Trái Tim Người Mẹ

Trái Tim Người MẹChúng tôi xin hân hạnh giới thiệu đến quý đạo hữu bài viết về mẹ của anh Minh Triệu (hình bên trái). Điều đặc biệt là anh không phải là một người bình thường, mà anh đang mang một chứng bệnh teo cơ bắp toàn thân không cử động được. Nội dung bài viết thật cảm động với tấm lòng nhân hậu vô bờ bến của một người mẹ mà tác giả đã âu yếm gọi là “người đàn bà chung thuỷ duy nhất trên cõi đời”.

Tôi tỉnh thức sau một giấc ngủ hôn mê. Tôi hoang mang mất hết định hướng không gian và thời gian. Trong giây lát, tri thức tôi dần dần hồi phục để biết đây không phải là gian phòng quen thuộc của tôi. đọc tiếp ➝

Bồ Tát Quán Thế Âm Trong Lòng Mẹ Tôi

Bồ Tát Quán Thế Âm Trong Lòng Mẹ TôiMẹ là người Phụ nữ nông thôn thuộc xã hội cũ. Mẹ không biết chữ, không ăn chay, nhưng trong lòng Mẹ luôn hiện hữu hình bóng của đức Đại Từ Đại Bi Cứu khổ Cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.

Hồi tôi còn nhỏ, lúc đó làng tôi có rất nhiều người đến xin ăn, Mẹ tôi sắm sửa một ít thức ăn đem đến tận tay cho họ, tuy rằng không nhiều nhưng có thể cứu đói tạm thời. Thời gian trôi qua như vậy, nhà tôi trở thành nơi dừng chân của kẻ hành khất. Tôi còn nhớ, mùa đông năm ấy tuyết rơi trắng cả bầu trời, từng cơn gió lạnh thổi về buốt giá, một người phụ nữ dẫn con đi qua, người con vừa đói vừa lạnh, ngoài kia những bông tuyết vẫn rơi đều trên lá, cảnh vật như vô tình. Đến làng tôi, người phụ nữ kiệt sức ngồi tựa vào gốc cây bất động. Mẹ tôi đang ở nhà, bỗng nghe tiếng trẻ thơ từ gốc cây vọng lại, liền lật đật chạy đến chỗ có hai Mẹ con và đưa họ về nhà. Một tay Mẹ đốt cỏ sưởi ấm cho họ, một tay pha thuốc cho họ uống, mẹ còn tìm những bộ áo quần khô ấm cho họ mặc. Lúc đó có người hỏi mẹ tôi: “Bà làm như vậy là vì mục đích gì?” Mẹ trả lời ngay: “Không mục đích gì cả, tôi chỉ làm theo lương tâm mình mách bảo, có Bồ Tát Quán Thế Âm chứng giám là được”.

Sau năm 1958, kẻ ăn xin đã bớt đi rất nhiều, nhưng thay vào đó là những người thợ sửa nồi, sửa giày từng đoàn kéo đến làng tôi. Mỗi lần đến như vậy, họ đều mở sạp hàng ngay trước mặt nhà tôi. Có khi đến bữa cơm không có chỗ ăn cơm, họ liền vào nhà tôi ăn. Mẹ tôi tiếp khách như thế nào thì đối đãi với họ như thế ấy. Khi đó tôi còn nhỏ, chưa hiểu mô tê gì ráo, nhưng vì những việc như vậy mà tôi hay thầm trách Mẹ tôi.

Mẹ biết và nói với tôi: “Con à, chúng ta mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau, họ đều có nỗi khổ tâm riêng, nhất là những người phải xa nhà rày đây mai đó. Anh con cũng như họ, tha phương cầu thực, người khác giúp đỡ anh con, bây giờ mẹ giúp đỡ họ thì cũng chính như giúp đỡ gia đình mình vậy”.

Mọi người trong làng đều nói mẹ tôi có tấm lòng Bồ Tát. Những lời nói đó thật không ngoa chút nào. Mẹ tôi đối với lân lí xóm giềng, bất kể ai gặp khó khăn đều hết lòng giúp đỡ.

Ở thập niên 60, kinh tế trong làng gặp lúc túng quẫn, mọi người đói rách lầm than, mà nhà tôi được cái có mấy anh trai làm việc ở xa thường hay gửi tiền về nhà, nên kinh tế có phần đỡ hơn người khác. Tuy vậy, Mẹ tôi không dám ăn, không dám xài, đem tiền cho người ta mượn hết, đến lúc nhà cần tiền để xài thì trong tay không còn một đồng nào. Nhưng mẹ tôi thà tự xoay xở chứ không bao giờ đến nhà người ta đòi nợ, trong lòng luôn nghĩ mọi người đang gặp khó khăn hơn mình.

Ngoài ra, Mẹ còn dùng cây cỏ thuốc để chữa bệnh cho mọi người. Cứ đến mùa hè, bà con lối xóm đau đầu nghẹt mũi đều đến nhà tôi xin thuốc.

Mẹ dù rất bận rộn, nhưng vẫn dành thời gian đi nhổ cây cỏ thuốc, đem về rửa sạch và phân ra từng loại rồi chế biến thành thuốc chữa bệnh. Tôi thường giúp Mẹ giã và sao thuốc, giúp là giúp vậy chứ tôi chẳng biết thuốc gì là thuốc gì. Có một năm, ở nhà, tôi hỏi mẹ làm như thế để làm gì. Mẹ xoa đầu tôi nói: “Nói ra con cũng không hiểu đâu, làng trên xóm dưới cỏ cây đều khô trụi, lấy đâu ra thuốc mà uống?” May mà cuộc sống bây giờ điều kiện vệ sinh tốt, bệnh ghẻ lở bớt đi rất nhiều, hơn nữa bây giờ có thuốc tây rất công hiệu.

Mẹ ở nhà thường hay hỏi nhà nào gặp khó khăn, ai khổ đau, ai lầm lỡ, trên gương mặt Mẹ lúc nào cũng biểu hiện sự lo âu, khắc khoải. Mãi cho đến bây giờ hình ảnh ấy vẫn còn khắc sâu trong đầu tôi. Mẹ làm như cuộc đời này tất cả nỗi khổ của người khác đều do Mẹ tạo ra! Mỗi lần nói xong một câu gì Mẹ đều niệm Nam Mô A Di Đà Phật hoặc Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi còn nhớ, ở thời kỳ “Văn Cách”, Mẹ thường nói với mấy anh em tôi: “Bây giờ là thời loạn, xấu tốt bất phân, các con nên làm việc thiện cho nhiều, tuyệt đối không làm kẻ ác nhân, làm ác nhân sau này ắt sẽ gặp ác báo”. Nhờ chúng tôi biết phận nên cũng chưa làm gì xấu xa, nếu không, Mẹ tôi ở dưới cửu tuyền sẽ không yên lòng.

Mẹ không hiểu Phật pháp nhiều, không biết thiền, chỉ biết niệm Quán Âm Bồ Tát và A Di Đà Phật. Nhưng bà ngoại thì khác, bà là người đọc qua nhiều sách, thiên văn, địa lý cổ kim đều thông, đồng thời là người hướng Phật “Hành sở ứng hành, thọ sở ứng thọ, chư ác bất tác, chúng thiện phụng hành”. Mẹ tôi lúc nhỏ đã chịu ảnh hưởng của bà ngoại về đối nhân xử thế.

Sau này tôi nghe Mẹ tôi kể rất nhiều về những mẩu chuyện thiện ác nhân quả báo ứng, những câu chuyện này thời ấu thơ mẹ tôi nghe bà ngoại kể, vì thế mẹ thường nói với chúng tôi: “Phàm làm việc gì phải ngay thẳng vô tư, làm hết lòng bằng chính lương tâm của mình. Đừng bao giờ cho rằng người khác không biết việc của mình làm, tuy rằng có thể họ không biết, nhưng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát biết”.

Anh em tôi có ngày hôm nay là nhờ mẹ tảo tần hôm sớm nuôi nấng dạy dỗ. Ba tôi thì một đời lam lũ, là người nông dân hiền lành chất phác, chỉ biết an phận thủ thường. Mẹ tôi trừ việc lao động chân tay, còn giáo dưỡng chúng tôi trưởng thành. Mẹ không biết chữ, nên trong cuộc đời đã chịu nhiều cay đắng.

Vì vậy, Mẹ quyết tâm cho chúng tôi học hành đến nơi đến chốn. Cũng vì việc học của anh em chúng tôi mà mẹ phải bán đất bán ruộng không một chút do dự nào, nhưng nhà tôi ruộng đất chẳng là bao nên Mẹ phải thức thâu đêm để may vá kiếm thêm tiền nuôi chúng tôi ăn học. Mỗi khi mùa đông đến thì tiếng cọc cạch của chiếc máy may cũ kỹ trong nhà tôi không bao giờ ngừng nghỉ. May mà sau này xã hội thay đổi, nếu không anh em tôi có thể sẽ không được đến trường đến lớp.

Tôi nhớ, hồi còn đi học, Mẹ sợ chúng tôi thi không được lên lớp, nên mỗi khi kỳ thi đến, tôi thấy mẹ đối trước tượng Quán Thế Âm Bồ Tát đốt hương lâm râm cầu nguyện, mong sao cho chúng tôi vượt qua kỳ thi dễ dàng. Lúc đó tôi còn nói với mẹ mê tín như vậy thì được ích gì, mẹ liền mắng tôi: “Đừng nói tầm bậy! Tâm thành tắc linh. Con nói không có ích gì, vậy tại sao có người học giỏi nhưng thi rớt lên rớt xuống? Con không tin thì thôi, chứ Mẹ thì tin lắm!” Nói ra cũng lạ, tôi học thì dốt đặc cán mai, mà hồi đó từ cấp Ι thi lên cấp ΙΙ rất khó, từ cấp ΙΙ lên cấp ΙΙΙ càng khó hơn. Toàn huyện chỉ có một hai trường cấp ΙΙΙ, mỗi trường chỉ lấy có hai lớp, nhưng tôi may mắn được lọt vào một trong hai trường đó, đây có lẽ là lời cầu nguyện của Mẹ tôi đã làm động lòng đến trời cao?

Mẹ xa chúng tôi đã tám năm, thọ 88 tuổi. Mẹ ra đi thật nhẹ nhàng, chẳng đau ốm gì. Ngày nay, lúc nào nhớ Mẹ, tôi đem chuyện Quán Thế Âm Bồ Tát và Mẹ kể cho con mình nghe. Bây giờ nghĩ kỹ lại, những việc làm của Mẹ tôi lúc còn tại thế hình như phảng phất đâu đó hình bóng của đức Quán Thế Âm. Mẹ tuy mù mờ về Phật pháp, nhưng trong lòng Mẹ luôn nghĩ về điều thiện, cho nên những việc Mẹ làm vừa phù hợp với Phật lý, vừa thắm đượm tình người. Đây gọi là “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”; đồng thời cũng chính là nguyên nhân để chúng tôi nhớ sâu sắc về Mẹ.

Thiên Trúc, mùa Vu Lan 2010
Thiện Long – Hàn Long Ẩn dịch

Công Ơn Cha Mẹ

Công Ơn Cha MẹCó một cô bé vì làm quấy nên bị mẹ quở mắng, cô cãi lại mẹ rồi tức giận bỏ nhà ra đi. Cô đi lang thang từ sáng đến tối mà chẳng biết về đâu, bụng đói meo vì không có gì bỏ vào cả, trong túi của cô cũng chẳng có tiền.

Đến gần tối mà cô bé vẫn còn lang thang trên phố. Nhìn vào nhà ở hai bên vệ đường, thấy mọi người quây quần bên bữa cơm tối, tiếng cười nói vui vẻ khiến cho cô càng buồn bã thêm. Bữa cơm gia đình đủ mặt những người thân thật ấm cúng biết chừng nào. Giá như không bỏ nhà ra đi thì giờ này cô đang ngồi ăn tối ở nhà cùng ba mẹ và anh chị em. Nghĩ đến đây cô bật khóc.

Cô bé đi ngang qua một xe mì gõ, nghe mùi thơm phưng phức, bụng cô càng đói cồn cào, chân đang bước bỗng chùn lại. Bác bán mì thấy cô bé mặt mũi tèm lem đứng trước xe mì trông có vẻ đang thèm thuồng lắm. Bác gọi cô lại và hỏi:

– Cháu muốn ăn mì phải không?

Cô bé e dè đáp:

– Vâng, cháu đang đói lắm. Nhưng cháu không có tiền.

Bác bán mì tỏ ra thông cảm:

– Không sao đâu. Bác đãi cháu, cháu hãy vào ngồi đi.

Bụng đang đói, cô bé bưng tô mì ăn ngấu nghiến một cách ngon lành. Ăn xong, cô đứng lên cúi đầu chào bác bán mì và nói lời cảm ơn. Không kiềm được xúc động, cô bé khóc tức tưởi:

– Cháu cảm ơn bác! Bác thật là một người tốt. Bác với cháu không quen biết mà bác lại đối xử với cháu tốt như thế, chẳng như mẹ cháu là người thân của cháu mà lại không thương cháu.

Bác bán mì xoa đầu cô bé nói:

– Cháu không nên nói như thế. Bác chỉ cho cháu một tô mì thôi mà cháu đã cảm kích đến như vậy, trong khi đó mẹ cháu đã cho cháu cả cuộc đời mà cháu không biết ơn của mẹ. Mẹ đã sinh ra cháu, nuôi dưỡng và dạy dỗ cháu, công lao ấy to lớn biết chừng nào, vậy mà chỉ vì một lúc dỗi hờn cháu đã bỏ mẹ mà đi.

Nghe đến đây cô bé bật khóc nức nở:

– Cháu thật vô tâm! Cháu có lỗi với mẹ nhiều lắm.

Cô bé nghĩ, chắc mẹ đang tìm kiếm cô khắp nơi, không gặp cô chắc mẹ lo lắng lắm. Cô vội chào bác bán mì và chạy mau về nhà để nói với mẹ lời xin lỗi.

Về đến nhà, cô đã thấy mẹ đứng trước cổng chờ cô. Vừa trông thấy con, bà hết sức mừng rỡ chạy đến ôm cô vào lòng và khóc:

– Từ sáng đến giờ con đi đâu để mẹ tìm khắp nơi mà không gặp. Con có biết mẹ lo lắng lắm không?

Cô bé òa lên khóc và nói lời xin lỗi mẹ:

– Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ! Từ nay con sẽ vâng lời mẹ. (Kể theo Cửa sổ tâm hồn)

BÀI HỌC ĐẠO LÝ:

Cha mẹ là người có công ơn to lớn đối với chúng ta, là người gần gũi, thân thiết và yêu thương chúng ta hơn ai hết. Cha mẹ đã sinh thành, nuôi khôn lớn và dạy dỗ chúng ta nên người, biết bao công lao khó nhọc không thể kể hết. Nếu không có cha mẹ làm sao chúng ta có mặt trên cuộc đời này.

Thế mà vì những giận hờn nông nổi, có người đã phủi ơn cha mẹ một cách mau chóng, hoặc vì chạy theo bóng sắc, tiền tài mà lắm người quên bỏ cha mẹ của mình. Không ít những đứa con chỉ vì không được cha mẹ chìu lòng hoặc bị cha mẹ rầy la quở trách mà tự vẫn hay bỏ nhà đi hoang, ôm niềm oán hận cha mẹ. Không ít những đứa con vô tâm chỉ biết làm cho cha mẹ lo lắng, buồn khổ bằng những hành vi sai trái như lười biếng học hành, tập tành ăn chơi hưởng thụ, sống đua đòi theo chúng bạn… Nhưng dù con ngoan hay hư hỏng thì cha mẹ vẫn dành cho con sự bao dung và thương yêu vô bờ.

Khi có ai đó dành cho ta tình cảm tốt đẹp hoặc giúp đỡ ta điều gì, ta hết sức cảm kích và tỏ lòng biết ơn. Nhưng công ơn cha mẹ đối với ta như trời cao biển rộng thì ta lại không để ý. Mấy ai tự xét lại mình đã làm được những gì để đáp đền công ơn cha mẹ. Mình đã làm gì cho cha mẹ được vui? Mình đã làm gì để cha mẹ tự hào? Mình đã quan tâm chăm sóc cha mẹ chu đáo về đời sống vật chất lẫn tinh thần hay chưa?

Chỉ khi làm cha mẹ, chúng ta mới hiểu hết tình thương yêu và những vất vả nhọc nhằn của cha mẹ. Cho nên Đức Phật dạy, muốn báo hiếu cho cha mẹ đầy đủ và ý nghĩa nhất thì ngoài việc kính yêu, hết lòng chăm lo phụng dưỡng cha mẹ, chúng ta cần phải biết hướng cha mẹ làm điều lành, kính tin Tam bảo, tu tập Chánh pháp để tạo an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai, có như thế mới mong đáp đền công ơn cha mẹ.

Phan Minh Đức

Tôi Là Phật Tử

Tôi Là Phật TửQuê hương tôi nằm trên vùng biển xanh cát trắng Nha Trang. Từ nhỏ, mấy chị em tôi đã được mẹ đưa về chùa làm lễ quy y, trở thành Phật tử.

Chúng tôi thường được mẹ dẫn đi chùa, mẹ khuyến khích mấy chị em tôi ai học thuộc kinh Bát Nhã, chú Đại Bi thì sẽ có thưởng. Thằng em thứ ba của tôi rất thông minh, học giỏi nên chỉ trong ba ngày, nó đã thuộc và “trả bài’’ vanh vách. Còn tôi thì ì ạch lắm mới thuộc được kinh Bát Nhã. Với chú Đại Bi thì ôi thôi, chữ nào vô được trong đầu thì ngày sau nó cũng tìm đường chui ra. Tôi chẳng có hứng thú gì với những dòng chữ Phạn khô khan, khó hiểu ấy cả. Thế rồi tôi bỏ luôn không học nữa.

Ba tôi thường dạy cho chúng tôi hát những ca khúc Phật giáo. Tôi còn nhớ một số bài hát mà mấy cha con đã từng hát thật say sưa. Có lẽ đây là quãng thời gian êm đềm, hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi.

Sau năm 1975, ba tôi rời thành phố Nha Trang khăn gói lên đường đi kinh tế mới. Thấm thía lẽ vô thường, sự thăng trầm của cuộc đời, cùng với những hiểu biết giáo pháp của Đức Phật, ba phát tâm ăn chay trường, sống thiểu dục tri túc, thực hành hạnh từ bi nhẫn nhục… cho đến tận bây giờ.

Mẹ con chúng tôi ở nhà, giữa cái thời bao cấp đầy khốn khó, tiền lương của mẹ không đủ sống nên một mình mẹ xoay xở đủ cách để nuôi bốn đứa con. Tôi cũng tìm cách đi bỏ kẹo, thắt lá buông phụ giúp gia đình… Chị em chúng tôi cũng dần dần lớn lên dưới đôi tay yếu ớt nhưng tràn đầy tình yêu thương và nghị lực của mẹ.

Học xong 12, tôi thi vào sư phạm. Ra trường, đi dạy xa nhà rồi lập gia đình. Chồng tôi cũng là giáo viên. Hai đứa con lần lượt ra đời. Vâng lời mẹ, tôi có thỉnh tượng Bồ tát Quan Âm về thờ và thắp hương hàng đêm. Nhưng thực ra, trong tôi chỉ có một niềm tin mù mờ, xa vời. Làm giấy tờ hoặc kê khai lý lịch viên chức ở mục tôn giáo, tôi luôn luôn ghi chữ “không’’. Tôi luôn cảm thấy bất an, lo sợ người ta biết nhà tôi thờ Phật, vì bấy giờ tôn giáo tín ngưỡng gần như bị liệt vào “tiêu cực và mê tín dị đoan”. Cùng với những vất vả thiếu thốn, phải hơn thua, giành giựt với đời để mưu sinh làm cho tôi càng ngày càng xa rời mái nhà tâm linh Phật giáo…

Trong vòng xoáy hơn thua của cuộc đời, đôi khi tôi cảm thấy nghẹt thở, mỏi mệt và kiệt sức. Nhiều lần, nhìn tôi vô minh khổ đau tranh chấp với đời, ba tôi đem giáo pháp của Đức Phật ra giáo hóa, mong tôi sớm thức tỉnh để tu hành nhằm chuyển hóa khổ đau. Nhưng vì lưới vô minh và lòng tham lam, đố kỵ bao phủ nên những gì ba nói đều làm tôi khó chịu. Khi ba tôi giảng: “Mọi khổ đau hay hạnh phúc trên thế gian này đều là giả’’, tôi phản ứng liền. Tôi cho rằng ba sống không thực tế, những điều ba nói là viễn vông, không thực trong xã hội đầy bon chen hiện nay.

Nghe tôi nói, ba buồn vì biết tôi còn quá vô mình và nhiều ngộ nhận. Ba dỗ dành: “Nếu con quá bận rộn thì hãy chọn một pháp môn phù hợp với hoàn cảnh bận rộn, đó là pháp môn Tịnh độ. Đây là con đường hay nhất để giúp con giải thoát”. Sau đó, ba đưa cho tôi quyển kinh Vô Lượng Thọ và sách Tây Phương Du Ký. Tôi về xem qua rồi… cất luôn vào tủ, chẳng mảy may ngoái nhìn. Tôi thấy những điều này sao quá hoang đường, vu vơ, không thật, giống như truyện cổ tích. Và tôi vẫn tiếp tục lao theo dòng xoáy vô minh tham đắm với đời .

Thỉnh thoảng, tôi cũng có đi chùa cầu nguyện gia đình bình an, con cái học giỏi, phát lộc phát tài. Dù chưa thật sự có niềm tin vào Phật pháp nhưng vì lòng tham, lo sợ mất phước nên tôi cứ làm cho chắc, biết đâu được Phật linh thiêng độ trì cho gia đình.

Tôi phung phí hơn nửa đời người vào những cuộc ăn chơi, giành giật, bon chen, ích kỷ, thị phi triền miên. Để rồi, hằng đêm, tôi luôn luôn phải thao thức, trăn trở, vật vã vì những cái hơn thua, được mất đầy phù du, ảo vọng. Ngoảnh lại đời mình, một chuỗi dài những nhọc nhằn, khắc khoải, toan tính, lo âu. Lắm lúc tôi tự hỏi: Con người sinh ra để làm gì? Tôi sinh ra để làm gì? Phải chăng là để cùng nhau trải nghiệm, thi thố, thể hiện năng lực đấu tranh sinh tồn? Để rồi mai này, khi sức tàn lực kiệt, con người lại trở về hư vô hay sẽ trôi lăn về đâu? Cuộc đời sao thật là vô nghĩa!

Một “Phật tử’’ như tôi đã sống như vậy đó.

Nhưng rồi, một lần tình cờ tôi đọc được những bài viết trên chuyên mục “Những chuyện kì bí của thế giới tâm linh’’ của tác giả Hoàng Anh Sướng trên báo Thế Giới Mới kể những cuộc tìm mộ liệt sĩ, tìm mộ người thân của các nhà ngoại cảm. À, thì ra đâu phải chỉ có thế giới duy vật là duy nhất hiện hữu quanh ta.

Tôi bắt đầu chịu khó gồng mình đọc quyển sách Sống Chết Bình An của Đại sư Sogyal Tây Tạng do mẹ tôi đưa. Càng đọc tôi càng ngạc nhiên. Tôi đọc lại lần thứ hai rồi lần thứ ba. Tôi tò mò vào mạng kiếm tìm và bắt gặp được trang “Chết và tái sinh’’. Tôi bắt đầu cảm nhận một điều gì đó khác lạ và sự đấu tranh tư tưởng về một thế giới sau cái chết là có thật.

Một lần đi chùa, một cô Phật tử đưa tôi xem tờ báo Tiền Phong nói về trái tim xá lợi của Bồ tát Thích Quảng Đức. Tôi thấy là lạ và ngạc nhiên. Về nhà lên mạng tìm hiểu thêm, tôi khám phá ra những trang web có liên quan, thấy có nhiều điều mà từ trước đến nay tôi chưa hề biết đến. Thế là từ đó, rảnh rỗi giờ nào là tôi lao vào mạng. Tôi say sưa tìm, nghe, đọc trong niềm thích thú đam mê cứ như thể mình tìm được một báu vật linh thiêng giải đáp mọi thắc mắc và hồ nghi trong tâm của mình.

Một hôm, vừa làm việc, vừa mở trang “Thư viện Phật giáo” và nghe cuốn băng “Khuyên người niệm Phật’’ của cư sĩ Diệu Âm. Nghe tới đâu tôi sửng sốt, bàng hoàng tới đó. Tôi bỏ dở mọi công việc, tìm lại cuốn kinh Vô Lượng Thọ và Tây Phương Du Ký đang bị bỏ quên trong tủ. Tôi nghẹn ngào: “Con ngu quá ba ơi’’. Nước mắt tôi chan hòa, ân hận. Hơn nữa đời người thấm đau với đời, giờ tôi mới tỉnh ngộ.

Từ đó, tôi tranh thủ từng giây từng phút nghỉ ngơi hiếm hoi để đắm mình say sưa vào các trang web của chùa Hoằng Pháp, A Di Đà thôn, Pháp âm đạo Phật ngày nay, pháp sư Tịnh Không, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, bác sĩ Quách Huệ Trân, các gương vãng sanh… Tôi đọc nghiến ngấu những cuốn sách Tịnh độ mua từ chùa Long Sơn, các hiệu sách lớn ở Nha Trang như kẻ khát gặp được cơn mưa. Giáo pháp của Đức Phật từ bi, trong sáng, trí tuệ, tích cực, mầu nhiệm biết bao. 48 lời thệ nguyện của Từ Phụ A Di Đà đầy yêu thương, bao la và vĩ đại nhường nào. Lòng tôi nở bừng, lan tỏa một niềm phúc lạc vô bờ. Cái mầm Phật pháp héo hắt trong tôi bắt đầu chuyển mình. Kẻ lạc đường đã tìm được địa chỉ cố hương. Cánh cửa giác ngộ trong tôi đã hé mở.

Tôi bắt đầu “tập’’ niệm Phật, sám hối và cầu nguyện vãng sanh khi bỏ báo thân. Nhưng sao tôi cứ thấy lóng ngóng. Lý thuyết tôi đã tạm thông, nhưng thực hành lại thiếu tự tin, không biết mình hành có đúng không? Hồi giờ đi chùa tôi đâu hề biết đến pháp tu này. Tôi phải tìm thầy thôi. Tôi cố tâm tìm hiểu những ngôi chùa Tịnh độ ở Khánh Hòa và phát hiện được chùa Linh Sơn Pháp Ấn cách nhà tôi 20km. Vào một buổi chiều mưa vần vũ nhưng không có giờ lên lớp, tôi độc hành tìm đến chùa. Mình mẩy ướt nhèm. Tim tôi đập rộn rã khi lần theo dốc đá vào chánh điện. Thật phước duyên và diễm phúc, tôi gặp được thầy trụ trì. Ánh mắt từ ái, nụ cười cởi mở của thầy làm tôi hết sức tự tin. Tôi kể lể, dốc hết nỗi lòng mà tâm sự, mà thắc mắc với thầy. Thầy từ bi điềm đạm khai tâm mở trí, hướng dẫn tôi phương pháp hành trì. Trước khi ra về, thầy tặng cho tôi một số sách và băng đĩa Phật pháp. Tôi run run đón nhận “báu vật’’ thầy ban mà lòng vô cùng sung sướng.

Vài ngày sau, thầy gọi điện cho biết: “Ngày nay là ngày tu, nếu sáng nay bận thì chiều hãy đến chùa tu nửa ngày nghe”. Buổi chiều, tôi hồi hộp đến giảng đường, Phật tử về tu đông quá. Mọi người đang tụng kinh Vô Lượng Thọ. Tôi rón rén tìm chỗ ngồi và cảm xúc lắng nghe. Khi đi kinh hành, bước những bước chân đầu tiên trong tiếng “A Di Đà Phật’’ trầm hùng của đại chúng, tôi đã bật khóc vì sung sướng. Nước mắt tôi rơi lã chã theo từng bước chân. Sau bao năm dãi dầu bước chân trên những con đường vô minh tội lỗi, giờ tôi đã tìm được lối đi đầy ánh sáng. Hai dòng chữ hai bên tôn tượng Phật A Di Đà: “Nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật – Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” như tiếng chuông cảnh tỉnh dội vào tâm can. Dẫu biết niệm Phật là phải nhất tâm, nhưng tôi không làm chủ được cảm xúc. Đức Từ Phụ ơi! Đứa con lầm đường lạc lối của Ngài nay đã quay về.

Tôi đã phát hiện chân lý và bước chân vào cửa Đạo như vậy đó.

Bây giờ, tôi đã khác trước rất nhiều. Tín – Nguyện – Hạnh tôi gắng giữ và thực hành. Làm theo lời Phật dạy, giữ ngũ giới, hành thập thiện, buông xả những gì cần buông xả, sám hối các lỗi lầm đã mắc phải. Tôi cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng vô cùng. Tôi cố gắng từ bỏ ngũ dục đã từng hành hạ, làm khổ tôi và tập sống cuộc sống thiểu dục tri túc như ba tôi đã dùng cả cuộc đời của mình mà thực hành. Tôi cũng đã có một đạo tràng ấm cúng để sinh hoạt và tu tập cùng thầy và các bạn đạo. Tôi đã biết quý từng giây từng phút “sống’’ trong hiện tại, cố gắng sửa đổi thân – khẩu – ý tịnh thanh, tâm luôn hướng về Đức Từ phụ A Di Đà, mong mỏi một ngày nào đó được trở về cố hương.

Giờ đây, mỗi khi làm giấy tờ, kê khai ký lịch, tôi có thể tự hào và hãnh diện viết vào mục tôn giáo: Phật giáo. Mỗi khi mặc bộ đồ lam đi chùa, tôi vô cùng sung sướng, hạnh phúc. Cầm lá cờ Phật giáo ngũ sắc, lá cờ của Bi – Trí – Dũng trong mỗi dịp lễ Phật đản, lòng tôi lâng lâng nhẹ nhàng. Vì một lẽ hết sức giản đơn: Tôi là Phật tử.

Diệu Túy