Dạy Con Niệm Phật

Dạy Con Niệm PhậtCon người sống trên đời cần nên tạo phước đức

Là người Phật tử, tôi biết được một sự thật là tiền tài, quyền lực, địa vị, danh vọng không thể che chở cho con mình mỗi khi gặp tai họa mà chỉ có phước đức, công đức mới là chiếc áo giáp vô hình chắc chắn khiến cho con mình có thể vượt qua bao nhiêu khó khăn hiểm trở trong cuộc đời.

Tôi lấy sự kiện sóng thần Nhật Bản năm 2011 làm minh chứng, thiên tai đó đã cướp đi biết bao nhiêu sinh mạng nhưng trong đó có một em bé bốn tháng tuổi lại may mắn sống sót. Trải qua ba ngày sau cơn sóng thần động đất, người ta mới tìm ra em và đưa em về đoàn tụ cùng gia đình. Cha mẹ cũng không bảo vệ em được. Bởi vì khi đó, bản thân họ cũng phải chống chọi với tử thần. Vậy lúc đó, ai che chở cho em? Chỉ có phước đức của em mới tự bảo vệ mình.

Bản thân tôi cũng là một ví dụ. Năm lên 12 tuổi, một hôm tôi ngồi chơi, vô tình chạm tay vào sợi dây điện 220V hở múi nên bị giật. Ba tôi ngồi ở cái bàn phía sau lưng tôi mà không biết gì cả, mặc dù lúc đó trong tâm thức tôi gào lên: “Ba ơi cứu con!” Trong lúc tuyệt vọng, tôi buông thả sợi dây điện rớt xuống đất, nhờ vậy mà thoát chết. Sau đó, tôi hỏi lại thì ba tôi bảo không nghe, không biết gì việc tôi bị điện giật, dù rằng ông ở cách tôi chưa đầy bốn mét. Cha mẹ ở bên cạnh đó nhưng cũng không thể bảo vệ được con mình huống gì là ở xa? Sau ấn tượng đó, không bao giờ tôi quên; nếu như thiếu phước có lẽ tôi cũng vĩnh viễn ra đi.
Nhờ vậy mà tôi rút ra được bài học, “con người sống trong đời mà thiếu phước đức thì mọi việc đều hỏng, khổ đau sẽ triền miên.”

Vì sao tôi dạy con mình niệm Phật?

Người xưa thường nói: “Dạy con từ thuở còn thơ…..”

Là gia đình Phật tử, hai vợ chồng tôi tu tập tại gia và hướng dẫn các con làm theo những điều tốt, điều thiện. Tôi thường nói với các con mình: “Các con à! Không ai có thể che chở được cho các con ngoại trừ các con. Các con phải cố gắng niệm Phật, bởi vì công đức niệm Phật rất lớn. Đó chính là áo giáp an toàn nhất có thể che chở cho các con chứ không phải ba mẹ hay của cải vật chất. Các con hãy ghi nhớ kỹ điều này.”

Khi tôi có thai các bé thì tôi không hiểu nhiều về Phật pháp nên tôi không thể giáo dục con lúc còn ở trong thai kỳ như các Quý Thầy đã dạy. Vì vậy, bây giờ tôi dạy các con hướng về thiện. Các cháu còn nhỏ nên tôi nghe lời Pháp sư Tịnh Không giảng, thường cho các cháu xem các phim về Nhị Thập Tứ Hiếu, Câu Chuyện Nhân Quả (Cảm Ứng Thiên), Phép Tắc Người Con. Quan niệm của vợ chồng tôi là phải dạy cho các cháu đạo đức, nhân quả khi các cháu còn nhỏ. Sau này nhất định các cháu sẽ trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Các bậc cha mẹ đừng để con mình lớn rồi mới dạy thì sẽ gặp nhiều khó khăn; bởi vì tính cách hình thành từ bé đã ăn sâu nên khó thay đổi. Nếu như con cái lớn rồi mà tính cách đã quá xấu thì cha mẹ phải thành tâm niệm Phật hồi hướng cho con may ra mới có thể thay đổi được.

Khi tôi học Phật, được biết đến uy lực của câu vạn đức hồng danh A Di Đà Phật thì cảm xúc không thể tả. Công đức niệm danh hiệu Ngài quả thật không thể nghĩ bàn. Chính mắt tôi thấy, tai nghe những câu chuyện về bạn đồng tu, những người niệm Phật thật nhiệm mầu rất chân thật, nhiệm mầu nhất vẫn là một đời này có thể giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Trong cuộc sống xung quanh và ngay trong cuộc sống gia đình tôi cũng cảm nhận được có Phật lực gia trì mỗi khi gặp một chuyện gì đó tổn hại.

Con còn nhỏ không thể giải thích tường tận, nên chúng tôi chỉ khuyến khích các cháu hàng ngày lên trên gác thờ Phật, niệm danh hiệu Phật khoảng mười lăm phút, cũng phát nguyện vãng sanh và hồi hướng về Tây phương. Tuy là thời khóa ít, nhưng hạt giống Bồ-đề cứ gieo cho các cháu cho đến khi trưởng thành chắc chắn sẽ có được lợi ích.

Làm cha mẹ ai cũng mong muốn đem lại những gì quý nhất, tốt nhất để lại cho các con. Tôi lại nói với con: “Trong cuộc đời này, mẹ chỉ biết có một thứ mà không của cải quý giá nào sánh bằng mà ba mẹ có được dành cho các con bằng công đức của việc niệm danh hiệu “A Di Đà Phật”. A Di Đà Phật là VÔ LƯỢNG QUANG, VÔ LƯỢNG THỌ, VÔ LƯỢNG CÔNG ĐỨC, VÔ LƯỢNG TRÍ TUỆ, cái gì Ngài cũng vô lượng. Các con niệm Phật thì bao nhiêu công đức của Phật, cái quả mà Ngài đã thành tựu được con mang đến làm nhân cho mình rồi. Vậy quả của mình cũng sẽ thành Phật trong tương lai, nhân nào quả nấy. Khi con niệm A Di Đà Phật thì người con sẽ có một ánh sáng phát ra, ánh sáng này khiến cho yêu ma quỷ quái và mọi thứ xấu không thể đến gần con được”.

Tôi dạy thêm cho con: “Trong thế gian này ngoài niệm Phật A Di Đà ra các con nên niệm thêm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài đại từ đại bi thường cứu khổ cho nhân gian rất là nhiều. Ngài sẽ che chở cho các con mỗi khi lâm nạn”. Kể cho các cháu nghe một vài chuyện thật về cảm ứng của Ngài cứu khổ trong cuộc sống này và cho các cháu xem thêm đĩa Sự Tích Quán Thế Âm Bồ Tát giúp các cháu tăng thêm niềm tin. Và chính niềm tin này sẽ tạo nên cảm ứng.

Là người học Phật, tất cả chúng ta đều biết mỗi người có một nghiệp riêng. Cha mẹ hay con cái cũng vậy. Cho nên ngoài việc khuyên con niệm Phật, chúng tôi dạy cho con ăn chay, giúp đỡ người khác, biết bố thí, phóng sanh và cúng dường Tam bảo….để các con tự tạo phước báo cho riêng mình. Và đó chính là áo giáp vô hình che chở cho các cháu, hơn tất cả tiền bạc và quyền lực cũng không che chở được. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn cho con biết tốt xấu, biết nhân quả, sống biết yêu thương chia sẻ là những bài học giáo dục đầu tiên khi con vừa chuẩn bị vào tiểu học thiết nghĩ rất quan trọng. “Tiên học lễ, hậu học văn” – câu nói này của người xưa không bao giờ thừa. Khi trẻ còn nhỏ mà biết hiếu, nghĩa, yêu thương, nhân quả thì tương lai các bé sẽ là một người có ích cho xã hội và ngược lại nếu như trẻ khi còn nhỏ chỉ biết hưởng thụ, quen được cung phụng và sống ích kỷ, không biết nhân quả thì cho dù tương lai có giàu sang hay quyền lực bao nhiêu thì cũng hỏng, đều là không tốt cho gia đình và cả xã hội. Thời nay chúng ta có thể thấy nhiều, rất nhiều vị đều có tài nhưng thiếu đạo đức – đã làm tổn hại cho xã hội biết bao nhiêu. Từ thực tiễn này nên chúng ta cần chú ý kỹ việc dạy con lúc còn thơ. Hạt giống trồng không tốt nó sẽ cho ra trái đắng, nếu biết cách chăm sóc thì nó sẽ trở thành trái ngọt. Tất cả đều tùy thuộc vào mình – bậc phụ huynh chúng ta. Nhờ Phật pháp tôi hiểu được những điều này, cũng nhờ Phật pháp mà tôi biết đến công đức niệm Phật rất vi diệu, nhiệm mầu không thể nghĩ bàn. Đó cũng chính là lý do mà tôi muốn các con mình niệm Phật.

Diệu Âm Lệ Hiếu

Tôi Là Phật Tử

Tôi Là Phật TửQuê hương tôi nằm trên vùng biển xanh cát trắng Nha Trang. Từ nhỏ, mấy chị em tôi đã được mẹ đưa về chùa làm lễ quy y, trở thành Phật tử.

Chúng tôi thường được mẹ dẫn đi chùa, mẹ khuyến khích mấy chị em tôi ai học thuộc kinh Bát Nhã, chú Đại Bi thì sẽ có thưởng. Thằng em thứ ba của tôi rất thông minh, học giỏi nên chỉ trong ba ngày, nó đã thuộc và “trả bài’’ vanh vách. Còn tôi thì ì ạch lắm mới thuộc được kinh Bát Nhã. Với chú Đại Bi thì ôi thôi, chữ nào vô được trong đầu thì ngày sau nó cũng tìm đường chui ra. Tôi chẳng có hứng thú gì với những dòng chữ Phạn khô khan, khó hiểu ấy cả. Thế rồi tôi bỏ luôn không học nữa.

Ba tôi thường dạy cho chúng tôi hát những ca khúc Phật giáo. Tôi còn nhớ một số bài hát mà mấy cha con đã từng hát thật say sưa. Có lẽ đây là quãng thời gian êm đềm, hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi.

Sau năm 1975, ba tôi rời thành phố Nha Trang khăn gói lên đường đi kinh tế mới. Thấm thía lẽ vô thường, sự thăng trầm của cuộc đời, cùng với những hiểu biết giáo pháp của Đức Phật, ba phát tâm ăn chay trường, sống thiểu dục tri túc, thực hành hạnh từ bi nhẫn nhục… cho đến tận bây giờ.

Mẹ con chúng tôi ở nhà, giữa cái thời bao cấp đầy khốn khó, tiền lương của mẹ không đủ sống nên một mình mẹ xoay xở đủ cách để nuôi bốn đứa con. Tôi cũng tìm cách đi bỏ kẹo, thắt lá buông phụ giúp gia đình… Chị em chúng tôi cũng dần dần lớn lên dưới đôi tay yếu ớt nhưng tràn đầy tình yêu thương và nghị lực của mẹ.

Học xong 12, tôi thi vào sư phạm. Ra trường, đi dạy xa nhà rồi lập gia đình. Chồng tôi cũng là giáo viên. Hai đứa con lần lượt ra đời. Vâng lời mẹ, tôi có thỉnh tượng Bồ tát Quan Âm về thờ và thắp hương hàng đêm. Nhưng thực ra, trong tôi chỉ có một niềm tin mù mờ, xa vời. Làm giấy tờ hoặc kê khai lý lịch viên chức ở mục tôn giáo, tôi luôn luôn ghi chữ “không’’. Tôi luôn cảm thấy bất an, lo sợ người ta biết nhà tôi thờ Phật, vì bấy giờ tôn giáo tín ngưỡng gần như bị liệt vào “tiêu cực và mê tín dị đoan”. Cùng với những vất vả thiếu thốn, phải hơn thua, giành giựt với đời để mưu sinh làm cho tôi càng ngày càng xa rời mái nhà tâm linh Phật giáo…

Trong vòng xoáy hơn thua của cuộc đời, đôi khi tôi cảm thấy nghẹt thở, mỏi mệt và kiệt sức. Nhiều lần, nhìn tôi vô minh khổ đau tranh chấp với đời, ba tôi đem giáo pháp của Đức Phật ra giáo hóa, mong tôi sớm thức tỉnh để tu hành nhằm chuyển hóa khổ đau. Nhưng vì lưới vô minh và lòng tham lam, đố kỵ bao phủ nên những gì ba nói đều làm tôi khó chịu. Khi ba tôi giảng: “Mọi khổ đau hay hạnh phúc trên thế gian này đều là giả’’, tôi phản ứng liền. Tôi cho rằng ba sống không thực tế, những điều ba nói là viễn vông, không thực trong xã hội đầy bon chen hiện nay.

Nghe tôi nói, ba buồn vì biết tôi còn quá vô mình và nhiều ngộ nhận. Ba dỗ dành: “Nếu con quá bận rộn thì hãy chọn một pháp môn phù hợp với hoàn cảnh bận rộn, đó là pháp môn Tịnh độ. Đây là con đường hay nhất để giúp con giải thoát”. Sau đó, ba đưa cho tôi quyển kinh Vô Lượng Thọ và sách Tây Phương Du Ký. Tôi về xem qua rồi… cất luôn vào tủ, chẳng mảy may ngoái nhìn. Tôi thấy những điều này sao quá hoang đường, vu vơ, không thật, giống như truyện cổ tích. Và tôi vẫn tiếp tục lao theo dòng xoáy vô minh tham đắm với đời .

Thỉnh thoảng, tôi cũng có đi chùa cầu nguyện gia đình bình an, con cái học giỏi, phát lộc phát tài. Dù chưa thật sự có niềm tin vào Phật pháp nhưng vì lòng tham, lo sợ mất phước nên tôi cứ làm cho chắc, biết đâu được Phật linh thiêng độ trì cho gia đình.

Tôi phung phí hơn nửa đời người vào những cuộc ăn chơi, giành giật, bon chen, ích kỷ, thị phi triền miên. Để rồi, hằng đêm, tôi luôn luôn phải thao thức, trăn trở, vật vã vì những cái hơn thua, được mất đầy phù du, ảo vọng. Ngoảnh lại đời mình, một chuỗi dài những nhọc nhằn, khắc khoải, toan tính, lo âu. Lắm lúc tôi tự hỏi: Con người sinh ra để làm gì? Tôi sinh ra để làm gì? Phải chăng là để cùng nhau trải nghiệm, thi thố, thể hiện năng lực đấu tranh sinh tồn? Để rồi mai này, khi sức tàn lực kiệt, con người lại trở về hư vô hay sẽ trôi lăn về đâu? Cuộc đời sao thật là vô nghĩa!

Một “Phật tử’’ như tôi đã sống như vậy đó.

Nhưng rồi, một lần tình cờ tôi đọc được những bài viết trên chuyên mục “Những chuyện kì bí của thế giới tâm linh’’ của tác giả Hoàng Anh Sướng trên báo Thế Giới Mới kể những cuộc tìm mộ liệt sĩ, tìm mộ người thân của các nhà ngoại cảm. À, thì ra đâu phải chỉ có thế giới duy vật là duy nhất hiện hữu quanh ta.

Tôi bắt đầu chịu khó gồng mình đọc quyển sách Sống Chết Bình An của Đại sư Sogyal Tây Tạng do mẹ tôi đưa. Càng đọc tôi càng ngạc nhiên. Tôi đọc lại lần thứ hai rồi lần thứ ba. Tôi tò mò vào mạng kiếm tìm và bắt gặp được trang “Chết và tái sinh’’. Tôi bắt đầu cảm nhận một điều gì đó khác lạ và sự đấu tranh tư tưởng về một thế giới sau cái chết là có thật.

Một lần đi chùa, một cô Phật tử đưa tôi xem tờ báo Tiền Phong nói về trái tim xá lợi của Bồ tát Thích Quảng Đức. Tôi thấy là lạ và ngạc nhiên. Về nhà lên mạng tìm hiểu thêm, tôi khám phá ra những trang web có liên quan, thấy có nhiều điều mà từ trước đến nay tôi chưa hề biết đến. Thế là từ đó, rảnh rỗi giờ nào là tôi lao vào mạng. Tôi say sưa tìm, nghe, đọc trong niềm thích thú đam mê cứ như thể mình tìm được một báu vật linh thiêng giải đáp mọi thắc mắc và hồ nghi trong tâm của mình.

Một hôm, vừa làm việc, vừa mở trang “Thư viện Phật giáo” và nghe cuốn băng “Khuyên người niệm Phật’’ của cư sĩ Diệu Âm. Nghe tới đâu tôi sửng sốt, bàng hoàng tới đó. Tôi bỏ dở mọi công việc, tìm lại cuốn kinh Vô Lượng Thọ và Tây Phương Du Ký đang bị bỏ quên trong tủ. Tôi nghẹn ngào: “Con ngu quá ba ơi’’. Nước mắt tôi chan hòa, ân hận. Hơn nữa đời người thấm đau với đời, giờ tôi mới tỉnh ngộ.

Từ đó, tôi tranh thủ từng giây từng phút nghỉ ngơi hiếm hoi để đắm mình say sưa vào các trang web của chùa Hoằng Pháp, A Di Đà thôn, Pháp âm đạo Phật ngày nay, pháp sư Tịnh Không, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, bác sĩ Quách Huệ Trân, các gương vãng sanh… Tôi đọc nghiến ngấu những cuốn sách Tịnh độ mua từ chùa Long Sơn, các hiệu sách lớn ở Nha Trang như kẻ khát gặp được cơn mưa. Giáo pháp của Đức Phật từ bi, trong sáng, trí tuệ, tích cực, mầu nhiệm biết bao. 48 lời thệ nguyện của Từ Phụ A Di Đà đầy yêu thương, bao la và vĩ đại nhường nào. Lòng tôi nở bừng, lan tỏa một niềm phúc lạc vô bờ. Cái mầm Phật pháp héo hắt trong tôi bắt đầu chuyển mình. Kẻ lạc đường đã tìm được địa chỉ cố hương. Cánh cửa giác ngộ trong tôi đã hé mở.

Tôi bắt đầu “tập’’ niệm Phật, sám hối và cầu nguyện vãng sanh khi bỏ báo thân. Nhưng sao tôi cứ thấy lóng ngóng. Lý thuyết tôi đã tạm thông, nhưng thực hành lại thiếu tự tin, không biết mình hành có đúng không? Hồi giờ đi chùa tôi đâu hề biết đến pháp tu này. Tôi phải tìm thầy thôi. Tôi cố tâm tìm hiểu những ngôi chùa Tịnh độ ở Khánh Hòa và phát hiện được chùa Linh Sơn Pháp Ấn cách nhà tôi 20km. Vào một buổi chiều mưa vần vũ nhưng không có giờ lên lớp, tôi độc hành tìm đến chùa. Mình mẩy ướt nhèm. Tim tôi đập rộn rã khi lần theo dốc đá vào chánh điện. Thật phước duyên và diễm phúc, tôi gặp được thầy trụ trì. Ánh mắt từ ái, nụ cười cởi mở của thầy làm tôi hết sức tự tin. Tôi kể lể, dốc hết nỗi lòng mà tâm sự, mà thắc mắc với thầy. Thầy từ bi điềm đạm khai tâm mở trí, hướng dẫn tôi phương pháp hành trì. Trước khi ra về, thầy tặng cho tôi một số sách và băng đĩa Phật pháp. Tôi run run đón nhận “báu vật’’ thầy ban mà lòng vô cùng sung sướng.

Vài ngày sau, thầy gọi điện cho biết: “Ngày nay là ngày tu, nếu sáng nay bận thì chiều hãy đến chùa tu nửa ngày nghe”. Buổi chiều, tôi hồi hộp đến giảng đường, Phật tử về tu đông quá. Mọi người đang tụng kinh Vô Lượng Thọ. Tôi rón rén tìm chỗ ngồi và cảm xúc lắng nghe. Khi đi kinh hành, bước những bước chân đầu tiên trong tiếng “A Di Đà Phật’’ trầm hùng của đại chúng, tôi đã bật khóc vì sung sướng. Nước mắt tôi rơi lã chã theo từng bước chân. Sau bao năm dãi dầu bước chân trên những con đường vô minh tội lỗi, giờ tôi đã tìm được lối đi đầy ánh sáng. Hai dòng chữ hai bên tôn tượng Phật A Di Đà: “Nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật – Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” như tiếng chuông cảnh tỉnh dội vào tâm can. Dẫu biết niệm Phật là phải nhất tâm, nhưng tôi không làm chủ được cảm xúc. Đức Từ Phụ ơi! Đứa con lầm đường lạc lối của Ngài nay đã quay về.

Tôi đã phát hiện chân lý và bước chân vào cửa Đạo như vậy đó.

Bây giờ, tôi đã khác trước rất nhiều. Tín – Nguyện – Hạnh tôi gắng giữ và thực hành. Làm theo lời Phật dạy, giữ ngũ giới, hành thập thiện, buông xả những gì cần buông xả, sám hối các lỗi lầm đã mắc phải. Tôi cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng vô cùng. Tôi cố gắng từ bỏ ngũ dục đã từng hành hạ, làm khổ tôi và tập sống cuộc sống thiểu dục tri túc như ba tôi đã dùng cả cuộc đời của mình mà thực hành. Tôi cũng đã có một đạo tràng ấm cúng để sinh hoạt và tu tập cùng thầy và các bạn đạo. Tôi đã biết quý từng giây từng phút “sống’’ trong hiện tại, cố gắng sửa đổi thân – khẩu – ý tịnh thanh, tâm luôn hướng về Đức Từ phụ A Di Đà, mong mỏi một ngày nào đó được trở về cố hương.

Giờ đây, mỗi khi làm giấy tờ, kê khai ký lịch, tôi có thể tự hào và hãnh diện viết vào mục tôn giáo: Phật giáo. Mỗi khi mặc bộ đồ lam đi chùa, tôi vô cùng sung sướng, hạnh phúc. Cầm lá cờ Phật giáo ngũ sắc, lá cờ của Bi – Trí – Dũng trong mỗi dịp lễ Phật đản, lòng tôi lâng lâng nhẹ nhàng. Vì một lẽ hết sức giản đơn: Tôi là Phật tử.

Diệu Túy

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh 95 Tuổi Khai Thị [Video]

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh 95 Tuổi Khai ThịTôi năm nay đã 95 tuổi, ngày giờ đã đến lúc phải mãn. Tôi cũng cố gắng lắm, kỳ thật những người bạn đồng tu cùng thời với tôi đều đã theo Phật từ lâu. Tôi còn ở trên đời để gặp mặt tất cả các huynh đệ là điều hy hữu lắm. Tôi tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu không thể nói nhiều nên chỉ nói những điều cốt yếu để nhắc nhở tất cả các huynh đệ.

Trong việc tu hành, Quả Vị cao của các bậc Thánh chính yếu là nương nơi Lý Tánh (Tánh Không). Nhưng chúng ta đều là người sơ cơ, trong Sáu Nẻo Luân Hồi dù rằng may mắn được thân người nhưng vẫn còn lẩn quẩn trong vòng sanh tử, nói thẳng đều là phàm phu tục tử. Cho nên mình phải biết căn cơ và vị trí của mình trong hiện tại để bước đi cho vững chắc. Vì sao như vậy? Vì ngày, tháng, năm, tuổi không chờ đợi. Trong Kinh nói, những cõi nước khác thọ mạng người dân tính bằng số kiếp, tính theo thời gian ở cõi này không biết bao nhiêu triệu năm. Còn thọ mạng của loài người ở cõi này chỉ mấy mươi năm, rất ngắn ngủi. Một ngày ở cõi Trời Tứ Thiên Vương bằng 50 năm ở cõi người, còn ở cõi Trời Đao Lợi thì một ngày bằng trăm năm ở cõi người. Thế nên đời sống con người ngắn ngủi không bền lâu. Chỉ vì chúng ta là phàm phu mê tối được một ngày thì cho là dài lâu, được một tháng hay một năm lại lầm tưởng là lâu hơn. Kỳ thật, thời gian qua rất mau do đó mình phải tranh thủ thời gian ngắn ngủi này đừng để lãng phí.

 

 

Tôi từ lúc vào chùa, biết được Phật Pháp, trước tiên là tụng thuộc lòng KINH PHỔ MÔN. Các huynh đệ nên nhớ tụng nghĩa là phải thuộc lòng. Tôi biết được công hạnh của Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM liền nghĩ rằng: Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM làm lợi ích rộng lớn cho chúng sanh như thế, mình cũng phải làm gì để đem lại lợi ích cho mọi loài? Mình bây giờ lẩn quẩn chỉ lo ăn, lo uống, hoàn cảnh xung quanh toàn là những chuyện phàm phu tục tử, phiền não nghiệp chướng. Từ đó tôi mới lập chí. Tôi thường ra nơi thờ Ngũ Hành trong Chùa Vạn Linh (Núi Cấm) ở đó thanh vắng, một mình để học thuộc Kinh. Chỉ trong hai tháng, thời công phu sáng chiều, tôi thuộc làu hết. Lúc tôi xuất gia vô chùa không có Áo Tràng để mặc. Mỗi khi tụng Kinh ở Chánh Điện thì tôi phải mượn. Lúc đó có cô Phật tử cúng bốn thước vải nâu, yêu cầu tụng 60 biến Phẩm Phổ Môn. Các thầy bảo tôi nên nhận lãnh phần này để được vải Nâu may Áo Tràng mặc đi tụng Kinh. Tôi hứa nhận, chỉ một ngày tôi thuộc Phẩm PHỔ MÔN. Nhờ đó tôi biết rõ bổn phận của mình phải làm gì để lợi ích chúng sanh, trong khi thời gian lại quá ngắn. Tôi sức khỏe lại yếu kém, trong đại chúng là người ốm yếu nhất.

Tôi biết chữ Hán, nên chùa giao việc viết sớ cầu an cầu siêu. Lúc đó lá sớ phải viết sẵn bằng tay, khi có việc thì điền tên thí chủ vào. Do đó chùa cất cho tôi cái cốc, chiều ngang 1,5m , chiều dài 2,5m làm bằng tranh, tre. Tôi lấy tấm ván làm cái bàn để trên đầu giường, ngồi trên đầu giường để viết sớ. Nhưng tôi mượn việc viết sớ để có chỗ tịnh tu, giành thời gian tụng Kinh niệm Phật thêm bốn thời nữa, chưa tính thời khóa nơi Chánh Điện của chùa. Tôi lại nghe nói tu hành phải khổ hạnh nên không ngủ, đến nỗi ngồi thọ trai mà chén cơm rơi xuống đất lúc nào cũng không hay. Tôi không ăn cơm, chỉ ăn rau rừng, đến khi đi lên những dốc cao trên núi bước lên không nổi. Cuối cùng tôi từ bỏ lối tu này. Về sau, tôi đọc Tạp Chí Từ Bi Âm (tờ báo này mỗi tháng đều được gởi lên tận chùa) của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, trụ sở đặt tại Chùa Linh Sơn (Sài Gòn). Trong tạp chí ấy, tôi đọc được một đoạn KINH PHÁP, trong tâm rất vui thích (lúc đó là năm 1938). Qua năm sau, tôi nghĩ phải đến trường để học Phật Pháp, vì có học có hiểu biết đúng thì tu hành mới đúng Chánh Pháp.

Năm 1940, tôi ra Huế được học ở Trường Phật Học Báo Quốc. Tôi đọc Kinh Quán Vô Lượng Thọ, y theo đó lập hạnh cho mình. Trong Kinh nói:

“Người muốn sanh về Cực Lạc phải có Ba Hạnh: 1. Tin sâu nhân quả. Tôi từ trước đến giờ biết điều nào lành thì làm, điều nào ác thì tránh. Nên đối với đạo lý nhân quả cũng rất tin tưởng; 2. Đọc tụng kinh điển Đại Thừa; 3. Khuyến tấn hành giả”.

Cuộc đời tu hành của tôi nhất định phải làm được Ba Điều này để sanh về Thế Giới Cực Lạc. Hiện tại, tôi nhận thấy những điều này đã đem lại kết quả tốt, tương lai cũng tốt. Tôi y theo Điều Thứ 2 (đọc tụng kinh điển Đại thừa) nên hễ thích Kinh nào thì tụng thuộc lòng Kinh đó. Nhờ tụng thuộc lòng, dù ở hoàn cảnh nào, đi đứng nằm ngồi đều có thể tụng Kinh được. Còn ở Chánh Điện trước bàn Phật mở Kinh ra thì gọi là đọc. Cho nên ý nghĩa giữa đọc và tụng rõ ràng không nên hiểu sai lệch.

Năm 1945, lúc nhập thất 49 ngày tại Chùa Kim Huê (Sa Đéc), ban ngày tôi xem Tạng Luật, ban đêm thì đọc KINH HOA NGHIÊM. Lúc đến Phẩm PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN lòng tôi vui mừng như người đi xa được trở về cố hương, cảm thấy rất quen thuộc, chỉ mấy ngày thôi tôi đã thuộc lòng Phẩm Kinh này. Từ đó,tôi lập thời khóa riêng của mình: tụng Phẩm PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN, bài kệ Phẩm Phương Tiện trong KINH PHÁP HOA, Phẩm PHỔ MÔN, KINH A DI ĐÀ, rồi niệm Phật hồi hướng Tây Phương Cực Lạc.

Năm 1947, tại Trường Liên Hải Phật Học, vào đêm 30 tháng 3 âm lịch, tôi chợt nghĩ: mùng 8 tháng 4 âm lịch này là lễ Phật Đản, mình lấy gì để cúng dường lên Đức Phật? Mình nhất định phải học thuộc KINH KIM CANG để đến ngày đó cúng dường Phật. Đến ngày mùng 7 tháng 4 âm lịch, tôi nhờ Thầy Tắc Phước (bây giờ là Hòa thượng trụ trì Chùa Phước Huệ ở Úc), cầm bút dò theo. Nếu tôi đọc sai thì biết để sửa. Tôi tụng Kinh xong thì Thầy Tắc Phước nói không sai chỗ nào hết. Từ đó trở về sau, tôi đưa thêm KINH KIM CANG vào thời khóa của riêng mình thành Năm Bộ Kinh: KINH PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN, KINH KIM CANG, bài kệ Phẩm Phương Tiện trong KINH PHÁP HOA, Kinh PHỔ MÔN, Kinh A DI ĐÀ, rồi niệm Phật hồi hướng về Cực Lạc. Tôi giữ kỹ thời khóa tu tập, mỗi ngày đều phải thực hành đều đặn chưa từng bỏ sót.

Tôi nói chân thành với các huynh đệ rằng, sự tướng không thể bỏ được. Lấy sự tướng của việc tụng Kinh, niệm Phật để chống lại sự tướng của Ba Độc: tham, sân, si, phiền não, già, bệnh, chết. Ngày tháng không thể bỏ qua, nó thúc đẩy mình tiến đến chỗ chết mà thôi. Như tôi năm nay 95 tuổi, qua sang năm là 96 tuổi, không thể trở lại 94 tuổi được. Thân này mầm bệnh tật bao vây từ trong đến ngoài, nó luôn chờ dịp để sanh khởi lên. Còn trước mặt là tấm bảng già yếu, bệnh tật, chết chóc, chui đầu vào đó mà thôi. Ai cũng phải đến chỗ đó hết, chỉ sớm hay muộn. Thân này là như vậy, kết cuộc của thân là như vậy. Mọi người phải nhận hiểu rõ ràng, chớ nên mê lầm. Tôi cũng có Ba Điều để dìu dắt mọi người, xuất gia cũng như tại gia. Vì người tin được thì sẽ thực hành theo:

1. ĂN CHAY phải thiết thực. Vì mỗi ngày ăn thịt chúng sanh thì điều ác nào chẳng dám làm, việc thiện nào có thể sanh khởi được? Bởi vì loài vật bị giết bị nấu bị nướng thì con người mới có thịt ăn. Vả lại, đạo Phật lấy Từ Bi làm chánh, nhưng ăn thịt chúng sanh thì đâu còn Từ Bi nữa. Ăn chay có những lợi ích gì:

· Không vướng mắc vào nhân quả của Nghiệp Giết Hại. Nghiệp Sát Sanh ở thế gian rất nặng, vì chúng sanh bị bắt giết thì chúng ta mới có thịt ăn.

· Ăn chay vì tình thương không nỡ ăn thịt loài vật. Tình thương phát sanh thì mong muốn mọi loài đều được an vui, do đó làm các việc lành. Như thế Tâm Từ đã sanh ra. Ví như mình thương người em, người cháu thì đâu muốn nó khổ, đã không muốn nó khổ thì không làm những việc bất thiện. Do vậy, Tâm Bi cũng sanh khởi mà làm các việc lành. Tâm Từ Bi có được cội gốc do ăn chay mà thành. Thuở nhỏ những người bạn trong xóm sắm giàn thun để bắn chim, tôi cũng làm theo. Bạn bè sắm cần câu để câu cá, tôi cũng sắm cần câu đi câu theo. Từ lúc biết ăn chay, tôi thấy con gà, con chim,các con vật khác thì thương nó lắm. Nếu người ăn thịt thì tình thương không thể phát sanh. Ví như chúng ta có con em, mỗi ngày mình ăn thịt nó mà cho rằng thương nó thì không được. Tình thương phát sanh ảnh hưởng nơi “Từ” thì làm lành, nơi “Bi” thì không làm ác. Điều Thiện Lành thì tăng thêm, việc Xấu Ác ắt giảm dần và dứt sạch. Như vậy chúng ta ăn chay tự nhiên làm được hai việc mà Đức Phật từng dạy: “Từ bỏ các việc ác, luôn làm các việc lành”. Do đó Tâm Từ Bi là cội gốc để đi lên con đường Hiền Thánh.

2. Trong KINH LĂNG NGHIÊM, đoạn Đức Phật nói BA MÓN TIỆM THỨ. Trước tiên không được ăn Ngũ Tân (Hành, Hẹ, Tỏi, Nén, Hung Cừ). Vì tính chất của Ngũ Tân làm tăng tham dục và sân hận, ảnh hưởng của nó là quyến rũ Ngạ Quỷ, Chư Thiên cùng Thiện Thần đều tránh xa. Nó hay trợ giúp phát sanh Nghiệp Phiền Não. Cách đây ít hôm, có người xưng là Quỷ Vương nói: “Tôi lên đây để đấu với Hòa Thượng, nếu Hòa Thượng thua thì tất cả binh tướng của tôi sẽ chiếm chỗ này”. Sáng hôm đó, tôi đang ngồi uống thuốc Tam Tài thấy có một người đàn ông và một người đàn bà. Người đàn ông thì đứng chắp tay, còn người đàn bà thì uốn mình như con rắn (có thể thuộc loài Ma Hầu La Già) rồi quỳ xuống lạy, lạy xong rồi đi xuống. Tâm tôi cũng không để ý chỉ nhìn thấy vậy thôi. Sau đó tôi nghe mấy Thầy nói họ lên Chánh Điện ngồi niệm Phật một ngày một đêm. Các Thầy kể lại đã hỏi họ rằng: “Sao không thấy đấu với Hòa Thượng mà quỳ lạy rồi đi xuống?”. Người kia nói: “Tôi nhìn thấy Hòa Thượng sợ quá nên quỳ xuống lạy chứ không dám làm gì hết”.

Các Thầy hỏi, lúc đó Sư Ông có bắt ấn hay niệm Chú gì không? Thật ra, tâm tôi không để ý tới. Tôi nói việc này để các huynh đệ biết, mình sống ở đây các loài Ngạ Quỷ hạng cao đầy dẫy. Cho nên Phật nói, nếu ăn Ngũ Tân sẽ ảnh hưởng đến các loài đó. Bây giờ nhiều chùa ngập tràn mùi vị Ngũ Tân. Cho đến các chùa xung quanh Tỏi, Hành (Ba Rô) treo đầy trong nhà bếp. Các huynh đệ muốn giữ điều này cũng khó lắm, vì mỗi ngày phải đi đám, người ta nấu thức ăn bỏ hành bỏ tỏi, nếu không dùng thì nhịn đói. Do vậy tôi không đi dự các đám cúng. Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ dùng Năm Thứ Rau Cay này. Có khi xuống Chùa Huệ Nghiêm (Bình Chánh) tôi phải dặn không được bỏ Ngũ Tân vào thức ăn. Lúc đến các chùa dùng cơm chay mà có mùi vị này thì tôi chỉ ăn chút cơm và bánh ngọt rồi về.

3. Từ trên nền tảng đó tu hành CHÁNH NIỆM: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Niệm Phật là trì niệm danh hiệu Nam Mô A DI ĐÀ Phật. Niệm Pháp là tụng Kinh. Niệm Tăng là niệm danh hiệu Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM, Bồ Tát ĐẠI THẾ CHÍ, Bồ Tát ĐỊA TẠNG VƯƠNG. Trong đó lấy niệm Phật làm chánh, mỗi ngày đều thực hành như thế thì Chánh Niệm dần dần tăng lên, Thiện Căn cũng từ đó thêm lớn, Công Đức và Phước Đức cũng từ đó tăng trưởng. Trong sinh hoạt hàng ngày, có những điều giúp mình tăng Phước và giảm Phước mà chúng ta không để tâm lưu ý. Trong Mười Đại Nguyện Vương của Bồ Tát PHỔ HIỀN, Điều Nguyện Thứ Năm là “Tùy hỷ công đức” dễ thực hành lắm, lấy công đức của người làm công đức của mình. Đây là Pháp tu thong thả nhẹ nhàng. Đối với các việc lành của người, chúng ta không vui mừng lại còn ngăn cản chê trách thì tổn phước. Còn tùy hỷ (vui mừng theo) thì Phước Đức tăng thêm. Chẳng hạn có người xây một ngôi nhà lớn, khách bước vào khen ngợi khang trang mát mẻ thì người chủ liền vui. Một người khác lại cho rằng, nhà rộng quá dọn dẹp mệt thêm. Người chủ nghe được cũng hơi buồn. Như lúc xây Chánh Điện Chùa Vạn Đức, có người khen ngợi Cây Bồ đề cao đẹp quá. Nhưng có người lại nói nhìn lên Cây Bồ Đề quá cao thật mỏi cổ. Chỉ một việc nhỏ này, một bên tăng Phước, một bên tổn Phước. Các huynh đệ lưu ý để ứng dụng trong đời sống thường ngày, những điều tăng Phước thì nên làm. Những điều tổn Phước thì nên tránh. Mỗi ngày tích lũy một ít thì Phước Đức từ ít thành nhiều, từ nhỏ thành lớn. Ngày tháng qua mau, các huynh đệ lấy ĂN CHAY làm nền tảng, luôn lấy việc NIỆM PHẬT TỤNG KINH làm Công Đức Xuất Thế. Từ những điểm này gắng sức giữ gìn, rồi tu thêm các việc lành khác. Mong các huynh đệ ai nấy đều nhất tâm tinh tấn, vững bền ở trong Giáo Pháp của Phật. Phải khắc ghi hai chữ VỮNG BỀN này./.

Khai Thị 17/7 Tân Mão của Đại Lão HT. Thích Trí Tịnh
Tỳ Kheo Thích Pháp Đăng kính ghi

Nhờ Công Đức Niệm Phật Bỏ Được Ma Túy [Video]

Nhờ Công Đức Niệm Phật Bỏ Được Ma TúyNhờ trì niệm câu Phật hiệu vạn đức hồng danh A Di Đà Phật mà cả hai anh em từ những kẻ nghiện ngập ma túy đã biết quay đầu tu thiện. Nay cả hai đều không những bỏ hẳn được “cái chết trắng” mà còn biết ăn chay trường và tham gia ban hộ niệm để giúp người lâm chung được về cõi Phật. Quá cảm xúc trước ân đức to lớn dành cho người thầy phương xa đã khai tâm điểm sáng giúp cho mình tỉnh ngộ và niệm Phật để quay về con đường chánh đạo, người anh quyết định một mình một chiếc xe đạp và trong túi chỉ vỏn vẹn có 47 nghìn đồng, anh đã lặn lội đi từ Hải Phòng vào đến Lâm Đồng để được đảnh lễ tạ ơn thầy thích Giác Nhàn. Đoạn đường dài không ít gian nan nhưng với lòng tin tuyệt đối vào sự gia trì của chư Phật anh đã đến được ngôi chùa bình an.

 

Làm Sao Xác Định Được Một Người Sau Khi Chết Đi Về Đâu?

Làm Sao Xác Định Được Một Người Sau Khi Chết Đi Về Đâu?Hỏi: Bằng cách nào để biết một người sau khi chết, họ sẽ thác sanh vào cảnh giới nào?

Ðáp: Câu hỏi nầy, chúng tôi xin được giải đáp góp ý qua hai phương diện: “hết nghiệp và còn nghiệp”. Về phương diện dứt hết nghiệp, tức không còn mầm mống sanh tử nữa, thì sau khi chết không có sanh đi đâu hết. Vì người tu khi đã đạt được cứu cánh Niết bàn rồi, thì hằng an trụ nơi thể tánh vô sanh. Đó là mục đích cứu cánh của người tu. Nếu còn sanh, chứng tỏ công phu tu hành của hành giả chưa viên mãn. Có lần, các vị Tỳ kheo hỏi Phật: Một vị A la hán sau khi chết sanh về đâu? Phật trả lời: “Như củi hết lửa tắt”. Củi là dụ cho nghiệp, lửa là dụ cho bản thể. Củi hết là dụ cho nghiệp không còn. Vì hễ còn nghiệp là còn sanh, hết nghiệp là hết sanh. Hiện tượng thì có sanh diệt, còn bản thể thì làm gì có sanh diệt? Như sóng thì có sanh, có diệt, còn chất ướt của nước thì không sanh không diệt. Như vậy, khi lửa tắt không thể nói lửa sanh về đâu. Cũng như sóng dừng, thì không thể hỏi sóng đi về đâu. Khi hiện tượng lặng dừng thì trở về bản thể, chớ không có sanh đi đâu hết. Tuy không sanh đi đâu, nhưng các Ngài vẫn tùy duyên ứng hóa. Do đó, mà chúng ta thấy chư Phật, Bồ tát thường ứng thân thị hiện khắp nơi để độ sanh. Đối với các Ngài sanh mà không sanh, diệt mà không diệt. Vì các Ngài không còn thấy có tướng sanh diệt, tới lui, như phàm phu chúng ta nữa.

Về phương diện còn nghiệp, sau khi chết, tất nhiên là còn sanh. Vì còn vô minh phiền não, tất nhiên, là còn có tướng sanh diệt, tới lui, đến đi. Luận về phương diện nầy, chúng tôi xin được y cứ vào Kinh điển Phật Tổ chỉ dạy để nêu ra ba luận cứ để chứng minh.

1. Y cứ vào luật nhân quả:
Căn cứ theo luật nhân quả, hễ chúng ta gây tạo nhân nào thì sẽ gặt hái quả đó. Nếu như hiện đời chúng ta chuyên gây tạo nghiệp lành, thì sau khi chết tất nhiên là chúng ta sẽ thác sanh về cảnh giới lành. Kinh Pháp Cú Phật dạy:

Dục tri tiền thế nhân
Kim sanh thọ giả thị
Yếu tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị.

Nghĩa là:

Nếu muốn biết cái nhân đời trước của mình đã gây tạo như thế nào, thì hãy xem cái quả báo hiện tại mà mình đang mang đây. Nếu muốn biết cái quả báo đời sau của mình như thế nào, thì chúng ta hãy nhìn kỹ lại cái nhân hiện tại mà mình đang gây tạo. Như vậy, nếu hiện tại mình làm điều lành như bố thí, cúng dường, ăn chay, giữ giới, niệm Phật v.v… thì chắc chắn đời sau mình sẽ hưởng quả báo tốt đẹp.

Xin tạm nêu ra đây hai thí dụ cụ thể để Phật tử hiểu rõ hơn. Thí như anh B chuyên đam mê cờ bạc, hằng ngày anh ta thường hay đi vào casino để đánh bài. Đó là vì anh ta nghiện cờ bạc quá nặng. Khi không thấy anh ấy ở trong nhà, nếu muốn biết hắn ở đâu, thì cứ đi vào sòng bạc là sẽ gặp anh ta ngay. Sòng bạc là “quả ”, dụ cho cảnh giới mà anh B sẽ đến. Nghiện cờ bạc là “nhân”. Vắng nhà là dụ cho sau khi chết.

Một ví dụ khác, như có một Phật tử thường xuyên tới chùa tu học làm công quả hằng ngày, đó là nghiệp nặng đi chùa. Tất nhiên đây là nghiệp lành. Hành động thường tới lui chùa, đó là cực trọng nghiệp. Ngày nào không đi là không được. Chùa là dụ cho cảnh giới lành mà người Phật tử đến. Vắng nhà là dụ cho sau khi chết. Qua hai thí dụ đó, chúng ta thấy hướng tái sanh của người khi hiện đời tạo nghiệp lành hoặc dữ mà có sự thọ sanh khác nhau.

Tổ Qui Sơn có dạy: “Như nhơn phụ trái, cường giả tiên khiên”. Nghĩa là như người mắc nợ, ai mạnh thì đòi trước. Nghiệp nào mạnh thì sẽ lôi chúng ta đi trước để trả quả báo mà hiện đời chúng ta đã gây tạo. Thế thì, muốn biết đời sau mình tái sanh về cảnh giới nào, thì hãy cứ nhìn kỹ lại cái nghiệp nhân mà hiện đời mình đang gây tạo đây. Nếu đã gây nghiệp nhân ác mà muốn sanh về cảnh giới lành, thì điều đó là một nghịch lý, trái với luật nhân quả và sẽ không bao giờ có. Tuy nhiên, vấn đề nầy, còn tùy thuộc vào Cận tử nghiệp, tức cái nghiệp gần sắp chết. Nếu cả đời mình tu tạo nhân lành ( tích lũy nghiệp) mà đến giờ phút hấp hối sắp lâm chung, bỗng khởi một niệm ác, thì khi nhắm mắt, tất nhiên là chúng ta phải theo niệm ác đó mà chiêu cảm quả báo. Tuy rằng, sự trả quả báo của cận tử nghiệp thời gian không lâu lắm. Cuối cùng, cũng phải trở về với tích lũy nghiệp. Như vậy, cái tích lũy nghiệp không bao giờ mất.

2. Y cứ vào những thụy ứng:
Nếu y cứ vào những hiện tượng thụy ứng, chúng ta cũng có thể biết được người đó được vãng sanh về cảnh giới lành. Hiện tượng nầy, sách sử đã ghi lại có rất nhiều người tu theo Tịnh môn niệm Phật, khi lâm chung đã để lại thụy ứng (điềm lành gọi là xá lợi ) vãng sanh. Nếu Phật tử muốn biết rõ, xin đọc Mấy Điệu Sen Thanh do cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm biên soạn, sách gồm có hai tập: I và II, xuất bản ấn tống tại Sydney – Úc Châu, năm 1994. Và quyển Những Chuyện niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi, xuất bản năm 2000 tại Hoa Kỳ, do cư sĩ Tịnh Hải sưu tầm.

3. Y cứ qua kinh nghiệm của các bậc Cổ Đức:
Theo kinh nghiệm của Cổ Đức chỉ dạy, khi người mới chết trong vòng vài tiếng đồng hồ trở lại, muốn biết họ thác sanh về cảnh giới nào, thì người nhà có thể lấy tay sờ vào những nơi ứng nghiệm như sau:

Nếu toàn thân lạnh hết mà chỉ có trên đảnh đầu còn nóng, thì biết rằng người đó sẽ sanh về cảnh giới Phật. Còn như nóng ở nơi con mắt, thì biết người đó sẽ sanh về cõi trời. Nóng ở ngực, thì sanh lại cõi người. Nóng ở bụng, thì sanh về ngạ quỷ. Nóng ở đầu gối, thì sanh vào loài súc sanh. Nóng ở dưới lòng bàn chân, thì sẽ sanh vào địa ngục. Do sự ứng nghiệm đó, nên Cổ Đức có làm bài kệ tóm tắt cho chúng ta dễ nhớ :

Đảnh Thánh nhãn sanh thiên
Nhơn tâm ngạ quỷ phúc
Bàng sanh tất cái ly
Địa ngục khước môn xuất.

Tạm dịch:

Thánh đầu, trời tại mắt
Người tim, ngạ quỷ bụng
Súc sanh hai chân xuống
Địa ngục bàn chân ra.

Thích Phước Thái

Xin tham khảo thêm: Sau khi chết ta sẽ đi về đâu?