Đôi Dòng Tỏ Bày

logoL à người học Phật chúng ta phải lấy chuyện giải thoát sanh tử luân hồi làm đại sự, tất cả mọi điều khác trên thế gian đều là thứ yếu. Trên con đường học đạo, tìm được đúng pháp môn hợp với căn cơ của mình rất quan trọng, nhưng điều tối quan trọng hơn cả là chọn pháp môn hợp với thời cơ. Ví như người vận y phục phải phù hợp theo mùa: mùa đông mặc áo bông, mùa hạ mặc áo vải. Nếu có một bộ y phục đẹp và vừa ý với mình nhưng mặc không đúng mùa thì cũng trở nên vô dụng. Trong kinh Đại Tập nói rằng thời Chánh Pháp (gồm 1.000 năm từ lúc Phật thành đạo) tu Giới Luật được thành tựu; thời Tượng Pháp (1.000 năm kế tiếp) tu Thiền Quán được thành tựu; thời Mạt Pháp (10.000 năm tiếp theo) tu Tịnh Độ được thành tựu. Hiện nay Phật lịch của chúng ta là năm 2554 (2010 DL) tức là chúng ta đang ở vào thời kỳ Mạt Pháp. Cho nên nếu người tu Phật thời nay muốn thành tựu lý tưởng giải thoát thì nên tu theo pháp môn Tịnh Độ (hay còn gọi là Niệm Phật).

Đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong Kinh Đại Tập Nguyệt Tạng rằng:
Thời Mạt Pháp ức ức người tu hành hiếm có người đắc đạo. Duy chỉ có pháp môn Niệm Phật A Di Đà mà ra khỏi luân hồi.

Đã là một Phật tử tức là con Phật, chúng ta không thể không vâng theo lời dạy của đấng cha lành là đức bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng sanh thời xưa nhờ có phước báu nhiều nên mới có thể gặp được Phật và các bậc chứng đạo A La Hán, Bồ Tát để tu hành sớm ngày chứng quả. Thời nay do cách xa thời của Phật quá nhiều, phước báu của chúng sanh rất ít nhưng trái lại nghiệp chướng quá sâu dày. Nếu tu theo các pháp môn khác khó bề thành tựu cũng như khó tìm được người chứng quả để học đạo. Vì đã biết trước điều ấy nên đức Phật Thích Ca mới từ bi thương xót chỉ bày chúng ta tu theo pháp Niệm Phật (hay còn gọi là pháp môn Tịnh Độ). Tu theo pháp môn này được thành tựu vào thời bây giờ vì nhờ vào nguyện lực của một vị Phật, hiện ngài chưa nhập diệt và vẫn còn đang nói pháp tại cõi Tây Phương Cực Lạc, cách thế giới Ta Bà chúng ta 10 muôn ức cõi Phật. Thuở lâu xa trước khi ngài thành Phật, tiền thân của ngài là tỳ kheo Pháp Tạng đã có lời thệ nguyện cứu độ chúng sanh như sau:

Khi tôi thành Phật chúng sanh trong mười phương lúc lâm chung chí tâm niệm danh hiệu tôi dẫu từ một niệm cho đến mười niệm, nếu tôi không hiện thân ra trước mặt người ấy để tiếp dẫn về cõi nước tôi, tôi thề sẽ không ở ngôi vị Chánh Đẳng Chánh Giác. (Kinh Vô Lượng Thọ – nguyện thứ 18)

Vị tỳ kheo ấy nay đã thành Phật được 10 kiếp hiệu là A Di Đà. Nếu ai TIN nghe theo lời trên, một lòng NGUYỆN được sanh về Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà sau khi mãn thân người, từ giờ cho đến ngày cuối đời chuyên TRÌ NIỆM danh hiệu A Di Đà Phật thì chắc chắn sẽ được vãng sanh (vãng sanh là khi lâm chung được Phật cùng Thánh chúng đến tiếp dẫn về cõi Phật.) Đó chính là pháp tu Tịnh Độ.

Người tu theo các pháp môn khác để giải thoát sanh tử phải dùng tự lực của mình để đoạn hết các Kiến – Tư phiền não nên phải mất vô lượng kiếp mới thành tựu. Ví như đức Phật Thích Ca tu hành tại thế gian Ta Bà này đã mất 3 đại a tăng kỳ (tức 3 giai đoạn vô lượng kiếp không thể tính kể ra số được) mới thành Phật. Thế nhưng nếu chúng ta nương vào nguyện lực của Phật A Di Đà, không cần phải đoạn hết các phiền não và quyết tu cho được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, nơi ấy tuổi thọ của chúng sanh dài vô hạn cũng như được gần gũi với Phật và các vị bồ tát để học đạo thì chúng ta sẽ sớm ngày thành đạo quả. Như vậy Tịnh Độ pháp môn chỉ cần một đời hiện tại là chúng ta có thể thành công. Tu như thế được gọi là vừa có tự lực vừa có tha lực (tự nổ lực niệm Phật và tha lực tiếp dẫn vãng sanh của Phật). Người tu theo các pháp môn khác gọi là tự lực (tự mình tu cho đến khi phiền não dứt sạch và chứng được một trong bốn quả vị Thanh Văn mới có thể tự giải thoát khỏi vòng luân hồi).

duong_ve_coi_tinh_avatarNgười tu theo pháp tự lực tựa như con mọt ở cuối thân tre muốn thoát ra khỏi ống tre phải đục thủng từng đốt tre theo chiều dọc từ gốc lên tới ngọn mới có thể chui được ra ngoài. Người tu theo pháp tha lực ví như con mọt đục ngang thân tre để chui ra ngoài rất mau chóng không cần mất nhiều thời gian. Hiểu được lý này chúng ta không thể bỏ qua pháp môn Tịnh Độ, chỉ cần một đời là có thể đạt được lý tưởng giải thoát. Điều này cũng không nằm ngoài lý nhân quả trong nhà Phật: gieo nhân nào gặt quả nấy. Nhân niệm Phật thì quả sẽ là thành Phật.

Để giúp cho các bạn đang cầu đạo tìm đúng hướng đi trên con đường giải thoát cũng như hợp với căn cơ của người bận rộn thời nay, Đường Về Cõi Tịnh được mở ra với mong ước các bạn có thêm sự tham khảo cần thiết cho việc tự học tự tu. Các tài liệu hầu hết được chúng tôi thu thập từ các chư cổ đức đã đi trước và các vị tổ sư Tịnh Độ qua các bài viết và lời giảng từ xưa đến nay.

Nếu như việc làm này có chút công đức nào, chúng tôi xin thành tâm hồi hướng tất cả cho chúng sanh thập phương thế giới, nguyện cùng kết pháp duyên, đồng sanh Tây Phương đồng thành Phật đạo.

Cao Nguyên Tình Xanh Washington
17 tháng 8 năm Canh Dần 2010
BBT Đường Về Cõi Tịnh

Tây Phương Tam Thánh tiếp dẫn vãng sanh

Nếu ai tin tưởng và một lòng nguyện sanh về Tây Phương Cực Lạc, chí tâm niệm hồng danh A Di Đà Phật đến cuối đời sẽ được Tây Phương Tam Thánh hiện thân đến tiếp dẫn vãng sanh. Từ trái qua phải: Đại Thế Chí bồ tát, A Di Đà Phật, Quán Thế Âm bồ tát (3 vị này được gọi là Tây Phương Tam Thánh).

Các Bài Pháp Khác:

1,092 Phúc Đáp

  1. Thanh Tịnh

    A di đà Phật.

    Con có đọc được một câu chuyện, xin được kể vắn tắt như sau:
    Có người hỏi Đức Phật chân lý ở đâu, ngài liền im lặng, chỉ tay lên trời.
    Cho con được hỏi là câu chuyện trên có thật không ạ?
    Nếu như có thật thì ý nghĩa câu chuyện là như thế nào?

    Xin chân thành cảm ơn quý thiện tri thức đã bỏ thời gian quý báu để quan tâm và giải đáp.
    Nam mô A di đà Phật.

    Reply
    • Hạnh Nhân

      A Di Đà Phật

      Chào bạn Thanh Tịnh!

      Hạnh Nhân chưa từng đọc qua câu chuyện này nên thật không biết thực hư câu chuyện. Song nếu đặt giả thuyết câu chuyện “có thật thì ý nghĩa câu chuyện là như thế nào?”

      Nói đến Trời chúng ta thường nghĩ ngay đến ánh sáng, vì có thái dương hệ nên ban ngày mọi vật đều sáng rõ, song ban đêm thái dương bị che chắn nên mọi thứ đều tối đen. Nên chúng ta thường nói trời sáng- trời tối là vậy. Thế nên hành động chỉ tay lên trời của Phật có ý nghĩa: ánh sáng chính là chân lý.

      Trong Kinh, Đức Phật đã chỉ dạy ở đời có bốn hạng người: 1/Người sống trong tối hướng đến bóng tối, 2/Người sống trong tối hướng đến ánh sáng, 3/Người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối, 4/Người sống trong ánh sánh hướng đến ánh sáng. Bóng tối tượng trưng cho MÊ, ánh sáng tượng trưng cho NGỘ. Chân lý của kiếp nhân sinh và của vũ trụ này không ngoài chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh, đó chính là lúc chúng sanh lìa khổ được vui = giải thoát.

      Trên đây chỉ là đôi lời cạn cợt của HN thôi, mong sẽ có đạo hữu khác chỉ dẫn nhiều hơn.

      A Di Đà Phật

    • Thật Thà Niệm Phật

      Mình cũng chưa/nghe qua mẫu chuyện ấy bao giờ. Duy chỉ biết câu chuyện khi Phật vừa ra đời bước đi 7 bước, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và nói bài kệ:

      Thiên thượng thiên hạ,
      Duy ngã độc tôn.
      Nhất thiết thế gian,
      Sinh lão bệnh tử.

      Đại khái ý nghĩa của 4 câu trên là trên trời, dưới trời ta là hơn hết, bởi trong thế gian ta đã thoát được sanh lão bệnh tử.

      A Di Đà Phật.

    • Thanh Tịnh

      A di đà Phật.
      Chân thành cám ơn thiện tri thức Hạnh Nhân.
      Sở dĩ con hỏi như vậy, một phần vì muốn hiểu thêm, một phần vì nghe có kẻ biện hộ như thế này: họ dẫn câu chuyện trên, rồi họ bảo trên trời đó là ẩn ý chân lý chính là “Chúa”, là “Đấng Cứu Thế” của họ, họ còn nói Phật đang đưa chúng ta đến gần với “ông trời” của họ hơn. Con cũng không biết biện hộ thế nào cho phải.
      Vì con là kẻ sơ cơ, đứng giữa biển tà kiến đầy dẫy mà thấy hoang mang quá. Con hi vọng được giải đáp để an ủi phần nào, đồng thời quan trọng là để tăng tín tâm vào Phật pháp, bởi con vẫn chưa hiểu nhiều lắm.
      Con vô cùng cám ơn khi được quan tâm phúc đáp.
      Nam mô A di đà Phật.

    • Cư sĩ Diệu Âm

      Tôi muốn gửi đến ban quản trị Website file Kinh Vô Lượng Thọ PDF kèm file bìa Kinh (để phục vụ việc in ấn, vì bản dịch này đã được ấn tống lưu thông ở cả 3 miền Bắc Trung Nam nhưng hiện tại chưa lưu thông trên Internet) nhờ ban quản trị duyệt nếu được thì cho đăng tải lên website này nhằm làm lợi lạc cho những đồng tu hữu duyên khác.
      Xin ban quản trị phản hồi lại theo email: [email protected] để nhận file Kinh và bìa Kinh.

  2. Đỗ Đức Dục

    Xin chào các Chư vị trên duongvecoitinh. Tôi muốn học ” Kỳ Môn Độn Giáp” thì tôi nên học nó ở đâu, có nên tự học bằng sách không. Mong được góp ý của các bậc tiền bối. A Di Đà Phật

    Reply
  3. Nguyễn Văn Phước

    Thứ bạn tìm học là ngoại đạo, chẳng phải Phật đạo.

    Reply
  4. Thanh Tịnh

    Nam mô A di đà Phật.
    Các vị thiện tri thức cho con hỏi, tại sao có một số người dù họ nhìn thấy, nghe thấy rõ rành rành một sự thật nào đấy, nhưng họ vẫn không chịu thừa nhận? Đó là biểu hiện của chấp trước chăng? Làm thế nào mới có thể khiến họ thừa nhận?

    Xin hoan hỷ.
    Nam mô A di đà Phật

    Reply
    • Hạnh Nhân

      A Di Đà Phật

      Chào bạn Thanh Tịnh!

      “có một số người dù họ nhìn thấy, nghe thấy rõ rành rành một sự thật nào đấy, nhưng họ vẫn không chịu thừa nhận”. Nếu đây là việc của họ, họ đã làm sai, đã gây ra một lỗi lầm, song vẫn không chịu thừa nhận sự sai quấy- thì đây chính là biểu hiện của chấp trước. Còn giả như đấy là việc của người khác, và họ đang ở vị trí là người đánh giá, thì việc họ không chấp nhận đánh giá, hoặc có đánh giá khác nhau về sự vật, sự việc [mà họ đã nhìn thấy, nghe thấy hay còn gọi là chứng kiến], thì tùy vào trường hợp, tùy vào nhân tâm, không thể kết luận họ chấp trước được.

      Có câu chuyện: một học trò của Đức Khổng Tử đi ngang qua một tiệm vải, có người mua và người bán đang to tiếng. Người bán, bán hai miếng vải, mỗi miếng 3 đồng; nhưng người mua chỉ trả 5 đồng. Người học trò thấy vậy bèn lên tiếng “hai miếng là 6 đồng đúng rồi”. “Anh là ai?”- người mua vải hỏi. “Tôi là học trò của Thầy Khổng Tử”. “Là học trò của Không Tử sao anh hồ đồ đến vậy, rõ ràng hai miếng vải là 5 đồng”. Phân giải không được, người học trò bực bội, đỏ mặt tía tai. Người mua vải nói tiếp “Vậy cứ đến Thầy của anh để rõ ràng việc này, nếu tôi sai xin chịu chém đầu”. Rồi mọi người cùng dẫn nhau đến Thầy Khổng Tử. Sau khi nghe người học trò kể đầu đuôi câu chuyện, Đức Khổng Tử mỉm cười và nói “mỗi miếng 3 đồng, hai miếng quả thực là 5 đồng”. Trước câu trả lời của Thầy người học trò ngạc nhiên cực độ “Thầy có lầm lẫn chi không, rõ ràng 3 + 3 = 6, sao Thầy nói là 5”.

      Qua câu chuyện trên, ta thấy gì, Khổng Tử có phải đã bảo thủ, chấp trước hay không khi đứng giữa 1 đồng tiền và 1 mạng người. Đôi khi có những việc mà chính ta mắt thấy, tai nghe chưa hẳn đã là đúng, đã là sự thật; thì việc chúng ta cho rằng: có người đã mắt thấy, tai nghe rõ rành một sự thật mà không chịu thừa nhận- há có phải ta đã lấy ngã kiến của mình mà áp đặt họ hay không. Hay khi đó, chính ta mới lại là kẻ chấp trước, không buông bỏ được đúng- sai, thấy- không thấy, nghe- không nghe.

      Phật dạy: tu là sữa chữa lỗi lầm. Chính là lỗi lầm chính mình, là quán xét sửa đổi chính mình, chứ không phải lỗi lầm người khác. Cho dù họ sai bao nhiêu thì họ vẫn đúng, ta có đúng cũng thành sai, chính ở đạo lý này mình phải nắm chắc mới có cơ hội tu hành thành tựu, cũng là cách duy nhất để khiến người khác thay đổi nếu họ đang là người làm ác, không chịu thừa nhận sai quấy, đang chấp trước quá nặng.

      Nam Mô A Di Đà Phật

  5. Thanh Tịnh

    Nam mô A di đà Phật
    Xin cám ơn Thiện tri thức Hạnh Nhân.

    Quả thật là con đã mắc căn bệnh chấp trước rất nặng. Xin quý thiện tri thức chỉ cho con một bài thuốc hay.

    Reply
    • Hạnh Nhân

      A Di Đà Phật

      Chào bạn Thanh Tịnh!

      Trong chúng ta, thực lòng mà nói, hiếm- rất hiếm có ai hoàn toàn phá bỏ được chấp trước, việc này thật không dễ, nếu dễ chúng ta đã thành Phật rồi. Song dù khó đến đâu, phải làm cho kỳ được, nếu không đến lúc lâm chung, trong tâm vẫn còn tham luyến thế gian này, nghĩa là vẫn còn chấp, vẫn chưa chịu buông bỏ hoàn toàn thì nhất định chúng ta phải chịu luân hồi, dù hàng ngày công phu niệm Phật tu hành có giỏi đến đâu. Đáng khen chúng ta biết mình đang bị trói buột, hàng ngày đang bị vô minh che lắp nên mới tìm cách ức chế, tìm cách buông bỏ. Phá chấp bằng cách (hay còn gọi là buông bỏ) bằng cách nào, bài thuốc không phải chỉ nhìn thấy toa là chữa được mà cần chúng ta cố gắng, nỗ lực, mỗi ngày một ít.

      Xin chia sẻ đến bạn một đoạn trong Nhìn Thấu Là Trí Huệ Chân Thật. Mong bạn có thể lãnh hội, giữ được tâm thanh tịnh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.
      ———
      Lời Dạy Của HT. Tịnh Không Về Cách Buông Xả

      Kinh Vô Lượng Thọ có nói: “Ái bảo tham trọng, tâm lao thân khổ” (Tham ái sâu nặng, tâm mệt nhọc, thân khổ sở), chữ “ái” ở đây là tham ái, chúng ta tham ái vàng bạc, tiền tài, của cải thế gian, tâm tham lam rất sâu nặng, luôn tưởng rằng có thể giữ lấy, giữ chặt, thật ra, cái gì cũng không có được, đó chỉ là khởi vọng tưởng mà thôi.

      Người thế gian thường nói: “Sanh chẳng đem đến, chết chẳng mang theo”, vì chúng ta chưa chết nên vẫn còn muốn giữ chặt. Thật ra mỗi người chúng ta, mỗi buổi tối đều phải chết một lần. Khi ngủ say, cái thân này có bị khiêng đi, chúng ta đều chẳng biết, huống chi còn muốn giữ lấy vàng, bạc, châu báu! Thế gian không có một thứ chi là của mình, vì thế, không có một thứ chi có được, bao gồm cả thân thể chính mình đều không có được. Ngay cả thân thể còn không có được, huống chi vật ngoài thân! Do vậy chúng ta phải giác ngộ, nhất định phải mở rộng tầm nhìn, phải nhìn thấu, khi chúng ta thật sự buông xuống sẽ được đại tự tại, đó mới hạnh phúc khoái lạc thật sự. Vì thế, buông xuống là lẽ đương nhiên, phải buông xuống, vì sao?

      Chẳng thể có được thứ gì. Nếu đã là [thứ gì cũng đều] không thể được, vì sao không chịu buông xuống? Nếu có được, dù ta không buông xuống đi nữa, Phật cũng vẫn gật đầu, vẫn tán thành, nhưng dù chúng ta có nghĩ tưởng như thế nào đi nữa, tất cả đều là không, đều chẳng thể được, đều là trống rỗng! Vì thế, Phật dạy chúng ta buông xuống, tuyệt đối là đúng đắn. Vì sao Ngài dạy chúng ta buông xuống? Vì thật sự chúng ta không thể nào có được. Do vậy, người mê hoặc rất tội nghiệp, “tâm nhọc nhằn, thân khổ sở”, những thứ chúng ta không thể có lại muốn có cho được, cho nên mới khổ! Thân lẫn tâm đều khổ.

      Buông xuống rất khó. Tại sao chúng ta không thể buông xuống? Nguyên nhân là vì không nhìn thấu. Nhìn thấu là như thế nào? Chúng ta không thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật của nhân sinh, chân tướng là gì? Kinh Kim Cang dạy: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Đức Phật dạy chúng ta phải thường quán như vậy. Nói đơn giản, Quán nghĩa là “nghĩ tưởng”. Chúng ta phải thường nghĩ gì? Tất cả hết thảy các pháp đều là không, đều là giả. Chúng ta hãy nghĩ về ngày hôm qua, hôm qua đã trôi qua, vĩnh viễn chẳng trở lại nữa. Nói tới hôm nay thì hôm nay cũng đã qua mất, thật sự là một giấc mộng.

      Đời người mấy mươi năm ngắn ngủi, chớp mắt đã trôi qua mất. Trẻ nhỏ còn ngây thơ, không biết gì, đến Tết rất vui mừng, náo nhiệt, chúng nó thường mong Tết đến, nhưng mỗi năm phải rất lâu mới đến Tết. Còn người lớn, làm việc cực nhọc, hy vọng ngày tháng trôi qua chậm một chút, nhưng lại cảm thấy mỗi năm đều trôi qua rất nhanh.

      Đời người đúng là một giấc mộng, lão hòa thượng thường dạy các bạn đồng tu quán tưởng, phải quán như thế nào? Trước lúc đi ngủ và lúc thức dậy, chúng ta hãy suy nghĩ cặn kẽ lúc ngủ mê có khác gì đã chết rồi hay không? Lúc chúng ta ngủ mê, nếu người ta khiêng thân thể chúng ta đi, chúng ta cũng không hay biết gì hết. Do vậy trên thế gian này có một vật gì là vật của chúng ta hay không? Đúng là ngay cả thân thể này cũng không phải của mình, còn thứ gì là của mình nữa? Có vật gì chúng ta có thể giữ chắc được, có thứ gì chúng ta có thể cất giữ được? Tất cả đều là giả tạm, đều là nhọc lòng lo lắng uổng công! Chúng ta thường gọi đó là “dụng tâm sai lầm”.

      Khi tỉnh giấc nghĩ lại giấc mộng đêm qua, nghĩ về những cảnh giới trong mộng, sau đó lại nghĩ tới cảnh giới hiện tại có khác gì không? Nếu thường nghĩ như vậy, mỗi ngày đều nghĩ về chuyện này, đối với vạn sự vạn vật trong thế gian này tự nhiên chúng ta sẽ hiểu rõ, sẽ cảm thấy lợt lạt, sẽ chẳng chấp trước nặng nề nữa, sẽ chẳng tranh chấp nữa. Từ đó, sẽ có thể tùy duyên sống qua ngày, thật thà niệm Phật.

      Kinh Kim Cang dạy “hết thảy pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt bóng”, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng có thứ nào chân thật. Lão hòa thượng nói lúc còn trẻ Ngài đã có một chút trí huệ, trí huệ từ đâu đến? Lúc lão hòa thượng còn chưa học Phật, mỗi ngày coi báo, trước hết là coi các mục cáo phó, coi hôm nay có người nào qua đời, trong số đó có người già, có người rất trẻ, thật đúng là “trên đường đến suối vàng, già cũng có mà trẻ cũng không ít”. Coi họ đã qua đời, lúc đến thế gian này họ đem theo cái gì, lúc ra đi họ mang theo được gì? Lúc tới trắng tay, lúc đi cũng tay trắng, một chút gì cũng không mang theo được, thế gian này có gì đáng tranh giành, có gì đáng mong cầu? Mỗi ngày coi báo, coi những mục cáo phó này sẽ mở mang trí huệ, công phu niệm Phật sẽ đắc lực. Nếu chúng ta không buông xuống được, hãy coi những mục cáo phó này suốt nửa năm, xem thử chúng ta có buông xuống được hay không!

      Hết thảy đều buông xuống, tâm sẽ thanh tịnh, trong tâm trống rỗng, chẳng có gì hết. Biết được tiền tài, sắc đẹp, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ, ngũ dục lục trần trong thế gian này đều là giả, đều là một giấc mộng! Ngay bây giờ chúng ta đang nằm mộng, biết rằng chúng ta đang nằm mộng. Nếu không biết chúng ta đang nằm mộng, coi mộng là thật, thì ngày tháng đó sẽ rất đau khổ. Biết mình đang nằm mộng sẽ giống như Phật, Bồ Tát du hý thần thông, có gì chẳng tự tại? Thật sự có thể tùy duyên, thật sự có thể hằng thuận chúng sanh, thành tựu đạo nghiệp của chính mình. Đạo nghiệp là gì? Tâm thanh tịnh là đạo nghiệp, vạn duyên buông xuống là đạo nghiệp.
      Lão hòa thượng thường khuyên các vị đồng tu thật sự niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế giới, mỗi ngày lên giường ngủ, nằm trên giường niệm A Di Đà Phật, cầu A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, ngày ngày mong mỏi A Di Đà Phật đến tiếp dẫn. Hôm nay đức Phật chưa tới, [tối mai tiếp tục cầu Phật đến tiếp dẫn]. Lúc mạng chung, A Di Đà Phật thật sự đến, chúng ta sẽ không sợ hãi, chúng ta sẽ vui mừng, điều chúng ta trông mong bấy lâu đến nay rốt cuộc đức Phật cũng đã đến, vui mừng hớn hở mà theo Ngài đi, chẳng có một chút gì sợ hãi, lo buồn.

      Nam Mô A Di Đà Phật

      (Trích “Nhìn thấu là trí huệ chân thật” – HT Tịnh Không)

    • Thiện Phú

      Có lẽ chúng ta là kẻ hậu học nên làm theo lời của đức Lục tổ dạy trong bài kệ Vô tướng:
      Nếu là bậc chân tu
      Không thấy lỗi của đời
      Nếu như thấy lỗi người
      Mình chê, là kém dở
      Người quấy ta đừng quấy
      Ta chê, tự có lỗi
      Muốn phá tan phiền não
      Hãy trừ tâm thị phi
      Thương ghét chẳng bận lòng
      Nằm thẳng đôi chân nghỉ

      Người ta sai hay quấy, cũng là việc của người ta, nếu mình khuyên mà người ta không nghe thì cũng không nên phiền lòng, có lẽ họ cần nhân duyên khác để ngộ ra được.

  6. Thanh Tịnh

    Nam mô A di đà Phật
    Quý thiện tri thức cho con hỏi, nếu trì chú mà không ra tiếng, chỉ trì niệm thầm trong tâm có được không ạ?
    Con xin cảm ơn.

    Reply
    • Thiện Nhân

      A DI ĐÀ PHẬT

      Gửi bạn Thanh Tịnh,

      Tụng kinh, trì chú, niệm Phật vốn trọng nơi tâm, không trọng nơi khẩu, vì thế nếu cảnh duyên xung quanh bạn không thuận, bạn có thể nhiếp tâm trì chú theo kim cang trì, công đức so với trì lớn tiếng không sai biệt; nếu cảnh duyên thuận tiện, bạn có thể trì lớn tiếng vừa đủ với hơi thở của mình sẽ giúp chúng sanh hữu hình có thể nương theo để tu học.

      Chúc bạn thường tinh tấn

      TN

  7. Nguyễn Đăng Kiêm

    Nam mô quán âm bồ tát đại từ đại bi
    Con đã niệm câu danh hiệu này hơn 10 năm rồi con vẫn không thuộc nổi 12 đại nguyện của bồ tát
    Con biết người phải có nội công mới dám trả lời phúc đáp
    Liệu con có thể không học 12 đại nguyện mà chỉ một câu nam mô quán âm bồ tát đại từ đại bi thật lòng đến hết đời không ạ
    Như vậy thì có lợi lạc j không ạ

    Reply
    • Mỹ Diệp

      A Di Đà Phật

      Chào bạn Đăng Kiêm!

      Tu hành quan trọng là hành trì. Bạn không nhớ 12 đại nguyện của Bồ Tát Quan Thế Âm cũng không sao. Cốt yếu bạn niệm danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát, song niệm thôi cũng chưa đủ, bạn niệm danh hiệu Ngài bạn phải luôn giữ tâm từ bi thanh tịnh, siêng làm việc lành, tránh làm việc ác, giữ gìn khẩu nghiệp. Nếu bạn hành được như vậy chắc chắn được sự lợi lạc không thể nghĩ bàn.

      Nam Mô A Di Đà Phật

    • Nguyễn Đăng Kiêm

      Nam mô quán âm bồ tát đại từ
      Con niệm danh hiệu quán âm bồ tát đại từ đại bị đã hơn mười năm việc đó với con thì đơn giản

    • Thiện Nhân

      A DI ĐÀ PHẬT

      Gửi bạn Nguyễn Đăng Kiêm,

      *Mỗi danh vị của chư Phật, chư Bồ Tát đều gắn liền với hạnh nguyện của các Ngài, vì thế có thể nói Danh-Nguyện tuy hai mà một.

      *Bạn niệm hồng danh Quán Thế Âm 10 năm nay, nếu có thể nhất Danh, nhất Nguyện tức có thể thực hành theo hạnh nguyện của Quán Thế Âm=bạn thực niệm Quán Thế Âm; còn nếu bạn chỉ thuần niệm Quán Thế Âm mà hạnh nguyện không thực hiện=bạn chỉ biết niệm Danh chứ không thực niệm Nguyện.

      Bạn có thể đặt câu hỏi cho mình: Niệm Quán Thế Âm để làm gì?

      Chúc bạn luôn tỉnh giác.

      TN

    • Tuấn Trần

      Xin chào Mỹ Diệp
      Mong Bạn hãy thường xuyên chia sẽ hơn nữa nếu có thể nhằm giúp những người mới hoặc đang tu học nhưng gặp phải những khó khăn khúc mắc cần tỏ rỏ minh bạch nhằm dõng mảnh tinh tấn hơn trên con đường giải thoát.
      Ngưỡng mong hồng ân tam bảo gia hộ
      Chúc bạn an lạc và trí tuệ
      Nam Mô A Di Đà Phật

    • Nguyễn Đăng Kiêm

      Nam mô quán âm bồ tát đại từ đại bi
      Con nghĩ con niệm danh hiệu ngài để cho chúng sinh bớt khổ bớt nạn
      Con ngay cả một con kiến con cũng không dám giet nên con nghĩ niệm quán âm là để giúp người giúp vật ạ

    • Thiện Nhân

      A Di Đà Phật

      Gửi bạn Nguyễn Đăng Kiêm,

      *TN hỏi bạn chính là vì ý nghĩa đó. Nếu bạn có thể niệm Quán Thế Âm Bồ Tát tới giác ngộ, tâm khai thì việc bạn thuộc hay không thuộc đại nguyện của Ngài không cần phải đặt ra nữa, bởi lúc đó một niệm bạn có thể vi hành tam giới để độ sanh. Nhưng nếu điều đó chưa đạt đến thì điều đầu tiên bạn phải nghĩ, phải độ đó là chính mình. Và lúc đó những gì Liên hữu MD đã trao đổi với bạn là xác quyết.

      Chúc bạn thường tỉnh giác.

      TN

    • Nguyễn Đăng Kiêm

      Thưa thầy và cô con niệm danh hiệu quán âm bồ tát đại từ đại bi đã hơn 10 năm rồi
      Con có thể dùng ngoại cảnh để đoán trước được việc đúng sai ở thế gian
      Cho con hỏi con ở cảnh giới đó là cảnh ma hay cảnh Phật ạ
      Tuy con ko biết chuyện j sảy ra nhưng con lại biết trước được việc đó đúng hay sai nhờ ngoại cảnh
      Dù là bí mật đến mấy con cũng có thể đoán được đúng hay sai nhờ ngoại cảnh
      Con muốn hỏi đó là cảnh Phật hay cảnh ma ạ

    • Thiện Nhân

      A Di Đà Phật

      Gửi bạn Nguyễn Đăng Kiêm,

      Cảnh giới giữa Phật và Ma chỉ là một lằn ranh rất t vi tế. Chánh niệm thì ma là Phật, mất chánh niệm thì Phật là ma.

      Bạn hoan hỉ đọc một đoạn khai thị của HT Tịnh Không và nên đọc thật kỹ Kinh Thủ Lăng Nghiêm Phẩm 50 hiện tượng ấm ma Phật Thích Ca đã chỉ dạy rất cụ thể.

      Chúc bạn luôn tỉnh giác.
      ………………..

      “Đường Hải Đông Nguyên Hiểu sư vân” (sư Nguyên Hiểu ở Hải Đông vào đời Đường đã nói), Đường là nhà Đường, Hải Đông là Hàn Quốc hiện thời. Hàn Quốc có một vị pháp sư tên là Nguyên Hiểu (Wonhyo)[3], Ngài sang Trung Quốc học, thân cận Thiện Đạo đại sư, làm đệ tử của Thiện Đạo đại sư, sau khi trở về nước giáo hóa một phương, là bậc đại đức của Tịnh Tông Hàn Quốc. Ngài nói như sau: “Tứ thập bát nguyện, tiên vị phàm phu, kiêm vị tam thừa thánh nhân” (Bốn mươi tám nguyện trước là vì phàm phu, sau là vì kèm thêm thánh nhân trong tam thừa). Nói rất hay, nếu chẳng khế nhập cảnh giới sẽ không thể nói ra lời này! Từ cảnh giới này, chúng ta cảm ơn Phật Di Đà, Phật Thích Ca vô hạn, vì sao? Không do pháp môn này, lũ phàm phu chúng ta chẳng thể thành tựu; do pháp môn này mà thành tựu của chúng ta vượt trỗi tam thừa thánh nhân. “Tam thừa”: Đại Thừa là Bồ Tát, Trung Thừa là Bích Chi Phật, Tiểu Thừa là A La Hán; vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới vượt trỗi các vị ấy. Các Ngài gặp nhiều khó khăn hơn chúng ta, vì sao? Các Ngài có chấp trước, có Sở Tri Chướng, chẳng tin tưởng pháp môn này. Tuy chúng ta có chướng ngại, nhưng do thiện căn đời trước sâu dầy, nói thật thà là chúng ta vừa nghe pháp môn này bèn hoan hỷ, vừa nghe đã muốn thật sự học, thật sự muốn sang thế giới Cực Lạc. Tuyệt đối chẳng phải chỉ trong một đời này, mà là trong quá khứ chắc chắn đã học pháp môn này. Vì thế, vừa tiếp xúc, chủng tử thiện căn trong A Lại Da bèn dẫn khởi sự tu tập trong đời trước, nên mới sanh khởi sức mạnh khiến tín nguyện kiên cố. “Khả kiến Tịnh Độ Tông chi diệu, thủ vi phàm phu đắc độ” (Có thể thấy điều mầu nhiệm của Tịnh Độ Tông là làm cho phàm phu đắc độ trước tiên). Đây là sự hay khéo của Tịnh Tông.

      Chúng ta xem tiếp đoạn thứ ba: “Tha lực diệu pháp, thiện hộ hành nhân” (diệu pháp tha lực, khéo hộ trì hành nhân). “Kỳ tha pháp môn toàn bằng tự lực, mạt thế tu hành đa chư chướng nạn” (những pháp môn khác hoàn toàn cậy vào tự lực, tu hành trong đời Mạt có lắm chướng nạn). Chúng ta phải ghi nhớ câu nói gồm mười sáu chữ này! Tám vạn bốn ngàn pháp môn, pháp môn nào cũng đều phải cậy vào tự lực, tự lực là gì? Đoạn phiền não, chứng Bồ Đề. Trong thời đại Mạt Pháp hiện tại, từ nay về sau, tu hành quả thật khó khăn. Kế đó, sách nêu ra thí dụ: “Lệ như Lăng Nghiêm trung, quảng minh hành nhân ư Thiền Quán trung chi ngũ thập chủng Ấm Ma can nhiễu” (Chẳng hạn như trong kinh Lăng Nghiêm đã giảng tường tận người tu Thiền Quán bị năm mươi thứ Ấm Ma quấy nhiễu). Lần này, chúng tôi không giảng về năm mươi thứ Ấm Ma nữa; nếu giảng năm mươi thứ Ấm Ma, có lẽ mất hai mươi tiếng đồng hồ vẫn chưa giảng xong. Nếu quý vị muốn biết, hãy xem kinh Lăng Nghiêm. Đọc kinh Lăng Nghiêm không hiểu thì coi chú giải. Chú giải kinh Lăng Nghiêm rất nhiều; tương đối đơn giản, dễ hiểu thì có thể đọc bộ Giảng Nghĩa của pháp sư Viên Anh trong thời cận đại. “Hành nhân chánh kiến sảo thất, tiện hãm ma võng” (hành nhân hơi mất chánh kiến, liền vướng vào lưới ma), chúng ta phải đặc biệt lưu ý câu này. Năm mươi thứ Ấm Ma, Ấm là Ngũ Ấm, tức Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, trong mỗi Ấm có mười thứ ma, [nên thành] năm mươi thứ. Quý vị thấy Sắc chính là cảnh giới hữu hình bên ngoài, cũng có thể nói là ngoại giới dụ dỗ, mê hoặc; bốn mươi thứ kia là phiền não trong nội tâm quý vị. Hễ quý vị bị dụ dỗ, mê hoặc, sẽ bị mắc lừa, chánh kiến vừa bị mất đôi chút bèn biến thành ma tuy quý vị vốn là Phật. Chánh kiến là gì? Mỗi tông phái khác nhau, mỗi pháp môn khác nhau, mỗi tông phái, pháp môn có chánh kiến khác biệt! Chánh kiến trong pháp môn Tịnh Tông là một câu Di Đà, chánh tri, chánh kiến. Quên mất A Di Đà Phật, tiếng tăm, lợi dưỡng dấy lên, xong rồi! Quý vị rớt vào ma giới. Quý vị phải biết: Đi theo con đường Tây Phương Cực Lạc thế giới này, nếu bước vào ngõ rẽ mà chẳng lập tức quay lại, chắc chắn sẽ mê mất phương hướng, đúng là muôn kiếp chẳng trở lại được! Trong một vạn kiếp, quý vị có thể tìm đường trở về hay chăng? Có vấn đề, chưa chắc đã có thể tìm được lối về. Bởi lẽ, trong quá khứ, lòng người thiện lương, phong tục xã hội thuần hậu, tu hành rất dễ dàng, bên ngoài chẳng dụ dỗ, mê hoặc như trong hiện tại. Hiện thời, sức dụ dỗ, mê hoặc không chỉ cao hơn quá khứ một trăm lần, đáng sợ quá! Các đồng tu học Phật đã lâu, đã từng học kinh Lăng Nghiêm, học kinh Đại Thừa đều biết [điều này], nhưng có thể đối phó những cảnh giới ấy hay không, rất khó nói! Vì thế, người tu hành bị đọa trong cảnh giới ma quá nhiều!

      Ở đây, cụ Hoàng nêu một ví dụ, quý vị phải từ ví dụ này mà răn dè, đây là nói về cảnh giới hiện tiền, khi cảnh giới Phật hiện tiền: “Bất tác thánh tâm, danh thiện cảnh giới, nhược tác thánh giải, tức thọ quần tà” (Nếu [thấy cảnh giới thù thắng hiện tiền] tâm chẳng nghĩ là đã chứng thánh thì cảnh giới ấy gọi là cảnh giới tốt lành. Nếu cho là ta đã chứng thánh quả, liền rớt vào các loài tà ma, ngoại đạo). Nêu ra thí dụ này để nói điều gì? Vừa hơi mất chánh niệm, quý vị liền đọa lạc. Trong xã hội hiện thời, cảnh giới này rất nhiều, thấy tướng lành, thấy A Di Đà Phật, thấy các cõi Phật, thật sự có người trông thấy, chẳng giả, thậm chí có mấy người cùng thấy. Trong xã hội hiện tại, còn có những trường hợp quỷ thần dựa thân rất nhiều, Trung Quốc lẫn ngoại quốc đều là như thế, những hiện tượng do ảo giác sanh ra cũng rất nhiều. Trong ấy có rất nhiều cảnh giới Phật, đó là thật hay giả? Sau khi quý vị thấy mà chẳng động tâm thì cảnh giới ấy là thật. Nếu khi quý vị thấy cảnh giới ấy bèn động tâm, cho là thật thì sai mất rồi! Quý vị phải biết: Hết thảy cảnh giới hiện tiền, quý vị vẫn như như bất động, những cảnh giới ấy sẽ là thật. Nếu cảnh giới hiện tiền, tín tâm dao động, khởi vọng tưởng, quý vị đã sai mất rồi, bị lừa rồi, cảnh giới ấy là cảnh giới ma! Do vậy, cảnh giới là ma hay là Phật chẳng do bên ngoài, mà do nội tâm quyết định. Nội tâm quý vị vẫn là Giới – Định – Huệ làm chủ thì cảnh giới bên ngoài đều là cảnh giới Phật; cảnh giới ma vẫn là cảnh giới Phật. Nếu quý vị khởi tâm động niệm, hoặc sanh tâm hoan hỷ, hoặc sanh tâm chán ngán, đều sai cả! Tâm quý vị bị động, hoặc dấy lên tham, sân, si, mạn, sai mất rồi! Đừng nên bị cảnh giới bên ngoài lay động. Người ta nói quý vị là vị Phật nào tái lai mà quý vị thật sự nghĩ đúng như vậy thì xong mất rồi, đã đọa vào cảnh ma mất rồi!
      (Trích Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa)

    • Mỹ Diệp

      A Di Đà Phật

      Mến chào Tuấn Trần!

      Cảm ơn bạn đã có lời thăm gởi! MD cũng thường lên ĐVCT, gặp phúc đáp hữu duyên thì chia sẻ. Không thấy tên MD trong các phúc đáp không có nghĩa là “vắng bóng” đâu ạ. 🙂

      Mến chúc bạn đủ sức khỏe để chèo lái con thuyền nguyện lực cập bến giác!

      Nam Mô A Di Đà Phật

Để Lại Phúc Đáp

Your email address will not be published.

Cỡ lớn nhất có thể upload: 2 MB. Thể loại được đính kèm: image, document. Drop files here