Không Phát Bồ Đề Tâm Không Thể Vãng Sanh Cực LạcĐại cương lãnh của pháp môn niệm Phật là “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”.

Phát Bồ-đề tâm là việc quan trọng chính yếu nhất cần phải làm đầu tiên, kế mới đến việc niệm Phật. Kinh Hoa nghiêm dạy: “Vong thất Bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp,” nói rõ thẳng rằng nếu quên mất Bồ Đề tâm, thì dẫu tu tất cả các thiện pháp cũng chỉ là ma nghiệp. Vì sao? Vì nếu không có tâm Bồ Đề, thì những việc tu hành ấy là giả tạo, vì tâm cứ rong ruổi hướng theo thinh trần bên ngoài để tìm cầu, tu như vậy cũng vô dụng vì chỉ là tạp độc.

Ngài Tỉnh Am đại sư nói: kẻ tội nhân trong cõi địa ngục mà còn phát Tâm Bồ Đề từ bao kiếp trước, huống chi đã làm người, lại làm con Phật, mà không lập đại nguyện (phát Bồ Đề tâm) ngay trong đời này?

Bồ-đề tâm là gì?

– Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Phật nói: “Nếu có chúng sanh nguyện sanh Cực Lạc thế giới, phát ba thứ tâm liền được vãng sanh. Những gì là ba tâm? Một là chí thành tâm, hai là thâm tâm và ba là hồi hướng phát nguyện tâm. Người đủ ba tâm ấy, quyết được vãng sanh về cõi nước kia.”

– Trong kinh[1] Vô Lượng Thọ, nguyện thứ 18 của đức Phật A Di Đà: “Khi con thành Phật, chúng sanh mười phương, nghe danh hiệu con, chí tâm tin ưa, thiện căn có được, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh cõi con, dẫu chỉ mười niệm, nếu không được sanh, thề không thành Chánh Giác. Ngoại trừ những kẻ phạm tội Ngũ Nghịch, phỉ báng Chánh Pháp.”

Hai câu kinh văn (in đậm) ở 2 đoạn trên cũng tương đồng với lời dạy của Đại Sư Ngẫu Ích: “Được vãng sanh hay không hoàn toàn do Tín và Nguyện có hay không, còn phẩm vị cao hay thấp hoàn toàn do trì danh sâu hay cạn!” Có nghĩa chân tín và nguyện thiết đích thực là Bồ-đề tâm. Khi đã chân thành kiên cố phát tâm Bồ-đề rồi, thì dầu niệm Phật chưa được nhất tâm cũng có thể vãng sanh.

Xưa nay, Bồ-đề tâm được giải thích với nhiều lý luận khác nhau trong các Tông phái của Phật giáo. Theo phạm vi của pháp môn Tịnh Độ, dựa trên kinh Quán Vô Lượng Thọ thì có 3 loại tâm, đó là Chí thành tâm, Thâm tâm và Hồi hướng phát nguyện tâm, là người con Phật nếu hội đủ 3 thứ tâm này tất sẽ được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Chí thành tâm: Thiện Đạo Đại Sư nói, tâm chí thành là tâm trung tín, chân thật, không hư ngụy, giả dối. Chân là chân tâm, không hư dối, bất biến, bất nhị; người có tâm chân thành thì mọi hành vi (thân, khẩu, ý) khi đối xử với người và vật đều phải dụng cái tâm thành thật, không ích kỷ, giả dối.

Thâm tâm: Thiện Đạo Đại Sư gọi thâm tâm là thâm tín tâm;nghĩa là tâm sâu tín thiết nơi giáo lý của Phật. Thâm tín nhân quả thiện ác, tin rằng mình (phàm phu) vì những tội ác đã tạo nên phải trải qua vô lượng kiếp hằng đọa tam đồ chịu nhiều nỗi khổ, và vô lượng số kiếp đến nay đã phải qua lại trong 6 nẻo.Phải biết tự quán sát lỗi mình, tự biết nghiệp tội của mình mà cố gắng đoạn ác tu thiện, chuyên tâm sám hối. Nên xét thấy những tham sân si mạn nghi sanh khởi từng sát na, làm dấy lên vô biên phiền não trong tâm, mà hiểu rằng cần phải dùng vô lượng thiện pháp mới hòng đối trị chúng, và luôn quán rằng: “Xét xem ba cõi như lao ngục, nhìn sanh tử như oan gia[2]. Thâm tín nơi nguyện lực rộng sâu của Phật A Di Đà, tin rằng thường niệm danh hiệu Phật thì nhất định sẽ vãng sanh thế giới Cực Lạc, và Phật A Di Đà nhất định dùng oai lực để nhiếp thọ hóa độ chúng sanh thành Phật.Tin rằng cảnh giới Tây Phương Cực Lạc và tất cả các sự tướng ở nơi cõi ấy đều là sự thật.

Hồi hướng phát nguyện tâm: Trong Kinh Niệm phật Ba La Mật, Phật Thế Tôn dạy:

“Nầy Diệu Nguyệt, Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm nghĩa là dấy động cái tâm chí như thế nầy: Không riêng gì bản thân mà cầu xuất ly Ta Bà loạn trược, khổ não. Trái lại, phải nguyện vì hết thảy chúng sanh khắp ba cõi sáu đường mà cầu vãng sanh Cực Lạc, chóng thành tựu Phật đạo để tế độ quần mê. Tại sao vậy? Vì muốn có cái quả đức siêu việt tối thượng thì phải phát khởi cái tâm chí quảng đại, dũng mãnh.

Người Niệm Phật nếu đem cái tâm thái hời hợt, hẹp hòi, yếu hèn, chỉ riêng vì giải thoát bản thân, thì chẳng bao lâu sẽ chiêu cảm cái quả báo nhỏ bé, nông cạn, tầm thường, không xứng hợp với bản hoài chư Phật, chẳng tương ứng cùng bản nguyện vĩ đại Bi Trí Viên Mãn của Phật A Di Đà. Cho nên khó được tiếp dẫn về nơi cõi nước Tây Phương.

Lại nữa, người niệm Phật còn phải đem tất cả công đức thực hành sáu ba la mật, bốn nhiếp pháp, bốn vô lượng tâm hoặc ba mươi bảy phẩm trợ đạo… mà hồi hướng khắp anh em, cha mẹ, bằng hữu, chư thiên, chư tiên, bốn loại chúng sanh kẻ oán người thân đều được an trụ trong hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật.”

Trong kinh Vô Lượng Thọ, nguyện thứ 18, 19 và 20, đức Phật A Di Đà đã nguyện rằng, nếu chúng sanh “chí tâm tin ưa, thiện căn có được, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh cõi con, dẫu chỉ mười niệm…,” hoặc “phát tâm Bồ Đề. Tu các công hạnh, phụng hành sáu Ba La Mật, kiên cố bất thoái, lại đem tất cả thiện căn hồi hướng, nguyện sanh cõi con, nhất tâm niệm con, ngày đêm không dứt.” phát tâm Bồ Đề kiên cố không lùi, trồng các cội đức, chí tâm hồi hướng, cầu sanh về Cực Lạc, thảy đều toại nguyện.

Giáo điển Bồ Ðề Tâm Nghĩa cũng dạy: “Bồ Ðề tâm là cái gốc để thành Phật. Ðại sự nhân duyên không điều nào hơn được nó.”

Vậy tóm lại Tâm Bồ Đề là gì? Là cái tâm chân thật, sáng suốt, không điên đảo; là tâm tự giác giác tha, tự lợi lợi tha. Niệm niệm trên cầu Phật đạo, tâm tâm dưới độ chúng sanh. Tức tự tánh chúng sanh thệ nguyện độ, tự tánh phiền não thệ nguyện đoạn, tự tánh pháp môn thệ nguyện học, tự tánh Phật đạo thệ nguyện thành.

Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành

Người tu niệm Phật thường gặp chướng ngại là do bởi chưa phát được tâm Bồ Đề, hoặc chưa thể phát tâm Bồ Đề kiên cố, nên còn do dự chưa chịu buông xả. Vì niệm Phật với tâm như vậy là giả tạo, không chân thật, thì làm sao có thể vãng sanh được? Nên biết “tâm chân thì sự thật mà nguyện rộng thì hạnh sâu![3]”

Muốn được vậy thì thâm tâm phải nhìn thấu suốt, hoàn toàn hết nghi ngờ mới có thể buông xả thế gian này. Nếu người phát được cái tâm như vậy, thì không cần phải học kinh Vô Lượng Thọ nữa, chỉ cần thật thà niệm Phật cũng có thể vãng sanh. Thế nhưng Hòa Thượng Tịnh Không nói, chúng ta chẳng phải là hạng người có nhiều thiện căn, phước đức như vậy. Do đó chúng ta phải thâm nhập từ kinh giáo của Tịnh Độ để tu hành chuyển sửa hành vi hạnh kiểm, thì mới mong đạt được cái tâm này. Hòa Thượng Tịnh Không cũng đem nghĩa rộng giảng của Bồ-đề tâm (Chí thành tâm, Thâm tâm và Hồi hướng phát nguyện tâm), màgiản lược lại thành 10 chữ “Chân thành, Thanh tịnh, Bình đẳng, Chánh giác, Từ bi”.

Chúng ta tuy đã phát đại tâm Bồ Ðề, nhưng do tập khí vô minh từ vô thỉ kiếp quá nặng, sẽ dễ bị lui sụt, do đó người tu niệm Phật phải luôn ghi nhớ lời Phật dạy: “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (nghiệp ác chớ làm, hãy làm các việc thiện lành) và đem hết tất cả công đức này chí tâm hồi hướng, chí thiết niệm Phật nguyện sanh Cực Lạc. Quyết lòng buông bỏ cả phước báu nhân thiên, không lưu luyến gì nữa, chỉ một lòng nguyện cầu vãng sanh Cực Lạc. Giả như ngay bây giờ Phật A Di Đà đến đón cũng đi theo, không suy nghĩ, chần chờ, do dự, tính toán làm chi! Việc tốt cũng không luyến tiếc, Phật sự cũng không luyến tiếc, khi nhân duyên vãng sanh đến thì lập tức buông bỏ cả thân tâm thế giới để đi vãng sanh, như vậy mới gọi là chí tâm nguyện sanh Cực Lạc.

Văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu

Khi xưa, đại lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ chỉ dự Phật thất có một lần, sau Ngài không dự nữa. Vì đối với căn tánh thiện lành của Ngài, chỉ cần niệm một câu Phật hiệu cũng đủ để vãng sanh, bởi Ngài đã đạt được lý Nhất Tâm Bất Loạn. Còn đại cư sĩ Hạ Liên Cư thì đã minh tâm kiến tánh, nên khi nhập thất niệm Phật, cảnh giới liền trụ trong Nhất Chân Pháp Giới – Thường Tịch Quang độ.

Nhưng cảnh giới đó là của các Ngài, chẳng phải cảnh giới của phàm phu chúng ta. Chúng ta nhập thất niệm Phật chẳng thể đạt được cảnh giới ấy. Hoặc giả nếu thấy cảnh giới nào hiện ra thì liền bị chấp kẹt ngay đó, chẳng biết làm sao để thoát ra, nên có khi còn bị tẩu hỏa nhập ma. Vì sao? Vì không thấu rõ giáo lý Phật pháp nên giải hành chẳng được tương ứng, chẳng nhận biết được cảnh giới xấu tốt, gặp cảnh giới nào cũng tò mò, ham thích, rốt cuộc mắc kẹt ở trong đó. Do đó Hòa Thượng Tịnh Không nói, người thời nay nếu chỉ lão thật niệm Phật thì không đủ, nên trong các Phật thất phải chia thời gian ra làm 2 phần, ½ nghe kinh giảng pháp và ½ niệm Phật, pháp hỷ mới sung mãn, không bị tẩu hỏa nhập ma.

Trong kinh A Di Đà, đức Phật nói:Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhất nhật…(cho đến)… nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn,”có nghĩakhông chỉ chấp trì danh hiệu Phật từ 1 đến 7 ngày, mà còn phải “văn thuyết A Di Đà Phật” nữa.

“A Di Đà Phật” là danh hiệu tổng hợp của tất cả chư Phật – “A” là vô lượng, “Di Đà” là chánh giác, là Phật. “A Di Đà” là vô lượng chánh giác, vô lượng chư Phật. Vì vậy đọc kinh, nghe pháp (văn thuyết) về công đức của A Di Đà Phật và chấp trì danh hiệu A Di Đà Phật, cũng là nói công đức và niệm danh hiệu của vô lượng chư Phật; có nghĩa người niệm Phật không phải chỉ có Phật A Di Đà gia hộ, mà có cả chư Phật cùng hộ niệm. Với tha lực không thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật gia trì và mười phương chư Phật hộ niệm, nhất định trong 7 ngày văn thuyết và trì danh hiệu “A Di Đà Phật”, bạn sẽ đắc được quả vị A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ-đề.

Do đó, muốn viên mãn đại cương lãnh của pháp môn Tịnh Độ – Phát Bồ-đề tâm và Nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, thì hằng ngày chúng ta phải đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ hay kinh A Di Đà, hay nghe giảng pháp về công đức của Phật A Di Đà là văn thuyết. Còn chấp trì niệm Phật là hành, là gieo trồng phước đức để duy trì Tín-Nguyện kiên cố, mà phát khởi được tâm Bồ đề rộng lớn. Do vậy, hai việc này cần phải đi đôi với nhau thì mới giải hành tương ứng được. Thiện Đạo Đại Sư dạy: “Đọc kinh và niệm Phật mỗi ngày không gián đoạn là duyên giúp một phàm phu như chúng ta có thể vãng sanh thượng phẩm.”

Hòa Thượng Tịnh Không nói: “Về nguồn không hai lối, phương tiện có nhiều ngõ”. Thế nhưng muôn nẻo dặm trường lại dài ngắn khác nhau. Nếu thật dốc lòng muốn tìm đường tắt để về Tây Phương, thì không ngoài việc “Phát Bồ-đề tâm, trì danh niệm Phật,” tức tin sâu, chí thành phát nguyện, một lòng niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc thật đúng là rất thích đáng thẳng tắt, liễu nghĩa cực viên đốn chẳng thể nghĩ bàn được. Đã biết ngõ này là chí đốn, chí viên, vậy đi tìm cầu ngõ quanh nào khác nữa chi đây?

Xin hãy cùng nhau cần lao mà tu học, không để thối thất tâm Bồ Đề, và nhất ý đồng phát nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc quốc!

Diệu Âm Trí Thành và Diệu Âm Quảng Hồng

[1]Kinh: tiếng Phạn là Tu-đa-la, nghĩa đen là sợi chỉ thằng mặc, nghĩa bóng là Khế Kinh. Kinh có đủ bốn nghĩa “quán, nhiếp, thường, pháp” (xuyên suốt, thâu tóm, thường hằng, pháp). Quán là lý xuyên suốt tất cả những điều được nói từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc, từng lời từng câu được nối kết lại như xâu chuỗi hạt. Nhiếp là thâu giữ chúng sanh được hóa độ. Thường là bất biến, xưa nay chẳng đổi. Pháp là phương pháp mà mười phương ba đời tất cả chúng sanh đều cùng tuân theo mà tu hành. Ngoài ra, những điều Phật dạy bảo thì được gọi chung là Kinh.

[2]Lời dạy của Ngài Tỉnh Am Đại Sư

[3] Lời dạy của Ngài Tỉnh Am Đại Sư