Trong chín phẩm vãng sanh, năm phẩm trước (Thượng thượng, Thượng trung, Thượng hạ, Trung thượng, Trung trung) là kết quả của sự tu tập hồi hướng công đức nguyện cầu sanh về thế giới Cực lạc. Phẩm vị sở dĩ có cao thấp bất đồng là căn cứ nơi công tu tập sâu cạn mà có sai biệt.
Chí như bốn phẩm sau (Trung hạ, Hạ thượng, Hạ trung, Hạ hạ) thì lại không cùng có nguyên nhân như trên. Những kẻ được vãng sanh thuộc 4 phẩm này chưa từng tu pháp xuất thế gian. Như phẩm thứ 6 (Trung hạ) đọc tiếp ➝
Phát Tâm Bồ Đề rất là quan trọng, không phát cái Tâm này thì không thể thành tựu, sau khi phát Tâm bạn nhất định có thể thương yêu chúng sanh, tâm Bồ Đề chính là tứ hoằng thệ nguyện, chân thật giúp đỡ tất cả chúng sanh, bắt đầu từ câu “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, chữ độ này chính là giúp đỡ hiệp trợ, muốn giúp đỡ chúng sanh thì chính mình phải có năng lực, phải có đức hạnh, cho nên việc cần thiết chúng ta phải làm là đoạn phiền não, phiền não không đoạn thì Trí Tuệ không khai mở, Trí Tuệ của chúng ta là sẵn có, chứ không phải từ bên ngoài mà đến.
Trong phẩm Xuất Hiện ở Kinh Hoa Nghiêm, Phật nói rất rõ ràng: “Tất cả chúng sanh đều có Trí Tuệ đức tướng của Như Lai, do vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc.” Vọng tưởng là vô minh, chấp trước là kiến tư trần sa phiền não, cho nên chỉ cần đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đoạn dứt thì Trí Tuệ đức tướng trong tự tánh liền hiện tiền, Trí Tuệ không phải từ bên ngoài đến, do đó tu học của Phật pháp là tu cái gì? Tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô số tông phái, phương pháp không giống nhau, lối đi không giống nhau, nguyên lý nguyên tắc là một, đều là tu Thiền định, nhân Giới được Định, nhân Định khai Huệ, cái Huệ này là Trí Tuệ của tự tánh vốn sẵn đầy đủ, cái Giới đó là gì vậy? Giới là phương pháp, phương pháp bạn đã tu học chính xác, không có sai lầm thì bạn mới có thể được Định, sau khi được Định rồi Trí Tuệ liền khai, được tiểu Định khai tiểu Trí Tuệ, được đại Định khai đại Trí Tuệ.
Tầng thứ của Định rất nhiều, thế gian có tứ thiền bát định. Thiền định xuất thế gian thì đẳng cấp lại càng nhiều hơn, mức Định của bạn càng sâu thì Trí Tuệ của bạn càng rộng, đạo lý là như vậy. Cái nguyên tắc này là bao gồm tất cả pháp môn, tất cả tông phái đều giống nhau. Vậy thì ngày nay chúng ta dùng phương pháp trì danh niệm A Di Đà Phật mục đích ở đâu vậy? Là tu Định, y theo những quy củ này mà niệm Phật đó là trì giới, y theo quy củ này mà làm sau đó thì bạn được Định, cái Định Niệm Phật gọi là Niệm Phật Tam Muội. Công phu thấp hơn thì gọi là công phu thành khối, chỉ cần được công phu thành khối vậy thì chúc mừng bạn, vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc là khẳng định, phẩm vị không cao nhưng bạn nhất định được vãng sanh, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư Độ, đây là một đại sự lớn nhất ngay trong đời này của chúng ta.
Cho nên phiền não không thể không đoạn, phải đoạn từ đâu vậy? Từ tự tư tự lợi, là phàm phu cho nên nhiều người không thể đoạn phiền não, thật sự là họ không biết bắt đầu từ đâu, cái gốc của phiền não chính là tự tư tự lợi, chúng ta nhất định phải dùng Trí Tuệ, đem cái ý niệm này chuyển đổi lại, khởi tâm động niệm vì tất cả chúng sanh mà nghĩ, không nên vì mình, cái thân này căn bản thì không cần thiết phải để ý đến nó thì bạn mới có thể được tự tại, khởi tâm động niệm luôn nghĩ đến cái thân này thì nguy rồi! Nghiệp chướng của bạn không thể tiêu trừ, ý niệm vừa thay đổi thì tự thân chính mình đem quên đi mất, thân này cùng thân người khác là một thân, vì tất cả chúng sanh là chân chánh vì mình, vì chính mình là chân thật hại chính mình.
Cái đạo lý này trong Phật Kinh nói rất rõ ràng, nói rất tường tận, chúng ta nhất định phải hiểu, nếu như từ chỗ này bạn có thể thay đổi được nó thì chúc mừng bạn: Bạn ở trong Phật pháp, không luận học pháp môn gì đều sẽ thuận buồm xuôi gió, đều sẽ đạt được lợi ích chân thật, thành tựu Trí Tuệ chân thật.
Tiếp theo Phật dạy bảo chúng ta: Sau khi phát Tâm Bồ Đề thì “Thâm Tín Nhân Quả”. Ngày xưa, tôi học giáo lý, với câu nói này đã làm cho tôi từ hai đến ba năm không thể nghĩ ra, tại sao vậy? Vì trong Tịnh Nghiệp Tam phước thì phước thứ nhất là phước báo trời người, phước thứ hai là phước báo của hàng nhị thừa, phước thứ ba là phước báo của Bồ Tát đại thừa.
Nếu như cái “Thâm Tín Nhân Quả” này đặt ở phước thứ nhất thì tôi một chút cũng không hoài nghi, nay Phật lại đặt ở phước thứ ba thì tôi không hiểu. Phàm phu chúng ta bắt đầu học Phật thì đều tin tưởng Nhân Quả. Đại Sư Ấn Quang cả đời dạy người là đề xướng giáo trình “Liễu phàm tứ huấn” đầu tiên, nội dung của giáo trình này chính là Tin Sâu Nhân Quả, là thuộc pháp trời người, trồng Thiện Nhân được Thiện Quả, tạo Ác Nghiệp nhất định có Ác Báo. Ngạn ngữ thường nói: “Không phải không báo nhưng chưa đến lúc”, khi nhân duyên hội đủ thì quả báo lập tức hiện tiền, nhất định không thể trốn khỏi, việc này chúng ta đều hiểu, vậy thì chả lẽ Bồ Tát lại không hiểu Nhân Quả này hay sao mà Phật lại phải để Thâm Tín Nhân Quả ở trong Phước thứ ba dành cho Bồ Tát Đại Thừa?
Vấn đề này đến hai, ba năm sau tôi mới rõ ràng, mới tường tận, khi đọc Kinh Hoa Nghiêm mới ngộ ra, chính là đọc cái phẩm thập địa này. Bồ Tát thập địa trước sau không rời Niệm Phật, tôi liền tỏ ngộ ra từ ngay chỗ này: Cái Nhân Quả này không phải là Nhân Quả thông thường, mà là “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”, thật là cái Nhân Quả mà rất nhiều Bồ Tát đều không biết, đây không phải trồng Nhân Thiện được Quả Thiện thông thường, cho nên cái câu này chúng ta nhất định phải rõ ràng, chính là khi tu học đạt đến quả vị Thập Địa Bồ Tát, hay nói cách khác, Phật pháp đến giai đoạn cuối cùng, không luận là tu học pháp môn nào, tất cả đều quy về pháp môn Niệm Phật.
Thật đúng như là Ngài Văn Thù, Phổ Hiền đã thị hiện, hai Ngài ở đoạn sau của Kinh Hoa Nghiêm đều phát nguyện cầu sanh thế giới Tây phương Cực Lạc, làm một tấm gương cho 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ của thế giới Hoa Tạng, làm người dẫn đầu, đến đây thì chúng ta mới chân thật xem thấy sự thù thắng của Tịnh tông.
Cho nên Thế Tôn thường hay nhắc đến cái pháp môn này. Mười phương ba đời tất cả chư Phật đều khen ngợi, tất cả chư Phật đều hoằng dương, ngay chỗ này chúng ta mới thể hội được một ít lợi ích, cho thấy pháp môn này thù thắng không gì bằng, công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn, vì vậy Thế Tôn đại diện chư Phật tán thán Phật A Di Đà trong kinh Vô Lượng Thọ là “Quang Trung Cực Tôn, Phật Trung Chi Vương”, là vị Phật có ánh sáng tôn quý nhất, xứng đáng là vua của tất cả chư Phật vậy.
Trích sách Khai Thị Trọng Yếu
Pháp sư Tịnh Không giảng
Cư sĩ Tịnh Thái biên soạn
Mặc dù đã quy y từ thời còn trẻ, là một Phật tử thuần thành, đã học qua giáo lý nhà Phật, biết ăn chay trường, tụng kinh, niệm Phật, tin sâu Pháp môn Tịnh Độ, nhưng đến giờ phút lâm chung không tránh được giây phút cận tử nghiệp của Phật tử Kim Tuyến do oan gia trái chủ, tứ đại phân ly, đau đớn hãi hùng, tinh thần tán loạn, quyến luyến người thân…
Phật tử Đào Thị Kim Tuyến quê ở Cát Tường , Phù Cát thuộc Tỉnh Bình Định. Lúc nhỏ cha mẹ thường xuyên dắt về chùa và được quy y với Hòa Thượng Tâm Đạt chùa Thiên Bình, Nhơn Phong, An Nhơn, Bình Định. Pháp danh là Thị Hoa. đọc tiếp ➝
Đã từ lâu, tôi cầu mong có được một cơ hội tham gia Phật thất. Tháng bảy năm nay (năm 2010), trong thời gian nghỉ giải lao của Pháp Hội Tam Thời Hệ Niệm Niệm Phật mà tôi đang tham gia, tôi đã nói về tâm nguyện của mình với một người bạn. Thế rồi cô ấy cho tôi biết tại Tinh xá Hoa Nghiêm do Hòa Thượng Tuyên Hóa sáng lập, năm nào cũng tổ chức Phật thất. Tôi vô cùng vui mừng khi biết rằng Tinh xá Hoa Nghiêm tọa lạc tại Maryland, cách chỗ tôi cư trú không xa mấy. Lúc đó đang là tháng bảy, từ ngày 10 đến 17 tháng mười mới là thời gian diễn ra Phật thất, nhưng tôi đã nôn nóng ghi danh trước hai tháng để chuẩn bị cho lần tịnh tu này.
Một tuần trước khi diễn ra Phật thất, tôi có phần căng thẳng. Bởi đây không những là lần đầu tiên tôi tham dự, mà còn do tôi không biết một chữ tiếng Hoa nào. Nhưng tôi hiểu rõ, tất cả những tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới đều niệm hồng danh Phật A Di Đà bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Dù gì đi nữa, điều quan trọng nhất là đại đa số các Phật tử, nếu không muốn nói là toàn bộ, đều biết rất rõ lời nguyện từ bi của Ngài chính là muốn cứu độ chúng sinh, cũng biết rất rõ về Tây phương Cực Lạc thế giới. Tôi tự nhủ rằng tuy mình không biết niệm danh hiệu Phật A Di Đà bằng tiếng Hoa, nhưng mình sẽ thành tâm niệm thầm danh hiệu của Ngài bằng tiếng Việt. Như vậy sẽ chẳng còn gì để lo lắng nữa.
Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả chính là cảm giác ấm áp của một gia đình, cùng bầu không khí an lạc thanh bình, tràn đầy pháp hỷ từ nơi các pháp sư mà tôi bắt gặp ngay từ ngày đầu đặt chân đến Tinh xá Hoa Nghiêm. Trong bảy ngày đó, tuy rằng tôi mới làm quen với các Phật hữu, cũng chẳng nói năng gì với nhau, nhưng tôi có một cảm giác mãnh liệt rằng tôi và họ đang hòa hợp với nhau về mặt tinh thần. Cảm nhận đó đến từ niềm tin sâu sắc của chúng tôi đối với Phật A Di Đà. Chúng tôi đều nguyện vãng sanh đến đất Cực Lạc, để thoát khỏi quả báo luân hồi, và để thực hiện những lời nguyện Bồ đề của mình. Tiếng niệm Phật trong pháp hội đã mang đến cho tôi một nguồn năng lượng tích cực và một niềm vui diệu kỳ.
Đã từng đọc và nghe nhiều bài thuyết giảng Phật pháp nên tôi đã quen thuộc với lời dạy của Phật Thích Ca về sáu ngã luân hồi, về thân người khó được, khó như một con rùa mù tìm được tấm ván lềnh bềnh trên biển vậy. Tuy nhiên, nếu không có kinh nghiệm đó, thì những lý thuyết kia không thể ăn sâu vào tâm thức tôi được. Trong một lần ngồi niệm thầm danh hiệu Phật Di Đà, bên tai tôi, tiếng niệm Phật hoan hỷ của mọi người vang rền cả chánh điện, tôi như chợt tỉnh ngộ! Được làm thân người thật khó làm sao, nếu đời sau phải làm súc sanh, ngạ quỷ, hay phải xuống địa ngục thì đó sẽ là một sự đau khổ triền miên. Bất chợt cảm nhận được sự vô thường của kiếp người làm tôi sợ hãi khủng khiếp. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình đang sống trong một ngôi nhà nghiệp chướng ngùn ngụt lửa dữ. Và cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra sự cấp bách của việc thoát khỏi ngọn lửa nghiệp chướng ấy.
Cảm giác ghê sợ này khiến tôi toàn tâm toàn ý niệm Phật: “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật,…” Tôi khẩn thiết niệm Phật không ngưng nghỉ. Không hiểu sao cùng lúc đó, trong lòng chợt phát ra một âm thanh cầu nguyện: “Phật A Di Đà kính mến! Xin hãy lắng nghe lời cầu khẩn của con, xin hãy cứu con! Xin Ngài hãy mở lòng từ bi cứu lấy con!” Trong một giây phút ngắn ngủi, tôi chợt cảm thấy Phật A Di Đà đưa tay ra để tôi bắt lấy. Tôi đã được cứu ra từ ngôi nhà nghiệp chướng kia. Một cảm giác yên bình và ấm áp lan tỏa khắp người, tôi bắt đầu rơi lệ, những giọt lệ của sự giải thoát, những giọt lệ của pháp hỷ tràn đầy. Mọi thứ xảy ra trong một khoảnh khắc ngẳn ngủi, dù rằng chưa đến vài phút, nhưng cảm giác kỳ diệu ấy vẫn tồn tại trong tâm tôi khá lâu sau đó.
Trước khi kinh nghiệm được chuyện này, niệm Phật đối với tôi chẳng qua chỉ là một phương thức cung kính lễ Phật, chứ không hề có cảm giác liên hệ đến tâm linh một cách chân chính. Giờ đây, khi niệm Phật, tôi thực sự cảm thấy mình giống đứa trẻ đi lạc đường, dốc hết sức mình mà thành tâm cầu mong Phật A Di Đà, người cha từ bi, soi đường dẫn lối để tôi có thể về đến nhà ở thế giới Cực Lạc. Tôi cũng hy vọng có thể chia sẻ kinh nghiệm của lần tham gia Phật thất này, đồng thời cũng trân trọng gửi lời cảm ơn đến tất cả các vị pháp sư cùng các đạo hữu tại Tinh xá Hoa Nghiêm.
Đời Nguyên bên Trung Hoa, vào năm Canh Ngọ niên hiệu Chí Thuận ở vùng Triết Tây bị thất mùa liên tiếp. Trong thành Hàng Châu, dân chúng đói chết nằm ngổn ngang đầy đường. Mỗi buổi sáng, quan phòng chánh mướn người khiêng tử thi chở đem bỏ xuống hang núi, sau tháp Thái Hòa. Trong số tử thi có thây một bà lão hơn mười hôm không hôi thúi, ngày nào cũng tự trồi lên nằm trên các thây chết khác. Chúng lấy làm lạ, giòng giây kéo đem lên, soát trong người thấy có túi vải đựng ba bức đồ niệm công cứ A Di Đà Phật. Việc này truyền đến quan Hữu Tư, Ngài cho mua quan quách tẩn liệm và đem ra thiêu hóa. Khi củi đốt lên, trong khói lửa hiện ra tượng Phật, Bồ Tát, ánh sáng rực rỡ. Do nhân duyên đó, rất nhiều người phát tâm niệm Phật (Trích Sơn Am Tạp Lục).
Xem truyện tích xưa, còn biết bao trường hợp như thế nữa! Qua các gương trên, ta thấy nếu tự lực tu hành, khi chưa được nghiệp sạch tình không, lúc tái sanh tất phải mê muội, mười người đã rớt hết tám chín. Còn như bà lão niệm Phật, tuy dốt đạo lý, chẳng hiểu chút chi về Tông, về Giáo, nhưng nhờ thành tâm niệm Di Đà mà sau khi chết diễn ra nhiều điều kỳ lạ, đã chứng minh bà lão vãng sanh về Cực Lạc không còn nghi ngờ. Cho nên tham thiền, tụng kinh cùng tu các môn khác là những điều quý báu nên làm, và đáng khuyến khích. Nhưng giữa thời mạt pháp này, cần phải tu thêm môn Niệm Phật, rồi đem tất cả công đức ấy hồi hướng về Tây Phương, mới bảo đảm khỏi luân hồi mà đọa. Nếu không lấy Tịnh Độ làm nơi quy hướng, thì công đức tu các môn khác chỉ gây căn lành phước báo, và nhân duyên đắc độ về sau mà thôi. Như thế, e cho khi chuyển sanh hôn mê tạo nghiệp phải bị trầm trệ lâu trong cảnh khổ luân hồi. Mấy ai thông minh như Ngộ Đạt quốc sư, mười kiếp làm cao tăng tu thiền định, kiếp sau rốt mới mười bốn tuổi đã giảng suốt Kinh Niết Bàn. Nhưng vì một niệm đam mê trước tòa trầm hương nên bị túc báo ghẻ mặt người, sau trở lại niệm Phật mới được vãng sanh giải thoát. Những vị ỷ mình cao minh, ngoài miệng nói suốt lý huyền, chỉ trọng tự lực khinh thường niệm Phật, cũng nên xem gương trên mà để tâm suy nghĩ.
Trích Niệm Phật Thập Yếu
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Bài hát: Phát Bồ Đề Tâm
Thơ: Thích Thiền Tâm
Nhạc: La Tuấn Dzũng
Trình bày: Lan Phương/Xuân Trường
Nơi tam giới không an dường hoả trạch
Đâu chân lạc chỉ thấy cõi tang thương
Người vô thường, cảnh cũng vô thường
Hãy lo khuyên gọi cùng nhau tỉnh mộng
Hãy quay bước đến bên bờ giác thanh lương
Khởi lòng bi trí nguyện độ mười phương
Ba tăng kỳ kiếp tu muôn hạnh
Bền lòng không thối chuyển
Cầu ngôi vị pháp vương
Các Phúc Đáp Gần Đây