Cụ Bà Bệnh Nặng Kiên Quyết Từ Chối Thuốc Thang Vãng Sanh Lưu Lại Mùi Hương Nhiều Ngày Chưa TanBà Phan Thị Kiềm sinh năm 1940, cư ngụ tại ấp Vĩnh Bảo, xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ ông Phan Văn Mãi, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Hai. Bà là chị Ba trong gia đình có bốn chị em.

Thuở còn trẻ bà buôn bán vải ở chợ An Phú, sau đó chuyển sang bán thuốc Tây và bán tạp hóa tại nơi bà hiện đang định cư cho đến lúc mãn phần. Bà có bản tính vui vẻ, hoạt bát, hiền lành, hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với chị em, đối với chòm xóm chẳng mích lòng một ai. Đặc biệt, khi biết mình có lỗi thì xin lỗi chứ không để phiền hà cho ai, mặc dù người đó nhỏ tuổi hơn mình!

Khi tuổi ngoài 30, bà bị bệnh u nang tử cung, nên đã ra Sài Gòn phẫu thuật. Có lẽ bệnh hoạn đeo đẳng giúp bà tỉnh ngộ Phật pháp, nên vào năm 1987 bà phát tâm trường trai, quyết lòng tu hành niệm Phật cầu sanh về Cực Lạc.

Bà rất mạnh mẽ làm các việc từ thiện xã hội, bằng số tiền ít ỏi có được từ nguồn thu nhập buôn bán hằng ngày. Mỗi khi có ai đến quyên góp, như: bắc cầu, làm đường, cứu tế chẩn bần, tang sự, bệnh hoạn… bà đều hoan hỷ dốc túi để ủng hộ. Bà còn tham gia chặt thuốc Nam mỗi khi có các đồng đạo gần nhà tổ chức.

Bà thường khuyên dạy các cháu của mình:

– Ráng ăn chay trường, tu hành, thờ kính cha mẹ… Rán làm ăn chân thật… Mình tu để hưởng kiếp sau ở cõi Tây Phương Cực Lạc, chớ cõi đời này giả tạm lắm!

Bà còn dẫn dắt các cháu đi cầu nguyện tuần thất cho bà con quanh vùng. Thời khóa công phu của bà thầm lặng và rất đều đặn. Ngoài hai thời sáng chiều ra, có lúc khỏe thì bà tăng thêm thời giữa trưa. Bà niệm Phật chủ yếu là trong mọi oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi không đợi gì thời khắc. Bà thỉnh thoảng cũng xem kinh sách, nghe băng đĩa về pháp môn Tịnh độ, do vì pháp môn này thích hợp với mọi căn cơ, mọi hoàn cảnh, mọi tầng lớp trong xã hội, bất kỳ ai cũng có thể tu được cả, vừa đơn giản dễ dàng, vừa đảm bảo an toàn, lại vô cùng nhanh chóng, như lời nhận định của Cổ Đức:

“Cho nên các Phật xưa nay,
Thường khuyên bá tánh Liên đài cầu sanh.
Pháp cao người khó nổi hành,
Thì là niệm Phật làm lành cũng nên.
Không cần phải niệm to lên,
Niệm thầm trong dạ đừng quên cũng thành.
Trong tâm khởi một niệm sanh,
Mười phương chư Phật nghe rành như vang.
Chớ nghi Phật ở Tây phang,
Không nghe thấu tiếng vái van trong lòng.
Phật nào cũng có lục thông,
Ngồi xa vẫn biết rõ lòng chúng sanh.
Lo mình niệm Phật không rành,
Đừng lo Phật ở xa mình không hay.
Nhứt tâm cầu đạo Như Lai,
Phật trong được rõ Phật ngoài đều thông.
Nam mô sáu chữ thành lòng,
Có ngày sẽ được sáu thông tại trần.
Dù là kẻ phú hay bần,
Đều tu niệm được không phân nghèo giàu.
Nhứt tâm niệm Phật thì mau,
Phóng tâm miệm Phật thế nào cũng lâu.
Mau lâu chẳng tại Phật đâu,
Mà là tại kẻ thật cầu hay không.
Thật cầu thì Phật mau trông,
Giả cầu thì Phật khó mong thấy liền.
Thế gian dụng bạc làm duyên,
Phật Trời dụng tấm lòng thiềng làm căn.
Lòng thiềng nếu để nứt răn,
Thì là không thể bước sang Phật đài”.

Đến năm 2009 (lúc 69 tuổi), bà ngã bệnh, chữa trị đã rất nhiều nơi, cuối cùng khi ra bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ ở đây mới phát hiện ra là bà bị “xơ gan”, rồi cho bà mua thuốc về nhà uống và dặn bà: khi nào uống hết thuốc thì trở ra tái khám. Bà đi tái khám được vài lần nhưng thấy kết quả chẳng khả quan gì, nên bà ngưng dùng thuốc, chuyên lo niệm Phật để chuẩn bị cho chuyến ra đi cuối đời của mình được bảo đảm thành công!

Lúc này bà lo thu xếp dần công việc buôn bán lại, đồng thời tham dự những ngày niệm Phật định kỳ được tổ chức tại tư gia của bạn đồng tu ở địa phương. Có khi sức khỏe kém, không đủ sức đi lên gác lầu để niệm Phật cùng đại chúng, phải nhờ người dìu, vậy mà bà vẫn cố gắng có mặt đầy đủ, không hề thiếu vắng lần tu nào. Ngoài ra bà còn thường hay xuất tiền ra mua vật mạng phóng sanh.

Đầu năm 2011, bệnh tình của bà sắp đến thời chung cuộc. Bụng của bà đã bắt đầu no tròn, sức khỏe không còn đủ để tự chăm sóc cho chính mình, bà mới về ở chung nhà với hai vợ chồng người em trai Út gần đó, để nhờ em cháu cùng chư vị đồng tu chăm sóc và hộ niệm. Có nhiều người khuyên bà nên đi bệnh viện, bà một mực nhất quyết từ chối vì bà biết rằng chứng bệnh của mình không có bệnh viện nào hay một thứ thuốc nào có thể đủ khả năng chữa trị được hết. Để khỏi phải tốn tiền, phí thời gian vô ích, và tổn hại nặng nề nhất là dễ bị phân tâm mà mất phần vãng sanh. Sự quyết định của bà tương ứng với lời dạy của Thiện Đạo Đại Sư, vị tổ thứ hai của Tịnh Độ tông:

“Người niệm Phật khi sắp mãn phần, muốn được sanh về Tịnh Độ thì điểm cần yếu là đừng sợ chết. Phải thường nghĩ thân này nhơ nhớp, biết bao điều khổ lụy trói vây! Nếu bỏ được thân huyễn hôi nhơ, sanh về Cực Lạc, thọ thân kim cương thanh tịnh, sẽ thoát khỏi luân hồi khổ thú, hưởng vô lượng an vui. Ví như bỏ chiếc áo cũ rách đổi lấy đồ trân phục còn điều chi đáng thích ý bằng. Nghĩ như thế buông hẳn thân tâm, không còn lo buồn tham luyến. Lúc vừa có bệnh thường liền nghĩ đến sự vô thường, một lòng niệm Phật chờ chết. Nên dặn thân thuộc chớ lộ vẻ bi thương, cùng bàn việc hay dở trong nhà, nếu có ai đến thăm chỉ khuyên vì mình mà niệm Phật, đừng hỏi thăm chi khác. Cũng không nên dùng lời dịu dàng an ủi, chúc cho sớm được lành vui, vì đó là chuyện bông lông vô ích. Phải bảo trước cho quyến thuộc biết: lúc mình bệnh ngặt sắp mất, đừng rơi lệ than khóc hoặc phát ra tiếng than thở âu sầu, làm cho kẻ lâm chung rối loạn tâm thần, lạc mất chánh niệm. Nói tóm lại, tất cả chỉ giữ một việc xưng danh trợ niệm cho đến khi tắt hơi. Nếu lại được bậc thiên tri thức, hiểu rành về Tịnh Độ thường đến nhắc khuyên, thật là diệu hạnh!

“Như lúc lâm chung, biết áp dụng phương pháp này, tất sẽ được vãng sanh, không còn nghi ngờ chi nữa.

“Việc vượt qua cửa tử là điều rất quan hệ lớn lao, phải tự mình gắng sức mới được.

“Nếu một niệm sai lầm, tất nhiều kiếp sẽ chịu khổ lụy. Đâu có ai thay thế cho mình? Phải chú ý nghĩ suy và ghi nhớ kỹ!”

Bệnh tình của bà nặng dần, những cơn đau ngày càng nhiều hơn. Nhưng những lần đau và mệt đến, bà niệm Phật vang dội, thỉnh thoảng xen kẻ phát nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc âm thanh lớn đến độ bao nhiêu người đi ở ngoài đường thảy đều nghe biết. Khi bà mệt thì thân nhân và các bạn đạo tập trung lại cùng hộ niệm cho bà, đến chừng qua cơn đau cơn mệt rồi thì tạm dừng bèn giải tán để mỗi người lo làm công việc của mình.

Lúc đầu bà còn tự ngồi dậy để dùng cơm, về sau phải nhờ người đỡ, và cuối cùng không đỡ dậy được nữa mà phải nằm luôn!

Trước khi mất một tháng, bà nhờ người em dâu Út đem hai quyển sổ ghi nợ ra đốt hết.

Ngày 27 tháng 1 năm 2011, vào buổi chiều, đứa cháu đem cơm đến đút cho bà ăn nhưng bà không ăn, và bà cũng không còn nói chuyện được nữa. Gia đình mời chư đồng đạo đến để lên chương trình hộ niệm liên tục cho bà. Khi có liên hữu đến khai thị, khuyên bà xả bỏ muôn duyên, chí tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương, thì bà gật đầu hoặc nheo mắt. Bà cứ nằm im như vậy hai ngày đêm, đến 2 giờ chiều ngày 29 – 1 – 2011, bà mới trút hơi thở cuối cùng, ra đi trong thanh thản nhẹ nhàng. Bà hưởng thọ 71 tuổi.

Hộ niệm được ba tiếng đồng hồ, gương mặt của bà bỗng thay đổi lạ thường: đôi mày đậm đen và dài ra rõ rệt, má hồng, môi đỏ hẳn lên. Đến 8 giờ tối nhập liệm, thì các khớp xương dịu oặt. Mọi nơi đều lạnh hẳn, duy có đỉnh đầu còn ấm nóng.

Ngày 27 (trước lúc mất 2 ngày), vào khoảng 5 giờ chiều, trong phòng của bà xuất hiện một mùi hương lạ. Đứa cháu của bà nói với mẹ em rằng:

– Mẹ ơi, trong nhà mình có cái gì mà thơm dữ vậy?

Người em dâu Út của bà quả nhiên bắt gặp mùi hương lạ này, hai mẹ con bèn đi tìm kiếm nhưng không tìm ra manh mối gì cả!

Đến khoảng 6 – 7 giờ tối ngày 29, lúc đang hộ niệm, mùi hương ấy lại lan tỏa, nhiều người đang ngồi hộ niệm đều ngửi được.

Sau khi an táng xong, bộ ván bà nằm, người nhà đem ra dội rửa, khi tưới nước vào để chà rửa thì mùi hương ấy lại xông ra thơm bát ngát. Ba ngày sau, khi đem bộ ván vào nhà, nó cũng phát ra thoang thoảng mùi hương lạ ấy. Mùi hương đó kéo dài đến thêm ba, bốn hôm nữa mới chấm dứt!

(Thuật theo lời Nguyễn Thị Phúc, em dâu Út của bà, và đồng đạo Hòa, đồng đạo Thủy).

Trích CHUYỆN VÃNG SANH – Tập II – Phần 3 & 4
Nhóm liên hữu Miền Nam Đất Việt sưu tầm và biên soạn
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu