Thập Niệm Hồi Hướng

Thập Niệm Hồi HướngCư sĩ Mã Vu tự Trọng Ngọc đời Tống, người huyện Hợp Phì. Cha là Trung Túc Công Mã Lương, làm thái thú Hàng Châu, được ngài Từ Vân Tuân Thức dạy cho pháp môn Tịnh Ðộ, cả nhà bèn thờ Phật.

Cư sĩ gặp được vị Tăng tên Quảng Sơ truyền cho cuốn Thập Nghi Luận của Tổ Thiên Thai, mừng rỡ bảo:

– Tôi nay đã tìm được chỗ về rồi!

Ông liền áp dụng pháp Thập Niệm Hồi Hướng của ngài Tuân Thức, tu tập suốt hơn hai mươi năm. Về sau, giao du với ông Vương Cổ, ông càng thêm tinh tấn niệm Phật, thường lấy việc phóng sanh làm Phật sự. Ông lần lượt làm thái thú ở Chuy Châu, Tân Ðịnh, cai trị bằng lòng nhân từ, độ lượng. Hằng ngày ông luôn định thời khóa tụng kinh chú.

Thuở đó, phu nhân của Hình Vương (Hình Vương là chú của vua Tống Triết Tông) nằm mộng dạo chơi Liên Trì, trông thấy ông mặc triều phục ngồi trên hoa sen. Sau đó, ông mắc bệnh, bèn tắm gội, thay áo, ngồi ngay ngắn niệm Phật mà qua đời. Người nhà đều nằm mộng thấy ông bảo:

– Ta đã được sanh vào Thượng Phẩm của Tịnh Ðộ!

Con ông là Vĩnh Dật cũng tu pháp Thập Niệm suốt ba mươi năm hơn; sau cũng mắc bệnh, thấy Phật và hai vị Bồ Tát tiếp dẫn, bèn kết ấn, thị tịch. Mùi thơm tràn ngập cả nhà.

(Theo Lạc Bang Văn Loại)

Nhận định:

Sáng ra niệm mười niệm thì dù là người bận rộn cũng dễ làm được. Nếu có thể mỗi ngày chí thành như thế thì không ai là không vãng sanh. Trường hợp của Mã công tử (Mã Vĩnh Dật) đủ để chứng nghiệm vậy.

Do sau khi đã tinh tấn niệm Phật, ông Mã lại còn thường phóng sanh và dùng lòng nhân từ, độ lượng để cai trị, phước huệ song tu nên ngay lúc còn sống thần thức đã ngao du Tịnh Ðộ; chết đi, liền sanh trong Thượng Phẩm. Những người đang nắm giữ quyền chức hãy nên học theo gương ông.

Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập
Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa dịch

Câu Chuyện Vãng Sanh Tại Mỹ [Audio]

Câu Chuyện Vãng Sanh Tại MỹĐây là một câu chuyện vãng sanh có thật tại Mỹ do thầy thích Phước Tiến kể tại đạo tràng niệm Phật chùa Hoằng Pháp, theo lời thuật của một Phật tử từ Mỹ về thăm thầy. Câu chuyện hoàn toàn bình dị nhưng nói lên một sự thật không thể phủ nhận, đó là sự tiếp dẫn chúng sanh của Phật A Di Đà về thế giới Tây Phương Cực Lạc là có thật. Câu chuyện này sẽ giúp hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ thêm vững niềm tin vào pháp môn tu của mình, quyết định một đời thành tựu lý tưởng giải thoát luân hồi ngay kiếp này. Sự lợi ích của pháp môn Niệm Phật thật bất khả tư nghì, dường như đến khó tin vì chỉ cần niệm 4 chữ “A Di Đà Phật” cho đến trọn đời là được giải thoát. Vì thế đức thế tôn Thích Ca Mâu Ni Phật gọi đây là pháp môn Nan Tín Chi Pháp (pháp khó tin). Nếu một người nào đó nghe đến pháp môn này nhưng không tin, đó là điều bình thường. Nhưng nếu người nào nghe rồi sanh tâm hoan hỉ, tin tưởng và chịu chấp trì câu Phật hiệu, phải biết rằng người ấy từ nhiều đời nhiều kiếp đã gieo căn lành với Phật A Di Đà. Do vậy kiếp này khi nhân duyên đã đầy đủ mới có thể tin và thực hành được. Vì vậy những ai hữu duyên sau khi nghe, xin hãy phát tâm từ nay cho đến trọn đời quyết giữ câu Phật hiệu trong lòng đừng quên. Lúc đi, đứng hay khi nằm, ngồi đều niệm câu A Di Đà Phật rồi hồi hướng công đức niệm Phật ấy về Tây Phương Cực Lạc, người ấy nhất định sẽ được vãng sanh sau khi xả bỏ báo thân người.

Hữu Minh

Đứng Chắp Tay Mỉm Cười Vãng Sanh

Việc đau xót thống khổ nhất trong đời không gì hơn CHẾT, không ai là không biết cũng không ai có thể tránh khỏi. Do đây Đức Thế Tôn với tâm từ bi vô hạn, không hỏi mà tự nói, giới thiệu ra pháp môn Tịnh độ, dạy người tin sâu, nguyện thiết, chuyên cần niệm Phật cầu sanh Tây phương. Nên biết việc vãng sanh Tây phương cần phải ở nơi một niệm cuối cùng của tự bản thân là chủ yếu, đồng thời cũng phải cần các liên hữu trợ niệm đúng pháp, nhưng mà lục thân quyến thuộc, thường không có biết trợ giúp niệm Phật để đưa thần thức của người mất vãng sanh Tây phương Cực lạc thế giới, hưởng thọ sự an lạc mãi mãi, mà ngược lại đau xót khóc lóc kêu la, đẩy thần thức của người mất rơi xuống ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chịu sự khổ sở lâu dài, đau thương vô cùng! Nay lại đưa ra đây một truyện niệm Phật được vãng sanh, một truyện thật, đứng mà hóa sanh Tây phương như sau:

Mười năm trước đây, cư sĩ Lại Luyện Lương từng nói với tôi một kỳ tích vãng sanh. Ông ta nói gần nhà của ông có một vị sư tỷ tên Ấu đã 68 tuổi. Bà bình thường không biết chữ, chỉ chuyên tâm niệm Phật, bà chỉ có một cô con gái nên gả con bắt rể. Phật thất hai mùa Xuân, Thu của chùa Linh Sơn bà đều tham gia, thấy các bạn đồng tu nam nữ đều mặc áo tràng trang nghiêm tề chỉnh. Một hôm liền nói với con rể rằng: “Chiếc nhẫn vàng này của má, con đem đi bán dùm cho má”. Con rể hỏi: “Má già rồi đâu có dùng tiền làm gì, phải bán chiếc nhẫn làm cái gì?”. Bà liền đáp rằng: “Má rất mong có một cái áo tràng, kỳ đả Phật thất sắp đến rồi, má cần mặc để tham gia Phật thất”. Con rể hỏi bà: “Áo tràng cần bao nhiêu tiền, con may cho má, hoặc mua là được rồi, không cần bán chiếc nhẫn vàng đâu!”. Sư tỷ Ấu nói cần 200 đồng.

Sáng sớm ngày thứ nhất của kỳ Phật thất, sư tỷ Ấu liền tắm rửa, mặc chiếc áo tràng mới may, chuẩn bị, trước thắp hương, đốt đèn lạy Phật ở nhà, rồi đi chùa Linh Sơn đả Phật thất. Lúc đó, gần nhà có một vị liên hữu là A Tam Muội, dậy sớm, liền đến hẹn với sư tỷ cùng đi đả thất. Sư tỷ Ấu nói: “A Tam Muội, cô đi trước đi, tôi phải lạy Phật ở nhà trước”. Sau khi A Tam Muội đi, sư tỷ Ấu mặc áo tràng vô cùng vui vẻ, quỳ xuống lạy Phật ba lạy, xong ngẩng đầu lên chiêm ngưỡng Thánh tượng, thì thấy tượng Tam Thánh chuyển động vòng tròn, đồng thời khói hương trong lò hương cũng chuyển động, trong lòng không khỏi càng nghĩ càng cảm thấy kỳ lạ, mà càng nhìn thì càng chuyển.

Sư tỷ Ấu nghĩ không ra tại sao, mặc nguyên áo tràng đến mấy nhà liên hữu ở gần mời họ đến xem tại sao Tây phương Tam Thánh và lư hương đều quay vòng? Bốn, năm vị liên hữu theo bà đến xem, mọi người đều nói không thấy gì. Lúc các vị liên hữu cùng nhau đồng lời nói, nhưng không thấy sư tỷ Ấu trả lời, quay lại nhìn, thì thấy sư tỷ Ấu đứng yên không nhúc nhích, hai tay chắp lại mỉm cười quy Tây rồi, các vị liên hữu tức thời đúng như pháp, trợ niệm cho sư tỷ và bảo người nhà không được khóc, mà cùng trợ niệm, lại kêu con rể của sư tỷ đến chùa Linh Sơn mời A Tam Muội đồng về trợ niệm. Lúc con rể sư tỷ đến chùa gặp được A Tam Muội nói với cô: “Má tôi đã vãng sanh Tây phương, mời cô về trợ niệm”, thì A Tam Muội làm sao chịu tin, do vì cô ta sáng nay còn gặp sư tỷ Ấu, lại còn hẹn với sư tỷ đồng lên chùa Linh Sơn tham gia Phật thất mà! Truyện kỳ tích vãng sanh Tây phương này, tôi cũng có hỏi qua sư tỷ A Tam Muội, chứng minh đích xác, không có nửa câu giả dối.

Trích Những Chuyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe
Tác giả: Lâm Khán Trị
Dịch giả: Thích Hoằng Chí

Sự Linh Ứng Màu Nhiệm Lúc Trợ Niệm Cho Mẹ Vãng Sanh Tây Phương

Sự Linh Ứng Màu Nhiệm Lúc Trợ Niệm Cho Mẹ Vãng Sanh Tây PhươngCơ sở hoằng pháp Vụ Phong của Liên xã Phật giáo ở Đài Trung có một vị liên hữu tên Tằng Lâm Hiệp, mọi người đều gọi cô là sư tỷ Hiệp. Nhà ngoại của cô ở số 57 thôn Đồ Thành, làng Đại Lý huyện Đài Trung, mẹ tên là Lại Vật, do được con gái khuyên dắt không ngừng nên thâm tín Phật giáo, là một vị lão tu hàng ngày niệm Phật cầu sanh Tây phương.

Sư tỷ Hiệp có một người em trai tên là Lâm Vạn Thành, ưa thích săn bắn, bà mẹ từ sau khi tin Phật thường khuyên dạy con trai rằng: “Vạn Thành à! không luận là những con vật lớn hay nhỏ, đều biết tham sống sợ chết, chúng nó với con không oán không thù, con làm hại nó, bắn giết nó, sao nhẫn tâm làm vậy? Điều làm mẹ bận tâm, chính là con sát hại sanh mạng tạo nghiệp như thế!”. Nhưng mà tập khí của Vạn Thành khó sửa, nói như gió thổi qua tai ngựa, căn bản là không nghe những lời nói này của bà mẹ.

Đời người có sanh ắt có tử. Thời kỳ vãng sanh của lão tín nữ Lại Vật đã đến, sư tỷ Hiệp thỉnh sáu vị liên hữu ở cơ sở hoằng pháp Vụ Phong phân ban ra phụ trách trợ niệm. Lão tín nữ Lại Vật hưởng thọ bảy mươi chín tuổi, mỉm cười quy Tây vào lúc 3 giờ chiều ngày 17 tháng 5 ÂL, các nhân viên trợ niệm sau khi lão tín nữ vãng sanh, niệm tiếp tám giờ nữa, niệm xong mọi người lưng đẫm mồ hôi. Sư tỷ Hiệp lúc đó đang đứng hóng mát ở dưới cây trước cửa lớn, liền thắp nhang khấn thầm rằng: “Má! Má có thể an tâm đi Tây phương được rồi, nhưng lúc này cần phải hiển bày một chút kỳ tích khiến cho Vạn Thành và con Ngọc (con dâu) biết sửa lỗi lại tu hành”. Đang lúc đó bỗng nhiên “Pằng! Pằng! Pằng!”, ba tiếng nổ to như sấm chói lỗ tai, mọi người đều hoảng sợ giật mình! Thì ra là cây súng săn để trong tủ áo trong phòng của em trai Vạn Thành bị cướp cò (tự nhiên nổ) và bốc cháy, ngọn lửa trong tủ áo cháy lan ra ngoài, đến cái mùng trên giường, mọi người đều vội vã đi lấy nước lại cứu hỏa. Tháng 5 năm đó là trời hạn, mấy lu nước đều dùng sạch, đang lúc ngàn cân treo sợi tóc đó thì có một người chở một xe bò nước đến trước cửa, nhờ đó hóa giải được nguy hiểm. Tra xét lại xem thì là cây súng săn phát hỏa, quần áo đồ đạc bị đốt thành tro, bươi tìm trong đống tro được một cái bao giấy, mở ra xem thì là giấy tờ quyền sở hữu nhà đất và tiền mặt 20.000 đồng, đây là tiền chuẩn bị sẵn lo đám cho mẹ của sư tỷ Hiệp, vẫn còn nguyên phong chưa bóc ra, không có bị cháy hư một chút nào hết.

Vợ của Lâm Vạn Thành tên là Ngọc lúc đó đang ngồi trên ghế mây dựa dưới hành lang, bỗng nhiên hai mắt nhìn thẳng trong hư không, bất tỉnh nhân sự. Mọi người cho là vì bị giựt mình quá mà hôn mê, các vị liên hữu liền to tiếng niệm cầu đức đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát, và cũng phái người đi mời bác sĩ Khôn Hải đến tiêm thuốc. Lúc bác sĩ đến thì A Ngọc đã tỉnh táo rồi, cô ta nói với mọi người rằng: “Những lời các vị vừa nói, tôi nghe rõ từng câu, muốn nằm xuống thì dường như có người kéo không cho nằm xuống, mắt nhìn thấy trong hư không một vầng kim sắc quang minh giáng lâm, chính là Phật A Di Đà tiếp dẫn má chồng tôi; má chồng tôi mặc áo bào đen lớn, tay cầm chuỗi, mặt mày tươi vui, nương kim sắc quang minh theo Phật A Di Đà bay về Tây phương”. Sư tỷ Hiệp liền hỏi cô ta: “Phật A Di Đà hình dạng như thế nào?”. A Ngọc đáp: “Giống như bức tượng vẽ lớn Đức Phật A Di Đà mà chúng ta cúng dường, nhưng Đức Phật A Di Đà trong hư không, trang nghiêm, đẹp hơn nhiều”.

Các vị bằng hữu, Phật pháp vô biên thật là không thể nghĩ bàn! Tại sao cây súng tự nhiên phát hỏa? Tiền và giấy tờ sở hữu nhà đất tại sao lửa không cháy được? Lại cảnh Phật A Di Đà tiếp dẫn người mất khiến cho người con dâu không có căn lành được chính mắt nhìn thấy lâu đến mười phút? Nếu như chỉ có đốt cây súng, không thấy được kim thân Phật A Di Đà thì không thể độ được A Ngọc phát tâm tin Phật như hiện nay, riêng một mình A Ngọc chính mắt thấy mẹ chồng vãng sanh, nếu như không đốt tiêu cây súng săn thì cũng không trừ hết được tập khí ác săn bắn của Lâm Vạn Thành đổi ác làm lành, thật là sự linh cảm kỳ diệu tột bậc.

Chúng sanh nổi chìm trong biển khổ sanh tử rất là đáng thương. Mong rằng mọi người thật tâm niệm Phật, khuyên người niệm Phật, phát tâm Bồ đề cứu nhân độ thế, lấy tự thân mình làm chiếc thuyền độ sanh trong đời này, chở khắp hết chúng sanh đồng đến Hải hội Liên trì.

Hãy niệm: Nam mô A Di Đà Phật!

Trích Những Chuyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe
Tác giả: Lâm Khán Trị
Dịch giả: Thích Hoằng Chí

Hiện Bốn Thứ Tướng Lành Nhất Định Vãng Sanh Tây Phương

Hiện Bốn Thứ Tướng Lành Nhất Định Vãng Sanh Tây Phương“Người không tin Phật, không sanh vào nhà ta. Ông Lữ dạy con, đời đời được vinh hoa”.

Hai câu trước là nói về ông Lữ Mông Chánh đời Tống, ông là một vị Phật tử thuần thành. Mỗi ngày vào sáng sớm, khi lạy Phật lạy Tổ đều lấy hai câu này làm câu cầu nguyện sau cùng của thời khóa hàng ngày. Hai câu sau là đời người sau khen ngợi ông Lữ dạy con có phương pháp, tứ đại đồng đường (4 thế hệ: ông bà cố, ông bà nội, bố mẹ, con cái ở chung trong một gia đình) hưởng lộc đều là đệ tử Tam bảo, vinh hoa phú quý làm quan đến chức Tể Tướng.

Lời tục ngữ nói rất hay: “Gia đình muốn hưng thạnh, hãy nhìn xem con cháu”. Mỗi gia đình đều có con cái, đều mong ước chúng trở thành hữu dụng. Nhưng hiện đang đời mạt pháp, có thể có được mấy người giống như ông Lữ dạy dỗ cháu con học Phật để được nhờ lợi ích của Phật pháp? Thật có thể nói là ít thấy như lông chim Phụng, sừng Kỳ lân. Mặc dầu là ít có, khó được, nhưng bút giả (bà Khán Trị) rốt cuộc đã thấy được một vị, ông ta chính là cư sĩ Lâm Thanh Giang mới vãng sanh gần đây, tuy không có tài hoa như ông Lữ, nhưng sự dạy dỗ con cháu học Phật, giúp đỡ cho ông vãng sanh lúc mạng chung, hiện được tướng lành không thể nghĩ bàn, thật đáng quý, khó thể có được, sự thật như sau:

Lão cư sĩ Lâm Thanh Giang, quê của ông ở một làng bên bờ biển ở Ngô Thê, hiện ở số 15 đường Đại Trí, thành phố Đài Trung. Ông tự kể lại khi mới vừa sinh ra đời, liền đã chịu một tai nạn lớn. Do vì nhà ông ở bên bờ biển, ông mới sanh hai mươi ngày bị trời mưa lâu, nước biển dâng lên, có mấy làng đã bị nước biển dâng lên cuốn đi, biến thành biển cả mênh mông, nhìn không thấy bờ mé! Cả nhà ông ta vội vã dùng chiếc bè tre đánh cá, chất hết người cả nhà và lương thực lên trên chiếc bè tre đó, mặc cho nước cuốn trôi, trong đó có một người sản phụ bồng một đứa trẻ chưa đầy tháng, đó là Lâm Thanh Giang. Ở trên chiếc bè tre đó trôi nổi 20 ngày, thật là chín phần chết, một phần sống. Vượt qua lần tai nạn này có người nói: “Nạn lớn mà không chết, ắt có phúc về sau”. Cái hạnh phúc đó của Lâm lão cư sĩ là cái gì? Có lẽ chính là việc về già được sự lợi ích do học Phật nghe pháp.

Lâm lão cư sĩ tư chất thông minh tự nhiên, tuổi thiếu niên đi học rất có trí nhớ, phần lớn những sách đọc qua rồi thì không quên, cho nên những thứ ông đã học như: địa lý, y học, số mạng, bốc thuật (coi bói), tướng thuật và thơ văn, thảy thảy đều giỏi, có thể cùng với người nói chuyện trên trời dưới đất gì cũng được. Mặc dù nghề nghiệp của ông là buôn bán, nhưng nếu có thời gian rảnh, ông liền khám bệnh bốc thuốc cho người bất kể là trị những chứng bệnh khó khăn gì, phần nhiều là thuốc đến là hết bệnh, cho nên những bệnh nhơn được trị khỏi khắp nơi rất nhiều, hết thảy đều là kết duyên, không bao giờ nhận tiền của ai, cho nên ở trong làng những bà con bạn bè đều khen ông là: “đệ nhất thiện nhơn”. Do bởi nhân duyên làm lành mà vốn dĩ y theo ngày tháng năm sanh của ông tự coi số thì thọ mạng tối đa của ông là năm mươi bốn tuổi, so với lúc ông vãng sanh hồi năm ngoái là bảy mươi chín tuổi, tính ra thọ thêm được hai kỷ, nếu như không thọ thêm hai mươi bốn năm thì cũng đã sớm giống như những người thường, đi vào luân hồi lục đạo rồi!

Cơ duyên học Phật của Lâm lão cư sĩ là vào lúc nhà ông ở đường Dân Tộc, thành phố Đài Trung làm hàng xóm với cư sĩ Giang Ấn Thủy. Giang cư sĩ mới rủ ông đi nghe kinh, niệm Phật với lão ân sư Lý (Lý Bính Nam), rồi thọ đại giới Bồ Tát. Từ đó hai thời khóa sáng tối không gián đoạn, đều là cùng ông bạn già đồng ra vào cùng nhau tu trì. Ông chẳng những tự tinh tấn tu hành, đối với việc dạy dỗ con cái, ông cũng rất chăm chỉ, tạo thành một gia đình Phật tử thuần thành, nhất là đối với đứa cháu nội Diệu Đường càng chú trọng, đặc biệt mỗi sáng chủ nhựt vào tuần lễ Đức dục Nhi đồng của liên xã, ông đều bảo cháu nội Diệu Đường đến tham gia niệm Phật, nghe chuyện. Về sau lại khích lệ cháu nội gia nhập lớp bổ túc Quốc văn, sau khi học xong lớp bổ túc Quốc văn lại tham gia đại hội diễn giảng của thanh niên tân xuân ở Liên xã. Diệu Đường trước sau đã có bốn lần kinh nghiệm, đây đều là do sự hun đúc của ông nội, Diệu Đường chẳng những ăn nói lanh lợi mà còn do cội gốc gia đình có ăn học (có gien) được truyền thừa y bát của ông nội (những sở đắc của ông nội), chí nguyện sau này cũng muốn hành nghề chữa bệnh làm nghĩa giúp đời, cứu giúp những người bệnh.

Lão cư sĩ Lâm Thanh Giang năm rồi bảy mươi chín tuổi, sức khỏe bỗng suy yếu, tứ đại không điều hòa, nằm bệnh triền miên sáu tháng, nhưng lúc ông đau đớn vì bệnh, chỉ cần người trong nhà ở trước mặt ông, vì ông mà niệm Phật thì ông không có kêu đau gì cả, về sau các người trong nhà bèn chia ban ra niệm Phật suốt ngày đêm không ngớt và thỉnh ân sư Bính Công về khai thị cho ông, dạy cho ông buông bỏ vạn duyên, nhứt tâm niệm Phật. Đến ngày 22 tháng 12 ÂL lúc nửa khuya, Diệu Đường nhắm mắt niệm Phật bên ông nội, bỗng nhiên nhìn thấy một đám người muốn xông vào cửa lớn, nhưng hai bên cửa lớn: phía bên trái có Bồ Tát Già Lam Thánh chúng đứng, tay cầm đại quan đao, phía bên phải có Hộ pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát đứng, tay cầm hàng ma chữ. Hai vị Bồ Tát này dùng đại quan đao và hàng ma chữ chận đứng đám người đó lại rồi đuổi đi; nhưng không bao lâu lại có một đám người khác đến nữa, liên tiếp ba lần đều như thế, Diệu Đường nhìn thấy cảnh này rất rõ ràng, liền biết là oan nghiệp đời trước đến đòi nợ bị thần hộ pháp của Phật giáo chặn đứng đuổi đi… Sáng sớm lão cư sĩ nói với con dâu (mẹ của Diệu Đường) rằng: “Tối nay Ba sẽ vãng sanh Tây phương”.

Diệu Đường liền chạy đến Liên xã thỉnh các vị trợ niệm, có ban trưởng ban Vũ Đức là Hoàng Thái Vân và một số người đến trợ niệm cho ông, từ sáng sớm ngày đó bắt đầu niệm, niệm đến hơn 10 giờ tối. Sau khi các vị trong ban hộ niệm đi về, thì cả nhà do Diệu Đường hướng dẫn niệm Phật, không bao lâu, bỗng nhìn thấy một đạo hào quang từ cửa xẹt vào đối thẳng với tượng Phật A Di Đà, liên tiếp ba lần phóng ánh sáng như thế, lúc đó lão cư sĩ Thanh Giang trên mặt lộ vẻ khoan thai vui vẻ, miệng mỉm cười vãng sanh Tây phương, lúc đó đúng 11 giờ đêm. Vì phải sắp đặt bàn linh đang lúc Diệu Đường muốn đi ra ngoài cửa để đi mua đèn cầy, thì thấy hào quang rực rỡ trên hư không từ hướng Tây chiếu thẳng vào nhà, vì nhà của ông tọa vị hướng Đông, quay về hướng Tây. Lúc Diệu Đường về nhà thì người anh đang niệm Phật bên ông nội nói với Diệu Đường rằng: “Lúc em đi ra ngoài mua đèn cầy, anh đang niệm Phật ở đây thì bỗng có một làn hương thơm bay lại, không phải mùi của đàn hương, cũng không phải là mùi thơm của hoa, mà là mùi thơm rất lạ ở thế gian này ít có!”. Cả nhà đều chuyên tâm nhứt ý niệm Phật mãi đến trời sáng không dứt đoạn. Đã trợ niệm được tám giờ, lúc đó bà nội của Diệu Đường muốn đến bên người bạn đời đã từ giã cõi trần, khó tránh khỏi buồn thương liền nhè nhẹ vén cái mền đang đắp ra thì bỗng nhiên một mùi thơm lạ sực nức mũi! Con cháu, mọi người cả nhà, ai cũng đều khen ngợi Phật pháp vô biên không thể nghĩ bàn!

Do bốn tướng lành ở trên, suy ra thì biết lão cư sĩ Lâm Thanh Giang, chắc chắn vãng sanh Tây phương không còn nghi ngờ gì nữa. Con dâu của ông càng khen ngợi may nhờ Phật, Bồ Tát gia bị nên vãng sanh vào ban đêm, trợ niệm tròn đủ tám giờ, không có động đến thân thể ông, cũng không có ai khóc, được sự thuận lợi cho việc trợ niệm vãng sanh, nếu không thì lục thân quyến thuộc mấy chục người thân thiết nhưng họ chưa từng biết niệm Phật nghe pháp, vừa nghe người thân qua đời, chắc chắn chen chúc mà đến, làm sao có thể ngăn được họ không gào khóc om sòm. Đây cũng là phước báo thù thắng của Lâm lão cư sĩ lúc lâm chung vãng sanh Tây phương không có chướng ngại.

Trích Những Chuyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe
Tác giả: Lâm Khán Trị
Dịch giả: Thích Hoằng Chí

Niệm Phật Biết Trước Ngày Vãng Sanh

Niệm Phật Biết Trước Ngày Vãng SanhTrong một chùa miền quê của tỉnh Bình Định, có một ngôi chùa nhỏ giữa làng. Trụ trì ngôi chùa này là một vị Thượng tọa, xuất gia từ nhỏ, nhưng không được học hành Phật pháp sâu rộng.

Thầy xuất gia với lòng ngưỡng mộ Tam Bảo và được Hòa Thượng bổn sư của thầy dạy nghi lễ, coi ngày giờ, cúng đám cho Phật tử. Ngày đêm thầy thường tụng kinh, niệm Phật. Thầy thường dạy cho đệ tử cũng như Phật tử, “Tu hành là trì trai, giữ giới, tụng kinh, niệm Phật, để sau khi quá vãng được về Tây Phương Tịnh Độ, hết khổ được vui, chứng đạo bồ đề.”

Công quả trong chùa, thầy có một ông già tên ông Hai. Ông Hai cũng đi tu từ nhỏ nhưng căn tánh ám độn, học không vô, chỉ đánh chuông, quét chùa, và làm công quả. Ông tu với Hòa Thượng bổn sư của thầy. Vì thấy chùa đơn chiếc nên Hòa Thượng cho ông Hai về công quả giúp cho Thầy. Ngoài thì giờ công quả tưới bông, tưới cây, đánh chuông, quét chùa, ông Hai chuyên niệm Phật. Ai nói gì ông cũng bỏ qua, khen ông không mừng, chê ông không giận. Ông chỉ lo làm tròn bổn phận và niệm Phật mà thôi.

Năm ấy, ông Hai trên 70 tuổi, sức khỏe còn tốt, không có bịnh hoạn chi. Một hôm, ông thưa với thầy trụ trì, “Thưa thầy, hôm nay thầy có đi đâu không?”

Thầy trụ trì nói, “Hôm nay tôi về chùa tổ cúng tổ.”

Ông Hai nói, “Cúng tổ, năm nào cũng cúng. Bữa nay, thầy ở nhà, con về Tây Phương nhờ thầy hộ niệm.”

Ông Hai nói thêm, “Con nói thật đó.”

Thầy trụ trì nói, “Thôi, ở nhà thì ở. Sang năm về cúng tổ cũng được.”

Gần trưa, ông Hai nấu nước tắm, thay quần áo. Đến trưa, ông mặc áo tràng lên thỉnh thầy trụ trì hộ niệm. Ông Hai lên chùa, mở cửa, lên hương đèn, bắc ghế cho thầy trụ trì ngồi một bên hộ niệm. Ông đứng gần giữa chùa, chí thành lễ Phật, xong ngồi xuống, xoay mặt vô bàn Phật niệm Phật. Tiếng ông nhỏ dần và đầu ông gục xuống, im lặng. Thầy trụ trì đưa tay lên mũi ông thì ông đã đi rồi.

Thầy trụ trì đánh trống Bát Nhã lên. Phật tử nghe tin ông Hai tịch trước bàn Phật nên kéo về đông nghẹt chùa. Một giờ sau, Phật tử thỉnh xác thân ông Hai xuống nhà tây, lo tang lễ.

Khi đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, Phật tử hùn tiền mướn bảy chiếc xe hơi đưa đi thật long trọng.

Đến ngày 49, Phật tử ra thăm mả, không ngờ mả của ông đã được xây thật tốt đẹp. Hỏi ra mới biết, có người khác xóm xây mả của cha, nhưng thợ đã xây lầm mả của ông Hai. Thế rồi Phật tử thương lượng để hoàn tiền lại.

Thế mới biết, người tin Phật niệm Phật chắc chắn sẽ được Phật rước về Tây Phương Tịnh Độ, như truyện ông Hai nói trên. Tôi có mấy câu thơ:

Đi đứng niệm Phật thường,
Sáu chữ nhiếp tâm vương.
Ba nghiệp thường thanh tịnh,
Theo Phật về Tây Phương.

Trích Góp Nhặt Lá Bồ Đề
Tác giả: Thích Tịnh Nghiêm