Nhật Ký Những Ngày Ở Bệnh Viện - Bên Bờ Sanh Tử Chúng Ta Nên Làm Gì?Tôi đang làm việc thì nhận được điện thoại báo tin chồng mình lên cơn đau tim cấp nên vội bỏ ngang việc chạy gấp về nhà. Nhập viện 115 cấp cứu – Nhồi máu cơ tim cấp.

Đối với người niệm Phật cầu sanh Tây Phương, đây là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời, cần phải niệm Phật liên tục, chính xác gọi là ôm chân Phật không rời.

Trước lúc đưa băng ca đẩy vào phòng chụp và nong mạch vành, tôi vuốt tóc dặn dò chồng: “Anh à, đây là giây phút cực kỳ quan trọng. Kể từ giờ trở đi, anh đừng nhớ em, đừng nghĩ tới con, đừng nghĩ đến bất kỳ thứ gì ở nhà mình. Anh hãy nhớ Phật, niệm Phật miên mật, vì chỉ có Phật mới cứu được anh mà thôi. Anh nghe lời em, hãy cố gắng niệm Phật. Bên ngoài em sẽ niệm Phật hồi hướng cho anh, ở nhà các con sẽ niệm Phật hồi hướng cho anh. Cả nhà chúng ta cùng niệm Phật hướng về anh, cứ yên tâm nha anh”. Đây là tôi bắt chước cách xử trí của cư sĩ Lâm Sư Thư trong quyển Lắng nghe tiếng hát sông Hằng của vị Bác sĩ Bồ tát Quách Huệ Trân.

Thấy chồng mình nằm liên tục niệm Phật nên tôi cũng đỡ lo. Tiếp theo, bác sĩ gọi hết người nhà vào trong, chỉ lên màn hình – nơi có trái tim yếu ớt đang đập và những mạch máu li ti cỡ sợi tóc – ông nói rằng: “Bệnh nhân bị cục huyết khối chèn ở mạch vành, chẻ thành hai nhánh nhỏ do bị nghẽn nên máu không về tim được gây phình giãn hai nhánh này. Máu không chảy về tim được nên đã dẫn đến tình trạng có thể Đột tử nếu bệnh nhân không được đưa đến bệnh viện kịp thời. Tôi sẽ can thiệp, có thể đặt Stent (nếu được), nhưng mà về rủi ro thì cũng có thể xảy ra ngay trên bàn mổ. Chị phải ký giấy cam kết rằng chấp nhận rủi ro, vẫn phải thanh toán viện phí nếu có tử vong”.

Tôi nhìn lên màn hình, rồi nhìn chồng đang nằm trong phòng kính. Anh vẫn tỉnh, miệng vẫn lép nhép niệm Phật. Nghe bác sĩ nói tôi thấy xúc động, chẳng lẽ đây là lần cuối cùng mình thấy anh ấy sống ư? Xin lỗi các chư vị đồng tu, tôi vẫn là phàm phu, tuy học Phật vài năm, hiểu được cuộc đời vô thường – Sanh lão bệnh tử là những nỗi khổ ai cũng phải trải qua không trước thì sau, nhưng khi đối diện vẫn cảm thấy khó khăn quá. Lúc đó, tôi chỉ biết xá tay A Di Đà Phật với bác sĩ và bảo rằng ông hãy cố gắng làm hết những gì ông có thể làm được tốt nhất, ký giấy rồi bước ra ngoài niệm Phật và chờ báo tin ca mổ.

Tôi tập trung vào từng câu Phật hiệu, niệm to rõ từng tiếng. Ai đi qua ngó tôi cũng chẳng quan tâm, giờ phút này bên trong ông xã tôi cần niệm Phật hơn bao giờ hết. Thời gian này ở nhà các con tôi cũng niệm Phật. Khoảng 15-20 phút sau, bác sĩ gọi người nhà vào và bảo đã thực hiện xong. Bác sĩ nói rằng ông đã can thiệp nong động mạch vành nhưng đặt Stent vào không được do một số lý do (chuyên môn họ giải thích tôi không được rõ lắm). Nói chung là tình hình tạm ổn.

Khi anh khoẻ hơn một chút thì anh kể lúc vào phòng anh khấn rằng: “Nguyện A Di Đà Phật tiếp dẫn con vãng sanh Tây Phương”, xong rồi anh cứ niệm từng câu từng chữ A Di Đà Phật. Ban đầu anh niệm khá to nên bác sĩ nhắc nhở đừng niệm to như thế, anh mới tập trung niệm thầm từng tiếng, coi như chết rồi. Do vậy, anh hoàn toàn không cảm thấy đau đớn trong lúc các bác sĩ làm thủ thuật. Chúng tôi đều nghĩ có Phật lực gia trì.

Có một anh bệnh nhân đang nằm trên băng ca chờ làm phẫu thuật thấy ông xã tôi nằm niệm Phật nhiều quá nên buột miệng cũng niệm theo – À, vô tình lại gieo được duyên niệm Phật cho người khác.

Niệm Phật chí thiết cầu tiếp dẫn vãng sanh lúc bên bờ sanh tử. Thọ mạng còn thì nghiệp tiêu, bệnh dứt. Thọ mạng hết thì Phật phóng quang nhiếp thọ, vãng sanh Tây Phương. Xác định rõ phương hướng, đường về đâu sau khi mất sẽ làm cho bản thân mạnh dạn không sợ chết, tập trung niệm Phật tự nhiên có sự gia bị khiến cho người bệnh bình tĩnh niệm từng câu từng chữ rõ ràng.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Diệu Âm Lệ Hiếu