Tự Cho Mình Là Thật Thà Niệm Phật Đấy Chính Là Thiếu Thật Thà“…Nói đến tu hành “y giải khởi hạnh, chấp trì danh hiệu, cầu nguyện vãng sanh”, vô cùng quan trọng. Do vậy, người niệm Phật chẳng thể nói là không cần hiểu, “tôi chỉ cần thật thà niệm Phật là được rồi”. Nói chẳng sai, nhưng vấn đề là đâu? Chưa thể thật thà được! Tự cho mình là thật thà, chẳng được! Đấy chính là thiếu thật thà! Tự cho mình là thật thà sẽ chẳng phải là thật thà. Thế nào là người thật thà? Thật sự thông hiểu đạo lý, chẳng có một vọng niệm nào, đấy mới là “thật thà”. “Ta chỉ cần niệm A Di Đà Phật, ta không cần hiểu” thì kẻ ấy vẫn còn vọng niệm, cho nên chẳng thật thà! Vì thế, thật thà chẳng dễ dàng, không đơn giản như vậy! Thật thà niệm Phật, quyết định thành tựu. Nói đơn giản, không có thị phi nhân ngã là người thật thà, còn có thị phi nhân ngã thì làm sao tính là người thật thà cho được? Coi kẻ có thị phi nhân ngã là thật thà thì ai mới là không thật thà? Ai cũng thật thà hết! Chúng ta hãy suy nghĩ: Chúng ta có đoạn được thị phi nhân ngã hay chưa? Nhất định phải cầu giải, y giải khởi hạnh. Ở đây, chữ Giải này có thể chuyên dùng để nói về bộ Sớ Sao này, kể cả Diễn Nghĩa. Chúng ta phải nghiêm túc nghiên cứu, hiểu rõ nó. Hiểu xong, chiếu theo phương pháp, lý luận này để chấp trì danh hiệu, cầu nguyện vãng sanh. Chấp trì danh hiệu là Hạnh, cầu nguyện vãng sanh là mục đích và thành tựu của chúng ta.

(Diễn) Kỳ độn căn giả, đơn do sự tướng, chuyên trì danh hiệu diệc đắc vãng sanh.
(Diễn: Người độn căn, chỉ do sự tướng chuyên trì danh hiệu cũng được vãng sanh).

Mấy câu này là tất yếu! Lời giảng quá sâu, dung hợp tinh hoa của Thiên Thai, Hiền Thủ lẫn hai tông Tánh và Tướng, làm sao mà chẳng sâu? Thật sự là có mức độ khá sâu. Do vậy, quý vị đọc phần Thông Tự đầu sách, so ra còn sâu hơn phần chú giải ở phía sau. Chúng ta căn tánh chậm chạp, cùn nhụt, ngu si, đọc cũng chẳng hiểu, nghe cũng không hiểu, không có hy vọng gì ư? Có chứ! Vẫn còn có hy vọng. Có cơ hội để đọc, để nghe, đừng bỏ lỡ, chớ nên nghĩ: “Ta là kẻ chậm chạp, cùn nhụt, nghe cũng không hiểu, coi như xong, khỏi cần nghe nữa!” Lầm rồi! Nghe không hiểu vẫn cứ phải nghe, đọc không hiểu cũng phải đọc thì mới là đúng. Nghe nhiều sẽ hiểu, xem nhiều sẽ hiểu, cổ nhân đã nói: “Độc thư thiên biến, kỳ nghĩa tự kiến” (Đọc sách ngàn lượt sẽ tự thấy được ý nghĩa). Thử hỏi quý vị đã đọc một ngàn lượt hay chưa? Không có! Không có thì quý vị cứ từ từ đọc đi. Nhất định đọc nhiều, nghe nhiều, tuyệt đối chẳng bỏ lỡ cơ hội, đó gọi là Bồ Tát. Biện pháp là “chỉ do sự tướng” chuyên trì danh hiệu cũng được vãng sanh, đó gọi là Sự Trì. Chấp trì danh hiệu có Sự, có Lý. Sự Trì là do chưa hiểu Lý, chúng ta cứ niệm một câu A Di Đà Phật, chưa hoàn toàn hiểu rõ Lý, chưa thể thấu triệt, còn chưa thông suốt Lý, nhưng một câu Phật hiệu vẫn có thể chế ngự phiền não. Đạo lý này rất rõ ràng, dễ thấy, nhất định phải hiểu điều này. Khi lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, trong tâm chúng ta vừa mới khởi tâm động niệm, bèn dùng một câu A Di Đà Phật này khuất phục ý niệm ấy, đè nén nó. Điều này chẳng khó hiểu, người căn tánh trung hạ đều hiểu cả!

Tương ứng với “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ” như thế nào, điều này khó hiểu. Đừng sợ không hiểu, chỉ trì theo mặt sự tướng, ta niệm niệm đều có thể chế phục tham, sân, si, niệm niệm đều có thể chế phục phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, trong mỗi niệm có Tín, Nguyện, Hạnh là được rồi, sẽ có thể vãng sanh, sẽ có thể niệm đến mức “công phu thành phiến”, có thể niệm đến mức Sự nhất tâm bất loạn, chưa niệm đến mức Lý nhất tâm bất loạn thì đã rất khá, rất khó có! Nếu hiểu rõ toàn bộ những lý luận ấy thì một câu A Di Đà Phật sẽ là Lý Trì. Trong Lý có Sự, trong Sự chẳng rõ Lý, trong Lý nhất định có Sự, chẳng thể nào nói “hiểu Lý rồi bèn không niệm Phật”, không có đạo lý ấy! [Nếu nghĩ như vậy] là lầm lẫn quá đỗi, là chấp Lý phế Sự. Kẻ chấp Lý phế Sự nhất định chẳng đạt được gì, cổ nhân gọi kẻ ấy là “nói chuyện ăn, đếm của báu”, chẳng tu hành! Phàm là người hiểu lý, trong mười hai thời, một câu Phật hiệu tuyệt đối chẳng gián đoạn giữa chừng, nhất định còn siêng năng, mạnh mẽ hơn người Sự Trì, nhất định còn sốt sắng hơn, thật sự tu hành. Người ấy thông hiểu giá trị. Hễ kẻ nào hiểu Lý mà chẳng chịu hành nơi mặt Sự thì chưa chắc kẻ ấy đã thật sự nhận biết giá trị, mạo nhận là người hiểu giá trị, là giả vờ, là dối mình, lừa người. Quý vị phải hiểu: Lý Trì quyết định chẳng phế bỏ Sự Trì…”

Trích A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
Hòa thượng Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Huệ Trang và Đức Phong)