Làm Thân Lừa Để Trả Nợ Cho Con Trai Suốt 18 NămTĩnh Am Đại Sư có nói trong bài văn Khuyến Phát Tâm Bồ Đề:

“Đánh lừa bật máu ai hay cái bi thảm của mẹ ta
Dắt lợn vào lò đâu biết cha ta đau đớn.”

Khi xưa ở Nam Kinh Trung Quốc có 1 gia đình có truyền thống nuôi lừa, cha truyền con nối. Rồi người cha mất đi, để lại 2 mẹ con phải sống cảnh mẹ quá con côi. Mẹ nuôi con khôn lớn rồi mất đi, người con tiếp tục truyền thống nuôi lừa. Trong nhà có nuôi một con lừa đã già. Tuổi thọ của nó sống đến 18 tuổi. Vì quá già cho nên mỗi lần chở hàng nặng ra chợ để bán, người con thường dùng roi đánh vào lưng lừa rất mạnh để nó đi. Mỗi lần đánh như vậy, con lừa 2 hàng nước mắt chảy dài. Thực chất vì tuổi già nên con lừa không đủ sức kéo. Người chủ cứ tưởng con lừa này ăn no rồi làm biếng nên đánh cho nó sợ. Một hôm nọ, người con này nằm mộng thấy mẹ đứng bên đầu giường nói:

– Vì mẹ đã ăn trộm của con 18 đồng tiền vàng, nên mẹ đã sanh trở lại làm thân lừa để trả nợ cho con suốt 18 năm. Con có biết suốt 18 năm qua mẹ đau khổ biết dường bao? Mỗi lần con dùng roi đánh vào thân lừa, mẹ đau thấu xương. Đau đớn hơn nữa là chính đứa con ruột của mình đánh đập tàn nhẫn mà mẹ không nói cho con nghe được. Giờ đây mẹ đã trả xong nợ cho con rồi. Ngày mai này mẹ ra đi. Trước khi ra đi mẹ về báo mộng cho con. Mẹ khuyên con rằng kể từ nay con dừng tay lại, đừng nhẫn tâm giết hại các loài vật vì biết đâu đó là cha mẹ của con nhiều đời nhiều kiếp. Chính mẹ của con hôm nay mà con nào hay nào biết đã đánh đập tàn nhẫn mẹ suốt 18 năm qua đó.

Giật mình thức dậy, người con không biết hư thật ra thế nào, cậu ta mới chạy ra chuồng lừa thì biết rằng con lừa già đó đã chết rồi. Sau đó anh ta bán hết lừa và đi tu.

Có 1 tên đồ tể hằng ngày dắt lợn đến lò thịt, mỗi ngày giết ít nhất 3 con. Một hôm nọ, anh ta ngủ dậy trễ đang trên đường dẫn lợn đến lò thịt để mổ, con lợn bỗng ghị lại không chịu đi. Anh ta đánh đập tàn nhẫn mà con lợn vẫn không chịu đi. Có một khách bộ hành bắt gặp bảo:

– Anh cứ để đó tôi sẽ có cách cho nó đi. Sau đó người này liền gọi:

– Lý Đẩu, Lý Đẩu! Lại đây! Tức thì con heo liền lại gần người khách.

Người chủ bất ngờ hỏi:

– Anh có biết Lý Đẩu là tên ai mà anh gọi vậy? Lý Đẩu là tên của cha tôi đấy. Anh không phải là dân vùng này, vậy tại sao anh biết và gọi tên con heo là Lý Đẩu?

Người khách bảo:

– Lý Đẩu là con heo này và cũng chính là cha của anh. Do cha anh kiếp trước sát sanh quá nhiều bây giờ tái sanh lại làm heo để trả nghiệp.

Quay lại thì người khách biến mất, hoá ra người khách ấy chính là Quan Thế Âm Bồ Tát hoá thân.

Theo http://dinhhuutri.blogspot.com