Phật Hiện Giữa Hư Không Báo Trước Giờ Vãng SanhCô Trần Thị Cẩm Vân sinh năm 1972, tại ấp Thới Hòa, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Cha tên Trần Thanh Tòng, mẹ là Phạm Thị Ngọc My. Cô chỉ có một người anh.

Cô có bản tính nhu hòa, hiền lành và chân thật.

Năm lên 9 tuổi, khi đang học được lớp ba thì cha cô qua đời, cô phải nghỉ học phụ tiếp với mẹ bán buôn ở ngã ba lộ tẻ Rạch Giá để tạo manh áo chén cơm.

Năm 1988, hôm nọ vào mùa mưa, cơn dông tố đã làm sập sáu căn nhà, trong số đó, có nhà của cô. Tự dưng, cô cảm nhận sâu sắc về nỗi khổ của kiếp người. Mọi thứ đều phù du giả tạm, không chi bền chắc cả:

“Mây nổi
Bèo trôi
mãi:
Hợp – Tan!
Hoa nở ban mai
tối rụi tàn.
Tất bật cả đời:
trăm thứ tạo,
Ra đi cũng chỉ:
Một Áo Quan!!!”

Cô liền phát tâm trường chay theo mẹ, lúc ấy, cô 16 tuổi.

Từ đó, cô siêng năng sớm chiều lễ bái, trì niệm, đọc học kinh sách. Dù bận rộn bon chen vất vả với đời, bảo tồn sự sống. Cô vẫn thường cùng mẹ đến chùa Tân Hương, chùa Khánh Vân để làm công quả hoặc dự các khóa niệm Phật; cô cũng hay lui tới nhà các bạn đạo để học thêm về giáo điển với các bậc thiện trí thức, ứng dụng thiết thực vào đời sống sinh hoạt hằng ngày. Chân thật làm lành lánh dữ, chân thật tu thân, chân thật sửa tánh, chân thật hiếu thuận và hòa kính với hết thảy mọi người. Tất cả, cô đều hồi hướng về Tây Phương Cực Lạc, một lòng trì niệm danh hiệu A Di Đà.

Thời gian dần dà trôi qua, kinh tế gia đình ngày một bẩn chật. Năm 2003, cô xin mẹ đi làm công nhân cho Xí Nghiệp May Da Giày An Giang. Hơn một năm, cô bệnh nên nghỉ việc để lo chữa trị. Kế đó, cô lại xin mẹ làm ở Công Ty Chế Biến Đông Lạnh ở gần nhà. Nhưng chỉ được chín tháng thì bệnh tái phát, nơi vùng bụng đau ê ẩm liên tục, có lúc dữ dội.

Đến An Giang, bác sĩ chẩn đoán là “khối u buồng trứng”, đề nghị ra Sài Gòn.

Ngày 8 tháng 7 năm 2008 vào Bệnh viện Trung Tâm Ung Bướu TP.HCM, bác sĩ quyết định phẫu thuật. Trong thời gian chờ đợi, cô phát nguyện:

– “Nam Mô A Di Đà Phật!

Nếu duyên con còn ở Ta Bà, thì xin Đức Phật từ bi cho con hết bệnh, con sẽ làm công quả, tinh tấn tu hành cho đến ngày viên mãn. Còn như duyên con hết, thì xin Ngài từ bi rước con về Cực Lạc!”

Sau khi phẫu thuật, bác sĩ yêu cầu thân nhân khuyên cô dùng mặn để đủ dinh dưỡng và đề kháng. Mẹ hỏi ý cô thế nào, cô đáp:

– “Chuyện ai làm nấy biết! Bác sĩ là bác sĩ; Mình là mình! Trên đường tu, quan trọng là giây phút này! Con người khi mà từ dưới chân núi trèo lên tới đỉnh thì mát mẻ thơ thới lắm! Còn nếu đi xuống rồi lên trở lại thì rất là khó khăn!”

Thấy con giữ vững lập trường, mẹ cô tràn đầy niềm vui sướng. Bởi vì:

“Việc chi dầu mấy khó khăn,
Lòng người nhất quyết rốt rồi cũng nên.
Người tu cần có chí bền,
Gặp bao thử thách cũng nên kiên trì.”

Xuất viện vài tuần lễ, bệnh tình không thuyên giảm, bèn trở lên tái khám. Lần này, bác sĩ đề nghị vô hóa chất. Cô liền nói với mẹ:

– “Mẹ ơi! Vô hóa chất là chết. Thôi, để con uống thuốc Nam “Lo thuốc thang khẩn vái Phật Trời” để con chết nhẹ nhàng hơn!”

Về nhà, cô khẩn thiết niệm Phật nhiều hơn, cơn đau cũng gia tăng, hoành hành nặng nề hơn. Chư đồng đạo và thân quyến thấy thế nóng lòng, đòi đưa đi bệnh viện để chích thuốc giảm đau, cô không chịu, nhưng vì mọi người nài nỉ nên cô đành chấp thuận. Đến Bệnh Viện Bình Dân An Giang, sau khi khám xong, bác sĩ cho biết, vết thương đã bị ung thư và nói:

– “Bệnh này, thôi hãy an phận đi! Chích thuốc thì chích, nhưng cho toa về nhà chích chứ không cho nằm viện!”

Khi ra xe Tăc-xi, vừa bước lên ngồi, cô nói với mẹ:

– “Mẹ à! Từ đây trở đi, con sẽ nhất tâm niệm Phật. Con không muốn tiếp xúc nữa đâu, mẹ nên cách ly con. Bởi, tình mẫu tử không thể nào không xúc động. Đồng thời, mẹ cũng đừng cho anh Hai con và mấy anh đến thăm con, trong giờ phút nầy!”

Dặn dò xong, cô nhiếp tâm niệm Phật. Đêm đó (ngày 9 tháng 10 năm 2008), bệnh phát kịch liệt. Cô dõng mãnh nắm chặt hai tay lại niệm Phật tha thiết hơn. Đến 4 giờ sáng, cơn đau từ từ dịu xuống dần, cô khỏe khoắn trở lại bình thường, sau đó, cô nói với mẹ:

– “Mẹ ơi! Bây giờ, mẹ tắm rửa cho con, gội đầu luôn!”

Mẹ cô đáp:

– “Con ơi! Bây giờ còn sớm quá!”

Dì ba chen vào:

– “Còn sớm lạnh lắm, Vân ơi!”

Cô nói:

– “Không sao đâu! Mẹ nấu nước nóng là được!”

Tắm gội xong, cô nhờ mẹ dìu lại võng, vừa đi cô vừa nói, nhưng âm thanh bị lạc giọng, không nghe rõ, mẹ cô nói:

– “Nãy giờ con nói, mẹ không tiếp thu được!”

Cô chỉ mỉm cười rồi nằm xuống. Nằm trên võng, phơi tóc một hồi, cô lại nhờ mẹ dìu lên giường. Nằm khoảng 15 phút, cô bỗng dưng, tự bật dậy quay mặt về hướng Tây niệm Phật, phong thái điệu bộ vóc dáng y như người không có đau bệnh gì cả, gương mặt tươi hồng khác thường. Ngồi niệm Phật hơn 20 phút, cô nằm xuống trở lại. Mẹ cô trong lòng cảm thấy hết sức lạ lùng, đến gần cất tiếng hỏi:

– “Vân ơi! Bữa nay con khỏe rồi hả?”

Cô đáp:

– “Bữa nay, con khỏe hơn mọi bữa!”

Mẹ cô nói tiếp:

– “Nếu khỏe! Vậy thôi, bây giờ con nằm ráng niệm Phật, để mẹ dọn dẹp, phơi đồ cho kịp khô.”

Bà sắp sửa xoay người bước đi, cô nắm tay bà lại nói:

– “Mẹ ơi! Con cho mẹ biết: hôm nay qua 10 giờ, con về Phật, nghen mẹ!”

Nghe qua, bà vô cùng mừng rỡ, chen lẫn nỗi ngại nghi. Ngần ngừ một tí, rồi bà đáp:

– “Con nói, con về Phật thì mẹ mừng lắm! Nhưng con phải nhứt tâm niệm Phật mới được:

“ Cứ nhứt tâm tín nguyện phụng hành,
Được cứu cánh về nơi An Dưỡng.
Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”

Con nhớ nhứt tâm niệm Phật, nghe con!”

Kế đó, liên hữu Dễ bước vào, khi đã hỏi thăm, an ủi, dã lã xong xuôi, rồi nói:

– “Bữa nay, em chích thuốc cho chị rồi, em phải tranh thủ về bà Sáu để đưa đám tang!”

Cô đưa tay lên vừa khoát qua khoát lại, vừa nói:

– “Hôm nay, chị không chích thuốc, mà cũng không uống thuốc nữa!”

Dễ chưng hửng, hỏi lại:

– “Bữa nay, chị không chích thuốc nữa hả?”

Cô đáp:

– “Không chích nữa! Bữa nay qua 10 giờ, chị về Phật rồi!”

Dễ liền yêu cầu:

– “Chị Vân ơi! Vậy, chị chờ em nghen! Em đi bà Sáu rồi về, em đưa chị về Phật!”

Cô chỉ mỉm cười chứ không trả lời.

Mẹ cô bước ra ngoài, nói nhỏ với cháu:

– “Dễ ơi! Chuyện này, hai cô cháu mình biết thôi nghen! Đừng cho ai hay hết, lỡ như không đạt, sẽ mất tín tâm của chư đồng đạo!”

Dễ vâng dạ rồi thì tức tốc ra đi. Nhưng rồi không biết tại sao, cả hai không ai tự chủ được lòng, đều bấm điện gọi đi tùm lum. Thế là, không mấy chốc, chư liên hữu kéo tới tấp nập. Liên hữu Mười Ne lại gần giường, hỏi cô:

– “Vân à! Con nói về Phật, mà con về bằng cách nào vậy con?”

Cô đưa bàn tay lên cao, chìa năm ngón ra, đáp:

– “Con thấy Đức Phật ở giữa hư không, hiện hào quang ngũ sắc, chú Mười! Hơn 10 giờ, con về Phật nghen chú Mười!”

Nghe xong, ông cười và nói:

– “Thôi, vậy rất tốt! Mà con nhớ cố gắng niệm Phật, dù thấy Phật hay không thấy Phật, mình cũng phải giữ vững đức tin!”

Đến đúng 10 giờ 20 phút hôm đó (ngày 11 tháng 10 năm 2008), cô an nhiên niệm Phật mà qua đời. Trước lúc ra đi, cô đưa mắt nhìn hết thảy từng người đang đứng hộ niệm, kế đó cô hướng mắt nhìn thẳng lên hư không, chăm chú nhìn giây lâu, rồi từ từ khép đôi mắt lại. Cô hưởng dương 36 tuổi.

Cuộc trợ niệm vẫn duy trì tiếp tục, tám tiếng đồng hồ, khám nghiệm tử thi thì thấy đỉnh đầu rất nóng trong khi toàn thân đều lạnh, gương mặt rất vui tươi, xinh đẹp, các khớp xương đều mềm mại. Sau khi hỏa thiêu thu được nhiều xá lợi.

Gần ba tháng sau, hôm nọ khi thắp hương, mẹ cô âm thầm khấn nguyện:

– “Vân ơi! Lúc trước con có hứa với chú Mười và với mẹ, chừng nào con được vãng sanh, con phải linh ứng báo một điềm gì đó. Mà sao cho đến hôm nay, mẹ không thấy gì hết vậy?”

Độ chừng nửa giờ sau, đột nhiên trong phòng xuất hiện một mùi thơm ngào ngạt, lan ra khỏi cửa trước lẫn cửa sau. Ngửi mãi mà cũng không rõ là mùi hương gì!

Thuật theo lời của mẹ cô – Phạm Thị Ngọc My
Trích Chuyện Vãng Sanh Ở Việt Nam
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt thực hiện