Tây Phương Cực Lạc Không Có Thật Vì Duy Tâm Tịnh Độ?

Tây Phương Cực Lạc Không Có Thật Vì Duy Tâm Tịnh Độ?Trong đời có những kẻ chuyên tu tham thiền, luôn nói rằng chỉ riêng tâm này là Tịnh độ, ngoài ra không còn Tịnh độ nào khác, tự tánh vốn là Di-đà, ngoài ra chẳng có Di-đà nào khác.

Nói như vậy đều là sai lầm. Vì sao vậy? Lời ấy rất cao siêu, chỉ e nói được mà chẳng dễ gì đạt tới. Cõi Tịnh độ bên phương tây, không còn tham, luyến, sân, si. Tâm chúng ta hiện nay, liệu có thể thật không tham, luyến, sân, si hay chăng? Cõi Tịnh độ bên phương tây, chuyện ăn mặc chỉ nghĩ đến là có, muốn tĩnh lặng thì tĩnh lặng, muốn đi thì đi. Chúng ta thì nghĩ đến chuyện mặc mà chẳng có áo, nên rét buốt làm cho khổ não; nghĩ đến chuyện ăn mà chẳng có cơm, nên đói khát làm cho khổ não; muốn tĩnh lặng mà chẳng được tĩnh lặng, nên sự xáo động làm cho khổ não; muốn đi mà chẳng đi được, nên những trói buộc làm cho khổ não. Như thế mà nói rằng chỉ riêng tâm này là Tịnh độ, thật chẳng dễ đạt tới.

Đức Phật A-di-đà, phước huệ gồm đủ, thần thông quảng đại, biến địa ngục làm hoa sen dễ như trở bàn tay, nhìn khắp các thế giới vô tận dường như trước mắt. Chúng ta nghiệp chướng nặng nề, tự thân còn lo phải đọa địa ngục, huống chi có thể biến ra hoa sen được sao? Chuyện xảy ra cách vách còn không thấy được, huống chi thấy khắp các thế giới vô tận hay sao? Như thế mà nói rằng tự tánh vốn là Di-đà, thật chẳng dễ đạt tới.

Người tu thiền đời nay, sao có thể quên Tịnh độ mà chẳng tu? Sao có thể bỏ Phật Di-đà mà chẳng muốn thấy? Kinh Đại A-di-đà dạy rằng: “Trong mười phương có vô số Bồ Tát vãng sanh về cõi Phật A-di-đà.” Các vị Bồ Tát còn muốn vãng sanh, chúng ta sao lại chẳng muốn? Liệu ta có thể hơn được các vị Bồ Tát hay sao? Theo như lời ấy thì cái lý “duy tâm Tịnh độ, tự tánh Di-đà” thật là rộng lớn nhưng không trọng yếu, cao siêu mà chẳng cần thiết. Những kẻ tu hành chưa chứng ngộ, lầm lạc rất nhiều.

Nay xin kể ra đôi chuyện để làm chứng cứ.

Thiền sư Thanh Thảo Đường tái sanh là Tăng Lỗ công, thiền sư Triết Lão tái sanh chịu nhiều lo âu, khổ não, Cổ Trưởng lão tái sanh sa vào phú quí, ni sư trì kinh Pháp Hoa lại sanh làm kỹ nữ nhà quan. Đó đều là những người chẳng tin Tây phương, nên phải trôi lăn trong luân hồi mà chịu khổ não. Nếu họ tu trì pháp môn Tịnh độ, chắc chắn đã được dự hàng Thượng phẩm thượng sanh! Chỉ tại chẳng tin, thành ra xấu tệ. Chi bằng đứng trên đất thật, trì tụng tu hành, ắt được thẳng sanh về Tịnh độ, thoát khỏi luân hồi. Như vậy, sánh với lời nói hư vọng chẳng thiệt kia, xa nhau như trời với đất!

Hoặc có kẻ hỏi rằng: “Tham thiền vẫn khó thấy tánh, còn học đạo tiên thì sao?”

Đáp rằng: “Chẳng tu Tịnh độ mà muốn học đạo tiên, đó là bỏ hòn ngọc đẹp trước mắt để đi tìm thứ đá giả ngọc mà chưa chắc có. Thật sai lầm lắm thay! Vì sao vậy? Kinh Lăng Nghiêm dạy rằng: Có mười hạng tiên, thảy đều sống được ngàn muôn tuổi. Nhưng khi tận số phải trở lại luân hồi, chưa từng hiểu được chân tánh, cho nên cũng đồng với sáu đường chúng sanh mà thành ra bảy đường, vẫn là trong vòng luân hồi vậy.

Người đời học đạo tiên, muôn người chẳng thành được một. Nhưng dù có thành, cũng chẳng thoát luân hồi. Vì lẽ bám chấp vào hình thần, nên chẳng bỏ được. Nhưng hình thần đó cũng là vọng tưởng do chân tánh hiện ra, chẳng phải chân thật. Cho nên thơ Hàn Sơn nói rằng:

Cho dù tu được thành tiên,
Khác nào như giữ xác chết.

Chẳng bằng người học Phật tự rõ lẽ sống chết, không gì trói buộc được.

Trong khoảng mấy trăm năm nay, người học đạo thành tiên duy chỉ có Chung Ly và Lữ công mà thôi. Nhưng người theo học Chung Ly và Lữ công, đâu phải chỉ có ngàn muôn người? Chỉ những người mà ta quen biết, số ấy cũng đã chẳng ít, nhưng rốt cuộc thảy đều chết mất, vùi thân dưới ba tấc đất! Đó là uổng phí tâm lực bình sanh, rốt lại chẳng ích gì cả. Há chẳng nghe chuyện Đồng Tân ném kiếm chém Hoàng Long, trở lại bị Hoàng Long hàng phục đó sao? Đến khi gặp được thiền sư Hoàng Long, Đồng Tân mới ngộ được chân tánh và hiểu đạo, đọc kệ rằng:

Bỏ bầu, bỏ túi, đập đàn bể,
Chẳng tham vàng bạc nhiều vô kể.
Từ gặp Hoàng Long được chỉ dạy,
Mới hay từ trước đã sai đường.

Lại chẳng nghe chuyện pháp sư Đàm Loan đời Hậu Ngụy hay sao? Trước nhận được mười quyển kinh tiên nơi Đào Ẩn Quân, tỏ ra hớn hở tự đắc, cho rằng có thể đạt tới địa vị thần tiên. Sau gặp ngài Bồ-đề Lưu-chi, thưa hỏi rằng: “Đạo Phật có thuật trường sanh chăng? Người tu có thể trừ bỏ sự già, chết được chăng?”

Ngài Bồ-đề Lưu-chi đáp rằng: “Sống hoài không chết là đạo Phật của ta.” Liền đưa cho bộ kinh Thập lục quán và nói rằng: “Ngươi nên tụng đọc kinh này, thì chẳng còn phải sanh trong ba cõi, chẳng còn đi vào sáu đường, những cuộc thăng trầm, họa phước, thành bại đều chẳng động tới mình, đời sống dài lâu không cùng. Cho nên, đó là thuật trường sanh của đạo ta vậy.”

Đàm Loan tin sâu lời dạy của thầy, bèn đốt kinh tiên mà chuyên tu kinh Thập lục quán, cả những khi thời tiết thay đổi hay thân có tật bệnh cũng không biếng trễ. Vua Ngụy cảm vì chí cao thượng của ông, lại khen ông tự mình tu hành và giáo hóa cho đời, lưu truyền rất rộng, nên ban hiệu là Thần Loan.

Ngày kia, pháp sư bảo đệ tử rằng: “Mọi cảnh khổ địa ngục phải biết sợ, chín phẩm vị tịnh nghiệp phải lo tu.” Rồi dạy đệ tử lớn tiếng niệm Phật A-di-đà. Ngài Thần Loan quay mặt về hướng tây, nhắm mắt, cúi đầu mà tịch. Lúc ấy, tăng chúng và cư sĩ đều nghe có tiếng nhạc vi diệu từ phương tây đến, giây lâu mới ngừng.

Theo đó mà xét thì pháp môn Tịnh độ rất là thẳng tắt. Như phép thần tiên, có được điều chi thì giấu kín mà chẳng truyền, bảo rằng tiết lậu thiên cơ có tội. Còn pháp môn nhà Phật thì chỉ e truyền ra chẳng được rộng, những muốn độ hết chúng sanh mới thôi. Đó là từ bi rộng lớn, chẳng dễ suy lường, chẳng phải đạo thần tiên có thể so sánh được.

Trích chương Long Thư Vương cư sĩ khuyên người tu pháp Tịnh độ thẳng tắt
Sách QUY NGUYÊN TRỰC CHỈ
Tác giả: ĐẠI SƯ TÔNG BỔN
NGUYỄN MINH TIẾN dịch và chú giải
NGUYỄN MINH HIỂN hiệu đính Hán văn

Niệm Phật Nên Hồi Hướng Công Đức Cho Oán Thân Trái Chủ [Video]

Niệm Phật Nên Hồi Hướng Công Đức Cho Oán Thân Trái ChủTôi nhận thức được, thực chất căn bản của lục đạo luân hồi đó là giữa chúng sanh với nhau, oan oan tương báo, trả nợ lẫn nhau, vô tận vô biên, không bao giờ chấm dứt, trong thời gian đó nếu không chấp nhận thọ báo, sẽ tạo thêm nghiệp mới, khiến cho việc thọ báo sau nầy lại trồng thêm nhân mới, tìm trăm phương ngàn kế, lấy của người làm của ta, kết quả là nếu số mạng có sẽ có, số mạng không có, trộm cũng không được. Nếu số mạng của chúng ta có bằng cách dùng hình thức ăn trộm để đoạt được, sẽ tạo ra tội nghiệp thâm sâu.

Bất cứ việc gì, bất cứ người nào, trong gia đình, ngoài gia đình, bề trên, cấp dưới, phàm làm khiến cho ta tổn hại, đều phải gánh chịu thọ báo. Gia quyến lục thân, đều do tứ nhân tương tụ (tứ nhân là trả nợ, đòi nợ, trả ơn và báo oán) bất luận chúng ta thọ báo bao nhiêu oan ức, không những không được sân hận, ngược lại phải sám hối cho nghiệp chướng của chính ta, tội nghiệp của đời trước nay phải trả, nếu đem lòng sân hận, làm sao không tạo thêm nghiệp mới?

Tất cả mọi nơi đều có oan gia trái chủ đến gây nạn (làm khó dễ) chúng ta phải phản tỉnh lại, tại sao họ không tìm người khác để gây phiền phức, đều do trong đời quá khứ, chúng ta có làm điều gì sai lỗi với họ, ta phải tu nhẫn nhục, làm nghịch tăng thượng duyên.

Trích Văn Phát Nguyện Sám Hối
Giảng sư: Lão hòa thượng Tịnh Không
Video trích từ đĩa Kinh Vô Lượng Thọ Tinh Hoa tập 9 do HT Tịnh Không giảng

 

Chín Phẩm Vãng Sanh Trong Pháp Môn Tịnh Độ

Chín Phẩm Vãng Sanh Trong Pháp Môn Tịnh ĐộTrong chín phẩm vãng sanh, năm phẩm trước (Thượng thượng, Thượng trung, Thượng hạ, Trung thượng, Trung trung) là kết quả của sự tu tập hồi hướng công đức nguyện cầu sanh về thế giới Cực lạc. Phẩm vị sở dĩ có cao thấp bất đồng là căn cứ nơi công tu tập sâu cạn mà có sai biệt.

Chí như bốn phẩm sau (Trung hạ, Hạ thượng, Hạ trung, Hạ hạ) thì lại không cùng có nguyên nhân như trên. Những kẻ được vãng sanh thuộc 4 phẩm này chưa từng tu pháp xuất thế gian. Như phẩm thứ 6 (Trung hạ) đọc tiếp ➝

Phát Bồ Đề Tâm & Thâm Tín Nhân Quả

Phát Bồ Đề Tâm & Thâm Tín Nhân QuảPhát Tâm Bồ Đề rất là quan trọng, không phát cái Tâm này thì không thể thành tựu, sau khi phát Tâm bạn nhất định có thể thương yêu chúng sanh, tâm Bồ Đề chính là tứ hoằng thệ nguyện, chân thật giúp đỡ tất cả chúng sanh, bắt đầu từ câu “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, chữ độ này chính là giúp đỡ hiệp trợ, muốn giúp đỡ chúng sanh thì chính mình phải có năng lực, phải có đức hạnh, cho nên việc cần thiết chúng ta phải làm là đoạn phiền não, phiền não không đoạn thì Trí Tuệ không khai mở, Trí Tuệ của chúng ta là sẵn có, chứ không phải từ bên ngoài mà đến.

Trong phẩm Xuất Hiện ở Kinh Hoa Nghiêm, Phật nói rất rõ ràng: “Tất cả chúng sanh đều có Trí Tuệ đức tướng của Như Lai, do vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc.” Vọng tưởng là vô minh, chấp trước là kiến tư trần sa phiền não, cho nên chỉ cần đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đoạn dứt thì Trí Tuệ đức tướng trong tự tánh liền hiện tiền, Trí Tuệ không phải từ bên ngoài đến, do đó tu học của Phật pháp là tu cái gì? Tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô số tông phái, phương pháp không giống nhau, lối đi không giống nhau, nguyên lý nguyên tắc là một, đều là tu Thiền định, nhân Giới được Định, nhân Định khai Huệ, cái Huệ này là Trí Tuệ của tự tánh vốn sẵn đầy đủ, cái Giới đó là gì vậy? Giới là phương pháp, phương pháp bạn đã tu học chính xác, không có sai lầm thì bạn mới có thể được Định, sau khi được Định rồi Trí Tuệ liền khai, được tiểu Định khai tiểu Trí Tuệ, được đại Định khai đại Trí Tuệ.

Tầng thứ của Định rất nhiều, thế gian có tứ thiền bát định. Thiền định xuất thế gian thì đẳng cấp lại càng nhiều hơn, mức Định của bạn càng sâu thì Trí Tuệ của bạn càng rộng, đạo lý là như vậy. Cái nguyên tắc này là bao gồm tất cả pháp môn, tất cả tông phái đều giống nhau. Vậy thì ngày nay chúng ta dùng phương pháp trì danh niệm A Di Đà Phật mục đích ở đâu vậy? Là tu Định, y theo những quy củ này mà niệm Phật đó là trì giới, y theo quy củ này mà làm sau đó thì bạn được Định, cái Định Niệm Phật gọi là Niệm Phật Tam Muội. Công phu thấp hơn thì gọi là công phu thành khối, chỉ cần được công phu thành khối vậy thì chúc mừng bạn, vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc là khẳng định, phẩm vị không cao nhưng bạn nhất định được vãng sanh, sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư Độ, đây là một đại sự lớn nhất ngay trong đời này của chúng ta.

Cho nên phiền não không thể không đoạn, phải đoạn từ đâu vậy? Từ tự tư tự lợi, là phàm phu cho nên nhiều người không thể đoạn phiền não, thật sự là họ không biết bắt đầu từ đâu, cái gốc của phiền não chính là tự tư tự lợi, chúng ta nhất định phải dùng Trí Tuệ, đem cái ý niệm này chuyển đổi lại, khởi tâm động niệm vì tất cả chúng sanh mà nghĩ, không nên vì mình, cái thân này căn bản thì không cần thiết phải để ý đến nó thì bạn mới có thể được tự tại, khởi tâm động niệm luôn nghĩ đến cái thân này thì nguy rồi! Nghiệp chướng của bạn không thể tiêu trừ, ý niệm vừa thay đổi thì tự thân chính mình đem quên đi mất, thân này cùng thân người khác là một thân, vì tất cả chúng sanh là chân chánh vì mình, vì chính mình là chân thật hại chính mình.

Cái đạo lý này trong Phật Kinh nói rất rõ ràng, nói rất tường tận, chúng ta nhất định phải hiểu, nếu như từ chỗ này bạn có thể thay đổi được nó thì chúc mừng bạn: Bạn ở trong Phật pháp, không luận học pháp môn gì đều sẽ thuận buồm xuôi gió, đều sẽ đạt được lợi ích chân thật, thành tựu Trí Tuệ chân thật.

Tiếp theo Phật dạy bảo chúng ta: Sau khi phát Tâm Bồ Đề thì “Thâm Tín Nhân Quả”. Ngày xưa, tôi học giáo lý, với câu nói này đã làm cho tôi từ hai đến ba năm không thể nghĩ ra, tại sao vậy? Vì trong Tịnh Nghiệp Tam phước thì phước thứ nhất là phước báo trời người, phước thứ hai là phước báo của hàng nhị thừa, phước thứ ba là phước báo của Bồ Tát đại thừa.

Nếu như cái “Thâm Tín Nhân Quả” này đặt ở phước thứ nhất thì tôi một chút cũng không hoài nghi, nay Phật lại đặt ở phước thứ ba thì tôi không hiểu. Phàm phu chúng ta bắt đầu học Phật thì đều tin tưởng Nhân Quả. Đại Sư Ấn Quang cả đời dạy người là đề xướng giáo trình “Liễu phàm tứ huấn” đầu tiên, nội dung của giáo trình này chính là Tin Sâu Nhân Quả, là thuộc pháp trời người, trồng Thiện Nhân được Thiện Quả, tạo Ác Nghiệp nhất định có Ác Báo. Ngạn ngữ thường nói: “Không phải không báo nhưng chưa đến lúc”, khi nhân duyên hội đủ thì quả báo lập tức hiện tiền, nhất định không thể trốn khỏi, việc này chúng ta đều hiểu, vậy thì chả lẽ Bồ Tát lại không hiểu Nhân Quả này hay sao mà Phật lại phải để Thâm Tín Nhân Quả ở trong Phước thứ ba dành cho Bồ Tát Đại Thừa?

Vấn đề này đến hai, ba năm sau tôi mới rõ ràng, mới tường tận, khi đọc Kinh Hoa Nghiêm mới ngộ ra, chính là đọc cái phẩm thập địa này. Bồ Tát thập địa trước sau không rời Niệm Phật, tôi liền tỏ ngộ ra từ ngay chỗ này: Cái Nhân Quả này không phải là Nhân Quả thông thường, mà là “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”, thật là cái Nhân Quả mà rất nhiều Bồ Tát đều không biết, đây không phải trồng Nhân Thiện được Quả Thiện thông thường, cho nên cái câu này chúng ta nhất định phải rõ ràng, chính là khi tu học đạt đến quả vị Thập Địa Bồ Tát, hay nói cách khác, Phật pháp đến giai đoạn cuối cùng, không luận là tu học pháp môn nào, tất cả đều quy về pháp môn Niệm Phật.

Thật đúng như là Ngài Văn Thù, Phổ Hiền đã thị hiện, hai Ngài ở đoạn sau của Kinh Hoa Nghiêm đều phát nguyện cầu sanh thế giới Tây phương Cực Lạc, làm một tấm gương cho 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ của thế giới Hoa Tạng, làm người dẫn đầu, đến đây thì chúng ta mới chân thật xem thấy sự thù thắng của Tịnh tông.

Cho nên Thế Tôn thường hay nhắc đến cái pháp môn này. Mười phương ba đời tất cả chư Phật đều khen ngợi, tất cả chư Phật đều hoằng dương, ngay chỗ này chúng ta mới thể hội được một ít lợi ích, cho thấy pháp môn này thù thắng không gì bằng, công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn, vì vậy Thế Tôn đại diện chư Phật tán thán Phật A Di Đà trong kinh Vô Lượng Thọ là “Quang Trung Cực Tôn, Phật Trung Chi Vương”, là vị Phật có ánh sáng tôn quý nhất, xứng đáng là vua của tất cả chư Phật vậy.

Trích sách Khai Thị Trọng Yếu
Pháp sư Tịnh Không giảng
Cư sĩ Tịnh Thái biên soạn

Download sách Khai Thị Trọng Yếu [Type: PDF | Size: 524 KB]

Hai Lần Hết Bệnh Ung Thư Nhờ Niệm Phật [Video]

Hai Lần Hết Bệnh Ung Thư Nhờ Niệm PhậtLà một người chân thật nhưng vì nghiệp báo từ những đời trước, anh Hồ Văn Thanh đã vướng phải nhiều chứng bệnh nan y mà nguy hiểm nhất là 2 lần anh được bác sĩ chẩn đoán rằng giai đoạn của bệnh đã phát triển thành ung thư. Mặc dầu người vợ của anh là một Phật tử thuần thành, hết lòng khuyên anh nên đặt trọn niềm tin vào Tam Bảo để chuyển hóa ác nghiệp của mình, nhưng tập khí của anh quá nặng nên anh không những không có niềm tin còn buông lời giễu cợt, thách thức thần thánh. Có lẽ do căn lành từ nhiều kiếp còn sót lại nên tuy tâm anh không thành nhưng đã cảm ứng được đọc tiếp ➝

6 Điểm Nóng Báo Hiệu Người Chết Tái Sanh Về Đâu

6 Điểm Nóng Báo Hiệu Người Chết Tái Sanh Về ĐâuTheo Kinh A Hàm thì Phật dạy rằng phàm một người khi đã chết thì thân thể trở nên lạnh giá vì hỏa đại đã tắt mất. Tuy nhiên, sau khi tắt thở rồi, nhưng trong thân thể cũng vẫn còn một chỗ nóng tối hậu trước khi hoàn toàn trở nên lạnh giá. Nơi nào Thần Thức thoát ra sau cùng thì nơi đó là nơi còn ấm sau cùng trong thân thể, và có sáu nơi tiêu biểu cho sáu đường tái sanh, hoặc nóng nơi đỉnh đầu, nóng ở mắt, nóng nơi ngực, nóng nơi bụng, nóng nơi đầu gối, hoặc nóng nơi hai lòng bàn chân. Thỉnh thoảng điểm nóng nầy vẫn còn nóng đến bốn năm tiếng đồng hồ sau khi chết. Có sáu điểm nóng tối hậu tiêu biểu cho sự tái sanh nơi lục đạo:

1) Đảnh Thánh: Khi một người đã chết được vài giờ, khắp thân thể chỗ nào cũng giá lạnh như băng, nhưng vẫn còn điểm nóng trên đỉnh đầu, nghĩa là thần thức của người nầy do nơi đỉnh đầu mà xuất ra khỏi thân xác, tức là người ấy tái sanh vào cõi Thánh. Nói cách khác, khi thần thức của người chết xuất ra từ nơi đỉnh đầu, chúng ta biết chắc là thần thức của người ấy được siêu thoát về nơi Thánh cảnh.

2) Mắt sanh Thiên: Khi điểm nóng sau cùng trên thân thể là hai mắt và trán thì thần thức của người ấy đã sanh về cõi trời.

3) Tim Người: Khi điểm nóng sau cùng nơi tim, là thần thức của người ấy đã sanh lại cõi người.

4) Bụng Ngạ quỷ: Khi điểm nóng sau cùng trong thân thể là bụng, thì thần thức của người ấy đã sanh làm ngạ quỷ.

5) Đầu gối Bàng sanh: Khi điểm nóng sau cùng trong thân thể là đầu gối, thì thần thức của người ấy đã tái sanh vào loại bàng sanh (thú).

6) Lòng bàn chân Địa ngục: Khi điểm nóng sau cùng trong thân là lòng bàn chân, thì thần thức của người ấy đã bị đọa vào địa ngục.

Trích Phật Học Từ Điển
Tác giả: Thiện Phúc
Video giảng sư: Thích Giác Hạnh