Người Đàn Ông 10 Tháng Đau Đớn Vì Ung Thư Mỉm Cười Ra Đi Sau Hơn 1 Giờ Hộ NiệmÔng Võ Thành Thu (SN 1973, trú tại phường 7, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) từng là một người vô cùng khỏe mạnh. Hàng ngày ông thường ra chợ phụ giúp vợ bán ngan vịt. Hai người con đều được vợ chồng ông nuôi ăn học đàng hoàng, có công việc ổn định và đều đã có gia đình riêng. Bao nhiêu năm ông Thu rất ít khi ốm đau.

Đang làm ăn buôn bán bình thường, bỗng một ngày cách đây chừng 10 tháng, ông Thu thấy bụng đau đớn quằn quại, càng ăn vào thì càng đau khiến ông không thể ăn uống được gì. Khi gia đình đưa ông Thu lên Sài Gòn khám thì nhận được thông báo rằng ông đã bị ung thư dạ này ở giai đoạn cuối, khối u khá lớn nằm ở vị trí cuống dạ dày.

Ông Nguyễn Công Danh (SN 1959, anh rể của ông Thu) cho biết: “Các bác sĩ bệnh viện cho biết, bệnh tình của em vợ tôi đã ở giai đoạn cuối, có phẫu thuật cũng không khỏi được. Tuy nhiên nếu không phẫu thuật cắt bỏ khối u này đi thì nó sẽ gây chèn ép lên cuống dạ dày, thức ăn không thể xuống tới dạ dày được và gây đau nhức và bệnh nhân sẽ bị suy kiệt mà chết. Do đó gia đình tôi đồng ý để các bác sĩ phẫu thuật cắt khối u cho chú ấy để có thể tiếp tục ăn uống được, nhằm kéo dài thời gian sống”.

Theo yêu cầu của gia đình, các bác sĩ đã cắt bỏ khối u cho ông Thu, đồng thời yêu cầu ông Thu thực hiện một phác đồ điều trị bằng hóa chất. Sau lần trị xạ đầu tiên, sức khỏe ông Thu có vẻ tiến triển hơn, ông ăn uống được, cơ thể tỉnh táo. Tuy nhiên những ngày gần đây, đúng đến gần đợt trị xạ tiếp theo thì ông Thu tiếp tục cảm thấy đau đớn quằn quại ở vùng bụng. Ông không còn đủ sức để ngồi ô tô từ Mỹ Tho lên Sài Gòn chữa trị nữa.

“Cuối cùng gia đình đành đưa em vợ tôi vào bệnh viện Đa khoa Tiền Giang điều trị. Tại đây các bác sĩ kết luận rằng bệnh ung thư của chú ấy đã bị di căn sang các bộ phận khác trong ổ bụng như gan, phổi… Sau đó họ cho em tôi tới nằm ở một căn phòng trên lầu. Theo tôi được biết thì khi bệnh nhân đã vào nằm ở căn phòng này thì có nghĩa là không còn hy vọng gì nữa. Thấy chú ấy đau đớn quằn quại, ai cũng phải chảy nước mắt”. Ông Danh cho biết.

Bản thân ông Danh vốn là một người hay đi công đức ở các đình chùa. Là người khéo tay nên ông thường mang hoa tới các tới đền chùa, tỉ mỉ cắt tỉa rồi cắm vào các lọ mang đặt lên các ban thờ để thắp hương. Là người nguyện một lòng theo Phật giáo nên ông Danh cũng đã quy y Tam bảo và được ban cho pháp danh là Từ Phương.

“Trước đây tôi cũng từng nhiều lần nghe nói về việc tụng kinh hộ niệm cho những người mắc trọng bệnh. Biết rằng việc hộ niệm có thể giúp người bệnh vơi đi đau đớn. Do đó tôi thuyết phục chú Thu cùng mọi người trong gia đình đưa chú ấy về nhà mời Ban hộ niệm tới chứ không nằm ở bệnh viện nữa. Nghe tôi nói có lý nên mọi người đều đồng ý. Gần đây tôi cũng có tham dự một đám hộ niệm cho một người quen vì thế tôi nhờ xin số của Ban hộ niệm này và họ rất nhiệt tình đồng ý hộ niệm cho chú Thu. Khi chúng tôi đưa chú Thu từ bệnh viện về đến nhà thì Ban hộ niệm họ cũng vừa tìm tới”. Ông Danh chia sẻ.

Ban hộ niệm mà ông Danh mời tới chính là Ban hộ niệm chùa Hưng Thiền (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) do Cư sĩ Diệu Phước làm Trưởng ban. Lúc này ông Thu mặc dù rất đau đớn nhưng vẫn còn tỉnh táo và có thể tụng kinh được. “Chú Thu được đặt nằm ở một chiếc giường nhỏ ở phòng khách, các thành viên ban hộ niệm bày trí bàn thờ phật rồi họ yêu cầu cả gia đình tôi cùng ngồi tập trung vào tụng kịnh hộ niệm cho chú Thu”. – ông Danh chia sẻ.

Theo ông Danh, trước đây ông Thu – em vợ của ông – vốn là người mải làm ăn, nên chẳng bao giờ quan tâm tới việc đi chùa, cũng chẳng bao giờ biết tới việc tụng kinh hộ niệm là gì. Vậy mà khi mời Ban hộ niệm tới, các cư sĩ họ đã thuyết phục, khuyên bảo được ông Thu tập trung hết sức lực, tinh thần vào việc tụng kinh đó đã là một điều khiến ra đình tôi cảm thấy rất vui rồi.

Cư sĩ Diệu Phước cho biết: “Ông Thu đã quá khổ sở với những cơn đau đớn hành hạ nên một lòng muốn ra đi để giải thoát cho thân thể của mình. Đạo Tràng đã khuyên ông Thu rũ bỏ mọi âu lo, phiền muộn, không suy nghĩ về những việc làm còn dang dở nữa, cũng không cần phải lo cho vợ con vì đến giờ phút này ông không làm được gì nữa rồi. Để thoát khỏi những cơn đau này chỉ còn có một cách là ông tập trung tinh thần vào việc tụng kinh niệm Phật và ông Thu cũng đã nghe theo. Tôi cảm nhận được rằng ông ấy đã nén những cơn đau lại để tập trung niệm Phật và dần quên đi cảm giác đau đớn”.

Ông Danh cho biết: “Khi vừa hộ niệm được chừng mấy chục phút, chú Thu bỗng nhiên giơ hai ngón tay lên và nói với mọi người rằng mình sẽ ra đi vào lúc 2h chiều. Nghe vậy mọi người trong gia đình chúng tôi cũng không để ý lắm vì cho rằng chú ấy chỉ nói như vậy thôi chứ làm sao mà biết trước được mình chết vào giờ nào. Có một điều mà ai cũng thấy là lúc này chú ấy nằm im để tụng kinh chứ không còn quằn quại đau đớn như lúc đầu nữa. Tiếp tục hộ niệm tới khoảng 2h kém 15p thì chú ấy tắt thở ra đi một cách rất nhẹ nhàng. Lúc này mọi người mới nhớ lại lời nói của chú Thu lúc trước về việc sẽ ra đi vào lúc 2 giờ. Điều đó khiến ai cũng phải ngỡ ngàng không hiểu vì sao chú ấy lại biết trước được như vậy”.

Theo ông Danh, ông Thu tắt thở trong trạng thái miệng vẫn há to khi đang niệm Phật, mắt mở. “Lúc này gia đình chúng tôi định vào vuốt mắt cho chú ấy nhưng Ban hộ niêm ngăn lại để họ tiếp tục hộ niệm. Vì đã mời họ về hộ niệm rồi nên đành nghe theo, tiếp tục ngồi tụng kinh. Nhưng điều kỳ lạ là, chỉ tụng kinh hộ niệm thêm một lúc nữa thì mắt chú Thu từ từ nhắm lại, miệng cũng khép lại với tư thế như đang cười mà không hề có ai động vào”. Ông Danh chia sẻ.

Từ khi chú Thu tắt thở, Ban hộ niệm tiếp tục tụng kinh thêm khoảng 12 tiếng đồng hồ nữa thì cho gia đình làm lễ an táng. “Lúc này mọi người mới được sờ vào thi thể chú Thu và thấy rằng chân tay chú ấy vẫn còn rất mềm mại và có đôi chút hơi ấm, chứ không cứng đơ, lạnh ngắt như những người chết mà không được hộ niệm tôi từng biết”. Ông Danh cho biết.

Nói về Ban hộ niệm chùa Hưng Thiền, ông Danh chia sẻ: “Ban hộ niệm này công nhận là tốt thật. Họ đến hộ niệm cho em vợ tôi rất nhiệt tình và tuyệt nhiên không làm phiền gì tới gia đình chúng tôi. Tất cả đồ ăn thức uống họ đều mang theo chứ không ăn uống gì của gia đình. Thỉnh thoảng chúng tôi sợ các thành viên trong Ban hộ niệm mệt, khát nước nên mua đồ ăn bổ dưỡng, pha cà phê mời họ ăn uống nhưng họ đều từ chối. Tới khi Ban hộ niệm ra về, chúng tôi bảo đưa cho họ chút tiền hương, tiền xăng xe đi lại nhưng họ cũng không nhận. Những việc làm của Ban hộ niệm khiến chúng tôi hết sức cảm kích”.

Mạnh Đức

Địa chỉ liên lạc Ban Hộ Niệm Chùa Hưng Thiền:

Đường Lộ Vàm – Ấp Tân Tĩnh – Xã Song Bình
Huyện Chợ Gạo – Tỉnh Tiền Giang
Trưởng Ban Hộ Niệm: Chị Diệu Phước (người đang đứng hình trên)
ĐT: 84 169 648 7427