Hạnh Tu Tịnh Độ Chánh và PhụTrong thời mạt pháp này, người con Phật muốn thoát khỏi sanh tử luân hồi chỉ có con đường tắt là tu Tịnh độ, nương theo Phật lực ‘đới nghiệp vãng sanh’, chỉ cố gắng niệm một câu A Di Đà Phật sao cho thuần thục. Công đức danh hiệu rất lớn, vi diệu không thể nghĩ bàn :

“Niệm Phật một niệm phước sanh vô lượng
Lễ Phật một lễ tội diệt hà sa”

Là một phật tử học Phật, tìm ra được pháp môn hợp với căn cơ, tin theo và thực hành, lập định khóa công phu tụng kinh, niệm Phật hàng ngày nhằm tránh lười biếng, giải đãi thì con đường giải thoát khỏi luân hồi sinh tử mới được mở rộng.

Ngày nay chứng kiến được rất nhiều quý vị Phật tử làm từ thiện. Mọi người trong xã hội hiện giờ tham gia làm việc thiện rất nhiều như xây nhà tình nghĩa, xây dựng cầu đường, trường học, bệnh viện, nuôi trẻ em cô nhi, tài trợ học bổng, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, giúp dân xóa đói giảm nghèo hoặc làm các việc Phật sự như phóng sanh, đi cúng dường các chùa, in kinh sách, ấn tống đĩa …. và dành cả đời để làm việc đó.
Từ thiện là việc làm lành xuất phát từ tâm từ đáng khuyến khích. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định rõ là giúp người hay làm từ thiện, làm Phật sự… là những hạnh phụ để trợ duyên thêm cho niệm Phật. Việc thiện hay Phật sự tùy duyên mà làm nếu như không ảnh hưởng đến công phu tu tập thì làm, còn nếu ảnh hưởng đến việc tu tập thì nên tránh vì cần xác định việc tu hành chú trọng nhất là giải thoát. Tất cả những việc thiện khác đều chỉ là phụ, là trợ duyên cho hạnh chính. Nếu như chúng ta tham thiện, đến lúc nào đó chúng ta bị cuốn hút theo, chạy theo cái phụ mà bỏ quên luôn cái chính. Thiện có quả thiện, nhưng đó cũng chỉ là quả báo Trời, người, vẫn phải chịu luân hồi sanh tử. Có phước báo lớn nhưng chính trong môi trường này rất dễ tạo tội nghiệp.

Chúng ta cứ quan sát rõ thấy người giàu trong thế gian đa phần là hưởng thụ rồi tạo thêm nhiều nghiệp chướng mới. Đến khi hưởng hết phước rồi lại phải sa vào tam ác đạo vậy có oan uổng không? Cho nên hễ xác định tu niệm Phật giải thoát là chính, còn tất cả việc lành khác đều là phụ thì người Phật tử chúng ta đã có định hướng chắc chắn. Việc phụ nếu thuận đủ điều kiện, đủ duyên thì làm, không đủ điều kiện tuyệt đối không làm. Không thuận duyên mà cố gắng quá sức để làm gọi là phan duyên. Phan duyên thì tự chuốc lấy phiền não. Cứ lo chạy theo nó mà bỏ tu tập giải thoát thì lệch đường tu mất rồi. Việc thiện làm xong hồi hướng Tây Phương rồi buông bỏ luôn, tâm sẽ không lưu luyến, không bận lòng dính mắc.

Em gái người viết cũng đã từng tụng kinh niệm Phật hàng ngày, bên cạnh đó cũng đi từ thiện cứu giúp đỡ nhiều người khác. Việc làm này cuốn hút đến độ dần dần em bỏ cả việc tụng kinh niệm Phật để theo đoàn từ thiện đi nhiều ngày trong tháng. Em mất thời gian vì công việc này, lúc nào đầu óc cũng trăn trở lo cho việc từ thiện được đủ tài trợ, được chu toàn. Do đó em trở nên lơ là với tu tập giải thoát. Phải mất một thời gian giải thích, khuyên nhủ em mới bắt đầu lập công phu hàng ngày trở lại.
Kinh Vô Lượng Thọ, Phẩm 47 có ghi:

“Thân người khó được, Phật khó gặp.
Tín huệ nghe pháp khó trong khó”

Có được thân người, lại gặp ngay pháp môn Tịnh độ này, nhất là quyết niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc mà tin được thì những người con Phật chúng ta đã gieo thiện căn phước đức bao đời bao kiếp, cúng dường biết bao vị Phật mới có được niềm tin Tịnh độ và hành trì.

Vì vậy, kính mong quý vị Phật tử chúng ta ai cũng nhận diện kỹ đâu là chánh hạnh, đâu là phụ để một đời quyết giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Phụ chỉ là trợ duyên cho chánh, hễ thuận thì làm, nghịch thì thôi. Chuyên tu chánh hạnh để hưởng được sự an vui cõi Cực lạc sau khi mãn báo thân này hơn là tập trung tu phụ hạnh hưởng quả báo nhân thiên một lúc rồi sau đó mãi trôi lăn theo vòng sanh tử luân hồi cho đến vạn kiếp không thoát ra nổi.

Diệu Âm Lệ Hiếu