Bát Nhã Và Tịnh Độ Tuy Hai Mà MộtCần phải biết rằng khởi niệm chính là vọng, ý niệm niệm Phật cũng là vọng chứ chẳng phải là chơn, vì sao vậy? Vì tánh của Chơn Như vốn là vô niệm. Nhưng vì phàm phu nhiễm niệm chẳng hề ngơi nên bất đắc dĩ phải mượn tịnh niệm của việc niệm Phật để trị cái nhiễm niệm trụ trần.

Ấy là vì ý niệm niệm Phật tuy chẳng phải là bổn thể của Chơn Như, nhưng nó xu hướng diệu dụng của Chơn Như. Vì sao vậy? Chơn Như là tâm thanh tịnh, Phật niệm là thanh tịnh niệm, cùng là thanh tịnh cho nên được tương ứng. Bởi vậy, dùng ý niệm niệm Phật niệm niệm chẳng ngơi thì có thể đạt đến vô niệm, cho nên bảo là phương tiện thù thắng. Thế giới Cực Lạc cũng là huyễn tướng, nhưng chẳng thể không cầu nguyện vãng sanh vì tịnh huyễn chẳng giống như nhiễm huyễn. Vì sao thế? Cõi thanh tịnh vốn do tâm thanh tịnh hiển hiện, vì thế mới bảo là tâm tịnh thì cõi tịnh vậy.

Cần phải biết rằng Di Ðà đến đón vốn chưa từng đến đón, vãng sanh Tây Phương cũng là chưa từng sanh qua. Tuy chưa từng sanh nhưng nào có trở ngại gì chuyện thị hiện đến đón, sanh về!

Vì sao vậy? Chẳng đến đón, chẳng sanh về là xét về Lý Thể; có đến đón, có sanh về là Sự Tướng. Lý – Sự vốn dĩ chẳng hai, phải hiểu tánh – tướng một cách viên dung thì dù cho chẳng đến đón, chẳng vãng sanh cũng chẳng ngại có đến đón, có vãng sanh. Dù có đến đón, có vãng sanh nhưng thật sự là chẳng có đến đón, chẳng có vãng sanh.

Ðiều tối khẩn yếu là phải nhận thức được không có đến đón, không có vãng sanh nơi chuyện có đến đón, có vãng sanh; và chuyện có đến đón, có vãng sanh chính là từ không đến đón, không vãng sanh mà thành. Ðấy chính là yếu quyết để niệm Phật cầu vãng sanh.

Hiểu được yếu quyết này thì sẽ nhất định vãng sanh gặp Phật. Chớ bảo là tu Tịnh Ðộ thì khỏi cần phải học Bát Nhã nữa; lại nghi Bát Nhã gây trở ngại cho Tịnh Ðộ hay sao?

  • Nhận định:

Vạn duyên buông xuống chính là chẳng trụ vào Có; nhất tâm niệm Phật chính là chẳng trụ Không, tức là: Bát Nhã và Tịnh Ðộ đồng tu. Tuy Bát Nhã là theo cửa Không mà vào, ly tướng, ly niệm để đạt đến vô niệm; Tịnh Ðộ theo cửa Có mà vào, dùng niệm để dứt niệm, niệm mà vô niệm, khác đường nhưng cùng về một chỗ. Chẳng phải là Bát Nhã chẳng hiển lộ được chỗ nhiệm mầu của Tịnh Ðộ, Tịnh Ðộ khó thành hạnh Bát Nhã đâu!

Vì thế, Quán kinh dạy bậc Thượng Phẩm Thượng Sanh phải đọc tụng kinh điển Ðại Thừa. Cụ cư sĩ đây cả một đời học đủ Giáo, Tông, Bát Nhã, nhưng hạnh đặt nơi Di Ðà, thật đáng là một cách tu học hữu hiệu.

Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Trích yếu tác phẩm Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Thắng Quán Diệu Hú Giang Vị Nông thời Dân Quốc