Niệm Phật Không Nên Tự LợiPháp môn niệm Phật của chúng ta đang tu tập là ‘dị hành đạo’, đạo dễ thực hành mà chẳng thể thành tựu, nguyên nhân là vì không thể buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, niệm niệm vẫn còn tự tư tự lợi. Dùng tâm niệm này tu học thì đúng như người xưa đã nói: ‘Hét bể cổ họng cũng uổng công’! Thế nên chỉ cần buông xuống ý niệm tự tư tự lợi thì niệm Phật nhất định sẽ đắc lực, thân tâm sẽ khinh an. Cho dù có một chút bịnh thì cũng chỉ vì ăn uống chẳng cẩn thận nên phát ra cảm mạo phong hàn mà thôi, sẽ chẳng sanh bịnh nặng.

Nếu thật sự nhìn thấu, buông bỏ tự tư tự lợi, niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ, trong kinh Di Ðà nói: “Nếu (niệm) từ một ngày đến bảy ngày” sẽ được thành công. Những người y giáo tu hành xưa nay niệm Phật vãng sanh rất nhiều, phổ biến nhất là từ hai đến ba năm thì vãng sanh.

Tại sao có người chẳng nhiều hơn bảy ngày, có người lại phải niệm hai ba năm? Người tin sâu nguyệt thiết, thực sự niệm đến khi mất hết những tâm niệm tự tư tự lợi thì tự nhiên cảm ứng hiện tiền, công phu thành tựu.

Chúng ta xem trong Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện, vào đời nhà Tống pháp sư Oánh Kha tin sâu nguyện thiết niệm ba ngày liền thành công. Nếu lòng tin và nguyện lực chưa đạt đến mức khẩn thiết thì phải niệm hai, ba năm. Thế nên những người này ‘sanh tử tự tại’, chẳng phải là thọ mạng chấm dứt mà là thọ mạng hãy còn nhưng họ bỏ ra đi sớm, đạo lý là như vậy.

Chúng ta nhìn thấy có nhiều người ra đi rất tiêu sái (tiêu sái nghĩa là nhàn hạ, chẳng vướng bận) tự tại, chẳng có bịnh khổ, [làm cho người khác] vô cùng hâm mộ. Tôi thường nhắc nhở mọi người, chúng ta nhất định phải làm được. Nếu làm chẳng được thì trong lúc bịnh nặng, thân thể chịu sự sắp đặt của người khác, tự mình chẳng thể làm chủ, sẽ chẳng nắm chắc việc vãng sanh, thế nên bây giờ phải dự bị cho tương lai.

Phương pháp tốt nhất là chẳng cần người khác chăm sóc, có thể dự biết trước ngày giờ ra đi, muốn đi lúc nào thì ra đi lúc đó. Nhất định phải hạ quyết tâm làm việc này cho bằng được thì đời này mới chẳng luống uổng. Những việc còn lại toàn là giả, chỉ có việc này là thật mà thôi. Chúng ta nói về ‘tự lợi’, đây mới thực sự là tự lợi.

Nhưng ‘tự lợi’ phải được xây dựng trên cơ sở của ‘lợi tha’. Trong đời sống sinh hoạt thường ngày, khởi tâm động niệm đều vì chúng sanh chứ chẳng vì mình. Suy nghĩ cho mình là sai lầm, phải nghĩ cho chúng sanh, quên mất cái ‘tôi’ đi. Nhất định phải vì chúng sanh thì tâm niệm tự tư tự lợi mới có thể đoạn trừ; chỉ cần đoạn trừ thì công phu tu học mới có thể nắm chắc.

Chúng ta niệm niệm nghĩ đến chúng sanh, chúng sanh là chúng duyên hòa hợp mà sanh, bao gồm cả động vật, thực vật, và khoáng vật. Thí dụ cái bàn không sạch thì mình chùi cho sạch; cái ghế không ngay ngắn thì mình sắp cho nó ngay ngắn, như vậy đều là vì chúng nó. Cách làm này tức là Lễ Kính Chư Phật trong mười nguyện Phổ Hiền, kính người, kính sự, kính vật.

Ðừng nên có tâm riêng tư, dục vọng, tâm niệm muốn chiếm hữu (chiếm đoạt), tâm niệm chiếm hữu này là căn bản của sanh tử luân hồi, là nguồn gốc của hết thảy tội nghiệp; chúng ta phải nhổ trừ tội căn này. Tại sao không được chiếm hữu? Phật dạy ‘Hết thảy pháp đều không’, ngạn ngữ cũng nói: ‘Sanh chẳng mang đến, chết chẳng mang theo’, vậy thì tại sao có thể chiếm hữu được? Ðây là từ trên hiện tượng thô thiển mà nói.

Ði sâu thêm thì Phật dạy: ‘Hết thảy các pháp do nhân duyên sanh, chẳng có tự tánh, đương thể tức không, trọn chẳng thể được’ (Nhất thiết chư pháp, nhân duyên sở sanh, vô hữu tự tánh, đương thể tức không, liễu bất khả đắc), chẳng những các vật ngoài thân chẳng thể được, ngay cả thân thể này cũng chẳng thể được.

Chẳng có tâm chiếm lấy, chiếm hữu những vật ngoài thân, đối với thân thể cũng chẳng có ý niệm là thân ‘của mình’, như vậy thì vấn đề sẽ được giải quyết. Lúc đó ‘Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật’, quyết định sẽ sanh Tịnh Ðộ. Ðó là giải thoát ra khỏi lục đạo luân hồi, ra khỏi thập pháp giới. Ðược vậy thì may mắn lắm!

Từ vô thỉ kiếp đến nay chúng ta chẳng gặp được duyên thù thắng, đời này rất may đã gặp được. Trong Quán Kinh chú giải Thiện Ðạo đại sư nói: ‘Cửu phẩm vãng sanh đều là do gặp được duyên khác nhau’ (Cửu phẩm vãng sanh, tổng tại ngộ duyên bất đồng).

Nói một cách khác khi gặp duyên thù thắng thì phàm phu cũng có thể vãng sanh thượng thượng phẩm; Bồ Tát nếu chẳng gặp duyên thù thắng thì lại vãng sanh vào phẩm trung, hạ. ‘Duyên’ rất khó gặp, ấy là ‘có thể gặp mà chẳng thể cầu’. Trong kinh giảng ‘thiện tri thức là duyên’. Nếu được thiện tri thức hướng dẫn, thiện hữu nâng đỡ, đồng tham đạo hữu tốt, đạo tràng tu hành tốt, thì tu hành sẽ chẳng có chướng ngại.

Hiện nay chúng ta đã có đầy đủ duyên này, đã được nhưng vẫn chẳng thể thành tựu, vậy thì chỉ có thể trách mình, không thể trách kẻ khác. Nhất định phải biết cơ duyên thù thắng như vậy ‘trăm năm, vạn kiếp khó gặp được’, ‘trong vô lượng kiếp hiếm hoi khó gặp’, có thể thành tựu được hay không, mấu chốt nằm ở chỗ đột phá, phá trừ ‘tự tư tự lợi’.

Phương pháp đột phá là niệm niệm vì chúng sanh, nhất định chẳng vì chính mình; nếu vì mình thì nên vãng sanh Tịnh Ðộ sớm hơn. Thân thể còn lưu lại nơi thế gian này, mỗi ngày đều phải phục vụ cho chúng sanh, như vậy là hoàn toàn giống với hạnh nguyện của chư Phật Như Lai, [làm vậy] bạn sẽ được đại tự tại. Ðạo lý và sự thật này chúng ta phải hiểu tường tận, y giáo tu hành.

Phương Hiếu