Hành Thiện Tích Đức Lũy Công Để Tự Cứu Mình Và Cảm Hóa NgườiVào đời Thanh, tại Thượng Hải, phu nhân của một viên ngoại họ Trương mắc phải một chứng bệnh nan y, danh y trong vùng đều phải bó tay. Sau cùng, viên-ngoại mời được một lương y từ Giang-Nam đến. Lương y bắt mạch xong, liền ra một toa thuốc, trong đó phải dùng đến 100 cái lưỡi của chim bồ câu. Viên ngoại sai người ra chợ mua 100 con chim bồ câu về, đợi sáng hôm sau cắt lưỡi làm thuốc cho vợ mình. Trong đêm hôm đó, vợ của vị viên ngoại nằm trên giường bệnh, nghe thấy tiếng chim bồ câu kêu, rất lấy làm lạ, bèn hỏi nguyên do. Viên ngoại đáp rằng:

– Trong toa thuốc của vị danh y cần phải dùng đến 100 cái lưỡi chim bồ câu, như thế bệnh của phu nhân mới khỏi được, nên mua chim về nhà để ngày mai làm thuốc cho phu nhân uống.

Trương phu nhân nghe xong bèn chảy nước mắt và nói:

– Khi uống toa thuốc này, bệnh của thiếp có khỏi hay không cũng chưa được biết, nhưng sinh mệnh của 100 con bồ câu đều vì thiếp mà chết. Giá như thang thuốc này trị được bệnh của thiếp, thiếp cũng không nỡ, xin phu quân hãy thả chim đi, để chim được tự do.

Trương viên-ngoại nghe lời của người vợ, sai người nhà mang chim ra thả. Và lạ thay, vài ngày sau, cơn bệnh của Trương phu nhân không thuốc mà khỏi. Về sau sinh được hai người con trai.

Châu Văn-Vương là một chư hầu của nhà Thương, được phong ấp tại Kỳ-Sơn. Văn-Vương dùng lý để dạy người, dùng đức để cảm hóa dân. Kế Kỳ-Sơn là hai nước Ngu và Nhuế. Hai nước này thường tranh chấp về một miếng đất nhỏ ở vùng biên giới, hai bênh đánh nhau lâu năm mà vẫn không phân thắng bại, sau cùng vua Ngu và vua Nhuế đều đến Kỳ- Sơn nhờ Văn-Vương làm trọng tài để xét xử. Khi đặt chân vào đất Kỳ-Sơn thấy dân chúng nơi đây kẻ nhúng người nhường, giúp đỡ lẫn nhau trong việc canh tác, vua Ngu và vua Nhuế nhìn nhau, hai người đều cảm thấy hổ thẹn. Vua Ngu nói rằng:

– Hai ta là kẻ tiểu- nhân, không xứng đáng bước vào đất của người quân-tử, nông phu ở đây còn biết lễ nghĩa như vậy, hai ta là vua một nước chỉ vì một miếng đất nhỏ mà tranh chấp thấp hèn như thế, còn mặt mũi nào đi gặp Văn-Vương.

Vua Nhế cho lời nói của vua Ngu là đúng, sau cùng hai bên bèn đem mảnh đất tranh chấp lâu năm tặng cho Văn-Vương mà thôi việc đánh nhau. Vì bị đức của Văn-Vương cảm hóa, hai nước Ngu và Nhuế tránh được nạn đao binh và sống trong cảnh thanh bình. Đức của Văn-Vương lớn thay.

Trích Thái-Thượng Cảm-Ứng-Thiên

Tích đức lũy công, Từ tâm ư vật, Trung hiếu hữu đệ, Chánh kỷ hóa nhân.

Thích nghĩa: Nên hành việc thiện để tích đức lũy công, phải thương yêu loài vật. Trung thành với tổ-quốc, hiếu thảo với cha mẹ, hòa mục với anh em, tu thân sửa mình để cảm hóa người.

Chú: “Tích” chỉ về sự góp nhặt từ ít đến nhiều, “lũy” là sự chồng chất từ thấp đến cao, “đức” là phần nội, là phần đức hạnh, tức là chánh-kỷ, “công” là phần ngoại tức là hóa-nhân. Công đức do sự tích lũy mà thành, chớ vì việc thiện nhỏ mà không làm, núi cao đều do cát đá chồng chất, tích tụ mà thành.