Vì Sao Người Chết Sau 49 Ngày Mới Đi Đầu Thai?

Vì Sao Người Chết Sau 49 Ngày Mới Đi Đầu ThaiCon người chết rồi sau khi thần thức lìa khỏi thể xác trước lúc chưa đi đầu thai, ví như người từ trong nhà bước ra ngoài nhưng chưa vào nhà khác vẫn còn ở trung gian, đây là chỉ ý nghĩa thân trung ấm. Người nào có tín sâu, nguyện thiết, tinh tấn niệm Phật khi mới chết ngay đó liền vãng sanh Tây phương, hoặc người có căn lành sâu dày thì trực chỉ sanh về cõi trời, hoặc kẻ tạo ác nghiệp nặng liền đọa vào Địa ngục Vô gián, ba hạng người này là không trải qua gian đoạn thân trung ấm. Hạng người phổ thông bình thường đã không phải cực thiện cũng không phải cực ác đều phải trải qua giai đoạn thân trung ấm. Thời gian thân trung ấm thọ sanh có nhanh chậm không đồng. Nhanh thì trong khoảng khảy móng tay liền đầu thai vào một trong sáu đạo luân hồi, chậm thì khoảng bốn mươi chín ngày hoặc hơn bốn mươi chín ngày.

Hỏi : Duyên cớ gì con người sau khi chết không đi đầu thai mà phải rơi vào giai đoạn thân trung ấm, trải qua bốn mươi chín ngày mới đi đầu thai?

Đáp : Bởi do người chết trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ đã tạo các nghiệp thiện ác lẫn lộn. Trong vọng tâm vô minh nghiệp thức đó, một niệm lành một niệm ác cứ sanh rồi diệt diệt rồi lại sanh khiến nghiệp thiện ác liên tục không phân định. Nếu như trụ vào nghiệp thiện, tâm này thuần thiện thì do trong tâm thiện phát hiện ra cảnh giới lành Thiên,Nhân, A tu la tâm thức này tùy theo nghiệp lành đó mà đi đầu thai. Nhưng vì, trong tâm thiện cũng có duyên thượng phẩm thiện, trung phẩm thiện, hạ phẩm thiện mới cảm thành ba cõi Thiên, Nhân, A tu la không đồng nhau.

Nếu như trụ vào nghiệp ác, tâm này thuần ác do trong tâm ác phát hiện ra ba cảnh giới ác Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, trong tâm thức này tùy theo cảnh giới ác đó mà đi đầu thai. Nhưng vì trong tâm ác cũng có duyên thượng phẩm ác, trung phẩm ác, hạ phẩm ác mới cảm thành ba cõi Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh không đồng. Nên biết, bởi có mối quan hệ tâm và cảnh tương đồng như thế,vì vậy người bà con ở trong thời gian bốn mươi chín ngày cần ăn chay niệm Phật thay hương linh tu tạo công đức, khiến người chết nương nhờ công đức đó mà tiêu trừ tội ác tăng trưởng phước lành, vãng sanh Tây phương hoặc siêu thăng trong cảnh giới Thiên đạo hay Nhân đạo.

Bằng như người bà con trong thời gian này không phát tâm ăn chay niệm Phật mà gây tạo các ác nghiệp như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu ăn thịt như thế túc nghiệp ( nghiệp đời trước ) người chết nếu là nghiệp lành sẽ chuyển thành nghiệp ác; như túc nghiệp người chết nếu là nghiệp ác thì nghiệp ác lại thêm tăng trưởng. Nên biết nghiệp ác nếu tăng thêm sẽ thành thượng phẩm ác, nghiệp đó nhất định khiến cho người chết đọa lạc vào Địa ngục vĩnh viễn chịu vô lượng sự thống khổ.

Hỏi : Nếu kinh tế gia đình khó khăn, mà bảo họ trong thời gian bốn mươi chín ngày ăn chay niệm Phật làm mọi công đức, e rằng cuộc sống của họ khó có thể duy trì được?

Đáp : Trong tất cả mọi công đức để hồi hướng cho người chết thì công đức niệm Phật là lớn nhất, nếu như gia đình kinh tế khó khăn lúc này không cần thỉnh Tăng Ni đến làm lễ, chỉ cần toàn gia quyến phát tâm ăn chay niệm Phật là đủ. Thời gian niệm Phật, quy định sáng sớm niệm Phật xong đối trước bàn thờ người chết hồi hướng rồi dùng cơm sáng. Buổi trưa niệm Phật trước hay sau bữa cơm tùy theo công việc bản thân sao cho thích hợp mà sắp xếp. Buổi chiều sau bữa cơm mới niệm Phật, niệm xong đối trước bàn vong mà hồi hướng, mỗi ngày quy định ba thời niệm Phật ba lần hồi hướng, thời gian còn lại khi làm công việc cũng nên cố gắng mặc niệm niệm Phật.

Phương pháp niệm Phật siêu độ người chết như thế, đối với cuộc sống kinh tế gia đình sẽ không bị ảnh hưởng. Phương pháp này vừa đơn giản nhưng lại tiện lợi hoàn toàn không chướng ngại cuộc sống mà công đức rất lớn. Gia đình lại có thể bình an thanh khiết, bà con mỗi người đều được phước đức mà người chết cũng được sự lợi ích vô cùng. Đây là phương pháp thù thắng làm cho cả hai người sống lẫn kẻ chết đều được sự lợi ích không thể nghĩ bàn.

Trích Lâm Chung Những Điều Cần Biết
Tác giả: pháp sư Thế Liễu
Soạn dịch: thích Nguyên Liên

Giúp Người Lâm Chung

Chúng ta được sinh ra trong cuộc đời này, cha mẹ là là bậc đại ân nhân lớn nhất đối với chúng ta. Thân thể, sự nghiệp của chúng ta đều do ông bà cha mẹ truyền trao. Khi cha mẹ, người thân của chúng ta bị bệnh đến lúc hấp hối, bệnh nhân như đang đứng giữa ngã rẽ giữa quỷ, người, thánh, phàm. Sự việc này nguy hiểm vô cùng, như ngàn cân treo sợi tóc. Lúc này, trong gia đình anh em, con cháu, dâu rể phải hết lòng thương yêu đoàn kết với nhau, theo lời dạy của Phật và các bậc thiện tri thức mà hết lòng hộ trì, chăm sóc người thân của mình đúng với chánh pháp, thì người mất sẽ được lợi ích, an vui; người sống sẽ được phước lạc vô biên. Đó là cách trả hiếu lớn nhất và vẹn toàn hiếu đạo. Lúc này, toàn bộ con cháu, người thân, quyến thuộc trong gia đình phải giữ bình tĩnh, tốt nhất là niệm Phật cho người bệnh, không nên khóc lóc, kêu la.

 

NHỮNG ĐIỀU GIA ĐÌNH NÊN BIẾT VÀ CHUẨN BỊ LÚC NGƯỜI BỆNH LÂM CHUNG

Muốn được điều lợi ích cho người mất, xin quý vị hãy nghe theo những lời chỉ dẫn sau đây:

1. Người thân bị bệnh, gia đình phải tận tình chăm sóc, hết lòng thương yêu và chia sẻ những khó khăn với họ, đặc biệt là trong thời điểm này.

2. Anh em con cháu và bệnh nhân khi sống khỏe mạnh đối xử với nhau như thế nào, thì lúc này mọi người càng cần phải có sự cảm thông cho nhau để đoàn kết chăm lo, chiều ý để tâm người bệnh thấy đó mà vui vẻ hướng tâm niệm Phật.

3. Khi thấy bệnh tình trở nặng, con cháu, người thân phải khuyên bệnh nhân nên buông bỏ hết mọi công việc, chỉ hướng tâm niệm Phật cầu vãng sanh, phát khởi lòng kính tin Tam bảo. Nếu người bệnh chưa quy y, thì gia đình nên thỉnh chư Tăng, các bậc đức độ đến quy y cho người ấy.

4. Trong gia đình hoặc bạn bè, có người nào khi sống gây oán thù với người bệnh, nếu không giải tỏa và cảm thông cho nhau được, thì khi người bệnh hấp hối, những người kể trên không được đến thăm nom, tiếp xúc, vì dễ khơi dậy lòng sân hận của người bệnh, khiến họ dễ bị đọa lạc. Cũng vậy, người nào được người bệnh lúc còn khỏe mạnh yêu thương, gắn bó không rời, thì khi hấp hối, người thân yêu ấy không được đứng đối diện, sẽ tạo nên tình cảm luyến ái khiến người bệnh không thể tự tại vãng sanh được.

5. Người bệnh nằm ở bệnh viện, nếu người nhà thấy bệnh tình họ khó qua khỏi được, thì nên lập tức đưa về nhà, sắp đặt chỗ thanh tịnh, hướng cho họ niệm Phật. Nếu thọ mạng của người bệnh còn, thì nhờ oai lực chư Phật và Bồ Tát, bệnh tình sẽ thuyên giảm. Nếu thọ mạng đã hết, thì người bệnh có thể ra đi an nhàn về nơi cõi Phật. Người nhà phải liên lạc mời ban Trợ niệm sớm bắt đầu công việc niệm Phật. Trong lúc di chuyển bệnh nhân, rolex day date replica gia đình phải lớn tiếng niệm Phật; cử một người trong gia đình nói bên tai bệnh nhân rằng: “Chúng con di chuyển thân thể của ông/bà. Ông/bà phải giữ chánh niệm, dốc sức niệm Phật. Bây giờ chúng ta lên xe!… Bây giờ chúng ta xuống xe!… Chúng ta đã về tới nhà…”. Gia đình phải nhắc nhở như thế và luôn thức tỉnh họ niệm Phật. Khi về đến nhà hoặc sắp xếp xong, có thể đắp mền và khai thị.

6. Con cháu muốn bày tỏ tấm lòng hiếu thảo, thương yêu của mình với người bệnh, chỉ nên niệm Phật để bệnh nhân an lành ra đi trong tiếng hồng danh của Phật, về thế giới Tây phương Cực Lạc. Ngoài ra, gia đình con cháu thật sự muốn báo đáp ân nghĩa cho người thân, thì nên ăn chay, kiêng cử sát sanh, uống rượu, tà dâm, phải tích cực phóng sanh làm phước cho người bệnh vào lúc này.

7. Khi người thân bạn bè tới thăm viếng, gia đình nên dặn họ trước rằng, khi vào gặp bệnh nhân, không nên ở lâu và nói những chuyện không đâu rồi khóc lóc, kể lể, khơi dậy niềm đau nỗi khổ cho họ. Ta đề nghị khách thăm chỉ nên khuyên bệnh nhân buông bỏ mọi việc, hướng tâm niệm Phật. Nếu khách thăm đồng ý như thế thì gia đình mới cho vào, đồng thời mời họ cùng tham gia niệm Phật.

8. Khi người bệnh hấp hối cho đến lúc tắt thở, gia đình con cháu phải bình tĩnh niệm Phật, giúp cho người thân mình thanh thản ra đi về cõi Phật. Được như vậy, thì bản thân gia đình, người thân cũng được phước báu vô biên. Nếu lúc ấy, quý vị kêu la, khóc lóc sẽ làm liên luỵ đến người thân của mình, vô tình mình đẩy họ vào cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, khiến họ chịu đau khổ muôn ngàn vạn kiếp.

9. Con cháu gia đình có thật sự thương yêu người thân của mình, nên thành tâm mời ban Trợ niệm đến niệm Phật trợ giúp cho người bệnh được vãng sanh về cõi Phật. Nhân đó, toàn bộ gia quyến phải cảm ơn và nghe theo sự hướng dẫn của ban trợ niệm, cùng cộng tác tham gia niệm Phật trợ niệm cho người thân của mình.

Nếu người thân ta đọa sanh vào địa ngục, họ phải ở trong cảnh tối tăm, một ngày một đêm nơi đó phải trải qua trăm vạn lần chết đi sống lại, đau khổ vô cùng. Nếu người thân ta đọa sanh vào loài ngạ quỷ, tối ngày phải chịu đói khát, bức bách, đâm chém ăn nuốt lẫn nhau. Sự đau khổ đó đến trăm ngàn vạn kiếp không ra khỏi được. Nếu người thân sanh vào loài súc sanh, họ phải chịu sự ngu si mê muội, bị mang lông đội sừng, bị đánh đập, phanh thây xẻ thịt.

Biết được như thế, gia đình càng nên cố gắng, quyết tâm giúp cho người thân của mình được sanh về cõi Phật, thì phước báo rất lớn. Ngược lại, nếu vô tình làm cho người thân bị đọa vào địa ngục, thì tội đó cũng không nhỏ. Xin quý vị thận trọng lưu ý!

TỔ CHỨC VIỆC TRỢ NIỆM

1. Mục đích và ý nghĩa của việc trợ niệm

Người Phật tử nên biết, trợ niệm là công việc giúp người sắp lâm chung khơi dậy câu Phật hiệu, hướng tâm cầu sinh về cõi Phật, tức là giúp cho chúng sanh đó thành Phật. Ông bà chúng ta thường nói :

“Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phước cứu cho một người”

Cho nên công việc trợ niệm vô cùng quan trọng. Đây là việc thay chư Phật, chư Tổ cứu độ chúng sanh. Vì thế việc này đòi hỏi người trợ niệm phải có tín tâm sâu sắc với Tam bảo, có lòng hy sinh để cứu giúp tất cả chúng sanh vãng sanh về cõi Phật, thoát khỏi biển khổ luân hồi sanh tử. Chúng ta nên biết, giúp một chúng sanh sanh về cõi Phật, tức là giúp chúng sanh đó thành một vị Phật tương lai. Công đức này thật vô lượng vô biên. Người Phật tử lúc bình thường tụng bao nhiêu kinh, niệm bao nhiêu câu chú, làm biết bao việc phước thiện, đến khi lâm chung chỉ cần chủng tử Phật trong họ hiện hành, thì không gì hơn câu A-DI-ĐÀ PHẬT. Chỉ có câu Phật hiệu A-DI-ĐÀ PHẬT mới cứu họ khỏi bị đọa lạc mà thôi.

2. Những yêu cầu đối với ban Trợ niệm

1. Người tham gia ban trợ niệm phải là người Phật tử thuần thành, có tâm hết mình vì đạo, tin sâu Phật pháp. Khi tham gia vào ban Trợ niệm, các thành viên phải bầu ra người trưởng ban. Tốt nhất là người xuất gia, nhưng phải là một vị Tăng đầy đủ đạo hạnh, tinh nghiêm giới luật. nếu không có thì cư sĩ Phật tử đứng ra đảm trách, mà phải là người có tâm chân thành, có năng khiếu khai thị, hiểu Phật pháp, có kinh nghiệm trợ niệm, rành tâm lý. Người này có trách nhiệm nắm danh sách, địa chỉ, số điện thoại của từng thành viên để khi hữu sự, dễ bề liên lạc, cùng nhau tham gia trợ niệm.

– Các thành viên tham gia ban Trợ niệm, phải có tinh thần đoàn kết và nghe theo lời chỉ dẫn của trưởng ban, cùng nhau làm việc.

– Các thành viên tham gia ban Trợ niệm phải nghiêm chỉnh tuân thủ thời gian, không được đi trễ.

– Trước khi đi trợ niệm, ban Trợ niệm nên chuẩn bị những điều cần thiết: tượng Phật A-di-đà, máy niệm Phật, tờ thông báo của ban Trợ niệm (tờ lớn, chữ lớn), nước uống.

– Khi đến nhà gia chủ làm công việc trợ niệm, các thành viên làm thế nào tránh những việc gây phiền hà cho gia chủ, như ăn uống, quà cáp…, tuyệt đối không được nhận bất kỳ tiền bạc, lễ vật gì của gia chủ. Nếu người nào nhận tiền bạc quà cáp, hoặc đòi hỏi việc ăn uống của gia chủ, thì trợ niệm trở thành việc kinh doanh mua bán, tổn giảm công năng tác dụng của việc niệm Phật. Như thế công việc trợ niệm coi như mất hết ý nghĩa cao cả, các thành viên không được công đức về lâu về dài.

– Người tham gia trợ niệm phải ăn chay, không được ăn thịt uống rượu các thứ ngũ tân, hành, hẹ, tỏi…vì người dùng những thứ này, các vị hộ pháp thiện thần sẽ tránh xa.

– Việc khai thị cho người bệnh chỉ dành cho trưởng ban, các vị pháp sư, tổ trưởng, nhóm trưởng có kinh nghiệm. Các thành viên khác chưa được giao trách nhiệm này, thì không được khai thị cho bệnh nhân.

– Khi khai thị cho bệnh nhân, phải nói rõ ràng, ngắn gọn, vui vẻ, khiến bệnh nhân tin tưởng, an tâm. Giúp bệnh nhân phát nguyện vãng sanh, lời lẽ phát nguyện nên ngắn gọn, không được dài dòng hoặc nghi thức quá.

3. Những điều cần chú ý trước khi trợ niệm

1. Khi đến nhà gia chủ, người trưởng ban phải gặp chủ nhà sinh hoạt trước, cho gia đình biết qui tắc trợ niệm. Ngoài ra, trưởng ban cũng tìm hiểu về tâm nguyện của gia đình, xem có khúc mắc gì không. Nếu trong gia đình có người đồng ý, có người không đồng ý, thì trưởng ban phải khéo léo dùng những lời khuyên giải cho họ hiểu, giải tỏa những nghi vấn trong gia đình, đặc biệt là tháo gỡ những vướng mắc bất hòa giữa anh em, cha mẹ, người thân, giúp cho mọi người trong gia đình cùng hoan hỷ, vui vẻ với nhau để hiệp tâm trợ niệm cho người bệnh ra đi một cách êm đẹp.

2. Khi đắp mền cho bệnh nhân, cần hai người cầm hai đầu mền nhẹ nhàng kéo lên khỏi ngực, chí thành niệm chú vãng sanh 3 lần, rồi nhất tâm niệm Phật.

3. Người trưởng ban phải khéo léo tiếp xúc với bệnh nhân bằng những cử chỉ thân mật, chân thành, vui vẻ, tự tin, lạc quan; lắng nghe những khó khăn, những nghi ngờ của họ; khéo léo giải thích an ủi giúp cho họ phát sanh lòng tin; nói về cảnh khổ ở thế gian và cảnh vui cõi Phật; khuyên họ buông bỏ tất cả mọi thứ, chỉ nhất tâm niệm Phật. Trưởng ban có thể làm cho bệnh nhân vui vẻ, tự tin hơn bằng cách đem các việc lành và công phu tu tập của bệnh nhân ra tán thán khen ngợi, khiến cho bệnh nhân sanh tâm vui mừng, không còn nghi ngại; làm sao cho họ tin rằng khi lâm chung nhất định được về cõi Phật.

4. Một điều không kém phần quan trọng là người trưởng ban khuyên bệnh nhân có việc gì cần giao lại cho con cháu, người thân, thì nên làm ngay; hoặc khuyên bệnh nhân nên bố thí những vật sở hữu của mình để tăng thêm phước lành, giúp thuận lợi hơn cho việc vãng sanh. Sau khi người bệnh bàn giao rồi, ta khuyên họ cần phải buông bỏ hết mọi thứ, chỉ giữ một ý niệm nhất tâm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

5. Ban Trợ niệm nên đặt tượng Phật A-di-đà trước giường bệnh nhân, sao cho bệnh nhân dễ nhìn thấy được. Nếu nhà chật hẹp, hoặc không sạch sẽ, không thể treo được, thì ta có thể thỉnh tượng Phật đến trước mặt bệnh nhân mỗi ngày hai đến ba lần để hình ảnh Phật đi vào tâm thức họ. Không cần treo hình cố định trên tường hay đặt trên bàn.

6. Không nên đốt nhang quá nhiều sẽ làm khói xông nồng, ảnh hưởng đến việc hô hấp của bệnh nhân.

7. Sau khi an trí tượng Phật xong, trưởng ban sắp xếp cho các thành viên ngồi hoặc đứng cho ổn định. Việc này giúp bệnh nhân an tâm, không bị ảnh hưởng bởi sự ồn ào, lộn xộn của ban Trợ niệm mà mất chánh niệm.

8. Kiểm tra xem tờ thông báo, tờ hồi hướng đã dán xong chưa, không khí trong phòng có thoáng mát không. Nếu trời nóng, có thể mở quạt máy, nhưng không được thổi thẳng vào người bệnh (hoặc người đã vãng sanh).

9. Khi đến trợ niệm, thấy bệnh nhân nguy cấp thì không cần thiết lập bàn thờ, phải lập tức đến trước bệnh nhân niệm câu Phật hiệu.

4. Những yêu cầu đối với gia đình người bệnh

– Con cháu người thân cần bàn thảo việc gì, thì nên đi tránh ra một nơi khác, không để người bệnh nghe thấy.

– Gia đình phải quét dọn sạch sẽ, gọn gàng, thông thoáng phòng ngủ, giường nằm của bệnh nhân. Bốn chân giường phải kê bốn chén nước, hoặc rải bột tro dưới đất, tránh côn trùng giun, kiến.. bò lên làm bệnh nhân khó chịu, gây chướng ngại cho sự vãng sanh.

– Nếu trong nhà có nuôi súc vật như chó, mèo v.v… thì nên nhốt chúng lại, hoặc canh chừng cẩn thận, không để chúng đến gần người bệnh.

– Khi vào phòng, mọi người nên tránh đụng chạm, gây ra tiếng động ồn ào, ảnh hưởng đến bệnh nhân.

– Mọi người cố gắng tránh mọi sự bất tiện cho người hộ niệm, hạn chế đi ra đi vào gây những tiếng động không cần thiết.

– Trong lúc niệm Phật, yêu cầu mọi người giữ gìn yên lặng; tuyệt đối không cho người nhà bệnh nhân tỏ ra buồn thảm hoặc hỏi han quyến luyến. Ta yêu cầu họ nên chắp tay cùng nhau niệm Phật. Nếu kém hiểu biết, theo tình cảm của người thế tục, ta sẽ vô tình xô bệnh nhân xuống hố sâu vực thẳm, sự tai hại sẽ thật đáng tiếc.

– Trong khi niệm Phật, gia đình không được đốt giấy tiền vàng bạc, tránh sự ô nhiễm và ảnh hưởng đến việc niệm Phật.

– Gia đình đã mời ban Trợ niệm thì không được mời các thầy bùa, phù thủy ngoại đạo khác để tránh gây tạp loạn, ảnh hưởng đến chánh niệm của người hấp hối và làm mất sự tập trung của ban Trợ niệm.

– Gia đình không được đụng chạm vào thân thể người bệnh vì dễ làm họ bị mất chánh niệm.

– Thân nhân tuyệt đối không được khóc lóc kể lể, la hét trong thời gian trợ niệm. Nếu cầm lòng không được thì đi tránh nơi khác.

– Người thân cũng không nên hỏi thăm bệnh nhân bị nóng hay lạnh và những chuyện linh tinh khác, vì như vậy sẽ làm trở ngại đến việc niệm Phật của bệnh nhân.

– Trong khi mọi người đang trợ niệm, gia đình cố gắng không gây ra các tạp âm, hoặc các tiếng động lớn (ho, hắt hơi…) làm bệnh nhân giật mình, thì khó thành tựu được.

– Nếu có điều trở ngại trong lúc trợ niệm, gia đình nên trực tiếp gặp trưởng ban Trợ niệm để bàn bạc.

5. Cách thức trợ niệm

– Khi bước vào trợ niệm, các thành viên nên xem người bệnh mình đang trợ niệm đó là người thân thuộc của mình. Có thể đời này hoặc nhiều đời khác, ta và họ là thân quyến của nhau. Nghĩ được như thế, ta sẽ thực hành niệm Phật tha thiết hơn, chân thành hơn giống như chính mình muốn được vãng sanh để làm lợi ích cho bệnh nhân.

– Khi trợ niệm không nhất thiết phải mặc áo lễ, nếu mặc được thì tốt, còn không thì cũng không sao. Khi niệm, không phan duyên.

– Mọi người phải ngồi cách xa người bệnh khoảng 2 thước, chú tâm niệm Phật; không được đi kinh hành.

– Khi ở trước bệnh nhân, ta không hỏi, không nói những chuyện linh tinh, chỉ nên có câu niệm Phật mà thôi.

– Khi đang trợ niệm, muốn uống nước, xin hãy ra ngoài để không làm phân tâm người khác và cũng là thái độ cung kính người vãng sanh.

– Khi người bệnh muốn thay đồ tắm rửa hay đổi thế nằm, ta có thể thuận theo, nhưng phải nhẹ nhàng cẩn thận. Nếu họ không chịu hoặc bị á khẩu không nói được, thì ta không nên tự ý làm, vì người sắp chết thân thể đau nhức, nếu ép họ di chuyển, đổi chỗ nằm hoặc tắm rửa, thay quần áo, thì vô tình ta làm cho họ càng thêm đau đớn. Có nhiều người cả đời tu hành ăn chay niệm Phật, phát nguyện vãng sanh, nhưng khi lâm chung bị người thân làm những việc nhiễu loạn như trên, phá hoại chánh niệm, khiến họ không được vãng sanh. Việc này rất thường xảy ra. Lẽ ra người đó được vãng sanh về cõi lành, nhưng do gia đình người thân không biết, xúc chạm thân thể, dời đổi, di chuyển, tắm rửa, làm cho họ đau đớn, sanh lòng giận tức. Vừa khi sanh lòng sân hận, lập tức họ bị đọa vào đường ác. Vì thế, khi đang trợ niệm, mọi việc tắm rửa di chuyển người bệnh coi như bị ngăn cấm.

– Người trợ niệm chỉ niệm câu NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT hoặc A-DI-ĐÀ PHẬT, không tụng bất cứ loại kinh điển nào khác. Trưởng ban nên hỏi qua ý bệnh nhân xem thích niệm sáu chữ hay bốn chữ, mà tùy thuận niệm theo.

– Khi niệm, ta có thể dùng khánh hoặc mõ nhỏ để hỗ trợ thêm. Khi đánh mõ hoặc khánh, phải đánh nhẹ nhàng, thanh thoát. Không được đánh quá lớn, át tiếng niệm Phật, cũng không được đánh quá nhanh. Nếu người bệnh thần kinh yếu thì ta không được dùng khánh, chỉ dùng mõ nhỏ đánh mà thôi. Tuy nhiên, cũng tùy trường hợp, nếu bệnh nhân không ưa tiếng mõ, tiếng khánh, thì ban Trợ niệm không cần pháp khí.

– Khi bệnh nhân sắp tắt hơi, ban Trợ niệm chỉ nhất mực phát tâm niệm Phật, cho dù có mùi hôi thối. Người Phật tử nên biết, trợ niệm là đảm nhiệm công việc cao cả của Như Lai để cứu độ chúng sanh thoát khỏi sanh tử. Chẳng lẽ, chỉ vì mùi hôi thối mà bỏ đi trách nhiệm quan trọng này sao? Lúc con người chưa bệnh, đã bệnh cho đến khi lâm chung, xác thân nào cũng không tránh khỏi ô uế. Hơn nữa, không thay rửa đồ ô uế của bệnh nhân là việc bất đắc dĩ, không có tội lỗi gì cả. Hiểu được như thế, thì tâm chúng ta không còn nghĩ đến mùi hôi thối nữa, chỉ một lòng giúp cho bệnh nhân giữ chánh niệm khi sắp tắt hơi mà thôi. Mọi người cố gắng sao không vì những việc nhỏ mà làm hỏng đại sự vãng sanh. Giúp cho một chúng sanh về cõi Phật thì công đức vô lượng vô biên. Còn vô tâm làm cho người bệnh mất chánh niệm, phải đoạ vào địa ngục, thì tội đó chẳng phải nhỏ. Vì thế, mọi người trong gia đình và ban Trợ niệm phải nỗ lực hết mình. Để giảm bớt mùi hôi, ta có thể đốt nhang trầm hoặc để nước đá lạnh. Tuy nhiên, đừng để nước đá quá gần thân xác người vãng sanh.

– Nên tùy theo sức của bệnh nhân mà người trợ niệm có thể niệm giọng cao thấp, nhanh chậm. Nếu niệm lớn quá sẽ tổn khí, người trợ niệm khó có thể trì niệm được lâu. Nếu niệm giọng thấp quá thì bệnh nhân không thể nghe được. Người bệnh lúc lâm chung, không còn khí lực, hơi thở yếu, không thể niệm to, khỏe như lúc bình thường đuợc. Vì thế, người trợ niệm phải theo sức của bệnh nhân. Quan trọng là khi niệm, mỗi câu mỗi chữ phải rõ ràng phân minh, khiến cho câu Phật hiệu đi vào tai, thấm vào tâm thức người bệnh. Được vậy, họ mới có sự lợi ích.

– Khi niệm, ban Trợ niệm nên chia thành nhóm, mỗi nhóm từ 5-10 người. Mỗi nhóm thay nhau niệm từ 1-2 tiếng đồng hồ. Nếu không chia nhóm, người trợ niệm khi niệm lâu, không đủ sức, niệm yếu dần, không toàn tâm toàn lực được. Đến khi ăn uống, các thành viên cũng nên chia nhau thay phiên, không được để ngưng tiếng niệm Phật.

– Nếu số người trợ niệm ít, thì bất đắc dĩ chúng ta có thể dùng máy niệm Phật hỗ trợ thêm cho bệnh nhân đề khởi chánh niệm. Tuy nhiên, không được dùng máy thay cho việc trợ niệm. Tốt nhất là được đại chúng niệm Phật trợ giúp, vì người niệm Phật có sự cảm ứng thì người hấp hối được lợi ích, khuôn mặt sẽ rất hiền hòa, an nhiên.

– Phải tùy thuận theo người bệnh lúc lâm chung, thân thể họ có thể ngồi, nằm, nằm nghiêng, nằm thẳng, ta không được cưỡng ép.

6. Những việc có thể xảy ra khi trợ niệm

Bệnh nhân khi hấp hối, mỗi người mỗi nghiệp khác nhau. Người trợ niệm phải hiểu rõ đạo lý và phương pháp trợ niệm thì người bệnh mới được lợi lạc. Lưu ý, khi trợ niệm sẽ xảy ra một số trường hợp như sau:

– Nếu thần thức bệnh nhân còn tỉnh táo, người trưởng ban trợ niệm khuyên họ nên buông bỏ vạn duyên để niệm theo tiếng Phật hiệu, có thể niệm trong tâm hoặc lắng tai nghe.

– Nếu người bệnh có điều gì lưu luyến, người phụ trách nên giảng giải cho họ hiểu như sau: “Chúng tôi đến hướng dẫn ông/bà niệm Phật. Nếu thọ mạng chưa dứt, thì nhờ niệm Phật mà được hết bệnh. Nếu thọ mạng hết, thì ông/bà có thể thong dong đi về cõi Phật”. Ta giải thích vắn tắt như vậy để họ giữ chánh niệm.

– Có bệnh nhân do nghiệp chướng nặng nề, khi nghe tiếng niệm Phật thì tâm lại khó chịu không muốn nghe. Có người thấy người thân của mình như cha mẹ, ông bà, anh em… trong dòng họ đã chết, giờ hiện đến rủ đi; hoặc thấy oan hồn, quỷ sứ đến đòi mạng… Hoặc bệnh nhân khi còn sống không tin vào Phật Pháp Tăng, khi lâm chung la hét lo sợ vì thấy các hiện tượng kinh hoàng hiện đến. Đây là những oan gia trái chủ của bệnh nhân xuất hiện, làm trở ngại sự vãng sanh. Lúc này vị trưởng ban nghi lễ phải khẩn thiết đối trước hình Phật, khai thị cho oan gia trái chủ của người bệnh.

– Khi thấy những tình trạng như vậy xảy ra, ngay lập tức gia đình phải đến bàn thờ Phật quỳ lạy sám hối cho người bệnh, giúp cho họ nghiệp chướng được tiêu trừ vãng sanh về cõi Phật. Gia đình có thể phát nguyện trì tụng kinh Địa tạng vào lúc này là tốt nhất.

– Khi trợ niệm, thấy bệnh nhân dần dần đi vào hôn trầm, giống như đang ngủ, người trợ niệm có thể dùng khánh để kế bên tai của bệnh nhân gõ lên một tiếng hoặc nhiều tiếng, nhắc bệnh nhân tỉnh giác niệm Phật. Người trưởng ban có thể nói như sau: “Ông/bà hãy mau niện Phật. Khi Phật A-di-đà đến, mau mau theo Ngài mà đi!”, rồi cất tiếng niệm Phật cao hơn khiến tâm của bệnh nhân không còn hôn mê. Ngoài ra người thân quyến liên tục sám hối, lạy Phật, quán tưởng Phật A-di-đà đến phóng quang tiếp độ cho người thân mình vãng sanh về cõi Phật.

– Đang khi trợ niệm, bệnh nhân xuất mồ hôi, hoặc tỏ vẻ lo lắng, đầu tay chân cử động không yên. Đây là hiện tượng của bệnh khổ, sức tập trung của bệnh nhân rất yếu, không tự chủ được nữa. Lúc này người hộ niệm nên đến gần bệnh nhân, lớn tiếng nhắc nhở rằng: “Ông/bà… Tây phương thế giới đang ở phía trước mặt ông/bà đó. Hãy cố gắng tập trung vào câu phật hiệu A-di-đà Phật, thì nhất định sẽ được về cõi Phật!”. Người hộ niệm nói ba lần như vậy, sau đó tiếp tục niệm Phật.

– Có khi đang trợ niệm, bệnh nhân trở nên tỉnh táo hơn trước, có thể nói chuyện, hoặc than thở hoặc cử động thân thể. Trước tình huống như thế, người trợ niệm nên biết không phải hiện tượng lành bệnh, mà khoảng 2 tiếng đồng hồ sau bệnh nhân sẽ tắt thở, giống như ngọn đèn dầu loé lên một tia sáng rồi vụt tắt.

– Thời gian bệnh nhân sắp tắt thở là giai đoạn tối quan trọng và khẩn cấp nhất. Lúc này tuyệt đối người nhà không nên tập trung trước mặt bênh nhân, la lên “ba, ơi, má ơi” làm hỏng hết mọi việc, toàn bộ gia đình chỉ nên nhất tâm niệm Phật cùng với ban Trợ niệm.

– Có người lúc sinh tiền không tin Phật pháp, lại còn chê bai hủy báng, làm chướng ngại người khác tu hành, khi họ lâm chung, xuất hiện tướng rất xấu. Vị trưởng ban phải biết và ngay lúc này khai thị cho họ hướng tâm quy y Tam bảo.

– Có những người lúc khỏe mạnh, có đi chùa, niệm Phật tụng kinh, nhưng cốt yếu là cầu cho mình có sức khoẻ, gia đình được giàu sang, nên khi bệnh, họ rất sợ chết. Khi ấy, họ niệm Phật mục đích là cầu cho hết bệnh chứ không phải là cầu vãng sanh, nên đây cũng là chướng ngại. Vì vậy, người phụ trách trợ niệm phải biết mà khai thị cho họ.

– Sau khi người bệnh tắt thở, trong vòng 8 tiếng đồng hồ, ban Trợ niệm không được ngưng tiếng niệm Phật, vì khi ấy, linh hồn (còn gọi là thần thức) người chết vẫn chưa đi, vì nghiệp lực khiến họ vẫn còn ở trong thân xác, chưa ra khỏi được, chỉ trừ những người công phu tu tập tốt, hoặc người nghiệp lực nặng thì đi ngay. Đối với người không công phu tu tập, thì tâm thức ra khỏi thân xác không nổi, phải chịu nhiều khó khăn và đau đớn giống như rùa sống bị lột mai. Do đó, ta cần phải niệm Phật 24 giờ không gián đoạn mới tránh sự nguy hiểm phải đọa lạc cho người chết.

Người trưởng ban dặn người nhà của bệnh nhân trong vòng 12 tiếng đồng hồ phải luân phiên niệm Phật; không được động chạm đến thân xác, không được thay quần áo, hoặc rờ vào người chết và canh giữ xác cho kỹ, kẻo loài mèo chó hoặc những kẻ không am hiểu đổ xô vào xúc chạm, kêu réo, khiến người chết đau đớn, sanh tâm sân hận, vì thời gian này, người chết vẫn còn cảm giác.

– Người nhà phải chờ sau thời gian hộ niệm (8 tiếng hoặc 12 tiếng) mới có thể đụng vào thân xác người chết. Nếu xác bị cứng thì ta có thể dùng nước nóng đắp lên là được.

Công việc trợ niệm đến đây là xong, ban Trợ niệm tụng bài hồi hướng, đảnh lễ lui ra.

Phim Cách Thức Trợ Niệm Người Khi Lâm Chung do Thích Nhuận Nghi biên dịch

PHẦN THAM KHẢO THÊM

1. Khai thị cho người bệnh

Bất luận người bệnh đã tắt thở hay chưa, đều phải khai thị. Xin gợi ý các lời khai thị như sau:

– Bài thứ nhất

“Kính thưa cư sĩ… A-di-đà Phật! Ông/bà nên buông xả vạn duyên, nhất tâm cầu sanh Tịnh độ nơi Tây phương Cực Lạc. Con cháu tự có phước phần riêng của họ. Thế gian này rất khổ, không nên lưu luyến. Thế giới Cực Lạc của Phật A-di-đà có bảy hàng cây báu, tám loại nước công đức, đất trải bằng vàng, vô cùng trang nghiêm đẹp đẽ không thể diễn tả hết được. Ông/bà nên lập tức phát nguyện đến thế giới Cực Lạc, một lòng cầu Phật từ bi đến tiếp dẫn ông/bà vãng sanh Tây phương. Chỉ khi gặp Phật A-di-đà hoặc thấy ánh hào quang màu vàng (kim sắc) ôn hòa của Tây phương Tam Thánh, ông/bà mới theo các Ngài đi. Ngoài ra, khi thấy bất cứ cảnh tượng nào khác, tuyệt đối không thèm để ý đến. Như vậy, ông/bà nhất định được vãng sanh về Tây phương. Bây giờ chúng tôi niệm Phật, xin ông/bà hãy cùng niệm Phật với chúng tôi”.

– Bài thứ hai

Nam mô A-di-đà Phật.

Phật tử…, pháp danh…

Sanh lão bệnh tử là con đường mọi người phải đi qua, không ai có thể tránh được. Đã có sanh ắt phải có tử.

Phật đã nói thể gian này là khổ, là vô thường. Lúc này, Phật tử hãy buông xả mọi việc, tâm không nên gợi lên những than hận hay cố chấp. hãy thành tâm niệm Phật với lòng tin và sự khẩn cầu sanh về Tây phương Cực Lạc quốc. Hãy niệm Phật với chánh niệm để tiêu tan nghiệp chướng, cho thân tâm được tự tại.

Hãy khẩn cầu với lòng thành kính. Nhất tâm niệm Phật, khẩu cầu đức Đại từ đại bi A-di-đà Phật đến tiếp độ, phóng quang soi sáng và dùng Phật lực để giúp người niệm A-di-đà Phật với chánh niệm.

Hãy khẩn vầu Phật A-di-đà đến tiếp độ, niệm niệm A-di-đà Phật, niệm niệm cầu sanh về Tây phương Cực Lạc quốc.

Nam mô A-di-đà Phật.

2. Khai thị cho oan gia trái chủ

Nam mô A-di-đà Phật.

Phật tử…, pháp danh… từ nhiều đời nhiều kiếp đã gây ra nhiều oan gia trái chủ.

Ông/bà… và quí vị đã có duyên với nhau. Phật nói kết thân tâm pháp duyên là thù thắng nhất. Cho nên, quí vị nên kết thân tâm pháp duyên với ông/bà…, đừng nên gây chướng ngại cho ông/bà…, mà hãy cùng niệm Phật với chánh niệm để cầu sanh về Tây phương Cực Lạc quốc.

Giờ đây xin khẩn cầu quí vị và các thân hữu hãy nhất tâm niệm Phật để giúp đỡ ông/bà… được vãng sanh Tây phương Cực Lạc quốc, hoàn thành Phật sự. Vô lượng công đức sẽ hồi hướng cho quí vị thoát mọi khổ ải và được an lạc.

Cầu xin quí vị hãy vì nhân duyên thù thắng này mà phát tâm Bồ-đề, với lòng tin tưởng sâu sắc mà niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực Lạc quốc, toại nguyện vô lượng Phật độ.

Nam mô A-di-đà Phật.

3. Căn dặn dự bị lúc lâm chung

Trường hợp sợ người thân mình không làm đúng theo chánh pháp, lúc còn sống quý vị nên viết một bản di chúc dặn dò con cháu. Trong lời dặn dò, người viết nên tập trung dặn kỹ con cháu người thân phải làm mọi việc cần thiết giúp mình vãng sanh về cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà. Xin gợi ý nội dung lời dặn như sau:

Ông/Bà tên …, pháp danh:…

Các con cháu và mọi người trong gia quyến hãy nghe theo những lời ông/bà căn dặn những điều như sau:

Cả một đời ông/bà quy y Tam bảo, chuyên niệm Phật A-di-đà, được hưởng nhiều sự lợi ích tốt lành. Nếu các con cháu và người thân nếu thật sự có lòng hiếu thảo thì phải nghe theo lời của ông/bà, giúp ông/ bà được sanh về cõi Phật A-di-đà. Đó mới là sự báo hiếu lớn nhất. Ông/bà sẽ mãn nguyện ra đi.

Các con phải biết, con người khi sắp tắt thở, giống như con rùa bị lột xác, vô cùng đau khổ. Nếu các con thậy lòng muốn cho ông/bà được chết tốt lành, mong toàn thể các con phải vì ông/bà mà hoàn thành tốt tâm nguyện của ông/bà.

Khi thấy ông/ bà bị bệnh, nhất là lúc hấp hối, con cháu hãy làm theo những lời căn dặn như sau:

– Lập tức đi mời ban Trợ niệm đến niệm Phật cho ông/ bà. Khi ban Trợ niệm đến, gia đình phải nghe theo sự hướng dẫn của họ, không được làm trái ngược. Nếu có chư Tăng đến, con cháu phải hết lòng cung kính.

– Khi ban Trợ niệm niệm Phật, gia đình không được động đậy, di chuyển, thân thể để tắm rửa, thay quần áo cho ông/bà; lại càng không được gào thét, khóc lóc, kể lể, than van. Con cháu phải giữ gìn cho yên lặng và cùng trì niệm câu Phật hiệu A DI ĐÀ PHẬT, hết lòng cầu Phật tiếp dẫn ông/bà vãng sanh về cõi Phật.

– Trường hợp ông/bà bị hôn mê bất tỉnh, hơi thở sắp tắt, thì con cháu không được mời bác sĩ đến chích thuốc, hô hấp hoặc làm những việc cấp cứu khác để tránh tâm lý ông/bà bị dao động hoặc gia tăng sự đau khổ. Các con cháu phải vì ông/ bà mà thành tâm niệm Phật. Như thế mới là người con, người cháu hiếu thảo.

– Khi ông/bà tắt thở trong vòng 24 tiếng đồng hồ, con cháu phải cố giữ tiếng niệm Phật sao cho không được gián đoạn, phải luân phiên niệm Phật trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Sự trợ niệm vào giờ phút này cho ông/ bà là sự giúp đỡ vô cùng to lớn. Con cháu có thương ông/bà, thì không gì hơn là ngay lúc này niệm Phật A-di- đà.

– Còn việc thay quần áo, nhập liệm, tang lễ, tụng kinh phải chờ qua 24 giờ mới được tiến hành. Trừ trường hợp, thời tiết khí hậu oi bức, sợ có mùi hôi thối, thì nên tùy duyên, con cháu có thể đốt nhang trầm hoặc để nước bên cạnh thi thể ông/bà.

– Trước và sau tang lễ và trong suốt 49 ngày, việc cúng tế đãi khách… toàn bộ phải dùng đồ chay, tuyệt đối không được sát sanh để tránh gia tăng nghiệp tội cho ông/bà. Toàn thể gia đình nên ăn chay, niệm Phật, làm các việc thiện lành, hồi hướng cho ông/bà. Được như vậy, ông/bà mới hưởng niềm vui an lạc. Con cháu nhờ đó cũng hưởng sự vui sướng cát tường, tương lai tươi sáng.

– Việc tang lễ, cúng tế phải theo nghi thức của Phật giáo, lấy việc niệm Phật làm chính, con cháu không được phô trương rầm rộ, phung phí tiền của, cần phải tiết kiệm.

Ông/bà hy vọng từ đây về sau cả gia đình phát tâm tin Phật, niệm Phật. Làm được vậy, con cháu nhất định hưởng được sự bình an hạnh phúc. Mong các con, các cháu nghe theo và làm theo đúng như lời ước nguyện của ông/bà.

Nam mô A- di- đà Phật

Người nói…

Người làm chứng….

4. Nội dung các tờ thông báo

Trước khi trợ niệm, người trưởng ban yêu cầu gia đình dán các tờ thông báo lên những nơi mọi người có thể trông thấy. Nội dung những thông báo này yêu cầu thân nhân không được khóc lóc, kể lể, đụng chạm đến người bệnh, mà phải cùng niệm Phật để đưa người vãng sanh về Tây phương. Một vài gợi ý về thông báo như sau:

– Tờ thông báo số 1

XIN NHỚ KỸ:

Khi lâm chung trong vòng 8 giờ sau, nếu bị va chạm mạnh, hoặc người thân khó than kêu réo, người ra đi sẽ dễ bị đọa lạc. Xin một lòng niệm NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT, cầu nguyện cho người được vãng sanh về thế giới Tây phương Cực Lạc.

Tuyệt đối XIN ĐỪNG KÊU KHÓC KHI NGƯỜI BỆNH LÂM CHUNG

Chân thành đội ơn sâu nặng!

– Tờ thông báo số 2

HỘ NIỆM

Hiếu thảo, thương kính người ra đi, con cháu và người thân phải quyết tâm hộ niệm bằng cách túc trực bên cạnh để NIỆM PHẬT SUỐT NGÀY ĐÊM trước giờ ra đi, lúc lâm chung và tiếp tục 8 hoặc 12 giờ sau.

CẤM KỴ: kêu khóc, ồn ào, va chạm mạnh đến người bệnh.

5. Cách cúng tế hương linh:

* Trước bàn Phật: cúng hoa tươi + trái cây + nước trắng.

* Trước bàn linh: mỗi ngày cúng cơm 3 lần (thức ăn chay):

– Sáng: cháo, thức ăn đậu hũ

– Trưa và tối: 1 chén cơm + 1 đôi đũa + 1 mâm để 6 món thức ăn + 1 ly nước trong + trái cây (mỗi ngày phải thay mới).

* Ngày đi chôn (hoặc thiêu) ngày an táng:

* Trước bàn Phật: cúng hoa tươi + nước + 4 loại trái cây (mỗi ngày phải thay mới) + 1 chén cơm nhỏ + 6 chén nhỏ thức ăn + 1 ly nước trắng.

* Trước bàn linh: cúng 1 chén cơm + 1 đôi đũa + 6 chén nhỏ thức ăn + 1 ly nước trắng + hoa tươi + 4 loại trái cây.

* Trước bàn cúng tế: cúng 12 đĩa thức ăn + 1 dĩa trái cây

* Tụng kinh A-di-đà, hồi hướng (Nếu không thỉnh được Tăng, cư sĩ tại gia có thể tiến hành như trên đã nói).

* Sau khi chôn cất xong: không cần phải cúng cơm mỗi ngày 3 lần.

* Trong 7 thất (49 ngày):

Mỗi thất: tụng kinh A-di-đà + niệm trăm danh Phật hiệu + cúng ngọ +hồi hướng (Phần cúng ngọ có thể chiếu theo cách cúng trong ngày an táng).

6. Các ban Trợ niệm, Hộ niệm hiện có

Từ lâu, ở một số nước thịnh hành pháp môn Tịnh độ đều có nhiều ban Trợ niệm hoạt động rất tốt, đưa nhiều người vãng sanh Tây phương Cực Lạc. Việt Nam hiện nay cũng có một vài ban, nhóm Trợ niệm hoạt động rất có hiệu quả. Mô hình, phương thức hoạt động trợ niệm đều tham khảo theo phương thức của Tịnh tông học hội Úc châu, do hòa thượng Tịnh Không chủ trương (như các cách nói trên). Có một số ban Trợ niệm cẩn thận ghi lại hình ảnh của một số trường hợp vãng sanh có biểu hiện tướng tốt đẹp. Phật tử nên biết địa chỉ của các ban ấy để dễ dàng liên hệ khi cần thiết hoặc để tham gia.

– Ban Trợ niệm do Đại đức Thích Giác Chỉ hướng dẫn:

Địa chỉ liên hệ:

Số điện thoại:

– Ban Trợ niệm do cư sĩ Diệu Thường hướng dẫn:

Địa chỉ liên hệ:

Số điện thoại:

– Ban Trợ niệm do cư sĩ ______________ (chùa Hoằng Pháp) hướng dẫn:

Địa chỉ liên hệ:

Số điện thoại:

– Ban Trợ niệm do cư sĩ ______________ (chùa _______________) hướng dẫn:

Địa chỉ liên hệ:

Số điện thoại:

Tịnh Thất Từ Nghiêm
Ngày 21 tháng 10 năm 2006
Tỳ kheo Thích Nhuận Nghi cẩn biên

Tham khảo thêm: Qui Tắc Trợ Niệm Lúc Lâm Chung

Niệm Phật Như Pháp

Niệm Phật Như PhápĐã tu tịnh nghiệp (niệm Phật Pháp môn), phải giữ luân thường đạo lý, làm hết bổn phận với đạo với đời, dứt niệm tà, giữ lòng thành kính, trừ bỏ các điều ác, năng làm những việc lành, đừng giết hại gắng ăn chay, thương tiếc hộ trì mạng sống loài vật cũng là ý tưởng cao đẹp mang lại sự sống an lạc cho loài người, một lòng tin tưởng phát nguyện niêm Phật cầu vãng sanh Tây phương. Bên trong phải vì ông bà, cha mẹ, anh em, chị em, bên ngoài vì thân thích, bạn bè hàng xóm láng giềng, bá gia bá tánh, nhân vương làng nước, đem pháp môn niệm Phật Tịnh Độ này mà phụng hành và sách tấn, hướng dẫn chẳng luận người có tin tưởng hay không tin tưởng, chỉ hết sức mình khiến cho mọi người biết pháp môn mầu nhiệm này và thực hành đúng pháp mà thôi.

Người niệm Phật, nếu tấm lòng chân thiết, tự có thể nhờ từ lực của Phật, khiến cho khỏi tai nạn đau binh nước lửa. Dù có bị ức nghiệp sâu dày, hoặc trường hợp chuyển quả nặng địa ngục thành ra quả báo nhẹ nay mà ngẫu nhiên bị tai nạn ấy. Nếu lúc bình nhựt có lòng tín nguyện chơn thiết, quyết định lúc bấy giờ sẽ được nhờ Phật lực phóng quang tiếp dẫn.

Đã tín sâu, nguyện thiết, phải tu chánh hạnh niệm Phật, Sự tu trì đây tùy theo thân phận, hoàn cảnh, môi trường sống của mình mà lập, không nên chấp và cố định theo một phương thức nào như người không việc chi hệ lụy. Nên từ sớm mai tới buổi chiều, rồi chiều lại đến mai, lúc nào đi đứng, nằm ngồi, nói năng hoạc không nói chuyện phào…khi ăn cơm mặc áo cùng đại tiểu tiện, tất cả thời, thất cả chỗ, nhất nhất cử động đều giữ chính niệm một câu hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật” không rời tâm niệm. Nếu khi thân mình sạch sẽ, y phục chỉnh tề, chỗ ở tinh khiết, thì niệm thầm hay niệm ra tiếng thì được. Nhưng lúc ngủ, nghỉ lõa lồ tắm gội, đại tiểu tiện hoặc ở chỗ không sạch, chỉ được niệm thầm niệm không ra tiếng, niệm thầm công đức phước huệ vẫn đồng, nếu niệm ra tiếng thì có lỗi không cung kính. Chớ cho rằng lúc ấy không nên niệm, chỉ e niệm Phật không được mà thôi. Lại khi nằm nếu niệm ra tiếng, chẳng những không cung kính mà còn bị tổn hơi, chư liên hữu phải biết điều này.

Muốn cho tâm không luyến tiếc việc ngoài, chuyên niệm Nam Mô A Di Đà Phật, được quý nhứt, cũng không có phương pháp chi kỳ lạ, chỉ đừng quên việc sinh tử rình rập bên mình, thời điểm không biết xảy ra tự lúc nào. Phải nghĩ rằng: Ta từ trước tới nay tạo ra vô lượng vô biên nghiệp ác, như trong kinh nói: “Giả sử như nghiệp ác kia có hình tướng thì khắp mười phương hư không cũng chẳng dung chứa duyên đâu may mắn, nay được thân người được nghe Phật pháp. Nếu không một lòng chuyên niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương. Khi cái chết đến thình lình, chắc chắn phải bị đọa vào ác đạo,. Chừng ấy nếu đọa vào địa ngục thì bị non đao, rừng kiếm, lò lửa, vạc dầu, một ngày đêm sống chết đến vạn lần, sự khổ cùng cực không thể diễn tả. Nếu đọa vào ngạ quỷ thì thân hình bị xấu xa, bụng lớn như cái trống, cổ họng nhỏ như cây kim, thấy cơm nước thì những vật ấy hóa thành than lửa, chịu đói khát lăn lóc, khóc la thảm thiết trong vô lượng kiếp. Nếu đọa vào súc sanh, thì hoặc bị chở kéo nặng nề, hoặc bị người giết ăn thịt, hoặc bị người mạnh ăn nuốt người yếu thật kinh khủng chẳng lúc nào yên nghỉ, Chịu khổ như thế có khi vô lượng chư Phật ra đời mà vẫn còn xoay dần trong ác đạo, không được thoát ly. Nghĩ đến thân người mong manh, cái chết bất kỳ lúc nào cũng rình rập, nghĩ mình đời trước đời này đã tạo ra vô lượng nghiệp ác, nghĩ đến sự khổ tam đồ mà tĩnh ngộ sợ hãi, tất không còn ham luyến cảnh ảo huyền mộng du bên ngoài, công trình niệm Phật được chuyên nhứt.

Khi niệm Phật cần phải chí thành, hoặc có lúc trong tâm khởi ra bi cảm, đó là tướng căn lành phát hiện. Nhưng phải đề phòng đừng nên thường thường như thế, chẳng vậy thì bị loài ma bi thương nhập vào phàm gặp việc chi vừa ý cũng đừng quá vui mừng, vui mừng quá tất bị loài ma hoan hỉ ám nhập.

Khi niệm Phật, mí mắt nên sụp xuống một phần ba đôi mắt, nếu mở lớn thì tán loạn, nhắm mắt thì hôn trần ngủ gục, đừng nên quá dùng tinh thần, nếu dùng tinh thần quá hỏa khí sẽ bốc lên, làm cho nhức đầu choáng váng, hoặc mang các chứng bệnh : lên máu, đầu tê rần ngứa nhức, máu bầm tụ trên đỉnh đầu. Vậy phải điều hòa cho có chừng mực, vừa phải. Nếu thấy đầu óc nặng nề nóng bừng, bần thần dã dượi, phải trấn định tinh thần, lắng nghe, lắng tâm mà niệm Phật, hoặc chú tưởng nơi lòng bàn chân, thì hỏa khí sẽ hạ xuống.
Bịnh cùng ma phá, đều do túc nghiệp gây ra. Người nên chí thành khẩn thiết niệm Phật, thì bệnh tự an lành, ma tự xa lánh. Nếu lòng không thành khẩn mà còn khởi niệm tà dâm bất chánh, thì tâm người toàn thể đã sa vào nơi tối tăm, làm sao khỏi chiêu cảm loài ma đến khuấy rối.

Từ nay sau mỗi thời khóa tịnh niệm, người ta nên hồi hướng cầu nguyện cho oan gia, oan trái đời trước, khiến cho bọn kia nhờ công đức niệm Nam Mô A Di Đà Phật của người mà được giải thoát khổ, sanh về cõi lành.
Người niệm Phật nếu dụng công siêng năng tinh tấn, thì niệm sẽ thuần thuc quy nhứt, được cảm thông với Phật, tự có thể thấy cảnh lành, dù không thấy cũng không ngại. Nếu bỏ sự chuyên dụng công tu, công phu mà vội vàng gấp muốn được nhất tâm, được tương ứng, được thấy cảnh lành, thì vọng tưởng rối ren, tâm niệm cấu mong cố kết nơi lòng. Đây là chứng bệnh lớn lao nguy hiểm của người tu hành. Như thế lâu ngày, những oan gia đời trước nương theo vọng tưởng của hành nhơn, hóa làm thân Phật, hoa sen hoăc các cảnh tốt lạ, để mong báo oán. Lúc ấy tự mình đã không có chính kiến, toàn thể là khí phần của ma. Một khi thấy cảnh ấy tất sanh lòng hoan hỉ, ma nương theo đây mà vào tâm phủ làm cho hành nhơn, điên cuồng. Dù có Phật sống cũng không cứu được.

Người tu pháp môn niệm Phật không phải chỉ tu theo sự tuớng bên ngoài. mà con phải để ý trừ phiền não từ thô đến tế, từ trong đến ngoài và từ bên ngoài vào trong. Nếu phiền não bớt một phần thì công tu niệm Phật tăng thêm một phần, trái lại để phiền não tăng, tất công hạnh phải lui dần, làm cho đời tu tránh nghiệp phan duyên lôi kéo vào hố thẳm phiền não, rốt rồi tu không ra tu, đời không ra đời, uổng phí sanh kiếp làm người vô tích sự.

Khi người niệm Phật, trong tâm hôn muội, không phải do nơi sức yếu mà chính là nghiệp chướng xui nên. Vậy nên phải khẩn thiết chí thành mà niệm, nếu niệm không ra câu, thì tâm thường tưởng nhớ Phật, khi nào niệm được thì dùng miệng mà niệm, như thế lâu ngày nghiệp sẽ tiêu trừ. Từ khi bước vào đường tu, phải cẩn trọng đề ý đến tâm niệm hành vi, cử chỉ luôn phải giữ cho hiền hòa, thuần hậu, đối đãi với người như nước mát thanh lương, mới đủ duyên lành dự tăng luân nhập pháp lưu, Nếu chẳng được như vậy, lại huân tập thêm tánh gian tham, xảo quyệt, khắc kỷ hiểm độc, thì cũng như chót núi đá trơ vơ, mưa bao nhiêu cũng không đọng lại chút nào, dù loại cây cỏ chi cũng không sanh trưởng nỗi.

Giữ niệm một câu A Di Đà nhặt nhiệm nối nhau, thường nhớ, thường niệm. Khi những tâm tham lam bỏn sẻn hờn giận dâm dục, háo thắng kiêu mạn thoạt nổi lên, phải suy niệm : “Ta là người tu pháp niệm Phật, cầu học đạo giải thoát, không nên có tâm niệm như vậy” Nghĩ rồi liền trừ diệt đi. Như thế lâu lâu, những niệm lao thần tổn thân đều không do đâu mà khởi, sẽ được công đức không thể nghĩ bàn của Phật lực gia trì nơi thân tâm mình, dám đảm bảo trong mười ngày sẽ thấy đại hiệu, Nếu tu hành lôi thôi muốn được công hiệu. đó là khi mình, khi người, tuy cũng có công đức, nhưng muốn do đó mà lành bệnh, thì quyết không thể được.
Người tu tịnh nghiệp (tu niệm Phật) phàm việc chi cũng phải lấy lòng thành làm gốc, tu hành nếu không dùng tâm chí thành, làm sao được sự lợi ích lành bệnh dứt khổ?

Người tu tịnh nghiệp (tu niệm Phật) nếu có mảy may công đức lành đều đem hồi hướng vãng sanh. Như thế thì tất cả hành môn đều là trợ hạnh của Tịnh Độ. Lại phải phát lòng bồ đề, thề nguyện độ muôn loài, đem công đức mình tu hồi hướng cho bốn ân ba cõi cùng chúng sanh trong pháp giới. Làm như thế như đèn thêm dầu, như mạ được mưa, đã kết pháp duyên sâu cùng pháp giới chúng sanh, lại mau thành tựu thắng hạnh đại thừa của mình, Nếu chẳng hiểu nghĩa này, tất thành ra thấy chỗ cạn hẹp tư lợi của hàng phàm phu, nhị thừa tuy tu hạnh mầu căn quả rất thấp kém.

Người tu tịnh nghiệp (pháp môn niệm Phật) nên ăn chay trường, nếu chưa được như thế, thì giữ thập trai, lục trai, tứ trai, ít nhất là nhị trai để lần bỏ hẳn việc ăn uống các thứ thịt của chúng sanh, mới là hợp lý. Nhị trai là các ngày rằm (15 âl), mùng một; tứ trai là các ngày ba mươi (nếu tháng thiếu là hai mươi chín) mùng một, mười bốn, rằm (15 âl), lục trai là các ngày mùng tám, mười bốn, rằm (15 âl) hai mươi ba, hai mươi chín và ba mươi (nếu tháng thiếu là hai mươi tám, hai mươi chín) nếu thêm vào các ngày mùng một, mười tám, hai mươi bốn, hai mươi tám thì thành ngày thập trai. Những tháng thiếu nên ăn trước một ngày. Lại tháng giêng, tháng năm, tháng chín là ba trai ngoạt, nên ăn chay trường và làm các việc công đức. Dù chưa ăn chay được cũng nên mua thịt cá đã làm sẵn, chớ làm việc sát sinh trong nhà, những người đã quy y Tam Bảo rồi mà vẫn còn ăn mặn, nên tập lần không giết hại mạng, cướp mạng chúng sanh thượng cầm, hạ thú, loài thủy tộc nữa. Nếu mỗi ngày sát sinh thì cái nhà ấy trở thành lò sát sinh, là chỗ của oan hồn yểu tử tụ hội, không được an lành. Cho nên sát sanh trong nhà là đều rất cấm kỵ.

Người tu tịnh nghiệp (pháp môn niệm Phật) khuyên cha mẹ niệm Phật cầu sanh Tây phương, Muốn cho cha mẹ khi lâm chung quyết định được vãng sanh, thì phải dặn trước người quyến thuộc về cách trợ niệm và chớ nên khóc lóc cùng bày vẽ những điều mê tín dị đoan vô ích. Lại lúc sinh thời phải vì cha mẹ giảng rõ sự lợi ích của Pháp môn niệm Phật khiến cho song thân thường niệm không quên. Thế thì cha mẹ chẳng những được lợi ích, mà quyến thuộc hiện tại hoặc con cháu đời sau cũng được ảnh hưởng giải thoát an lành. Về phương pháp trợ niệm khi lâm chung, không luận già trẻ đều phải làm đúng như thế.

Đối với những nữ sĩ tu pháp môn niệm Phật, hoặc không tu có gia đình, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đến bảo sanh viện không kịp thời, khi sắp sanh thường đau khổ không kham. Có khi vài ngày sanh không được, hoặc chết vì khó sanh. Có người tuy sanh được hưng lại bị huyết băng và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Đứa con sinh ra thì bị các chứng, nạn kinh phong…cho nên người nữ lúc sinh sản, nên chí thành khẩn thiết niệm Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát. Khi niệm cần phải to tiếng, không nên niệm thầm, vì niệm thầm do lực kém, nên sức cảm ứng cũng kém. Lại trong lúc ấy sản phụ đang dùng sức sanh đứa bé, nếu niệm thầm thì bị ép nín hơi phải mang bệnh khác (Lời dạy của Đại Sư rất có khoa học). Nếu chí thành khẩn thiết mà niệm quyết không có sự đau đớn, khó sanh, huyết băng, đứa con sẽ khỏi bệnh kinh phong và các chứng nguy hiểm khác. Dù gặp trường hợp khó sanh, có nguy hiểm đến tánh mạng, sản phụ cùng những bà hộ sanh, cũng phải đồng to tiếng niệm Quán Thế Âm Bồ tát. Người quyến thuộc tuy ở nơi khác, đều phải vì sản phụ liền được yên ổn mà sanh. Kẻ ngoại đạo không rõ lý này, chấp chặc một việc cung kính, chẳng biết căn cứ theo sự mà luận lý, khiến cho mấy bà lão niệm Phật xem việc sanh sản là việc đáng sợ, cho đến dâu con của mình sanh cũng không dám qua săn sóc, huống chi là vì niệm Quan Âm? Nếu biết Bồ tát lấy sự cứu khổ làm lòng, lúc sanh sản tuy lõa lồ không sạch, nhưng dó là việc dĩ nhiên không phải tự ý buông lung, nên niệm đã không có tội lỗi, mà lại khiến cho sản phụ gieo trồng căn lành. Nghĩa này trong kinh Dược Sư đã có nói, không phải tự tôi đưa ra điều ức kiến riêng tư. Ấn Quang này chỉ là người đề xướng mà thôi.

Người nữ từ mười hai, mười ba tuổi đến bốn mươi tám, bốn mươi chín tuổi đều có kinh nguyệt. Có người bảo : Trong lúc kinh nguyệt, chẳng nên lễ bái trì tụng. Lời này rất không hợp tình lý. Thời kỳ có kinh, mau thì hai ba ngày, lâu đến sáu bảy ngày mới dứt, Người nữ tu trì cần phải niệm Phật không xen bỏ, đâu nên vì một chút bệnh nhỏ thiên nhiên mà bỏ lãng thời tu niệm? Khi có nguyệt kỳ chỉ nên lễ bái ít – Lễ bái ít chớ chẳng phải tuyệt nhiên không lạy, Còn sự tụng niệm kinh Phật đều chiếu theo lệ thường. Nên thường thay giặt quần áo, phải rửa tay cho sạch sẽ, đừng dùng tay dơ mà lần chuỗi, lật kinh và đốt hương. Trong Phật pháp đều viên thông, hàng ngoại đạo chỉ chấp một bên lý, người đời phần nhiều ưa tin ngoại đạo và tà kiến nên không được thấm nhuần lợi pháp (An Quang Đại Sư). Tổn hại chúng sanh vô cùng. lại còn phân biệt nam chướng ít, nữ nhân nghiệp chướng dẫy đầy, suy niệm ngược lại với giáo pháp từ bi bình đẳng của Phật.

Đại Sư Ấn Quang là bậc đạo sư đương thời Dân Quốc, công hạnh của Ngài vang lừng khăp Quốc gia Phật Giáo Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Tăng Ni Phật Tử Việt Nam tuy ở xa xôi ngàn dặm song rất cảm kích về đạo đức, trí tuệ của đạo sư , Đai sư nói giảng, viết sách Tịnh Độ xương minh Tịnh Độ làm hữu dụng cho Tăng Tục, nam nữ, trẻ già trong đạo, ngoài đời đều được nương từ lực của Đai Sư mà tu hành đạt thành chánh quả. Trong các trường Phật Học Việt Nam, tại Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đão, tông môn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng., nhất là Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác, lúc nào cũng tán thán công hạnh lành từ bi quãng đại, xương minh lời Pháp, tư tưởng tu hành phóng khoáng, yếu chỉ, quy cách tu hành của đại sư đến với đại chúng liên hữu hậu tấn của tông phong, Thật hy hữu thay, một bậc tu hành đắc đạo thời cận đại.

Lời dạy của Ấn Quang đại sư

Niệm Phật Chớ Sợ Cười Đừng Chờ Hẹn

Niệm Phật Chớ Sợ Cười Đừng Chờ HẹnCó nhiều vị muốn tu học Phật pháp, nhưng lại sợ bị người chê cười là tiêu cực, hủ bại, mê tín. Do đó khi xem kinh thì lén lút không dám công nhiên cho người thấy; hoặc có ăn chay niệm Phật cũng không dám cho ai hay. Nên biết đạo Phật chẳng những là một tôn giáo, lại là một môn triết học rất cao thâm, các học giả uyên bác đông tây đã có nhiều vị nghiên cứu và thực hành. Phật đạo là con đường sáng suốt đưa người từ hung ác đến thiện lương, từ hàng phàm phu mê mờ đến địa vị thánh nhơn toàn giác. Cho nên người đã có duyên may tu học Phật pháp, nên mừng cho mình được phước lành, và tùy nghi đem ra khuyên nhắc kẻ khác làm theo, chớ không chi phải e ngại. Những kẻ chê tu Phật là tiêu cực, hủ bại, mê tín, chỉ vì họ chưa hiểu biết mà thôi.

Lại trong giới tu học Phật pháp, có những người vừa mới xem qua các kinh điển cao, đã vội tự phụ cho mình là bậc Đại Thừa (1) hành giả, thấy ai ăn chay niệm Phật liền xem là hạng căn cơ thấp kém, chỉ bắt chước theo các ông già bà cả ngu dốt tối tăm, Nên biết môn Tịnh Độ là pháp Đại Thừa viên đốn. Nói “Đại Thừa”, vì pháp này lấy niệm Phật làm nhân, lấy địa vị Toàn Giác làm quả. Nói “viên” vì môn này nhiếp tròn cả năm tông tám giáo, như các bậc cổ đức đã luận phê. Nói “đốn” vì phương tiện này đưa từ hàng cụ phược phàm phu lên ngôi bất thối chuyển, từ bậc sơ học lên quả Vô thượng Bồ Đề, rất thẳng tắt mau lẹ. Cho nên pháp môn này sáu phương chư Phật đều khen ngợi, các vị Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ đều phát nguyện vãng sanh. Xem thường và khinh chê niệm Phật, chẳng những là không hiểu sâu về Tịnh Độ, mà còn mang lỗi khinh chê chư Phật và các bậc Thánh giả đã nói trên. Cho nên niệm Phật là chính mình đã thật hành theo pháp môn viên đốn Đại Thừa, không nên ngại đến sự cười chê của người chưa hiểu biết.

Muốn cầu giải thoát, đối với sự niệm Phật phải xem là điều rất khẩn yếu, biết được lúc nào là phải thật hành ngay khi ấy, không nên chờ hẹn. Phật đã từng dạy, mạng sống của con người chỉ ngắn ngủi trong hởi thở; vì hơi thở có ra mà không vào, tức đã bước sang kiếp khác. Thế thì năm tháng ngày giờ, cho đến mỗi giây phút, đều có cái chết không chờ hẹn ta ở trong đó; chẳng ai dám quyết đoán mạng sống của mình dài được bao lâu. Cổ thi có câu:

Ngày trước đầu đường còn ruỗi ngựa.
Hôm nay trong quách đã nằm yên!

Hoặc câu:

Chớ hẹn đến già rồi niệm Phật.
Đồng hoang mồ trẻ thấy đông người.

Đây là những điều xác thật. Cho nên muốn phòng ngừa cơn vô thường chợt đến, mỗi thời khắc chúng ta phải gắng chăm niệm Phật. Như thế, gặp giây phút cuối cùng mới không bị bối rối tay chân.

Trên đường tu, để ngăn trách về sự giải đãi, đức Phật đã răn dạy: “Thầy Tỳ Khưu thường hay có tám cách biếng trễ. Chẳng hạn, bữa nào đi khất thực đói, liền nghĩ rằng: “Hôm nay, khất thực đói, trong người tất thiếu sức khỏe, để huởn tu một đêm.” Bữa nào khất thực no, liền nghĩ: “Hôm nay ăn no, trong người nặng nề mệt nhọc, thôi tạm xả tu, mai sẽ tiếp tục.” Như thế cho đến những khi: sắp làm việc nhiều – lúc làm việc nặng vừa xong – sắp muốn đau – khi đau bịnh vừa mạnh – sắp đi xa – lúc đi xa mới về; trong các trường hợp ấy, lúc nào cũng nại cớ này, cớ khác, rồi bỏ tu để ngủ nghỉ. Trái lại, những vị Tỳ Khưu tinh tấn, trong tám trường hợp đó, luôn luôn nghĩ đến sự vô thường, hằng siêng năng tu tập.”

Tâm niệm giải đãi của người xuất gia đã như thế, tất tâm lý biếng trễ của hàng tại gia chắc có lẽ nhiều hơn. Hoằng Nhứt đại sư từng khuyên một người thân hữu niệm Phật. Ông này viết thư gởi đến, than mình mắc bận nhiều công việc, xin để tạm xếp đặt cho ổn thỏa rồi sẽ hay. Đại sư liền biên vào bức thư đó hai câu thi, rồi gởi trả nguyên lại. Hai câu ấy như sau:

Ngay giờ quyết dứt, liền thôi dứt.
Chờ hẹn cho xong, chẳng lúc xong!

Thật thế, chuyện đời đến khi nhắm mắt cũng không rồi công việc.

Khi xưa, có vị tăng khuyên người bạn là Trương Tổ Lưu niệm Phật. Ông bạn bảo: “Tôi có ba việc làm chưa xong: Một là quan tài ông thân còn để ở nhà mồ chưa chôn, hai là đứa con trai chưa cưới vợ, ba là đứa con gái chưa gả chồng. Chờ ba việc đã xong, tôi sẽ vâng lời.” Mấy tháng sau, ông bạn bị bạo bịnh chết. Vị tăng đến tụng kinh cầu siêu, và điếu một bài thi rằng:

Bạn tôi tên là Trương Tổ Lưu
Khuyên ông niệm Phật, hẹn ba điều.
Ba điều chưa vẹn, vô thường bắt
Đáng trách Diêm Vương chẳng nể nhau!

Trong bài thi, ý vị tăng nói: ông hẹn khi xong ba việc sẽ niệm Phật, nhưng ngặt nỗi vô thường bất ngờ đến, nó có chờ hẹn ông đâu? Xem đấy chúng ta ai dám bảo đảm rằng mình chẳng là ông Trương Tổ Lưu thứ hai? Cho nên người quyết chí tu hành, được hở giây phút nào liền niệm Phật ngay lúc ấy, đừng nên đạp nhầm dấu xe đổ của người xưa mà để hận ngàn thu.

Giải thích nghĩa từ:

(1) Dịch âm Hán Việt là Ma-ha-diễn-na, Ma-ha-diễn, tức là “cỗ xe lớn”; Một trong hai trường phái lớn của đạo Phật, phái kia là Tiểu thừa hay được gọi là “cỗ xe nhỏ”. Xuất hiện trong thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên, phái này tự nhận là cỗ xe lớn, nhờ dựa trên tính đa dạng của giáo pháp để mở đường cho một số lớn chúng sinh có thể giác ngộ.

Cả hai, Tiểu thừa và Ðại thừa đều bắt nguồn từ Ðức Phật Thích-ca Mâu-ni, nhưng khác nhau nơi sự quan tâm về thực hành giáo pháp. Nếu Tiểu thừa quan tâm đến sự giác ngộ của chính mình thì đại biểu của Ðại thừa mong muốn được giải thoát để cứu độ chúng sinh. Hình tượng tiêu biểu của Ðại thừa là Bồ-Tát (Bodhisattva) mà đặc tính vượt trội là lòng Bi (Lòng thương yêu, đau xót, thông cảm cùng với chúng sinh).

Ngược lại với quan điểm nguyên thủy, Ðại thừa không quá nhấn mạnh đến đời sống xuất gia, cho rằng cư sĩ tại gia cũng có thể đạt Niết Bàn (Đây là một khái niệm nằm ngoài ngôn ngữ và lýluận. Có thể hiểu giống như lửa phát sinh từ hư không và trở về với hư không, thì Niết-bàn là một tình trạng của tâm thức trở về với một cõi xứ không chịu sự sinh diệt, là dạng tồn tại của tâm thức không có mọi sự khổ đau của vòng sanh tử luân hồi) với sự tế độ của chư Phật và chư Bồ Tát. Trong quan điểm Ðại thừa, Niết-bàn không phải chỉ là giải thoát khỏi Luân hồi – mà hơn thế nữa, hành giả giác ngộ về Chân tâm và an trụ trong đó. Mỗi chúng sinh đều mang Phật tính và nhận ra điều đó là điều tuyệt đối quan trọng.

Giáo lí căn bản của Ðại thừa được chứa đựng trong những bộ Kinh (Sutra) và Luận (Sastra) với nhiều luận văn hết sức sâu sắc. Hành giả tu theo pháp môn niệm Phật là hành giả Đại thừa.

Trong Đại thừa lòng Từ (Từ được xem là lòng thương yêu chúng sinh nhưng không có tính chất luyến ái) và bi được xem là đức hạnh chính yếu, trong lúc Tiểu thừa xem Trí huệ quan trọng hơn trong bước đường giác ngộ. Trong Tịnh độ tông (pháp môn niệm-PHẬT) thì lòng từ bi của Phật A-Di-Đà (Amitabha Buddha) được xem là cao cả nhất.

Hòa thượng Thích Thiền Tâm

Suy Ngẫm Về Sự Thật Cuộc Đời

Suy Ngẫm Về Sự Thật Cuộc ĐờiCó lẽ ai trong mỗi chúng ta có mặt trên cõi Ta Bà này đều không thoát khỏi luân hồi sinh tử, bánh xe ấy luôn chuyển xoay trong lục đạo qua từng thế kỷ không ngừng nghỉ. Đau khổ tột cùng khi người thân yêu bên cạnh ta tự nhiên ra đi mãi không về, ái tình đang cháy bỏng chợt gãy đổ, địa vị danh vọng bỗng chốc tiêu tan… Ấy vậy mà đã có không ít người nhận ra được sự thật phũ phàng đó, họ vẫn mải miết lê bước chạy theo vòng xoáy cuộc đời tìm kiếm danh lợi, để rồi khi quay đầu nhìn lại tất cả mọi việc đã quá muộn màng.

Hôm nay ngày 14/3 năm Canh Dần, sau khóa lễ sám hối buổi sáng đã xong, từ sân thượng nhìn ra phía bầu trời trước mặt chỉ toàn là một màu đen. Lúc này trời chưa sáng hẳn, ngồi một mình tôi bắt đầu suy nghĩ về cuộc sống của mình trong suốt những tháng năm qua, nghĩ về những người giàu có cho đến những kẻ bần cùng trong xã hội, và cả những người đang sống một cuộc đời phạm hạnh.… Tất cả như những thước phim lần lượt hiện về trong suy nghĩ của tôi.

Cuộc đời lặng lẽ trôi, nó luôn là một dòng chảy vô tận, từ thế hệ này qua thế hệ khác không ngừng nghỉ. Mới ngày nào đó, tôi vẫn là một đứa trẻ vô tư được Mẹ chở đến trường bằng chiếc xe đạp cũ, vậy mà giờ đây tôi cũng giống như Mẹ ngày xưa, cũng chở con đến trường mỗi ngày như Mẹ. Ký ức tuổi thơ vẫn còn nguyên vẹn chưa hề phai nhạt trong tôi, thế mà thời gian trôi đi thật là nhanh quá!

Còn nhớ cái ngày cả thế giới xôn xao “Ngày tận thế năm 2000, sự cố Y2K…”, vậy mà đã 10 năm rồi còn gì. 10 năm đã qua mà con người vẫn chưa tìm được đâu là đích cuối cùng để đến, họ vẫn chạy, và tôi cũng vẫn chạy… Càng nghĩ càng xót xa cho cuộc đời dâu bể, sống trọn kiếp người mấy ai thoát khỏi sự cám dỗ của lợi danh? Mấy ai quán được cuộc đời là vô thực? Mấy ai biết quay đầu tìm về đến cội gốc Tâm sẵn có trong mình? Cuộc sống trong “ngôi nhà lửa” thế gian thật là chật chội và ngột ngạt, nó đầy ắp sự toan tính thiệt hơn. Tại sao chúng ta không tự nghĩ rằng “ Những cái có được ngày nay không bao giờ là vĩnh cửu, những thứ ta nắm giữ trong tay không phải là của ta, nó chỉ là ảo ảnh của cuộc đời do ta đem lại, để đến một lúc nào đó ta cũng phải bỏ lại tất cả mà thôi”.

Giấc mơ rồi cũng sẽ kết thúc khi cuộc sống này chấm dứt, giàu sang tột đỉnh thì cuối cùng cũng tay trắng ra đi, sẽ chẳng được gì khi ta không còn nữa, có còn lại chăng chỉ là cái nghiệp ta mang theo. Biết được vậy sao ta ta không ươm mầm cái Tâm thật tốt cho hạt giống Bồ Đề ngày một nảy nở? Mỗi ngày xung quanh ta có biết bao nhiêu chuyện trái ngang diễn ra. Giàu có danh vọng chưa hẳn là hạnh phúc, bởi vì đằng sau lưng nó ẩn lấp một sự nơm nớp lo sợ, có người vì mải lo kiếm thật nhiều tiền, tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội mà quên đi cái hạnh phúc gia đình đang dần hủy hoại. Con không được sự chăm sóc của Cha Mẹ, nó chỉ biết tung phí thừa hưởng mọi sự giàu sang mà Cha Mẹ để lại, nó chỉ biết tiêu tiền mà không biết giá trị của đồng tiền… và để rồi khi nhìn lại con mình thì chúng ta không còn cách cứu vãn. Xã hội ngày một phát triển kéo theo sau nó cũng không ít những tiêu cực, trẻ em lạm dụng quá nhiều với những trò chơi vô bổ mà quên đi việc học tập, thanh niên thì lao vào tập tành hút sách, vũ trường… Đó là nói đến những người thuộc tầng lớp thượng lưu. Còn những người lao động chân tay bần cùng trong xã hội họ cũng gặp không ít những trái ngang, cuộc sống đã lam lũ vất vả đôi khi họ còn bị ngược đãi bởi bạo lực gia đình, bởi sự hiểu biết nông cạn của những người chồng… Những thiên tai hỏa hoạn đã cướp đi cả ngàn sinh mạng, những tai nạn bất ngờ liên tiếp sảy ra…. Tất cả như một bản án không báo trước.

Một sự thật đã trở thành quy luật của cuộc đời đó là “Sinh, lão, bệnh, tử”. Ở đời có sanh ắt có diệt, mang thân làm kiếp con người ai cũng phải trải qua cái quy luật nghiệt ngã đấy. Càng nghĩ càng cảm thấy ngao ngán, tôi cũng thế, bạn cũng thế, ai ai cũng thế. Sống trong “ngôi nhà lửa” chật chội và ngột ngạt của trần gian, đã có nhiều lúc tôi muốn tự mình thoát ra, nhưng càng cố vẫy vùng thì nó càng như xiết chặt bởi sợi dây vô hình của cuộc đời đã trói cột chân tôi.

Từ khi biết đến Phật Pháp, tôi như người được thoát khỏi giữa bãi bùn lầy đang dần lún xuống, mặc dù thân sống trong ngôi nhà rực lửa của thế gian nhưng tâm tôi đã được hạt mưa cam lồ Phật Pháp gột rửa đi những bụi trần đã từ lâu bám chặt, tôi cảm thấy tâm mình nhẹ nhàng an lạc. Vì lợi ích Phật pháp mang lại, tôi đã biết cảm nhận được sự thật xót xa trước sự tương tàn cảnh vật ngày ngày tiếp diễn. Sự sống ngày càng bị bóp nghẹt trước cảnh kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu, chúng sinh lớn giết hại chúng sinh bé để phục vụ cho những bữa ăn, những cuộc vui chốn xa hoa. Một con Bò đang nằm nhai cỏ chậm rãi, cái đuôi phe phẩy đuổi những chú muỗi đang đậu trên lưng, bỗng đâu nó bị dắt đến một nơi… Thật khủng khiếp khi người ta lấy điện dí vào người nó, lấy búa tạ đập vào đầu nó, tiếng kêu của nó nghe thật đau đớn biết bao. Hằng đêm tại những lò mổ Heo, Gà đều diễn ra cảnh tượng đầy máu và kinh hãi, nguồn gốc của binh đao khói lửa là đây !

“Miếng ăn thịt đổ máu rơi
Giết bao sinh mạng ngập trời oán than
Thân người muốn được bình an
Xin đừng giết hại muôn ngàn sinh linh”

Và còn đây nữa:

“Xưa nay trong một bát canh
Oán thương dâu bể chất thành non cao
Muốn biết nguồn gốc binh đao
Lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thanh”

Sống trong cuộc đời con người sợ nhất là cái chết, nhắc đến cái chết mấy ai không sợ? Vậy tại sao chúng ta không nghĩ loài vật cũng vậy, nó cũng tham sống sợ chết như ta, nó chỉ khác ta ở dáng hình còn bản tính thì chúng sinh như một. Vậy mà chúng ta lại nỡ gây đau thương cho nó? Có lẽ khi viết ra điều này những người chưa biết đạo sẽ lên án và chửi tôi, có thể họ cho tôi là con người lập dị và mê tín, nhưng sự thật vẫn mãi là sự thật. Ở thế gian, sự thật này được gọi là “Quy luật sinh tồn”. Ôi! Một quy luật nghe mà thảm khốc !

Tôi, Bạn, tất cả mọi người rồi sẽ có ngày trở về với cái thân tứ đại “Đất, nước, gió, lửa”, nhưng không vì thế mà chúng ta buông thả mặc cho cuộc đời đưa đẩy. Ta sẽ còn được gì và mất đi cái gì? Chúng ta hãy tự soi lại mình sẽ thấy rõ hơn ai hết. Bản chất vô thường sinh diệt là điều tất yếu không ai tránh khỏi, chết chỉ là xác thên tiêu hủy, cái còn lại là Nghiệp sẽ đi theo chúng ta từ kiếp này sang kiếp khác. Nếu Bạn và Tôi cùng mọi người trên thế gian này gieo trồng duyên tốt thì chắc chắn không những ở kiếp này ta sẽ được an vui mà quả tốt ta trồng sẽ được gieo tiếp cho kiếp sau. Ngược lại nếu ta gieo trồng chủng tử xấu thì quả báu ta gánh là điều không thể tránh khỏi.

Vài dòng chia sẻ về “Sự thật cuộc đời” theo quan điểm cá nhân của riêng tôi, tôi không có ý lên án cuộc đời bởi những mặt tiêu cực mà tôi đã nhắc đến. Tuy nhiên đây cũng là một phần rất lớn và là nỗi đau nhức nhối trong xã hội mà không ít người đang phải gánh chịu. Tôi chỉ muốn thành tâm nói với Bạn rằng “Xin Bạn hãy cùng tôi nhìn nhận rõ bản chất vô thường của cuộc sống để cùng nhau hướng tới những điều tốt đẹp hơn góp phần làm cuộc sống thêm yêu thương được trải rộng và an lạc được bao trùm cả thế gian”.

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Phật tử : Liên Hương
Theo chuahoangphap.com.vn