Tu Hành Phải Luyện Tâm Không Nên Chấp Vào Hai Bên Có Hoặc KhôngTrong kinh Kim Cương đức Phật dạy chúng ta phải nên “phát triển cái tâm không ở đâu cả”. Đây là nguyên lý quan trọng nhất của sự tu tập. Vì muốn dạy chúng ta từ khi mới phát tâm tu hành đi thẳng đến địa vị Như lai, phải rời bỏ nhị nguyên, không nên bám víu vào cái có hoặc cái không, cho nên mới nói: “chẳng phải tướng, chẳng phải không tướng”. Cho rằng có pháp là rơi vào một bên có, cho rằng không phải pháp là rơi vào một bên không, có – không gọi là nhị biên, cả hai phạm trù này đều không nên bám víu, chấp trước. Vậy phải làm thế nào? Đức Phật dạy chúng ta phải: “Phát khởi cái tâm không ở đâu cả mà làm bố thí”.

“Phát khởi cái tâm không ở đâu cả” có nghĩa là từ bỏ các khái niệm về có, không bám víu vào các hình danh sắc tướng, để cho tâm hoàn toàn vắng lặng, một sợi lông mảy bụi cũng không có. Đó chính là điều mà Lục tổ Hụê Năng gọi là: “Xưa nay không một vật” (bổn lai vô nhất vật).

“Thực hành bố thí” là ý nghĩa của sự không bị vướng kẹt vào ý niệm về không. Ý nghĩa của cả câu kinh là không bị vướng kẹt, không bám trụ vào ý niệm có và không. Chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của câu kinh này thì mới biết phương pháp tu tập.

Đức Phật thường dạy: “Hết thảy chư Thánh hiền đều dùng pháp vô vi mà có sai biệt”. Câu nói này có ý nghĩa rất quan trọng. Từ địa vị Sơ quả của Tiểu thừa đến địa vị Đẳng giác của Bồ tát Đại thừa, quý Ngài tu tập cái gì? Tu cái tâm “không ở vào hai bên” mà thôi! Bất kể quý Ngài dùng phương pháp tu tập gì, thủ đoạn thế nào, cho dù là tám vạn bốn ngàn pháp môn đi nữa, thì cái nguyên tắc tu tập căn bản đều không ra ngoài nguyên lý: “không ở vào hai bên”. Do đó, chúng ta có thể nói, người chân chính tu hành, học Phật, không có gì khác hơn là học tập và huấn luyện cái tâm “không ở vào hai bên”.

Bởi vì chấp có cho nên chúng ta mới không thể nào thoát ra khỏi Dục giới và Sắc giới; vì chấp không cho nên chúng ta không thể thoát ra khỏi Vô sắc giới. Nói cách khác, chấp có, chấp không là tạo nghiệp luân hồi. Ở trong cái có, cái không là ở trong cái tâm luân hồi. Lấy cái tâm luân hồi, tạo cái nghiệp luân hồi, thì làm sao ra khỏi lục đạo? Thế mới biết, một câu kinh của Phật có ý nghĩa biết chừng nào! Ngài chỉ dạy cho chúng ta một câu “đừng ở vào cái có – không”, là đã có thể đưa chúng ta thoát khỏi luân hồi, chứng nhập Vô thượng bồ đề. Đây gọi là pháp môn bất nhị.

Lặng lẽ phương Tây cõi niết bàn
Thảnh thơi thả gót rời có – không

Trích Tâm Không Vướng Bận
Nguyên tác: Tịnh Không Pháp sư
Việt dịch: Thích Nguyên Hùng