Người  Tâm Càng Thanh Tịnh Nhu Cầu Ăn Uống Càng Giảm DầnNgày trước vào thời kỳ học Phật, tôi thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam mười năm. Khi tôi thân cận với thầy thì thầy đã hơn 70 tuổi rồi, cũng gần bằng với tuổi của tôi hiện tại, vào lúc đó tôi mới 30 tuổi. Thầy tri túc thường lạc, mỗi ngày chỉ mặc một bộ Trung Sơn, mấy mươi năm không hề thấy thầy đổi qua bộ y phục thứ hai. Bởi vì y phục bên trong của thầy không nhìn thấy, nên đến khi thầy vãng sanh, chúng tôi mới biết được áo lót bên trong thầy đã đắp vá nhiều lần, vớ cũng đắp vá. Hiện tại các vị đến Đài Trung, trong phòng trưng bày kỷ niệm lão sư Lý xem, áo lót bên trong, vớ đều là đắp vá nhiều lần. Ai vá cho thầy vậy? Thầy chính mình vá. Đời sống của thầy an vui không gì bằng. Không phải thầy không có tiền, học trò nhiều đến như vậy, học trò có tiền rất nhiều, đưa tặng cúng dường cho thầy rất phong phú. Tôi không hề nghĩ đến bên trong Ngài lại mặc áo rách, vì sao vậy? Có một số người tặng cho thầy quần áo tốt, sau khi người tặng đi rồi, thầy liền đưa tôi. Thầy nói: “Ông đến đây, ông không có quần áo mặc, cái này cho ông nè”. Hiện tại tôi vẫn còn giữ lại hai bộ áo lót trong cao cấp do thầy tặng cho tôi, tôi cũng không nỡ mặc nên để đó, hiện tại vẫn còn. Các món ăn, quần áo mặc, qua tay thì thầy liền tặng cho người, thầy tri túc thường lạc, nhu cầu đời sống chính mình đủ rồi, quyết định không yêu cầu quá đáng. Cả một đời của Ngài, một ngày ăn một bữa, ăn rất ít, nhưng sức làm việc của thầy nhiều, ba bốn người chúng ta cũng không thể so được với thầy.

Ngày nay chúng ta muốn nói, năng lực này của thầy không phải người phổ thông chúng ta có thể làm được, vậy thì bạn hoàn toàn nghĩ sai rồi. Thầy là người, chúng ta cũng là người, chúng ta phải suy xét xem vì sao thầy có thể mà ta không thể? Đến sau này tôi mới chân thật hiểu thông. Hiểu thông rồi, tôi liền hỏi thầy là cách nghĩ cách thấy này của tôi có đúng hay không. Tôi nghĩ đến cái gì? Thân thể con người là một cái máy, nếu muốn vận hành cái máy này thì phải tiêu hao năng lượng (năng lượng chính là bổ sung ăn uống của chúng ta), thế nhưng lượng tiêu hao của mỗi một người không như nhau. Có một số người thân thể hao năng lượng, họ phải bổ sung số lượng lớn; nhưng có một số người thân thể tiết kiệm năng lượng, chỉ cần bổ sung chút ít thì đủ rồi, cho nên tôi liền nghĩ, năng lượng rốt cuộc tiêu hao vào đâu? Lão sư mỗi ngày có nhiều công việc đến như vậy, nhiều khách đến như vậy, phải tiếp khách (thầy là một thầy trung y rất giỏi, ngày ngày còn khám bệnh cho người), sức làm việc rất nhiều, thế nhưng thầy bổ sung năng lượng rất ít. Cho nên tôi liền nghĩ đến, tiêu hao năng lượng đại khái 95% là tiêu hao ở nơi vọng tưởng, nghĩ tưởng xằng bậy, chân thật gọi là lao tâm lao lực thì năng lượng tiêu hao đều ít, đều không nhiều. Phàm phu chúng ta một ngày ăn ba bữa vẫn không đủ, còn phải ăn chút điểm tâm, còn phải ăn đủ thứ, toàn là do nghĩ tưởng xằng bậy, ngay đến buổi tối ngủ nằm mộng cũng không thành thật, cho nên chúng ta cần phải bổ sung, nếu không bổ sung thì chúng ta sẽ bị bệnh, chúng ta không thể đứng nổi. Trên 95% năng lượng tiêu hao ở nơi vọng tưởng. Tôi đem quan điểm của tôi báo cáo với lão sư, lão sư khẳng định không sai, chính là như vậy. Cho nên người tu hành tâm càng thanh tịnh thì ăn uống của họ sẽ càng ít đi. Chúng ta xem thấy ở trên kinh, năm xưa Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, những vị Tỳ Kheo đó giữa ngày ăn một bữa, mỗi ngày ra bên ngoài khất thực ăn một bữa. A La Hán bảy ngày đi khất thực một lần, bảy ngày ăn một bữa. Bích Chi Phật nửa tháng đi khất thực một lần, hai tuần lễ ăn một bữa. Đây là nói rõ, công phu càng cao, tâm càng thanh tịnh thì tiêu hao năng lượng càng ít, cho nên Bích Chi Phật nửa tháng ăn một bữa, năng lượng một bữa đó của họ đủ để duy trì nửa tháng, họ cũng giảng kinh nói pháp, cũng đi khắp nơi độ chúng sanh. Như vậy chúng ta mới tường tận, tiêu hao năng lượng chân thật đều là tiêu hao ở nơi vọng tưởng, cho nên nhất định tâm phải thanh tịnh mới được. Việc này không thể học, vì học sẽ ra bệnh, không phải nói học để cho dễ coi. Họ một ngày ăn một bữa, con người này có công phu, có bản lĩnh, nếu bạn có cách nghĩ như vậy thì hoàn toàn sai lầm, bạn vẫn là khởi vọng tưởng. Cho nên bất cứ việc gì đều có đạo lý, luôn phải đem đạo lý đó làm cho rõ ràng, làm cho tường tận, chúng ta mới có chỗ để học tập.

Người hiện tại chúng ta phiền não quá nhiều, vọng tưởng quá nhiều, nếu quý vị tu mỗi ngày chỉ ăn bữa trưa, chẳng thể nào không sanh bệnh! Vì sao? Nói thật ra, thân thể này là một bộ máy, sở dĩ máy móc có thể vận hành thì phải được bổ sung năng lượng. Bổ sung chẳng đủ, máy móc phải tổn hoại. Chẳng hạn như xe hơi, đổ không đủ xăng, nếu quý vị chạy với tốc độ cao, xe chẳng thể nào không hỏng, chẳng thể nào không bị trục trặc! Thân thể chúng ta là một cỗ máy, ẩm thực, dinh dưỡng là năng lượng! Đến lúc thì quý vị phải cung cấp đầy đủ cho nó mới được, nó mới có tinh thần, mới có thể làm việc.

Vì sao đệ tử Phật mỗi ngày ăn một bữa là đủ, chúng ta ăn ba bữa vẫn không đủ? Vẫn phải ăn nhẹ trước khi ngủ? Nguyên nhân là vì máy móc của họ ít hao xăng, máy móc của ta tốn xăng, chẳng có cách nào, chẳng thể so sánh! Mọi người phải hiểu, năng lượng tiêu hao ở chỗ nào? Tiêu hao nơi vọng niệm, quý vị vọng tưởng càng nhiều, tiêu hao năng lượng càng lắm! Thuở trước, người xuất gia không có vọng tưởng, chẳng phan duyên, suốt ngày từ sáng đến tối chẳng suy tưởng, chỉ có nhập định, do vậy, tiêu hao năng lượng ít. Chứng đắc quả A La Hán, bảy ngày ăn một bữa, Ngài ở trong Định, tiêu hao càng ít. Kinh nói Bích Chi Phật nửa tháng đi khất thực một lần, nửa tháng ăn một bữa, công phu định lực càng sâu, tiêu hao năng lượng càng ít. Ngài ăn một bữa là đủ dinh dưỡng, nửa tháng ăn thêm một lần nữa là đủ. Chúng ta không được, vọng niệm quá nhiều, chẳng chịu tăng thêm [năng lượng] cho cơ thể, chẳng phải là quý vị tự chuốc phiền ư? Do vậy, mọi người phải hiểu rõ đạo lý này, chắc chắn chẳng phải là chuyện giữ thể diện, chẳng phải là chuyện làm cho dễ coi, mà tùy thuộc chúng ta có sức để làm được hay không, chớ nên miễn cưỡng.

Trích Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh giảng giải (Tập 104)
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa (Phần 56)
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không