Niệm Phật Nhất Tâm Bất LoạnKhi một hành giả đạt đến trình độ nhất tâm là có thể nói là: “Niệm mà chẳng niệm”, nghĩa là vẫn niệm nhưng chẳng có thêm vào một ý niệm là có ta đang niệm. “Chẳng niệm mà niệm”, lúc này, danh hiệu Phật cứ tuôn chảy tự nhiên như dòng thác mà chẳng gián đoạn. Do đó, quý vị thấy căn bản của nhất tâm là không có tâm phân biệt “niệm” hay “không niệm”, “phân minh” hay “không phân minh”. Khi tu tập, tránh trường hợp thấy mình niệm Phật rất hay rất tốt, không có vọng niệm, đây chẳng phải là nhất tâm mà là loạn tâm. Vì sao vậy? Vì họ còn có cảm giác, còn có cảm giác mình niệm rất tốt!

Thường người niệm Phật, không có vọng niệm thô cũng có vọng niệm tế phân biệt “tôi đang niệm danh hiệu Phật”. Đây là ý thức phân biệt. Tôi là năng niệm, danh hiệu Phật là sở niệm, đó cũng là vọng tưởng. Chúng ta càng công phu càng tiến lên thì chẳng có phân biệt tôi là năng niệm, Phật là sở niệm. Ý thức vừa khởi phân biệt mình phải tỉnh giác để tu tập. Có nhiều người khi tu, thấy mình có tu, người khác không tu hoặc tu không bằng mình, đây là tâm phân biệt. Nếu quý vị không tỉnh biết thì càng tu càng ngạo mạn, nhân ngã… Cho nên, người niệm Phật tức là “năng” danh hiệu Phật là “sở”, năng sở hợp thành một. Khi ấy, thâu nhiếp cả ba là: Căn, trần, thức đưa đến nhất tâm.

Trích Khai thị khóa tu Phật thất
Tác giả: Thích Nhuận Nghi

Video pháp thoại ghi lại những lời vàng ngọc của đại đức Thích Trí Huệ về vấn đề nhất tâm bất loạn. Bao gồm:

1- Mục đích của việc niệm Phật.
2- Khái niệm của niệm Phật nhất tâm bất loạn.
3- Điều kiện cần và đủ để đi đến niệm Phật nhất tâm bất loạn.
4- Một số kết quả khi chúng ta niệm Phật đạt nhất tâm bất loạn.