Thế Nào Là Lão Thật Niệm Phật?Cổ nhân nói “lão thật niệm” (lão thật có nghĩa là thật thà; thật thà niệm tức là niệm Phật mà không nghĩ ngợi chi cả, cứ niệm là niệm), lão thật niệm thì được rồi, chính là học trò ngoan của Phật rồi. Niệm cho hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, niệm cho đến tâm thanh tịnh, cho đến trí tuệ khai mở. Niệm đến tâm thanh tịnh thì trí tuệ tự nhiên hiện tiền.

Thuốc tốt nhất để trị mọi bệnh khổ của thân và tâm chính là “lão thật niệm Phật”. Lão thật, tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, thân liền thanh tịnh, làm sao sanh bệnh được? Chỗ thù thắng của Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là tất cả hữu tình, vô tình luôn luôn nhắc nhở bạn niệm Phật. Vì thế người ở nơi đó không bị thoái chuyển, một đời thành Phật, đạo lý là ở chỗ này.

Chúng ta phải thật sự hiểu được ý nghĩa chân thật của Như Lai, không có gì khác, là lão thật niệm Phật, niệm đến tâm địa thanh tịnh thì tự nhiên sẽ lý giải được. Thiện tri thức đệ nhất trong Tịnh Tông chính là Lão Pháp Sư Ấn Quang. Hễ ai tiếp thu lời dạy của Ngài, tu hành theo lời dạy của Ngài, không ai là không vãng sanh. Cư sĩ Lý Tế Hoa ở Ðài Bắc là học trò của Ngài, Thầy Lý Bỉnh Nam cũng là học trò của Ngài. Hễ ai đích thân được nghe lời dạy của Ngài, hầu như đều có thành tựu.

Ðiều Ngài dạy người ta chính là dạy “lão thật niệm Phật”. Ngài không tán thành việc đi hết đạo tràng này đến đạo tràng khác, thậm chí vào năm cuối đời Ngài sống ở núi Linh Nham, Tô Châu, học trò đến thăm Ngài còn bị Ngài quở trách. Ngài hỏi những người đến thăm Sư Phụ: “Anh đến đây làm gì?” – “Dạ chúng con đến thăm Sư Phụ.” – “Các anh đã gặp Sư Phụ rồi, còn có gì đẹp đâu mà xem? Lãng phí tinh thần, lãng phí thời gian! Ðến chùa cúng dường, lãng phí tiền của. Sao không ở nhà lão thật niệm Phật?” Ðây là lời của thiện tri thức, thật sự dạy bạn chuyên tu, nhất tâm xưng niệm.

Chỉ có dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh mới hiểu được ý nghĩa chân thật của pháp môn niệm Phật; dùng tư duy tưởng tượng tuyệt không có cách nào hiểu được. Nếu bạn muốn thật sự nhận biết A Di Ðà Phật, thật sự hiểu Cực Lạc Thế Giới thì chỉ có một cách: lão thật niệm Phật. Bạn càng lão thật, thì nhận thức càng rõ ràng, hiểu càng thấu triệt.

Bí quyết người xưa dạy là: “sanh xứ chuyển thục,thục xứ chuyển sanh” (lạ chuyển thành quen, quen chuyển thành lạ). Niệm Phật rất mới lạ, vọng tưởng rất quen thuộc. Bây giờ Tổ Sư dạy chúng ta một cách: làm cho tập khí vọng tưởng trở thành lạ; niệm Phật rất mới lạ thì tìm cách làm cho trở thành quen thuộc. Bạn phải nghĩ cách làm cho quen thuộc, chính là ngày ngày bạn đều niệm, cố gắng niệm, không ngừng niệm, niệm cho quen thuộc câu Phật hiệu này.

Ðại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta “đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục”, tám chữ này chính là lời giải thích của lão thật niệm Phật. “Lão thật” là gì? Có thể làm được “nhiếp hết sáu căn, tịnh niệm liên tục” chính là lão thật. Cả ngày từ sáng đến tối, trừ một câu “A Di Ðà Phật” này ra trong tâm tuyệt không có một vọng niệm nào, đây là “kính ư Phật giả” (tôn kính với Phật). Còn có vọng tưởng thì cung kính ở chỗ nào? “Kính Phật” nhất định là y giáo phụng hành.

Tôi xin khuyên Quý đồng tu phải lão thật niệm Phật. Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát bảo chúng ta: “thiểu thuyết nhất cú thoại, đa niệm nhất cú Phật. Ðả đắc niệm đầu tử, hứa nhữ Pháp thân hoạt” (nói ít một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật. Ðánh chết được vọng niệm, Pháp thân người hiển lộ). “Niệm” chính là vọng niệm. Phải đánh cho tan hết tất cả vọng niệm, bạn sẽ có thể vãng sanh bất thối thành Phật. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới thì có thể chứng được pháp thân thanh tịnh. Ðây là sự thật, chắc chắn có thể đạt được.

Thật sự làm được “tịnh niệm tương tục” mới là “lão thật”. Trong tâm bạn có vọng tưởng thì không lão thật; có hoài nghi thì không lão thật; niệm Phật gián đoạn, không lão thật. Phải hiểu rõ ràng định nghĩa của “lão thật”.

Trích từ sách Niệm Phật Thành Phật
Pháp sư Tịnh Không