Cuộc Đời Vị Bồ Tát Đã Thành Tựu Hạnh Nhẫn Nhục Ba La Mật Trước Khi Vãng Sanh Lưu Lại Thân Kim Cang Bất HoạiPháp sư Hải Khánh, họ Lý , húy Phú Quý . Tổ tiên ngụ tại huyện Tất Dương của Đông Nam tỉnh Hà Nam. Sinh vào năm Tuyên thống cuối triều Thanh (năm 1909). Vì sinh ra trong gia đình nghèo khó, chưa từng được đi học, nhưng thiên tánh nhân hậu, sống hiền hiếu biết lễ nghĩa. 11 tuổi pháp sư Truyền Đông thế độ xuất gia ở chùa Thanh Lương núi La Hán Nam Dương. 42 tuổi vào thường trụ ở chùa Lai Phật, chuyên tu Tịnh độ, lão thật niệm Phật. Năm 1989 thọ cụ túc giới tại chùa Bạch Mã. Ngày 11 tháng Chạp năm 1991 âm lịch, tự tại sanh Tây. Hưởng thọ 82 tuổi, tăng lạp 71 năm.

Y theo quy tắc của nhà Phật, sau khi vãng sanh để Ngài vào chum lớn. Đa số là sau ba năm mở chum, nếu như thân thể không hoại thì lưu toàn thân, thân thể hoại rồi thì sau khi hỏa táng an táng lần nữa. Sau 6 năm 9 tháng Pháp sư Hải Khánh ngồi trong chum, sư huynh của Ngài lão Hòa thượng Hải Hiền phát tâm mở chum. Không ngờ mở chum thọ ra, diện mạo Hòa thượng Hải Khánh như lúc còn sống, ngay cả y phục trên thân cũng không hư hoại chút nào. Mọi người vô cùng kinh ngạc tán thán không ngớt, thế là đem nhục thân của Ngài vào thờ trong chùa Lai Phật. Năm 2005, có cư sĩ phát tâm cúng dường thiếp vàng nhục thân của Ngài.

Vóc dáng của Pháp sư Hải Khánh thấp bé, vô cùng hiền từ. Các vị cư sĩ đều nói:

“Nếu như luận về cần kiệm, Khánh Công cũng không thua kém gì lão Hòa thượng Hải Hiền.” Lúc đó điều kiện của tự viện không tốt, thanh khổ cùng cực. Mùa đông Pháp sư Hải Khánh toàn thân bông vải (áo bông này hiện được cất trong Kim Cang quán chùa Lai Phật), mùa hè ăn mặc đơn sơ, nhưng cả ngày Ngài đều vui tươi hớn hở, thường nở nụ cười. Ngài không thích nói chuyện, một vị cư sĩ hồi tưởng lại nói: “Tính tình Khánh Công rất tốt, chưa bao giờ làm người khác sanh phiền não. Bởi vì Ngài có chút nói lắp, nói gì cũng nói không lưu loát, cho nên cũng không thích nói chuyện phiếm. Nhưng mà có một điểm, khi Ngài niệm ‘A Di Đà Phật’ không bị lắp, vì vậy nên tôi chỉ nhớ rằng Ngài thích niệm Phật.”

Pháp sư Hải Khánh nói lắp nghiêm trọng, nhưng mà câu “A Di Đà Phật” này Ngài niệm rất rõ ràng, khi Ngài niệm Phật tiếng như chuông lớn, từng chữ tròn rõ, Ngài cũng chỉ biết một câu “A Di Đà Phật” này.

Trước thời kỳ “Văn Cách”, Pháp sư Hải Khánh bị điều đến Trương thôn trang bên cạnh chùa Lai Phật tham gia lao động. Ban ngày không thể niệm Phật, thì Ngài niệm Phật trong đêm sau khi mọi người đều ngủ. Một vị cư sĩ hồi tưởng lại nói: Lúc đó ông còn rất nhỏ, thích chơi cùng với Pháp sư Hải Khánh, buổi tối cũng phải đẩy giường sát nhau ngủ chung. Có lần nửa đêm, ông mơ mơ hồ hồ thức dậy đi vệ sinh, nhìn thấy Pháp sư Hải Khánh đang ngồi xếp bằng trên giường, giật cả mình, mau chóng đi tới đánh Pháp sư Hải Khánh, hỏi Ngài đang làm gì. Khánh Công nói ban ngày không cho niệm Phật, tôi nhân lúc ban đêm niệm Phật một chút.

Cả đời Pháp sư Hải Khánh trì giới niệm Phật. Bình thường Ngài đều chuyên niệm “A Di Đà Phật”, nhưng mà nếu như có người chào hỏi Ngài, Ngài trả lời người khác lại là “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát”, mấy chục năm vẫn luôn như vậy.

Pháp sư Hải Khánh vô cùng hiền hậu, bá tánh ở Phương Viên đều rất tôn kính Ngài, nhưng mà không hiểu vì sao trong tự viện lại có người bắt nạt sỉ nhục Ngài.

Pháp sư Hải Khánh không biết chữ, ngoại trừ một câu Phật hiệu, cái gì cũng không biết, khi người khác vào chánh điện, Ngài chỉ đứng ngoài chánh điện niệm Phật, trong tự viện không có ai coi trọng Ngài. Những công việc dơ nhất nặng nhọc nhất trong tự viện đều là do Ngài làm, bởi vì tự viện còn có vài mẫu đất cằn, vì vậy mọi người thường thấy Pháp sư Hải Khánh vác theo cái sọt, vai vác cái xẽng đi khắp nơi dọn phân.

Có lần, một vị cư sĩ đến chùa Lai Phật, lúc đó tự viện vẫn còn trâu cày, có người chỉ vào Pháp sư Hải Khánh ở đằng xa nói với bà: “Chính là người đang đứng dựa vào chân tường, Hòa thượng hướng mặt về phía đông, người khác đều xem thường ông ấy. Ông ấy chỉ biết dọn phân, thường trở về tự viện không kịp giờ cơm. Có cơm thì ăn một ít, hết cơm thì không ăn.”

Pháp sư Hải Khánh thường đem theo dụng cụ ra ngoài dọn phân, nhặt củi, nhặt đá vụn rải đường. Khi trở về có cơm nguội rồi thì ăn một ít, hết cơm thì đói một bữa, Ngài không bao giờ oán than, cũng không nổi giận.

Những thực phẩm như trái cây, bánh khô, đường viên dâng cúng ở tự viện, vì thời gian cúng lâu, có số thực phẩm biến hư hỏng nổi mốc. Người khác lựa hết những đồ ngon, còn lại những gì hư hỏng cho hết Pháp sư Hải Khánh, Ngài cũng không có chút gì giận dữ. Có người nói: “Những thức ăn này không thể ăn thì cho trâu ăn đi!” Pháp sư Hải Khánh nói: “Trâu già kéo cày kéo bừa, ăn cỏ khô, cũng đủ cực khổ rồi, không thể để nó ăn những thức ăn này, tôi không thể thọ dụng là tôi có tội nghiệp, không thể tiếp tục đi hãm hại trâu.” Thế là Ngài đem những thức ăn đó đều chôn xuống bên cạnh rễ cây hoặc rải trong đồng ruộng. Một vị cư sĩ nói: “Lão Hòa thượng sống rất cần kiệm!” Pháp sư Hải Khánh nói: “Phật Tổ đang nhìn đó, ngẩng đầu ba thước có thần linh, vạn vật đều có Phật tánh, nên thọ dụng thế nào thì thọ dụng thế ấy.”

Mùa đông năm 1987 pháp sư Hải Khánh gặp trận bệnh nặng, có vị thầy vân du tứ phương đến qua đêm ở tự viện tự xưng biết đoán mệnh, nói đã tính được dương thị của pháp sư Hải Khánh đã tận, thầy ấy nói với người làm cơm ở trai đường, tốt nhất đừng cho pháp sư Hải Khánh ăn cơm nữa, cũng đừng uống thuốc, tắm rửa sạch sẽ đợi chết. Bốn ngày sau, cư sĩ hộ pháp Vương Xuân Sanh đến tự viện, nhìn thấy pháp sư Hải Khánh đang nằm trên giường hơi thở yếu ớt, hỏi Ngài có ăn cơm hay không, Ngài nói: “Ăn.” Cư sĩ Vương lập tức tìm lão Hòa thượng Hải Hiền, hai người một người nhóm lửa, một người cán bột làm mì, làm một nồi mì nước. Lão Hòa thượng Hải Hiền ngồi trên giường của Pháp sư Hải Khánh, dùng cái vai của mình đỡ Ngài, cư sĩ Vương từ tốn đúc Ngài từng muỗng từng muỗng một.

Pháp sư Hải Khánh ăn một lần hết bốn tô, dần dần tỉnh lại. Cư sĩ Vương hỏi Ngài: “Uống nữa không?” Pháp sư Hải Khánh nói: “Nếu trong nồi còn, uống thêm chút cũng được.”

Hòa thượng Hải Hiền và cư sĩ Vương đều thấy đau lòng mà nghẹn ngào khóc. Hai người lo lắng Pháp sư Hải Khánh cố uống, nên không cho Ngài tiếp tục uống nữa. Cư sĩ Vương muốn đi tìm vị thầy đoán mệnh ấy nói ra lẽ, nhưng bị Pháp sư Hải Khánh ngăn cản, Ngài nói: “Đây đều là nghiệp chướng của tôi, không thể trách người khác.”

Trong tự viện có vị Hòa thượng xuất thân làm lính, bình thường thích la mắng người khác, Ngài thấy Pháp sư Hải Khánh không vừa mắt, thường xuyên nói kháy Ngài. Các vị cư sĩ có lúc không bỏ qua được, liền đi nói lý lẽ với vị Hòa thượng đó, nhưng Pháp sư Hải Khánh chỉ cười khẽ, nhẹ nhàng với với vị Hòa thượng mắng Ngài: “Thầy tiêu nghiệp chướng cho tôi, tôi lên Cực Lạc quốc.”

Nhìn vào nhẫn nhục ba la mật của Pháp sư Hải Khánh: Người khác bắt nạt Ngài, hủy báng Ngài, trêu chọc Ngài, Ngài cảm ơn người khác giúp Ngài tiêu nghiệp chướng. Nghiệp chướng của Ngài thật sự tiêu trừ, vì vậy mới đi tự tại như vậy, để lại nhục thân xá lợi, không những thân thể không bị thối rửa, cả y phục cũng không hư hỏng.

Có đứa trẻ 16 tuổi họ Đào dắt theo đứa trẻ khác đến tự viện chơi, nó thấy pháp sư Hải Khánh lão thật, liền dùng lời nói ô tục chửi mắng Ngài, còn dùng cây gậy nhỏ đánh đầu của Ngài. Pháp sư Hải Khánh nghiêng đầu, cười mà nói: “Con muốn kết duyên với thầy sao? Nói với ba mẹ, thầy nhận con làm đệ tử, dạy con niệm ‘A Di Đà Phật’. Đi học giỏi làm việc tốt, lớn lên rồi nhà con đời đời đều phú quý.”

Niên đại 80 của thế kỷ 20, chùa Lai Phật vẫn chưa sử dụng nước máy, Tăng chúng uống nước đều nhờ vào cái giếng nước cạn tự đào. Mỗi khi trời hạn trong giếng không có nước, chỉ có thể đến thôn gánh nước uống. Có lần khi pháp sư Hải Khánh đến thôn gánh nước, bị một con chó cắn đến thương tích đầy mình. Chủ nhân con chó biết được chạy lại, vung roi da trong tay để đánh con chó này. Pháp sư Hải Khánh ngăn cản ông lại nói: “Con chó này nhìn thấy thì cắn tôi, chứng tỏ kiếp trước khi tôi làm chó đã cắn qua nó. Bây giờ nó cắn lại tôi, cái nợ này đúng lúc kết thúc. Nếu như ông đánh nó, làm tâm nó oán hận, vậy thì cái oán này sẽ tiếp tục kết, thương tích tôi chịu cũng uổng rồi.” Ngài xin thôn dân một ít bội mì đắp lên vết thương, lại mượn kim chỉ khâu lại y phục một cách đơn giản, sau đó cũng không quên lấy mỗi thùng nước một nửa rồi gánh về tự viện.

Còn có một lần, khi pháp sư Hải Khánh nhặt phân bên cạnh con lừa bị con lừa đá ngã nhào, chủ nhân con lừa lật đật đến dìu Ngài dậy, hỏi Ngài bị thương như thế nào. Pháp sư Hải Khánh nói: “Tôi không sao cả, ông mau tới xem chân con lừa có bị thương không?”

Ngài đối với người, việc, vật thật sự làm được chân thành, bình đẳng, cung kính. Một hôm, pháp sư Hải Khánh đang gánh phân đi, một người thanh niên đạp xe đạp chạy về hướng Ngài, bởi vì tốc độ xe quá nhanh, pháp sư Hải Khánh không kịp tránh qua, thoáng chốc bị đụng té bên cạnh đường mương, phân văng ra đầy mình của Ngài. Người thanh niên này không những không xin lỗi, còn chửi pháp sư Hải Khánh bị té bên đường mương, nói cản đường đi của anh ta. Lúc này có người vác xẻng đi ngang đường, vừa thấy người thanh niên này ngang ngược vô lễ, tức muốn vung mạnh xẻng đánh anh ta. Pháp sư Hải Khánh nằm ở đường mương lập tức lên tiếng ngăn cản ông ta rằng: “Đừng đánh anh ta! Đừng đánh anh ta! Đừng trách anh ta, đều là lỗi của tôi!” Hòa thượng Hải Khánh chịu thiệt thòi, người khác bắt nạt Ngài, Ngài đều cam tâm tình nguyện mà tiếp nhận. Thiệt thòi là phước, người chịu thiệt thòi có phước. Từ những việc này có thể thấy thành tựu của Ngài là tu từ nhẫn nhục ba la mật. Kinh Kim Cang nói: “Nhất thiết pháp vô ngã, đắc thành vu nhẫn.” Bá tánh của tám thôn mười dặm đều biết Hòa thượng Hải Khánh trung hậu thành thật, tính tình hiền lành. Các thôn dân bất luận ai có chuyện, Ngài đều tận tâm tận lực giúp đến cùng.

Đầu tháng chạp năm 1973, thời tiết lạnh lẽo, Trương thôn trang có một con nghé mới vừa ra đời mười mấy ngày bị té xuống giếng sâu hơn mười mét. Đây là giếng nước duy nhất trong thôn có hơn 300 năm lịch sử, thành giếng toàn bộ dùng gạch xanh xây thành, miệng giếng có bốn miếng gạch bao quanh. Trên thành giếng có rất nhiều chỗ đã bị ăn mòn thành động, nghé con trong quá trình vùng vẫy đã có miếng gạch rớt xuống đáy giếng, cực kỳ nguy hiểm. Có người nói: “Vì một con nghé con, không cần phải mạo hiểm cứu đâu.” Nhưng nếu không đi cứu nghé con, nó bị kẹt trong giếng, mấy trăm người này uống nước là vấn đề khó khăn rồi. Một nhóm người đứng nhìn nhau, nhìn nghé con hơi thở yếu ớt, không vùng vẫy được nữa, nhưng không có ai chịu xuống giếng.

Lúc đó Hòa thượng Hải Khánh đang lao động ở thôn, hôm đó đúng lúc Ngài đi qua đường này, thấy tình cảnh như vậy không do dự nói để ba người thanh niên gan dạ kéo sợi dây thừng, đưa cái thang xuống, bản thân Ngài đi xuống dưới giếng. Hòa thượng Hải Khánh trong giếng rất khó khăn để cởi áo bông để quấn vào thân nghé con, lại dùng dây thừng buộc nó lại, để người khác từ từ kéo nghé con lên trên. Nghé con được cứu rồi, nhưng trong khi kéo Pháp sư Hải Khánh lên, một miếng gạch rớt xuống đập trúng đầu của Ngài, mặt Ngài liền nhuộm đầy máu tươi. Sau khi lên, vài người tới quanh Ngài để băng bó, Hòa thượng Hải Khánh không bằng lòng cười và nói: “Máu tôi chảy là Phật Tổ kêu tôi làm cái ký hiệu trên mặt.”

Bên cạnh có một vị phụ nữ trung niên họ Trịnh vốn không tin Phật, lúc đó không kiềm lòng được mà nói: “Người ăn chay niệm Phật thật tốt!” Sau này sau khi cô học Phật, vô cùng cung kính người già, thường làm việc tốt giúp đỡ mọi người.

Có vị cư sĩ nói: “Khánh Công chính là một người thực thực tại tại như vậy. Ngài không có văn hóa, không nói được đạo lý lớn, nhưng trong cuộc đời tu hành mấy chục năm, Ngài vẫn luôn dùng hành động thực tế để thuyết minh Phật pháp, hoằng dương Phật pháp.”

Rất nhiều vị cư sĩ lớn tuổi khi tưởng nhớ về Hòa thượng Hải Khánh, đều đồng thanh mà nói: “Thường xuyên nhìn thấy Hòa thượng Hải Khánh khiêng vác dụng cụ làm ruộng, chẻ củi nhặt phân, tu sửa cầu đường.”

Tháng 8 năm 1975, mấy ngày liên tục mưa tầm tả làm cho mực nước con sông nhỏ phía tây thôn Trương dâng trào, làm sập cây cầu đá đã hơn trăm tuổi. Lúc đó Hòa thượng Hải Khánh vẫn còn trong đội sản xuất và một số thôn dân cùng nhau đem theo dây thừng, sợi thép đến cứu nguy. Nhưng mà mấy chục người tận lực làm cả buổi sáng, cũng không tu sửa được cây cầu đá, bởi vì có một cục đá nặng ngàn cân bị trôi vào trong bùn lắng cách cây cầu hơn năm mét. Mọi người đều nói nếu như cục đá này không dời lại đây, cây cầu này sẽ vĩnh viễn bị hủy.

Trong lúc mọi người đang chán nản thất vọng, Hòa thượng Hải Khánh chậm rãi nói: “Sắp đến trưa rồi, để tôi thử xem! Sẽ không để người dân ở nơi này gặp khó khăn vì không có cầu để qua lại.” Hòa thượng Hải Khánh đụng chuyện không lúng túng, bình tĩnh ung dung, không sợ gian khó. Ngài im lặng quan sát tỉ mỉ cục đá bị rơi vào trong bùn lắng, nói thầm trong miệng một lát (thực ra mọi người biết Ngài đang niệm “A Di Đà Phật”, nhưng chính sách lúc đó không cho phép, không thể niệm Phật lên tiếng), sau đó dùng một sợi thép và hai cây gậy gỗ lớn, quả thật là cạy cục đá trong bùn lắng ra ngoài. Chỉ thấy cục đá đó lăn mấy vòng, tựa vào bên cạnh trụ cầu. Mọi người đều đặc biệt kinh ngạc! Có người hỏi Pháp sư Hải Khánh sao lại làm được như vậy, Ngài khiêm tốn cười và nói: “Đó toàn là A Di Đà Phật gia trì!”

Lúc đó đường cái vẫn còn là đường đất, mỗi khi trời mưa thì mặt đường bị ngập hư, vì vậy thường xuyên có thể nhìn thấy Hòa thượng Hải Khánh mang theo cái xẻng đi sửa đường. Ngài không thích nói chuyện phiếm, càng không khoe công lao của bản thân mình. Sau khi làm việc về trễ thì ăn chút cơm nguội, có lúc cả cơm nguội cũng không còn, thì ăn ít màn thầu nguội. Khi đó chính phủ nông thôn đều được Ngài làm cảm động, khi họp kêu gọi cán bộ đảng viên đều phải học tập sư phụ Hải Khánh của chùa Lai Phật.

Thời kỳ cuộc sống vô cùng gian khổ trong ba năm khó khăn, Hòa thượng Hải Khánh thường xuyên cứu nguy giúp nghèo. Ngài ở bên đường lớn bố thí cháo và nước cho người qua đường. Bản thân Ngài thiếu ăn ít uống, nhưng lại thường xuyên chịu đói đem thức ăn nước uống tặng cho người khác. Những việc làm này người lớn tuổi bản địa ai ai cũng biết.

Lúc đó Hòa thượng Hải Khánh ăn cơm là dùng cỏ tranh làm thành cái chén. Bản thân Ngài khai khẩn một miếng đất hoang, trồng một ít khoai lang và cây cao lương. Rất nhiều người còn nhớ Ngài thường xuyên tự mình hấp khoai lang hoặc là trộn rau dại món cháo cao lương, dùng chén cỏ tranh cho người qua đường ăn.

Khi mới trùng kiến lại chùa Lai Phật, chỉ có 3 phòng cỏ tranh nhỏ và một cái chảo nhỏ. Nấu cơm nhờ nhóm rễ cỏ tranh, cuộc sống rất khó duy trì. Nhưng Hòa thượng Hải Khánh vẫn một mực kiên trì nấu nước sôi, sau đó ngâm lá cây liễu vào thau sành cho người qua đường uống. Lão hộ pháp cư sĩ Đảng vào nhiều năm sau từng hỏi Hòa thượng Hải Khánh: “Những ngày tháng khổ như vậy làm sao Ngài chịu đựng được vậy?” Lão Hòa thượng Hải Khánh nói: “Toàn là nhờ A Di Đà Phật đó!”

Hậu đức thiện hành của Ngài đã vô hình ảnh hưởng sâu sắc tới bá tánh ở phương này. Mùng 1, 15 mỗi tháng mọi người đều đi lễ bái nhục thân của Hòa thượng Hải Khánh. Ai gặp phải vấn đề nan giải cũng sẽ đến cầu nhục thân vị Bồ Tát này.

Cũng như lão Hòa thượng Hải Hiền, lão Hòa thượng Hải Khánh cũng không rời Phật pháp mà hành thế pháp, không bỏ thế pháp mà chứng Phật pháp. Xem những ngôn hành khi Ngài trụ thế, đó gọi là chân tu hành. Tu hành không phải một ngày niệm bao nhiêu vạn tiếng Phật hiệu, niệm bao nhiêu bộ kinh. Không phải vậy! Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác của Ngài đều tương ưng với Bồ Tát.

Hòa thượng Hải Khánh cũng không có đi học, không biết chữ, chính là một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng, ngoại trừ một câu Phật hiệu thì không có gì hết. Ngài là tiêu chuẩn của “một môn thâm nhập, trường thời huân tu”. Sau khi Ngài vãng sanh lưu lại nhục thân bất hoại, toàn thân Xá Lợi, đây cũng là chứng minh cho chúng ta: Một câu Phật hiệu có thể làm đại sự, đại sự viên mãn, đại sự cứu cánh, không cần kinh điển, câu Phật hiệu này thì có thể làm xong hết!

Trích: Cuộc Đời Hòa Thượng Hải Hiền
Chuyển ngữ: Diệu Âm Diệu Hiệp