Một Vị Sư Làm Ác Xuống Địa Ngục Bị Diêm Vương Cảnh Tỉnh Về Lại Dương Thế Sám Hối Niệm Phật Được Vãng SanhVào đời Đường có người tên Hùng Tuấn, quê ở Thành Đô, ông can đảm, dũng cảm hơn người, nhưng không giữ giới luật. Ông từng bỏ đạo để gia nhập quân đội. Sau khi xuất ngũ, ông trở lại làm tăng. Một hôm, ông đọc kinh, thấy trong kinh ghi: “Niệm một tiếng danh hiệu Phật thì diệt được tội nặng sinh tử trong tám mươi ức kiếp”. Đọc đến đó, ông vô cùng mừng rỡ và thốt lên rằng: “Có điều này để ta nương nhờ rồi!”.

Từ đó, tuy vẫn làm ác nhưng ông thường niệm Phật không dứt. Đến tháng 2 năm Đinh Mùi, ông đột ngột qua đời. Nhưng trải qua một đêm ông bỗng sống lại và kể rằng:

– Tôi đã xuống âm phủ, gặp Diêm vương. Diêm vương nói: “Ta bắt lầm ngươi. Thường ngày ngươi niệm Phật nhưng vốn không có lòng tin sâu sắc. Nay ta tha cho ngươi trở lại nhân gian, nhưng phải siêng năng niệm Phật hơn”.

Nhiều người chứng kiến việc như vậy, họ cho rằng ông ta lọt lưới địa ngục. Sau đó, ông vào núi, trì trai, giữ giới và niệm Phật suốt bốn năm. Đến tháng 3 năm Đinh Hợi, khi chư tăng đều có mặt, ông nói:

– Đến giờ tôi phải đi rồi. Các ngài trở vào thành nếu gặp người thân của tôi thì báo cho họ biết là Hùng Tuấn nhờ niệm Phật nên được vãng sinh Tịnh độ rồi, chớ cho rằng tôi là người lọt lưới địa ngục.

Nói rồi, ông ngồi ngay thẳng mà qua đời.

Ghi chú:

Đồ dơ và sạch không thể đựng chung trong một cái bát, thì làm sao có trường hợp người vừa làm ác vừa niệm Phật mà được vãng sinh! Ôi! Xét lại câu nói: “Có điều này để ta nương nhờ rồi”, trong ấy nói, niệm một tiếng danh hiệu Phật thì diệt được vô lượng tội. Bởi vì lòng tin đã ăn sâu vào xương tủy thì chỉ một niệm mà sức nặng đến vạn cân, cho nên đến khi lâm chung chuyển nghiệp được vãng sinh. Như vậy, sao lại nghi ngờ?

Trích: Người Ác Vãng Sanh do Đại Sư Châu Hoằng biên soạn
Sách: Bốn Chúng Vãng Sanh
Biên dịch: Chúc Đức và các thành viên

Lời bình:

Biển khổ mênh mông, quay đầu là bờ; nhà tối nhiều năm chỉ cần một ngọn đuốc là sáng. Chắc chắncõi Tịnh độ không bỏ rơi người ác. Tuy nhiên, phải nên tỉnh ngộ, bỏ ác làm lành, mà thống thiết tự trách mình và trừng phạt lấy mình,hoàn toàn không nên ỷ lại đới nghiệp vãng sinh mà cứ an tâm làm ác để rồi trông mong vào sự may mắn.

Người làm ác ngày xưa lấy đây làm thuốc, người làm ác đời nay bám vào đây nên thành bệnh. Vì thế nên nói, người làm ác ngày xưa tuy gọi là người ác nhưng thực chất là người thiện,còn người làm ác đời nay gọi là người ác thì đúng là người ác. Ôi! Thật đáng buồn thay!