với bản ý của Phật.

* Lại có những vị, nghĩ mình tội chướng đã nhiều, trong một kiếp này dễ gì giải thoát, nên niệm Phật cầu cho kiếp sau chuyển nữ thành nam, xuất gia tu hành, làm bậc cao tăng ngộ đạo. Cầu như thế có thể gọi là xuất cách, nhưng còn thiếu trí huệ và đức tin, cũng không hợp với bản ý của Phật.

* Vậy niệm Phật thế nào mới hợp với bản ý của Phật?

– Đức Thế Tôn thấy rõ pháp hữu vi đều vô thường, tất cả chúng sanh vẫn sẵn đủ đức tướng trí huệ của Như Lai, nhưng do bởi mê bản tâm nên tạo ra nghiệp hoặc, mãi chịu sống chết luân hồi. Dù cho được sanh lên cõi trời, khi hưởng hết phước rồi, cũng bị sa đọa. Vì thế, bản ý của đức Thế Tôn muốn cho chúng sanh do nơi pháp môn Niệm Phật sớm thoát khỏi khổ sanh tử luân hồi.

Chư Phật trong nhiều a tăng kỳ kiếp đã từng huân tu phước huệ, nếu kẻ nào xưng niệm hồng danh của Như Lai, sẽ được vô lượng vô biên công đức. Lại, đức A Di Đà Thế Tôn đã lập thệ: Nếu chúng sanh nào niệm danh hiệu của Ngài cầu về Cực Lạc, kẻ ấy khi mạng chung sẽ được tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương, chứng lên ngôi bất thối chuyển. Đem công đức vô lượng của sự niệm Phật, mong cầu những phước lợi nhỏ nhen ở cõi người, cõi trời mà không cầu vãng sanh giải thoát có khác chi trẻ thơ đem hạt châu ma ni vô giá đổi lấy viên kẹo để ăn? Như thế thật là phí uổng không xứng đáng chút nào! Lại nguyện lực của Phật rất lớn, người nào nghiệp chướng dù nặng mà chí tâm niệm Phật ngay một đời nầy cũng được tiếp dẫn vãng sanh. Cầu đời sau làm cao tăng ngộ đạo, là thiếu trí huệ và đức tin, làm sao bảo đảm bằng hiện đời sanh về Tây Phương, thành bậc Bồ Tát ở ngôi bất thối chuyển? Cho nên bản ý của đức Thế Tôn là muốn cho chúng sanh niệm Phật để thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, và sự giải thoát ấy lại có thể thật hiện ngay trong một kiếp.

Nhưng tại sao chúng ta cần phải thoát vòng sống chết luân hồi?

– Đó là vì ở trong nẻo luân hồi chúng ta xác thật đã chịu nhiều nỗi thống khổ lớn lao. Nếu người học Phật mà không để tâm như thật quán sát nỗi thống khổ ấy, thì dù học Phật cũng không được kết quả tốt, bởi không có tâm lo sợ cầu thoát ly. Kinh nói: “Nếu tâm lo sợ khó sanh, tất lòng thành khó phát.” Đức Thế Tôn khi xưa thuyết pháp Tứ Diệu Đế cho năm người nhóm ông Kiều Trần Như, trước tiên đã nói về Khổ Đế, vẫn không ngoài ý này. Vậy chúng ta thử y theo thuyết Khổ Đế của đức Phật đã chỉ dạy, mà quán sát nỗi thống khổ của kiếp người. Như thế ta sẽ có được một quan niệm rõ hơn: “Tại sao mình lại cần phải mau thoát vòng luân hồi sanh tử?”

Trích Niệm Phật Thập Yếu
Cố HT Thích Thiền Tâm

Không Có Tín Tâm Thì Thiện Căn Không Phát Khởi Được

Không Có Tín Tâm Thì Thiện Căn Không Phát Khởi ĐượcNiềm Tin vô cùng quan trọng! Thế gian pháp làm một việc gì muốn thành công phải có lòng tin vững vàng. Phật pháp lại càng chú trọng về niềm tin. Pháp môn Niệm Phật lấy chữ “Tín Tâm” làm khởi đầu cho tất cả.

Hồi sáng này mình nói lòng tin tạo ra công đức, nhờ công đức tăng thêm thiện căn, rồi thiện căn nó làm cho niềm tin vững hơn, vì niềm tin vững hơn nên công đức của mình lại tăng lên nữa, từng nấc từng nấc đưa đến chỗ thành tựu. Những lời này là để củng cố niềm tin cho nhau. Xin chư vị vững lòng tin tưởng. Những người nào niệm Phật mà chưa phát khởi niềm tin, mau mau phát khởi niềm tin, nếu không thì công cuộc tu hành của chúng ta coi chừng trở thành như: “Dã tràng se cát biển đông!”.

Hôm nay chúng ta tiếp tục nói về “Niềm Tin”. Niềm tin có sự đối trị của nó. Trong kinh Phật nói:

– Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn.
– Tín năng siêu suất chúng ma lộ.
– Tín năng thành tựu Bồ-đề đạo.

Ba điểm này quan trọng vô cùng.

– Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn. Người không có thiện căn phước đức thì nhờ tín tâm mà được trưởng dưỡng lên. Khi phước đức của mình được trưởng dưỡng lên, thì vô tình nghiệp chướng của mình nó lại lu mờ xuống. Như vậy trưởng dưỡng thiện căn đối trị với nghiệp chướng.

– Tín năng siêu suất chúng ma lộ. Cái niềm tin vững vàng nó giúp mình vượt qua tất cả những “Nghiệp Ma”. Nhờ sự đối trị này mà nghiệp chướng bị kiềm chế, ma nghiệp cũng bị kiềm chế, khiến ta “Thành tựu Bồ-đề đạo”. Hay lắm! Điều này hay lắm quý vị ơi!

Chướng ngại chúng ta có ba dạng:

– Một là Nghiệp Chướng.
– Hai là Phiền Não Chướng.
– Ba là Báo Chướng.

“Nghiệp Chướng” được câu “Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn” đối trị. Nghiệp chướng chúng ta có kèm theo cái gọi là “Oán Thân Trái Chủ Chướng”, là những thứ oán thù và nợ nần chúng ta đã tạo ra trong quá khứ, nó đã thành hình rồi.

Còn “Ma Chướng”? Ma chướng chính là “Phiền Não Chướng”, chứ không phải là “Ma này” “Ma nọ”, thè lưỡi, nhe nanh! Không phải. Ma chướng chính là phiền não chướng. “Phiền não chướng” là Tham-Sân-Si-Mạn-Nghi-Ác Kiến. Sáu thứ này là ma chướng. Tu hành:

– Khởi một niệm nghi là Ma chướng.
– Khởi một tâm sân giận lên, địa ngục nhập vào: Ma chướng!
– Khởi lên một tâm tham lam, ngạ quỷ nhập vào: Ma chướng!

Dễ sợ!… Khi phân tích cho rõ ra mới thấy tại sao có nhiều người tu hành rất lâu mà sau cùng không được thành tựu? Là vì không biết rõ chỗ này. Bây giờ mình đi từng bước từng bước thì sẽ thấy rõ hơn.

– Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn. Cái nghiệp của mình trong quá khứ đã làm rồi, xin thưa không cách nào có thể làm cho nó tiêu được. Cũng giống như chúng ta thường hay nói, ví dụ trong một cái hũ này có chứa hạt đậu đen và hạt đậu trắng. Nghiệp chướng ví như hạt đậu đen, phước báu ví như hạt đậu trắng. Tức là trong cuộc đời chúng ta từ vô lượng kiếp tới bây giờ, cũng có lúc làm thiện, cũng có lúc làm ác. Làm ác tạo ra nghiệp ác: Hạt đậu đen. Làm thiện tạo ra nghiệp thiện: Hạt đậu trắng. Trắng – Đen trộn lẫn với nhau. Giả sử như ban đầu Đen – Trắng bằng nhau: Màu xám xám. Bây giờ chúng ta biết trưởng dưỡng những thiện căn phước đức của mình lên, làm lành cho nhiều đi. Ngày nào cũng bỏ hạt đậu trắng vào, thì đến một lúc nào đó mình nhìn cái hũ, hũ lớn lắm nghen, chứ không nhỏ đâu, mình thấy hình như nó trắng non à. Mình hốt lên một nắm thấy toàn là hạt đậu trắng không. Đây chính là điều mà chúng ta nói đó!…

Đừng bao giờ duyên tới những nghiệp ác. Đừng bao giờ khởi lên những chuyện ác. Để cho cái nghiệp ác của mình nó nằm im đó. Nghiệp ác mới thì mình không tạo ra, và cái tâm thiện lành của mình cứ bỏ mãi những hạt đậu trắng vào, thì đến một lúc nào đó lượm lên ta thấy toàn hạt đậu trắng không thôi. Hạt đậu đen còn hay mất?… Còn nguyên vẹn trong đó, không mất.

Trong lúc mình bỏ hạt đậu trắng nhiều như vậy, nhưng đến cuối cùng mình lại không lượm hạt đậu trắng, mà cứ muốn moi dưới đáy tìm cho được hạt đậu đen, thì mình hưởng cái quả của hạt đậu đen đó, nghĩa là bị đọa lạc! Trong khi đó, hạt đậu trắng còn không? Còn nguyên vẹn.

Chừng nào mới hưởng hạt đậu trắng? Khi nào mình hưởng hết cái quả của hạt đậu đen, nghĩa là trả hết tất cả những nghiệp ác rồi mới hưởng được hạt đậu trắng đó. Nguy hiểm là chỗ này!

Tại sao lại phải bị hạt đậu đen? Tại vì phiền não chướng. Như chúng ta niệm Phật mà lòng tin không khởi được, không phát được. Niềm tin không khởi phát thì thường thường là phiền não chướng đang nổi lên. Ví dụ vô trong đạo tràng, tất cả mọi người đều trang nghiêm. Họ trang nghiêm vì họ tin tưởng, họ thành kính. Mình không trang nghiêm chứng tỏ là mình không tin tưởng, không thành kính! Thành kính thì trong lúc tu người ta tạo phước đức. Không thành kính thì cũng gọi là tu hành nhưng mình tạo nghiệp. Rõ rệt!…

Chính vì vậy, xin nhắc đi nhắc lại rất nhiều về chuyện này, ta thường đưa ra nhiều dạng người tu hành bốn-năm chục năm mà sau cùng thất bại. Một trong những lý do, là vì sơ ý chỗ này.

Hôm trước ta có đưa ra một ví dụ, như một người giàu có mà thích đi casino, (tức là cờ bạc). Biết tu tức là biết tạo phước, mà thích đi casino nên làm có tiền xong thì đi casino liền. Đốt hết! Mình tu thì tạo ra phước. Tạo ra phước mà không kiềm chế được phiền não của mình, nổi lên cơn sân giận thì tiêu hết! Tiêu hết rồi thì tu nữa, (tại vì biết tu mà). Tu thì có phước nữa, có phước nữa nhưng giận một cơn nữa thì đốt hết nữa! Nhiều người tu bảy-tám chục năm mà còn giận hờn, đố kỵ, ganh tỵ… thì phước tiêu hết, đức tiêu hết, có thể thua một người mới tu được có một tuần hai tuần mà cuộc đời của họ hiền lành. Cho nên “Tín năng siêu suất chúng ma lộ” là ở chỗ này.

Ví dụ cụ thể hơn, như hôm thứ bảy vừa rồi mình đi hộ niệm, một cụ già trên 80 tuổi, mình tới khuyên niệm Phật, nếu mà vị đó phát khởi tín tâm liền, không chần chừ nữa… Không cần biết là vị đó hồi trước có tu không? Không cần biết. Nhưng một ngày trước khi ra đi mà phát khởi niềm tin vững vàng…

– Bác ơi! Chắp tay lại niệm Phật nhé.

Bác chắp tay liền lập tức.

– Niệm A-Di-Đà Phật cầu về Tây Phương, quyết định nghe bác.
– Dạ, tôi quyết định. Cậu ơi! Hồi giờ tôi làm sai quá, thì bây giờ làm sao?
– Không sao đâu. Vững vàng đi. Phật cho phép đới nghiệp.

Tin liền lập tức, không chần chờ nữa. Nếu hai-ba ngày sau cụ chết. Trong hai ba ngày đó cụ đã niệm câu A-Di-Đà Phật rồi. Khi thấy mệt mệt, kêu chúng tôi tới hộ niệm… thì có thể cũng có hy vọng… Có nhiều người được hộ niệm từ sáng cho đến chiều mà được vãng sanh. Quý vị thấy rõ ràng không? Còn chần chừ? Còn cứ muốn hẹn nay, hẹn mai? Hậu quả sẽ khác hẳn liền! Tại sao vậy? Niềm tin không có. Còn như người đó tự nhiên phát khởi niềm tin liền lập tức thì khác. Hồi giờ không tin tại vì không ai hướng dẫn, chưa có duyên. Nay gặp duyên có người hướng dẫn thì tin liền…

“Tin liền” và “Chần chừ”, hai cái giá trị này hoàn toàn khác nhau! Khác một trời một vực. Tin liền, tức là niềm tin khởi lên mạnh mẽ: “Tín năng siêu suất chúng ma lộ”. Tất cả những giận hờn, những ganh tỵ, những câu mâu, những luyến ái, tham, sân, si, mạn, nghi… tự nhiên buông hết. Ngay từ đó niệm câu A-Di-Đà Phật mà siêu suất chúng ma lộ!…

“Ma” nó dẫn mình duyên tới những cái “Nghiệp Chướng” trong quá khứ, nó dẫn mình duyên tới những cái “Oán Thân Trái Chủ Chướng”. Chính nghiệp chướng và oán thân trái chủ chướng này tạo cho mình cái “Báo Chướng”. Báo chướng này đưa mình đi xuống ba đường ác. Nếu cái “Ma Chướng” này bị ngăn đi, cắt đi, tức là tất cả những cái duyên của nghiệp chướng, oan gia trái chủ chướng bị cắt, thì những nghiệp chướng này không trở thành quả báo. Oan gia trái chủ thông cảm không hãm hại mình. Mình niệm Phật hưởng cái quả báo vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Đơn giản như vậy.

Chính vì vậy mà có những người hồi giờ không biết tu gì cả, nghe nói hộ niệm vãng sanh, mừng quá, chạy tới kêu. Dù người ta chưa bao giờ bước tới đạo tràng này, nhưng chỉ cần mình tới nói chuyện, họ phát khởi niềm tin, nhiều khi họ đi ngon lành hơn mình, đừng nên khinh thường. Còn như chúng ta ở đây tu, ngày ngày chúng ta cũng nói hộ niệm, ngày ngày chúng ta nói về Tây Phương, củng cố niềm tin cho nhau để đi về Tây Phương, nhưng chúng ta lại tu tà tà! Vì sao lại tu tà tà? Hổm nay tôi nói rất nhiều rồi, có thể vì oan gia trái chủ đã xúi để hại ta! Tu tà tà thì thiện căn phước đức của chúng ta trong quá khứ không khởi lên được. Tại sao vậy? Tại vì niềm tin của chúng ta tà tà. Niềm tin tà tà thì “Tín Năng” không có thể nào “Siêu suất chúng ma lộ” được. Tín này không thể nào trưởng dưỡng chư thiện căn được. Không có niềm tin nhất định không thể thành tựu đạo Bồ-đề.

Bồ-đề Đạo đối trị với Báo Chướng. Thành Bồ-đề đạo tức là thành Phật. Lên Tây Phương thì báo chướng cũng chịu thua, không cách nào báo hại mình được nữa, mà lúc đó là mình đi trên cái báo chướng đó, mình đi trên cái nghiệp chướng đó, mình dùng thần thông đạo lực đi cứu độ chúng sanh, vì chúng sanh mà chịu khổ. Chư Phật hạ sanh xuống cõi trần là thị hiện vì chúng sanh các Ngài chịu khổ, chứ không phải xuống đây các Ngài chịu nhân quả đâu à! Các Ngài đi trên nhân quả rồi, đã trở về chơn tâm tự tánh không còn cái đó nữa, thì ta cũng tập theo các Ngài về Tây Phương để thành đạo Vô-Thượng, chúng ta đi trên cái mức đó, đi cứu độ chúng sanh. Ở từ đâu? Bắt nguồn từ niềm tin này.

Cho nên ngũ căn, ngũ lực bắt đầu từ chữ “Tín” mà đi hết. Đi về Tây Phương cũng bắt đầu chữ “Tín”. Nếu không tin, ví dụ như bà cụ nói chuyện leo lẻo đó, mình nghĩ rằng ít ra cũng một năm nữa chưa chắc gì đã đi. Thế mà mình chưa kịp tới lần thứ hai thì bà cụ đã đi rồi. Quý vị thấy không? Đây là nghiệp chướng đã tràn lên rồi, bao phủ rồi, oan gia trái chủ đã tràn lên rồi. Tại sao như vậy? Tại vì không có tín tâm, không có tín tâm nên không khởi phát được thiện căn phước đức, nên không vượt qua được ma chướng. Xin nhắc lại, Ma Chướng chính là Phiền-Não Chướng!

Như vậy, thì nếu còn giận, xin chư vị đừng giận nữa, tức là chúng ta bỏ được ma giận: “Ma Địa Ngục”. Chúng ta tham lam, tham tiền, tham bạc, tham vàng… tham đồ gì đó, tham luyến gì đó, toàn bộ là ngạ quỷ chướng hết trơn. Một niệm tham nổi lên, ngạ quỷ nhập vào. Quỷ nhập thân này, không phải là do quỷ nào cả, mà chính là tâm tham chúng ta khởi ra. Thực sự là như vậy!

Ta hiểu được như vậy rồi, thì tất cả đều do chính cái tâm ta tạo ra hết. Hôm trước tôi gặp ở trên Internet có một người email hỏi tôi:

– Bây giờ từ sáng tôi tu năm tiếng đồng hồ, chiều tôi tu hai tiếng đồng hồ, một ngày tôi tu bảy tiếng đồng hồ như vậy, tôi quyết tâm cho được thành tựu. Nhưng tại sao bây giờ tôi bị trở ngại như vầy… như vầy… nhiều quá! Vậy thì làm sao đây?

Tôi trả lời liền lập tức:

– Tại vì chị tu không có người hướng dẫn. Chị thấy rằng mình ngon quá nên muốn đóng cửa tự tu một mình, không chịu kết hợp với đồng tu. Khi tới một đạo tràng, chị thấy người ta tu dở hơn chị, nên chị về nhà tự tu một mình. Chị tu một mình nên bây giờ mới bị như vậy. Phải không?

Tôi nói tiếp:

– Mau mau ngưng ngay lập tức, mỗi lần gặp như vậy thì ra rửa mặt đi, rồi kêu năm-bảy người tới tu chung với nhau. Nếu không có người thì tới một đạo tràng nào đó mà tu với người ta. Kêu nhiều người tới kể hết tất cả những chuyện này cho họ nghe, kể hai-ba người nghe thì tự nhiên chị hết chướng nạn…

Thực sự tại vì người ta không hiểu được đạo lý duy tâm, nên mới bị ma chướng! Ma chướng chính là cái tâm phiền não của mình. Biết được vậy rồi, thì người nào có nghi phải buông mối nghi liền lập tức. Người nào thấy chưa tin, phải tin liền lập tức.

– Ma chướng chính là giải đãi.
– Ma chướng chính là lười biếng,
– Ma chướng chính là cạnh tranh ganh tỵ,
– Ma chướng chính là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến…
– Ma chướng chính là những thứ đó.

Tất cả những thứ đó là ma chướng, nó mở cửa ra cho “Ngoại Ma” nhập vào khiến mình bị nạn.

Chính vì vậy, họa cũng do mình, phước cũng do mình, gọi là: “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu”. Họa phước không có một hình tướng nhất định, không có một thực thể nào hết. Chính mình chiêu cảm nó đến, chính mình mời nó đến.

Có người đi tu được pháp hỷ sung mãn, đó là điều thành tựu. Từ từ tiến lên. Có những người đi tu, thì càng tu càng bị phiền não, tại vì không chịu buông ma chướng ra. Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến bỏ chưa được! Bỏ được thì chúng ta thành tựu. Nhớ những điểm căn bản này để chúng ta niệm một câu A-Di-Đà Phật với lòng tin tưởng sắc son vững vàng, chúng ta đi về Tây Phương thành đạo Vô-Thượng. Hay hơn là xuống dưới tam ác đạo để chịu khổ vạn kiếp, rồi chờ đức Di-Lặc Tôn Phật xuống cứu. Làm sao Ngài cứu được? Ngài Di-Lặc Bồ-Tát gần 600 triệu năm nữa mới xuống đây thị hiện thành Phật nghen chư vị, không phải dễ đâu. Trong khoảng thời gian đó chưa chắc gì ta được làm người để có dịp nghe pháp âm của Di-Lặc Tôn Phật đâu à!…

Khổ như vậy nên ráng mà lo lấy để đi về Tây Phương, trong một đời này gặp A-Di-Đà Phật thành tựu đạo quả. Ta sẽ theo ngài Di-Lặc Tôn Phật xuống đây cứu độ chúng sanh, hay hơn là nằm chỗ nào đó để chờ Ngài cứu độ!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)