Học Rộng Nghe Nhiều Chính Là Khuyết Điểm Lớn Nhất Của Người Tu HọcTrong quá trình tu hành, gần như ai cũng đều gặp qua tình trạng chính mình bị tập khí đắm nhiễm nhiều đời nhiều kiếp khiến cho tâm bị não loạn. Vì thế hễ 6 căn vừa tiếp xúc với 6 trần thì tập khí bèn khởi tác dụng, lập tức bị cảnh giới bên ngoài làm cho ô nhiễm, lại dấy lên phân biệt chấp trước vọng tưởng. Do vậy mà cái tâm tịch tĩnh vốn có của chúng ta không cách nào hiển lộ. Không chỉ là Tông Môn, Giáo Hạ, mà ngay cả Niệm Phật cũng chẳng tránh khỏi tình trạng này. Phật tại trong Kinh nói cho chúng ta biết: “Nếu chẳng tu Quán Hạnh thì sẽ chẳng thể khôi phục lại được tự tâm”.

Vậy thế nào là tu Quán Hạnh? Nếu nói theo Tịnh Độ thì là Tín-Nguyện-Trì Danh. Chúng ta cần phải đi theo con đường này thì mới mong đem những tập khí phiền não của chính mình trừ bỏ đi. Thế nhưng các đồng tu học Phật hiện thời có ai chẳng đang dốc hết tánh mạng hòng làm tăng trưởng tập khí phiền não của chính mình? Chính vì như vậy nên càng tu hành chẳng những không thể làm giảm bớt tập nhiễm, mà hằng ngày còn làm cho nó tăng thêm. Đây chính là khuyết điểm lớn nhất.

Vậy tập khí tăng thêm như thế nào? Chẳng hạn như đặc biệt nói về các đồng tu mới học Phật, khi vừa mới bắt đầu thì liền muốn học rộng nghe nhiều, dẫn đến Kinh gì cũng muốn xem, pháp môn gì cũng muốn học, đến khắp nơi nghe ngóng, đến khắp nơi nhìn ngó, khiến cho đầu óc rối loạn lung tung, chẳng nắm được điểm mấu chốt. Đây là đang tăng trưởng tập nhiễm. Nếu hỏi người ấy thì chuyện gì cũng biết, trả lời khá trôi chảy, khá lắm, là 1 nhà Phật học cỡ bự. Vậy người ấy có đoạn được phiền não hay không? Chẳng hề. Thị phi nhân ngã , tham, sân, si, mạn chẳng đoạn được dù chỉ một chút. Mà phiền não không đoạn thì làm sao đắc Định? Dẫn đến trí tuệ cũng không cách nào khai mở được. Người học rộng nghe nhiều như thế trong nhà Phật gọi là Thế Trí Biện Thông, là 1 trong 8 nạn của người tu hành.

Nếu lấy học vấn của thế gian để nói thì là người ấy đang nghiên cứu Phật học, làm cách ấy không sai. Nếu xét theo phương diện học Phật thì người ấy đã đi sai đường rồi, học Phật chẳng phải học theo kiểu đó. Vậy học Phật là gì? Là mong đạt được Nhất Tâm Bất Loạn, mong đi đến chổ Minh Tâm Kiến Tánh. Mục đích là ở chổ này, chứ chẳng phải nằm ở chổ học rộng nghe nhiều.

Kinh Hoa Nghiêm đã đưa ra 1 ví dụ rất hay. Thiện Tài Đồng Tử tham học 53 lần. 53 lần tham học này đều là học rộng nghe nhiều. Lúc Ngài mới bắt đầu học, có làm như vậy hay không? Không. Khi vừa mới bắt đầu tu học Ngài chỉ đi theo 1 vị thầy là Văn Thù Bồ Tát. Ở chổ Văn Thù Bồ Tát, Ngài chuyên tâm dốc sức tu hành 1 môn. Tu thành công rồi, tốt nghiệp rồi thì Ngài mới bắt đầu đi ra ngoài để học rộng nghe nhiều. Bởi vì lúc này Ngài đã hoàn toàn khai ngộ rồi, đã đạt đến Minh Tâm Kiến Tánh rồi, cho dù Ngài có học rộng, có nghe nhiều thì cũng chẳng bị những tri kiến này làm nhiễu loạn đến tâm thanh tịnh của Ngài.

Chúng ta nếu muốn sự tu học của mình sớm đạt được thành tựu thì cần phải noi theo Thiện Tài Đồng Tử mà tu học, trước tiên cần phải 1 môn thâm nhập trường kỳ huân tu đã. Sau khi đã đạt được thành tựu, cũng tức là đã thành công rồi thì mới bắt đầu học rộng nghe nhiều. Ngàn vạn lần đừng nên nóng vội mà đốt nóng giai đoạn để rồi chính mình phải chịu thiệt thòi, đó là việc tu học chẳng thể thành tựu, để rồi cứ thế mà trôi lăn mãi trong luân hồi lục đạo.

Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không