Học Làm Người

Học Làm  NgườiĐại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền học thạc sĩ, rồi lại học tiến sĩ, sau nhiều năm đèn sách cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.

Một hôm người đệ tử này trở về, thưa với Đại sư: Thưa thầy nay con đã có học vị tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa? Ngài Tinh Vân bảo: Học làm người, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.

Thứ nhất, “học nhận lỗi”. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.

Thứ hai, “học nhu hòa”. Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta lại mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại dài lâu được. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.

Thứ ba “học nhẫn nhục”. Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên biển lặng, lùi một bước thì biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.

Thứ tư “học thấu hiểu”. Thiếu thấu hiểu lẫn nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?

Thứ năm, “học buông bỏ”. Cuộc đời như một chiếc va li, lúc cần dùng thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống lại không đặt xuống, cũng như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới có thể tự tại được!

Thứ sáu “học cảm động”. Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.

Thứ bảy “học sinh tồn”. Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.

Theo Đại sư Tinh Vân, Liên Hải dịch

Bài học đạo lý: Cái học tích lũy kiến thức, thành tựu bằng cấp tuy khó nhưng không khó bằng cái học chuyển hóa những tập khí bất thiện của chính bản thân mình để trở nên hoàn thiện, học làm người. Đúng như lời của Đại sư Tinh Vân: “Học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được”.

Một người dù có bằng tiến sĩ hay không có bằng cấp gì cũng đều phải học làm người. Đó chính là sự tu tập, khả năng tự trị liệu và chuyển hóa. Theo Đại sư Tinh Vân, trước cần học nhận lỗi. Lỗi lầm là điều không ai có thể tránh khỏi. Nhận ra lỗi lầm và chịu trách nhiệm về nó chính là sự tiến bộ lớn. Kế đến là học nhu hòa, tức sự khiêm tốn, hạ mình nhằm thiết lập sự hòa ái, sống chung an lạc. Tiếp theo là học nhẫn nhục. “Một điều nhịn chín điều lành”. Nhẫn nhịn và kiềm chế được trước nghịch cảnh mới là người có sức mạnh thật sự, vạn sự lành đều xuất phát từ đây. Quan trọng hơn là học thấu hiểu. Vì chỉ có thấu hiểu mới hình thành cảm thông và thương yêu. Nhờ thấu hiểu nên người ta sẽ bớt cố chấp, dễ dàng buông bỏ, hỷ xả và bao dung. Học buông bỏ những gì đáng buông bỏ để cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Đặc biệt là học cảm động, rung động trước khổ đau, bất hạnh và sẻ chia thành công, vui mừng với người khác. Từ bi hỷ xả là những chất liệu nuôi lớn tình thương trong ta và mọi người. Cần thiết nhất là học cách sống lành mạnh để thân khỏe; thân khỏe thì tâm mới an và làm được những gì cần làm.

Những lời dạy học làm người của Đại sư Tinh Vân thật giản dị mà vô cùng thiết thực và lợi ích. Cuộc sống sẽ trở nên nhiệm mầu, an vui và hạnh phúc khi mỗi người đều quan tâm đến việc tự hoàn thiện mình bằng cách nỗ lực trong việc học làm người.

BẠCH VÂN (Theo giacngo.vn)
Ảnh trên: Đại sư Tinh Vân

HỌC LÀM NGƯỜI
(Cảm tác theo lời đại sư Tinh Vân dạy đệ tử đã có học vị Tiến Sĩ)

Học Nhận Lỗi vừa lòng mọi người
Hai bên đều cảm thấy vui tươi.
Không hờn – hỷ xả thân ta khỏe
Còn gặp lại nhau với nụ cười.

Học Nhu Hòa sống với tha nhân
Nói chuyện dịu dàng bao kẻ thân.
Mọi việc dễ dàng người cảm mến
Thành công toại nguyện khỏe tinh thần.

Học Nhẫn Nhục không thành lớn chuyện
Việc gì còn đó sẽ bàn sau.
Không tranh giành lớn tiếng giọng cao
Làm hỏng việc mất tình hoà khí.

Học Thấu Hiểu thông cảm rất quý
Biết nhau hơn giúp đở tận tình.
Không tranh chấp những chuyện linh tinh
Sống thuận hòa không còn đố kỵ !

Học Buông Bỏ chẳng nặng hành lý
Sống tự tại không tham muốn nhiều.
Hỷ xả – tâm an tuổi xế chiều!
Ra đi thanh thản không buồn tiếc..!

Học Cảm Thương nhìn người chằng biết
Cảm thông an ủi thật chân tình.
Đem lòng nhân đối xữ công minh
Cứu mạng sống thêm nhiều phước báo!

Học Sinh Tồn hiểu đường trung đạo
Tập dưỡng sinh ăn uống thích nghi.
Vui hiện tại trên mỗi bước đi
Giúp tha nhân với tâm từ ái!

Minh Lương Trương Minh Sung
Cali. ngày 26 / 10 / 2010

Niệm Phật Thoát Nạn Chết Đắm

Niệm Phật Thoát Nạn Chết ĐắmCư sĩ Ngô Doãn thăng, tự Thường Đạo người huyện Hấp ở Huy Châu. Lúc tuổi trẻ ông thường đi lại mua bán nơi vùng Tô, Hàng. Trong cuộc du ngoạn chùa núi Hổ Khâu, một vị Tăng tình cờ gặp mặt ông nhìn kỹ đoạn bảo: “Ngươi cũng có căn lành, song tiếc vì lúc hai mươi chín tuổi bị nạn chết đắm, biết làm sao?”.

Doãn Thăng nghe nói sợ hãi, cầu thỉnh phương pháp giải cứu. Vị Tăng trầm ngâm giây lát rồi dạy: “Từ nay trở đi, ngươi phải giới sát phóng sanh. Mỗi ngày đều nên chí thành trì chú Đại Bi và niệm Phật, may ra có thể thoát khỏi!”. Doãn Thăng tin nhận thật hành, lại thường đem điều này khuyên người.

Đến năm hai mươi chín tuổi, cư sĩ từ Hàng Châu nương thuyền trở lại quê nhà. Bạn đồng hành được tất cả mười bảy người. Khi thuyền trương buồm ra đi độ vài mươi dặm, ngọn thủy triều chợt ầm ầm xô đến, sóng to nổi dậy thế rất nguy cấp. Doãn Thăng chợt nhớ lời vị Tăng nói khi trước, vội chấp tay niệm Phật.

Giây phút thuyền lật úp, ông và tất cả hành khách đều bị cuốn lôi theo sóng nước. Trong cơn hoảng hốt mơ màng, bỗng nghe tiếng nói: “Ngô Doãn Thăng khuyên người niệm Phật có công, được thoát khỏi nạn này!”. Cư sĩ vội mở mắt nhìn xung quanh thì thân đã nằm trên bờ, bên mình có những người chài lưới đang vực tỉnh. Kiểm điểm lại, mũ giày hành lý đều bị nước tuôn mất hết, duy có xâu chuỗi mười tám hạt bình nhật thường trì niệm hãy còn nắm chắc nơi tay. Còn mười sáu người kia đều bị trôi chìm không thấy tung tích.

Từ đó ông càng tin công đức niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn! Cư sĩ không trở về quê, ở lại mở ngôi quán xem tướng, mượn nhân duyên này để nói lý nhân quả, khuyên người tu niệm.

Sau cơn hoạn nạn, Doãn Thăng hành trì càng tinh tấn. Ông đều liều hương nơi cánh tay thành bốn chữ “Cầu sanh Tâyphương” để nêu rõ hạnh nguyện của mình. Người ở Hàng Châu theo di phong của Tổ Liên Trì, phần nhiều đều tín hướng pháp môn niệm Phật. Song những kẻ thật hành, lại là người già cả, không có hạng thiếu niên.

Mỗi tháng họ tập họp lại chùa niệm Phật, gọi là Lão Nhi Hội. Sự tập hợp cũng không dám đi đông nhiều, vì sợ bị hiềm nghi là dị giáo mưu đồ chánh trị. Doãn thăng khẳng khái tuyên bố với mọi người: “Môn niệm Phật không phân biết nam nữ già trẻ sang hèn. Đạo Phật là chánh giáo được triều đình mến ưa công nhận, tại sao lại phải e sợ?”. Lúc ấy Diên Kiểm Điền, một quan chức quyền quý, đang chủ duyệt kiểm tra về thuế muối ở Hàng Châu, cùng cư sĩ có tình cựu hảo. Nhân cơ hội, ông mở cuộc lạc quyên, trước tiên đến Diên công được ngài góp vào hai trăm lượng vàng để làm thủ xướng.

Với số tiền quyên được, cư sĩ đặt thành quỹ phương tiện thâu lợi tức nhẹ mở mang hội niệm Phật tại chùa Bảo Thành ở núi Tử Dương và làm các việc từ thiện. Mỗi khi gặp ngày hội kỳ, ông vì quần chúng giảng giải Phật pháp, nói lý nhân quả. Kẻ chưa phát tâm khuyên tinh tấn tu niệm. Cư sĩ lại mở thêm chi hội nơi chùa Tiên Lâm ở trong thành cùng các chỗ khác để khuyến hóa. Kẻ tin tưởng niệm Phật ngày càng đông có đến số ngàn. Mỗi khi tập hợp, tất cả đều nghiêm trang kính cẩn, không buông lung rộn ràng huyên náo.

Tượng Tam Thánh cao một trượng sáu nơi điện Tây phương tại chùa Tiên Lâm, cũng do người trong hội kiến tạo. Một buổi sáng đang lúc tập hợp niệm Phật, đại chúng thấy từ trong mũi tượng Đại Thế Chí Bồ tát phóng ra một đạo bạch quang bay vòng quanh nơi điện đình hơn vài khắc mới tan mất.

Từ đó ở thành Hàng Châu phong thái niệm Phật thạnh hành. Các vùng xung quanh cũng được ảnh hưởng cảm hóa, trẻ già trai gái tay cầm tràng, miệng niệm Phật, là chuyện thông thường không còn xa lạ. Danh hiệu Doãn Thăng đàn bà con trẻ đều biết. Mỗi kỳ hội, các nơi thay phiên nhau thỉnh cư sĩ đến din giảng. – Tây Hồ có chùa Linh Phong, nguyên là di tích của Phục Hổ thiền sư, hư phế đã lâu.

Trong niên hiệu Đạo Quang năm đầu, Doãn Thăng phát nguyện trùng hưng, tu tạo vài năm mới lạc thành. Cư sĩ mãn phần lúc sáu mươi sáu tuổi. Khi lâm chung ông giữ chánh niệm phân minh, tự nói: “Tôi thấy vô số Bồ tát đi kinh hành ở trước mặt!”. Rồi ngồi ngay lặng lẽ mà hóa. Bấy giờ nhằm ngày mùng một tháng năm, niên hiệu Đạo Quang thứ chín.

Lời Bình:

Doãn Thăng niệm Phật chỉ mong khỏi nạn, nhưng lại cảm điềm lành tốt lúc lâm chung. Thế thì ai bảo: “Công đức niệm Phật duy có lợi ích sau khi mãn phần ư?”. Xem gương trên, hai vị đều gắng sức thật tu, tin chắc không đổi. Người đời nay đem công phu chút ít, cầu lợi ích quá phần, đến khi thấy vô hiệu, trở lại cho rằng Phật pháp không linh nghiệm, rồi bỏ hết việc tu hành há chẳng đáng ngậm ngùi thương tiếc lắm ư!

Trích Mấy Điệu Sen Thanh
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Càng Bịnh Càng Tinh Tấn Niệm Phật An Nhiên Qua Đời Thân Thể Đẹp Hơn Lúc Sống

Càng Bịnh Càng Tinh Tấn Niệm Phật An Nhiên Qua Đời Thân Thể Đẹp Hơn Lúc SốngCư sĩ Ổ Dư Khánh thời Dân Quốc người huyện Phụng Hóa tỉnh Triết Giang tánh tình trung hậu, thuần phác. Năm Dân Quốc 35 (1946) ông đến Ðài Loan kinh doanh xưởng phụ tùng xe hơi Quốc Quang & xưởng dụng cụ giao thông Trung Lập khá thành công. Năm Dân Quốc 56 (1967) ông được đồng hương rủ đến chùa Pháp Hoa ở Ðài Bắc nghe hòa thượng Tịnh Không giảng kinh ông liền theo học Phật, tiếp nhận sự un đúc của Phật Pháp. Ông quy y với lão hòa thượng Quảng Khâm ở Thổ Thành và trưởng lão Sám Vân ở Thủy Lý, thọ trì Tam Quy, Ngũ Giới.

Mùa Ðông năm Dân Quốc 67 (1978), ông đến chùa Vĩnh Minh ở núi Dương Minh để thọ giới Bồ Tát tại gia. Ông nghiêm trì giới luật, chuyên tu Tịnh nghiệp, niềm tin vững vàng, ý nguyện thiết tha cầu sanh Tây Phương. Ông thường cúng Tam Bảo, phụng sự sư trưởng, bố thí làm phước chẳng tiếc sức lực. Ông cùng các liên hữu thành lập Phật Giáo Tịnh Nghiệp Lâm ở Tam Giáp Hoành Khê. Ông được cử làm Lâm Trưởng (người đứng đầu Tịnh Nghiệp Lâm), lãnh đạo đại chúng cùng trụ trong Lâm để cùng tu.

Mùa Hạ năm Dân Quốc 70 (1981), vì bịnh tật, ông phải về nhà chữa trị, nhưng niệm Phật càng thêm tinh tấn chẳng lười. Ðầu tháng Ba năm Dân Quốc 72 (1983), chợt ông bị bí đường tiểu tiện, trị liệu cách nào cũng vô hiệu, phải đưa vào bịnh viện Trung Hưng ở thành phố Vĩnh Hòa để chữa. Tuy đau đớn tột bậc, trong tâm ông vẫn niệm Phật chẳng ngớt. Ngày hai mươi mốt tháng Ba, ông chợt bảo người con trưởng đang trông bệnh rằng:

– Từ ngày mai các con đừng có đi đâu!

Ngày hôm sau, gần trưa, bác sĩ đến khám toàn thân, thấy tất cả đều bình thường, dặn dò ông phải nghỉ ngơi chu đáo, ông Ổ bảo:

– Hiện tại tôi rất thoải mái, cảm ơn ngài!

Lát sau, ông bảo đứa con gái út nâng đầu giường lên cao hơn, kê gối cho ông dựa. Cô hỏi:

– Có chuyện gì làm ba không được thoải mái hả?

– Không có!

Ðúng mười một giờ trưa, ông chợt mỉm cười, hai đùi chợt khép sát vào nhau, hai tay giở lên như thể đang co chân ngồi dậy, chắp tay; há miệng niệm Phật mà qua đời, thọ bảy mươi tư tuổi. Toàn thể quyến thuộc đều vây quanh cao giọng trợ niệm. Trưởng lão Sám Vân và các vị pháp sư, cư sĩ và đạo sư của Tịnh Nghiệp Lâm, lâm hữu v.v… cũng theo nhau đến, tính ra hơn bốn mươi người luân phiên trợ niệm. Ðến khoảng sáu giờ tối, toàn thân đều lạnh, chỉ còn mỗi đảnh đầu là ấm.

Trợ niệm đến chín giờ rưỡi mới bắt đầu rửa ráy, thay áo. Vì tứ chi của ông đã cứng đờ nên trưởng nữ dùng khăn nóng ủ lên hai khủy tay, chợt ngửi thấy mùi hương thanh khiết bốc ra từ hai tay áo ông. Ngày hôm sau đại liệm, hai tay ông mềm mại, những vệt đen trên mặt biến đâu hết, vẻ mặt ông vui tươi đẹp đẽ hơn lúc sống.

Từ lúc ấy, dù ngày hay đêm, quyến thuộc đều nghe trên không có tiếng niệm Phật, cho đến lúc pháp hội Niệm Phật bốn mươi chín ngày đã nghỉ rồi vẫn nghe có tiếng niệm Phật từ phương Tây vẳng tới.

(theo tạp chí Huệ Cự, bộ 22, kỳ 9)

Nhận định:

Một phen nghe giảng kinh liền theo Phật môn, thọ trì Tam Quy, Ngũ Giới, chuyên tu Tịnh nghiệp, đấy chính là căn lành từ bao kiếp thành thục.

Lập Tịnh nghiệp lâm để cộng tu là người tự lợi, lợi tha. Càng bịnh càng tinh tấn là mượn bịnh để tiềm tu. Chợt dặn dò ngày mai đừng đi đâu là biết trước thời khắc.

Mỉm cười chắp tay ắt là thấy Phật hiện đến tiếp dẫn. Khiến cho quyến thuộc thường nghe tiếng niệm Phật từ phương Tây vẳng lại để họ biết là mình đã vãng sanh trong thượng phẩm, nhằm khiến họ đều tín nguyện sanh Tây. Phàm những ai tuổi già lắm bệnh, xin hãy bắt chước ông tinh tấn!

Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập

Vị Cư Sĩ Vừa Giảng Xong Kinh A Di Đà Liền Từ Biệt Mọi Người Tọa Hóa Vãng Sanh

Vị Cư Sĩ Vừa Giảng Xong Kinh A Di Đà Liền Từ Biệt Mọi Người Tọa Hóa Vãng SanhCư sĩ Lý Ngoa, tự Tế Hoa thời Dân Quốc, người huyện Như Cao tỉnh Giang Tô; tốt nghiệp từ Trắc Hội Học Ðường (Trắc Hội Học Ðường: trường dạy ngành đo lường, vẽ bản đồ.)

Năm Dân Quốc thứ nhất (1911), ông được cử về làm việc ở Trắc Lượng Cục của Lục Quân, gia nhập Ðồng Minh Hội. Khi cách mạng lần thứ hai thất bại, ông bị tống giam; lúc sắp bị xử tử, ông được người cứu khỏi, được phóng thích. Tuy vẫn phục vụ trong quân ngũ, nhưng ông ăn chay niệm Phật, dù nóng hay lạnh vẫn chẳng gián đoạn.

Từ chiến dịch Bắc Phạt trở về, ông từng đảm nhiệm các chức vụ: nghị trưởng huyện nghị hội và cục trưởng các cục kiến thiết, tài chánh v.v…

Mùa Xuân năm Dân Quốc 22 (1933), ông quy y Ấn Quang đại sư, được đặt pháp danh là Trí Thoát. Từ đấy, ông chuyên tu Tịnh nghiệp, thời khóa sáng tối đều tụng một cuốn Di Ðà, niệm Phật cả vạn tiếng. Ông nghiên cứu sâu sắc kinh điển Ðại Thừa, hạnh lẫn giải đều sâu, hoằng dương Tịnh Ðộ, khuyên người niệm Phật cầu sanh Tây Phương, trọn đời chẳng lười nhác.

Sau khi qua Ðài Loan, ông sáng lập Liên Hữu Niệm Phật Ðoàn ở Ðài Bắc, soạn cuốn Phổ Khuyến Tịnh Nghiệp Ðồng Nhân Phát Khởi Tổ Chức Trợ Niệm Vãng Sanh Ðoàn Văn để đề xướng việc trợ niệm.

Ngày hai mươi lăm tháng Hai năm Dân Quốc 51 (1962) là ngày pháp hội định kỳ của Niệm Phật Ðoàn, ông lãnh chúng niệm Phật. Sau bữa ăn trưa, ông giảng đại ý kinh A Di Ðà. Ðến hai giờ năm mươi phút giảng xong, ông từ biệt đại chúng:

– Tôi sắp đi rồi, mọi người hãy chăm chỉ niệm Phật!

Rồi ông tọa hóa giữa tiếng niệm Phật của đại chúng. Ðúng ba giờ năm phút, tay ông kết Di Ðà ấn như đang nhập Thiền Ðịnh. Ngày hôm sau, nhập liệm, toàn thân ông mềm mại, vẻ mặt như còn sống. Ngày mồng Bốn tháng Ba trà tỳ, thu được rất nhiều xá lợi, thọ bảy mươi chín tuổi.
(theo Lý Tế Hoa Cư Sĩ Di Tập và các báo Liên Hợp, Dân Tộc v.v…)

Nhận định:

Ấn Quang đại sư nói:“Chịu giúp người tịnh niệm vãng sanh thì cũng sẽ được hưởng báo có người trợ niệm!”. Ông Lý sáng lập Liên Hữu Niệm Phật Ðoàn, đề xướng trợ niệm nên được liên hữu đại chúng trợ niệm vãng sanh.

Ngôn giáo chẳng bằng thân giáo nên ông chọn đúng vào lúc pháp hội định kỳ để tọa hóa, ngõ hầu đại chúng cùng thấy cùng tin, gấp gáp bắt chước theo đồng sanh Tây Phương vậy!

Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập