Sự Vãng Sanh Của Ni Cô Thích Nữ Đàm Thành

Sự Vãng Sanh Của Ni Cô Thích Nữ Đàm ThànhNi cô Thích nữ Đàm Thành là đệ tử xuất gia của H.T. Thượng TRUNG,hạ QUÁN chùa Hoa Nghiêm (Pháp Quốc) bị bệnh suy yếu thận,nên phải lọc máu (hémodialyse) mỗi tuần 3 lần tại bệnh viện Paris gần 18 năm trời,trụ thế được 78 tuổi.chúng tôi muốn kể lại cho quý vị biết việc quan trọng,và lợi ích của sự trợ niệm cho người lâm chung! Hai ngày,trước khi ni cô viên tịch,chúng tôi có đến thăm,nghe bác sĩ nói:sức khỏe ni cô rất yếu,từ mấy ngày rồi không ăn gì được nữa,và sẽ mất đi khoảng vài ngày tới!

Ngày thứ hai,17-05-2010,chúng tôi có vào bệnh viện thăm,sức khỏe ni cô quá yếu,nên chỉ lấy mắt mà nhìn mọi người,chứ không còn hơi sức để nói chuyện như trước ! Lúc 14 giờ 30 phút, chúng tôi gồm 7 người bắt đầu Niệm Phật đến 15 giờ 30 phút,gia đình xin cáo từ ra về trước!Bây giờ,còn lại Tôi(Minh Đăng)và ni cô Huệ Phước, tiếp tục Niệm Phật đến 16 giờ 10 phút.Tôi có linh tính rằng:Ni cô Đàm Thành sắp sửa lâm chung,nên liền đứng dậy đến bên giường và để tay lên đầu ni cô mà Niệm Phật…Quả thật đúng y như vậy,khoảng 5 phút sau,ni cô dùng anh mắt nhìn Tôi,để nói lên sự cảm ơn,thở ba hơi cuối cùng rồi nhắm mắt nhẹ nhàng ra đi trong lúc nghe niệm Phật.

Thấy vậy,chúng tôi liền báo với Bác sĩ đến khám nghiệm ngay,Bác sĩ cho biết ni cô đã ra đi an lành!Chúng tôi xin phép đừng cho đụng chạm đến thi thể,và vẫn tiếp tục Niệm Phật thêm 8 giờ đồng hồ nữa!Lúc mới mất,miệng đang mở,sắc diện gương mặt nhìn thấy hơi xám,do nhờ công đức trợ niệm Phật đến 4 giờ sau ,thì sắc diện tốt hơn và miệng cũng từ từ ngậm lại,5 người ra về, lúc đó họ mới trở lại,bây giờ là 20 giờ 15′. Vì sự trợ niệm rất quan trọng,muốn được lợi ích trọn vẹn cho người mất,chúng tôi khuyên mọi người hãy bình tĩnh,không nên than khóc vô ích,làm cho giác linh không được siêu thoát,chúng tôi chia ra hai nhóm thay phiên nhau Niệm Phật,nghĩa là nhóm này (A) niệm luôn một hơi dài được khoảng 7 lần Nam Mô A Di Đà Phật rồi ngưng,nhóm kia (B) cũng niệm như vậy,mãi cho đến 24 giờ 20 phút mới ngừng niệm.

Như vậy,niệm Phật được gần 10 giờ đồng hồ,bây giờ,chúng tôi thăm dò hơi ấm xem ni cô được sanh về đâu?Mọi người đều hoan hỷ khi để tay trên đỉnh đầu vẫn còn hơi ấm,chứ không lạnh như nơi khác,và nhất là khi cầm bàn tay lên,các ngón tay vẫn thấy mềm mại ! Quý vị thử nghỉ,đoán xem ni cô được sanh về đâu? Có vãng sanh Cực Lạc ?

Mặc dù lúc trợ niệm,không thấy Phật,Bồ Tát hiện thân tiếp dẫn vì lý do phẩm sen thấp,hoặc chỉ người sắp mất mới thấy,nhưng được niệm Phật trước khi mất là rất Tốt.Phật,Bồ Tát hiện thân tiếp dẫn đặc biệt cho người

Thượng phẩm,thì nhiều người sẽ thấy, sáng hôm sau,chúng tôi trở lại Niệm Phật đến 16 giờ chiều,thi thể được di chuyển đến nhà thiêu (crématorium),mỗi ngày sáng,chiều đều tụng kinh A DI ĐÀ,và 108 lần thần chú Tỳ Lô Giá Na,oai thần lực của niệm Phật,tụng Kinh,trì Chú thật Không Thể Nghĩ Bàn,sắc diện ni cô vẫn tốt,không có mùi hôi mặc dù đã viên tịch 6 ngày rồi!

Thứ bẩy,22-05-2010 sau khi thiêu xong,tìm trong tro xương thấy có một vật dài bằng lóng tay út (2 cm) màu xanh như ngọc cẩm thạch rất bóng và đẹp (dĩ nhiên là khi thiêu không có để vào).(khoảng 1 tháng sau,xá lợi lại biến thành màu xám)

Trong tạp chí này có bài Những Vấn Đề Cần Biết Khi Lâm Chung (Thích Tâm An) quý vị nên đọc kỹ và làm theo thì mọi việc được tốt lành như:thỉnh Tăng,Ni,Phật tử trợ niệm,không nên than khóc,phải thay phiên niệm Phật liên tục ít nhất là 8 giờ đồng hồ, sau đó mới thay đồ,lau rửa thi thể,thỉnh mền quang minh(tấm đà ra ni,có các thần Chú) tụng kinh cầu siêu suốt 49 ngày ở Chùa,cúng cơm vong linh bằng các món chay tịnh.

Nhớ thường trì tụng và thực hành theo lời Phật dạy trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện,đây là câu chuyện trợ niệm ở tại PARIS 17/05/10,đăng lên để chia sẻ cùng Phật tử khắp nơi.

Tỳ kheo Thích Minh Đăng

Trợ Niệm Vãng Sanh

Trợ Niệm Vãng SanhTrợ niệm vãng sinh bao gồm những nghi thức nhằm nhắc nhở, khuyến-khích hay thúc-dục một người ốm nặng, hấp-hối hay mới chết cùng với chúng ta niệm Phật, cầu sinh Cực-Lạc.

Nghi-thức này rất quan-trọng đối với những người tu môn Tịnh-Độ. Tại sao? Vì các tín-hữu tu môn Tịnh-Độ đều tin rằng có cõi Cực-Lạc của Phật A-Di-Đà ở phương Tây và tất cả chúng ta, dầu có tội hay không tội, cũng đều có thể được sinh về đó, nếu chúng ta luôn nhớ đến Phật và mong Ngài tới đón về nước của Ngài vào lúc lâm-chung. Tiếc rằng chúng ta vốn có thói-quen chạy theo ngọai-cảnh và vọng-tưởng, rồi quên mất Phật, nên mới cần có người nhắc-nhở, khuyến-khích hay thúc-dục.

Lại nữa, nhớ đến Phật và mong Ngài tới đón thuộc về tình-cảm, không thể gượng-ép. Do đó, nếu không sẵn có cái tình-cảm quý-báu này, thì phải tập niệm danh-hiệu Phật và phát-nguyện vãng-sinh. Văn phát-nguyện rất nhiều, chúng ta nên chọn một bài thật vừa ý mà đọc. Rồi, nhờ niệm danh-hiệu Phật, chúng ta sẽ nhớ đến Phật. Nhờ phát-nguyện vãng-sinh, chúng ta sẽ mong được Phật đón, vào lúc lâm-chung!

Nếu công-phu tu-tập hoàn-tất, chúng ta sẽ biết trước ngày chết. Ngược lại, nếu chưa biết ngày giờ chết, mà đã lâm trọng bệnh, hay lên cơn hấp-hối thì phải chuyên-tâm niệm Phật và nhờ người trợ-niệm cho đến khi thấy được đức Phật, bồ-tát hay hoa sen hiện đến tiếp-dẫn.

Còn nếu chưa thấy điềm lành ấy, mà đã tắt thở, thì phải cố tự-niệm và nhờ người trợ-niệm cho được 10 câu Phật-hiệu trong quá-trình thần-thức rời khỏi thể-xác.

Rủi thần-thức đã rời thể-xác và có thân trung-ấm rồi, thì phải gấp rút nương theo sức trợ-niệm của bà-con hay bạn-bè mà xướng tên Phật cầu sinh Cực-Lạc, nội trong hai tuần đầu. Nếu còn lần-lữa e sẽ lỡ việc!

Nói một cách khác, người niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc là người chuẩn-bị để thi thành Thánh, hay rõ ràng hơn là thành bồ-tát bất-thoái ở trên Cực-Lạc. Thi thành Thánh có ba kỳ: Kỳ một kết-thúc trước khi tắt thở. Kỳ hai bắt đầu từ lúc tắt thở đến khi thần-thức vừa mới ra khỏi thể-xác và chưa có thân trung-ấm. Kỳ ba kéo dài hai tuần, kể từ lúc có thân trung-ấm. Trên thực-tế, chúng ta không xác-định được cái ngày mà người chết vào trung-giới và có thân trung-ấm, nên câu “2 tuần, kể từ lúc có thân trung-ấm” thường được hiểu là “2 tuần, kể từ lúc tắt thở.”

Đậu kỳ một gồm những người biết trước ngày chết, hoặc những người thấy được điềm lành trước khi tắt thở. Sao gọi là thấy được đìềm lành? Thấy được điềm lành là thấy đức Phật, bồ-tát hay hoa sen hiện đến tiếp-dẫn.

Đậu kỳ hai gồm những người niệm được 10 câu Phật-hiệu trong giai-đoạn lâm-chung.

Đậu kỳ ba gồm những vong-linh phát tâm niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc trong khoảng thời-gian dài 2 tuần, kể từ khi có thân trung-ấm, hay thực-tế hơn, là kể từ khi tắt thở.

Vậy, mục-đích tu-học của tín-đồ Tịnh-Độ là phải đậu thành Thánh ở một trong ba kỳ thi đó.

Những người biết trước ngày chết, có thể chuẩn-bị niệm Phật và chờ Ngài đến đón mt cách dễ-dàng và chính-xác. Do đó, không cần trợ-niệm. Tuy-nhiên, nếu được trợ-niệm thì vẫn tốt hơn.

Những người không biết ngày chết, thường quen chạy theo ngoại-cảnh hoặc suy-nghĩ viển-vông mà quên mất Phật. Do đó, chúng ta cần phải sốt-sắng nhắc-nhở, khuyến-khích hoặc thúc-dục họ cùng với chúng ta niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc!

Nhắc-nhở, khuyến-khích hoặc thúc-dục một người ốm nặng, hấp-hối hay mới chết cùng với chúng ta niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc, gọi là trợ-niệm vãng-sinh. Việc làm này hết sức quan-trọng. Cho nên, chúng ta cần phải chuẩn-bị kỹ-lưỡng về cả hai phương-diện tâm-lý và nhân-sự.

Về phương-diện tâm-lý, chúng ta phải giảng-giải cho người thân của chúng ta rằng họ nên niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc. Đặc-biệt là lúc thần lià khỏi xác, nếu họ có thể niệm được mười câu “Nam-mô A-Di-Đà Phật,” thì chắc-chắn sẽ được sinh về xứ Phật.

Về phương-diện nhân-sự, chúng ta nên mời bà con, bạn-bè và nhất là các bậc thiện-tri-thức đến trợ-niệm. Thiện-tri-thức là gì? Thiện là tốt lành. Tri là hiểu Đạo. Thức là biết người sắp chết hay mới chết. Thiện tri-thức trong trường-hợp này là những tín-hữu tin-nhận pháp-môn Tịnh-Độ, quen-biết người sắp chết hay mới chết, lại có lòng tốt chịu đến tận nơi nhắc-nhở, khuyến-khích và thúc-dục người ấy cùng với mình niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc, trong những tuần-lễ trước và sau khi đương-sự tắt thở.

Chuẩn-bị tâm-lý và nhân-sự xong, chúng ta phải học kỹ-thuật trợ-niệm. Kỹ-thuật này gồm hai phần chính: Một là nhắc-nhở người sắp chết hay mới chết phải lo niệm Phật. Hai là phải niệm danh-hiệu Phật A-Di-Đà để họ bắt-chứơc làm theo.

Nếu người cần trợ-niệm chưa tắt thở, chúng ta nên nhắc-nhở, như sau: “Này đạo-hữu (Pháp-danh)! Người đang bị bệnh, nhưng chớ lo! Hãy chuyên-tâm niệm danh-hiệu Phật A-Di-Đà. Nếu số người chưa tận, thì sẽ sớm được bình-phục. Còn như đã đến lúc phải ra đi, thì sẽ được Phật đón về Cực-Lạc!” Tiếp theo, là phải niệm: Nam-mô A-Di-Đà Phật, cho đến khi mỏi-mệt, thì mở máy niệm Phật để thay-thế. Cố giữ cho tiếng niệm ấy liên-tục, không dứt, trong suốt thời-gian cần được trợ-niệm.

Nếu người cần trợ-niệm đã tắt thở, chúng ta nên nhắc-nhở, như sau: “Này đạo-hữu (Pháp-danh)! Người đã chết thật rồi! Không nên nhớ, nghĩ vẩn-vơ nữa. Hãy cùng chúng tôi niệm Phật, chờ Ngài tới đón.” Tiếp theo, lại niệm: Nam-mô A-Di-Đà Phật, như trên.

Với những người chết ở Việt-Nam, chúng ta có thể trợ-niệm trước khi chết và khi họ tắt thở, chúng ta có thể giữ xác họ ở nhà hoặc đưa vào Vãng-Sinh-Đường để tiếp-tục trợ-niệm. Nhưng ở các nước Âu-Mỹ, phần lớn thân-nhân của chúng ta đều chết tại bệnh-viện, hai người một phòng, nên việc trợ-niệm trước khi chết rất là khó-khăn. Rồi khi họ tắt thở, thì thường không có bà con bên cạnh. Tiếp đến thân-hình của họ bị đẩy vào nhà xác để chờ tẩm-niệm.

Nếu rủi bị chết vào ngày chủ-nhật, thì chúng ta thường đợi đến cuối tuần, mới đưa ra nhà quàn để quí thầy, bà con cùng bạn-bè trợ-niệm và viếng thăm lần cuối, trước khi chôn hoặc thiêu. Nói như vậy, có nghiã là có 6 ngày, kể từ khi người thân của chúng ta tắt thở, chúng ta không thể trợ-niệm cho họ. Mặc dầu đấy là những ngày tốt nhất để nhắc họ niệm Phật cầu sinh Cực-Lạc!

Để tránh trở-ngại này, chúng ta nên điều-đình với nhà-thương, xin họ cho chúng ta giữ lại xác chết 8 giờ để trợ-niệm và đồng thời tiến-hành thủ-tục đưa ra nhà quàn trợ-niêm càng sớm càng tốt.

Rồi khi đã chôn hoặc thiêu xác ấy, chúng ta nên đưa vong-linh lên chùa để cầu siêu và lập bàn thờ ở nhà để tiếp-tục trợ-niệm cho đến hết ngày thứ 14, kể từ khi người thân của chúng ta tắt thở.

Qua ngày 15, chúng ta không trợ-niệm nữa, mà chỉ cầu siêu thôi! Cầu siêu là gì? Cầu siêu là cùng nhau bố-thí, cúng-dường, đọc kinh, niệm Phật hoặc trì chú, rồi hồi-hướng công-đức xin cho vong-linh sớm bỏ mê-đồ, sinh về Lạc-quốc.

Tóm lại, với người tu Tịnh-Độ, thời-gian quan-trọng nhất là vài tuần trước khi tắt thở và hai tuần sau khi tắt thở. Tuy nói, vài tuần trước khi tắt thở và hai tuần sau khi tắt thở, nhưng tốt nhất là lúc lâm-chung.

Lâm-chung là lúc thần-thức rời khỏi thể-xác. Không ai biết được thời-điểm mà thần-thức của chúng ta rời khỏi thể-xác, ngoại trừ chính chúng ta và những bậc có thiên-nhãn-thông!

Theo những người có kinh-nghiệm xuất thần, việc thần-thức rời bỏ thể-xác được tiến-hành vào lúc chúng ta rơi vào bóng tối cận-tử và có cảm-giác như đang bay rất nhanh trong một hầm tối với tiếng gió rít bên tai. Việc này được hoàn-tất khi tiếng gió ngưng-bặt và bóng tối tan đi. Bấy giờ, giống như con rắn vừa lột xác, thần-thức có thể quán-sát cái thân mà nó đã bỏ lại để ra đi…

Từ lúc rơi vào bóng tối cận-tử và nghe tiếng gió rít cho đến khi thần-thức ra khỏi thể-xác, người chết hết sức tỉnh-táo và tự-do để nghe chúng ta góp ý. Do đó, khoảng thời-gian này rất tốt để trợ-niệm và thường nằm gọn trong 8 giờ, tính từ khi người thân của chúng ta tắt thở!

Nếu bỏ lỡ dịp này, chúng ta sẽ còn thêm một cơ-hội nữa, là hai tuần kế-tiếp.

Sang tuần thứ ba, chúng ta nên ngưng trợ-niệm để lo cầu siêu. Tại sao? Vì bắt đầu từ lúc đó, sức nghiệp trở mạnh, lôi kéo vong-linh, khiến nó mê-mụi chỉ muốn trở lại luân-hồi! Đây chính là lý-do, khiến chúng ta phải lo trồng công-đức, rồi hồi-hướng xin cho vong-linh sớm bỏ mê-đồ, sinh về Lạc-quốc.

Montréal, ngày 13-03-05
Hiển-Mật

Con Cháu Trợ Niệm Cụ Hạnh Thảo Vãng Sanh Phật A Di Đà Phóng Quang Tiếp Dẫn

Con Cháu Trợ Niệm Cụ Hạnh Thảo Vãng Sanh Phật A Di Đà Phóng Quang Tiếp DẫnĐây là một trong các chuyện mà chúng tôi thích nhất, dù rằng người chết không phải là một Cao Tăng, không lưu lại Xá lợi quý báu. Bởi sao?

Vì cụ vừa mới quy y và niệm Phật trong một thời gian. Chuyện này khiến chúng tôi thích, vì động cơ được vãng sanh là con cháu trợ niệm mà thành tựu.

Có nghĩa là từ đây về sau, bất cứ ai thực hành giống như con cháu của cụ Hạnh Thảo, thì những vị ấy đều được vãng sanh. Chữ: “thực hành giống” mà chúng tôi nói là phải thực sự chí tâm, chí thành; phải tích cực trợ niệm không ngừng; phải tha thiết không lùi bước trước một trở lực nào, phải chịu đựng kiên gang không mệt mỏi.

Quay lại khúc phim

Cách đây gần 1 năm, một liên hữu gọi điện cho chúng tôi, nói:

– Bác Tịnh Hải, con là Ái Thu đây, nhờ đọc các sách của Bác, con và mẹ con áp dụng trợ niệm cho bà ngoại con. Bây giờ bà ngoại con đã được vãng sanh.

-Vậy hả? Mừng cho con. Nhưng làm cách nào con biết bà ngoại con đã được vãng sanh?

-Dạ có những hiện tượng đúng như sách nói.

Chúng tôi hỏi tiếp:

-Con đọc sách nào? Bài nào?

– Con đọc sách Những chuyện Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi, bài nói về trường hợp vãng sanh của Ký giả Trọng Viễn và sách Niệm Phật Cách Nào Vãng Sanh, bài của cô Diệu Liên ở Canada viết.

Bên kia đầu dây liên hữu Ái Thu nói:

-Con sẽ ghi hết tất cả sự việc cho bác, nếu bác thấy được thì bác đăng vào sách, để giúp cho bà con chúng ta.

Chúng tôi bảo:

– Điều nầy rất cần lắm. Nhưng con hãy kể cho bác nghe trước. Vì muốn cho mọi người tin, chúng ta cần có dữ liệu chính xác, đầy đủ bằng chứng. Vậy cháu hãy kể tỉ mỉ cho bác nghe.

Nghe xong chúng tôi liền bảo Ái Thu:

– Điều con nói bác tin được, nhưng con phải làm cho bác hai việc. Một, cậu con phải viết cho bác một cái thư để thấy rõ điều con nói hoàn toàn đúng. Hai,vị Sư Thầy của con ở Việt Nam cũng xác nhận sự việc xảy ra đúng như con nói. Ngoài ra, con gửi cho bác mọi hình ảnh cần thiết. Cháu Ái Thu thuận theo đòi hỏi của chúng tôi.Và hơn nữa năm sau, chúng tôi nhận đủ tài liệu.

Chẳng phải chúng tôi chẳng tin lời nói của cháu Ái Thu, chúng tôi tin tưởng mọi liên hữu cung cấp tài liệu cho chúng tôi. Quan điểm của chúng tôi, theo lời Phật dạy: “Tất cả các pháp đều do tâm tưởng”. Khi tâm ta tưởng điều gì, đó là Nghiệp. Nếu trước một vấn đề liên quan Phật pháp, người cung cấp cho chúng tôi đều bịa ra, giả dối,thì chính người đó đã tự tạo nghiệp địa ngục rồi.Chúng tôi không có tâm lừa gạt ai, chúng tôi đăng lại, chúng tôi chẳng có điều gì đáng trách bởi thành ý và thiện tâm của chúng tôi.

Cũng như khi chúng tôi viết sách, chúng tôi không hề có cái tâm đả phá ai hết hay tự khen mình. Nếu chúng tôi có ác tâm đả phá người khác, đó là chúng tôi đã tự tạo nghiệp.Vì khi chúng tôi khởi niệm là tạo nghiệp rồi. Nhiều người cứ tưởng mình cứ giải thích Phật pháp theo ý mình, thì mình vô tội. Nhưng không ngờ rằng mình vừa khởi lên ý nghĩ là đã phạm tội phỉ báng Phật pháp.

Trở lại chuyện kể của cháu Ái Thu.Chúng tôi biết cháu không có cái tâm khoe khoang, cháu muốn đem chuyện vãng sanh của bà ngoại cháu, khuyến tấn người khác thực hiện như mẹ cháu và cháu.

Tuy nhiên, với sự cẩn thận do thói quen, chúng tôi muốn cháu Ái Thu chân thành cúng dường cho tất cả các liên hữu về trường hợp vãng sanh của bà ngoại cháu. Bởi khi mọi người tin cháu, thực hành đúng như mẹ con cháu thì từ đây thế gian sẽ có vô số vị được thoát khỏi lục đạo luân hồi và vãng sanh Cực Lạc.

Tại sao chúng tôi khuyến khích
Trợ niệm lúc lâm chung?

Trước khi đi sâu vào chuyện kể của cháu Ái Thu, chúng tôi muốn nói với chư vị, tại sao từ hơn hai năm qua chúng tôi không ngừng kêu gọi sự trợ niệm lúc lâm chung. Chúng tôi là người tuyệt đối trung thành vào Kinh Phật và lời Phật dạy.

Người ta đọc Kinh, đọc phớt qua rồi thôi, còn chúng tôi đọc Kinh Phật, với cái tâm mổ xẻ từng câu, từng đoạn để tìm chứng nghiệm. Nếu điều Phật nói, đem ra thực hành có kết quả, thì theo, tán tụng và khuyến khích mọi người nên áp dụng.

Chúng ta đều hiểu, trong thời này con người làm các nhiều hơn thiện. Muốn thoát khỏi tam giới, không còn phải bị luân hồi lưu chuyển trong 6 đường, khó ai có thể làm nổi. Khi nghiên cứu Phật pháp, chúng tôi đọc nhiều Kinh sách Phật, một hôm đọc Kinh Quán Vô Lượng Thọ, chúng tôi thấy có câu:

“Hoặc có chúng sanh gây nghiệp bất thiện: Năm tội đại nghịch, mười điều ác độc. Kẻ ngu như thế, do nghiệp nên đáng đọa vào đường dữ, trải qua nhiều kiếp, chịu khổ vô cùng. Kẻ ngu si này lúc sắp lâm chung, may mắn được gặp bậc tri thức an ủi đủ điều, nói những phép mầu và dạy tưởng Phật, người nọ quằn quại tưởng niệm không nổi. Tri thức lại bảo : nếu người không thể tưởng niệm Phật kia, thì nên xưng danh Phật Vô Lượng Thọ. Người nọ hết lòng niệm chẳng dứt tiếng để đủ mười niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”.

Lời Kinh quá rõ ràng, cho nên bất cứ ai thực hành đúng, thân nhân họ sẽ được lợi lạc. Không cần phải hiểu nhiều về Phật pháp.Và tiếp theo là lá thư của sư Giác Dõng mà chúng tôi yêu cầu cháu Ái Thu phải gởi cho chúng tôi.

THƯ CỦA TỲ KHEO THÍCH GIÁC DÕNG

“Trước hết tôi tự giới thiệu tôi là Tỳ Khưu Thích Giác Dõng, hiện trụ trì Tịnh Xá Phước An, thôn Vĩnh Phú, xã Cát Thắng, huyện Phú Cát, tỉnh Bình Định, Việt Nam.

Chú Tịnh Hải kính! Hôm trước cháu Thu có điện thoại về cho tôi biết là cháu Thu đã gặp chú ,để trao đổi và trình bày về câu chuyện cụ bà Huỳnh Thị Ngọc Sương, pháp danh Hạnh Thảo, trước và sau khi bà ra đi có những điều lạ khác thường, đó là nhờ công đức niệm Phật, nên chiêu cảm đến lòng từ bi, diệu hạnh, thần lực của Đức Phật A Di Đà. Những tướng trạng ấy tin rằng, quyết định bà cụ đã được vãng sanh Cực Lạc.

Hơn nữa, cháu Thu cũng cho biết, ý kiến của chú là cụ bà đã được vãng sanh, là nhờ nhiều duyên hiệp lại, trong đó đã có nhân duyên nên liên quan đến tôi.

Khi bà cụ hấp hối sắp ra đi, thì cháu Thu điện thoại về nhờ chư Tăng ở đây, hiệp tâm cầu nguyện cho bà .

Lúc ấy, các con, các cháu của tôi đứng chung quanh đồng thanh niệm Phật, và chư Tăng ở đây, lúc ấy cùng đồng tâm niệm Phật cho bà. Khi bà ra đi được Đức Phật A Di Đà hiện đến phòng hào quang sáng chói, màu vàng rực rỡ đến tiếp dẫn. Lúc ấy người ở trong phòng, ai ai cũng đếu thấy ánh hào quang sáng rực cả phòng. Bà cụ đã ra đi, sau đó là có những điều kỳ diệu nữa là mặt của bà, đối tượng giống như đàn ông, má lại hồng hào, khí sắc tươi nhận, rồi lại hai trái tai từ từ dài thêm ra. Lại có một điều đặc biệt nữa là, nóng trên đỉnh đầu, suốt 35 tiếng đồng hồ mà trên đỉnh đầu vẫn còn nóng .

Bà cụ Huỳnh Thị Ngọc Sương, khi ra đi và sau đó có những hiện tượng phi phàm, điều này phải ghi đậm để tán dương công đức của pháp môn niệm Phật. Vì bà cụ đã được vãng sanh, đã để lại những chứng tích, để lấy đó làm phương châm, để đi sâu vào niềm tin của công đức niệm Phật.

Chú Tịnh Hải kính, sau đó tôi góp ý với cháu Thu và gia đình nên tìm cách gặp chú Tịnh Hải để trao đổi và trình bày qua câu chuyện của bà cụ đã được vãng sanh cho chú Tịnh Hải nghe, để chú Tịnh Hải kết tập lại câu chuyện này cho lưu hành, phổ biến cho mọi người được biết.

Ở đây tôi nhận được cuốn niệm phật Vãng Sanh Xá Lợi của chú kết tập và Kinh Niệm Phật Ba La Mật sưu giải của chú. Khi tôi nhận được mấy cuốn này, tôi vô cùng hoan hỷ công đức của chú.

Tuy chú hiện tại là người Cư sĩ, còn nói về việc làm của chú đã góp vào một phần công đức rất lớn của hạnh hộ trì và hoằng dương chánh pháp. Việc làm của chú, chính đó là nhân hạnh Bồ Tát tương lai, lời nói của tôi như trên, không phải nói ra để cho được bụng của chú, mà nói đó đúng theo lời Phật dạy.”

Nhờ xưng danh Phật Pháp nên trong mỗi niệm trừ tội sanh tử tám mươi ức kiếp, khi vừa tắt hơi thấy hoa sen vàng như vừng mặt trời ở trước người ấy, trong phút chốc liền vãng sanh Thế Giới Cực Lạc.

Đây là phẩm thấp nhất gọi là Hạ Phẩm Hạ Sanh. Chúng tôi tin tưởng kinh Phật nói sẽ không bao giờ sai. Và chúng tôi áp dụng cho em trai chúng tôi khi đang hấp hối. Mặc dù em của tôi không phải là kẻ không tin Phật và làm ác. Nhưng chúng tôi lấy tiêu chuẩn thấp nhất để áp dụng và mong độ thoát cho em chúng tôi về Cực Lạc. Kết quả khiến chúng tôi lạc quan và tin tưởng mãnh liệt. Và trước mắt chúng tôi thấy rõ, ngoài việc chỉ rõ cho mọi người niệm Phật đúng cách,còn có cách thứ hai là tiếp trợ cho người lâm chung. Chỉ có hai cách này, mới thực sự độ được chúng sanh ở thời mạt pháp này.

Một năm sau, chúng tôi may mắn được nghe băng giảng của Hòa Thượng Tịnh Không. Cũng nghe thấy Ngài nói, Ngài tin theo Pháp môn Niệm Phật khi biết rằng một người chết sắp đọa địa ngục, Phật A Di Đà cũng khiến cho người ấy được thoát luân hồi.Hòa Thượng Tịnh Không đang gây phong trào tu niệm Phật khắp thế giới.

Tất cả người Việt Nam chúng tôi, xuất gia lẫn tại gia, đều thật sự thương chúng sanh đều nên tiếp tay phát động cao trào Niệm Phật, trừ những ai cố chấp với lòng dạ ích kỷ nhỏ nhen, những người này không xứng đáng là con của Phật.

Tại sao?

Theo lời Kinh vừa nói, nếu chúng sanh niệm Phật, mỗi một niềm trừ được 80 ức kiếp sanh tự trọng tội,tại sao lại ngăn cản? Đáng lý nên khuyên bảo, khuyến khích mọi chúng sanh đều nên niệm Phật, để khi họ chết khỏi luân hồi đau khổ mới là thương chúng sanh thật sự.

Như trường hợp cháu Ái Thu,cháu can đảm đem chuyện trợ niệm của mẹ con cháu nói ra để mọi người đều theo đó học lấy kinh nghiệm, hầu giúp đỡ thân nhân họ thoát khỏi luân hồi. Đó mới thật sự thương chúng sanh.

Vắn tắt kể mọi sự tình

Bà ngoại của Ái Thu tên là Nguyễn Thị Ngọc Sương, pháp danh hạnh Thảo,thọ 88 tuổi, mất ngày 13/10/2002.Cụ mới quy y Tam bảo cách nay 2 năm, sau khi một người con trai qua đời.

Má của Ái thu biết Phật pháp và tin vào pháp môn niệm Phật nên sau khi cụ Hạnh Thảo quy y thì được bà hướng dẫn niệm Phật. Gia đình Ái Thu thỉnh băng Hoa Nở Thấy Phật và Phật Thất của chùa Hoằng Pháp cho bà cụ xem. Xem xong cụ hạnh Thảo thích lắm và nói: “Tao chết cũng giống như bà cụ này vậy, tao không để bị hành xác đâu.”

Cụ Hạnh Thảo có xâu chuỗi và từ đó lần chuỗi niệm Phật ngày đêm. Đêm nào bị mất ngũ thì cụ niệm Phật nhiều hơn.

Một hôm cụ bị té bất tỉnh, gia đình phải đưa vào nhà thương,một mặt báo cho các con của cụ cùng biết.Trong thư Ái Thu viết: “Trong lúc ở nhà thương, má con lúc nào cũng nói kề bên tai ngoại,nhắc ngoại con nhớ Phật, nghĩ đến Phật và niệm Phật, Phật sẽ đến đón rước má về Tây Phương Cực Lạc”.

Chúng tôi hỏi:

-Gia đình có rước Thầy đến trợ niệm không?

– Dạ có, Chùa có phái một Thầy đến, nhưng viện lý do vào chủ nhật có lễ nên không ở lại, chỉ chỉ dẫn cho gia đình cách trợ niệm. vì vậy con phải điện thoại về Phù Cát – Việt Nam, cho Đại Đức Giác Dõng để xin hướng dẫn. Ngoại con tuy hôn mê, nhưng thần thức ngoại con vẫn còn nghe thấy. Nên con và má kiên trì trợ niệm cho ngoại. Lúc đó có cậu hai, dì và em con hiện diện, nhưng những người này không tin. Vào 4 giờ ngày 13-10, nhà thương quyết định rút ống dẫn khí. Má con kề sát tai ngoại nói: Má ráo riết niệm Phật không ngừng nghe má, y tá sẽ rút ống.

Má con vừa nói dứt lời, y tá rút máy, thì con thấy ánh sáng từ bên trên rọi xuống gương mặt của ngoại và bóng đèn neon bỗng rực sáng cả gian phòng. Lúc đó, ngoại con thở hắt ra đi một cách êm thắm. Con và má con tiếp tục niệm Phật. Rồi má con thấy hiện tượng lạ là: ngoại con thay đổi gương mặt biến dạng là gương mặt của người đàn ông. Còn con thì thấy bàn tay của ngoại con rất đẹp, da tay căng thẳng không nhăn nheo như lúc sống. Trái tay ngoại lớn thêm, vì lúc còn sống tướng ngoại rất tốt. Lúc đó cậu hai buộc miệng nói với má con: “Em và cháu niệm Phật quá thành tâm nên má mới được như vậy”.

Do lời nói này của Ái Thu, chúng tôi mới bảo:

– Cháu hãy nói cậu cháu và Đại Đức Giác Dõng viết cho bác mấy chữ, kể hết sự tình thì bác mới đăng được.

Đây là lá thư của cậu hai

Tôi tên Kh.T. ngụ tại thành phố Monterey Park, quận Los, miền Nam Cali, có vài lời trình bày sau đây.

Ngày 9 tháng 10 năm 2002, nghe tin má tôi tục danh Nguyễn Thị Ngọc Sương, pháp danh Hạnh Thảo bị bạo bệnh, té bất tỉnh, được đưa vào cấp cứu tại nhà thương “West Houston Medical Clinic”, tôi liền bay gấp qua Houston thăm má.

Tới nơi đến bện viện, gặp Má tôi nằm trên giường bệnh, vẫn hôn mê bất tỉnh. Liên tiếp mấy ngày sau, tôi đã tuần tự gặp mặt 4 vị bác sĩ chuyên môn về não, tim, phổi, ruột đang tận tâm cứu trị Má tôi, họ đều cho biết rằng Má tôi 88 tuổi đã cao niên, nên khi bị cơn xuyễn và đau tim (Asthma & Heart attack) cùng tấn công một lựot tại nhà, cấp cứu không kịp thời, dưỡng khí bị thiếu quá lậu, làm tổn hại qua mức những tế bào não bộ, nên không còn cứu tỉnh lại được.

Tôi liền triệu họp gia đình với các em tôi và đông đủ gia đình các cháu tôi ở Houston, để chuẩn bị tinh thần tất cả các con cháu hầu giúp tiễn đưa một cách trang nghiêm an lành, linh hồn má tôi lên miền Cực Lạc.

Trích 23 Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh của cư sĩ Tịnh Hải

Chuyện Vãng Sanh Của Thân Phụ Sư Cô Huệ Tâm Ở Biên Hòa

Chuyện Vãng Sanh Của Thân Phụ Sư Cô Huệ Tâm Ở Biên HòaTôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc ông rất bận rộn cả ngày, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.

Có nhiều lúc bán hàng đến 12 giờ khuya mới ăn cơm trưa. Dầu mỏi mệt, mắt nhướng không nổi, ông cụ vẫn không bỏ thời khóa niệm Phật. Ngày ấy tôi vừa mười hai tuổi đầu, không hiểu việc làm của cha.

Ông là người Tàu lai mang họ Từ – Từ Văn Lên, pháp danh Thiện Phước, sanh năm 1916. Năm 1959, lúc tôi 9 tuổi, ông quy y với Thầy Yết Ma Thiện Niệm – là một Ni sư người Pháp lai giả trai đi tu. Cha tôi chỉ nghe Thầy Yết Ma và Ni Trưởng Huỳnh Liên, Ni sư Thanh Liên, Kim Liên, Tạng Liên dạy niệm A Di Đà Phật được vãng sanh về cõi Phật.

Đằng đẳng hơn 60 năm, không một buổi tối nào ông bỏ thời khóa niệm Phật. Ông lên gác thắp nhang bàn Phật rồi xuống dưới đất ngồi trên bộ ván niệm Phật. Chư Phật đã chứng minh cho ông. Trước khi nhắm mắt, ông biết trước ngày vãng sanh.

Sáng ngày 9/2/1992, tôi về thăm nhà, ông nhìn tôi mà nói:

– Con có tiền lo cho ba không?

Tôi liền nhìn ông vì lúc này ông không bị bệnh hoạn gì mà lại hỏi như vậy. Tôi trả lời rằng:

– Con đi tu, dạy học ở trường hạ đâu có tiền.

Đến chiều ngày mùng 10/2/1992, ông bị té và được đưa vào bệnh viện vào lúc 7 giờ sáng ngày 11/2/1992.

– Ông hỏi: Nay ngày mấy?

– Đứa cháu nội nói: Dạ ngày 11.

– Ông nói: ngày 14 nhớ mua khoai lang nấu để cúng nhe. Ba sẽ được vãng sanh, nấu để cúng chư Phật đến rước Ba. Ông lập đi lập lại ba lần.

Đúng 4 giờ 30 sáng ngày 14/2/1992, người an nhiên ra đi trong tiếng trợ niệm của con cháu.

Lạ thay, lúc ở bệnh viện, mặt ông tái xanh nhưng khi về nhà, khuôn mặt ông sáng lạ thường, môi như mỉm cười, da thịt đầy đặn, sắc mặt sáng rực ánh hồng. Toàn thân lạnh ngắt nhưng riêng đỉnh đầu của ông vẫn nóng ấm.

Chuyện này có nhiều chư Tôn đức chứng minh nhưng vì thời gian cũng lâu nên bây giờ nhiều vị đã mất, nhiều vị đã đi nơi khác nên khó mà tìm được để chứng minh người thật việc thật. Nhưng những điều tôi trình bày đây là chân thật, không hư cấu hay giả dối vì Phật pháp bất khả tư nghì. Ông hưởng thọ 77 tuổi, vãng sanh ngày 14/2/1992. Một năm sau, 24/2/1993, mẹ tôi cũng vãng sanh và cũng thọ 77 tuổi.

Tuy tôi học nhiều, được bằng Cử nhân Phật học, Cử nhân Văn chương, Cao học Xã hội, Giảng viên Phật học và nhiều chức vụ khác nhưng tôi không công phu niệm Phật thì chắc chắn lúc lâm chung sẽ không được hưởng lợi lạc như cha mẹ tôi. Mặc dầu ba mẹ tôi không am hiểu nhiều về giáo lý nhưng ông bà niệm Phật gấp bội lần nên vãng sanh thật an nhiên và biết trước ngày vãng sanh. Tôi chỉ mong ước được bấy nhiêu đó thôi.

Cha tôi được an táng nên không có trà tỳ nên không biết có Xá lợi không. Nhưng theo tôi, có hay không Xá lợi thì cũng không quan trọng, quan trọng là có vãng sanh được hay không mà thôi.

Kính bút

Tỳ Kheo Ni Thích nữ Huệ Tâm
Trích: 23 Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh của cư sĩ Tịnh Hải, NXB Tôn Giáo