Người Hành Thiện Luôn Được Trời Phật Phù Hộ Tà Thần Ác Quỷ Đều Tránh XaMạnh-Thường-Quân là một nhà nghĩa hiệp trong thời Chiến-Quốc, làm tể tướng của nước Tề, được vua Tề phong ấp ở đất Tiết. Trong phủ ông luôn luôn nuôi trên 300 thực khách, tính ông lại rất rộng rãi, thường đem tiền cho người khác vay mượn. Vì thực khách mỗi ngày một đông, số tiền chi tiêu không đủ, nên một hôm ông sai một thực khách là Phùng-Hoan đi qua đất Tiết đòi nợ. Trước khi lên đường, Phùng-Hoan hỏi Mạnh-Thường-Quân:

– Khi thu được tiền nợ, Tướng-công có cần mua gì về chăng?

Mạnh-Thường-Quân đáp:

– Xem trong nhà thiếu gì thì mua.

Khi đến đất Tiết, Phùng-Hoan triệu tập dân đến tụ họp và nói:

– Hôm nay ta đến đây không phải là đòi nợ, mà là đến báo một tin mừng, chủ ta là Mạnh-Thường-Quân nói tiền nợ của quý vị phụ lão đã vay mượn đều khỏi trả, nên hôm nay sai ta đến đây để hủy bỏ tất cả những khế ước mà quý vị đã lập trong lúc vay mượn.

Phùng-Hoan nói xong, liền đem khế ước vay nợ của dân Tiết mang ra xé hết và đốt trước mặt mọi người. Khi đốt xong. Phùng-Hoan từ giã dân Tiết, trở về báo cùng Mạnh-Thường-Quân.

Thấy Phùng-Hoan về đến nhà, Mạnh-Thường-Quân hỏi:

– Thu nợ xong rồi có mua gì về chăng?

Phùng-Hoan đáp:

– Trước khi đi tôi đã xem xét kỹ lưỡng, thấy nhà của tướng-công ngọc ngà châu báo chứa đầy kho, người đẹp đầy nhà, chó ngựa cũng đầy chuồng, chẳng thiếu gì hết. Chỉ có chữ nghĩa là chưa đủ, nên hôm nay đi đòi nợ tôi đã dùng số tiền đó mua chữ nghĩa cho tướng-công rồi.

Mạnh-Thường-Quân nghe Phùng-Hoan nói xong, trong lòng biến sắc:

– Ta vì lo sợ trong nhà khách đông, bổng lộc không đủ chi tiêu mới sai tiên-sinh đi thu nợ, nay tiền không thu được lại đem giấy nợ mang đi đốt, sau này chi tiêu không đủ thì thực khách sẽ bỏ ta mà đi hết, như thế gọi là mua nghĩa hay sao?

Phùng-Hoan đáp:

– Đất Tiết là đất thế phong của tướng-công, nhân dân đó sẽ là người cùng nhau sẻ ngọt chia bùi với tướng-công. Nay kẻ hèn này mạo muội đốt bỏ giấy nợ, mục đích là để dân đất ấp biết cái đức của tướng-công là trọng người khinh tài, như thế lòng nhân nghĩa của tướng-công sẽ được truyền đi khắp nơi, đó là giúp tướng-công thu phục nhân tâm vậy.

Mạnh-Thường-Quân nghe Phùng-Hoan nói thế, cũng không hỏi gì đến tiền nữa. Về sau, Mạnh-Thường-Quân bị người gièm pha, bị vua Tề thu hồi ấn tướng và đuổi vế ấp Tiết. Dân ấp Tiết nhớ ơn xưa, trăm họ già trẻ đều dìu nhau đi nghênh tiếp, Mạnh-Thường-Quân nhìn thấy cảnh này mới nói với Phùng-Hoan:

– Ý nghĩa mua nghĩa của tiên-sinh, đến bây giờ ta mới rõ.

Thí ơn cho người, người sẽ ghi lòng tạc dạ, cảm nghĩa đời đời.

Lương Đài-San thường đọc sách tại một đình ở ven sông. Một hôm San nghe lũ quỷ nói chuyện với nhau:

– Ngày mai có một phụ nữ đến nhảy sông tự tử, ta sẽ được đi đầu thai.

Sáng hôm sau Đài-San quả nhiên thấy một thiếu phụ đầu tóc bối rối, vừa đi vừa khóc muốn nhảy xuống sông tự tử. Nhìn thấy cảnh tượng này, Đài-San nhớ tới lời con quỷ đã nói vào hôm qua, bèn lớn tiếng kêu người thiếu phụ. Thiếu phụ nghe thấy tiếng người, sực tỉnh cơn mê mà dừng lại. Đài-San lên tiếng hỏi:

– Cô-nương gặp chuyện gì mà phải quyên sinh vậy?

Thiếu phụ đáp:

– Gia đình thiếp nghèo, chồng thiếp lại ham cờ bạc, thua nợ quá nhiều, bắt thiếp phải vào lầu-xanh tiếp khách lấy tiền trả nợ. Thiếp tuy quê mùa, nhưng được sự giáo huấn của song-thân, còn biết chút ít liêm sỉ, nên thà chết mà không muốn làm nhục thanh danh.

San nói:

– Cô-nương chớ nên quyên sinh, tôi có chút ít tiền bạc có thể giúp đỡ gia đình cô qua khỏi cơn hoạn nạn này.

Đài-San vừa nói xong thì thấy một thanh niên, thở hổn hển chạy đến kéo lấy tay của thiếu phụ. San nói với người thanh niên:

– Ông vì cờ bạc mà tán gia bại sản, sau này nên chừa. Tiền bạc mất đi còn có thể kiếm được, người chết đi rồi thì không thể sống lại được nữa. Ông nợ người ta bao nhiêu tôi có thể giúp ông trả cho.

Hai vợ chồng cảm tạ Đài-San mà đi. Đêm đó Đài-San lại nghe một quỷ nói:

– Đáng lẻ ra ta được đi đầu thai rồi, nhưng bị chàng thư-sinh làm hỏng chuyện.

Một quỷ khác giận nói:

– Sao không làm hại thằng đó đi?

Qủy khác đáp:

– Không được đâu, Thượng-Đế đã tuyển người này làm Thượng-thư sau này,
mình không thể hại nó được.

Về sau Đài-San thi đỗ được bổ làm chức ngự-sử và sau cùng lên chức Thượng thư.

Sở vi thiện-nhân, nhân giai kính chi, Thiên-đạo hữu chi, phước lộc tùy chi, chúng tà viễn chi, Thần-Linh vệ chi, sở tố tất thành, Thần-Tiên khả kí.

Thích nghĩa: Người hành thiện, sẽ được thiên-hạ tôn kính, Được Trời Phật phù hộ, Phước lộc không cầu mà tự đến Tà-Thần Ác-quỷ đều tránh xa, Lại được Thần-Linh hộ trì giúp đỡ, sự việc hễ làm tất thành, lại còn hy vọng trở thành Thần-Tiên nữa.

Chú giải: Đức Khổng-Tử nói: “Thánh-nhân ta chưa được thấy, nhưng thấy người quân-tử cũng xem như được gặp Thánh-Nhân vậy. Ta chưa được thấy người thiện, nhưng gặp được người có hằng tâm làm việc thiện thì cũng như gặp được người thiện vậy”. Một người được xưng là thiện-nhân thì hành động và việc làm đều hợp với ý Trời, cho nên quỷ Thần đều kính trọng. Sống là người hoàn thiện trên đời, khi chết sẽ là Thần-tiên nơi động phủ.

Trích Thái Thượng Cảm Ứng Thiên