Biết Buông Xả Mới Có Thể Vãng Sanh

Biết Buông Xả Mới Có Thể Vãng SanhCó lần Đức Thế-Tôn gặp một đàn kiến, chỉ đàn kiến và nói với ngài A-Nan: “Con biết đàn kiến này trải qua bảy đời Phật rồi mà chúng vẫn còn làm con kiến”. Quý vị tưởng tượng đi, chúng ta ở đây là thân người, một cái cơ may vô cùng trong cái thời mạt pháp này mà gặp được câu A-Di-Đà Phật, xin thưa thực đúng là cơ hội cuối cùng cho ta thoát nạn. Đã là cái cơ hội cuối cùng thì không có cơ hội thứ hai. Nếu mà chúng ta sơ ý không chịu bám víu lấy cơ hội này để quyết lòng vãng sanh về Tây Phương, thì thôi không còn có cơ hội nào khác nữa hết.

Ngày hôm qua có một vị tới đây ngỏ ý muốn chúng tôi tới hộ niệm. Tôi mới nói hãy về liên lạc với gia đình đi, và tôi bày cho cái cách tu, là khuyên bà cụ mỗi ngày hãy niệm năm ngàn danh hiệu A-Di-Đà Phật. Nghe nói vậy thì Cụ đó giựt mình nói, “Ôi! Tôi mệt quá! Tôi niệm không nổi!”. Tôi mới nói, nếu cụ niệm không nổi thì con cũng không có cách nào có thể hộ niệm cho cụ vãng sanh được.

Thực ra, cái tiêu chuẩn năm ngàn câu đó chẳng qua là sự thử thách đầu tiên đó thôi. Tiếp theo đó phải tăng lên mười ngàn, tăng lên hai chục ngàn, tăng lên ba chục ngàn… thì may ra chúng ta mới có khả năng vượt qua cái ách nạn sinh tử luân hồi trong một đời này. Còn không thì xin thưa thực, hôm trước chúng ta đã nói rồi, “Hộ Niệm Là Một Pháp Tu”, nó:

– Bắt buộc mình phải cố gắng,
– Bắt buộc mình phải kiên trì,
– Bắt buộc mình phải vượt qua tất cả những ách nạn.

Chúng ta ở đây kiết thất niệm Phật, kiết nhất tịnh khẩu niệm Phật thực ra là để chi? Để tất cả những tập khí gì chúng ta cố gắng bỏ, ráng bỏ, ráng bỏ… Nếu không ráng bỏ thì những tập khí này nhất định sẽ lôi mình lại trong lục đạo luân hồi.

Chúng ta phải nhớ rằng, đới nghiệp vãng sanh là đới những nghiệp cũ, không thể nào đới những nghiệp mới. Đối với những ngày tháng trước chúng ta làm điều gì sai, A-Di-Đà Phật không có màng cái chuyện đó đâu à! Ngài sợ là sợ cái tập khí chúng ta không chịu bỏ. Chư Thượng-Thiện-Nhơn trên cõi Tây Phương, các Ngài mong muốn chúng ta về trên đó hội tụ với các Ngài. Các Ngài nói:

“Chư vị mà làm các điều sai lầm trong quá khứ, tôi không sợ, tôi chỉ sợ cái tập khí của chư vị không bỏ được”.

Trong kinh A-Di-Đà, Phật nói người về bên Tây Phương là để hội tụ với chư Thượng-Thiện-Nhơn. Chư vị biết là “Thiện Nam Tử – Thiện Nữ Nhân”, có cái tiêu chuẩn của nó, chứ không phải là chúng ta cứ đi tới Niệm Phật Đường niệm vài câu A-Di-Đà Phật, niệm vài giờ A-Di-Đà Phật là Thiện-Nam-Tử, là Thiện-Nữ-Nhân. Không phải đâu! Hoàn toàn không phải!

Trong những giờ tới chúng tôi sẽ cố gắng khai thác chỗ này, quý vị sẽ thấy. Trong ý định của chúng tôi là trong năm Tân-Mão này, chúng ta hô hào lần lần, tức là trước khi mở ra một chương trình gì chúng ta đều hô hào, hô hào tinh tấn hơn nữa. Tức là hiện tại bây giờ chúng ta hai tuần có nửa ngày tịnh khẩu niệm Phật. Quá ít! Chúng ta phải tiến lần lên hai tuần chúng ta có hai ngày liên tục tịnh khẩu niệm Phật, đúng 48 tiếng đồng hồ không nói một lời nào hết. Đây là tập sự.

Chúng ta tu hành cần phải có hợp lý, hợp cơ. Căn cơ chúng ta yếu quá mà áp dụng một cách mạnh mẽ thì sợ rằng chúng ta chịu không nổi! Thì bây giờ chúng ta phải tập sự trước, tập lần lần. Hôm nay chúng ta có nửa ngày tịnh khẩu, hãy vui vẻ thoải mái với thời gian này để chúng ta tập cho trong thời gian sau, chúng ta tăng lên, thay vì nửa ngày chúng ta sẽ tăng lên một ngày, rồi chúng ta tăng lên hai ngày, hai ngày, đúng 48 tiếng đồng hồ nhất định không mở miệng ra nói chuyện. Để chi vậy? Xin thưa chư Tổ dạy rằng: “Bớt đi một câu chuyện, niệm thêm câu Phật hiệu, đánh chết tập khí đi, để chân tâm hiển lộ”. Lời Tổ dạy như vậy đó. Ngài dạy cho những người phàm phu tục tử chúng ta chứ không dạy cho ai hết. Chính cái thị phi, chính cái nói chuyện nó phá tiêu hết tất cả các công đức của người niệm Phật. Cho nên Ngài dạy rõ ràng… “Bớt đi một câu chuyện”. Nói chuyện thế gian làm chi? Nói câu chuyện thị phi làm chi? Hãy “Niệm thêm câu Phật hiệu”.

Quý vị hãy phát tâm ra, quyết thề đánh chết cái tập khí đi. Cái tập khí gì? Tập khí không chịu niệm Phật mà niệm chuyện lục đạo luân hồi. Phải đánh chết cái tập khí này thì chơn tâm chúng ta mới hiển lộ, không hiển lộ tại đây thì chư Thượng-Thiện-Nhơn sẽ tiếp đón chúng ta về Tây Phương với các Ngài, rồi các Ngài sẽ giúp cho ta hiển lộ chơn tâm tự tánh. Chúng ta chỉ cần buông đi, bỏ đi. Nhất định:

– Ngày hôm qua ta ghét một người nào, hôm nay quyết định không ghét nữa.
– Ngày hôm qua ta nói một người nào xấu, nhất định hôm nay không nói xấu nữa.
– Ngày hôm qua ta giận dữ, nhất định hôm nay đừng giận dữ nữa.

Tại vì chúng ta phải làm người hiền. Chỉ làm người hiền là được.

– Người hiền thì không có tham.
– Người hiền thì không có giận, tại vì giận nó kèm chữ dữ, chứ không phải nói là lành.

Thiện lành! Cứ vậy mà tu. Sẵn sàng Niệm Phật Đường tại đây sẽ hộ niệm cho chư vị vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Chư Thượng-Thiện-Nhơn trên cõi Tây Phương sẵn sàng đón chư vị về đó, dù rằng trong quá khứ mình làm lỗi như thế nào thì các Ngài không sợ chuyện đó. Các Ngài chỉ sợ rằng cái tập khí này không chịu bỏ.

Đã không chịu bỏ thì A-Di-Đà Phật ngày đêm buông tay xuống để tiếp độ chúng sanh, nhưng mà cái hoa sen của chúng ta trên cõi Tây Phương đã tiêu rồi. Chư Thượng-Thiện-Nhơn đã biết được cái tập khí này nó còn hiển hiện ra, hễ tập khí còn hiển hiện ra thì không cách nào có cảm ứng được, không cách nào vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc được.

Chính vì vậy, xin thưa… chư vị ơi! Quyết lòng mà hạ quyết tâm tu hành, một lòng một dạ ăn ở hiền lành là được. Buông xả vạn duyên ra, thành tâm niệm Phật, chỉ vậy thôi, bao nhiêu cái nghiệp trùng trùng trong quá khứ chúng ta được đem nó về Tây Phương để hội ngộ cùng chư Thượng-Thiện-Nhơn, và chúng ta thành Phật.

A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

Người Niệm Phật Phải NGUYỆN Cho “Thẳng”

Người Niệm Phật Phải NGUYỆN Cho ThẳngMỗi lần nổi lên một cơn bịnh, mình mới ngộ ra rằng mình chính thị là phàm phu tục tử!

Ngài Ngẫu-Ích đại sư bị một cơn bịnh thập tử nhất sanh thì Ngài ngộ ra, Ngài lo niệm Phật và trở thành một đại Tổ Sư, còn mình chính hiệu là phàm phu tục tử, bịnh rề rề, năm này cũng bịnh, năm kia cũng bịnh, mình có quá nhiều dịp để ngộ rằng mình là phàm phu tục tử!

Vô thường đến bất kỳ lúc nào, không bao giờ nó chờ đợi, không có hẹn được. Chính vì vậy mà khi mình biết được con đường niệm Phật, mình biết trước cả khi mình bịnh nữa, tức là so ra mình hơn Ngài Ngẫu-Ích đại sư một chút. Ngài ngộ ra sau khi cơn bịnh, còn ta biết niệm Phật trước khi cơn bịnh, vậy thì phải lo chuẩn bị.

Trong đường vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, hôm trước mình có nói qua, cái điểm quan trọng nhất là Niềm Tin và Lời Phát Nguyện. Nếu mà niềm tin yếu thì ta phát nguyện không có tha thiết. Nếu ta không muốn đi về Tây Phương thì thường thường ta sẽ có những sự phát nguyện lệch đi và sau cùng thì mất phần vãng sanh. Xin đưa qua đây vài mẫu chuyện có thực…

Ví dụ như ở bên ngoài kia có cái phần hộ niệm vãng sanh, quý vị coi đĩa Sư Bà Thích-Như-Định, Ngài là Sư Bà trụ trì một Ni-Viện, nhưng mà khi Ngài bịnh, Ngài dặn dò các hàng đệ tử và Ngài viết thư nhờ các Ngài khác đừng lo gì khi Ngài chết, mà phải giao cho các ban hộ niệm họ hộ niệm. Họ hộ niệm xong rồi quý vị mới làm theo các nghi lễ. Thấy lạ lùng không? Một Sư Bà mà khi ra đi lại giao cho các vị Phật tử, tôi nhớ không lầm, chính chị Diệu Thường hộ niệm cho Sư Bà. Sư Bà ra đi bất khả tư nghì, thoại tướng tốt không thể nào tưởng tượng. Trong khi đó thì cách đây cũng không lâu cũng có một vị Ni, đã tuyên bố là nhất tâm bất loạn, định được ngày giờ ra đi và có rất nhiều vị Tăng Ni, đông lắm tới hộ niệm. Nhưng mà sau cùng thì không đi! Không đi được, mà sau đó thì những chướng nạn đến dồn dập!…

Trong những lời tọa đàm về hộ niệm trước đây, chắc quý vị còn nhớ một câu chuyện, cũng là một vị Ni, khi bị bịnh rất nặng và bác sĩ đã chịu thua. Vị này được một vị Đại Đức cùng với những ban hộ niệm, ban hộ niệm đó Diệu Âm biết, những người đó họ khai thị tốt lắm. Vị Đại Đức cũng quyết lòng hộ niệm cho vị Ni đó. Hộ niệm được mười sáu ngày thì tự nhiên căn bịnh hết, không còn bịnh nữa và vị Ni đó công phu lại được, coi như người bình thường. Sau khi có hiện tượng như vậy, thì vị Ni đó mới nói với Thầy rằng, “Chắc là con nghiệp chướng còn, nên Phật muốn con đem cái thân nghiệp chướng này để độ chúng sanh chăng?”. Vị Ni đó đã đổi lời nguyện, (nghĩa là nguyện độ chúng sanh chứ không nguyện vãng sanh nữa). Đổi lời nguyện xong thì khoảng mười ngày sau bị phát bịnh trở lại. Thì cũng chính vị Đại Đức và ban hộ niệm đó đến hộ niệm, nhưng mà vị Ni này ra đi không có một cái thoại tướng nào chứng tỏ rằng được vãng sanh Cực Lạc cả, ngay cả cái thân thể mềm cũng không được luôn!

Tại sao lại như vậy?…

Tại vì lời nguyện. Lời nguyện không chính! Lời nguyện không thẳng! Chúng ta tu hành, nhiều khi có những điều sơ suất, như vọng tâm nổi lên, một sự ngã mạn hay một sơ ý nào đó nổi lên, nó có thể đưa chúng ta đi lệch con đường vãng sanh về Tây Phương liền.

Ví dụ như hôm qua mình có nói vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thứ nhất là do quyền lợi của chính mình. Trong vô lượng kiếp qua mình bị đọa lạc trong sáu nẻo luân hồi, chắc chắn ở đó cũng có những cảnh giới tam ác đạo trong đó mà mình không hay. Với tai nạn lớn như vậy mà bây giờ gặp được câu A-Di-Đà Phật, nhờ đại nguyện của đức A-Di-Đà mà mình được về tới Tây Phương, mà về tới Tây Phương thì ngay trong những lời nguyện đầu Ngài nói hễ về tới Tây Phương thì tất cả chư vị đều thành Bồ-Tát hết, thần thông đạo lực nhiệm mầu. Như vậy cơ hội này là để cho chúng ta thoát nạn. Ấy thế mà chúng ta sơ ý, cứ tưởng rằng là đi về bên Tây Phương là do quyền lợi của A-Di-Đà Phật… Cho nên, có nhiều người than:

“A-Di-Đà Phật ơi! Con tu hành tốt quá, con muốn về Tây Phương. Nhưng mà có gì có chứ Ngài cũng cho con hết bịnh, Ngài phải làm cho con hết bịnh… Tức là đặt điều kiện với Ngài. Con hết bịnh rồi thì con niệm Phật mới được chứ. Tại sao con niệm Ngài mà Ngài hổng cho con hết bịnh”.

Rõ ràng đây là lời nguyện sai lầm! Nhân-Quả của chúng ta chư Phật không có xen vào được. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật có nói là “Nghiệp nhân quả báo bất khả tư nghì”, chư Phật không thể chen chân vào được, mà chính chúng ta phải giải quyết. Giải quyết bằng cách nào? Nếu chúng ta bây giờ không nhớ A-Di-Đà Phật, không niệm A-Di-Đà Phật, không nguyện về Tây Phương Cực Lạc thì nhất định chúng ta nhớ lục đạo luân hồi. Nhớ lục đạo luân hồi thì “Duyên” với lục đạo luân hồi, nhất định chúng ta bị kẹt lại. Niệm Phật là để vãng sanh, khi một cơn bịnh xảy ra mà mình sợ chết. Sợ chết là gì? Thèm cái thân mạng. Thèm cái thân mạng này chứng tỏ là quyến luyến cái thân mạng, tâm chúng ta quyến luyến cái nào nhất định đây là cái “Duyên”, ta sẽ theo cái duyên đó để thọ những cái đại nạn trong lục đạo luân hồi.

Cho nên, những người không hiểu đạo, nên lúc lâm chung thường thường sợ chết. Vì sợ chết nên khi chết không bao giờ nhắm mắt được, con mắt mở trao tráo ra. Tại sao vậy? Tại vì trong lúc ngộp ngộp người ta sợ chết chứ có gì đâu, người ta ráng mở con mắt ra, hả cái miệng thiệt to ra để thở, để cố kéo lại sự sống. Vì tha thiết cái mạng sống này nên bắt buộc họ phải theo cái cục thịt này mà xuống dưới nấm mồ, rồi lang thang từ chỗ này qua chỗ nọ, bám víu vào những gốc cây… Vô tình ngàn đời vạn kiếp chịu khổ! Còn người niệm Phật lúc thấy ngốp ngốp, biết rằng sắp chết, họ quyết lòng niệm A-Di-Đà Phật, quyết lòng đi về Tây Phương, họ mừng lên, họ vui lên, tự nhiên những lúc đó họ mĩm cười. Họ mĩm cười ra đi để về Tây Phương Cực Lạc. Niềm tin tưởng của họ mạnh mẽ vô cùng! Sức nguyện của họ tha thiết vô cùng! Trong những lúc đau đớn đó, có thể họ niệm Phật không vô, nhưng nhờ những vị đồng tu hộ niệm, họ nghe lời niệm của người hộ niệm để niệm theo, dù là có thể nghe mang máng, nhưng giúp cho tâm nguyện của họ quyết chí hơn để đi về Tây Phương.

Phật dạy tất cả đều do tâm tạo. Tâm ở đâu? Ở ngay cái ý muốn của mình đó. Chính vì vậy, khi chúng ta niệm Phật mà không muốn về Tây Phương, thì dù cho mình tu có một trăm năm đi nữa, một ngày mình niệm mười vạn câu Phật hiệu đi nữa, nhất định đây cũng chỉ là phước báu nhân thiên, mà phước báu nhân thiên của những người niệm Phật lớn lắm. Nếu việc ác không làm, việc thiện làm, mà còn niệm Phật nữa thì họ sẽ trở nên những người giàu có, những người trong nhà vua chúa. Nếu biết đạo mình nên sợ chỗ này, vì khi thuộc về hàng đó rồi, thì quyền lực quá mạnh, thế lực quá mạnh rồi, thường thường không ai tu được cả, mà bên cạnh cái quyền lực đó, sinh sát ở trong tay, tạo ra nghiệp trùng trùng để đời sau nữa phải chịu nạn nặng vô cùng! Đó gọi là “Tam Thế Oán”: Một đời làm thiện, một đời hưởng quả phước báu, giàu có, sau đó đại nạn!

Chính vì vậy, mà cái cơ hội vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc này, xin chư vị nắm cho vững, đừng để sơ suất. Nếu sơ suất thì mình đi vào con đường sai lạc, sau cùng không ai có thể cứu mình được nữa. Cách đây cỡ chừng hai tuần chúng ta có đi hộ niệm cho mấy vị, gia đình đó ở ngoài Inala. Tôi dặn dò rất kỹ. Nhưng có một lần tình cờ tôi đem cái máy bấm để tới biếu cho ông Cụ, thì vì đi tới bất ngờ, khi bước vào nhà tôi thấy hai mẹ con đang ngồi coi phim. Đang coi phim Đại Hàn… Tôi không nói một tiếng nào hết, nhưng thứ bảy sau đó trong một buổi hộ niệm tôi nói rất nhẹ nhàng nhưng mà rất cương quyết:

“Nếu bác không lo cái vận mệnh của bác, nếu bác không muốn về Tây Phương, mà ngồi ôm coi cái phim này, tôi bắt lại một lần nữa, nhất định, bây giờ bác có năn nỉ, tôi cũng không đi hộ niệm. Tại vì có hộ niệm cho bác, chắc chắn bác cũng không được vãng sanh”…

“Vì sao? Vì rõ ràng là bác bị bịnh, đang chờ từng ngày để chết mà không lo cho chính cái huệ mạng của bác, không lo cho bác thì Phật cứu cũng không được, làm sao tôi có thể cứu?”. Tôi nói rất là nhẹ nhàng. Tôi nói tiếp…

“Bác phải bỏ hẳn từ ngày hôm nay, nếu để tôi bắt gặp lại một lần nữa, bây giờ bác có năn nỉ đi nữa, tôi không đi hộ niệm là không đi hộ niệm, tại vì đi hộ niệm như vậy… Vô ích!”.

Xin thưa với chư vị, không phải mình niệm Phật này là niệm cho A-Di-Đà Phật, mà niệm cho mình và phải tương ứng cho đúng với đại nguyện của Ngài. Tín-Hạnh-Nguyện phải cho đúng. Hạnh là lo niệm Phật chứ không phải là ngồi coi phim, không phải hạnh là sợ này sợ nọ. Chỉ cần đi đúng như vậy, đơn giản rõ ràng, người tội chướng nghiệp nặng này… chúng ta vẫn được Ngài tiếp độ về Tây Phương để một đời thành tựu đạo quả.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

Niệm Phật Không Nên Cầu Được Nhất Tâm Bất Loạn

Niệm Phật Không Nên Cầu Được Nhất Tâm Bất LoạnChúng ta là người hạ căn hạ cơ, mà hạ căn hạ cơ thì chuyện hộ niệm rất quan trọng. Hộ niệm chính là dành cho những người không có khả năng chứng đắc, nói đúng theo danh từ của người niệm Phật, tức là không có khả năng đạt đến cảnh giới “Nhất tâm bất loạn”. Chứ nếu chúng ta có thể đạt được cảnh giới “Nhất tâm bất loạn”, thì không cần hộ niệm nữa. Nói rõ ra, pháp hộ niệm chỉ dành cho những người rất dở, gọi là dở thậm tệ! Chúng ta xin tự nhận là những người dở thậm tệ, nên phải chú ý đến điểm này.

Cách đây cũng mấy năm, có một người tới nói với tôi như thế này: đọc tiếp ➝

Không Nên Giải Đãi Trên Đường Tu

Không Nên Giải Đãi Trên Đường TuĐối với những ai đã ngán ngẫm lẽ vô thường của thế gian này, muốn cầu đạo giải thoát thì phải hạ quyết tâm để dứt khoát những nghiệp duyên kéo trì, không nên chờ hẹn vì chẳng ai dám quyết đoán mạng sống của mình dài được bao lâu. Cổ thi có câu:

Ngày trước đầu đường còn ruỗi ngựa,
Hôm nay trong quách đã nằm yên.

hoặc câu:

Chờ hẹn đến già rồi niệm phật,
Đồng hoang mồ trẻ thấy đông người.

Trên đường tu, để ngăn trách về sự giải đãi, đức Phật đã răn dạy: “Thầy tỳ khưu thường hay có tám cách biếng trễ. Chẳng hạn bữa nào đi khất thực đói, liền nghĩ rằng: “Hôm nay khất thực đói, trong người tất thiếu sức khỏe, để huởn tu một đêm.” Bữa nào khất thực no, liền nghĩ: “Hôm nay ăn no, trong người nặng nề mệt nhọc, thôi tạm xả tu, mai sẽ tiếp tục.” Như thế cho đến những khi: sắp làm việc nhiều, lúc làm việc nặng vừa xong, sắp muốn đau, khi đau bịnh vừa mạnh, sắp đi xa, lúc đi xa mới về; trong các trường hợp ấy, lúc nào cũng nại cớ này, cớ khác, rồi bỏ tu để ngủ nghỉ. Trái lại, những vị tỳ khưu tinh tấn, trong tám trường hợp đó, luôn luôn nghĩ đến sự vô thường, hằng siêng năng tu tập.”

Tâm niệm giải đãi của người xuất gia đã như thế, tất tâm lý biếng trễ của hàng tại gia chắc có lẽ nhiều hơn. Hoằng Nhứt đại sư từng khuyên một thân hữu lo tu cầu giải thoát. Ông bạn viết thư gởi đến, than mình mắc bận nhiều công việc, xin để tạm xếp đặt cho ổn thỏa rồi sẽ hay. Đại sư liền biên vào bức thư đó hai câu thi, rồi gởi trả lại. Hai câu ấy như sau:

Ngay giờ quyết dứt, liền thôi dứt,
Chờ hẹn cho xong, chẳng lúc xong!

Thật thế, chuyện đời đến khi nhắm mắt cũng không rồi công việc.

Khi xưa, có vị tăng khuyên người bạn là Trương Tổ Lưu lo tu cầu giải thoát. Ông bạn bảo: “Tôi có ba việc làm chưa xong: một là quan tài ông thân còn để ở nhà mồ chưa chôn, hai là đứa con trai chưa cưới vợ, ba là đứa con gái chưa gả chồng. Chờ ba việc xong, tôi sẽ vâng lời.”

Mấy tháng sau, ông bạn bị bạo bịnh chết. Vị tăng đến tụng kinh cầu siêu và điếu một bài thi rằng:

Bạn tôi tên là Trương Tổ Lưu,
Khuyên ông niệm phật, hẹn ba điều,
Ba điều chưa vẹn, vô thường bắt,
Đáng trách Diêm vương chẳng nể nhau!

Bài thi ý nói: ông bạn hẹn khi xong ba việc sẽ lo tu, nhưng ngặt nỗi vô thường bất ngờ đến, nó có hẹn cho ông biết trước ngày nào đâu? Thế là rồi một kiếp, lại tiếp tục luân hồi!!!

Phải biết:

Vung cây huệ kiếm gươm thần,
Dứt tan sự thế nợ trần từ đây…

Khuyết Danh
Nguồn: Tam Giáo Đồng Nguyên