Cách Làm Lành Bậc Nhất Là Nhiếp Trọn Sáu Căn Tịnh Niệm Tiếp Nối Tự Được Tâm KhaiĐức Như Lai khuyên tất cả chúng sanh phải thường tư duy và y theo lời kinh Phật dạy mà chuyên ròng, siêng năng tu thiện, bỏ ác làm lành, xả bỏ trần cảnh, hướng đến giác ngộ giải thoát. Phật dạy, đối với thiện pháp, dù là pháp thế gian hay xuất thế gian, cũng đều là của báu vô thượng nên phải kính trọng, không được bài xích hủy báng; lại phải nhân ái, từ bi cứu giúp tất cả mọi người, thì năm sự thiêu đốt, năm sự đau khổ mới hòng có lúc dứt tận.

Phật khuyên chúng sanh nên đoan chánh thân tâm cho tương ứng với điều thiện mình làm. Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn đã chỉ thẳng cách làm lành bậc nhất: “Nếu gặp việc thiện, trước nhất làm gì? Tâm phải tự đoan, thân phải tự đoan, mắt tai miệng lưỡi, đều phải tự đoan. Thân tâm đều giữ, thanh tịnh trong sạch, cùng thiện tương ưng, đừng theo tham dục, không phạm điều ác, sắc mặt lời nói, phải nên nhu hòa, hành thân phải chuyên, cử chỉ ngó nhìn, an định từ tốn, làm việc cẩn trọng, sau khỏi hối hận, vì không chân thật, luống uổng công phu”.

Nếu hiểu một cách thô thiển, việc thiệnlà làm việc lành; nhưng nếu xét theo Thật Ðế thì việc thiệnchính là “tâm này làm Phật”.’

Nếu hiểu một cách thô thiển, thì câu “tâm phải tự đoan, thân phải tự đoan, mắt tai miệng lưỡi, đều phải tự đoancó nghĩa là thân tâm đoan chánh như “điều phi lễ chẳng nhìn, việc phi lễ chẳng nghe”.Nhưng nếu phân tích ở mức độ sâu xa hơn nữa thì “tai đều tự đoan chánh” chính là pháp Nhĩ Căn Viên Thông “xoay trở lại nghe nơi tự tánh” của Quán Âm đại sĩ. Ðại Sĩ chẳng đuổi theo thanh trần mà xoay lại nghe nơi tự tánh; ấy chính là “đoan chánh nhĩ căn”. Cứ thế mà suy rộng ra thì không rong ruổi theo sắc trần, quay trở lại quan sát (thấy) tự tánh chính là “đoan chánh con mắt”. Thậm chí cho đến cả sáu căn chẳng rong ruổi theo sáu trần, chiếu rạng nguồn tâm thì mới thật là “tự đoan” bậc nhất.

Nếu hiểu một cách cạn cợt, thì thân tâm đều giữ, thanh tịnh trong sạch, cùng thiện tương ưng nghĩa là thân tâm ly cấu vô nhiễm, việc làm nơi thân, lời lẽ nơi miệng, sự suy nghĩ nơi ý đều là thiện lành cả. Nếu hiểu sâu hơn thì Thỉ Giác Trí khế hợp khéo léo với Bổn Giác Lý mới thật sự là cùng thiện tương ưng. Lại nữa, nếu suy xét đến mức rốt ráo thì điều thiện bậc nhất này cũng không ngoài ý nghĩa “chẳng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành”.

Trong Tịnh tông, điều thiện bậc nhất chính là pháp môn Niệm Phật của Ðại Thế Chí Pháp Vương Tử – Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, tự được tâm khai. Một tiếng Phật hiệu nhiếp trọn sáu căn nên sáu căn đều đoan chánh như Linh Phong đại sư từng bảo: “Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn chẳng thể chẳng thành tâm Phật”.

Tâm đã là Phật thì tự nhiên sáu căn đều là Phật; một tiếng Phật hiệu khiến cả sáu căn đều tự nhiên đoan chánh, tự nhiên thân tâm đều thanh tịnh trong sạch, tương ưng với tất cả các điều thiện; đấy chính là “tâm này là Phật”.

Phật khuyên răn chúng sanh nên bỏ lòng tham dục, dứt điều ác, an hòa, chuyên tinh, thành thật. Nếu tâm chẳng thường luôn niệm Phật thì tâm sẽ liền nhiễm ái trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) và phát khởi tham đắm ngũ dục làm phá hoại hết các thiện sự mà mình đã từng tu tập và tích lũy. Vì thế, đức Thế Tôn khuyên răn chúng sanh đừng theo tham dục mà phạm điều ác. Vả nữa, trong các món dục, dâm dục là độc hại nhất nên Phật buộc người xuất gia chú trọng đoạn dâm. Nếu có thể ly dục thì sẽ không phạm những điều ác khác.

Phật bảo đại chúng, phải nên thường gìn giữ phong cách “hòa nhan, ái ngữ” đối với hết thảy hữu tình. Ngôn ngữ hòa nhã chính là Ái Ngữ trong Tứ Nhiếp Pháp; vẻ mặt hòa nhã chính là dùng từ quang chiếu soi người khác. Thân hạnh phải chuyên nhất, chuyên chú, ròng rặc tinh tấn, thẳng tắp, không xen tạp, một bề chuyên niệm “A Di Đà Phật” không gián đoạn cho đến lúc chết liền thấy Phật A Di Đà, vãng sanh Cực Lạc. Thấy được Phật A Di Đà rồi thì sợ gì mà không khai ngộ chứ!

Phật căn dặn đại chúng, trong mọi việc thiện lành, nhất cử nhất động đều phải an tường, điềm tĩnh, thung dung, chẳng nên hấp tấp; vì nếu làm việc bộp chộp, không thận trọng, dè dặt và chân thật thì ắt sẽ bị thảm bại, luống uổng công phu tu trì, khiến phải hối hận về sau.

Biên soạn: Diệu Âm Trí Thành (Canada)
(Tài liệu tham khảo: Chú Giải Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác do Kim Cang thừa tam muội da giới đệ tử Hoàng Niệm Tổ.)