Niệm Phật Cầu Sanh Tịnh Độ Là Tâm Nguyện Của 10 Phương Chư Phật Như LaiVì lòng đại bi, đức Phật xuất thế thuyết pháp độ sanh. Nguyên bổn tâm của Phật chỉ muốn tất cả chúng sanh đều thoát hẳn sanh tử luân hồi, chứng viên mãn Phật đạo mà thôi. Song, vì chúng sanh căn tánh lợi độn không đồng, trí ngu sai khác nên đức Phật phải chiều theo cơ nghi mà giáo hóa. Do đó, pháp môn của Phật có nhiều đến vô lượng.

Tất cả những pháp môn ấy, bất luận là Tiểu thừa hay Đại thừa, Tiệm giáo hay Đốn giáo, nơi hành giả đều phải tự lực tu tập cho đến đoạn tận hết phiền não mới ra khỏi vòng sanh tử.

Đức Bổn sư của chúng ta biết rằng: “Nếu chúng sanh chỉ dùng tự lực để liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập Thánh thời rất khó đặng”. Nên ngoài vô lượng pháp môn chỉ thuộc tự lực, Ngài dạy một pháp môn tự lực nương tha lực rất viên đốn, rất huyền diệu, dễ thực hành mà thành công cao, dùng sức ít mà mau có hiệu quả, tất cả căn cơ đều hạp, tất cả Thánh phàm đồng tu. Chính là pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sanh vậy.

Tổ Thiện Đạo cho rằng, nghìn người tu không sót một. Vĩnh Minh đại sư công nhận là mười người tu, được cả mười…

Văn-thù Bồ-tát nói: “Các môn tu hành không môn nào qua môn niệm Phật. Niệm Phật là vua trong các pháp môn”.

Đức Quán Thế Âm bảo: “Tịnh độ pháp môn hơn tất cả hạnh khác”.

Mã Minh đại sĩ bảo rằng: “Chuyên tâm niệm Phật là phương tiện siêu thắng của đức Như Lai”.

Long Thọ tôn giả nói: “Niệm Phật Tam-muội có đại trí huệ, đại phước đức, hay đoạn trừ tất cả phiền não, hay độ được tất cả chúng sanh. Niệm Phật Tam-muội hay sanh vô lượng Tam-muội, cho đến Thủ Lăng Nghiêm Tam-muội”.

Giác Minh Diệu Hạnh Bồ tát nói: “Pháp môn niệm Phật là tâm tông của chư Phật, là con đường giải thoát tắt nhất của mọi loài”.

Ấn Quang đại sư từng nói: “Vì nương Phật lực nên tất cả mọi người, không kể là nghiệp hoặc nhiều hay ít, cũng không kể công phu hành đạo cạn hay sâu, miễn tin cho chắc, nguyện cho thiết, thời quyết muôn người tu muôn người vãng sanh không sót một. Còn nếu là bậc đã đoạn hoặc chứng chơn mà cầu vãng sanh, thời đốn siêu Thập địa; bậc Thập địa mà cầu sanh thời mau viên Phật quả. Vì thế, nên Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ v.v… các đại Bồ tát đều nguyện vãng sanh. Đến như những kẻ tạo ác cả đời sắp đọa địa ngục, hồi tâm niệm Phật cũng được giải thoát, như các ông Trương Thiện Hòa, Trương Chung Húc, Hùng Thuấn, Duy Cung v.v…”.

Hạng người phạm tội ác ấy mà còn thành tựu được thay, huống là những người chưa quá ác, huống là những người lành!

Do đây nên thấy rằng, pháp môn Tịnh độ này nhiếp cả Thánh phàm, nhiếp cả thiện ác, nhiếp cả chúng sanh, như biển lớn gồm thâu muôn dòng vậy.

Vì pháp môn Tịnh độ với chúng sanh có sự lợi ích rộng lớn như thế, nên muôn kinh vạn luận luôn luôn nhắc đến, chư Thánh chư Hiền đều nguyện cùng về.

Thật là: “Cửu giới chúng sanh rời pháp môn này thời chẳng thể viên thành Phật quả. Thập phương chư Phật bỏ pháp môn này quyết không thể độ khắp quần sanh”.

Trích Hương Sen Vạn Đức
HT Thích Trí Tịnh
Nhà Xuất Bản 2006