Câu Chuyện Về Một Người Con Phật Hiếu Thảo Thời Hiện Đại“Nhân gian bách thiện Hiếu vi tiên”, lòng Hiếu là bản chất của nền văn minh của nhân loại, là truyền thống đạo đức. Đạo Phật dạy chúng ta “Phụ mẫu thị gia lý diện đích lưỡng tôn hoạt Phật”, Cha Mẹ còn sinh tiền là Phật sống tại gia, và “Sở hữu chúng sinh vô nhất bất tằng tố quá tự kỷ đích phụ mẫu”, tất cả chúng sinh không có ngoại lệ đều do cha mẹ sinh ra và nuôi dưỡng.

HT Tuyên Hóa dạy: “Con người biết hiếu thảo với cha mẹ thì sẽ làm trời đất rạng rỡ. Việc khiến trời đất cảm động, cũng chính là lòng hiếu thảo cha mẹ, nên nói: “Thiên địa trọng hiếu, hiếu đương tiên”. Chữ Hiếu này rất quan trọng. Chỉ cần một chữ “Hiếu” thì cả nhà được bình an. “Hiếu thuận hoàn sanh hiếu thuận tử”. Cha mẹ biết hiếu thảo thì sẽ sinh con hiếu thảo. Nếu như chúng ta hiếu thảo với cha mẹ mình, thì sau này con cái sẽ hiếu thảo với chúng ta. Còn nếu như mình không hiếu thảo, thì con cái của mình sẽ không hiếu thảo với mình đâu. Nhân Quả không hề sai chạy.

Diệu Âm Lệ Hiếu có một người bạn đồng tu pháp danh Minh Đăng (ảnh), trước đây là hàng xóm cũ. Người bạn này từ nhỏ đến lớn có cuộc sống bình thường trong một gia đình chỉ có ba mẹ con. Minh Đăng được mẹ lo cho ăn học đến nơi đến chốn nhưng thường ngỗ nghịch, làm buồn lòng mẹ từ chuyện bạn bè, công việc cho đến quan hệ nam nữ. Bạn thường vòi tiền mẹ bằng đủ mọi cách, có thể gọi là “oan gia đến đòi nợ”. Đối với hàng xóm xung quanh thì bạn là một người con bất hiếu, không lương thiện. Thế nhưng sau lần mẹ bạn ấy đổ bệnh ung thư bao tử thì Minh Đăng lại hồi đầu một cách kỳ lạ.

Lúc mẹ nằm viện, bạn ấy hết lòng cận kề chăm sóc cả ngày lẫn đêm, người luôn thiếu ngủ nhưng không hề than vãn, lại thường khuyên mẹ niệm Phật. Khi thấy mẹ đau đớn với căn bệnh, Minh Đăng đã phát nguyện ăn trường chay cho mẹ khỏe trở lại, việc này khiến người mẹ cảm động và nói: “Sau này về nhà tất cả chúng ta cùng ăn chay chung với con cho vui nhé”.

Rồi do khối u trong bao tử cần phải mổ ra xem có di căn hay không nên bác sĩ phải cho bệnh nhân thụt tháo “đi ngoài” trước khi phẫu thuật. Minh Đăng đỡ mẹ vào nhà vệ sinh, vừa lom khom bơm ống vào thụt thì bà đã “đi ngoài” văng đầy mặt bạn ấy. Nhìn con bị như thế bà chẳng biết làm sao nên bật cười, Minh Đăng không hề kêu la hay giận mẹ mà lại cười theo, có mấy ai làm được điều này không? Tình thương mẹ đã vượt lên tất cả. Hết lòng chăm sóc mẹ bệnh đến mức độ thân nhân những giường bệnh sát bên đều nói: “Con gái chăm bà cũng không bằng thằng con trai này”.

Ca mổ hoàn tất, khối u di căn. Bác sĩ trả bệnh nhân về nhà. Bắt đầu những chuỗi ngày cực nhọc cùng với mẹ. Bà đau đớn, trăn trở không ngủ được bao nhiêu thì Minh Đăng cũng không ngủ bấy nhiêu. Bạn thường nằm cạnh mẹ, lau chùi cho mẹ từng ly từng tí, làm vệ sinh cho mẹ, chăm từng miếng ăn thức uống, rồi khuyên mẹ niệm Phật. Những ngày cuối đời, mẹ của Minh Đăng bị oan gia trái chủ nhập thân rất khổ sở, người bức bách, lúc nào cũng than: “Nóng quá, nóng quá!”, rồi còn bắt bạn ấy thờ bài vị trong nhà. Ban đêm thì không cho mở đèn vì “Sáng quá, không chịu được”. Ai nấy thấy bà bị oan gia nhập vào “quậy” suốt nên ngao ngán, chỉ còn Minh Đăng luôn túc trực cạnh mẹ liên tục. Lòng hiếu này đôi lần làm cảm động oan gia trái chủ. Hàng ngày, bạn ấy phải mua nhiều nước đá lau rộp cả tay mà bà vẫn không cảm thấy mát mẻ hơn.

Có lẽ nhờ lòng hiếu thảo của bạn ấy mà mẹ bạn đã có một cơ duyên thù thắng, đó là được hộ niệm lâm chung. Bà được khai thị buông xả mọi thứ, niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương. Bà đã làm được, bà dặn dò hết mọi người trong nhà, rồi cởi bỏ những trang sức trên người đem cho hết. Và còn nói các con rằng sau khi bà mất, hãy đem tất cả đồ đạc của bà mà quyên tặng cho những người nghèo, khó khăn. Minh Đăng và em trai mình đã hết lòng lo lắng cho mẹ đến những giờ phút sau cùng. Trong thời gian hộ niệm cũng có những vị cản trở nhưng do hai anh em kiên quyết vì mẹ mà tạo một khung cảnh trang nghiêm, an toàn. Việc này khiến cho những thành viên trong Ban hộ niệm cũng cảm động mà hết lòng trợ giúp. Sau 19 tiếng hộ niệm, thân thể bà mềm mại, mặt tươi hồng, đỉnh đầu ấm, xả báo thân an lành năm 2012. Hỏa táng bà thì có xá lợi, hiện giờ được Minh Đăng thờ tại nhà.

Bạn ấy nói rằng: “Không hiểu sao từ khi thấy mẹ bệnh, em thương mẹ quá. Lúc đó trong lòng em chỉ biết nghĩ làm thế nào để mẹ bớt bệnh, bớt đau. Em không màn cực khổ. Khi biết hộ niệm tốt như vậy, lo được cho mẹ đến những giờ phút sau cùng, em cảm thấy nhẹ lòng. Nếu không thì sau này em sẽ là người ăn năn hối hận nhất”.

Bạn từ một người con bất hiếu nhưng một ý niệm hồi đầu đã chuyển đổi lại, có thể hiếu thảo với mẹ trọn vẹn nhất từ thế gian pháp đến xuất thế gian pháp, thật đáng để làm gương. Bạn ấy nói bây giờ đã chuyên tu học niệm Phật cầu giải thoát sanh tử rồi mà hễ mỗi lần giãi đãi thì lại mơ thấy mẹ về nhắc nhở niệm Phật. Thật là diệu kỳ!

Câu chuyện của Minh Đăng, Diệu Âm Lệ Hiếu là người chứng kiến từ đầu đến cuối cho nên hết sức cảm động. Đã nhiều lần trong tâm luôn mong có dịp viết lại câu chuyện này làm gương cho chính mình và nhiều bạn đồng tu khác nhưng chưa có dịp. Hôm nay đã đủ duyên để viết được bài này, ngưỡng mong có thể mang lại một tấm gương quý báu về sự hồi đầu giác ngộ của một người con Phật liên quan đến hiếu thảo, đem lại tấm gương sáng cho những đồng tu như chúng ta.

Nam Mô A Di Đà Phật. _()_

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát. _()_

(Diệu Âm Lệ Hiếu)