Chọn Pháp Môn Trong Thời Đại Văn MinhĐời người ngắn ngủi chập chờn như giấc chiêm bao không thật có. Bao toan tính xây dựng hoa mộng trong đời là việc nửa chừng bỏ dở, rồi theo nghiệp mà đi để quay về mang kiếp hình khác, lại tiếp tục xây mộng giả. Nhưng nghiệt ngã thay cho nghiệp thức kia không chỉ chọn cảnh người mà tránh cảnh thú, hay ngạ quỷ, địa ngục…Vì vô minh vọng ác chẳng kể gì đêm tối hố thẳm, nghiệp thức đã tạo phải trầm luân mãi sáu nẻo luân hồi.

Thương cho chúng sanh cứ lao theo trần cảnh chẳng muốn quay về. Đức Phật từ bi giảng dạy đủ mọi phương tiện pháp môn, hầu tùy tâm tự thích chọn lựa. Người tâm tưởng sáng suốt, tư duy nhạy bén căn tánh lưu thông thì chọn pháp môn đốn giáo nhận thẳng chân tâm, thấy tánh là Phật như pháp tu Thiền định. Người muốn đi sâu vào lý pháp chân như của vạn pháp Phật mầu thì chọn pháp tu Viên giáo theo Hoa Nghiêm tông v.v…Và người muốn nương vào Phật lực cùng với tâm lực cầu sanh về cảnh Phật để hoàn tất con đường tu thì chọn pháp môn Tịnh Độ chẳng hạn.

Tất cả những phương tiện như vậy đều đưa chúng sanh về đến mục tiêu giải thoát. Tuy nhiên dù con đường đã sẵn có, mục tiêu quá rõ ràng vậy mà vẫn còn xa tít mờ mịt với chúng ta. Có phải chăng đời nay đúng là đời mạt pháp. Trong quyển “Phật Học Tinh Yếu” của cố Hoà Thượng Thích Thiền Tâm phần nói về Phật Pháp Trong Ba Thời có tóm lược bốn thuyết về thời kỳ Phật pháp “…Các bậc danh đức bên Trung Hoa đều thể dụng thuyết chánh pháp 500 năm, tượng pháp 1,000 năm, và y-cứ theo kinh Đại Bi thêm vào phần mạt pháp 10,000 năm (9).” Và Nhơn Vương Kinh Sớ nói: “có giáo lý, có hành trì, có quả chứng gọi là chánh pháp. Có giáo lý, có hành trì không quả chứng, gọi là tượng pháp. Có giáo lý không hành trì, không quả chứng, gọi là mạt pháp (10)”.

Có thể nghĩ rằng thời tượng pháp không phải không có người chứng đạo, nhưng vì khó gặp khó thấy nên ví là không. Riêng thời mạt pháp cũng vậy, kẻ hành trì đúng pháp khó thấy khó gặp, chớ không phải không có. Từ đây lại thấy, thời mạt pháp người hành trì mà còn khó thấy, nói chi người chứng quả. Xét lại điều nói trên không phải cho là hoài công vô ích ở việc tu hành đời nay; mà đây là lời cảnh tỉnh để thức ngộ tánh giác cho việc giải quyết sinh tử. Vậy thì suy ra con đường tu tập của chúng ta phải thế nào để gọi là có hành trì và chỉ cần có hành trì thôi cũng là quý lắm rồi. Vì ngay thời tượng pháp có hành trì mà còn không quả chứng huống chi thời mạt pháp kinh nói không có hành trì, nghĩa là hành trì không đúng theo chánh pháp vậy, hay rõ hơn hành trì không đem đến sự thoát ly sinh tử. Thế thì làm sao giải quyết xa lìa sinh tử luân hồi ?

Trong đường nan giải mịt mù này ta hãy quan sát tìm lại con đường nào khả dĩ giúp ta không hoài công phí sức có được một chút hành trì cho đúng nghĩa của hành trì mà Phật dạy trong đời mạt pháp. Xem lại pháp môn tu của Phật, được biết đến hiện nay gồm có mười pháp môn tu theo mười tông phái: 1) Câu Xá Tông, 2) Thành Thật Tông, 3) Tam Luận Tông còn gọi là Tánh Không Tông,4) Duy Thức Tông còn gọi là Pháp Tướng Tông, 5) Pháp Hoa Tông còn gọi là Thiên Thai Tông 6) Hoa Nghiêm Tông còn gọi là Hiền Thủ Tông 7) Luật Tông, 8) Thiền Tông, 9) Tịnh Độ Tông 10) Mật Tông còn gọi là Chơn Ngôn Tông.

Trong các pháp môn của những tông này hẳn nhiên là những con đường chắc chắn tiến tới giải thoát. Tuy thế trong các môn đây chỉ có pháp môn Tịnh Độ là có tha lực của đức Phật hộ trì tiếp dẫn. Còn lại các môn khác đều hầu như do tự lực hành đạo. Việc tự lực này không nói ai cũng rõ là phải khó hơn là nhờ tha lực. Lại hiểu đơn giản của tự lực là tự mình quyết định, tự mình tầm kiếm, tự mình đến nơi, và nếu có nhờ tha lực thì cũng nhờ rất ít, chớ thâm tâm tư tưởng vẫn hằng nuôi ý chí độc lập vào nghị lực của cá nhân mình.

Với ý nghĩ như vậy, thì người tu các pháp môn khác không phải là Tịnh Độ mà được quả chứng, phải là người có đầy đủ nghị lực, hay nói cho đúng phải là bậc thượng căn, thượng trí …

Thời Phật còn tại thế Ngài đã không nói là phương pháp này khó, phương pháp kia dễ, phương pháp này các ông nên tu, phương pháp kia các ông nên bỏ v.v…mà Ngài chỉ nói ra những điều chân lý, tùy hợp với căn cơ của mỗi người. Trong Phật pháp do đó nghe nói đến khế kinh có nghĩa kinh hợp với chân lý và căn cơ, thời đại hiểu biết của chúng sanh.

Vậy thì xét lại trí lực, căn cơ của con người bây giờ và hoàn cảnh thời đại ngày nay cách Phật quá xa, có thể cho ta một quyết định chọn lựa pháp môn sao cho thích hợp để hành trì mà không uổng tiếc.

Ôi thật may thay con đường thẳng tắp lối đi sáng tỏ đã được đức Phật chỉ bày rõ ràng dễ hiểu đó là con đường Tịnh Độ. Đường đi Tịnh Độ không phải gian nan hiểm trở, không phải đơn độc hành trì, và lại càng không phải đòi hỏi hành giả trí lực cao thâm, căn cơ trung, thượng hoàn cảnh nhất định nào đó v.v…

Đường đi Tịnh Độ chỉ là lối đi êm ái nhẹ nhàng trong niềm tin mãnh liệt của chánh pháp. Bất cứ người nào, không phân biệt nhỏ lớn, giàu nghèo, si mê, trí tuệ nếu sống đúng nhân cách thương người, mến vật rồi thực hành pháp môn này không kể ít hay nhiều chỉ thành tâm tha thiết thì nhất định sẽ được Phật gia hộ, khi lâm chung chắc chắn sanh về thế giới Phật A Di Đà.

Đặt trọn niềm tin với tịnh độ không có nghĩa là phó thác, ký nhờ. Người thực hành pháp môn này cũng phải gia công gắng sức nhớ ghi, quán tưởng, nhất tâm trì danh hiệu Phật, và với sự dụng công này, cũng được xem phải có tự lực. Cho nên pháp môn Tịnh Độ không hoàn toàn có nghĩa nhờ tha lực. Pháp tu Tịnh Độ lại có điều huyền diệu là không bị lệ thuộc vào chướng duyên nào trong việc hành trì. Hành giả niệm Phật có thể niệm Phật bất cứ nơi đâu mà không lo ngại nơi đây thanh tịnh nơi kia ô nhiễm. Do không hạn cuộc nên mới thích hợp với thời đại văn minh ngày nay.

Có người nghĩ rằng lao đầu vào công việc sinh nhai hẳn phải tạo nhiều nghiệp ác, nhưng lẽ nào khi ngã bệnh lại nhớ niệm Phật vài câu mà được vãng sanh? Trong kinh Na Tiên Tỳ Kheo, nhà vua khi thưa hỏi với tỳ kheo Na Tiên cũng có nghi vấn như vậy. Vua hỏi “Nói rằng người ở thế gian làm điều ác đến trăm năm khi chết nếu biết niệm Phật, sau khi chết được sanh lên cõi trời, lời nói như vậy, tôi không tin. Lại nói một khi sát sanh chết liền đọa vào địa ngục Ni Lê, tôi cũng không tin. Tỳ kheo Na Tiên đáp: Có người cầm viên đá nhỏ để trên mặt nước, đá đó nổi hay chìm? Vua trả lời chìm vậy. Na Tiên Tỳ-Kheo nói, như bưng trăm tảng đá lớn để trên chiếc thuyền, thuyền kia chìm hay nổi? Vua đáp: không chìm vậy. Tỳ kheo Na Tiên nói rằng: Trăm tảng đá lớn để trong thuyền, thuyền vẫn không chìm. Người tuy có đại ác, nếu một khi biết niệm Phật, nhờ đó mà không đọa vào địa ngục Ni Lê, liền sanh lên cõi trời sao lại không tin? Viên đá nhỏ kia chìm như người làm ác không biết có Phật, không biết niệm Phật, sau khi chết đọa vào địa ngục Ni Lê, chuyện đương nhiên như thế, vì sao lại không tin? Nhà vua nói: hay thay ! hay thay !(11)”

Thế thì chúng ta thấy, xét cho cùng ở hoàn cảnh, tình huống mà con người phải bị lôi kéo vào dòng thác lũ của vật chất, văn minh dục lạc, thì lối thoát trở về với chân tâm khó có thể tìm ra được bằng con đường tự thân, tự lực. Trong quyển “Các tông phái đạo Phật”(12) của Đoàn Trung Còn, phần nói về tông Tịnh Độ có nhắc đến Ngài Pháp Nhiên bên Nhựt. Trong thời gian tu hành thiền niệm Ngài đã đọc hết năm ngàn quyển kinh trong ba tạng kinh bằng chữ Hán, lại xem hết các kinh dẫn giải về đức Phật A Di Đà của tổ sư Viễn Công bên Tàu. Xét thấy hoàn cảnh, căn cơ thích hợp với pháp môn Tịnh Độ nên Ngài quyết định hành trì, chọn lựa pháp môn Tịnh Độ làm con đường hoằng hóa. Cuộc đời tu hành của Ngài được rất nhiều người kính mộ. Ngài được tôn là vị Giáo tổ kể từ đó. Trước khi nhắm mắt Ngài có viết tờ chúc truyền lại cho môn đệ như sau: “Đời nay không phải tham thiền thẩm xét về trí như mấy bậc hiền xưa. Đời nay ta phải thành tâm mà tưởng Phật, niệm Phật. Ta sẽ được về nơi Phật quốc, ta sẽ được giải thoát chớ chẳng không. Vậy ta cứ niệm Phật một cách vững vàng …” Lúc Ngài thọ bệnh mà tịch cập môi vẫn không ngớt niệm A Di Đà. Ngài hưởng thọ bảy mươi chín tuổi, mất năm 1212 cách đây hơn bảy trăm năm.

Qua lời dạy của Ngài chúng ta thấy một điều chắc chắn pháp môn Tịnh Độ hẳn phải là con đường dễ nhất làm ngọn đuốc dẫn chúng sanh ra khỏi đêm tối luân hồi. Bởi cách đây hơn bảy thế kỷ mà Ngài dạy là đời nay không phải tham thiền, thẩm xét, tư tưởng học hỏi trí tuệ như bậc hiền xưa, thì thử hỏi sau bảy trăm năm nền văn minh vật chất đã quá tiến bộ, phức tạp, con người lại phải chạy theo đà văn minh rầm rộ này thì nghĩ lại lời Ngài dạy ta phải giựt mình. Tuy nhiên ta cũng nên hiểu thêm, điều Ngài nhấn mạnh ở việc niệm Phật cầu vãng sanh là then chốt chớ không phải bát bỏ học hỏi, tư tưởng v.v…Như thế việc nhận ra khả năng và hoàn cảnh để chọn cho mình một lối tu là một điều thực tiễn mà mỗi người chúng ta phải tự lo liệu.

Kết lại đời nay đã rõ ràng không phải là thời chánh pháp hay tượng pháp, thế nên chúng ta hãy nhìn lại những bước đi của người trước mà thực hành theo pháp môn huyền diệu này như trong Đại Tập Kinh đã dạy: “Mạt thế ức ức người tu không có một người giải thoát; chỉ nương pháp môn niệm Phật mà ra khỏi luân hồi (13).”

Trích Hương Thơm Niệm Phật
Thích Phổ Huân