Hành Nhân Niệm Phật Phải Lấy Không Vọng Tưởng Và Nhẫn Nại Lãnh Đạm Làm Gia Hạnh Thì Mới Có Thể Nhất Tâm Niệm PhậtNiệm Phật có hai gia hạnh:

Một là đừng vọng tưởng. Phàm đối trước hết thảy cảnh giới đều coi là không, chẳng được chấp trước kẻo khởi tưởng niệm. Thọ sanh trong thế gian đều là do vọng tưởng tạo thành. Ðây chính là cội rễ của sanh tử, chẳng thể không biết.

Hai là gắng lãnh đạm. Thế nhân tạo nghiệp đều là do chẳng cam lãnh đạm nổi. Ðã muốn thành bậc hiền thánh xuất thế mà còn tham đuổi theo ngũ dục chẳng khác gì thế tục, chẳng những không thành Phật mà lão già Diêm La cũng chẳng phải là gã mù! Sao lại duyên theo vọng tưởng chẳng cam lãnh đạm được? Ðấy là gốc bịnh lớn lắm.

Trước hết, nếu trừ được hai căn bịnh trên thì trong tâm tự tịch tĩnh, trí huệ tự quang minh, mới có phần tiến hướng đến Phật pháp được!

Khi đang tu nhân, học Phật pháp quý ở chỗ chơn thật cầu liễu sanh tử thì mới là chánh nhân. Cầu quả báo thế tục là tà nhân. Cầu trì chú linh nghiệm, cầu thần thông cũng là tà nhân. Hãy dè chừng, hãy tránh! Hãy hỏi nhật khóa hạn định như thế nào? Nỗ lực niệm Phật đến tận cùng. Niệm bốn chữ hay sáu chữ đều được. Ngồi xếp bằng là tốt nhất. Rảnh rang thì niệm thêm phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Sanh kế chẳng khá, phải làm thêm việc khác cũng chẳng sao. Cho nên mới nói: “Làm lụng sanh sống chẳng ngại Viên Tông”, nhưng chẳng được phạm vào mười ác nghiệp.

Những tri kiến từ trước phải mong tảo trừ cho hết sạch. Ðối với những sách vở ngoại đạo ăn theo Phật pháp phải đem cất đi thật xa hoặc giao cho thần hỏa. Nhất tâm niệm Phật đừng cầu nghĩa giải.

  • Nhận định:

Tu nhân chẳng chơn, quả sẽ tà vạy. Vì thế, tu nhân niệm Phật cốt sao chơn thật. Lấy không vọng tưởng và nhẫn nại lãnh đạm làm gia hạnh thì mới có thể nhất tâm niệm Phật. Xin hãy toàn lực chuyên chú.

Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Trích yếu sách Phật Pháp Yếu Lĩnh của cư sĩ Thù Nguyên Lưu Phục Lễ