Sự Tai Hại Nhất Trên Đời Là Ái Tình Sâu Đậm

Sự Tai Hại Nhất Trên Đời Là Ái Tình Sâu ĐậmTình Ái và Dục Vọng là Tảng Ðá Buộc Chân Người Tu Ðạo. Cho đến hơi thở cuối cùng, cũng nên đối xử tốt với mọi người, nhưng đừng để tình ái xen vào.

Trong nghiệp sinh tử, tình ái và dục vọng là gốc chướng Ðạo. Là người tu Ðạo, bất luận đối với người hoặc đồ vật, nếu sinh ra lòng ái dục thì sẽ chướng ngại sự tu hành, làm mình không phát triển được. Nói một cách rõ ràng hơn, ái dục là sinh tử, sinh tử chính là ái dục. Ái dục là nguồn gốc của sinh tử. Nếu không phá vỡ tình ái dục vọng vô minh, thì mình sẽ không thể ra khỏi biển lớn sinh tử. Làm sao để thoát sinh tử? Rất giản dị, chỉ cần “đoạn dục khử ái,” nghĩa là dứt dục vọng, trừ ái tình, chẳng cách nào khác hơn.

Người tu Ðạo đừng nên suy nghĩ về tình ái dâm dục, càng không nên có hành vi yêu đương. Ðối với bất cứ người nào, không nên sinh lòng yêu đương; hễ có lòng yêu đương thì gốc khổ không thể tránh được; vì có lòng yêu đương thì khó thoát vòng sinh tử.

Có người nói: “Con người là động vật có tình cảm, chuyện ăn uống và dâm dục là việc tự nhiên.” Chính bởi vì nhân duyên đó, nên cần phải tu Ðạo. Trong Kinh Tứ-Thập-Nhị-Chương có dạy rằng:

Mình xem những người già như mẹ mình, những người lớn tuổi như chị, những cô trẻ là em và những đứa nhỏ là con. Hãy Sinh ra lòng độ thoát họ và diệt trừ những niệm ác.

Là kẻ tu đạo mình phải luôn luôn quán tưởng như vậy. Nếu quả không có ái, phải chăng khi gặp người khác mình cứ ngậm miệng chẳng để ý đến họ? Không đúng! Mình không chấp trước vào tình ái, không sinh lòng yêu đương, nhưng không sinh ra lòng ruồng ghét kẻ khác, cũng không thể nói rằng: “Bởi vì tôi không thương người ta nên tôi phải ghét họ.” Ðó là điều sai lầm. Như vậy thì thế nào là đúng? Tức là không thương mà cũng chẳng ghét ai. Không thương, không ghét chính là Trung-đạo.

Tu hành là tu cái gì? Chính là tu pháp Trung-đạo. Ðối đãi với người mình luôn luôn bình đẳng, dùng tâm từ bi; nhưng phải luôn cẩn thận, chớ để rớt vào cạm bẫy ái tình.

Quý-vị nên chú ý! Ðừng nên bị tình ái làm cho mê hoặc. Nếu có người gởi cho quý-vị phong thơ tình, quý-vị cảm thấy lòng mình vui mừng, giống như có con thỏ nhảy nhót, con tim hết sức hoan hỉ, cho rằng hễ có kẻ yêu mình, là chuyện tốt. Sự thật là người yêu quý-vị chỉ muốn kéo quý-vị đọa lạc mà thôi.

Quý-vị thiện-tri-thức nên tựa vào chỗ này mà dụng công phu, phải thật sự hiểu rằng: “Ái tình là thứ phiền hà vô cùng.” Từ vô lượng kiếp tới nay, sở dĩ sanh tử không thể chấm dứt được là vì sao? Chính là bị hai chữ “ái tình” làm hại. Nếu như mình có thể “đoạn dục khử ái” thì mới có thể siêu thoát Tam-giới, không còn sanh tử nữa.

Thứ mình thích thì mình yêu, không thích thì ghét bỏ. Hễ khi thích, tức là mình đã sinh lòng yêu thương. Hễ khi ghét lòng mình sinh ra sự ghét hận. Cả hai thứ, yêu, ghét đều là do tình cảm mà có. Người tu hành xử lý sự việc không dựa vào tình cảm. Tuy nhiên cũng không thể giống như ông Quan Công, ngồi chễm chệ trên bàn xử lý, người ta đảnh lễ, ông cũng không thèm nhìn tới. Ðối với người, mình phải có sự hòa nhã, lễ độ, không nên cống cao, ngạo mạn, coi thường kẻ khác.

Tóm lại, đối với người khác mình phải có lòng từ bi, tìm phương tiện giúp đỡ họ. Lúc nào cũng nên nghĩ đến người khác và khiến họ sinh lòng hoan hỉ. Cho đến hơi thở cuối cùng, cũng nên đối xử tốt với mọi người, nhưng đừng để tình ái xen vào. Các vị nhớ lấy! Ðó là pháp môn vô cùng trọng yếu.

Sự tai hại nhất trên đời là ái tình sâu đậm. Việc cao thượng nhất là tu đạo thanh tịnh.

Quý-vị xem gốc cây nầy gồm có hai nhánh, song đôi hợp thành một, nhánh trên nhánh dưới kết hợp với nhau, quý-vị biết đó là gì không? Ðây là do vô lượng kiếp về trước có một đôi nam nữ thương yêu nhau rất sâu đậm. Hai người đó phát nguyện rằng: “Tại thiên, nguyện tác tỷ dực điểu. Tại địa, nguyện vị liên lý chi.” Nghĩa là nếu sinh lên trời thì làm đôi uyên ương hai cánh liền nhau, nếu sinh dưới đất thì nguyện làm gốc cây liền cành. Ðôi nam nữ nầy rất chung tình, nên kết làm vợ chồng. Cả hai người có một sở thích giống nhau, đó là: ham tiền. Người đàn ông thì thí mạng để kiếm tiền, người đàn bà thì thích phung phí tiền, cho nên có qua có lại hết sức hợp tình hợp ý.

Tuy nhiên, bởi vì yêu nhau quá đậm đà nên tạo ra tội nghiệp cũng hết sức sâu dầy. Ðời đời kiếp kiếp sinh ra trầm luân, đọa lạc vào đường súc sanh, trở thành ngạ quỷ, cuối cùng đọa địa ngục. Ðến nay đôi vợ chồng nầy biến thành thảo mộc. Gốc cây nầy đáng lẽ gồm có hai nhánh, nhưng nó lại sinh trưởng cùng một chỗ, nên mãi mãi ràng buộc với nhau không xa lìa. Quý-vị thấy không, nhánh bên trái bao quanh lấy nhánh bên phải, nhánh bên phải cũng nhào sang ôm lấy nhánh bên trái, giống như đàn ông đàn bà hai người ôm nhau vậy. Ðó mới thấy rằng đôi nam nữ nầy tập khí ái tình si mê, hạ liệt bao kiếp rất sâu đậm. Ngày nay chúng thành loại thảo mộc mà cũng không bỏ được lòng si ái đó. Ở giữa hai gốc nầy có một cục đá, mà hai người nầy quý như châu báu. Cục đá đó là gì? Nguyên lai nó là trương mục ngân hàng của hai vị đó trong tiền kiếp.

Mấy năm trước có lần chúng tôi vào thành thuyết Pháp. Khi đi ngang qua bờ sông thấy gốc cây nầy, liền nhặt đem về. Quý-vị nhìn xem: đầu gốc cây nầy bị chặt đứt, rễ cũng bị chặt mất luôn, lộ ra hai nhánh rất khô cằn, song hai nhánh cây nầy vẫn triền miên ôm chặt lấy nhau. Quý-vị không thấy đó đáng thương xót sao?

Như vậy đủ thấy rằng tình yêu càng sâu đậm thì càng nguy hiểm. Ðây không phải là chuyện nói chơi nói giỡn đâu. Có người trong bụng nghĩ rằng: “Thầy ơi! Thầy nói Pháp này tôi không thể tin được, bởi vì nó không có chứng minh, không hợp lý. Ðại khái Thầy muốn dọa con nít, nói lời chiêm bao thôi.” Tin hay không là do quý-vị, tôi không có cách nào làm quý-vị tin được bởi vì đây là Pháp rất khó nói, khó thuyết. Người đã mê luyến ái thì dù mình có nói cách nào đi nữa họ vẫn không thức tỉnh, không chấp nhận được. Sự tai hại nhất trên đời là ái tình sâu đậm. Việc cao thượng nhất là tu đạo thanh tịnh. Không phải người ta không biết lý ấy; biết nhưng cố phạm là vì chẳng cách gì dứt bỏ thói quen đã làm trong nhiều kiếp trước.

Tục ngữ Trung Hoa có câu rằng: “Khi tay đã cầm cây củi khô rồi, thì y khó chịu bỏ ra để đổi lấy cành hoa.” Ðó là muốn ví dụ những người luôn luôn chấp trước vào tình yêu. Nếu mình nói với họ rằng, hãy bỏ đi những thứ luyến ái đó để tu Ðạo là điều quý hơn, chắc chắn họ sẽ cố chấp không muốn quay đầu lại. Rằng:

Thiên vũ tuy khoan, nan nhuận vô căn chi thảo.
Phật môn tuy quảng, nan độ bất tín chi nhân.

Nghĩa là:

Trời mưa rưới nước khắp nơi, song khó tươi nhuận cây cỏ không gốc.
Cửa Phật tuy rộng thênh thang, mà vẫn khó độ kẻ chẳng lòng tin.

Tôi đã bảo tồn gốc cây nầy lâu năm rồi. Có nhiều người tôi không muốn cho họ thấy bởi vì có nói pháp nầy cho họ, họ cũng chẳng tin. Tôi phải chờ cho thời điểm chín mùi rồi tôi mới nói. Ngày 24 tháng 10, quý-vị từ khắp nơi xa xôi đến đây để triều bái, tôi đem gốc cây nầy ra Vạn Phật Ðiện. Tuy nhiên cho đến ba tuần sau tôi mới nói là vì nếu không nói thì e chẳng còn thời gian nữa; nên bất kể là quý-vị có tin hay không, tôi cứ kể nhân duyên của gốc cây nầy cho quý-vị nghe.

Trích Khai Thị Về Ái Dục
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Chú thích hình trên: Hai gốc cây hiện được lưu giữ tại Vô Ngôn Đường Vạn Phật Thánh Thành

 

Ðức Phật dạy: “Trong các thứ ái dục, không gì đáng ngại bằng sắc dục. Lòng ham thích sắc đẹp to lớn không gì sánh bằng. May thay, chỉ có một mình nó mà thôi. Nếu có hai thứ như thế thì khắp thiên hạ không ai có thể tu Ðạo được cả!”

Kinh Phật Nói Bốn Mươi Hai Chương – Chương 24

Lậu Tận Thông Là Gì?

Lậu Tận Thông Là Gì?Bất luận là nam hay nữ, người nam nhớ người nữ, người nữ nhớ người nam, đó gọi là lậu. Thiên Ma, quỷ thần đều có năm thứ thần thông. Những gì là năm? Chính là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông, nhưng không có lậu tận thông. Nếu chúng có lậu tận thông thì đã không đến quấy nhiễu quý vị. Vì không có lậu tận thông cho nên chúng còn muốn làm người xấu, còn muốn làm người ác để phá hoại quý vị. Chính vì thế, có thể thấy lậu tận thông này không dễ gì đạt được.

Thế nào gọi là lậu tận? Tôi nói thật chút nữa cho quý vị nghe, đó chính là quý vị cứ suốt ngày, cho dù là người nam hay người nữ, người nam nhớ nhung người nữ hay người nữ nhớ người nam cũng đều gọi là lậu cả. Nếu quý vị không dứt bỏ được ý niệm ấy thì không thể đạt được lậu tận.

Tôi lại nói cho quý vị nghe sâu hơn một cấp nữa, bây giờ tôi nói thật! Nếu không nói thật, cũng giống như đậy nắp mà lắc, dù có lắc tới bao giờ, quý vị cũng không biết đây là gì? Nói thật, nếu cái tinh đó của quý vị không bị thoát mất thì gọi là lậu tận. Tinh của quý vị nếu bị rỉ ra thì là lậu. Bây giờ tôi đem bí mật của trời đất nói cho quý vị rõ, nếu quý vị không đánh mất đi tinh khí, là quý vị không còn lậu nữa. Không chỉ không xuất tinh (khí) mà ngay trong ý niệm cũng không còn nghĩ tới — Trong ý niệm vi tế nhỏ nhiệm kia, nếu muốn có một chút niệm dâm dục cũng không còn, đó chính là trạng thái của lậu tận. Bây giờ quý vị hiểu rõ chưa? Tại sao Thiên ma chưa dứt được lậu? Vì chúng còn tâm dâm dục, quỷ thần cũng còn dục tâm.

Trần lao nghĩa là gì? Tôi nói đơn giản cho quý vị biết, đó chính là tâm dâm dục này; mà dâm dục chính là trần lao, trần lao chính là dâm dục, ma mỵ quỷ thần tham đắm những thứ này. Cho nên chúng không muốn cho quý vị buông bỏ, chúng muốn quý vị cũng tham luyến. Chúng nói: “Hai chúng ta là bạn thân, tôi không bỏ những thứ này mà anh lại muốn chạy hả? Muốn bỏ hả? Không thể được!” Cho nên chúng bèn kéo tới. Để làm gì? Nói toạc ra, là vì chúng không nỡ để quý vị thoát ly khỏi thế giới này.

Trích Kính Chiếu Yêu
Kinh Điển Khai Thị Tuyển Tập
Hòa thượng Tuyên Hóa

Tại Sao Có Cảnh Giới Ma?

Tại Sao Có Cảnh Giới Ma?Người tu đạo nhất định phải hiểu rõ đạo lý này một cách đúng đắn, mới không đến nổi phải sa hầm sập hố.

Tại sao xuất hiện cảnh giới ma? Chính vì quý vị tu hành, quý vị siêng năng, nó mới có. Nếu quý vị không siêng năng, thì quý vị muốn tìm cảnh giới ma này cũng chẳng cách nào tìm được, nó không thèm đoái hoài gì đến quý vị. Tại sao thế? Bởi quý vị là kẻ nghèo, dù nó có đến cũng chẳng được ích lợi gì. Bây giờ quý vị tu hành, tu đến có được bảo bối — vì quý vị có bảo bối trong tay, cho nên nó mới tìm đến để cướp lấy bảo bối của quý vị.

Vậy khi nó đến, quý vị phải làm sao? Quý vị phải như như bất động, tỏ rõ sáng suốt; đừng nên chấp tướng, đừng khởi bất kỳ một tâm chấp trước nào, cũng không nên nghĩ: “À! Cảnh giới này thật tuyệt! Hãy xuất hiện lại lần nữa đi!” Đừng hoan nghênh nó, cũng đừng ruồng rẫy nó, cứ giống như không có chuyện gì vậy, vì đây không phải cảnh giới của sự chứng quả; nếu quý vị không mống khởi ý tưởng chứng quả này thì không sao, còn giả như tự cho mình đã chứng thánh, nói rằng: “A! bây giờ ta đã siêu xuất rồi, ngay cả vi trùng sán trong thân ta, ta cũng lôi ra được”. Với quan niệm này tức cho rằng mình đã đắc thần thông tự tại, vậy là sai lầm rồi! Quý vị chỉ cần dấy một niệm cống cao ngã mạn thì ma liền xuất hiện, nó bám theo tâm cống cao này mà chui vào trong tâm quý vị. Nó chui vào tâm quý vị rồi thế nào? Nó sẽ chi phối làm cho quý vị bị chao đảo, không đạt được định lực.

Cho nên người tu đạo, quý vị nhất định phải hiểu đạo lý này một cách đúng đắn, mới không đến nỗi phải sa hầm sụp hố, mới không đến nỗi phải lạc bước lầm đường. Nếu quý vị không hiểu Phật Pháp thì dễ dàng bước vào đường sai lầm. Quý vị không có công phu, thì chẳng thành vấn đề; nhưng khi có công phu rồi thì ma vương giờ giờ khắc khắc đều đến rình rập quý vị, thừa dịp sơ hở của quý vị để quấy nhiễu.

Trích Kính Chiếu Yêu – Kinh Điển Khai Thị Tuyển Tập
Hòa thượng Tuyên Hóa

Thế Nào Là Niệm Phật Sâu Hay Cạn? [Video]

Thế Nào Là Niệm Phật Sâu Hay Cạn?Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói rất khéo: Hành nhân, tức là người niệm Phật, có được vãng sanh thế giới Cực Lạc hay không, [điều ấy] được quyết định bởi [hành nhân] có tín nguyện hay không? Chỉ cần quý vị thật sự tin, thật sự nguyện, không ai chẳng vãng sanh! Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, phẩm vị cao hay thấp, tùy thuộc công phu niệm Phật của quý vị sâu hay cạn. Câu này hay lắm! Công phu cạn là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, vì sao? Chưa niệm đến nhất tâm bất loạn. Niệm đến Sự nhất tâm bất loạn, sẽ sanh trong cõi Phương Tiện Hữu Dư, niệm đến Lý nhất tâm bất loạn sẽ sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Công phu niệm Phật sâu hay cạn, trong ba cõi đều có chín phẩm, [tức là] đều có ba bậc chín phẩm, tùy thuộc công phu cạn hay sâu. Vãng sanh hay không là do có tín nguyện hay không, câu nói này hay quá! Cổ nhân chưa có ai nói vậy, nhưng trong sách Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói như thế.

Trích Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không Ngày 5 tháng 04 năm 2010
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Video giảng sư: Thích Đồng Hành