Dùng Chân Tâm Để  Niệm Phật Sẽ Tương Ứng Với PhậtNên dùng tâm thế nào để niệm Phật? Phật hy vọng chúng ta dùng chân tâm làm người, không thể dùng vọng tâm. Vọng tâm là tâm sanh diệt, là tâm luân hồi, dùng vọng tâm nhất định không thể siêu việt luân hồi. Vì vậy niệm Phật phải dùng chân tâm niệm, nhất chân nhất thiết chân, dùng chân tâm niệm Phật, dùng chân tâm để sống, dùng chân tâm đối người tiếp vật.

Dùng tâm khác nhau, kết quả có gì khác biệt? Nếu như khởi tâm động niệm đều là tổn người lợi mình, tự tư tự lợi ― đây đều là nhân của lục đạo luân hồi tam ác đạo, kiếp sau chắc chắn sanh ba đường ác; nếu như lúc nào cũng nghĩ làm sao lợi cho người, làm sao giúp đỡ người khác, làm sao thành tựu người khác, đây là tâm thiện, dùng tâm thiện sanh ba đường thiện. Nếu như đoạn ác tu thiện, mà không đem đoạn ác tu thiện để ở trong tâm, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, trong miệng cũng chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật” này, không có tạp ngôn, không có tạp niệm, dùng tâm A Di Đà Phật để xử sự đối người tiếp vật, không có đạo lý nào không sanh đến Thế giới Cực Lạc!

Đa số người niệm Phật là có miệng không có tâm, cho nên không tương ưng với Phật, câu Phật hiệu này không thể đắc lực. Niệm Phật luôn luôn phải tâm miệng tương ưng. Phải dùng chân tâm, dùng thành ý, Đại sư Ấn Quang nói với chúng ta “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”, chân thành đến cực độ thì sẽ cảm ứng đạo giao với Phật.

Hòa thượng Lão Đức là dùng chân tâm, người khác gạt Ngài, trêu chọc Ngài, bắt nạt Ngài, những người đó là dùng vọng tâm, nhưng Hòa thượng Lão Đức hoàn toàn dùng chân tâm. Người khác chà đạp Ngài, sỉ nhục Ngài, Ngài đều tiếp nhận. Ngài thấy Phật thì lạy, người khác chỉ vào phân trâu nói: “Bên trong này có Phật.” “Có Phật tôi lạy Phật”, Ngài dập đầu xuống lạy phân trâu. Tâm của Ngài thật sự có Phật. Đa số người đều xem Ngài là người ngốc, Ngài thật sự không ngốc chút nào. Ngài hoàn toàn dùng chân tâm, cho nên Ngài được lợi ích thật sự.

Niệm Phật kiêng kỵ nhất chính là dùng tâm tán loạn niệm. Vọng niệm trong tâm quá nhiều, tạp niệm quá nhiều thì tâm lực sẽ không tập trung. Tâm tán loạn niệm Phật không có công đức, chỉ là trồng hạt giống trong a lại gia thức, trong đời này không thể thọ dụng. Đại sư Ấn Quang từ bi nói cho chúng ta biết dùng phương pháp mười niệm, từ câu thứ nhất đến câu thứ mười, niệm thật rõ ràng, nhớ thật rõ ràng, nghe thật rõ ràng, phương pháp này có thể nhiếp tâm, không để tạp niệm xen vào.

Tại sao lại có tạp niệm? Bởi vì không buông xả, rất nhiều việc để lo lắng không yên. Thật sự buông xả thì tạp niệm không còn nữa; thật sự buông xả thì niệm Phật thấy Phật.

Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác đều là chân tâm. Buông xả chấp trước thì được tâm thanh tịnh. Với thế gian, xuất thế gian tất cả pháp không còn chấp trước nữa, có thể tùy duyên, được tâm thanh tịnh là cảnh giới của A La Hán. Lại buông xả phân biệt, được tâm bình đẳng là cảnh giới Bồ Tát. Cuối cùng là khởi tâm động niệm đều buông xả, chính là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh thì thành Phật rồi.

Vì sao phàm phu không thể buông xả? Bởi vì không hiểu rõ chân tướng sự thật, cái gì cũng xem là thật, không biết được hiện tượng trong vũ trụ là giả, là vô thường, chúng ta có thể mất nó bất cứ lúc nào. Mạng người vô thường, ai có thể nắm chắc đảm bảo năm sau chúng ta còn sống? Không thể đảm bảo, một hơi thở không còn thì qua đời này rồi. Vì vậy Đại sư Ấn Quang dạy chúng ta đem chữ “Tử” dán lên trên trán, chính là nói với những người không thể buông xả. Thật sự phải có cảnh ngộ cao như vậy, hằng ngày dùng chữ này để nhắc nhở bản thân, người niệm Phật này nhất định vãng sanh.

Làm sao tu tâm thanh tịnh? Niệm Phật. Trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, ngoại trừ A Di Đà Phật không để bất cứ thứ gì trong tâm, thì tâm thanh tịnh rồi. Chúng ta mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, khi sáu căn (nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý) tiếp xúc cảnh giới sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), đem tất cả ngoại cảnh để vào trong tâm thì phiền phức rồi, tâm của chúng ta động rồi, tâm bị ô nhiễm rồi. Tâm động thì không bình đẳng, tâm ô nhiễm thì không thanh tịnh, như vậy không thể giác ngộ, chỉ bị mê hoặc.

Không phải Phật kêu chúng ta không nhìn, không nghe. Không phải vậy, là muốn chúng ta nhìn thấy, nghe thấy nhưng không để ở trong tâm, luôn luôn gìn giữ thanh tịnh, bình đẳng, giác, khôi phục tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác của chúng ta. Thanh tịnh bình đẳng giác chính là chân tâm, chính là tâm Phật, cái tâm này chính là Phật. Làm như vậy, chính là “thị tâm thị Phật”.

Phật và chúng ta không có khoảng cách, không có trước sau; cũng chính là nói, Phật và chúng ta không có cách biệt về không gian và thời gian ― sự thật là như vậy. Nhưng vì sao chúng ta không thể thấy Phật? Có chướng ngại, về phía Phật không có chướng ngại, là chính chúng ta có chướng ngại. Nếu như chúng ta thật tin, thật nguyện, đối với vọng tưởng, tạp niệm của thế gian này thật sự đoạn rồi, chúng ta muốn thấy Phật ngài liền hiện tướng, thì chúng ta có thể thấy được.

Đại sư Ngẫu Ích nói với chúng ta, có thể vãng sanh hay không, nhất định nằm trong tâm tín nguyện, có tín có nguyện thì nhất định vãng sanh; phẩm vị cao hay thấp, là ở công phu niệm Phật sâu hay cạn. Công phu sâu khi vãng sanh được thượng bối thượng sanh; buông xả một ít, cái công phu đó cạn, hạ hạ phẩm vãng sanh.

Chúng ta phải hiểu rõ sự, lý này, hiểu rõ ràng rồi, thì có thể chọn lựa con đường đời này chúng ta muốn đi. Lão Hòa thượng Hải Hiền làm cho chúng ta thấy rồi, bất kỳ người nào, cho dù già trẻ lớn bé, thông minh đần độn khác nhau, bất kể là căn tánh như thế nào, một câu “A Di Đà Phật” có thể viên thành Phật đạo. Vì vậy, thật sự tin tưởng có Thế giới Cực Lạc, thật sự tin rằng có A Di Đà Phật, phát nguyện cầu sanh Tịnh độ, lâm mạng chung thời, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn chúng ta đến Thế giới Cực Lạc, ở Thế giới Cực Lạc một đời thành Phật.

Trích Cuộc Đời Hòa Thượng Hải Hiền
Chuyển ngữ: Diệu Âm Diệu Hiệp