An Lập Tịnh Độ Không phải chỉ có Phật A Di Ðà có Tịnh Ðộ mà chư Phật Bồ Tát ở mười phương đều có tịnh độ. Như thế, tịnh độ là điểm cứu cánh của chư Phật. Vì cớ nào mà các Ngài an lập tịnh độ? Ðức Phật Thích Ca đã căn cứ vào căn cơ nào để nói pháp môn Tịnh Ðộ? Ðây là vấn đề người tu tịnh độ cần biết.

Ở đời có người nhơn ác bị ác báo hiện tiền nên kinh hoàng sợ sệt và cầu sanh tịnh độ; có người nhơn bị bức bách vì sinh hoạt, cơ hàn khốn khổ mà cầu sanh tịnh độ; có người nhơn bức não bởi các khổ già bịnh mà cầu sanh tịnh độ; tất cả đều do tâm lý lánh khổ tìm vui làm động cơ cầu sanh tịnh độ.

Nhưng xét cho kỹ chư Phật an lập tịnh độ, đức Thế Tôn nói tịnh độ pháp môn, tuy có ý phụ là làm cho chúng sanh chán khổ thích vui, nhưng không phải là bản ý chính sáng lập và nói ra pháp môn tịnh độ. Bản ý chính của Ðức Phật là muốn an lập pháp môn chơn chánh phát tâm Ðại Thừa của Bồ Tát mà nói ra.

Chúng sanh phàm phu có tâm chán khổ tìm vui, lòng chỉ thích khoái lạc không muốn dứt trừ sinh tử, như nhàm chán khổ ở ba đường ác, muốn gìn giữ để được làm người không mất thân này, nhàm chán khổ ở cõi người muốn cầu sanh về cõi trời, nhàm chán khổ ở Dục giới cầu sanh về Sắc giới, nhàm chán Sắc giới cầu sanh về Vô sắc giới, chỉ dùng các pháp nhơn thiên thừa như Ngũ giới, Thập thiện, Bát định.

Người giữ được năm giới có thể được sanh làm người không mất; tu thập thiện bát định được sanh về cõi trời, chư Phật cần gì an lập tịnh độ? Ðức Phật Thích Ca nói ra pháp môn Tịnh Ðộ này vì Ngài thấy ba cõi như lao ngục, hàng nhị thừa như oan gia, sanh tử ở gần, muốn ra khỏi ba cõi dứt hẳn sanh tử, cần phải biết tam giới là khổ, chúng sanh bất tịnh, vô thường, vô ngã.

Nếu y theo Tứ Niệm Xứ, khởi tu Tứ Chánh Cần, Bát Chánh Ðạo, Ba Mươi Bảy Pháp Bồ Ðề, tinh tấn cần tu, ở trong một đời tuy chưa được quả A la hán cũng có thể được quả Tu Ðà Hoàn, nhờ được quả Tu Ðà Hoàn vĩnh viễn không thối chuyển tuy vẫn còn chịu các khổ sanh tử phiền não; cũng không cần y theo pháp môn tịnh độ cầu sanh về tịnh độ, như các nước Tiểu Thừa Phật giáo Miến Ðiện Tích Lan chỉ cần cầu được quả A la hán, liễu sanh thoát tử, do đó các xứ Tích Lan, Miến Ðiện không có pháp môn tịnh độ này.

Từ đó suy ra, chư Phật an lập tịnh độ và đức Bổn Sư tuyên nói tịnh độ không phải vì phàm phu, nhị thừa, thực vì chúng sanh có căn tánh Ðại Thừa, người nghe Phật pháp không cầu có phước báu an lạc đời sau, không có ý muốn tự ra khỏi ba cõi khổ não sanh tử, mà vì người phát tâm Ðại Thừa độ thoát tất cả chúng sanh mà Ngài nói pháp môn này.

Phát tâm Ðại Thừa là người hiểu biết lý các pháp do nhân duyên sanh, biết tất cả pháp đều do nhân duyên sanh, vì pháp do các duyên sanh nên tất cả là tất cả pháp; chúng sanh do các duyên mà sanh nên một chúng sanh tức là tất cả chúng sanh, lìa tất cả chúng sanh ra không có cái ta nào khác. Nếu không làm cho tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo, tức là không có ông Phật riêng ta có thể thành.

Do đó mà phát đại nguyện rộng độ hết tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo, quyết không lìa tất cả chúng sanh mà tự mình thoát khỏi sanh tử, vì chúng sanh tức là chính mình và chính mình tức là chúng sanh, không có chúng sanh và ta khác nhau (sóng & nước) nên gọi: “Không ngã tướng, không chúng sanh tướng, không nhơn tướng, không thọ giả tướng”, không thể lìa ngoài chúng sanh mà mình được độ thoát.

Bồ Tát dùng đồng thể không khác không hai với tất cả chúng sanh mà phát từ nguyện phổ độ tất cả chúng sanh. Nhưng muốn thành mãn nguyện này nếu là người không chứng được quả Vô thượng Chánh đẳng chánh giác thì không làm được. Tuy người có nguyện này thực sự không có ngày thành tựu.

Dù có đại bi tâm muốn độ hết thảy chúng sanh trong pháp giới, muốn độ vô số chúng sanh cần phải đoạn vô biên phiền não, tu học vô lượng pháp môn, thành tựu vô lượng phước đức trí huệ trang nghiêm viên mãn Phật quả cần phải qua ba a tăng tỳ kiếp, vào vô lượng thế giới, độ vô số chúng sanh, thực không phải khả năng của một chúng sanh có thể làm được. Trong Khởi Tín Luận nói: “Tín tâm đã thành tựu, vào chánh định tụ, cần trải qua mười ngàn Ðại Kiếp”. Ðại Thừa Tín Tâm thành tựu còn khó như thế huống chi muốn chứng thành Phật Quả.

Thành Phật không phải là khả năng một đời, người đã phát tâm Ðại Thừa cần tu Lục Ðộ. Khi tu Lục Ðộ sẽ có nhiều nghịch duyên, nhiều thứ liên tục phá hoại tâm Ðại Thừa, vây quanh toàn là những hiểm ách phá hoại tâm Ðại Thừa mà mạng người thì ngắn ngủi, một khi vô thường đến, hoặc sanh lên cõi vui, hoặc đọa vào cõi khổ lại thêm bị ách nạn to lớn làm mê mất tâm Ðại Thừa, tâm bồ đề.

Do nhiều thứ ác duyên như thế, Bồ Tát tuy đã phát tâm Ðại Thừa mà muốn gìn giữ cho không bị lui sụt thực không phải là chuyện dễ. Trong kinh dạy: “Chư Phật lúc nào cũng có trách nhiệm bảo vệ cho Bồ Tát”.

Kinh Kim Cang nói: “Như Lai khéo hộ niệm các Bồ Tát.” Bồ Tát đã phát tâm Ðại Thừa nhưng chưa có khả năng chẳng lui sụt, chư Phật đã dùng pháp từ bi nào để hộ niệm cho các Bồ Tát phát tâm Ðại Thừa thoát khỏi hiểm nạn lui sụt tan mất? Ðể hộ niệm Bồ Tát đã phát tâm Ðại Thừa khỏi bị lui sụt, chư Phật đã an lập quốc độ thanh tịnh trang nghiêm. Chư Bồ Tát có duyên với tịnh độ nào liền phát tâm sanh về tịnh độ ấy.

Tùy theo chỗ phát nguyện, khởi lòng tin quyết định, tâm chuyên nhất thì khi lâm chung tùy theo nguyện mình mà vãng sanh về tịnh độ, nghe pháp được Bất thối, rồi trở lại khắp độ tất cả chúng sanh. Nếu chư Phật không an lập tịnh độ để các Bồ Tát mới phát tâm nương về, một khi tâm bị lui sụt thì những công đức tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ sẽ tiêu tan vô ích. Vì thế, Bồ Tát phải lấy tịnh độ làm chỗ an trụ mới không bị bất thối thất tâm Ðại Thừa bồ đề và khỏi uổng mất công trước.

Ðó là bản ý của Phật A Di Ðà và chư Phật trong mười phương thành lập tịnh độ và cũng là chơn nghĩa để Phật Thích Ca Mâu Ni nói pháp môn tịnh độ. Người tu tịnh độ cần phải hiểu rõ yếu nghĩa này.

Trích Vãng Sanh Tịnh Độ Luận Giảng Yếu