Giúp Đỡ Kẻ Cô Nhi Quả Phụ Cũng Chính Là Tự Giúp MìnhNgụy-Thù là một vị tướng tài ba của nước Tấn trong thời Chiến-Quốc, có một người thiếp là Tổ-Cơ rất trẻ và đẹp. Mỗi khi ra trận đánh giặt, Ngụy-Thù đều dặn người con trưởng là Ngụy-Khỏa rằng:

– Nếu ta ra trận không may mà chết, con nên cho Tổ-Cơ đi lấy chồng để cho nàng có chỗ nương tựa, chớ để nàng hầu của ta phải khổ sở, như thế dẫu ta ở nơi chín suối cũng được yên lòng.

Đến lúc Ngụy-Thù ốm nặng, biết mình sắp chết, lại dặn Ngụy-Khỏa rằng:

– Tổ-Cơ là người hầu thiếp yêu quý của ta, khi ta chết rồi, con phải chôn nàng ấy theo ta, để ta ở nơi suối vàng có người bầu bạn.

Khi Ngụy-Thụ chết, Ngụy-Khỏa không làm theo lời trăn trối của cha, vì cho rằng chôn một người sống theo người chết là một tội lỗi, làm người sống chết oan. Khi mai tang cho người cha xong, Ngụy-Khỏa gả nàng hầu thiếp của cha mình cho một nho sĩ. Người em là Ngụy-Kỳ hỏi tại sao không làm theo lời trăn trối của người cha? Ngụy-Khỏa đáp:

– Lúc cha còn khỏe, thường dặn là sau này phải lấy chồng cho Tổ-Cơ, đến khi bệnh nặng gần mất lại dặn phải đem nàng chôn theo, đó là lời dặn trong lúc mê sảng mà thôi. Người hiếu-tử nên nghe theo lời dặn trong lúc sáng suốt mà không nghe theo lời trăn trối trong lúc mê sảng.

Về sau Ngụy-Khỏa làm tướng nước Tần, đánh nhau với nước Tấn. Tấn có một vị tướng tài là Đỗ-Hồi, là một lực sĩ sức khỏe hơn người, nước Tần không một tướng nào địch nỗi, Ngụy-Khỏa đánh nhiều trận đều bị thua. Một đêm, Ngụy-Khỏa đang ngồi trong trại suy nghĩ về mưu kế để giao chiến với Đỗ-Hồi, bỗng nghe có tiếng người ghé vào tai nói: “Thanh thảo bì”.

Ngụy-Khỏa không hiểu ý nghĩa gì, bèn đem chuyện này nói với người em là Ngụy-kỳ. Ngụy-Kỳ nói:

– Cách đây độ mười dặm có một bãi cỏ, tên là Thanh-Thảo-Bì, hay là quân Tấn sau này sẽ phải thất bại tại nơi đây chăng? Như vậy để em đem một toán quân đến đó mai phục, và anh lấy kế để dụ quân Tấn đến, hai anh em ta hợp sức với nhau mà đánh với Đỗ-Hồi may ra có thể thắng được.

Ngụy-Khỏa dùng kế dụ Đỗ-Hồi đến Thanh-Thảo-Bì. Trong trận chiến, Ngụy-Khỏa đang ở trong thế lâm nguy, không dè thình lình thấy mỗi bước đi của Đỗ-Hồi đều bị ngã, quân Tần thấy vậy vui mừng, reo ầm cả lên. Trong lúc này, Ngụy-Khỏa trông thấy một lão già mình mặc áo vải, đầu tóc bạc phơ, chân đi giầy đay, đang kết cỏ làm dây buộc vào chân của Đỗ-Hồi. Đỗ-Hồi vì thế bị té và
bị Ngụy-Khỏa bắt được.

Đêm hôm ấy, Ngụy-Khỏa nằm mơ thấy ông già kết cỏ nơi Thanh-Thảo-Bì đến trước mặt vái chào và nói:

– Tướng-quân có biết vì cớ gì mà Đỗ-Hồi bị bắt hay không? Vì lão phu kết cỏ lại làm cho Đỗ-Hồi bị vướng chân mà té đấy.

Ngụy-Khỏa nói:

– Tôi chưa quen biết cụ bao giờ, sao cụ lại giúp tôi như thế, tôi biết phải lấy gì để đền đáp cụ?

Lão già đáp:

– Lão phu là thân-phụ của Tổ-Cơ. Tướng-quân biết theo lời dặn sáng suốt của thân-phụ mà gả chồng cho con gái của lão-phu.Vì cái ơn ấy nên lão-phu ra tay giúp tướng-quân. Sau này con cháu của tướng-quân còn được hiển vinh nữa.

Khi Ngụy-Khỏa tỉnh dậy, mới nghĩ đến chuyện củ, và biết ông già đó chính là cha vợ của thân-phụ mình.

Trích Thái-Thượng Cảm-Ứng-Thiên

Căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu, côn trùng thảo mộc do bất khả thương.

Thích nghĩa: Thương yêu cô-nhi, giúp đỡ quả-phụ, kính trọng người già, yêu thương bậc trẻ, ngay đến loài côn trùng và thảo mộc cũng không thể tổn thương đến.

Chú giải: “Cô” là người mất đi cha mẹ; “quả” là người góa chồng, đều là những người đáng thương cần phải giúp đỡ. Người già tuổi cao, thạo đời hơn ta nên kính trọng. Tuổi nhỏ ấu trí, tầm hiểu biết còn non nớt, cần phải có lòng yêu thương dìu dắt. Côn trùng lớn như sâu bọ, nhỏ như kiến đều có sinh mệnh, không nên giết hại, cây cỏ cũng thế, nếu vô cố đốt rừng phá cây, nhất là dùng thuốc giết hại cây cối lại là một tội.