Thời Nay Có Nên Thiền – Tịnh Song Tu?

Thời Nay Có Nên Thiền - Tịnh Song Tu?“Thiền-Tịnh song tu”. Có tu Thiền, có tu Tịnh thì mạnh như con cọp thêm sừng. Nhiều người nghe như vậy mới cho rằng phải tu Thiền, phải tu Tịnh. Trong khi đó thì ngài Đại-Thế-Chí Bồ-Tát trong kinh Lăng-Nghiêm có nói: “Đóng hết sáu căn lại, thanh tịnh niệm Phật liên tục, không nhờ một phương tiện nào khác, tâm ta sẽ tự khai mở”. Ta thấy hình như giữa ngài Đại-Thế-Chí và ngài Vĩnh-Minh nói hơi ngược ngược với nhau! Một người thì nói không cần phương tiện nào hết, còn ngài Vĩnh-Minh thì hình như khuyên ta nên tu cả hai, vừa Thiền vừa Tịnh, tu như vậy thì giống như con cọp mà thêm cái sừng, tức là không có gì có thể địch lại!…

Vấn đề này, khi chúng ta đọc Đại Sư Ấn-Quang văn sao thì Ngài giải thích rất rõ. Đến khi nghe Hòa Thượng Tịnh-Không giải thích nữa thì mình thấy lại càng rõ hơn. Thật sự thì hai vị này giải thích rất thấm thía! Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói rằng, lời của ngài Vĩnh-Minh Đại Sư: Hữu Thiền, hữu Tịnh-độ, du như đới giác hổ, có ý nghĩa rằng, người tu Thiền là người có ý chí rất mạnh, có một trí huệ rất sắc bén mới tu được. Họ quyết lòng tự lực để thành đạo. Đây là những người thượng căn thượng cơ, chí khí rất lớn. Chí khí lớn thì ví như con cọp, nghĩa là rất mạnh! Đã mạnh như vậy mà niệm thêm một câu A-Di-Đà Phật nữa, thì đường tu của họ càng vững hơn, càng mạnh hơn nữa, giống như con cọp có thêm cái sừng. Con cọp đã mạnh mà thêm cái sừng nữa thì ai có thể chống lại nổi!

Ngài mới nói là, được như vậy thì đời này sẽ là Nhân Sư và đời sau sẽ làm Phật Tổ. Tương lai sẽ là Phật là Tổ. Ấn-Quang Đại Sư giải thích như vậy. Đến khi Hòa Thượng Tịnh-Không thì Ngài giải còn rõ hơn nữa. Ngài nói, Đại Sư Vĩnh-Minh nói như vậy là tại vì Ngài đang bị khó khăn! Trong thời nhà Tống, nhà Đường, pháp môn Thiền Định đang rất thịnh hành. Lúc đó người ta chê pháp môn niệm Phật là của bà già. Ngài Vĩnh-Minh thực sự là A-Di-Đà Phật tái lai, Ngài thị hiện trong thời đại đó. Ngài đóng một vai trò đi ăn cắp, ăn cắp kho của nhà vua để mua cá trạch phóng sanh. Sau cùng thì Ngài bị án tử hình. Nhưng trước bản án tử hình thì Ngài chỉ cười hè hè! Không sợ!.. Nhà vua mới hỏi tại sao nhà ngươi không sợ? Ngài nói:

– Ta chỉ có một cái mạng này mà cứu không biết bao nhiêu mạng chúng sanh, thì đâu có gì mà sợ. Cứ giết ta đi, ta về Tây Phương.

Thấy vậy nhà vua mới khoan hồng cho Ngài. Ngài xin xuất gia sau đó trở thành Quốc Sư.

Hòa Thượng Tịnh-Không nói, A-Di-Đà Phật sao lại không chịu tu pháp môn niệm Phật mà tu pháp môn Thiền, rồi sau cùng mới khuyên ta chuyển qua Tịnh-Độ? Là tại vì Ngài muốn làm gương cho tất cả mọi người…

– Ta là một vị Thầy của Hoàng Đế đây.
– Ta là người tu Thiền Định đây… Chứng đắc đây!… Nhưng ta vẫn khuyên các con phải niệm Phật.

Khi Ngài chuyển qua niệm Phật, thường thường các hàng đệ tử cứ theo hỏi:

– Sao Hòa Thượng tu thiền mà bây giờ Hòa Thượng lại niệm Phật?…

Bây giờ biết làm sao? Ngài mới nói:

– “Hữu Thiền” là ta đang tu thiền, mà còn “Hữu Tịnh-độ”, tức là có niệm Phật nữa, thì ta giống như con cọp mà thêm cái sừng. Đời này ta làm Thầy, là thầy của Quốc Vương, đến đời sau ta làm Phật.

Đây là ngài Tịnh-Không giảng đại ý như vậy. Rất hay!

Có nhiều người trong thời này căn cơ quá yếu, mà vội vã chụp lấy những lý đạo cao siêu, rồi bám theo hành trì, thì sẽ đưa đến tình trạng không có “Khế cơ”. Những chuyện hổm nay chúng ta nói rất nhiều. Căn cơ chúng ta thực sự không đủ khả năng tự mình vượt qua ách nạn sanh tử luân hồi. Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói: “Giả sử như Bồ-Đề Đạt-Ma Sư-Tổ mà có tái sinh trong thời này thì Ngài cũng phải dạy chúng sanh niệm Phật mà thôi. Tại vì căn cơ thời này không thể nào tự lực chứng đắc được”. Chính vì vậy mà các vị Tổ Sư luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải vững vàng tin tưởng vào câu A-Di-Đà Phật.

A-Di-Đà Phật phát một đại thệ “Mười niệm tất sanh”, nhất định đại thệ này Ngài giữ cho đến vô lượng vô biên kiếp về sau. Có nhiều người nói rằng, ba nghìn năm trước Phật dạy như vậy, nhưng bây giờ thời gian đã chuyển biến, thì mình cũng phải chuyển biến chớ? Đâu có thể nào giữ mãi một chỗ được? Nhiều người nghĩ như vậy, nên chủ trương rằng, trong thời này đã văn minh rồi, ta hãy tự lập ra những gì mới mẻ một chút để tu hành!…

Xin thưa rằng, thọ mạng của A-Di-Đà Phật đến vô lượng vô biên kiếp, và thọ mạng của mình khi về Tây Phương cũng vô lượng vô biên kiếp. Thời gian từ lúc Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật thị hiện xuống thế gian này, rồi tịch diệt cho tới ngày nay chưa tới ba ngàn năm. Chưa tới ba ngàn năm. Với thời gian này nếu một người xuống địa ngục mới thọ hình có một ngày rưỡi!… Lên trên các cảnh giới trời, ví dụ cảnh trời Hóa-Tự-Tại chẳng hạn, thì mới có đâu khoảng hai ngày rưỡi à!… Còn lời thề của Đức A-Di-Đà Phật cứu độ tất cả chúng sanh nó lưu truyền từ bây giờ cho đến mãi mãi mãi về sau…

Hòa-Thượng Tịnh-Không nói, cho đến khi nào mà những người có duyên với Ngài niệm được câu A-Di-Đà Phật, về cho được tới Tây Phương rồi, không còn một người nào lọt lại trong cảnh lục đạo luân hồi, thì lúc đó Ngài mới thị tịch. Mình hãy thử tưởng tượng đi, làm gì mà có chuyện hết được? Nhất định! Mình đem một con cá đi phóng sanh, mình niệm cho nó ít ra cũng hai ba chục tiếng A-Di-Đà Phật. Chủng tử A-Di-Đà Phật đã nhập vào A-Lại-Da Thức của nó rồi. Bây giờ thì nó không biết gì hết, nhưng vô lượng kiếp về sau nhất định cái chủng tử này sẽ hiện ra, và khi nào con cá đó đi về Tây Phương thành đạo rồi Ngài mới tịch. Vậy thì chúng ta yên chí đi, đừng bao giờ lo ngại nữa.

Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói:

– Nếu chư Phật trên mười phương bỏ câu A-Di-Đà Phật, thì chư Phật không cách nào cứu độ hết được tất cả chúng sanh.
– Nếu trong cửu pháp giới bỏ câu A-Di-Đà Phật, thì cũng không có cách nào vẹn toàn thành đạo Vô-Thượng được.

Cửu pháp giới chúng sanh là gì? Là lục đạo cộng thêm Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bồ-Tát nữa. Chúng ta chỉ mới là Nhân, là con người thôi. Xin quý vị phải tin tưởng vững vàng. Có vững vàng như vậy thì tự nhiên trong một đời này nhất định chúng ta được vãng sanh.

Ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục mổ xẻ những vấn đề liên quan tới những điều cụ thể của người khi bệnh, để chúng ta vững tâm. Vì xin thưa thực, tất cả chúng ta ai cũng có nghiệp chướng rất nặng!…

– Chúng ta bệnh là do nghiệp.
– Chúng ta bị vào trong bệnh viện, bị mổ xẻ là do nghiệp.
– Chúng ta bị ung thư, tất cả đều là do nghiệp hết.
– Làm ăn thất bại, tất cả đều có nhân quả hết…

Khi biết được Nhân-Quả rồi, chúng ta phải vững vàng, yên chí đi. Vì Nhân-Quả nó trói buộc phải khổ như vậy, nên chúng ta phải tiếp tục trong cảnh sanh tử luân hồi không bao giờ thoát nạn được!

Ấy thế, từ trong cảnh vô cùng tăm tối như vậy, nay gặp được câu “A-Di-Đà Phật” cũng giống như ta gặp được ngọn đuốc. Nghiệp chướng là cảnh tối tăm từ vô lượng vô biên kiếp, giờ đây gặp một ngọn đuốc, đuốc “A-Di-Đà Phật”. Câu A-Di-Đà Phật là ngọn đuốc, khi thắp lên thì sáng trưng, tự nhiên bao nhiêu cái nghiệp của chúng ta tan biến hết trơn rồi. Nếu thực sự chúng ta muốn bỏ cái nghiệp đi, chúng ta muốn liệng cái nghiệp đi, thì nhất định từ đây chúng ta sẽ hết rồi, không còn nữa đâu. Ta chỉ xả bỏ báo thân một lần chót nữa, tức là cái nghiệp chúng ta nó làm cho chúng ta bị một đại nạn nữa, đó là đại nạn “Tử”, đại nạn bỏ báo thân này một lần nữa là xong…

Niềm tin vững vàng, niệm một câu A-Di-Đà Phật, tức là “Tịnh niệm tương kế”. đừng nên xen tạp… Được như vậy thì nhất định A-Di-Đà Phật sẽ đưa ta về Tây Phương. Về được Tây Phương thì lúc đó:

– Ta không còn là phàm phu vị nữa.
– Ta không còn là những người bình thường nữa.
– Ta là những vị Đại Bồ-Tát trên cõi Tây Phương.
– Ta sẽ dùng tất cả những thần thông đạo lực của chân tâm tự tánh này mà đi cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh, giúp cho họ thoát khỏi ách nạn của nghiệp chướng giống như ta đã từng thọ qua trong vô lượng kiếp.

Xin chư vị vững vàng tin tưởng như vậy để cho trong một đời này tất cả chúng ta đều được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

Niệm Phật Sẽ Vãng Sanh Phật Nói Trong Các Kinh Nào?‏

Niệm Phật Sẽ Vãng Sanh Phật Nói Trong Các Kinh Nào?‏Hỏi: Đã nói nguyện vãng sanh Tịnh Độ, thọ mạng vừa dứt liền được vãng sanh, điều ấy có kinh giáo nào làm bằng chứng?

Đáp: Xin dẫn 7 thứ Kinh Luận để xác minh điều đó. Kinh Đại A Di Đà Phật dạy: “Này A Nan! Nếu có chúng sanh muốn được hiện đời thấy được Phật Vô Lượng Thọ, nên phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, tu hành các công đức, nguyện sinh về nước kia, liền được vãng sanh. Có bài tụng rằng:

“Nếu nghe đức hiệu A Di Đà
Hoan hỉ tán ngưỡng lòng nương về
Cho đến một niệm được lợi lớn
Là vì có được châu công đức.
Dù đầy đại thiên lửa cháy lớn
Cũng phải đi đến nghe Phật danh
Nghe A Di Đà chẳng lui sụt
Cho nên một lòng chí thành lễ”.

Quán Kinh dạy: “Trong chín phẩm, phẩm nào hành giả lâm chung chánh niệm, liền được vãng sanh.”

Luận Khởi Tín nói: “Dạy các chúng sanh khuyên quán chơn như thật tướng bình đẳng, cũng có Bồ Tát mới phát tâm, trong lòng mềm yếu, tự nói mình không thể thường gặp chư Phật trực tiếp cúng dường, trong lòng muốn lui sụt. Nên biết, đức Như Lai có phương tiện thù thắng nhiếp hộ lòng tin, dạy phải chuyên lòng niệm Phật, nhờ nhơn duyên đó, theo nguyện vãng sanh, vì thường gặp Phật, nên xa lìa đường ác.”

Kinh Cổ Âm Đà La Ni nói: “Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo rằng: Ta sẽ vì các ông mà diễn nói thế giới An Lạc ở phương Tây, hiện nay có Phật hiệu A Di Đà, nếu Tứ chúng có thể thọ trì danh hiệu Phật kia, giữ chắc trong lòng, nhớ tưởng không quên, trong 10 ngày 10 đêm trừ bỏ tán loạn, siêng năng tu tập niệm Phật tam muội. Nếu có thể làm cho mỗi niệm tiếp nối không dứt, trong 10 ngày chắc được thấy đức Phật A Di Đà liền được vãng sanh.”

Kinh Pháp Cổ nói: “Nếu người khi lâm chung, không thể niệm Phật, chỉ biết hướng kia có Phật ý muốn vãng sanh, cũng được vãng sanh.”

Kinh Thập Phương Tùy Nguyện Vãng Sanh nói: “Nếu có người đã lâm chung, hoặc chết đọa vào địa ngục. Quyến thuộc trong gia đình vì người mất mà niệm Phật, hoặc chuyển tụng cầu phước, người mất có thể ra khỏi địa ngục vãng sanh Tịnh độ. Huống chi người ấy hiện tại tự có thể tu niệm làm sao không được vãng sanh.

Kinh Đại Pháp Cổ nói: “Nếu thiện nam tử và thiện nữ nhơn nào thường hay buộc ý xưng niệm danh hiệu Chư Phật, thì mười phương chư Phật và tất cả Hiền Thánh thường thấy người này như luôn hiện trước mặt, nên biết người này tùy theo ý nguyện mà được vãng sanh Tịnh độ trong 10 phương.”
Kinh Đại Bi nói: “Vì sao gọi là đại bi? Nếu người chuyên niệm danh hiệu Phật không gián đoạn, người ấy mạng chung chắc sanh về cõi An Lạc. Nếu có thể lần lượt khuyên người cùng nhau niệm Phật, người ấy được gọi là người đại bi.”

Kinh Niết Bàn nói: “Phật bảo này Đại Vương! Giả sử nhà vua cứ mỗi nửa tháng, mở tất cả kho lớn đem bố thí cho tất cả chúng sanh, chỗ được công đức đó không bằng có người xưng danh hiệu Phật một lời, công đức người này hơn người kia không thể so lường.”

Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Này A Nan! Có người cúng dường y phục, ngọa cụ, y dược cho chúng sanh khắp cõi Diêm Phù Đề này, công đức người ấy có nhiều chăng? A Nan thưa: Bạch Thế Tôn rất nhiều không thể kể xiết. Phật bảo: Này A Nan! Nếu có chúng sanh tâm lành tiếp nối xưng danh hiệu Phật nhỏ bằng hạt sửa, công đức người ấy hơn kẻ bố thí kia không thể so lường.”

Kinh Đại Phẩm nói: “Nếu người tâm tán loạn niệm Phật cũng được dứt khổ, phước đức không thể kể hết. Nếu người dâng hoa cúng Phật niệm Phật, cũng dứt hết khổ, phước đức không thể kể hết. Nên biết niệm Phật lợi ích rất lớn, không thể nghĩ bàn.”

Trích An Lạc Tập của Thiền Sư Đạo Xước

Chúng Ta Sanh Vào Thời Này Đều Thuộc Hạng Hạ Căn

Chúng Ta Sanh Vào Thời Này Đều Thuộc Hạng Hạ CănXin chư vị tự hứa với mình rằng, ta đã thấy rõ ràng mình là hàng hạ căn thấp nhất. Thấy cái chỗ thấp nhất đó thì ta mới ứng dụng cái phương pháp cụ thể nhất và an toàn nhất của người thấp nhất, thì tự nhiên ta được vãng sanh không có gì trở ngại. Nếu sơ ý chúng ta khởi tâm cao ngạo một chút, hay là sơ ý thấy mình cao một chút, thì ngay giờ phút đó ta sẽ có chướng ngại ngăn cản con đường vãng sanh. Mình biết mình hạ căn thì thường thường với công phu mình tu hành như thế này chưa đủ để xóa những nghiệp chướng đó đâu.

Những người đang còn khỏe mạnh đừng bao giờ nghĩ rằng ta sẽ tiếp tục khỏe mạnh cho đến giây phút cuối cùng và được an nhiên tự tại ra đi. Không phải!… Thường thường nghiệp chướng nó đổ ra rất bất ngờ!… Khi nó đổ ra như vậy thì sẽ cản trở rất nhiều công phu tu hành của mình. Lúc đó…

– Mình muốn mở lời niệm Phật, niệm cũng không được… Đau quá!…
– Mình muốn mở lời nguyện vãng sanh, nguyện không được…
– Lúc đó tự nhiên bao nhiêu mối u sầu, sợ hãi, lo lắng tới dồn dập… làm mình quên hết, quên trụi lủi trụi lui…

Chính vì vậy, dù sao đi nữa cũng khuyên tất cả phải cố gắng phát tâm dũng mãnh tinh tấn hơn nữa, để cho nghiệp chướng nhẹ đi, có vậy chúng ta mới hy vọng sẽ được tỉnh táo trong giờ phút cuối cùng để nghe những lời của người hộ niệm đến khai thị, rồi niệm Phật theo người ta, nhờ đó mà A-Di-Đà Phật sẽ phóng quang tiếp độ ta về Tây Phương.

Hôm trước có một số vị tới thăm đạo tràng và hỏi chuyện. Có một vị hỏi:

– Đạo tràng của anh có tổ chức tu tinh tấn để đạt được “Niệm-Vô-Niệm” hay không?… Thì Diệu Âm có trả lời:

– Ở đây không chủ trương niệm Phật cho đến Vô-Niệm.

“Niệm-Vô-Niệm” là khởi đầu của cảnh giới chứng đắc “Nhất tâm bất loạn”. Vị đó lại hói:

– Tại sao vậy?… Nếu không được “Niệm-Vô-Niệm” thì làm sao được vãng sanh?

(Niệm-Vô-Niệm nghĩa là tự mình niệm mà không cần niệm nữa, tức là trong tâm mình tự niệm)… Diệu Âm mới nói là:

– Vì hầu hết đồng tu tại đây đều là hạ căn. Mà đã là hạ căn thì đạt đến cảnh “Vô-Niệm” không dễ đâu! Đạt không được tới cảnh giới đó, mà lại xúi dục người ta ráng sức niệm cho đến “Vô-Niệm”, thì cái lực này nhiều khi vượt qua giới hạn chịu đựng của họ. Lúc đó không cách nào cứu được.

Chính vị hỏi đó cũng đang tu để cầu cho được “Vô-Niệm”, được “Nhất tâm bất loạn”. Khi nghe nói vậy, thì mấy vị kia cũng nói:

– À!… Anh Diệu Âm nói đúng đó…

Vị đó nghe vậy, có vẻ hơi giật mình! Tôi nói tiếp:

– Vấn đề niệm Phật để đạt tới cảnh giới này cảnh giới nọ!?… Chuyện này hãy để tự nhiên đi, đừng nên mong cầu. Thay vì hồi giờ mình lấy cái công phu này, công phu rất cao này, để cầu cho “Nhất Tâm Bất Loạn”, cầu cho “Vô-Niệm”, thì tại sao mình không đơn giản lại một chút… Nghĩa là, cũng tu y hệt như vậy, cũng tinh tấn như vậy, cũng siêng năng như vậy… nhưng mà chú tâm vào lời nguyện vãng sanh, để cầu mong mình được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc…

Còn chuyện “Vô Niệm” hay “Nhất Tâm Bất Loạn” nó đến cũng kệ nó, nó đi cũng kệ nó, muốn đến hay đi cũng khỏi cầu mong làm chi. Như vậy mình thấy có vui sướng không? Chứ như trong ba tư lương Tín-Nguyện-Hạnh, thì chữ Nguyện này chư Tổ nói là nguyện vãng sanh, tại sao mình không nguyện vãng sanh, mà lại cầu nguyện cho được “Vô-Niệm” làm chi? Cầu nguyện cho “Nhất tâm bất loạn” làm chi? Nếu đến lúc lâm chung, mình chưa được cái cảnh giới gọi là “Niệm Vô Niệm”, chưa được cảnh giới gọi là “Nhất Tâm Bất Loạn”, chẳng lẽ mình nằm đó chờ cho nhất tâm bất loạn sao? Rồi lỡ giai đoạn mãn báo thân đến rồi… Mình đi đâu đây?!…

Cho nên tôi nói, đã có công phu quyết lòng cầu cho vô niệm thì bây giờ hãy lấy công phu đó để cầu vãng sanh đi. Chư Tổ nói: “Không cầu nhất tâm bất loạn thì mới có thể nhất tâm bất loạn”… Chớ đã cầu nhất tâm bất loạn thì không thể nào là nhất tâm bất loạn được, mà nhiều khi vì cái lực của mình không theo kịp cái tâm, mà mình cứ cầu cho nhất tâm bất loạn, thì coi chừng cái “Bất Loạn giả” xảy ra, cái “Vô Niệm giả” đưa đến, nhiều khi chính mình không kềm chế được, mà sau cùng có thể bị trở ngại!…

Nếu thật sự có những người tu được chứng đắc nhất tâm bất loạn, thì đây là những hạng người căn cơ rất cao. Căn cơ cao thì họ chỉ âm thầm tìm đến những người căn cơ cao, chứ không bao giờ phổ biến rộng rãi ra đâu, vì phổ biến vấn đề này rộng ra có thể khiến cho nhiều người vọng tưởng! Tôi nói như vậy thì vị đó có lẽ hơi ngộ!

Trong kinh Phật có nói, chúng sanh thời mạt pháp này căn cơ thấp lắm! Như chúng ta đây cũng vậy, rõ rệt là căn cơ thấp lắm! Căn cơ thấp mà muốn được vãng sanh, muốn được thành tựu, thì tốt nhất hãy nhắm đến việc tu hành cần cù, siêng năng. Thay vì về nhà buổi trưa mình ngồi trên giường đọc báo, bây giờ mình hãy nghĩ rằng tờ báo này nó không giúp ích gì cho đường thành đạo! Vậy thì, liệng tờ báo đi. Thay vì mình mở phim Tàu ra coi, bây giờ mình hãy nghĩ rằng… À!… Nghiệp chướng mình sâu nặng, khi đến giai đoạn hết báo thân mình sẽ bị đọa lạc, sự đọa lạc này dễ sợ lắm!… Thôi mạnh dạn bỏ phim Tàu đi, lập tức cầm xâu chuỗi lên niệm Phật. Khi niệm Phật, niệm hai ba chuỗi cảm thấy mệt, ta lại muốn đi chơi?… Ta liền tự nghĩ, đây chính là nghiệp chướng đó!.. Mới tu như vậy đâu thể là đủ được! Cố gắng tự quán xét lấy…

Mấy ngày nay chúng ta đưa ra chương trình công cứ. Khi cầm công cứ lên niệm Phật, mình thấy tờ công cứ của mình sao còn trống rỗng!? Người ta thì đầy hết trơn rồi, còn mình thì trống rỗng, chứng tỏ công phu của mình còn quá yếu!… Đã không được nhất tâm bất loạn rồi, mà công phu còn yếu nữa, thì khi nằm xuống mình sẽ không có đủ công đức để hóa giải chướng nạn, mình sẽ bị trở ngại! Thấy vậy thì nên biết giật mình. Thôi! Hãy ráng niệm thêm năm sáu ô nữa đi. Tự mình phải làm chứ không ai bắt mình hết. Một ngày mình niệm một ngàn, tức là tô một ô cũng được. Một ngày mình niệm mười ô, cũng do chính mình chứ không ai bắt mình hết. Nhưng mà mình làm được hai ô, ba ô… chắc chắn mình sẽ an tâm hơn một ô. Mình thấy… À!… Còn yếu quá! Tại sao người kia lại niệm được hai mươi lăm ô trong một ngày, tức là 25.000 câu Phật hiệu. Như vậy họ đã quyết tâm về Tây Phương. Nhìn họ mà mình phải ráng lên, tinh tấn lên. Cứ tấn tới… Phải tấn tới… để cho giải bớt ách nạn của mình đi…

Mình không cầu nhất tâm bất loạn vì mình không có khả năng niệm Phật đến nhất tâm bất loạn. Mà không có khả năng niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, thì chướng ngại nhất định vẫn còn ê hề trước mắt, không bao giờ mất! Mình vẫn biết có những người đồng tu tới hộ niệm cho mình, khai thị cho mình. Nhưng phải nhớ:

– Căn bản là mình cần phải có cái Công-Phu.
– Căn bản là mình cần phải có cái Tín-Lực.
– Căn bản là mình cần phải có cái Nguyện-Lực.
– Căn bản mình cần phải có cái Hạnh-Lực.

Hạnh-Lực chính là tô màu vào những cái “Nút” nhỏ trong bản công cứ đó. Cái nút này hay lắm, nó tăng cái phước mình lên, nó giảm cái nghiệp mình xuống. Nhờ giảm nghiệp mình xuống, nên bệnh hoạn cũng giảm bớt đi. Khi lâm chung mình bớt đau đầu, bớt nhức óc… Nhờ thế mới dễ được vãng sanh.

Nói tóm lại, trong pháp tu của người hạ căn như chúng ta là xin cố gắng hơn nữa, siêng năng thêm một chút nữa để tự mình giải cứu cho mình. Xin đừng đợi đừng chờ…

Hôm nay, xin kể một câu chuyện khác, gọi là “Xin đừng nên chờ!”. Câu chuyện này đã xảy ra tại một làng cận kề với làng của Diệu Âm. Ở nơi đó cũng có ban hộ niệm, có chùa cũng biết hộ niệm. Có một anh năm đó mới 42 tuổi thôi, anh rất có hiếu với người Mẹ. Mỗi thứ bảy, Chúa Nhật anh dùng xe Honda chở người Mẹ lên chùa niệm Phật, tụng kinh, nhưng còn anh thì luôn luôn ngồi ở ngoài hút thuốc lá, nói chuyện, không chịu vào Niệm Phật Đường để niệm Phật. Người ta mời anh vào niệm Phật, Anh nói:

– Bây giờ tôi chưa niệm Phật được đâu!… Tôi phải lo cho bà Mẹ của tôi xong đã. (Bà Mẹ lúc đó 86 tuổi, năm 2006… 86 tuổi). Khi mà Mẹ tôi xong phần rồi tôi sẽ tu sau, bây giờ tôi còn nhiều chuyện lắm…

Thì một bữa nọ anh bị cảm. Ngày hôm trước cảm sơ sơ, ngày hôm sau anh chết… Chết trong lúc 42 tuổi. Bà Mẹ đến nay là hơn 90 tuổi rồi vẫn còn sống một mình, không có ai nuôi hết. Còn anh đó thì đã chết bốn-năm năm nay rồi. Chết mới 42 tuổi, lúc còn đang khỏe mạnh, lái xe Honda chạy ào ào.

Thật sự, “Vô-Thường tấn tốc!”… Rõ ràng là “Triêu tồn tịch vong, sát-na dị thế!”. Ấy thế:

– Đừng bao giờ ỷ lại là ta còn khỏe thế này, còn lâu lắm mới đi.
– Đừng bao giờ nghĩ rằng một người đó bệnh thì người ta đi trước mình…

Không phải vậy đâu!…

Ông Già của Diệu Âm cách đây bốn-năm năm… Khi nói chuyện về bà Sui-Gia của ông. Bà bác đó đã nằm một chỗ không đi được, bị bán thân bất toại… Ông Già tôi nói:

– Chắc bà sui phải đi rồi!… Chắc chắn trước sau cũng đi liền thôi!…

Trong khi ông Già của Diệu Âm lúc đó còn vác cuốc ra đồng, còn cuốc cỏ được. Thì bây giờ đây, ông Già đã ra đi ba-bốn năm rồi mà bà bác đó hiện vẫn còn sống. Lạ quá!

Chính vì vậy, nghĩ tới chuyện vô thường, xin chư vị đừng nên bao giờ ỷ lại rằng sức khỏe của mình còn khỏe?… Không đâu!… Một sớm một chiều, nó đến lúc nào không hay! Mà lỡ nó đến quá sớm, trong khi công phu của mình không có, công đức mình không có… Xin thưa thật chư vị, nghiệp chướng trùng trùng trong vô lượng kiếp, oan gia trái chủ đang chờ từng ngày từng giờ… Nó sẽ đổ dồn tới làm cho mình hứng chịu những hậu quả rất đau đớn đó!…

Hiểu được chỗ này, xin ráng phát tâm tu hành. Không ai bắt phải “Nhất tâm bất loạn”, nhưng mà phải tạo công phu, phải siêng năng, phải cần cù để tự mình giải ách nạn trước. Rồi khi lâm chung đồng tu sẽ đến hộ niệm, nhờ thế thì phần vãng sanh Cực Lạc mới an toàn được…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

Hãy Nắm Vững Chữ “TÍN” Trong 3 Món Tư Lương

Hãy Nắm Vững Chữ TÍN Trong 3 Món Tư LươngChúng ta nói chuyện hộ niệm mà sao nói hoài không bao giờ hết! Ấy thế mới biết là muốn cứu một người vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc khó lắm, không có dễ đâu. Ta phải cố gắng tối đa, dùng đủ mọi cách để cho người có duyên phát được tâm nguyện đi vãng sanh về Tây Phương và người ta thực hiện đúng phương cách vãng sanh.

Nói cho rõ ra là Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ. Tất cả đều nằm trong ba điểm này chứ không có gì khác. Đến ngày nay vẫn có nhiều đọc tiếp ➝

Ngọc Hoàng Thượng Đế Vẫn Chưa Thoát Khỏi Sanh Tử

Ngọc Hoàng Thượng Đế Vẫn Chưa Thoát Khỏi Sanh TửChữ Phật có nghĩa là giác ngộ. Học Phật có nghĩa là học làm người giác ngộ, tức là “phá mê khai ngộ”. Tâm giác ngộ là tâm Bồ Tát, ngược lại, cái tâm mê hoặc điên đảo là cái tâm sinh tử luân hồi. Dùng cái tâm sinh tử luân hồi mà tu tất cả các pháp thiện thì cũng vô ích, cũng không thể thoát khỏi luân hồi. Tuy nhiên vẫn có được phước báo. Phước báo đó, theo như trong kinh nói, sẽ được sinh vào một trong sáu nẻo luân hồi nằm trong ba cõi, mà phước báo cao nhất là được sinh vào cõi Đại phạm thiên. Vua của cõi trời Đại phạm thiên vẫn là phàm phu, cũng không có cách gì để có thể thoát khỏi sự trôi lăn trong sáu nẻo. Hưởng hết phước báo rồi lại bị đọa lạc, luân hồi. Cho nên, làm Thượng đế cũng không phải là cứu cánh.

Học Phật cần phải có một cái tâm giác ngộ. Tâm giác là tâm thanh tịnh. Cho nên, người học Phật phải luôn luôn giữ cho cái tâm của mình được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh chính là tâm giác ngộ, trong tâm không có nghi hoặc, không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, luôn luôn sống với cái tâm thanh tịnh, bình đẳng. Trong cuộc sống hằng ngày, bất kể chúng ta làm việc gì, ở đâu, tiếp xúc với ai, đều phải giữ cái tâm không nghi hoặc, không vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, sống với cái tâm thanh tịnh. Giữ đư?c cái tâm thanh tịnh như thế thì đó chính là “lục độ vạn hạnh” của Bồ Tát tu tập. Điều đó cho thấy Bồ Tát tu tập không tách rời cuộc sống, từ trong cuộc sống này mà tu tập thành tựu hạnh nguyện Bồ Tát một cách viên mãn. Không cần phải thay đổi cách sống và môi trường làm việc, đó mới là tinh thần của Phật giáo Đại thừa.

Trong kinh luận Đại thừa thường nói “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, chúng ta phải lãnh hội cho được ý nghĩa của câu kinh này. Hoàn cảnh xã hội, môi trường làm việc, tính chất công việc, phương pháp làm việc của mỗi người có thể khác nhau, nhưng tất cả đều có thể thực hành tu tập hạnh nguyện của Bồ Tát và thành tựu đạo hạnh như các bậc Bồ Tát. Thực hành được như vậy chính là thể hiện tinh thần “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”.

Tâm của Bồ Tát là chân thành, thanh tịnh, từ bi; hạnh của Bồ Tát là lìa tất cả các tướng, tu tất cả các điều thiện. Tu tập được như vậy thì có được an lạc, hạnh phúc mỹ mãn ngay trong hiện tại. Chỗ khác biệt giữa phàm phu với Bồ Tát là: phàm phu thì chỉ biết lo cho bản thân mình, còn Bồ Tát thì trong mỗi ý niệm đều nghĩ đến cứu độ chúng sanh, vì tất cả chúng sanh mà phục vụ. Dù làm tất cả những việc ấy, trong tâm của Bồ Tát vẫn không phân biệt, chấp trước, cho nên “làm mà coi như không làm, không làm mà làm tất cả”. Điều đó có nghĩa là tuy làm mọi công việc, nhưng trong tâm thì coi như không làm việc gì hết. Vì vậy mà tâm của các ngài luôn luôn thanh tịnh, trong sáng. Đó là chỗ khác biệt giữa phàm phu và Bồ Tát.

Kẻ phàm phu thì làm việc gì cũng đắn đo, phân biệt, chấp trước, có tu có được. Trong tâm chỉ có một ý niệm mê mờ, luyến ái, chấp thủ. Vì không thể nào thoát khỏi ý niệm vô minh, luyến ái, chấp thủ cho nên mãi mãi bị trôi lăn trong sinh tử luân hồi, không bao giờ thoát khỏi tam giới, không bao giờ tu hành được chứng quả. Đừng nói đến là quả vị của Bồ Tát Đại thừa, mà ngay cả quả vị đầu tiên (sơ quả) của Tiểu thừa cũng không đạt được, niệm Phật cũng không thể vãng sinh. Điều kiện cần và đủ để người niệm Phật có thể vãng sinh là thân tâm phải thanh tịnh. Trong tâm nếu còn một chút tham đắm, luyến ái đối với hoàn cảnh thế giới, với tất cả mọi việc trong sáu nẻo không thể nào buông bỏ được thì không bao giờ được vãng sinh. Điều này những người mong muốn cầu vãng sinh không thể không biết. Cho đến những vấn đề như cuộc sống trong tam giới, trong lục đạo so với cuộc sống siêu thoát ngoài tam giới, ngoài lục đạo khác nhau như thế nào, chúng ta đều phải biết một cách thấu đáo, rồi sau mới làm phát khởi cái tâm từ bỏ luân hồi, cầu thành Phật đạo.

Con người nếu không thoát khỏi được tam giới thì phạm vi cuộc sống của họ chỉ luẩn quẩn trong sáu nẻo luân hồi, không gian cuộc sống rất nhỏ bé, và đương nhiên cuộc sống cũng rất khổ đau. Thí dụ, cuộc sống của trời Phạm thiên vương, mặc dù phạm vi sinh hoạt của ông ta là bao quát cả lục đạo, nhưng nói cho cùng thì cũng chỉ trong ba cõi mà thôi, không thoát ra ngoài sáu nẻo luân hồi được. Ngày nay chúng ta được làm thân người, sống trong lục đạo cũng rất đáng thương! Phạm vi cuộc sống của chúng ta không ra khỏi quả địa cầu này. Nếu như sinh vào đường súc sinh, thí dụ làm một con chó người ta nuôi trong nhà chẳng hạn, thì phạm vi sinh hoạt của nó không ra khỏi ngôi nhà của chủ. Chúng ta phải hiểu điều này, trong lục đạo, địa vị và phạm vi sinh hoạt của chúng ta rất nhỏ bé, rất đáng thương! Đó là nguyên do vì sao đức Phật dạy chúng ta phải cố gắng tu tập thành Phật, thành Bồ Tát. Mục đích là muốn chúng ta có một không gian cuộc sống bao la không giới hạn.

Trong đời này, chúng ta chỉ có một điều duy nhất để nắm giữ, một việc lớn nhất để làm, đó là cầu nguyện được vãng sinh sang thế giới Tây phương cực lạc. Sau khi sinh sang thế giới Tây phương cực lạc, phạm vi không gian cuộc sống của chúng ta, giống như trong kinh “Vô lượng thọ” đã nói, là tận cùng hư không, biến khắp pháp giới, giống như thế giới của các chư Phật. Trong mười phương quốc độ của chư Phật, nghĩ đi liền đi, nghĩ về liền về, rất tự do tự tại! Còn trong sáu đường luân hồi thì rốt cuộc không thể thoát khỏi quả báo sinh tử ‘xả thân thọ thân’, nghĩ đến thật nói không hết khổ!

Được sinh sang thế giới Tây phương cực lạc thì tuổi thọ vô lượng vô biên, mãi mãi không bị sinh tử luân hồi. Tướng mạo thân thể thì tùy theo ý niệm của tất cả chúng sanh mà biến hóa ra, giống như trong kinh “Phổ môn” đã nói: “Chúng sinh muốn được độ bằng hình thức thân thể như thế nào, liền hiện ra thân như thế ấy để độ”. Tôn Ngộ Không có 72 phép biến hóa, người đời ai nấy đều ngưỡng mộ, trong khi đó thần thông biến hóa của chư Phật, Bồ Tát thì vô lượng vô biên, không giới hạn, không phải tư duy, tưởng tượng của con người có thể hiểu hết được, lại còn có quả báo rất thù thắng và cuộc sống hạnh phúc rất mỹ mãn, tại sao chúng ta lại không muốn? Nếu như thật sự muốn vãng sinh sang thế giới ấy thì nhất định phải đem cái tâm niệm tham luyến thế giới này buông bỏ hết, lấy cái tâm thanh tịnh chân thành niệm Phật. Trong một đời này nhất định thành tựu, tuyệt đối không quá.

Trích SANH TÂM VÔ TRÚ
Nguyên tác: Tịnh Không Pháp sư
Việt dịch: Thích Nguyên Hùng