Cụ Bà 94 Tuổi Vãng Sanh Lưu Xá Lợi Đẹp

Cụ Bà 94 Tuổi Vãng Sanh Lưu Xá Lợi ĐẹpCụ bà Triệu Vinh Phương bắt đầu tu niệm Phật vào năm 90 tuổi, đến năm 94 tuổi Bà được vãng sanh lưu lại nhiều Xá-Lợi.

Sách này viết xong, sửa soạn đưa cho nhà in chúng tôi lại nhận được một cái dĩa VCD do Cư Sĩ Thiện-Hỷ tại Texas gởi tặng. Thiện-Hỷ là tác giả của nhiều sách, trong đó có cuốn “Sau lễ Trà-Tỳ, một Nữ Phật tử lưu lại nhiều Xá-Lợi.” Ðó chính là bà Diệu-Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết.

Ðể chúng tôi có thêm tài liệu qúy báu, Cư Sĩ Thiện-Hỷ gởi giúp cái dĩa được thâu hình ảnh chuyện của một bà lão người Trung-Hoa ở Lục Ðịa tên Triệu-Vĩnh-Phương.

Bà cụ được báo trước sẽ vãng sanh, nên gia đình Bà cụ đã tổ chức việc trợ niệm thật hoàn hảo. Nhìn ảnh này, chúng tôi nhớ tới việc trợ niệm cho em chúng tôi là ký giả Phạm-Trọng-Viễn chủ nhiệm Tuần-Báo Chí-Linh. Chúng tôi cũng trợ niệm theo băng “chip” niệm 4 chữ A-Di-Ðà Phật. Trong dĩa VCD, người nhà của cụ Triệu-Vĩnh-Phương đôi lúc cũng kề tai nhắc Cụ niệm Phật. Nhưng đầy đủ hơn, thân nhân của Cụ Triệu-Vĩnh-Phương có cầm một bức ảnh tượng Phật A-Di-Ðà màu vàng sáng chói.

Cụ Triệu-Vĩnh-Phương ra đi thật an nhiên như người nằm ngủ và theo thế nằm của Phật Thích-Ca-Mâu-Ni lúc nhập Niết-Bàn. Cụ được đắp bằng 1 cái mền Tỳ-Lô-Quán-Ðảnh bằng lụa màu vàng.

Mấy ngày sau, nhục thân của Cụ Triệu-Vĩnh-Phương được đặt vào một cái nồi đồng lớn và được thiêu theo phương cách xưa cũ của nhà quê Trung-Hoa, tại giữa khoảnh đất rộng. Mọi người bu xung quanh chứng kiến tận mắt cuộc hỏa táng.

Sau đó thân nhân tìm ra thật nhiều Xá-Lợi. Ðặc biệt có một Xá-Lợi Xương, giống hệt hình Bồ-Tát Quán-Thế-Âm được đặt trên hai Xá-Lợi hình Hoa Sen nở. Nhận thấy phim này (giới thiệu bằng tiếng Tàu) rất hữu ích cho Phật tử Việt-Nam cho nên chúng tôi đề nghị với cô Tâm-Từ sang lại và thâu phần tiếng Việt vào để ai cần, thỉnh về nhà xem hầu biết cách trợ niệm cho người sắp lâm chung.

Trích Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá Lợi của cư Sĩ Tịnh Hải.

Cụ Triệu Vinh PHương vãng sanh lưu xá lợi hình bồ tát Quán Thế Âm

Cụ Triệu Vinh Phương đã 2 lần thấy Phật, khi vãng sanh lưu lại xá lợi hình Bồ-Tát Quán-Thế-Âm.

 

Vãng Sanh Lưu Xá Lợi Hộp Sọ Đầu Và Vô Số Xá Lợi

Vãng Sanh Lưu Xá Lợi Hộp Sọ Đầu Và Vô Số Xá LợiThượng tọa Thích Phước Minh thường nhập thất, khi vãng sanh lưu trọn hộp sọ đầu và trên 200 viên Xá Lợi được môn đồ chia nhau phụng thờ.

Thượng Tọa Thích Phước Minh, thế danh là Trần Ngọc Tỷ, sinh năm 1915 tại Làng Mỹ Thạnh Trung, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 17 tuổi, Thượng Tọa đến chùa Rạch Rừng thuộc xã Hòa Bình, quận Tam Bình xin quy y Tam Bảo với Hòa Thượng Thích An Sơn (thường gọi là Sư ông núi Tượng). Cũng trong năm này, Thượng Tọa phát tâm xuất gia nhưng cha mẹ không cho đi, vì trong gia đình chỉ duy nhất Thượng Tọa là con trai nên ông bà cụ muốn Thầy lập gia đình để nối dõi Tông đường và tiếp nối giữ gìn gia nghiệp của cha mẹ để lại, phụng thờ tổ tiên. Vì thế Thầy phải vâng lời, không dám cãi lại cha mẹ. Hơn 10 năm sau, Thượng Tọa và gia đình dời về Cần Thơ.

Ý chí xuất gia cầu đạo giải thoát vẫn không quên, nên vào năm 59 tuổi (1973), Thượng Tọa đến chùa Phước Châu (thị xã Vĩnh Long) cầu Hòa Thượng Hoàn Phú thế phát xuất gia được Bổn Sư cho pháp danh Phước Minh và thọ giới Sa Di trong năm này. Năm sau (1974) trở về chùa Phước Hậu (Trà Ôn) tu học với Thầy Bổn Sư và giữ chức vụ Thư ký chùa.

Đến năm 1975, được Hòa Thượng Bổn sư cho đăng đàn thọ Tỳ Kheo Bồ Tát giới tại Tổ Đình Ấn Quang (Sàigòn). Năm 1976, Thượng Tọa lên chùa Huệ Nghiêm (An Dưỡng Địa) tại Sàigòn đảnh lễ cầu pháp với Hòa Thượng Thích Bửu Huệ tu tập theo pháp môn Tịnh Độ, chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương.

Thầy rất siêng năng công quả và tinh tấn tu hành, chân thật cầu giải thoát nên Hòa Thượng Bổn Sư cử làm Phó Trụ trì Tổ đình Phước Hậu và cho Pháp hiệu là Hoàn Tịnh. Phía ngoài vườn chùa có lập một ngôi tịnh thất, Thượng Tọa thường nhập thất niệm Phật, khi thì 7 ngày, 21 ngày, lúc thì 49 ngày hoặc 3 tháng.

Thượng tọa Thích Phước Minh thường nhập thất, khi vãng sanh lưu trọn hộp sọ đầu và trên 200 viên Xá Lợi được môn đồ chia nhau phụng thờ.

Đầu năm 2003 (Quý Mùi) Thượng Tọa thường hay đau yếu, đệ tử là Sư cô Trí Thanh (trụ trì chùa Phước Hưng) thường đưa Thượng Tọa qua Cần Thơ để khám bệnh điều trị. Khoảng tháng 08 Â..L, Thượng Tọa bệnh và nói với Sư cô Trí Thiện: “May đồ cho Thầy kỳ này thôi. Sau khỏi may nữa!”.

Đến khuya ngày 20 tháng 10 Â.L trở bệnh. Sáng 21/10 chuyển lên bệnh viện Đa Khoa Cần Thơ cấp cứu vì Thầy bị hôn mê. Đến trưa ngày 22/10, xin xuất viện đưa về Tổ đình Phước Hậu.

Ở trên xe chư Tăng Ni và Phật tử niệm Phật trợ niệm cho Thượng Tọa và đôi lúc thấy Thượng Tọa khẽ mỉm cười. Khi về đến chùa Phước Hậu vẫn tiếp tục trợ niệm cầu nguyện, lúc ấy Thượng Tọa bỗng nhiên niệm ra tiếng “Nam Mô A Di Đà Phật”. Chỉ một câu rồi im lặng niệm thầm. Lúc còn khỏe, Thượng Tọa thường dạy “Phải niệm cho thật rành rẽ, rõ ràng từ chữ từng câu”.

Đại chúng vẫn trợ niệm cho đến trưa ngày 24 tháng 10 âm lịch năm Quý Mùi, vào 11 giờ 5 phút (tức đầu giờ ngọ) nhằm ngày 17/11/2003, Thượng Tọa an tường vãng sanh trong tiếng niệm hồng danh Phật A Di Đà của đại chúng. Hưởng thọ 89 tuổi đời, hạ lạp 28 tuổi đạo.

Tang lễ của Thượng Tọa được cử hành trong 2 ngày 24 và 25 tháng 10 âl, đến 7 giờ sáng ngày 26 là lễ di quan đưa kim quan của cố Thượng Tọa đến Lò hỏa táng chùa Phật Học, Cái Răng, thành phố Cần Thơ để hỏa thiêu.

7 giờ sáng ngày 27/10 Â.L, môn đồ pháp quyến thu nhặt linh cốt, tro xương để phụng thờ. Thượng Tọa đã lưu lại một hộp xương sọ đầu và trên 200 viên xá lợi.

Đến tuần 49 ngày, toàn bộ linh cốt và hộp sọ đầu được an vị nhập vào bảo tháp tại chùa Phước Hậu vào ngày 13 tháng Chạp âm lịch, Quý Mùi. Riêng phần Xá lợi, môn đồ pháp quyến gìn giữ phụng thờ.

Sống chết, thạnh suy lý vẫn thường,
Tuổi cao, gần Phật bận chi thương.

Người Bạn Sen

Thích Đức An kính thuật

Trích Những Chuyện Niệm Phật Thấy Phật Vãng Sanh
Cư sĩ Tịnh Hải

Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam Vãng Sanh Lưu Lại Cả Ngàn Viên Xá Lợi

Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam Vãng Sanh Lưu Lại Cả Ngàn Viên Xá LợiNgười tu theo pháp môn niệm Phật mà không biết gì về Ngài Lý Bỉnh Nam cũng là một điều đáng tiếc. Ngày nay, đa số Phật tử Việt Nam ở nước ngoài biết được và theo học với một nhà sư Tàu – Hòa Thượng Thích Tịnh Không. Ngài là người đang hoằng dương pháp môn giải thoát mà Đức Phật Thích Ca đã dạy riêng cho chúng sanh thời mạt pháp này.

Chúng tôi dùng chữ nhà sư Tàu, chẳng phải là chúng tôi phân biệt Tàu hay Việt, nhưng để mọi người thấy, Phật tử Việt Nam không phân biệt Tàu hay Việt. Cũng như chúng ta tu theo Phật, là tu theo ông Phật là người Nepal. Chúng tôi viết điều này ra ở đây để chứng minh Phật tử Việt Nam không phân biệt chấp trước. Tàu, Ấn Độ hay Nepal cũng được, bất cứ ai thấu suốt pháp môn giúp chúng sanh thoát khỏi lục đạo luân hồi thì chúng ta tu theo học. Có dịp chúng tôi sẽ trình bày chỗ chấp của một số người Việt Nam, mà nhiều năm qua làm hại Phật tử Việt Nam rất nhiều.

Tài liệu chúng tôi viết về cư sĩ Lý Bỉnh Nam là do cư sĩ Trần Văn Tường ở Úc lấy từ mạng điện toán của chùa Quảng Đức ở Úc gởi tặng chúng tôi.

Lý Bỉnh Nam là một cư sĩ thôi. Nhưng là một cư sĩ vĩ đại đã đào tạo cho chúng sanh thời mạt pháp này một vị Pháp sư lỗi lạc, một Hòa Thượng được người Việt Hoa khắp thế giới ngưỡng mộ. Khi viết về Ngài Lý Bỉnh Nam, có người vẫn chấp, sợ giới thiệu Ngài là một cư sĩ thì làm nhẹ thể vị Hòa Thượng khả kính. Tại vị ấy chấp, chứ Hòa Thượng Tịnh Không vẫn hãnh diện nói, Thầy tôi là một cư sĩ, và khi tôi được ông chấp thuận cho làm học trò, ông buộc tôi phải bỏ tất cả những gì tôi đã học được với hai vị Thầy cũng danh tiếng, đó là Giáo sư Đông Phương Mỹ và Chương Gia Đại Sư, một đại Lạt Ma.

Người tu phải nhìn thấu và biết buông xuống. Nếu được như vậy là thấu được điều Phật dạy “Nhứt thiết pháp không! Nhứt thiết pháp tùy tâm tưởng!”.

Những điều chúng tôi viết, chúng tôi thường nói thẳng điều mình biết mà không nuôi tâm chê trách ai. Nói để mong Phật giáo Việt Nam ngày mai sẽ vượt lên và mọi người đều buông hết, không chấp trước để cùng lo cho chúng sanh. Cái ta hãy bỏ đi, cái chủng tộc cũng buông đi, để hướng chúng sanh đi đến một đại đồng và siêu thoát.

Đây, bài viết về Đại Cư sĩ Lý Bỉnh Nam của chùa Quảng Đức – Úc Châu

Cư sĩ Lý Bỉnh Nam thời Dân Quốc, hiệu Tuyết Lư hay Tuyết Tăng; người thành phố Tế Nam tỉnh Sơn Đông. Tự bé, ông đã đỉnh ngộ, hiếu học. Ông chuyên học về pháp luật, chính trị và học cả Trung y, nghiên cứu Phật học: Giáo, Thiền, Tịnh, Mật, ông đều thường tu trì. Ông từng giữ chức giám ngục của huyện Lữ, nhưng nhân từ tột bực, chung thân ăn chay.

Ông quy y với vị Tổ thứ mười ba của Tịnh tông là Ấn Quang Đại sư, được ban hiệu là Đức Minh. Ông gắng sức tự hành, dạy người chuyên tu Tịnh nghiệp. Sau ông đáp lời mời, làm bí thư cho vị chủ nhiệm quản trị nhà thờ phụng Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư (Khổng Tử).

Ông theo chủ nhiệm Khổng Thượng Công (Khổng Đức Thành) thiên di theo chính phủ về Trùng Khánh, sống ở biệt thự Ỷ Lan thuộc núi Ca Nhạc. Mỗi sáng sớm, ông lên chùa Vân Đảnh để lễ tụng, niệm Phật. Ít lâu sau, ông lãnh trách nhiệm giảng dạy cho Phật Học Giảng Diễn Hội của chùa mấy năm, người tin theo rất đông. Năm Dân Quốc 45 (1946), theo Khổng Thượng Công trở về Nam Kinh, ông thường giảng Kinh tại chùa Phổ Tế và Chánh Nhân Liên Xã.

Tháng Hai năm Dân Quốc 38 (1949), vào lúc sáu mươi tuổi, ông theo Khổng Thượng Công qua Đài Loan, ngụ tại Thành phố Đài Trung. Vừa mới sắp xếp công vụ xong, ông đã tìm được chùa Pháp Hoa để làm cơ sở hoằng pháp và lập phòng chẩn mạch Trung Y, lập Bồ Đề Y Viện và Thí Y Hội v.v… để chữa trị, hốt thuốc miễn phí. Ông khởi xướng những sự nghiệp hoằng hóa, từ thiện để tiếp dẫn quần cơ đồng tu Tịnh Nghiệp.

Ông thường nhóm chúng niệm Phật; cử phái viên hoằng pháp đến thăm các nhà giam và những gia đình liên hữu. Do đó, pháp duyên ngày càng rộng rãi; tòa giảng kinh của ông mở rộng đến các chùa Linh Sơn, Bảo Giác, Bảo Thiện v.v… Ông còn khuếch trương những cơ sở truyền giáo khắp cả Tam Đài (Đài Bắc, Đài Trung và Đài Nam), chuyên hoằng dương Tịnh Độ phổ độ chúng sanh.

Mỗi năm, cử hành Phật Thất nhiều lần; lần nào ông cũng đích thân chủ trì, ân cần, thiết tha huấn thị. Ông thường soạn các tài liệu Phật học hàm thụ và vấn đáp, soạn các chương trình phát thanh miễn phí gởi tặng các đài phát thanh.

Về trước tác có: A Di Đà Kinh Trích Chú Tiếp Mông Kỵ Nghĩa Uẩn (lược chú Kinh Di Đà để những người kém hiểu biết lãnh hội được ý nghĩa sâu xa), Đại Chuyên Học Sinh Phật Học Giảng Tòa (tài liệu giảng dạy Phật học cho sinh viên chuyên ngành Phật học) gồm sáu quyển: Phật Học Vấn Đáp Loại Biên, Hoằng Hộ Tiểu Phẩm Vựng Tồn, v.v… hóa độ nhân gian.

Nhân đó, ở các nơi gần hay xa, mọi người đều được bình đẳng hưởng thụ pháp ích. Sau ông nghỉ việc để tăng thời gian hoằng pháp; luôn luôn khuyên người khác tin sâu nhân quả, già dặn, chắc thật niệm Phật.

Trong Pháp môn Niệm Phật có hai công phu để hành trì:

1- Tu Phật Thất, dành cho người căn cơ bình thường.
2- Ban Châu Tam Muội, dành cho người siêu việt xuất chúng, có sức khỏe dẻo dai.

Hành giả thực hành Ban Châu Tam Muội phải đứng hay đi kinh hành trong thời gian 90 ngày không hề nằm, thường xuyên đắp y hoặc mặc áo tràng. Theo lời kể lại, cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã hai lần đạt được Ban Châu Tam Muội. Ngài đã được định rất sâu. Như vậy, có thể Ngài Lý Bỉnh Nam đã đạt được Lý Nhứt Tâm Bất Loạn hoặc Sự Nhất Tâm Bất Loạn.

Ngày mười hai tháng Tư năm Dân Quốc 75 (1986), ông bảo đệ tử hầu cận:

– Ta sắp đi đây!

Đến sáng hôm sau, ông niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, dặn dò đệ tử rồi nằm yên lành mà tịch. Thọ chín mươi bảy tuổi. Sau khi trà tỳ, thu được hơn cả ngàn viên xá lợi ngũ sắc.

(theo Lý Công Tuyết Hư Lão Cư Sĩ Lược Sự)

Hòa Thượng Tịnh Không nói về Đại Cư sĩ Lý Bỉnh Nam:

Như chư liên hữu thấy, sau khi vãng sanh, cư sĩ Lý Bỉnh Nam lưu lại hơn cả ngàn viên Xá Lợi ngũ sắc. Đó là kết quả của người thật sự có công phu tu tập trong nhiều năm niệm Phật.

Rải rác trong các băng giảng, Hòa Thượng Tịnh Không thường nhắc đến vị Thầy vĩ đại của mình. Chúng tôi chẳng nhớ trong băng giảng nào đã ghi ra tài liệu dưới đây:

Theo Hòa Thượng Tịnh Không, tướng của Lý Bỉnh Nam không phải là người trường thọ. Vì cái lỗ tai và cái càm ông ngắn không phải là người sống lâu. Nhưng nhờ ông biết làm việc thiện, như chữa bệnh miễn phí cho mọi người, dạy Phật pháp cho mọi người. Sự thu nhập tài chánh của ông rất dồi dào, nhưng ông đem bố thí cho thiên hạ. Ông sống trong một căn nhà nhỏ, không cần người giúp việc hầu hạ. Đến 90 tuổi, ông sống một mình với thân thể khỏe mạnh cường tráng.

Phước báu mà ông có chẳng phải là do đời trước mà có. Sau khi học Phật ông mới tu. Phước báu thọ mạng của ông là nhờ tu trong đời này. Đây là điều mọi người chúng ta cần tìm hiểu học hỏi. Nhiều vị chỉ biết khen người, mà không noi theo gương người để áp dụng cho mình, thì lời khen ấy trở thành rỗng không. Ngài Lý Bỉnh Nam vãng sanh vào lúc 97 tuổi. Điều đáng lưu ý, tuy không ai kêu gọi, thiên hạ mến mộ công đức của Ngài, mỗi ngày có khoảng 600 người đến hộ niệm. Tất cả đều tự động đến, không phải để chia buồn, nói những lời rỗng tuếch, mà đi xung quanh quan tài hộ niệm. Tiếng niệm Phật không ngừng nghỉ trong suốt 49 ngày.

Hòa Thượng Tịnh Không nói : kết quả mà Ngài Lý Bỉnh Nam đã tu trong đời này. Thông minh trí tuệ do Ngài bố thí pháp. Khỏe mạnh trường thọ là bố thí vô úy. Vô úy mà không não hại tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh gặp ta có cảm giác an toàn. Đó là vô úy. Ngài Lý Bỉnh Nam có trên 200 ngàn đệ tử. Thật là vĩ đại!

Theo Những Chuyện Niệm Phật Thấy Phật Vãng Sanh
Cư sĩ Tịnh Hải

Vãng Sanh Chuyển Tướng Xấu Thành Đẹp [Video]

Vãng Sanh Chuyển Tướng Xấu Thành ĐẹpAnh Đào Văn Luyện Pháp danh Diệu Âm 59 tuổi, vãng sinh ngày 13.08.2010 tại Leipzig, Đức quốc. Sau 23 giờ hộ niệm hình tướng của Phật tử thay đổi dần từ xấu (mắt trắng dã trợn ngược, miệng há to như cá thiếu nước) đã biến thành tươi đẹp, hai mắt khép lại, khuôn mặt hồng hào rất hoan hỷ như một người đang nằm ngủ. Sau khi y tá rút kim tiêm ra khỏi cơ thể anh, máu hồng vẫn chảy ra như người đang sống.

 

 

 

8 ngày trước khi anh Luyện vãng sanh, anh căn dặn hậu sự với chị Thúy trước sự chứng kiến của 7 người lúc 21:06 ngày 05.08.2010 tại phòng 348 Sammelweisstr. 14 bệnh viện Uniklinik Leipzig khi mọi người tới thăm.

 

 

Cụ Bà Vãng Sanh Có Mùi Thơm [Video]

Cụ Bà Vãng Sanh Có Mùi ThơmCụ Kiều Thị Hòa, PD Diệu Nhã 78 tuổi, vãng sinh ngày 17.03.2010 tại Tiệp Khắc. Sau 18 giờ hộ niệm, khi thay quần áo cho cụ thì trong nhà xuất hiện mùi thơm ngào ngạt khiến cho đại chúng rất hoan hỉ và tin tưởng.

Các chi tiết về phút ra đi của cụ Hòa trước sự chứng kiến của con cháu và rất nhiều Phật tử từ Praha, Usti nad Labem, Lejpzic, Berline… như sau:

Cụ tỉnh táo cho tới phút cuối cùng. Trước khi mất, trong phòng cụ có ánh sáng nhàn nhạt thoáng qua, như ánh sáng của mặt trăng. Cụ vẫy tay và mỉm cười chào mọi người, khẽ nói “Phật về đón mẹ rồi”.

Khoảng 9h30 sáng con gái cụ kiểm tra lại thấy nóng ấm lên đầu, mọi người đều hoan hô, mừng rỡ và lại niệm Phật tiếp. Sau khi tắt thở, thân thể cụ vẫn mềm, chân tay mềm, mặt cụ đẹp ra, môi đỏ tươi lên- vì vậy không cần phải đánh phấn cho cụ.

Sau 2- 3 giờ nữa, có mùi hương rất đặc biệt mà ở cõi Ta bà không có, có lẽ chỉ cõi trời mới có. Khi con cháu và các bạn đạo chỉnh xong y xong phục cho cụ thì từ cụ tỏa ra mùi hoa bưởi, hương thơm tỏa rất lâu.

AN VY
Hội Phật tử VN tại CH Séc

Bà Cư Sĩ Họ Hàn 2 Lần Thấy Phật Vãng Sanh Nhờ Tích Cực Hộ Pháp Cho Hoà Thượng Tịnh Không

Bà Cư Sĩ Họ Hàn 2 Lần Thấy Phật Vãng Sanh Nhờ Tích Cực Hộ Pháp Cho Hoà Thượng Tịnh KhôngĐây là chuyện niệm Phật thấy Phật vãng sanh đáng được chúng ta lưu tâm, vì người được Phật A Di Đà tiếp dẫn là một cư sĩ đã đóng góp một phần lớn cho cuộc đời tu hành và hoằng pháp của Hòa Thượng Tịnh Không.

Cuộc đời tu hành gian nan và sự hoằng pháp thành công ngày nay của H.T Tịnh Không, ngoài sự tự lực của Ngài, đáng kể nhứt là sự hộ pháp của bà Hàn cư sĩ.

Trong đời tu hành, H.T Tịnh Không gặp được 3 vị Thầy giỏi. Đầu tiên, Hòa Thượng Tịnh Không học với giáo sư Đông Phương Mỹ. Kế đó, học với Chương Gia Đại Sư thuộc Mật Tông. Sau khi Chương Gia Đại Sư viên tịch, Ngài Tịnh Không gặp cư sĩ Lý Bỉnh Nam.

Cư sĩ Lý Bỉnh Nam đưa điều kiện là phải buông bỏ tất cả những gì mà hai vị Thầy trước đã dạy thì ông mới thâu nhận làm đệ tử, và những Kinh sách nào, ông cho đọc mới được đọc.

Cư sĩ Lý Bỉnh Nam là đệ tử chân truyền của Ngài Ấn Quang, Tổ thứ 13 của Tịnh Độ Tông (xin xem bài Vãng sanh Lưu Xá Lợi của cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở phần sau).

Năm 45 tuổi, theo lời tiên đoán của một nhà tướng số, đáng lý Hòa Thượng Tịnh Không đã chết trong cơn bạo bịnh như hai người bạn đồng tu đã chết trước, đúng như lời tiên đoán. Nhưng, nhờ Ngài biết buông bỏ tất cả. Kiên trì và miên mật niệm Phật suốt 1 tháng, H.T. Tịnh Không đã chuyển được nghiệp lực.

Theo chúng tôi, H.T. Tịnh Không đã niệm Phật thành khối và đạt được niệm Phật “Nhất Tâm Bất Loạn”, có thể Ngài đã được sự nhất tâm bất loạn.

Nghe các băng giảng của Hòa Thượng, chúng tôi nghĩ Ngài đã dứt được Kiến hoặc và Tư hoặc. Kiến hoặc có 10 loại: thân kiến, biện kiến, kiến thủ, giới thủ, tà kiến, tham, sân, si, mạn, nghi. Tư hoặc gồm có: tham, sân, si, mạn vi tế.

Lý nhất tâm bất loạn khó hơn, đòi hỏi phải phá một phần Vô minh. Khi nào phá được một phần Vô minh sẽ chứng được một phần Pháp thân. Vô minh tổng cộng có tới 42 phần.

Từ lâu vấn đề niệm Phật “Nhất Tâm Bất Loạn” được đề cập. Nhưng trong Kinh Vô Lượng Thọ, phẩm thứ 24 “Ba Bậc Vãng Sanh” không đòi hỏi Nhất tâm bất loạn, chỉ cần “nhất hướng chuyên niệm”.

Theo chúng tôi khi vượt qua niệm Phật thành khối, H.T Tịnh Không đã chuyển được nghiệp lực, việc sanh tử không còn thành vấn đề, nên Ngài đã không chết. Ngài sẽ tự tại vãng sanh, muốn đi hay ở lại Ta Bà lúc nào tùy Ngài thương lượng với Đức Phật A Di Đà. Điều này chúng tôi nghe qua trong dĩa CD Chuyển Nghiệp Lực Thành Nguyện Lực và dĩa MP3 Vãng Sanh Luận do Hòa Thượng Tịnh Không giảng. Chúng tôi sẽ đi sâu vào vấn đền này trong sách Tu Chứng Quả Vãng Sanh.

Bây giờ trở lại bà Hàn cư sĩ. Cuộc đời tu hành của H.T. Tịnh Không bỗng nhiên liên hệ đến gia đình của Hàn cư sĩ. Năm Hòa Thượng Tịnh Không 51 tuổi, Ngài bắt đầu sự nghiệp Hoằng pháp. Có chút tên tuổi thì tai họa xảy đến. Đạo Tràng mà Hòa Thượng xuất gia, muốn Ngài làm công việc cầu siêu cầu an, lo tiếp độ vong linh. H.T Tịnh Không từ chối. Vì theo Ngài, Kinh Sám hay cầu siêu không thể giúp cho người đã chết và các vong hồn được siêu thoát.

Kết quả, H.T Tịnh Không được mời ra khỏi chùa. Thời kỳ này, H.T Tịnh Không đã có đệ tử. Nhiều người đến các chùa khác để vận động cho Ngài Tịnh Không một chỗ tạm trú. Nhưng tất cả chùa am đều từ chối.

Trước tình thế này, Ngài Tịnh Không tiết lộ trong sách Làm Thế Nào Cứu Vãn Phong Hóa Xã Hội như sau:

1- Tôi phải từ bỏ con đường hoằng pháp lợi sanh theo đuổi Kinh Sám, lo tụng Kinh, sám hối, cầu an, cầu siêu tức là đi tiếp độ linh hồn.

2- Tôi phải hoàn tục, tiếp tục làm việc để mưu sinh.

Trước tình cảnh nguy kịch này, vợ chồng Hàn cư sĩ xuất hiện giúp đỡ cho Ngài Tịnh Không, dù rằng họ cũng không dư giả. Họ có phòng trống mời Ngài Tịnh Không về tạm ở.

Người tu mà rời khỏi Tăng đoàn là điều hết sức khổ sở. Bà Hàn cư sĩ tỏ ra là người hộ pháp đắc lực. Và cả gia đình họ Hàn phải gánh chịu nhiều mũi dùi gièm pha, phỉ báng. Do từ nhiều nơi đặt điều nói xấu và làm áp lực để khiến cho Ngài Tịnh Không không còn chỗ dung thân.

Chẳng những bà Hàn cư sĩ không đầu hàng trước áp lực, mà tích cực lo mướn chỗ cho Ngài Tịnh Không tập giảng Kinh. Trước đây, cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Thầy của Ngài Tịnh Không chỉ dạy cách giảng pháp. Nếu mỗi tuần không có một ngày lên bục giảng pháp thì không thể nào trở thành một pháp sư giỏi.

H.T. Tịnh Không tiết lộ: “Tôi được sự gia trì của gia đình họ Hàn nên cơ hội giảng Kinh của tôi thật mỹ mãn. Mỗi tuần ít nhất có 3 lần lên bục giảng. Có lúc đến 5 lần 6 lần. Tối đa tôi nhớ, đại khái có 2 năm cơ hội lên bục giảng rất nhiều : sáng, chiều và tối. Mỗi tuần có 30 tiếng”.

Trong thời gian này, có lúc bà Hàn cư sĩ không để Ngài Tịnh Không nghe điện thoại. Bà muốn Ngài để hết thời gian và tâm trí vào việc luyện tập giảng pháp.

Bà quyết tâm đóng góp công sức để đào tạo một pháp sư giỏi. Từ năm Ngài Tịnh Không lâm nạn, bị bế tắc nhiều mặt cho đến lúc lập được một đạo tràng nhỏ là 17 năm. Năm đó Hòa Thượng được 68 tuổi lập được một đạo tràng nhỏ và lập thêm được một thư viện lấy tên Đồ Thư Quán Cảnh Mỹ. Một số người nghe Pháp sư Tịnh Không giảng pháp, sanh tâm hoan hỷ, tình nguyện xuất gia. Thế là Ngài Tịnh Không có được một Tăng đoàn nhỏ.

Ngài Tịnh Không và gia đình họ Hàn bị các chùa ở Đài Loan bao vây cô lập trong suốt 17 năm dài. Công đức hộ trì của bà Hàn cư sĩ và gia đình thật là vĩ đại. Nhờ có bà mà thời mạt pháp này có được một đại sư suốt đời lo việc hoằng pháp lợi sanh.

Tịnh Hải chúng tôi tuy không là đệ tử của Hòa Thượng Tịnh Không, nhưng cũng nhờ có sự hộ pháp của bà Hàn cư sĩ mà hưởng được lợi lạc trong các pháp giảng của Ngài Tịnh Không.

Bà Hàn cư sĩ hộ trì cho H.T. Tịnh Không suốt 30 năm. Bất ngờ bà lâm trọng bịnh. Tuy vậy mà vẫn thản nhiên như chẳng bịnh hoạn.

Ngày 1 tháng 3, bịnh viện bảo con bà, 2 giờ nữa bà sẽ đi, dạy họ lo hậu sự. Lúc đó 6 giờ chiều. Đến 8 giờ bà tỉnh dậy, đòi uống nước. Qua 10 giờ 30, Phật A Di Đà đến. Bà bỗng tỉnh táo hơn bao giờ hết, bà nói và cười. Chiều ngày 3 tháng 3, bác sĩ bịnh biện khám bịnh nói: “Những người học Phật thật khó hiểu. Tại sao không khỏe rồi lại hồi phục?”.

Phật A Di Đà xuất hiện lo việc dùm H.T Tịnh Không.

Lúc ấy, Ngài Tịnh Không chợt nghĩ chiếc áo cà sa màu hông không đúng pháp, nên bàn với Hàn cư sĩ đổi lại, dùng màu cà phê.

Xin hãy nghe H.T Tịnh Không kể về việc Phật A Di Đà lo việc dùm cho Ngài:

“Cho nên tôi gọi điện cho Đồ Thư Quán, bảo Ngộ Đạo lập tức thông báo cho cửa hàng Tăng phục Bản Kiều, cùng với chúng Tăng (nam) xuất gia của Đồ Thư Quán chúng tôi, mỗi một người may một bộ y 25 điều, màu cà phê. Lập tức thông báo cho bà chủ cửa hàng, hy vọng bà có thể may cho chúng tôi nhanh một chút.

Buổi tối, bà chủ cửa hàng Tăng phục đến Đồ Thư Quán để lấy số lượng, kích thước của chúng tôi. Chúng tôi nói với bà mong bà có thể may cho chúng tôi nhanh một chút. Bà nói cho chúng tôi bà đã biết rồi. Chúng tôi rất ngạc nhiên, làm sao bà có thể biết? Buổi trưa, Phật A Di Đà thông báo cho bà biết, nói Đồ Thư Quán có việc gấp, họ cần tìm thợ làm gấp cho họ. Chúng tôi nghe bà nói những điều này trong lòng vô cùng kinh ngạc, nhưng cũng vô cùng an ủi kinh ngạc vì từ trước đến nay chưa từng nghe qua, Phật A Di Đà đích thân thay thế người khác sắp xếp công việc, chưa từng nghe! Trong sách xưa cũng không thấy ghi chép về việc này. Như vậy đúng trưa hôm ấy, trưa mùng 3, Quán trưởng Hàn thấy Phật A Di Đà cùng lúc. Một người thì ở bệnh viện, một người thì ở cửa hàng, sự kiện này đem đến một niềm tin rất lớn cho chúng tôi.

Quả nhiên trang phục chúng tôi yêu cầu, bà chủ cửa hàng đưa đến đúng hẹn. Quán trưởng Hàn vào lúc 4 giờ 20 chiều mùng 5 an nhiên vãng sanh. Tăng phục đưa đến cho chúng tôi trước đó. Hết thảy chúng tôi đều như pháp, trong lòng an ổn, hoan hỷ vô song. Chúng tôi ngẩm nghĩ Hàn Quán trưởng đến thế gian này để hộ trì Phật pháp, nên có thể nói Phật A Di Đà phái Bà đến, Bà không phải là phàm nhân. Bà đến có nhiệm vụ của Bà. Bà đi, công đức Bà làm đã viên mãn. Phật A Di Đà tiếp dẫn Bà đi. Bà trong khoảng thời gian này 2 lần thấy Phật A Di Đà. Một lần thấy Hải Hội Liên Trì. Bà nói với chúng tôi Liên Trì rộng lớn lắm! Liên hoa đẹp lắm! Bà ra đi an lành như thế. Trước khi ra đi, Bà nói chuyện với chúng tôi rất thoải mái, chẳng có chút gì đau khổ. Bà đi rất vui vẻ.”

Trích Những Chuyện Niệm Phật Thấy Phật Vãng Sanh
Cư sĩ Tịnh Hải