Tôi gặp anh tại một ngôi chùa với bộ áo “lam hiền”. Mở đầu câu chuyện, anh đều niệm danh hiệu Đức Phật Di Đà. Một gương mặt sáng với vết sẹo lớn giữa chân mày, anh ví mình như con thuyền nhỏ giữa dòng thác loạn, điên cuồng, xô đẩy.
Và, con thuyền nhỏ đó cứ bị trôi đi trong sự va đập, đảo điên không có bến dừng. Anh tâm sự, sự điên đảo đó là kết quả của một gia đình bị rạn vỡ, không tình thương yêu. Sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, anh đã lao vào thế giới giang hồ, trôi giạt giữa chợ đời tối tăm và không lối thoát. Và, nhờ thiện duyên, anh đã gặp Phật. Sáu chữ: Nam mô A Di Đà Phật nhiệm mầu đã làm thay đổi cuộc đời anh. Anh là Lê Thừa Dương Hùng…
Tuổi thơ lưu lạc
Ngồi bên hiên chùa, đôi mắt nhìn xuống, giọng âm hưởng Quảng Trị ấm, ký ức một thời được tái hiện, như thể những thước phim về một số phận…
“Những trận đòn, những xung đột với cha dượng trong ngôi nhà của mẹ làm đứa trẻ lên 7 như tôi cảm thấy bị hất hủi, đuổi xua. Trong tâm hồn đứa trẻ con lên bảy như tôi chứa đầy mặc cảm, tôi luôn tự hỏi tại sao những đứa trẻ như tôi lại có đủ ba mẹ, có một gia đình hạnh phúc, chúng được hồn nhiên vui vẻ, được cha mẹ chăm sóc và được đến trường vui đùa cùng chúng bạn… Tôi lại một mình và cảm thấy không thể sống nổi nơi mà mình tưởng như là mái ấm. Mái ấm ở làng quê nhỏ của xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) không đủ tình thương yêu để níu kéo tôi ở lại. Tôi đã bỏ nhà, đi lang thang đầu đường xó chợ. Đêm đến tôi ngủ vật vờ ở bãi biển quê. Ngày ngày nối tiếp đêm đêm, bước chân tôi thúc giục phải đi và cho đến khi tôi dừng lại ở TP.Huế. Tôi bắt đầu chuỗi ngày lang thang ở chợ đời. Đứa trẻ quê miền biển nhỏ thó như tôi chứa đầy mặc cảm, bắt đầu vật lộn với cuộc mưu sinh đói khát ở chợ Đông Ba.
Ở chợ Đông Ba, hàng ngày tôi làm phụ hàng cho những chủ hàng, đêm ngủ vật vờ ở các sạp. Tôi là đứa trẻ bị khinh miệt, đói khát và cảm thấy vô cùng cô đơn. Nhiều khi vô tình bắt gặp những gia đình sum vầy bên mâm cơm hay những đứa trẻ đồng lứa bên cha mẹ hạnh phúc, tôi càng thấy mình lạc lõng, tủi phận và nổi giận. Dù vất vả, đơn độc nơi xứ lạ quê người nhưng trong tôi có một thứ tình cảm luôn thúc giục và luôn “thức” trong tâm trí mình. Đó là nỗi nhớ mẹ. Nó là thứ gì đó mà đứa trẻ như tôi luôn cảm thấy phải hướng đến, nỗi nhớ ấy ngày càng day dứt và nó lớn hơn bất cứ cái gì, lúc này.
Ròng rã hai năm bằng những chuỗi ngày đơn độc ở chợ đời Đông Ba với nỗi nhớ mẹ không nguôi ngoai trong tâm trí và tôi quyết định kiếm đường quay về tìm mẹ.
Nhưng, bao nhiêu vụn vỡ trong lòng lại một lần nữa lan ra đau đớn, tôi không tìm được hơi ấm và tình thương của mẹ. Bởi lẽ, mẹ còn có chồng và các em, phải lo toan cuộc sống nghèo nàn. Tôi không được đi học, tiếp tục lêu lổng trong buồn tủi. Không chịu thêm được, một lần nữa, tôi quyết định ra đi”.
Nhìn những chiếc lá rơi nhẹ trước hiên chùa, giọng anh vẫn trầm buồn:
“Tôi trở lại chợ Đông Ba, bấy giờ tôi cũng đã lớn hơn. Tôi kết bạn với những đứa trẻ lang thang khác. Ban ngày chúng tôi làm bốc vác, làm thuê làm mướn, bán trà đá, đánh nhau, ăn cắp vặt ở bến xe Gia Hội, ban đêm rủ nhau xuống dưới gầm cầu Trường Tiền để ngủ. Những ngày bôn ba bán sức khỏe để kiếm chút tiền mọn cho cuộc sống ở chợ, bến xe, dần dần tôi trở thành đứa trẻ rắn rỏi, lạnh lùng, dày dạn kinh nghiệm sống giang hồ. Tuy vậy, nỗi nhớ mẹ lúc nào cũng luôn đầy ắp, nỗi nhớ ấy lớn khôn cùng. Mười ba tuổi, một lần nữa tôi quyết định quay về quê tìm mẹ…”.
Bước ra giang hồ
Anh xòe hai bàn tay ra và đan chúng lại với nhau, đôi mắt anh nhìn xuống nó và quá khứ lại thoảng hiện trên gương mặt:
“Cuộc sống ở mái nhà của mẹ tôi không thể xoay chuyển được, tôi tiếp tục cuộc sống buồn chán, lêu lổng và quậy phá. Tôi trở thành người bất trị. Chính nơi quê mình, tôi gặp đại ca Lê Lam, người cùng xóm vừa mới đi Nhật trở về và bắt đầu một cuộc sống giang hồ thật sự. Tôi được đại ca Lê Lam “chấm” bởi người nhỏ mà có máu lạnh, vài trận đâm chém với giang hồ cũng đủ điểm cho đại ca cho gia nhập hội.
Những lần đối đầu với các nhóm giang hồ quanh vùng đã cho tôi thêm “số má”, và là người khá thông minh, lanh lợi, có máu lạnh, hung hãn bất chấp người đó là ai, cỡ nào. Tôi cũng là người dễ nổi giận với bản thân, tôi được đại ca Lê Lam để ý và tạo điều kiện để có dịp “xung trận”. Trong một dịp một mình đụng độ với hai anh bộ đội, tôi chụp kéo và đâm mấy phát vào bụng, ngực. Tôi bị bắt đi cải tạo 9 tháng. Tôi nhớ lúc đó vừa bước vào tuổi 15. Đó là bước ngoặt mở đầu cho chuỗi ngày tù tội…”.
Trong câu chuyện về số phận của mình, thỉnh thoảng có những quãng ngừng… anh đang tìm lại một ký ức tưởng chừng đã qua nhưng thật ra nó như là nỗi ám ảnh không thể chối bỏ:
“Ra trại, trong một lần đại ca cử đi dò la tin tức, tôi đi ngang quán nước cách quê 7km và bị một nhóm 6 người phát hiện “Nó đây rồi, đánh chết mẹ nó đi, thà giết lầm chứ không bỏ sót”. Một mình thân cô, thế cô, tôi lùi lại phía sau quán và nhanh mắt nhận ra một người đang cầm dao xắt thịt, tôi chụp lấy và chém đứt lìa một cánh tay của một thằng trong nhóm, chưa hả giận tôi sấn tới xẻo tiếp một lỗ tai mang về cho đại ca làm chiến tích.
Vụ này giúp tôi dày thêm những ngày tù tội, tôi bị bắt với 2,5 năm tù giam, ở trại giam được 9 tháng tôi vượt trại và trốn vào Sài Gòn. Vào đây tôi thay tên đổi họ, mới trải qua hai ngày trên đất mới tôi nghe có băng Tâm Voi, một băng rất lớn hoạt động bảo kê, đòi nợ mướn tại Sài Gòn, Bình Dương, Hà Tây và đang chốt tại An Sương nên tìm đến xin gia nhập. Tham gia hội này hai năm thì theo lệnh truy nã, công an Huế vào Sài Gòn bắt, tôi bị kết án thêm 2,5 năm tù.
Được ra tù, ngựa quen đường cũ và bản tính độc ác, tôi nghe nói đại ca Lê Lam đã vào Sài Gòn sinh sống, đang làm nghề xe ôm. Tôi quay lại Bình Dương và tiếp tục tham gia vào đường dây bảo kê, đòi nợ mướn ở Dĩ An. Thời gian này, Tâm Voi “tử nạn”, tôi lên làm đại ca, thỏa sức sống bằng đồng tiền dơ bẩn, ăn chơi trác táng và hút chích. Một lần đi đòi nợ 12 triệu đồng ở Bình Phước, con nợ là một phụ nữ đang mang bầu không có tiền trả, tôi liền xiết chiếc xe máy. Người phụ nữ ôm chân tôi lại van xin đừng lấy xe vì nó là phương tiện duy nhất nuôi sống gia đình, nhưng tôi co chân đạp thẳng vào bụng chị, sau đó biết chị đã bị sẩy thai… đó là nỗi dằn vặt trong tôi suốt những năm sau này, khiến tôi sám hối cho đến tận bây giờ”.
Một lần nghe Nam mô A Di Đà Phật
Một thoáng niềm vui chợt hiện ra trên gương mặt, chất giọng Quảng Trị vẫn nhẹ và đều:
“Sau sự vụ trên, tôi về thăm em gái ở Hóc Môn và được em gái cho biết đại ca Lê Lam đã “đi tu”. Tôi nghe với tâm thế hết sức ngờ vực. Em gái cũng khuyên: “Anh nên quay đầu, đến anh Lê Lam mà còn đi tu, anh làm vậy suốt đời cũng không được gì. Anh bỏ đi, làm vậy hoài mẹ khổ, nếu anh không tin thì gặp anh Lê Lam đi”. Lúc bấy giờ tôi là một gã giang hồ nghiện ngập và độc ác, trong tôi đầy ắp sự ngờ vực. Tôi ngờ vực một đại ca lừng lẫy oai hùng, từng hoạt động giang hồ ở Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản và các cứ khắp nơi trong nước như Lê Lam sao lại có ngày “đi tu”.
Không tin đại ca Lê Lam đã “đi tu” nên tôi tìm đến nhà, gặp lại đại ca tôi rất mừng. Lê Lam bảo anh đã quy y Tam bảo với pháp danh Tịnh Long, sám hối tội lỗi trước kia mỗi ngày để được làm người lương thiện. Trong đầu tôi lờ mờ những chữ nghĩa xa lạ về Phật pháp, Đức Phật, nghiệp báo, xả bỏ… nhưng có điều gây ấn tượng cho tôi lúc bấy giờ là Lê Lam nói về đại ca Năm Cam lừng lẫy có bốn vợ, nắm trong tay hàng chục tỷ đồng nhưng cũng đã chịu nghiệp báo, phải đền tội. Còn anh sám hối vì đã gây ra biết bao đau khổ cho đàn em, mải mê với những trò chơi quái đản, không phân biệt chính tà, đã gây nghiệp ác cho nhiều người. “Em có theo con đường của anh thì em theo. Học lại bài học vỡ lòng này: lấy thiện trừ ác” – tôi còn nhớ lời của Tịnh Long nói chắc rõ từng chữ.
Tôi đã vô cùng ngạc nhiên, không biết Phật pháp là gì mà làm cho đại ca khét tiếng như Lê Lam thay đổi đến như vậy. Tôi đã nghĩ ngợi rất mông lung…
Một hôm, đi ngoài đường và nhìn thấy một ngôi chùa, vì tò mò nên tôi đã ghé vô. Tôi còn nhớ, đó là chùa Đông Linh, ở Hóc Môn. Vừa bước vô chùa tôi nhìn thấy tượng Đức Bồ tát Quán Thế Âm và thoảng đâu đó một câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Tôi đã cảm nhận một sự an lành, thư thái trong lòng không giải thích được. Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại đến chùa… để chỉ nhìn ngắm Đức Quán Thế Âm. Tình cờ, tôi gặp một người bạn đang tu tập ở chùa Hoằng Pháp, được bạn rủ đi chùa nhiều hơn. Lúc này, đang là con nghiện nặng, nên lúc đến chùa tôi nguyện nếu Phật pháp nhiệm mầu thì gia hộ cho tôi từ bỏ ma túy, đừng hại người và làm người tốt”.
Một lần nữa hai bàn tay anh nắm chặt vào nhau, đôi mắt hướng nhìn về phía tượng Bồ tát Quán Thế Âm đằng xa xa:
“Tôi hạ quyết tâm cai nghiện. Mua thùng mì gói, thùng nước uống và thuê một nhà trọ, nhờ khóa trái, một mình tôi trải qua 21 ngày vật vã đối diện giữa sự sống và cái chết, lúc nào tôi cũng niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ tát cho đến khi tôi thấy lòng mình tỉnh táo, cảm thấy mình đã dứt hẳn với ma túy.
Từ đó, ngày nào tôi cũng vô chùa, khi đứng trước Đức Bổn sư và Bồ tát Quán Thế Âm tôi luôn bộc bạch tâm sự trong lòng và cảm thấy có sự cảm ứng. Và, hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng tôi chỉ nhờ vào 6 chữ Nam mô A Di Đà Phật.
Một điều lạ lùng là tôi rất thích nhìn ngắm gương mặt và hình tướng của Đức Quán Thế Âm, tôi xem Ngài là chỗ nương tựa vĩnh cửu, trong thâm tâm tôi nghĩ Ngài là Mẹ của tôi, của mọi chúng sinh. Hàng ngày, mỗi khi chiêm ngưỡng Ngài, tôi nguyện: “Đôi tay của con đã từng vấy máu, tạo bao tội lỗi, hôm nay con gặp được Mẹ và cũng đôi tay này con nguyện làm cái gì đó tốt đẹp hơn”. Không hiểu vì sao, trong đầu tôi luôn luôn khắc ghi gương mặt của Bồ tát, tôi cũng thường vẽ, khắc gương mặt Ngài lên mặt đất, lên giấy, lên gỗ…
Tôi tự mình đi thăm dò tại các xưởng gỗ, đứng nhìn họ thực hiện các thao tác khắc trên gỗ, vậy là tôi mua đồ nghề về tự học. Hàng tháng trời tôi chỉ đục khắc gương mặt Đức Quán Thế Âm dù đôi tay có tróc da chảy máu. Dịp may, một công ty Đài Loan tuyển thợ điêu khắc gỗ, vậy là tôi đi làm, ngày đi làm ban đêm tôi đi chùa Hoằng Pháp để niệm Phật.
Tay vuốt lại tà áo lam cho thẳng nếp, anh nhoẻn miệng cười. Một nụ cười thoảng thôi nhưng trông anh rất hạnh phúc:
“Tháng 4-2005 với số tiền 47 triệu đồng dành dụm được, tôi đi thuê xưởng, mua gỗ và một chiếc xe máy để mở tiệm. Người quen thân cho là tôi điên rồ, với số tiền này tôi có thể mua nhà, mua đất sao lại mua một đống gỗ. Nhưng, tôi muốn thực hiện lời nguyện trước Đức Quán Thế Âm: đôi tay này có thể làm điều có ích.
Nhờ vào sự chăm chỉ và quyết tâm hướng thiện, tôi đã cất công đi tìm những em cơ nhỡ như mình ngày xưa để nuôi và dạy nghề tại cơ sở. Những pho tượng Bổn Sư, Quán Thế Âm của tôi được hình thành ngày càng đẹp và được các chùa đến đặt, tôi cũng làm thêm các loại hoa lam gỗ. Tin này bay xa tận quê nhà Quảng Trị nhưng không ai tin vì lẽ một thằng giang hồ chuyên đâm chém như tôi làm sao có thể là người làm ra những pho tượng Phật được. Tôi cũng đã gởi về cúng dường ở chùa quê tôi một pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm…
Điều tốt lành đã đến với tôi, năm 2006 tôi được TT.Thích Chân Tính quy y Tam bảo với pháp danh Tịnh Tín. Chùa Đông Linh cũng cho tôi đi tham gia khóa đào tạo huynh trưởng do THPG TP tổ chức và nhờ đó tôi bắt đầu có những ngày tháng gắn với gia đình áo lam. Cuộc đời tôi thật sự đã bước sang một trang mới.
Đôi lúc ngẫm lại, tôi tự cảm nhận mình như được tái sinh lần nữa, nhờ vào năng lượng nhiệm mầu của 6 chữ “Nam mô A Di Đà Phật”, nhờ vào Đức Bồ tát Quán Thế Âm…”
H.Diệu ghi theo lời kể của Phật tử Tịnh Tín
Theo Giacngo
https://m.youtube.com/watch?v=Sxobemm6jyQ
tôi tăng ca sĩ nguyen đuc bai tho tôi thật ngương mộ bạn
HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?
Hạnh phúc và hạnh phúc,
Ôi,muôn vàn hạnh phúc…
Là khi biết”TRI TÚC”.
Cái “HIỆN HỮU”mình đang…!
Đó chính là” xe vàng”,
Ta đang ngồi sử dụng.
Quá khứ đã qua,lai chưa đến,
Nuối tiếc,cầu mong quá mệt lòng,
Sao bằng “hỉ ,xả, từ…”hiện tại.
Đó :cõi NIẾT-BÀN ta hằng mong!
TỊNH-ĐỘ là đây ai biết không,
Đâu phải cõi xa mà tìm trông?!
Sống sao’hòa điệu”vợ,chồng tốt,
Vẫn “mỉm cười tươi”hếtđời:xong!!!
Nam Mô A Di Đà Phật :
“Thời mạt pháp,Phật trời đại xá
Hễ có tu kết quả là thành
Tại gia niệm Phật làm lành
Cũng đồng giải thoát siêu sanh Phật Đài”
Nam mô A Di Đà Phật. Cầu mong chư Phật gia hộ cho chúng con với.