Vì Sao Có Những Người Tu Hành Mà Thân Bại Danh Liệt?Trong đời người Phật tử, nếu như có thể lãnh hội được vài câu kinh, hay như trong kinh nói là có thể hiểu được một bài kệ bốn câu, hoặc cả bài, hoặc nửa bài, hoặc một câu, hai câu, tất cả đều được lợi lạc vô cùng.

Thật vậy, chúng ta thấy trong Phật pháp, chư vị đại đức tổ sư thuở xưa, quý ngài tu hành, chứng quả, cũng chỉ cần lãnh hội được một hai câu trong kho tàng kinh luận mà thôi. Chúng ta thử nhìn lại ngoài đời, từ xưa đến nay, những người kiến tạo đại công, sáng lập nghiệp lớn, cũng chỉ nhờ vào sự lãnh hội thấu suốt những lời giáo huấn của những người đi trước. Như Trương Lương đời nhà Hán, một trong những người thành công nổi bật, ông được một ông lão tặng cho cuốn “Tố thư”, về sau giúp Hán cao tổ kiến công lập nghiệp, cũng chỉ nhờ vào sự lãnh hội được những lời dạy trong cuốn sách đó mà thôi. Thế mới hay, những người thành công chân chính, những người tu hành đắc đạo, ngoài đời cũng như trong đạo, đều nhờ vào bản thân họ có khả năng lãnh hội sâu sắc và khả năng ứng dụng thực tiễn. Sự tu hành, làm việc thành công hay thất bại, trong đạo hay ngoài đời, đều như vậy cả. Chúng ta không thể không biết, không thể không ghi nhớ điều này.

Phàm những người tu hành mà thân bại danh liệt thì nguyên nhân chính không gì khác hơn là do tập khí nhiều đời nhiều kiếp của bản thân cộng với các chướng duyên hiện tại. Những chướng duyên đó chính là vật chất, danh lợi trong cuộc đời, khiến cho những tập khí phiền não của chúng ta tăng trưởng, làm cho công đức tu hành bại hoại hết. Thật là đáng tiếc! Ở trong kinh luận, chúng ta thấy đức Thế tôn đã lao tâm nhọc trí dạy dỗ chúng ta, bất cứ nơi đâu, lúc nào cũng cảnh tỉnh chúng ta, khuyên chúng ta phải đề cao cảnh giác, cẩn thận đề phòng. Cho nên, đối với người tu, nhân tố đầu tiên để thành tựu đạo nghiệp đó chính là có thể điều phục được phiền não. Đó là điều mà kinh Kim Cương gọi là “hàng phục kỳ tâm”.

Trích Tâm Không Vướng Bận
Nguyên tác: Tịnh Không Pháp sư
Việt dịch: Thích Nguyên Hùng