Niệm Phật Cứu Chủ Khỏi Đọa Địa Ngục

Niệm Phật Cứu Chủ Khỏi Đọa Địa NgụcThuở xưa, tại quận Ninh Ba có tên Trương Mân, cha mẹ khuất sớm, côi cút một mình, nương náu với bà con cho qua ngày tháng, sau đến làm mướn với người phú hộ ở cách làng, chuyên nghề bện dép lác.

Thường bữa sớm mai, chàng gánh giỏ đi cắt lác, hay đi ngang qua trước một cảnh chùa, nghe các sãi công phu, chuông trống inh ỏi. Lần nào chàng cũng để giỏ trước cửa chùa, vào xem một lát rồi mới đi.

Hòa thượng thường thấy như vậy, nên một bữa nọ, Ngài kêu chàng mà hỏi rằng: “Nhà ngươi muốn tu hay sao mà ngày nào cũng thấy đến đây?”

Trương Mân nghe Hòa thượng hỏi mấy lời, liền chấp tay thưa rằng: “Bạch thầy! Con muốn lắm, nhưng con là đứa ở đợ với người , không biết tính làm sao mà tu cho được”.

Hòa thượng nói: “Hễ muốn là được, sự tu hành chẳng luận là chủ hay đầy tớ, và cũng chẳng cần người ở am tự hay kẻ tại gia, hễ có lòng thành thì gặp cảnh ngộ nào cũng tu được cả. Như nay ngươi đang ở đầy tớ cho người, nếu ngươi có chí muốn tu thì ta dạy một cách rất dễ dàng , miễn ngươi chí thành thì có hiệu nghiệm”.

Trương Mân nghe nói rất mừng, liền quỳ xuống đảnh lễ mà thưa rằng: “Xin nhờ ơn thầy chỉ giáo dùm cho đề tử!”.

Hòa thượng nói: “Ngươi cứ về tập ăn chay lần lần, trước ăn chay kỳ, sau sẽ ăn trường và giữ năm điều cấm cho tinh nghiêm, rồi cứ thường ngày niệm sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”. Mỗi khi niệm Phật phải chuyên tâm chú ý, đừng cho xao lãng lúc nào, thì cả đời ngươi sẽ được bình yên , mà đến lúc lâm chung lại được siêu sinh về Tịnh độ nữa”.

Trương Mân nghe sư ông dạy bảo mấy điều thì hết sức vui mừng, bèn bái tạ thầy rồi về nhà cứ y theo lời dạy, thành tâm phát nguyện ăn chay trường và mỗi bửa thường niệm Phật.

Chàng lại đan một cái giỏ bằng tre để trước mặt, mỗi khi niệm Phật một biến, thì ngắt một cọng lác bỏ vào giỏ ấy, như lần một hột chuỗi bồ đề vậy.

Mỗi khi cọng lác đầy giỏ, chàng liền xách đến chùa bạch cùng Hòa thượng, rồi đem ra trước bàn Địa Tạng vái đốt, cứ chí tâm làm như vậy được mười năm.

Một bữa nọ, ông chủ của Trương Mân bị đau chứng ung thư phát thối, người nhà đi tìm rước đủ lương y cứu chữa, nhưng bệnh đã không thuyên giảm chút nào mà càng ngày lại càng nặng.

Một hôm, ông nằm chiêm bao thấy quỷ sứ đến bắt ông dẫn về nơi Minh phủ, bị vua Diêm La quở trách và kể hết những tội ác của ông khi ở trên dương thế.

Ông phú hộ nghe Diêm chúa tỏ hết tội của mình, không sót một khoảng nào, thì liền sợ hãi, lạy lục và khóc lóc xin tha thứ cho về dương thế lo tu phước, hòng chuộc tội đã lỡ lầm.

Diêm chúa thấy ông đã ăn năn tự hối và nghĩ đến Trương Mân mỗi khi niệm Phật có cầu nguyện cho ông, nên phán rằng: “Ngươi khi ở trên dương thế đã làm nhiều điều ác đức, cho vay đặt nợ một vốn năm bảy lời, lập mưu này bày kế nọ mà lo chứa tiền của cho nhiều, chẳng thương kẻ khó, lại làm nhiều sự ức hiếp cho người nghèo. Nếu chiếu theo luật Diêm đình mà phán xử, thì phải bỏ nhà người vào rừng kiếm non đao thì mới đáng. Nhưng vì ngươi có một đầy tớ tên là Trương Mân, rất trung tín không ai bì, thường bửa hay niệm Phật, lại có lòng cầu nguyện cho ngươi, nhờ vậy mà ngươi được giảm bớt tội. Nay ngươi nên đền ơn cho nó một ngàn nén bạc, để nó làm những điều từ thiện thì mới được tiêu tội và thêm phước cho ngươi!”

Ông phú hộ nghe vua Diêm la phán dạy như vậy thì mừng rỡ vô cùng, liền giật mình thức dậy. Ông bèn kêu tất cả vợ con đến và thuật lại điềm chiêm bao ấy thì cả nhà nghe nói đều lấy làm kỳ.

Ông bèn kêu Trương Mân nói rằng: “Con đến ở cùng ông đã lâu, không dè con có lòng chí thành, biết ăn chay niệm Phật đến nỗi cảm kích đến Diêm đình, lại thành tâm cầu nguyện cho cả nhà ông được thêm phước thọ. Nay ông còn sống trên dương thế cũng nhờ công đức của con, vậy ông cho con một ngàn nén bạc, tự ý con liệu việc gì làm có phước thiện, thì con lấy bạc ấy dùng!”

Trương Mân nói: “Thưa ông! Con vì nghèo cực, đến ở mướn cùng ông, manh áo bát cơm cũng nhờ ông bảo dưỡng. Con có chút công đức thì đâu xứng đáng cái ơn ấy mà ông cho bạc nhiều như thế! Con thưa thiệt cùng ông! Cách nay 10 năm, con có đến chùa gặp ngài Hòa thượng thương con, dạy cách ăn chay niệm Phật, nên con thành tâm tu niệm lâu ngày và thường cầu nguyện cho ông được phước thọ tăng long, để đền đáp lại ơn cao dày trong muôn một. Đó cũng là bổn phận của con phải làm.

Nếu ngày nay ông vâng lời Diêm vương cho tiền bạc, thì con biết để làm gì. Cha mẹ đã mất, vợ con cũng không nên con không dám nhận. Vậy con xin thưa lại cho ông rõ điều này: Nguyên ngày trước, con vào chùa thường nghe Hòa thượng giảng về sự tu phước và nói rằng việc lập chùa, đúc tượng Phật, bố thí cho kẻ nghèo đói và bắc cầu đắp lộ cho người đi, thì được nhiều phước đức. Con nghe nói cũng muốn làm, nhưng ngặt vì không tiền, nên không thể đạt kỳ sở nguyện. Thôi ngày nay số tiền ông hứa cho con đó, xin để lại lập một cảnh chùa, còn dư bao nhiêu thì ông bố thí cho dân nghèo trong làng và làm một cái cầu bắc ngang sông này cho hành khách qua lại để khỏi bị cái họa đắm đuối, thì con rất vui lòng!”

Ông phú hộ nghe mấy lời của Trương Mân xin, bèn thỉnh Hòa thượng đến chứng minh cho ông phát nguyện ở giữa Phật đài, rồi cách ít lâu bệnh ông lành như cũ.

Khi vừa mạnh, ông liền kêu thợ đến cất một cảnh chùa gần bên nhà ông, để cho Trương Mân ở tu hành, còn dư tiền bao nhiêu thì đem ra bố thí cho kẻ nghèo và bắt cầu đắp lộ, y như lời của ông đã nguyện.


Xét như chuyện niệm Phật của Trương Mân cứu chủ đã nói trên đó, thì biết pháp môn Tịnh độ dễ tu và dễ đặng, lợi cho mình và lợi cho người, thật là một pháp đứng đầu trong Phật pháp.

Nói về phần dễ tu dễ chứng, chẳng những người thượng trí tu được mà thôi, lại hạng người ngu cũng tu được nữa – chẳng những người giàu sang tu được mà thôi, lại hạng người nghèo hèn cũng tu được nữa – chẳng những người thông thả tu được mà thôi, lại hạng người bận việc cũng tu được nữa – chẳng những nhiều người xuất gia tu được mà thôi, lại hang người tu tại gia cũng tu được nữa.

Nếu đã tu được thì chắc rõ cái hiệu quả “Hiện tiền phước thọ, một hậu vãng sinh” quyết không sai chạy một mảy, dẫu cho người nào mỗi bữa niệm Phật mà tán tâm hay vọng tưởng đi nữa thì đời sau cũng được hưởng sự an lạc nơi cõi nhân thiên, chớ không bao giờ bị đọa.

Còn nói về phần lợi mình và lợi người, thì chẳng mình tự tu tự độ lấy mình mà thôi, đến khi người biết thể theo cái bi nguyện của Phật, Bồ tát, mỗi bữa sau khi niệm Phật, nếu chú nguyện cho cha mẹ, ông bà, họ hàng quyến thuộc đang hiện tại hay đã quá vãng rồi, thì phần mấy người đó sẽ được nhờ cái ảnh hưởng ấy, nếu sống thì thêm phước thêm duyên, nếu chết rồi thì cũng đặng siêu sinh về Phật quốc, Thiên đường là khác.

Bởi vậy, cho nên Trương Mân niệm Phật mà người chủ được tha tội hoàn hồn, thì đủ biết cái thần lực diệu dụng của Phật pháp thật là vô lượng vô biên.

Vậy xin ai là người đã có lòng tín ngưỡng theo pháp môn Tịnh độ, không nên lấy chỗ chưa nghe chưa thấy của mình mà cho là hoang đường, rồi khinh thị hai chữ “Niệm Phật” thì uổng lắm.

Trích: Gương Nhơn Quả
Trích lục trong Phật học tạp chí “Từ Bi Âm”

Tọa Thiền Niệm Phật

Tọa Thiền Niệm PhậtA. Mục đích của phương Pháp tọa thiền.

Tọa thiền là một phương pháp rất thông dụng, chẳng những trong đạo Phật mà ở ngoại đạo cũng vẫn có từ xưa.

Tọa thiền tức là ngồi để tham cứu một vấn đề gì. Thế nên, tọa thiền không phải là một phương pháp chứng quả thành đạo, mà là một trong vô lượng phương tiện giúp cho thân được an, để cho tâm không loạn và được chánh niệm chánh quán. Ngoại đạo chỉ chú trọng nơi thân mà không để ý đến tâm, trong khi thật ra, tâm mới là phần chánh, đáng chú trọng hơn cả.

B. Phương pháp tọa thiền.

Phần này chia làm ba:

1. Điều thân:
Thân lúc nào cũng làm duyên trợ cho tâm . Thế nên, nếu thân có những cử động thô thiển, khí lực sôi nổi, và lẽ tất nhiên tâm ý sẽ phù động, do đó khó mà nhập định được. Cho nên, trước khi tọa thiền, cần phải điều hòa thân. Vậy phải điều hòa thân bằng cách nào ?

a. Phải điều dưỡng sự ăn uống: Sự ăn uống đối với thân rất hệ trọng, vì bệnh thường phát sinh do nơi sự ăn uống. Có những thực vật hạp với cơ thể người này, nhưng lại không thể hạp với người kia, và trái lại. Dù sao, không nên dùng những thứ có dầu mở nhiều, tránh những chất hăng, kích thích thần kinh như càfé đậm, rượu, trà đậm, thuốc hút v.v… mà chỉ nên dùng những món ăn sơ sài trong sạch.

Trước giờ tọa thiền không nên ăn quá no mà chỉ ăn vừa đủ,vì nếu ăn quá no sẽ làm mệt dạ dày, ngồi không yên ổn. Không ăn chiều, lẽ tất nhiên là thích hợp đặc biệt với việc tọa thiền niệm Phật.

b. Y phục: Trước khi tọa thiền, phải tắm rửa cho thân thể được sạch sẽ để tránh khỏi ngứa ngấm trong người. Sau đó, trời lạnh thì mặc áo ấm, trời nóng thì dùng y phục mỏng, rộng rãi và sạch sẽ. Đai lưng (lưng quần) lúc nào cũng phải nới rộng ra.

Những điều trên đây giúp cho sự hô hấp dễ dàng và không bị lay chuyển bởi thời tiết.

c. Giữ thân cho được ngay thẳng và vững vàng: (Nghĩa là làm thế nào mà khi quên nó, không nghiêng ngã hay lay động). Muốn được như vậy, chỉ có cách duy nhất là ngồi, vì đi, đứng hay nằm không thể đạt được mục đích vừa nói trên .

Nhưng nếu ngồi mà thòng hai chân xuống, thì khi quên, thân lại cũng không vững. Hơn nữa lúc ở trong nhà, thất có bàn, ghế, giường v.v… thì không nói làm chi, nhưng khi ra ngoài vườn tược, đồng ruộng hay đến núi rừng để tọa thiền, khó tìm ra chỗ ngồi có thể thòng chân xuống được dễ dàng

Thế nên, chỉ có cách rút chân xếp bằng lại, là giúp cho chúng ta ngồi ngay thẳng và vững vàng mà thôi.

d. Cách ngồi: Có nhiều cách ngồi mà hành giả cần phải chọn lựa cho thích hợp với mình.

* Toàn già (cũng gọi là kiết già hay Kim Cang tọa): Gác bàn chân trái lên đùi bên mặt, gác bàn chân mặt lên bàn chân trái, gót hai bàn chân đều phải sát vào bụng.

* Bán già, có hai cách:

– Hàng ma tọa: gác bàn chân mặt trên đùi bên trái (như Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát).

– Kiết tường tọa: gác bàn chân trái lên đùi bên mặt (như Ngài Phổ Hiền Bồ Tát).

Trong ba cách ngồi, khi ngồi phải tập cho đầu gối sát xuống chiếu như nhau, hai mông cùng chịu đều như nhau thì mạch máu không bị cấn, chân không bị tê, cũng không nên dùng nệm quá dày. Một điều nên để ý, là thường lúc ban sơ, khi vừa ngồi kiết già hay nghe một chân nặng, một chân nhẹ. Để sửa chữa khuyết điểm đó, chỉ có một cách là dùng hai tay chống xuống chỗ ngồi để nâng toàn thể thân lên và hạ bên chân hay mông nhẹ xuống trước, bên nặng xuống sau, đôi ba lần thì hai chân hoặc hai mông sẽ đều, không còn cảm tưởng nặng nhẹ nữa.

Tay: Hai bàn tay để ngửa, bàn tay mặt đặt trên bàn tay trái, vừa sát bụng và để nhẹ trên hai bàn chân, hai đầu ngón tay cái đâu lại (Tam Muội ấn)

Phương pháp để bàn tay như vậy, theo cổ đức nói, làm cho điện lực trong thân lưu thông đều đặn, không biến thoát ra ngoài, giúp cho Tâm dễ an ổn.

Lưng: Tay chân đều đâu vào đó rồi, phải lay chuyển thân thể độ ba, bốn lần cho được ung dung và phải giữ xương sống ngay thẳng, chẳng khác nào một cây cột đối với cái nhà. Nếu cột xiêu thì nhà đổ vậy.

Đầu, cổ: Đầu và cổ cũng phải giữ cho ngay, nhưng không được ngước thẳng quá

Mắt: Mắt hơi nhắm lại, để chỉ còn thấy tướng trắng hay sáng bên ngoài mà thôi, đừng mở hẳn sẽ tán loạn; mà cũng đừng nhắm hẳn sẽ bị hôn trầm.

Miệng: Miệng phải ngậm lại, chót lưỡi để trên chân rằng hàm trên, răng phải để cho thong thả, đừng cắn cứng lại, nhờ đó hơi thở sẽ nhẹ nhàng.

2. Điều tức:

Khi thân đã nghiêm chỉnh rồi, bấy giờ hành giả mới bắt đầu thở ra nhẹ nhàng nhưng cho dài, tâm nghĩ tất cả ô trược trong thân đều tựa theo không khí mà ra ngoài hết. Đến khi hít vô cũng phải nhẹ nhàng và cho dài, nghĩ bao nhiêu điều thanh tịnh bên ngoài đều vào trong hết.

Làm như vậy được hai ba lần hay đến năm bảy lần nếu cần, cho trong thân được khoan khoái. Sau đó phải giữ hơi thở nhẹ nhàng thong thả, suông êm, dài ngắn cho quân bình.

Nên để ý, khi điều hòa hơi thở hành giả thường gặp hai lỗi sau:

a. Phong tướng: tức là hơi thở ra hít vào, nghe có tiếng gió, do vì hơi thở quá mạnh.

b. Suyễn tướng: tức là tuy thở ra vào không nghe tiếng, nhưng lại gấp rút hoặc rít sáp không thông.

Nếu khi ngồi tĩnh tọa mà thấy hai tướng trên đây, đó là triệu chứng tâm không được an định.

Nếu khéo điều nhiếp, dùng sổ tức thở ra hít vào thong thả, ít lâu sẽ thuần thục, tự nhiên hơi thở sẽ điều hòa, huyết mạch được lưu thông, trong người sẽ được ung dung khoan khoái.

Thế nên, điều hòa hơi thở là một công phu hệ trọng đối với phép tĩnh tọa.

3. Điều tâm:

Trước khi tọa thiền, hành giả có phát tâm trước, hoặc sổ tức, hoặc quán bất tịnh, hoặc niệm Phật v.v…

Nếu đã phát tâm niệm Phật, thì hành giả phải nghĩ Ta- bà ngũ trược, nhớp nhơ, là nguồn gốc của muôn ngàn thống khổ, nơi thân và hiện cảnh, phải làm thế nào thoát ly cho được, tức là phải yểm ly (chán nản) sanh tử nơi Ta bà mà cầu sanh về Cực Lạc.

Hành giả nhớ ngay đến cảnh Cực Lạc thuần vui không khổ, có đủ thắng duyên, thắng cảnh trợ lực cho hành giả mau thành Phật quả, quảng độ chúng sanh, đến đức Phật A- Mi- Đà tướng hảo quang minh, lúc nào cũng duỗi lòng từ tiếp dẫn chúng sanh về Cực Lạc quốc.

Lúc bấy giờ, hành giả khởi niệm câu dài “ Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi tiếp dẫn Đạo sư A- Mi- Đà Phật”, rồi lần lần thâu ngắn lại còn bốn chữ “ A Mi- Đà Phật” lúc đầu niệm lớn, sau niệm thầm để nhiếp tâm cho an trụ vào đó. Khi niệm ra tiếng hoặc thầm, đều cần thiết là phải niệm cho tiếng nổi rõ trong tâm chậm rãi, tâm ý nghe rõ, nhận rõ từng tiếng, từng chữ, tức là “ Quán trí hiện tiền”. Nếu không tâm sẽ tạp niệm (tán loạn), hay ngủ gục (hôn trầm).Nếu tán loạn, không rõ, lơ là hay khi hôn trầm muốn đến, hành giả phải cử tâm ngay bằng cách chú ý đến câu niệm Phật.

Có khi hành giả cố gắng kiềm tâm, nhưng tâm vẫn chạy và nếu tâm chạy mãi, thì có cách phải niệm Phật và nghĩ ở hai đầu ngón tay cái, đầu hai ngón chân cái hoặc nghĩ ở nơi cái rún mà niệm.

Làm như vậy, thần kinh hệ sẽ hạ xuống, tức là cái tâm sẽ hạ xuống mà bớt tán loạn.

Còn nếu bị hôn trầm thì phải nghĩ ở đỉnh đầu hay ở trán mà niệm thì sẽ hết, vì ý chí phấn khởi.

Hoặc hành giả có thể niệm theo phương pháp “ Thập niệm ký số”, là khi niệm Phật, phải ghi nhớ rành rẽ từ một đến mười câu, hết mười câu liền trở lại một, cứ như thế xoay vần mãi. Nhưng phải niệm trong vòng mười câu mà thôi, không được hai mươi, ba mươi câu, lại không nên lần chuỗi vì dùng tâm ghi nhớ. Có thể phân làm hai đoạn từ một đến năm, từ sáu đến mười. Hoặc còn thấy kém sức lại chia ra làm ba hơi, từ một đến ba, bốn đến sáu, bảy đến mười.

Cần để ý: niệm nhớ và nghe phải rõ ràng, vọng niệm mới không xen vào được. Dùng phép này lâu sẽ được nhất tâm.

Điều tâm là pháp môn tu chủ chánh. Nếu có sự biến chuyển nơi thân, không nên để ý đến, mà phải chuyên gìn chánh niệm.

C. Phương Pháp giải tọa (xả thiền)

Khi xả thiền, hành giả làm ngược lại tất cả. nghĩa là trước hết phải xả nơi tâm, kế xả nơi tức và sau cùng là xả thân.

1. Xả tâm: Hành giả phải nhớ lại, coi hiện giờ mình ngồi ở chỗ nào, nãy giờ mình làm gì, nhớ coi mình có tán loạn hay hôn trầm không, và dù có hay không, cũng vẫn hồi hướng công đức về Tây Phương để trang nghiêm Tịnh độ.

2. Xả tức: Sau khi xả tâm xong, hành giả mở miệng thở ra vài hơi thật dài để cho khí nóng trong người giảm bớt, và để hồi phục lại trạng thái bình thường như trước khi tĩnh tọa.

3. Xả thân: Tâm, tức đều xả xong, lúc bấy giờ hành giả se sẽ giao động nơi lưng và cổ. Khi mạch lạc chạy đều, từ từ duỗi hai tay ra, lấy hai bàn tay xoa nhè nhẹ với nhau, rồi xoa lên mắt. Sau đó uốn lưỡi một vài lần và nuốt chút nước miếng.

Tay và mắt xả xong, đến lượt hai chân. Trước hết phải lấy tay xoa hai bắp vế, rồi tháo lần lần hai chân ra, thoa hai bắp chuối và hai bàn chân. Khi nghe hai chân nóng hết rồi, hành giả chuyển động nhè nhẹ toàn thân rồi đứng dậy, đi tới đi lui.

D. Những điều cần thiết để tọa thiền có kết quả.

Hôn trầm, ngủ nghỉ là một chướng ngại trong việc tu thiền, thế nên nơi thân phải bớt ngủ nghỉ.

Phật dạy đầu hôm cuối đêm thì tham thiền, nửa đêm thì tụng kinh để tự tiêu tức, nhưng nếu mình không kham nổi thì nên bớt sự ngủ nghỉ. Ban đêm chỉ nghỉ ba canh, từ 11giờ đến 04 giờ sáng thôi, đó là lời dặn dò của cổ đức vậy. Còn nơi tâm thì phải có sự điều nhiếp theo hai cách dưới đây:

1. Không niệm tham dục.

2. Không niệm sân hận.

Nếu thực hành hai cách này mà không đắc lợi trên đường chánh định, hành giả phải kiểm điểm lại nơi tâm coi sanh tội lỗi chi không. Hằng ngày phải nói lời dịu dàng, hòa nhã cho tâm lắng xuống. Đối với người và vật, giữ cho tâm mát mẻ và luôn luôn nhẹ nhàng.

Ngoài giờ tĩnh tọa, phải giữ câu niệm Phật không rời tâm.Tâm tương ưng với chánh định thì phát ra khinh an, trong thân sẽ thấy khoan khoái. Thân tâm hiệp nhất, thân cảnh không hai.

Lúc bấy giờ hành giả ở trong định vắng lặng sẽ thấy thân tướng Phật, nghe Phật thuyết pháp và những cảnh giới nhiệm mầu không sao kể xiết… Đó là tướng niệm Phật thiện căn phát hiện do công phu tọa thiền niệm Phật mà thành công vậy.

Trích HƯƠNG SEN VẠN ĐỨC
Tác giả: HT. Thích Trí Tịnh
Nhà Xuất Bản Phương Đông TP. HCM 2006

Ở Một Mình Niệm Phật

Ở Một Mình Niệm PhậtCư sĩ Bùi Vĩnh Ðộ đời Thanh người huyện Thái Châu tỉnh Giang Tô. Ông sống bằng nghề nông, tánh tình điềm đạm, không ham thích gì, cứ thấy việc lành là làm. Từ nhỏ đã dốc trọn lòng tin tưởng vào Phật pháp, ăn chay trường, định thời khóa niệm Phật không gián đoạn.

Sau đấy, ông thọ trì Tam Quy Ngũ Giới, hành trì nghiêm khiết, chưa hề khuyết lậu. Vợ cũng niệm Phật, thọ giới, tuy cùng ở chung một nhà, nhưng đối đãi với nhau trinh bạch. Chỉ có một con gái, cũng ăn chay niệm Phật. Về sau, cô này xuất gia thọ Cụ Túc giới, biến nhà thành am.

Ông dạy vợ con cùng tu Tịnh nghiệp. Ông lập riêng một căn tịnh thất, ở một mình niệm Phật hơn mấy mươi năm. Lúc tuổi gần thất tuần, chợt bảo thân tộc rằng:

– Năm ngày sau nữa ta sẽ chia tay, xin hãy thiêu hóa giùm cái xác thừa. Thân này như huyễn, đừng lầm lẫn mà tiếc nuối!

Ðến kỳ, ông trì danh tọa hóa. Trà tỳ, thu được hơn trăm viên xá lợi ngũ sắc lóng lánh.

(theo Nhiễm Hương Tục Tập)

Nhận định:

Cả nhà thờ Phật, vốn có thể đồng tu. Do con gái đã xuất gia biến nhà thành am nên ông cất một tịnh thất, ở một mình niệm Phật; không qua lại với vợ con nữa là ái căn đã đoạn, thân còn tại gia mà tâm đã xuất gia vậy!

Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập

Ma Chướng Khi Niệm Phật

Ma Chướng Khi Niệm PhậtTu pháp môn niệm Phật có bốn cách như sau: một là trì danh niệm Phật, hai là quán tượng niệm Phật, ba là quán tưởng niệm Phật, bốn là thật tướng niệm Phật. Chỉ sợ người không đủ đức hạnh, không đủ đạo tâm, khi công phu bị cảnh giới ma làm cho mê hoặc.

Như hồi tôi gặp một trường hợp tại Hồng Kông, có một vị xuất gia ở chùa Từ Hưng, tu phép “Ban chu tam muội”. “Ban chu tam muội” là thường hành tam muội, ông ấy ở trong phòng như thế đến chín mươi ngày, chẳng ngồi, chẳng nằm chỉ đứng và đi mà thôi. Một hôm, tôi nghe ông ta niệm càng lúc tiếng càng lớn rồi nghe tiếng chân chạy gấp gáp ở trong phòng với tiếng la hét là Phật A Di Đà đã đến rồi, Phật đến rồi… Tôi thấy hơi kỳ lạ, ghé mắt nhìn vào phòng xem thử, biết không ổn, tôi bèn hét lên một tiếng thì ông mới tỉnh ngộ và ở lại trạng thái bình thường. Chuyện gì xảy ra với ông vậy? Là khi đang công phu ông ta thấy đức Phật A Di Đà đến quỳ trước mặt ông ta. Thấy vậy, ông ta tưởng Phật A Di Đà đến đón mình nên liền chạy đến quỳ trước Phật, nhưng thật tế Phật sao lại quỳ trước mặt ông ta chứ? Thực ra, đó chỉ là một con trâu nước biến ra Phật A Di Đà để đến dắt ông ta đi mà thôi. Mà chính vị Tỳ kheo này đời trước là một con trâu, có công cày ruộng ở chùa nên khi chết mới đầu thai lại làm thân người xuất gia tu đạo. Nhưng tánh trâu chưa hết tập khí cũ vẫn còn, cang cường khó điều phục. Do ông ta tu pháp Ban chu tam muội có thể dứt trừ tập khí xấu ác đó đi. Tuy vậy, đạo đức chưa đủ, định lực chưa kiên cố nên ông bị lạc vào cảnh giới ma.

Trích từ tập sách “Quê Hương Cực Lạc”
của Hòa Thượng Tuyên Hóa

Vì Sao Người Chết Sau 49 Ngày Mới Đi Đầu Thai?

Vì Sao Người Chết Sau 49 Ngày Mới Đi Đầu ThaiCon người chết rồi sau khi thần thức lìa khỏi thể xác trước lúc chưa đi đầu thai, ví như người từ trong nhà bước ra ngoài nhưng chưa vào nhà khác vẫn còn ở trung gian, đây là chỉ ý nghĩa thân trung ấm. Người nào có tín sâu, nguyện thiết, tinh tấn niệm Phật khi mới chết ngay đó liền vãng sanh Tây phương, hoặc người có căn lành sâu dày thì trực chỉ sanh về cõi trời, hoặc kẻ tạo ác nghiệp nặng liền đọa vào Địa ngục Vô gián, ba hạng người này là không trải qua gian đoạn thân trung ấm. Hạng người phổ thông bình thường đã không phải cực thiện cũng không phải cực ác đều phải trải qua giai đoạn thân trung ấm. Thời gian thân trung ấm thọ sanh có nhanh chậm không đồng. Nhanh thì trong khoảng khảy móng tay liền đầu thai vào một trong sáu đạo luân hồi, chậm thì khoảng bốn mươi chín ngày hoặc hơn bốn mươi chín ngày.

Hỏi : Duyên cớ gì con người sau khi chết không đi đầu thai mà phải rơi vào giai đoạn thân trung ấm, trải qua bốn mươi chín ngày mới đi đầu thai?

Đáp : Bởi do người chết trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ đã tạo các nghiệp thiện ác lẫn lộn. Trong vọng tâm vô minh nghiệp thức đó, một niệm lành một niệm ác cứ sanh rồi diệt diệt rồi lại sanh khiến nghiệp thiện ác liên tục không phân định. Nếu như trụ vào nghiệp thiện, tâm này thuần thiện thì do trong tâm thiện phát hiện ra cảnh giới lành Thiên,Nhân, A tu la tâm thức này tùy theo nghiệp lành đó mà đi đầu thai. Nhưng vì, trong tâm thiện cũng có duyên thượng phẩm thiện, trung phẩm thiện, hạ phẩm thiện mới cảm thành ba cõi Thiên, Nhân, A tu la không đồng nhau.

Nếu như trụ vào nghiệp ác, tâm này thuần ác do trong tâm ác phát hiện ra ba cảnh giới ác Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, trong tâm thức này tùy theo cảnh giới ác đó mà đi đầu thai. Nhưng vì trong tâm ác cũng có duyên thượng phẩm ác, trung phẩm ác, hạ phẩm ác mới cảm thành ba cõi Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh không đồng. Nên biết, bởi có mối quan hệ tâm và cảnh tương đồng như thế,vì vậy người bà con ở trong thời gian bốn mươi chín ngày cần ăn chay niệm Phật thay hương linh tu tạo công đức, khiến người chết nương nhờ công đức đó mà tiêu trừ tội ác tăng trưởng phước lành, vãng sanh Tây phương hoặc siêu thăng trong cảnh giới Thiên đạo hay Nhân đạo.

Bằng như người bà con trong thời gian này không phát tâm ăn chay niệm Phật mà gây tạo các ác nghiệp như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu ăn thịt như thế túc nghiệp ( nghiệp đời trước ) người chết nếu là nghiệp lành sẽ chuyển thành nghiệp ác; như túc nghiệp người chết nếu là nghiệp ác thì nghiệp ác lại thêm tăng trưởng. Nên biết nghiệp ác nếu tăng thêm sẽ thành thượng phẩm ác, nghiệp đó nhất định khiến cho người chết đọa lạc vào Địa ngục vĩnh viễn chịu vô lượng sự thống khổ.

Hỏi : Nếu kinh tế gia đình khó khăn, mà bảo họ trong thời gian bốn mươi chín ngày ăn chay niệm Phật làm mọi công đức, e rằng cuộc sống của họ khó có thể duy trì được?

Đáp : Trong tất cả mọi công đức để hồi hướng cho người chết thì công đức niệm Phật là lớn nhất, nếu như gia đình kinh tế khó khăn lúc này không cần thỉnh Tăng Ni đến làm lễ, chỉ cần toàn gia quyến phát tâm ăn chay niệm Phật là đủ. Thời gian niệm Phật, quy định sáng sớm niệm Phật xong đối trước bàn thờ người chết hồi hướng rồi dùng cơm sáng. Buổi trưa niệm Phật trước hay sau bữa cơm tùy theo công việc bản thân sao cho thích hợp mà sắp xếp. Buổi chiều sau bữa cơm mới niệm Phật, niệm xong đối trước bàn vong mà hồi hướng, mỗi ngày quy định ba thời niệm Phật ba lần hồi hướng, thời gian còn lại khi làm công việc cũng nên cố gắng mặc niệm niệm Phật.

Phương pháp niệm Phật siêu độ người chết như thế, đối với cuộc sống kinh tế gia đình sẽ không bị ảnh hưởng. Phương pháp này vừa đơn giản nhưng lại tiện lợi hoàn toàn không chướng ngại cuộc sống mà công đức rất lớn. Gia đình lại có thể bình an thanh khiết, bà con mỗi người đều được phước đức mà người chết cũng được sự lợi ích vô cùng. Đây là phương pháp thù thắng làm cho cả hai người sống lẫn kẻ chết đều được sự lợi ích không thể nghĩ bàn.

Trích Lâm Chung Những Điều Cần Biết
Tác giả: pháp sư Thế Liễu
Soạn dịch: thích Nguyên Liên