Biết Trước Giờ Chết

Biết Trước Giờ ChếtHòa thượng Hải Đức trụ trì chùa Hải Đức ở Huế và cũng là người thừa kế chùa Hải Đức tại Nha Trang. Sau, Ngài cúng chùa Hải Đức Nha Trang cho Giáo hội Phật giáo Trung phần. Ngài mở Phật học viện Trung phần và cử Thượng tọa Trí Thủ vào làm giám đốc Phật học viện.

Năm ấy, Ngài trên 80 tuổi, Ngài không đau ốm chi. Biết mình sắp về Tây Phương nên sáng ngày 8 tháng 4 Âm lịch, Ngài bảo bà cô nấu ăn, “Hôm nay cô đi chợ mua hoa trái về cúng vía Phật. Trưa nay thầy về Tây Phương đó.”

Bà cô nói, “Bạch Hòa thượng, năm nay giáo hội làm lễ Phật Đản vào ngày rằm chớ không làm ngày mùng 8 nữa.”

Hòa thượng nói, “Thế à? Thôi, để đến rằm cũng được.”

Thế rồi đến ngày rằm, bà cô đi chợ mua hoa trái để cúng lễ Phật đản. Hòa thượng bảo thầy tri sự quét chùa sạch, chưng hoa quả, và khi đúng ngọ, lên hương đèn cúng vía.

Nửa buổi, Hòa thượng bảo thị giả hái các bông hoa, nấu nước cho Ngài tắm, thay đồ mới và bảo bà cô khuấy một chén bột mình tinh để Ngài dùng. Đến gần trưa, Ngài hỏi thầy tri sự, “Đúng ngọ chưa?”

Thầy tri sự nói, “Đã gần đúng giờ ngọ rồi.”

Hòa thượng bảo thầy tri sự, “Mặc áo, lên chùa, đốt hương đèn, đánh trống Bát Nhã. Thầy sẽ đi đó.”

Thầy tri sự lên chùa đốt đèn nhang xong, đánh trống Bát Nhã, rồi xuống nhà tổ, thấy Hòa thượng ngồi tư thế thiền định. Thầy đến đưa tay trước mũi, thì Hòa thượng đã đi rồi.

Thầy liền qua chùa Từ Đàm báo cho giáo hội biết. Giáo hội cũng vừa làm lễ Phật Đản xong. Chư Thượng tọa, Đại đức, tăng ni liền qua chùa Hải Đức tiếp tục hộ niệm. Một giờ sau, đỡ Hòa thượng nằm xuống và lo tang lễ.

Như vậy, Hòa thượng đã biết trước giờ chết và hẹn lại một tuần. Ngài ra đi một cách ung dung, tự tại.

Nên biết pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn mầu nhiệm, đường tắt trong đường tắt, ngàn kinh muôn luận đều chỉ quy. Cổ đức dạy:

Mấy trùng cửa pháp ngó mơ màng
Có cửa Tây Phương rất mở mang
Đã dễ tu hành mau chứng quả
Xin người niệm Phật chớ nghi nan.

Tu về Tịnh Độ sướng hơn tiên
Ít nhọc công phu khỏi tốn tiền
Sáu chữ Di Đà tiêu nghiệp chướng
Một câu niệm Phật giải oan khiên.

Cõi trần mới phát ba lời nguyện
Ao báu đà lên chín phẩm sen
Khuyên khách Ta Bà mau tiến bộ
Tu về Tịnh Độ sướng hơn tiên.

Trích Góp Nhặt Lá Bồ Đề
Thích Tịnh Nghiêm

Chuyện Người Niệm Phật Vãng Sanh Cực Lạc

Thiên chúng đến đón chẳng đi

Ðại sư Tăng Tạng đời Ðường, người xứ Tây Hà. Tuổi nhỏ xuất gia, nép mình thờ người, hết thảy cung kính, chẳng từ lao khổ. Thấy tăng y của người khác liền giặt giũ giùm, rồi lại vá chằm. Ngày nắng gắt, sư cởi áo ngồi trong đám cỏ để thí máu thịt cho các loài muỗi, ve.

Hằng ngày, ngài niệm Phật hiệu chẳng cần ghi số, chỉ nhớ rõ trong tâm, chưa hề thiếu sót. Ðến khi báo tận, thấy chư thiên theo thứ tự đến đón, ngài đều chẳng theo. Ngài chợt bảo mọi người:

– Vừa về Tịnh Ðộ, thấy các thượng thiện nhân rải hoa trên không.

Rồi chắp tay niệm Phật mà hóa.

(theo Cao Tăng Truyện, tập 3)

* Ðại sư Thiện Ngang đời Ðường, người Ngụy Quận. Chí kết Tây Phương, nguyện sanh An Dưỡng. Sau ngài ngụ tại chùa Báo Ứng, biết đã đến lúc bèn bảo trước những người hữu duyên: đầu tháng Tám sẽ chia tay. Ðến kỳ, ngài lên tòa cao, lư tỏa mùi hương lạ, dẫn tứ chúng thọ Bồ Tát giới, dạy dỗ những điều thiết yếu. Chợt thấy thiên chúng rộn ràng, đàn sáo véo von. Ngài bảo đại chúng:

– Trời Ðâu Suất Ðà đến đón ta; nhưng Thiên đạo chính là căn bản sanh tử, chẳng phải chỗ ta ước mong. Lòng thường mong sanh về Tịnh Ðộ, nguyện này chẳng được thỏa hay sao?

Nhạc trời bỗng bặt tiếng. Từ trời Tây, hương, hoa, âm nhạc vùn vụt kéo đến, xoay quanh trên đỉnh đầu, toàn thể mọi người đều thấy. Sư bảo:

– Nay tướng lành Tây Phương đến đón. Ta đi đây.

Nói xong liền tịch, thọ sáu mươi chín tuổi.

(theo Cao Tăng Truyện, tập hai)

Nhận định:

Lúc lâm chung, tứ đại chia lìa là lúc nào vậy? Chư Thiên lần lượt đến đón là cảnh nào đây? Nếu chẳng phải là bậc tín nguyện kiên cố thì ngay trong lúc đó, đối trước cảnh ấy làm sao cưỡng làm chủ tể nổi? Ðây đúng thật là gương sáng thiên cổ cho những kẻ tu Tịnh nghiệp vậy. Nếu không, một phen sanh lên trời sẽ lại đọa trong luân hồi. Xin đừng lầm tin ngoại đạo cầu sanh Thiên Quốc.

Lấy việc lợi lạc chúng sanh làm đầu

Ðại sư Tự Giác đời Ðường, người xứ Bác Lăng. Xuất gia từ nhỏ, học Kinh, Luật, Luận siêng năng suốt cả chín năm, kinh luận nào cũng đều hiểu sâu sắc. Sau ngài trụ tại Trùng Lâm Sơn Viện trong núi Bình, nhặt quả, hái rau, ngày chỉ ăn một bữa, phát tâm đúc tượng đức Ðại Bi Quán Âm và dựng chùa Phật.

Gặp lúc đại hạn, tiết độ sứ xứ Hằng Dương là ông Trương thỉnh ngài cầu mưa. Ngài kiền thành khẩn cáo long thần, mưa to liền đổ xuống. Do đó, thí chủ chen nhau tụ về, đúc được tượng cao bốn mươi sáu thước, chùa cũng dựng xong.

Ngài liền đối trước đàn, thệ nguyện nương nhờ Thánh lực sớm sanh Tịnh Ðộ. Chợt thấy hai đạo kim quang: A Di Ðà Phật và hai vị Ðại Sĩ từ trong quang minh giáng xuống, xòe tay sắc vàng xoa đầu sư, bảo:

– Giữ nguyện chẳng đổi, lấy việc lợi sanh làm đầu. Sanh chốn ao báu mặc tình thỏa nguyện.

Về sau, chợt thấy thần nhân đứng trong mây hiện nửa thân, bảo:

– Thời kỳ sư quy Tây đã đến rồi!

Ngài liền ngồi xếp bằng trước tượng Quán Âm mà hóa.

(theo Cao Tăng Truyện, quyển 3)

Nhận định:

Phàm những việc như: tạo tượng, lập chùa, cầu mưa lợi người v.v… đều là những trợ duyên cho Tịnh nghiệp. Ðem những việc ấy hồi hướng Tây Phương. Do làm được như vậy nên Phật dạy: “Giữ nguyện chẳng đổi, lấy việc lợi sanh làm đầu”. Nếu như ngài chẳng có mật hạnh niệm Phật, làm sao cảm được đức Phật đến xoa đầu?

Kết xã khích lệ lẫn nhau

Ðại sư Tạo Vi Tỉnh Thường đời Tống là Tổ thứ bảy của Liên Tông. Ngài họ Nhan, người huyện Tiền Ðường. Bảy tuổi xuất gia, mười bảy tuổi thọ Cụ Túc Giới. Ngài lấy việc kiên trì giới luật, chuyên xưng danh hiệu, phát Bồ Ðề tâm, kết xã để khích lệ lẫn nhau làm chánh nhân Tịnh Ðộ.

Ngài trụ tại chùa Chiêu Khánh ở Hàng Châu, hâm mộ di phong Lô Sơn của Tổ Huệ Viễn nên thành lập Tịnh Hạnh Xã. Trong nhóm sĩ phu dự hội có quan Tướng Quốc Văn Chánh Vương Công Ðán v.v… một trăm hai mươi người đều xưng là Tịnh Hạnh Ðệ Tử, còn Tăng thì có đến một ngàn vị đồng tu Tịnh nghiệp.

Ngài cắt máu chép kinh phẩm Tịnh Hạnh của kinh Hoa Nghiêm. Mỗi ngày chép một chữ, ba lạy, nhiễu ba vòng, ba lượt xưng danh hiệu Phật. Chép được ngàn quyển, thí cho ngàn người. Ngài dùng chiên đàn hương khắc tượng Phật Vô Lượng Thọ, quỳ trước tượng, phát nguyện:

– Con cùng đại chúng bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi phát Bồ Ðề tâm. Cho đến cùng tột đời vị lai, hành hạnh Bồ Tát. Nguyện hết một báo thân này sẽ sanh An Dưỡng

Một hôm, trong lúc ngồi nghiêm trang niệm Phật, ngài chợt kêu to: “Phật đến rồi!”, tự nhiên hóa. Ðại chúng thấy đất đều có màu vàng ròng. Sư thọ sáu mươi hai tuổi.

(Theo Phật Tổ Thống Ký)

Nhận định:

Kết xã khích lệ lẫn nhau đúng là tự lợi, lợi tha. Nhưng để thực hành được điều này trong hiện tại, phải có bậc hữu đức thống suất đại chúng cộng tu, rất kỵ nam nữ hỗn tạp. Nếu không có được cơ duyên như vậy thì chẳng bằng đóng cửa tiềm tu, so ra còn dễ tinh tấn hơn!

Chuyên tâm niệm Phật

Ðại sư Hám Sơn Trừng Ấn Ðức Thanh đời Minh, là con nhà họ Thái ở Kim Lăng. Năm mười chín tuổi xuất gia, chuyên tâm niệm Phật, mộng thấy Phật A Di Ðà hiện thân trên không, quang tướng phân minh.

Từ đấy, thánh tượng sáng rực rỡ luôn hiện diện trước mắt ngài. Sau ngài đến Ngũ Ðài tu Ðịnh, phát minh được bổn tâm sẵn có. Ngài cắt máu chép kinh Hoa Nghiêm, mỗi một nét bút hạ xuống là một câu niệm Phật. Lâu dần, động tịnh hệt như nhau.

Sau ngài ẩn cư trong Lao Sơn là chỗ bọn ngoại đạo sanh sống. Thoạt đầu, chẳng có ai nghe đến danh hiệu Tam Bảo, nhưng lâu sau, ai nấy đều biết niệm Phật. Lý Thái Hậu hạ lệnh chở vàng đến dựng chùa, ban tấm biển đề tên chùa là Hải Ấn. Vua giận dữ, sai đầy ngài đi Lôi Châu. Nhân đấy, ngài trùng hưng tổ đình Tào Khê.

Về sau, ngài được vua hạ chiếu tha cho về, bèn kết am trong Lô Sơn, tu Tịnh Nghiệp càng thêm chuyên gắng. Ngài đột ngột đi về Tào Khê, thị hiện bịnh nhẹ, tắm gội, thắp hương, bảo đồ chúng rằng:

– Hãy nghĩ tới việc lớn sanh tử, vô thường mau chóng.

Ðoan tọa mà tịch, có quang minh chiếu rực tận trời, thọ bảy mươi tám tuổi, nhục thân hiện vẫn còn.

(theo Mộng Du Tập)

Nhận định:

Thánh tượng thường hiện, động tịnh nhất như thì đúng là tu hành Tịnh Nghiệp thật tinh cần. Vì chẳng chứng đắc chút ít đã cho là đủ nên nhục thân của ngài tồn tại vĩnh viễn. Xét ra, ắt ngài phải sanh trong Thượng Phẩm Thượng Sanh nơi Thật Báo Tịnh Ðộ hoặc Thường Tịch Quang Tịnh Ðộ trong thế giới Cực Lạc.

Bỏ Thiền tu Tịnh

Ðại sư Ngẫu Ích Trí Húc đời Thanh là Tổ thứ chín của Liên Tông. Ngài họ Chung, người Ngô Huyện. Lúc tuổi trẻ, tự lấy việc học Nho làm trách nhiệm, viết sách bác Phật. Ðến khi ngài đọc được tác phẩm Trúc Song Tùy Bút của tổ Vân Thê bèn đốt những sách mình đã viết.

Năm hai mươi tuổi, nhân đọc kinh Ðịa Tạng bèn phát chí xuất thế, hằng ngày tụng danh hiệu Phật. Năm hai mươi bốn tuổi, nghe pháp sư Cổ Ðức giảng kinh, nghi tình chợt phát, dụng tâm tham cứu, chứng ngộ rỗng rang. Ngài liền bế quan ẩn tu ở Ngô Giang. Bị bịnh gần chết, ngài mới nhất ý cầu sanh Tịnh Ðộ.

Lúc bịnh giảm chút ít, ngài bèn kết đàn trì chú Vãng Sanh bảy ngày. Sau đấy, ngài ẩn tu tại Linh Phong, trước thuật những tác phẩm xiển dương Tịnh Ðộ được lưu truyền rộng rãi.

Ngài chợt thị hiện có bịnh, dặn dò sau khi trà tỳ hãy đem tro ngài hòa với bột đem thí cho các loài chim, cá để chúng được kết duyên Tây Phương. Sau đó, khi bịnh đã khỏi hẳn, ngài bèn ngồi xếp bằng, hướng về Tây, giơ tay lên mà tịch, thọ năm mươi bảy tuổi.

Ba năm sau, mở khám đựng nhục thân của ngài ra, tóc đã mọc dài phủ tai, vẻ mặt vẫn như lúc sống; môn nhân chẳng nỡ tuân theo di mạng nên lập tháp thờ ở Linh Phong.

(theo Linh Phong Tông Luận)

Nhận định:

Gặp lúc bịnh gần chết mới bỏ Thiền tu Tịnh. Sách Niệm Phật Trực Chỉ viết:

“Tinh tấn là chẳng vì chút bịnh duyên nhỏ hay lớn mà biếng nhác cái hạnh. Nếu như bị túc nghiệp sai sử thì nên tụng Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Ðà Ra Ni. Trì một lần, diệt được tất cả các tội: ngũ nghịch, thập ác nơi thân. Trì được ba mươi vạn biến, quyết sẽ sanh về Tịnh Ðộ”.

Kinh Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Thần Chú có nói:

“Nếu tụng được chú này thì A Di Ðà Phật thường ngự trên đảnh người ấy, ngày đêm ủng hộ chẳng để cho oán gia có dịp hãm hại. Hiện đời thường được an ổn; lúc mạng sắp hết, tùy ý vãng sanh”.

Vì thế, lúc ngài vừa bớt bịnh liền kết thất trì chú bảy ngày. Những người ham Thiền Tịnh Song Tu hãy bắt chước ngài lấy việc chuyên tu làm trọng.

Làm việc nặng vẫn niệm Phật không gián đoạn

Ðại sư Cụ Hạnh Nhật Biện thời Dân Quốc, người huyện Hội Lý ở Vân Nam. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đi ở rể nhà họ Tăng ở Diêm Nguyên, sanh được hai con trai. Nhà nghèo, ngài phải làm thuê cho Chúc Thánh ở núi Kê Túc. Năm hai mươi mốt tuổi, ngài dẫn cả nhà tám người xin đi xuất gia, thọ Cụ Túc.

Hòa Thượng Hư Vân dạy ngài tu pháp môn Niệm Phật Cầu Sanh Tịnh Ðộ. Ngài bèn dứt bỏ các duyên, nhất tâm hệ niệm. Ngài tai điếc, mặt mũi xấu xí, không biết chữ, ngày trồng rau, đêm lễ bái, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát.

Rảnh rỗi thì tập tịnh tọa, học khóa tụng và các kinh điển, tự siêng gắng hết sức. Sư vừa đi tham bái tứ đại danh sơn trở về đất Ðiền (Vân Nam), gặp lúc ngài Hư Vân trùng hưng chùa Vân Thê, hỏi:

– Thầy đã đi thăm quyến thuộc chưa?

Sư thưa:

– Con chẳng bận tâm đến họ.

Hòa Thượng lại hỏi:

– Thầy tính làm gì?

Thưa:

– Những việc nặng nhọc nhất không ai chịu nổi, con sẽ gánh vác.

Phàm là những việc nặng như đắp tường, lợp nhà, trồng rau, trồng cây, vác đá, đào đất, quét tước, nấu nướng, ngài đều làm không lúc nào ngơi tay, nhưng không một khắc nào để câu niệm Phật bị gián đoạn.

Khi đêm xuống, vào lúc chỉ tịnh, ngài bèn lễ các kinh Kim Cang, Dược Sư, các kinh Tịnh Ðộ; cứ một chữ là một lạy. Tảng sáng, hồng chung vừa gióng, đã lên điện tham dự khóa tụng như thường, chưa hề ngủ nghỉ. Ngài tự vá áo, hoặc chằm vá áo giùm bạn đồng tham, mỗi một mũi kim là một câu Phật hiệu.

Trong kỳ hạn kết giới, được thỉnh làm Tôn Chứng, ngài bèn bán y, đem hết tiền mua sắm vật dụng để thiết trai cúng dường đại chúng. Hỏi ngài sẽ đi đâu, chỉ cười không nói. Giới đàn hoàn tất, ngài ngầm lên điện sau cùng, ngồi xếp bằng, hướng về Tây niệm Phật, dùng lửa tự thiêu, thọ ba mươi sáu tuổi. Hình trạng vẫn như lúc sống, mùi hương lạ lan tận ra xa.

Ðại chúng tranh nhau đến xem, vừa đánh khánh, di thể ngài chợt sụp xuống, hóa thành tro.

(theo Hư Vân Hòa Thượng Niên Phổ)

Nhận định:

Một chữ chẳng biết, nhưng lúc làm công việc nặng nhọc chưa hề gián đoạn niệm Phật. Chúng ta là những kẻ biết chữ đọc được sách, nếu cứ lơi là để uổng phí ngày tháng trôi qua há chẳng biết thẹn chăng?

Nhưng tự thiêu là chưa đắc tam muội. Chớ nên manh nha vọng niệm như vậy để khỏi bị ma dựa phát cuồng, vĩnh viễn đọa trong ác đạo!

Xả Quán niệm Phật

Ðại sư Huệ Tam Tư Nguyên thời Dân Quốc, người huyện Uyển Bình tỉnh Hà Bắc. Năm mười bảy tuổi xuất gia. Ít lâu sau, thọ Cụ Túc, vào học trường Phật Giáo Học Hiệu tại tỉnh An Huy, nghiên cứu tinh tường nội điển.

Ngài nhận trách nhiệm trụ trì chùa Sùng Thọ và Quảng Thiện ở Bắc Kinh. Ngài kiến lập, hưng khởi đạo tràng Hoa Nghiêm. Trước giờ Ngọ mỗi ngày, ngài tụng kinh Hoa Nghiêm. Cuối năm, ngài kết Hoa Nghiêm Phật Thất, lãnh đạo đại chúng huân tu pháp Chơn Không Pháp Giới Quán; từng đốn nhập Pháp Giới Ðịnh. Sau khi khai tịnh, mới ngộ được hư không pháp giới lý sự vô ngại, pháp hỷ tràn đầy, khen là chưa từng có.

Từ đấy, ngài càng thêm tinh tấn, tu Quán chẳng lùi. Tháng Mười Một năm Dân Quốc thứ ba mươi bảy (1948), ngài đến Ðài Loan lúc bốn mươi tám tuổi, lãnh trọng trách giảng dạy tại Phật Học Viện chùa Viên Quang ở Trung Lịch. Năm sau, ngài đến Sở Giảng Dạy Học Tập Phật Học ở Tân Trúc giảng dạy Phật giáo, đồng thời giảng kinh ở chùa Nhất Ðồng suốt bảy năm.

Sư thường sống tại các chùa ở Ðài Bắc, Nội Hồ, Nam Ðầu… để giảng kinh, độ chúng không đếm nổi. Năm năm mươi lăm tuổi, ngài sáng lập chùa Phước Huệ trên núi Linh Sơn ở xã Thọ Lâm, Ðài Bắc. Mỗi năm, vào tháng Bảy, ngài lập pháp hội Ðịa Tạng kéo dài bảy ngày, truyền U Minh Giới một lần. Mỗi năm, tại Ðài Loan, khi truyền tam đàn đại giới và giới tại gia, sư thường được suy cử vào một trong tam sư. Cả cõi âm lẫn dương gian đều được lợi, pháp hóa lợi ích vô cùng!

Năm sáu mươi sáu tuổi, sư lại càng thêm thường tinh tấn, hằng khóa niệm Phật mỗi ngày là ba vạn câu. Năm tám mươi tuổi liền bắt đầu niệm Phật, tọa thiền cộng tu, và khởi xướng nghĩa chẩn cứu dân nghèo và thí thuốc trong khuôn viên nhà chùa; sáng lập thư viện để mọi người đến đọc sách; đề xướng, lo liệu việc giảng giải, học hỏi Phật học. Hạnh lẫn giải càng thêm sâu, phước huệ song tu.

Sư từng đáp ứng lời thỉnh sang Mỹ hoằng pháp, qua Ðại Hàn truyền giới, người thọ giới lên đến hơn năm ngàn người. Giữa trưa ngày mồng Tám tháng Bảy năm Dân Quốc 75 (1986), sau khi dùng cơm, sư chợt nói:

– Ta muốn đi đây!

Liền triệu tập tất cả đệ tử trong chùa, dặn dò:

– Sau khi ta mất, các con nên hợp tác với nhau.

Sau bữa cơm chiều, ngài không bịnh gì, đang đứng mà hóa, thọ tám mươi sáu tuổi.

(theo tạp chí Từ Vân số 126)

Nhận định:

Ðại Sư mỗi ngày tụng kinh Hoa Nghiêm, tu Chơn Không Quán, từng nhập Pháp Giới Ðịnh, từ đấy tu Quán chẳng lui sụt. Ðến năm sáu mươi tuổi, bắt đầu mỗi ngày hằng khóa niệm Phật ba vạn tiếng; đấy là bỏ Quán niệm Phật.

Từ năm tám mươi tuổi trở đi, chợt lại tọa Thiền, niệm Phật cộng tu. Ðấy là tuổi già tịnh tọa niệm Phật, chứ chẳng phải là Thiền Tịnh Song Tu. Không bịnh, đang đứng mà hóa, nhất định phải là Thượng Phẩm Thượng Sanh.

Chuyên cầu thoát khổ

Thời Dân Quốc, một người phụ nữ nghèo ở huyện Từ Khê tỉnh Triết Giang, không biết họ, nhà nghèo, con ngỗ nghịch. Một ngày nọ bị con mắng nhiếc, tâm đau đớn, khó nhẫn, đến than thở với vị Tăng ở gần nhà. Vị Tăng bảo:

– Bà đã biết khổ; sao chẳng đem cái khổ ấy bán đi?

Hỏi:

– Làm sao bán được đây?

Tăng bảo:

– Bà chuyên niệm A Di Ðà Phật cầu sanh Tây Phương. Lâm chung Phật đến tiếp dẫn đi thì vĩnh viễn thoát khỏi các nỗi khổ, chỉ hưởng các sự vui. Ðấy là bán khổ đi đó!

Bà nói:

– Mẹ con tôi sống chung một phòng. Giường và bếp kê chung một chỗ. Dưới gầm giường có chuồng heo. Bẩn thỉu như vậy làm sao niệm Phật được?

Tăng bảo:

– Không hề chi, bà sống tại gia thì chỉ cốt sao thường niệm, lúc rảnh có thể đến chùa lễ Phật.

Bà liền phụng hành đúng như lời dạy, chuyên cầu thoát khổ, niệm Phật không gián đoạn. Ba năm sau, trước lúc sắp lâm chung vài tháng, bà nói trước với con:

– Ngày tháng đó ta sẽ sanh Tây Phương. Ngươi đừng có đi ra ngoài, vì ta lo liệu hậu sự để trọn đạo làm con.

Người con chẳng tin; ít lâu sau, bà nhắc lại cũng chẳng tin. Vài ngày trước khi mất, chợt ngửi thấy mùi hương lạ, tìm khắp nơi chẳng biết từ đâu ra, mới tin lời mẹ là thật. Ðến kỳ, cả nhà trông chừng, thấy mẹ tắm gội, thay áo, ngồi ngay ngắn niệm Phật qua đời.

(theo Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục)

Nhận định:

Dùng cái tâm sợ khổ để niệm Phật là pháp mầu nhiệm bậc nhất để thoát khổ. Nếu chẳng phải là nhà nghèo, con ngỗ nghịch, tâm đau buồn khó chịu đựng nổi thì làm sao cam tâm chuyên cầu thoát khổ niệm Phật sanh Tây? Thuận, nghịch đều là phương tiện; nghịch cảnh còn thù thắng hơn thuận!

Dụng công mãnh liệt

Cư sĩ Tiền Dực Sơn tự Vạn Dật đời Thanh, người huyện Thường Thục, làm nghề nấu rượu, thích chè chén. Ít lâu sau, ông tu Tịnh nghiệp, tận lực sửa đổi lề thói cũ, tránh sát sanh, dứt rượu thịt, khuyên mẹ ăn chay trường niệm Phật.

Một người con của ông bịnh lao, niệm Phật qua đời, mọi người phỉ báng, ông vẫn thờ Phật như cũ. Vợ mất, ông vẫn điềm nhiên, cự tuyệt người khuyên tục huyền:

– Có con nhưng nó đã mất rồi, tôi cưới vợ nữa để làm gì? Chí tôi xuất thế, lẽ nào còn thèm thuồng có người nối dõi ư?

Nhà cửa bị lửa cháy, ông hướng lên không, nguyện:

– Nghiệp của tôi đáng bị lửa cháy, chỉ xin đừng làm tổn hại đến nhà hàng xóm.

Lửa tắt, quả nhiên nhà hàng xóm vô hại. Ông chợt mắc bịnh thổ huyết, tâm sanh tử càng thiết tha, niệm Phật càng mạnh mẽ. Ðến lúc bịnh nguy kịch, ăn vào là ói ra ngay. Người chú là Tạ Phượng Ngô kể chuyện cổ đức nhịn ăn để thấy Phật, ông vui vẻ bảo:

– Có phương cách tiện lợi lớn như vậy, tôi phải dũng mãnh làm theo!

Ông liền tắm gội, đến trước bàn Phật, thắp hương, phát thệ: giữ trai giới bảy ngày, bỏ tiền phóng sanh cầu sanh Tịnh Ðộ. Ðêm ngày niệm Phật chẳng sót, có khát chỉ ăn dưa mà thôi. Có người hỏi: “Cả đêm chẳng ngủ, chẳng mệt mỏi hay sao?” Ông nói:

– Chẳng ngủ có lợi là niệm Phật được nhiều. Lúc tôi chưa bịnh chẳng được an nhàn; nay do bịnh mới được nhàn, đúng là lúc phải dốc sức, làm sao còn mệt nhọc được?

Hết kỳ hạn, thần thức hôn loạn, ông cả sợ, chắp tay đặt trên gối, ra lệnh đốt ngón tay. Ông Tạ nói:

– Lúc này, ngươi phát nguyện ấy thì cũng giống như đã đốt ngón tay rồi, chẳng bằng nhất ý cầu về Tây Phương thì hơn.

Ông liền nhắm mắt niệm Phật, lúc đầu còn miễn cưỡng, sau do dụng công mạnh mẽ, dần dần thần chí an định. Lại được mười mấy người trợ duyên, tiếng niệm Phật liên tục suốt ngày đêm. Ông chợt thấy Tây Phương Tam Thánh hiện tiền, quang minh, tướng hảo, toan cất thân lên kim đài; chợt nghe trên không có tiếng nói:

– Thân ông chưa sạch!

Ông liền sai lấy nước thơm tắm gội xong, Tam Thánh hiện như cũ, liền bảo người nhà rằng:

– Tôi đã đến được Tịnh Ðộ, thấy vô số hoa sen, tôi ngồi trên đó, sướng chẳng thể nói nổi!

Ông chỉ vào thân mình bảo:

– Ðây chẳng phải là thân ta!

Một lát, lại bảo:

– Phật đông nghẹt cả nhà!

Ngồi hướng về Tây, qua đời, thọ ba mươi tám tuổi.

(theo Tục Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục)

Nhận định:

Ðoạn được rượu thịt là tham độc đã hết. Bị cười chê chẳng đoái hoài là sân độc đã hết. Con chết, vợ mất vẫn điềm nhiên là ái căn đã đoạn. Cự tuyệt lời khuyên lấy vợ lần nữa, chẳng mong có người nối dõi là si độc đã hết.

Vì vậy, gặp phải nghịch cảnh, ông vẫn có thể chẳng thối thất cái tâm ban đầu; dù bịnh tật khổ sở vẫn giữ vững chánh niệm. Dù vì nghiệp chướng hiện tiền khiến thần thức hôn loạn, ông vẫn có thể dụng công mạnh mẽ, lại được trợ duyên nên nhanh chóng cảm được tướng tốt lành là đài vàng, thần hồn ngao du cõi Sen, thật đáng làm gương vậy!

Trợ niệm đắc lực

Cư sĩ Dương Liên Hàng thời Dân Quốc, người huyện Dư Diêu tỉnh Triết Giang. Nhà nghèo, làm nghề buôn bán. Nghe lời ông Ðồng Giác Hàng tu Tịnh nghiệp, lâu ngày đối với giáo nghĩa giải ngộ siêu quần.

Ông tham dự Liên Xã niệm Phật. Vì bị bịnh nên lại sát sanh, dần dần xa lìa các liên hữu. Sau bịnh nguy kịch, liên hữu bảo ông ắt phải chết. Tự xét mình không thể nào qua nổi, ông hoảng sợ, hối hận, bèn gắng sức đến trước Phật, tận tình bày tỏ, dốc lòng thành sám hối, lại giữ Ngũ Giới, thề chẳng tái phạm.

Từ đấy trở đi, ông buông bỏ vạn duyên, quét sạch ái dục, nhất tâm thầm niệm Phật hiệu đợi lúc lâm chung. Liên hữu biết công năng trì danh của ông nông cạn nên trước hết vì ông thỉnh người trợ niệm. Hai ngày sau, liên hữu cũng trợ niệm. Ông chợt thấy thần khí thanh sảng, mộng thấy quang minh. Ðến canh hai, liên hữu sắp ra về, chẳng biết rằng đến lúc đó, việc trợ niệm đã có hiệu lực. Ông liền bảo:

– Tôi chưa đến được Tây Phương, xin liên hữu lớn tiếng niệm Phật trợ niệm suốt đêm, đừng để lỡ!

Mọi người lại cao giọng niệm Phật, lại luôn luôn khích lệ ông. Chợt ông mỉm cười bảo:

– Tôi nay đã đến Tây Phương rồi, hoa sen đẹp quá! Ao báu đẹp quá! Quang minh đẹp quá!

Mắt ông nhìn chăm chú vào tượng Phật mà qua đời. Mọi người vẫn trợ niệm đến khi thân ông đã lạnh mới thôi, chẳng cho người nhà khóc than. Ðến trưa hôm sau, đảnh đầu ông vẫn còn ấm, thọ ba mươi tuổi!

(theo Cận Ðại Vãng Sanh Truyện)

Nhận định:

Công phu trì danh nông cạn mà được vãng sanh là do sức liên hữu trợ niệm. Trợ niệm khẩn yếu như thế đó. Xin hãy đề xướng rộng rãi. Nếu như không có liên hữu thì xin hãy dùng băng niệm Phật để trợ niệm, tạm dùng làm phương tiện cũng có thể được hưởng đại lợi vãng sanh vậy!

Giác chiếu niệm Phật

Cư sĩ Phạm Dụng Hòa tự Nguyên Lễ đời Thanh, người huyện Tiền Ðường. Lúc nhỏ học Nho, thờ cha mẹ rất có hiếu. Lúc cha mẹ bịnh, trước sau, ông đã cắt thịt bắp tay hòa với thuốc trị lành bịnh cho cha.

Bước vào tuổi tráng niên, cha mẹ mất, vợ chết, ông từ bỏ trần duyên, tu tập huyền công (cách tu hành của Ðạo giáo) hơn mười năm, đạt chút linh nghiệm. Về sau, ông đọc những tác phẩm của ngài Vân Thê có phần tỉnh ngộ, bèn thọ Tam Quy, Ngũ Giới, nhất chí kiên trì, thậm chí những thứ làm bằng lông thú, dệt bằng tơ tằm, ông chẳng hề khoác vào thân. Bỏ hết những điều mình đã tu tập, chuyên tu Tịnh nghiệp. Ông ham làm lành, thí thuốc, phóng sanh, giúp đỡ người nghèo, chẳng nề nhọc mỏi. Gặp Tăng chúng nghèo bịnh, ông liền cúng dường chẳng thiếu gì.

Về sau, ông bế quan niệm Phật suốt trăm ngày. Lúc hơi thở ông vừa trở nên yên tịnh thì cách tu huyền thuật trước kia chợt hiện ra, nhận thấy khí Thiên Ðịa cuồn cuộn, mù mịt trong không trung xông thẳng vào miệng, mũi, chạy thẳng vào huyệt Ðan Ðiền, hòa hợp với nguyên khí của chính mình, [cảm thấy] khinh an chẳng thể diễn tả nổi. Giây lát, có một đứa bé cao mấy tấc từ đảnh đầu vọt ra, lãng đãng trước mặt; được một chốc, nó lại theo đảnh đầu trở vào.

Từ đấy trở đi, mỗi khi đến lúc hết sức tịch tịnh, vong niệm thì liền có đứa bé bước ra, trở vào như trên. Thoạt đầu, ông rất vui; lúc sau, ông chợt nghĩ:

– Ðây há chẳng phải là năm mươi thứ Ấm Ma như đã nói trong kinh Lăng Nghiêm đó ư? Nếu cho là kỳ đặc thì sẽ bị lạc vào quần ma! Niệm Phật chí tại Tây Phương, thánh cảnh chẳng hiện, sự này ích chi?

Ngay khi đó, ông liền giác chiếu, chánh niệm hiện tiền, đứa bé chẳng xuất hiện nữa. Ðối với yếu chỉ Duy Tâm, ông khế ngộ sâu xa; Tín – Hạnh – Nguyện lực càng thêm thuần thục. Thường bảo với mọi người rằng:

– Ðối với cửa ải hiểm yếu bậc nhất trong cuộc đời này nếu có chút phần chẳng rõ thì sẽ lạc vào bàng môn. Vì vậy, tu hành chẳng thể không thận trọng vậy!

Chợt ông kết liễu mọi việc, dặn dò, từ biệt bè bạn, ngồi niệm Phật qua đời. Lúc liệm, đảnh đầu vẫn còn nóng, thọ sáu mươi ba tuổi.

(theo Nhiễm Hương Tục Tập)

Nhận định:

Từng tu tập huyền công của ngoại đạo, nguyện thường giác chiếu nên khỏi bị đọa vào bàng môn. Chánh niệm hiện tiền, quần tà tự diệt.

Mật hạnh tinh tấn

Cư sĩ họ Trần đời Thanh, không rõ tên là gì, là chú họ của các ông Thế Anh, Mậu Tài ở huyện Thường Thục. Mỗi sáng dậy, ông thắp hương yên lặng tụng kinh, niệm Phật. Dù gió, mưa, lạnh, nóng đều chẳng gián đoạn. Suốt mấy năm như thế người nhà chẳng hay vì ông hành mật hạnh.

Trước khi mất ba tháng, ông tự bảo đã đến lúc sắp mất, người nhà thấy ông không bịnh tật gì nên không tin. Ba ngày trước khi mất, ông thị hiện bịnh nhẹ, vẫn đi đứng như thường. Ðến ngày, ông tọa hóa, người nhà kêu khóc; ông bèn mở mắt, dạy sơ lược vài lời, rồi nói: “Ta đi đây!” Lại yên lặng, thân bốc ra mùi hương lạ ba ngày mới hết.

(theo Vãng Sanh Cận Nghiệm Lục)

Nhận định:

Cổ nhân mật hạnh, dù nóng hay lạnh chẳng gián đoạn, dù là người nhà cũng chẳng hay biết. Nay thì hành nhân rêu rao khoe mẽ nhưng một ngày nóng mười ngày lạnh, cho nên người niệm Phật thì nhiều mà kẻ vãng sanh lại ít. Hãy dè dặt, hãy thận trọng

Trích trong Niệm Phật Thập Yếu của Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập

Nhờ Tích Tiểu Phước Thành Đại Phước Vua Lương Võ Đế Lâm Chung Tỉnh Táo Niệm Phật Vãng Sanh

Nhờ Tích Tiểu Phước Thành Đại Phước Vua Lương Võ Đế Lâm Chung Tỉnh Táo Niệm Phật Vãng SanhLương Vũ Đế, tên Tiêu Diễn, hình dung kỳ vĩ, vầng trán chữ nhật, mặt rồng, cổ có ánh sáng tròn, thân sáng như ánh trời chiều, nhà ở thường có hơi mây. Thuở nhỏ hiếu học, từ thi thơ cho đến chiêm đoán, bốc phệ; viết chữ thảo, chữ lệ; cung tên, cưỡi ngựa, săn bắn thảy đều rành rẽ.

Về sau, tuy lên ở ngôi cao, tay vẫn không rời quyển sách. Về già thờ phụng Phật đạo. Ngày chỉ ăn một bữa nếu không có đại hội, yến tiệc, tế tự tông miếu thì không cử nhạc. Khi hành quyết tử tù thì rơi nước mắt. Chăm lo chính sự, mùa Ðông qua nửa đêm vẫn cầm bút xem xét đọc tiếp ➝

Sự Vãng Sanh Của Ni Cô Thích Nữ Đàm Thành

Sự Vãng Sanh Của Ni Cô Thích Nữ Đàm ThànhNi cô Thích nữ Đàm Thành là đệ tử xuất gia của H.T. Thượng TRUNG,hạ QUÁN chùa Hoa Nghiêm (Pháp Quốc) bị bệnh suy yếu thận,nên phải lọc máu (hémodialyse) mỗi tuần 3 lần tại bệnh viện Paris gần 18 năm trời,trụ thế được 78 tuổi.chúng tôi muốn kể lại cho quý vị biết việc quan trọng,và lợi ích của sự trợ niệm cho người lâm chung! Hai ngày,trước khi ni cô viên tịch,chúng tôi có đến thăm,nghe bác sĩ nói:sức khỏe ni cô rất yếu,từ mấy ngày rồi không ăn gì được nữa,và sẽ mất đi khoảng vài ngày tới!

Ngày thứ hai,17-05-2010,chúng tôi có vào bệnh viện thăm,sức khỏe ni cô quá yếu,nên chỉ lấy mắt mà nhìn mọi người,chứ không còn hơi sức để nói chuyện như trước ! Lúc 14 giờ 30 phút, chúng tôi gồm 7 người bắt đầu Niệm Phật đến 15 giờ 30 phút,gia đình xin cáo từ ra về trước!Bây giờ,còn lại Tôi(Minh Đăng)và ni cô Huệ Phước, tiếp tục Niệm Phật đến 16 giờ 10 phút.Tôi có linh tính rằng:Ni cô Đàm Thành sắp sửa lâm chung,nên liền đứng dậy đến bên giường và để tay lên đầu ni cô mà Niệm Phật…Quả thật đúng y như vậy,khoảng 5 phút sau,ni cô dùng anh mắt nhìn Tôi,để nói lên sự cảm ơn,thở ba hơi cuối cùng rồi nhắm mắt nhẹ nhàng ra đi trong lúc nghe niệm Phật.

Thấy vậy,chúng tôi liền báo với Bác sĩ đến khám nghiệm ngay,Bác sĩ cho biết ni cô đã ra đi an lành!Chúng tôi xin phép đừng cho đụng chạm đến thi thể,và vẫn tiếp tục Niệm Phật thêm 8 giờ đồng hồ nữa!Lúc mới mất,miệng đang mở,sắc diện gương mặt nhìn thấy hơi xám,do nhờ công đức trợ niệm Phật đến 4 giờ sau ,thì sắc diện tốt hơn và miệng cũng từ từ ngậm lại,5 người ra về, lúc đó họ mới trở lại,bây giờ là 20 giờ 15′. Vì sự trợ niệm rất quan trọng,muốn được lợi ích trọn vẹn cho người mất,chúng tôi khuyên mọi người hãy bình tĩnh,không nên than khóc vô ích,làm cho giác linh không được siêu thoát,chúng tôi chia ra hai nhóm thay phiên nhau Niệm Phật,nghĩa là nhóm này (A) niệm luôn một hơi dài được khoảng 7 lần Nam Mô A Di Đà Phật rồi ngưng,nhóm kia (B) cũng niệm như vậy,mãi cho đến 24 giờ 20 phút mới ngừng niệm.

Như vậy,niệm Phật được gần 10 giờ đồng hồ,bây giờ,chúng tôi thăm dò hơi ấm xem ni cô được sanh về đâu?Mọi người đều hoan hỷ khi để tay trên đỉnh đầu vẫn còn hơi ấm,chứ không lạnh như nơi khác,và nhất là khi cầm bàn tay lên,các ngón tay vẫn thấy mềm mại ! Quý vị thử nghỉ,đoán xem ni cô được sanh về đâu? Có vãng sanh Cực Lạc ?

Mặc dù lúc trợ niệm,không thấy Phật,Bồ Tát hiện thân tiếp dẫn vì lý do phẩm sen thấp,hoặc chỉ người sắp mất mới thấy,nhưng được niệm Phật trước khi mất là rất Tốt.Phật,Bồ Tát hiện thân tiếp dẫn đặc biệt cho người

Thượng phẩm,thì nhiều người sẽ thấy, sáng hôm sau,chúng tôi trở lại Niệm Phật đến 16 giờ chiều,thi thể được di chuyển đến nhà thiêu (crématorium),mỗi ngày sáng,chiều đều tụng kinh A DI ĐÀ,và 108 lần thần chú Tỳ Lô Giá Na,oai thần lực của niệm Phật,tụng Kinh,trì Chú thật Không Thể Nghĩ Bàn,sắc diện ni cô vẫn tốt,không có mùi hôi mặc dù đã viên tịch 6 ngày rồi!

Thứ bẩy,22-05-2010 sau khi thiêu xong,tìm trong tro xương thấy có một vật dài bằng lóng tay út (2 cm) màu xanh như ngọc cẩm thạch rất bóng và đẹp (dĩ nhiên là khi thiêu không có để vào).(khoảng 1 tháng sau,xá lợi lại biến thành màu xám)

Trong tạp chí này có bài Những Vấn Đề Cần Biết Khi Lâm Chung (Thích Tâm An) quý vị nên đọc kỹ và làm theo thì mọi việc được tốt lành như:thỉnh Tăng,Ni,Phật tử trợ niệm,không nên than khóc,phải thay phiên niệm Phật liên tục ít nhất là 8 giờ đồng hồ, sau đó mới thay đồ,lau rửa thi thể,thỉnh mền quang minh(tấm đà ra ni,có các thần Chú) tụng kinh cầu siêu suốt 49 ngày ở Chùa,cúng cơm vong linh bằng các món chay tịnh.

Nhớ thường trì tụng và thực hành theo lời Phật dạy trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện,đây là câu chuyện trợ niệm ở tại PARIS 17/05/10,đăng lên để chia sẻ cùng Phật tử khắp nơi.

Tỳ kheo Thích Minh Đăng

Con Cháu Trợ Niệm Cụ Hạnh Thảo Vãng Sanh Phật A Di Đà Phóng Quang Tiếp Dẫn

Con Cháu Trợ Niệm Cụ Hạnh Thảo Vãng Sanh Phật A Di Đà Phóng Quang Tiếp DẫnĐây là một trong các chuyện mà chúng tôi thích nhất, dù rằng người chết không phải là một Cao Tăng, không lưu lại Xá lợi quý báu. Bởi sao?

Vì cụ vừa mới quy y và niệm Phật trong một thời gian. Chuyện này khiến chúng tôi thích, vì động cơ được vãng sanh là con cháu trợ niệm mà thành tựu.

Có nghĩa là từ đây về sau, bất cứ ai thực hành giống như con cháu của cụ Hạnh Thảo, thì những vị ấy đều được vãng sanh. Chữ: “thực hành giống” mà chúng tôi nói là phải thực sự chí tâm, chí thành; phải tích cực trợ niệm không ngừng; phải tha thiết không lùi bước trước một trở lực nào, phải chịu đựng kiên gang không mệt mỏi.

Quay lại khúc phim

Cách đây gần 1 năm, một liên hữu gọi điện cho chúng tôi, nói:

– Bác Tịnh Hải, con là Ái Thu đây, nhờ đọc các sách của Bác, con và mẹ con áp dụng trợ niệm cho bà ngoại con. Bây giờ bà ngoại con đã được vãng sanh.

-Vậy hả? Mừng cho con. Nhưng làm cách nào con biết bà ngoại con đã được vãng sanh?

-Dạ có những hiện tượng đúng như sách nói.

Chúng tôi hỏi tiếp:

-Con đọc sách nào? Bài nào?

– Con đọc sách Những chuyện Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi, bài nói về trường hợp vãng sanh của Ký giả Trọng Viễn và sách Niệm Phật Cách Nào Vãng Sanh, bài của cô Diệu Liên ở Canada viết.

Bên kia đầu dây liên hữu Ái Thu nói:

-Con sẽ ghi hết tất cả sự việc cho bác, nếu bác thấy được thì bác đăng vào sách, để giúp cho bà con chúng ta.

Chúng tôi bảo:

– Điều nầy rất cần lắm. Nhưng con hãy kể cho bác nghe trước. Vì muốn cho mọi người tin, chúng ta cần có dữ liệu chính xác, đầy đủ bằng chứng. Vậy cháu hãy kể tỉ mỉ cho bác nghe.

Nghe xong chúng tôi liền bảo Ái Thu:

– Điều con nói bác tin được, nhưng con phải làm cho bác hai việc. Một, cậu con phải viết cho bác một cái thư để thấy rõ điều con nói hoàn toàn đúng. Hai,vị Sư Thầy của con ở Việt Nam cũng xác nhận sự việc xảy ra đúng như con nói. Ngoài ra, con gửi cho bác mọi hình ảnh cần thiết. Cháu Ái Thu thuận theo đòi hỏi của chúng tôi.Và hơn nữa năm sau, chúng tôi nhận đủ tài liệu.

Chẳng phải chúng tôi chẳng tin lời nói của cháu Ái Thu, chúng tôi tin tưởng mọi liên hữu cung cấp tài liệu cho chúng tôi. Quan điểm của chúng tôi, theo lời Phật dạy: “Tất cả các pháp đều do tâm tưởng”. Khi tâm ta tưởng điều gì, đó là Nghiệp. Nếu trước một vấn đề liên quan Phật pháp, người cung cấp cho chúng tôi đều bịa ra, giả dối,thì chính người đó đã tự tạo nghiệp địa ngục rồi.Chúng tôi không có tâm lừa gạt ai, chúng tôi đăng lại, chúng tôi chẳng có điều gì đáng trách bởi thành ý và thiện tâm của chúng tôi.

Cũng như khi chúng tôi viết sách, chúng tôi không hề có cái tâm đả phá ai hết hay tự khen mình. Nếu chúng tôi có ác tâm đả phá người khác, đó là chúng tôi đã tự tạo nghiệp.Vì khi chúng tôi khởi niệm là tạo nghiệp rồi. Nhiều người cứ tưởng mình cứ giải thích Phật pháp theo ý mình, thì mình vô tội. Nhưng không ngờ rằng mình vừa khởi lên ý nghĩ là đã phạm tội phỉ báng Phật pháp.

Trở lại chuyện kể của cháu Ái Thu.Chúng tôi biết cháu không có cái tâm khoe khoang, cháu muốn đem chuyện vãng sanh của bà ngoại cháu, khuyến tấn người khác thực hiện như mẹ cháu và cháu.

Tuy nhiên, với sự cẩn thận do thói quen, chúng tôi muốn cháu Ái Thu chân thành cúng dường cho tất cả các liên hữu về trường hợp vãng sanh của bà ngoại cháu. Bởi khi mọi người tin cháu, thực hành đúng như mẹ con cháu thì từ đây thế gian sẽ có vô số vị được thoát khỏi lục đạo luân hồi và vãng sanh Cực Lạc.

Tại sao chúng tôi khuyến khích
Trợ niệm lúc lâm chung?

Trước khi đi sâu vào chuyện kể của cháu Ái Thu, chúng tôi muốn nói với chư vị, tại sao từ hơn hai năm qua chúng tôi không ngừng kêu gọi sự trợ niệm lúc lâm chung. Chúng tôi là người tuyệt đối trung thành vào Kinh Phật và lời Phật dạy.

Người ta đọc Kinh, đọc phớt qua rồi thôi, còn chúng tôi đọc Kinh Phật, với cái tâm mổ xẻ từng câu, từng đoạn để tìm chứng nghiệm. Nếu điều Phật nói, đem ra thực hành có kết quả, thì theo, tán tụng và khuyến khích mọi người nên áp dụng.

Chúng ta đều hiểu, trong thời này con người làm các nhiều hơn thiện. Muốn thoát khỏi tam giới, không còn phải bị luân hồi lưu chuyển trong 6 đường, khó ai có thể làm nổi. Khi nghiên cứu Phật pháp, chúng tôi đọc nhiều Kinh sách Phật, một hôm đọc Kinh Quán Vô Lượng Thọ, chúng tôi thấy có câu:

“Hoặc có chúng sanh gây nghiệp bất thiện: Năm tội đại nghịch, mười điều ác độc. Kẻ ngu như thế, do nghiệp nên đáng đọa vào đường dữ, trải qua nhiều kiếp, chịu khổ vô cùng. Kẻ ngu si này lúc sắp lâm chung, may mắn được gặp bậc tri thức an ủi đủ điều, nói những phép mầu và dạy tưởng Phật, người nọ quằn quại tưởng niệm không nổi. Tri thức lại bảo : nếu người không thể tưởng niệm Phật kia, thì nên xưng danh Phật Vô Lượng Thọ. Người nọ hết lòng niệm chẳng dứt tiếng để đủ mười niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”.

Lời Kinh quá rõ ràng, cho nên bất cứ ai thực hành đúng, thân nhân họ sẽ được lợi lạc. Không cần phải hiểu nhiều về Phật pháp.Và tiếp theo là lá thư của sư Giác Dõng mà chúng tôi yêu cầu cháu Ái Thu phải gởi cho chúng tôi.

THƯ CỦA TỲ KHEO THÍCH GIÁC DÕNG

“Trước hết tôi tự giới thiệu tôi là Tỳ Khưu Thích Giác Dõng, hiện trụ trì Tịnh Xá Phước An, thôn Vĩnh Phú, xã Cát Thắng, huyện Phú Cát, tỉnh Bình Định, Việt Nam.

Chú Tịnh Hải kính! Hôm trước cháu Thu có điện thoại về cho tôi biết là cháu Thu đã gặp chú ,để trao đổi và trình bày về câu chuyện cụ bà Huỳnh Thị Ngọc Sương, pháp danh Hạnh Thảo, trước và sau khi bà ra đi có những điều lạ khác thường, đó là nhờ công đức niệm Phật, nên chiêu cảm đến lòng từ bi, diệu hạnh, thần lực của Đức Phật A Di Đà. Những tướng trạng ấy tin rằng, quyết định bà cụ đã được vãng sanh Cực Lạc.

Hơn nữa, cháu Thu cũng cho biết, ý kiến của chú là cụ bà đã được vãng sanh, là nhờ nhiều duyên hiệp lại, trong đó đã có nhân duyên nên liên quan đến tôi.

Khi bà cụ hấp hối sắp ra đi, thì cháu Thu điện thoại về nhờ chư Tăng ở đây, hiệp tâm cầu nguyện cho bà .

Lúc ấy, các con, các cháu của tôi đứng chung quanh đồng thanh niệm Phật, và chư Tăng ở đây, lúc ấy cùng đồng tâm niệm Phật cho bà. Khi bà ra đi được Đức Phật A Di Đà hiện đến phòng hào quang sáng chói, màu vàng rực rỡ đến tiếp dẫn. Lúc ấy người ở trong phòng, ai ai cũng đếu thấy ánh hào quang sáng rực cả phòng. Bà cụ đã ra đi, sau đó là có những điều kỳ diệu nữa là mặt của bà, đối tượng giống như đàn ông, má lại hồng hào, khí sắc tươi nhận, rồi lại hai trái tai từ từ dài thêm ra. Lại có một điều đặc biệt nữa là, nóng trên đỉnh đầu, suốt 35 tiếng đồng hồ mà trên đỉnh đầu vẫn còn nóng .

Bà cụ Huỳnh Thị Ngọc Sương, khi ra đi và sau đó có những hiện tượng phi phàm, điều này phải ghi đậm để tán dương công đức của pháp môn niệm Phật. Vì bà cụ đã được vãng sanh, đã để lại những chứng tích, để lấy đó làm phương châm, để đi sâu vào niềm tin của công đức niệm Phật.

Chú Tịnh Hải kính, sau đó tôi góp ý với cháu Thu và gia đình nên tìm cách gặp chú Tịnh Hải để trao đổi và trình bày qua câu chuyện của bà cụ đã được vãng sanh cho chú Tịnh Hải nghe, để chú Tịnh Hải kết tập lại câu chuyện này cho lưu hành, phổ biến cho mọi người được biết.

Ở đây tôi nhận được cuốn niệm phật Vãng Sanh Xá Lợi của chú kết tập và Kinh Niệm Phật Ba La Mật sưu giải của chú. Khi tôi nhận được mấy cuốn này, tôi vô cùng hoan hỷ công đức của chú.

Tuy chú hiện tại là người Cư sĩ, còn nói về việc làm của chú đã góp vào một phần công đức rất lớn của hạnh hộ trì và hoằng dương chánh pháp. Việc làm của chú, chính đó là nhân hạnh Bồ Tát tương lai, lời nói của tôi như trên, không phải nói ra để cho được bụng của chú, mà nói đó đúng theo lời Phật dạy.”

Nhờ xưng danh Phật Pháp nên trong mỗi niệm trừ tội sanh tử tám mươi ức kiếp, khi vừa tắt hơi thấy hoa sen vàng như vừng mặt trời ở trước người ấy, trong phút chốc liền vãng sanh Thế Giới Cực Lạc.

Đây là phẩm thấp nhất gọi là Hạ Phẩm Hạ Sanh. Chúng tôi tin tưởng kinh Phật nói sẽ không bao giờ sai. Và chúng tôi áp dụng cho em trai chúng tôi khi đang hấp hối. Mặc dù em của tôi không phải là kẻ không tin Phật và làm ác. Nhưng chúng tôi lấy tiêu chuẩn thấp nhất để áp dụng và mong độ thoát cho em chúng tôi về Cực Lạc. Kết quả khiến chúng tôi lạc quan và tin tưởng mãnh liệt. Và trước mắt chúng tôi thấy rõ, ngoài việc chỉ rõ cho mọi người niệm Phật đúng cách,còn có cách thứ hai là tiếp trợ cho người lâm chung. Chỉ có hai cách này, mới thực sự độ được chúng sanh ở thời mạt pháp này.

Một năm sau, chúng tôi may mắn được nghe băng giảng của Hòa Thượng Tịnh Không. Cũng nghe thấy Ngài nói, Ngài tin theo Pháp môn Niệm Phật khi biết rằng một người chết sắp đọa địa ngục, Phật A Di Đà cũng khiến cho người ấy được thoát luân hồi.Hòa Thượng Tịnh Không đang gây phong trào tu niệm Phật khắp thế giới.

Tất cả người Việt Nam chúng tôi, xuất gia lẫn tại gia, đều thật sự thương chúng sanh đều nên tiếp tay phát động cao trào Niệm Phật, trừ những ai cố chấp với lòng dạ ích kỷ nhỏ nhen, những người này không xứng đáng là con của Phật.

Tại sao?

Theo lời Kinh vừa nói, nếu chúng sanh niệm Phật, mỗi một niềm trừ được 80 ức kiếp sanh tự trọng tội,tại sao lại ngăn cản? Đáng lý nên khuyên bảo, khuyến khích mọi chúng sanh đều nên niệm Phật, để khi họ chết khỏi luân hồi đau khổ mới là thương chúng sanh thật sự.

Như trường hợp cháu Ái Thu,cháu can đảm đem chuyện trợ niệm của mẹ con cháu nói ra để mọi người đều theo đó học lấy kinh nghiệm, hầu giúp đỡ thân nhân họ thoát khỏi luân hồi. Đó mới thật sự thương chúng sanh.

Vắn tắt kể mọi sự tình

Bà ngoại của Ái Thu tên là Nguyễn Thị Ngọc Sương, pháp danh hạnh Thảo,thọ 88 tuổi, mất ngày 13/10/2002.Cụ mới quy y Tam bảo cách nay 2 năm, sau khi một người con trai qua đời.

Má của Ái thu biết Phật pháp và tin vào pháp môn niệm Phật nên sau khi cụ Hạnh Thảo quy y thì được bà hướng dẫn niệm Phật. Gia đình Ái Thu thỉnh băng Hoa Nở Thấy Phật và Phật Thất của chùa Hoằng Pháp cho bà cụ xem. Xem xong cụ hạnh Thảo thích lắm và nói: “Tao chết cũng giống như bà cụ này vậy, tao không để bị hành xác đâu.”

Cụ Hạnh Thảo có xâu chuỗi và từ đó lần chuỗi niệm Phật ngày đêm. Đêm nào bị mất ngũ thì cụ niệm Phật nhiều hơn.

Một hôm cụ bị té bất tỉnh, gia đình phải đưa vào nhà thương,một mặt báo cho các con của cụ cùng biết.Trong thư Ái Thu viết: “Trong lúc ở nhà thương, má con lúc nào cũng nói kề bên tai ngoại,nhắc ngoại con nhớ Phật, nghĩ đến Phật và niệm Phật, Phật sẽ đến đón rước má về Tây Phương Cực Lạc”.

Chúng tôi hỏi:

-Gia đình có rước Thầy đến trợ niệm không?

– Dạ có, Chùa có phái một Thầy đến, nhưng viện lý do vào chủ nhật có lễ nên không ở lại, chỉ chỉ dẫn cho gia đình cách trợ niệm. vì vậy con phải điện thoại về Phù Cát – Việt Nam, cho Đại Đức Giác Dõng để xin hướng dẫn. Ngoại con tuy hôn mê, nhưng thần thức ngoại con vẫn còn nghe thấy. Nên con và má kiên trì trợ niệm cho ngoại. Lúc đó có cậu hai, dì và em con hiện diện, nhưng những người này không tin. Vào 4 giờ ngày 13-10, nhà thương quyết định rút ống dẫn khí. Má con kề sát tai ngoại nói: Má ráo riết niệm Phật không ngừng nghe má, y tá sẽ rút ống.

Má con vừa nói dứt lời, y tá rút máy, thì con thấy ánh sáng từ bên trên rọi xuống gương mặt của ngoại và bóng đèn neon bỗng rực sáng cả gian phòng. Lúc đó, ngoại con thở hắt ra đi một cách êm thắm. Con và má con tiếp tục niệm Phật. Rồi má con thấy hiện tượng lạ là: ngoại con thay đổi gương mặt biến dạng là gương mặt của người đàn ông. Còn con thì thấy bàn tay của ngoại con rất đẹp, da tay căng thẳng không nhăn nheo như lúc sống. Trái tay ngoại lớn thêm, vì lúc còn sống tướng ngoại rất tốt. Lúc đó cậu hai buộc miệng nói với má con: “Em và cháu niệm Phật quá thành tâm nên má mới được như vậy”.

Do lời nói này của Ái Thu, chúng tôi mới bảo:

– Cháu hãy nói cậu cháu và Đại Đức Giác Dõng viết cho bác mấy chữ, kể hết sự tình thì bác mới đăng được.

Đây là lá thư của cậu hai

Tôi tên Kh.T. ngụ tại thành phố Monterey Park, quận Los, miền Nam Cali, có vài lời trình bày sau đây.

Ngày 9 tháng 10 năm 2002, nghe tin má tôi tục danh Nguyễn Thị Ngọc Sương, pháp danh Hạnh Thảo bị bạo bệnh, té bất tỉnh, được đưa vào cấp cứu tại nhà thương “West Houston Medical Clinic”, tôi liền bay gấp qua Houston thăm má.

Tới nơi đến bện viện, gặp Má tôi nằm trên giường bệnh, vẫn hôn mê bất tỉnh. Liên tiếp mấy ngày sau, tôi đã tuần tự gặp mặt 4 vị bác sĩ chuyên môn về não, tim, phổi, ruột đang tận tâm cứu trị Má tôi, họ đều cho biết rằng Má tôi 88 tuổi đã cao niên, nên khi bị cơn xuyễn và đau tim (Asthma & Heart attack) cùng tấn công một lựot tại nhà, cấp cứu không kịp thời, dưỡng khí bị thiếu quá lậu, làm tổn hại qua mức những tế bào não bộ, nên không còn cứu tỉnh lại được.

Tôi liền triệu họp gia đình với các em tôi và đông đủ gia đình các cháu tôi ở Houston, để chuẩn bị tinh thần tất cả các con cháu hầu giúp tiễn đưa một cách trang nghiêm an lành, linh hồn má tôi lên miền Cực Lạc.

Trích 23 Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh của cư sĩ Tịnh Hải

Chuyện Vãng Sanh Của Thân Phụ Sư Cô Huệ Tâm Ở Biên Hòa

Chuyện Vãng Sanh Của Thân Phụ Sư Cô Huệ Tâm Ở Biên HòaTôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc ông rất bận rộn cả ngày, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.

Có nhiều lúc bán hàng đến 12 giờ khuya mới ăn cơm trưa. Dầu mỏi mệt, mắt nhướng không nổi, ông cụ vẫn không bỏ thời khóa niệm Phật. Ngày ấy tôi vừa mười hai tuổi đầu, không hiểu việc làm của cha.

Ông là người Tàu lai mang họ Từ – Từ Văn Lên, pháp danh Thiện Phước, sanh năm 1916. Năm 1959, lúc tôi 9 tuổi, ông quy y với Thầy Yết Ma Thiện Niệm – là một Ni sư người Pháp lai giả trai đi tu. Cha tôi chỉ nghe Thầy Yết Ma và Ni Trưởng Huỳnh Liên, Ni sư Thanh Liên, Kim Liên, Tạng Liên dạy niệm A Di Đà Phật được vãng sanh về cõi Phật.

Đằng đẳng hơn 60 năm, không một buổi tối nào ông bỏ thời khóa niệm Phật. Ông lên gác thắp nhang bàn Phật rồi xuống dưới đất ngồi trên bộ ván niệm Phật. Chư Phật đã chứng minh cho ông. Trước khi nhắm mắt, ông biết trước ngày vãng sanh.

Sáng ngày 9/2/1992, tôi về thăm nhà, ông nhìn tôi mà nói:

– Con có tiền lo cho ba không?

Tôi liền nhìn ông vì lúc này ông không bị bệnh hoạn gì mà lại hỏi như vậy. Tôi trả lời rằng:

– Con đi tu, dạy học ở trường hạ đâu có tiền.

Đến chiều ngày mùng 10/2/1992, ông bị té và được đưa vào bệnh viện vào lúc 7 giờ sáng ngày 11/2/1992.

– Ông hỏi: Nay ngày mấy?

– Đứa cháu nội nói: Dạ ngày 11.

– Ông nói: ngày 14 nhớ mua khoai lang nấu để cúng nhe. Ba sẽ được vãng sanh, nấu để cúng chư Phật đến rước Ba. Ông lập đi lập lại ba lần.

Đúng 4 giờ 30 sáng ngày 14/2/1992, người an nhiên ra đi trong tiếng trợ niệm của con cháu.

Lạ thay, lúc ở bệnh viện, mặt ông tái xanh nhưng khi về nhà, khuôn mặt ông sáng lạ thường, môi như mỉm cười, da thịt đầy đặn, sắc mặt sáng rực ánh hồng. Toàn thân lạnh ngắt nhưng riêng đỉnh đầu của ông vẫn nóng ấm.

Chuyện này có nhiều chư Tôn đức chứng minh nhưng vì thời gian cũng lâu nên bây giờ nhiều vị đã mất, nhiều vị đã đi nơi khác nên khó mà tìm được để chứng minh người thật việc thật. Nhưng những điều tôi trình bày đây là chân thật, không hư cấu hay giả dối vì Phật pháp bất khả tư nghì. Ông hưởng thọ 77 tuổi, vãng sanh ngày 14/2/1992. Một năm sau, 24/2/1993, mẹ tôi cũng vãng sanh và cũng thọ 77 tuổi.

Tuy tôi học nhiều, được bằng Cử nhân Phật học, Cử nhân Văn chương, Cao học Xã hội, Giảng viên Phật học và nhiều chức vụ khác nhưng tôi không công phu niệm Phật thì chắc chắn lúc lâm chung sẽ không được hưởng lợi lạc như cha mẹ tôi. Mặc dầu ba mẹ tôi không am hiểu nhiều về giáo lý nhưng ông bà niệm Phật gấp bội lần nên vãng sanh thật an nhiên và biết trước ngày vãng sanh. Tôi chỉ mong ước được bấy nhiêu đó thôi.

Cha tôi được an táng nên không có trà tỳ nên không biết có Xá lợi không. Nhưng theo tôi, có hay không Xá lợi thì cũng không quan trọng, quan trọng là có vãng sanh được hay không mà thôi.

Kính bút

Tỳ Kheo Ni Thích nữ Huệ Tâm
Trích: 23 Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh của cư sĩ Tịnh Hải, NXB Tôn Giáo