Hòa Thượng Tịnh Không Chính Thức Trả Lời Những Hiểu Lầm Về Dự Báo Đại Nạn Năm 2012

Hòa Thượng Tịnh Không Chính Thức Trả Lời Những Hiểu Lầm Về Dự Báo Đại Nạn Năm 2012Các vị đồng tu, các vị pháp sư: Xin mời ngồi. Buổi giảng kinh hôm nay, chúng ta dành nửa giờ đồng hồ để trả lời một số câu hỏi. Buổi tối hôm qua có đồng tu từ Bắc Kinh mang đến cho tôi 10 câu hỏi, đều là liên quan đến các lần giảng kinh gần đây, đặc biệt là ở trong khoa chú – tập 94 có nói về tai nạn vào cuối năm 2012, trích dẫn từ trong tập đĩa này.

Câu hỏi số 1: Có một đồng tu tự ý trích đoạn từ tập đĩa này, rút gọn lại thành 1 đĩa, lưu truyền rộng khắp.

HT Tịnh Không trả lời: Đây không phải là một việc tốt, không nên làm như vậy, muốn lưu truyền thì phải lưu truyền trước sau đầy đủ, bởi vì nếu như trước sau người xem đều xem qua hết, thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Cho nên việc này là thuộc về trích dẫn cắt xén, chỉ nghe cái đoạn đó mà những đoạn trước và sau đều không biết, cho nên sẽ sanh ra một số hiểu lầm. Nếu bạn nghe trọn vẹn qua hết một lượt thì vấn đề được giải quyết rồi.

Sự việc này xảy ra vì cho rằng ngày 21 tháng 12 năm 2012 tai nạn “nhất định” sẽ xảy ra. Tôi không hề nói như vậy, tôi trước giờ không hề dám nói từ “nhất định”, tôi chỉ nói tôi đã xem qua rất nhiều tin tức bên ngoài nói về việc này, nói là có khả năng xảy tai nạn mà thôi. Thế nhưng dù tin tức bên ngoài nói như vậy, tôi cũng không cho là quan trọng, tại vì sao? Phật đã nói với chúng ta: Pháp vốn dĩ là không cố định, không có định pháp, tại vì sao không có định pháp? Bất cứ sự việc gì trên thế giới đều đang thay đổi mỗi ngày, không có gì là bất biến.

Vận mạng của con người cũng là như vậy, các vị xem “Liễu Phàm Tứ Huấn” thì liền biết được, tiên sinh Viên Liễu Phàm lúc 15 tuổi đã được Khổng tiên sinh đoán mạng rất chính xác, đoán đúng được nhiều năm, đoán cuộc đời ông khi ông đến 53 tuổi thì mạng chung. Trong khoảng 20 năm liên tiếp, mỗi năm tiên sinh Liễu Phàm đều có trải nghiệm nhiều sự việc hoàn toàn đúng với lời tiên đoán của Khổng tiên sinh cho nên tâm lý của ông buông xuôi, không khởi một ý niệm nào, ông nói tôi có ý niệm cũng không ích gì, vận mạng đã định rồi.

Vận mạng từ do đâu mà có? Do đời trước tu mà được, trên thực tế mỗi ngày vận mạng của chúng ta cũng đang có sự tăng giảm, thêm bớt. Khởi lên một niệm thiện thì vận mạng của bạn được thêm vào một điểm tốt, khởi lên một niệm ác thì bị giảm đi một điểm, đại ý là như vậy, nó ngày ngày có thêm bớt cộng trừ, bạn làm sao có thể nói nó là “nhất định” được chứ? Phật cũng không thể nói nhất định, cái đạo lý này chúng ta phải hiểu.

Hiện tại, các nhà khoa học ngành vật lý lượng tử đã phát hiện ra một số bí mật của vũ trụ, đã báo cáo với chúng ta, chúng ta sau khi xem rồi, nhận thấy báo cáo của họ hoàn toàn tương đồng với những gì trên kinh Phật đã nói, trong đó có một nguyên tắc chung, chính là không có định pháp, Phật đã nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Hiện tại khoa học gia lượng tử đã chứng minh. Cái tâm tưởng đó trước một giây cùng sau một giây là không như nhau, thì bạn làm sao có thể nói là “nhất định”? Cách nói khẳng định như vậy thì đã sai quá nghiêm trọng rồi, chúng ta phải biết mọi thứ mỗi ngày đều đang thay đổi.

Tai nạn đó từ nơi nào mà sanh ra? Là từ nơi ý niệm bất thiện mà tạo thành. Chúng ta một niệm hướng thiện, tai nạn liền được hóa giải rồi. Cho nên năm trước có mấy vị khoa học gia tổ chức hội nghị ở Sydney, học viện của chúng ta có phái 8 đồng tu đến tham gia, pháp sư Định Hoằng cũng có tham gia hội nghị này, nghe qua báo cáo của họ. Ngày đầu tiên thì nghe qua báo cáo những thành tựu đạt được của các chuyên gia vật lý lượng tử, suốt ngày hôm sau thì chuyên đề thảo luận vấn đề của năm 2012, đến sau cùng là do một vị tiến sĩ Hoa Kỳ làm báo cáo tổng kết.

Khi tổng kết họ nói với chúng ta, năm 2012 không phải là ngày tàn của thế giới, ngày 21 tháng 12 không phải là ngày tận thế, hy vọng cư dân trên địa cầu từ nay đến thời điểm đó có thể thức tỉnh, mọi người đều có thể làm đến được “bỏ ác dương thiện, cải tà quy chánh, đoan chánh tâm niệm”, tai nạn này liền sẽ không còn, liền có thể hóa giải. Cái đạo lý này là căn cứ từ lý luận của lượng tử học mà biết được, chính là tất cả pháp, giống như Phật đã nói với chúng ta: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, nó là từ ý niệm, một niệm ác của chúng ta khởi lên là khởi nguồn cho tai nạn xảy ra, khi một niệm thiện khởi lên, tai nạn này liền không có, hoàn toàn giống như Phật pháp đã nói.

Cho nên không thể nói “nhất định” có thể xảy ra, nói “nhất định” xảy ra ở vào mức độ nào đó cũng đều không thể nói, mỗi ngày đều có tăng giảm thêm bớt. Nếu như cái niệm ác này của chúng ta mà quá nhiều thì tai nạn này có thể sẽ xảy ra sớm hơn, không phải là ở vào ngày hôm đó, có thể sớm hơn nửa năm, có thể sớm hơn mấy tháng v.v…Ngược lại, nếu như khi niệm thiện của chúng ta nhiều, các ác niệm bị đè phục, vậy thì tai nạn sẽ bị đẩy lùi, có thể lùi lại vài năm, lùi lại mười mấy năm, nó sẽ lùi lại, cho nên nó không nhất định. Khi ác niệm của chúng ta hoàn toàn không có, chỉ có niệm thiện khởi lên thì tai nạn này liền sẽ không có, hoàn toàn hóa giải hết.

Cho nên bí mật của niệm lực gần đây được khoa học gia phát hiện, việc này rất có đạo lý. Những gì Phật nói ra 3000 năm trước, hiện tại 30 năm gần đây được các nhà khoa học gia phát hiện, hoàn toàn giống như Phật đã nói trong kinh điển. Ngày trước chúng ta không xem thấy báo cáo của khoa học, đối với những gì Phật nói đều tin tưởng, Phật không vọng ngữ, Phật nói ra chúng ta tin tưởng, thế nhưng cái đạo lý này không thông, luôn là có một chút nghi hoặc. 99% tin tưởng Phật, vẫn còn có một phần trăm nghi hoặc, đó cũng vẫn là nghi hoặc. Ngay khi chúng ta xem thấy báo cáo của các nhà khoa học, cái nghi hoặc này mới dứt hết, chúng ta mới hoàn toàn tin tưởng, không có chút nào nghi hoặc. Cho nên ý niệm làm chủ tất cả, cái đạo lý này chúng ta không thể không biết.

Phần tiếp theo câu hỏi:

…Cho đến có một số người nghe tin này buông bỏ tất cả thế giới, niệm Phật vãng sanh, từ bỏ công việc, gia đình, hoặc tập trung lại một chỗ, hoặc ở trên núi, hoặc ở riêng một mình trong phòng v.v…mọi người tập trung lại cùng nhau không ăn, không uống, không ngủ, muốn học theo pháp sư Oánh Kha niệm Phật vãng sanh, và còn nói đây là phương pháp tốt mà lão pháp sư dạy cho chúng ta tránh khỏi tai nạn năm 2012, tạo ra ảnh hưởng rất xấu cho quốc gia và xã hội. Trong tâm đệ tử có nghi hoặc, kính xin lão pháp sư từ bi giải thích.

HT Tịnh Không trả lời: Đây là do cắt xén lời văn mà sanh ra, nếu đem mấy tập mà tôi giảng trước và sau đại khái có khoảng 6 đến 7 tập, sau khi bạn xem qua hết, thì vấn đề này liền được giải quyết. Không phải là như vậy, trên kệ khai kinh có nói “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, ý nghĩa mà tôi giảng các vị không hiểu rõ, các vị đã hiểu sai rồi, đó là cái ý của chính các vị, không phải là ý của tôi. Nếu như học Phật chân thật vì chính mình, vì tự tư tự lợi, Thích Ca Mâu Ni Phật lại hà tất phải giảng kinh dạy học suốt 49 khổ cực như vậy để làm gì, tại vì sao ngài không vào Đại Niết Bàn sớm? Tại vì sao không đi đến thế giới Cực Lạc sớm hơn? Lại đi làm việc khổ cực này, có ý nghĩa gì, nhà Phật nói Từ Bi ở đâu!

Học Phật, tôi thường hay nói, học Phật việc tốt nhất trước tiên chính là gì: Biết được sinh mạng là vĩnh hằng, ta không hề chết, “chết” – thân thể này thì có sanh diệt, ta thì không có sanh diệt. Thông thường chúng ta nói ta là cái gì? Linh hồn là ta, người nước ngoài cũng thừa nhận, trong Phật pháp gọi là thần thức, đây là cái ta chân thật. Nếu như nói cái ta này có sanh tử, còn đi đầu thai, còn có cái gì là kiếp trước đời sau…Không hề có. Cho nên vấn đề chính ngay chỗ này. Chân thật từ nơi Phật pháp nói, Phật pháp vẫn không gọi là linh hồn, gọi là Linh Tánh. Kỳ thật nếu gọi là linh hồn thì cái hồn đó tuyệt nhiên không linh, nếu như là linh thì nó sẽ chọn thế giới Cực Lạc để đi, hà tất phải đi vào sáu cõi luân hồi chứ? Nó không linh! Không nên gọi là linh hồn mà gọi là mê hồn, quyết định không phải là linh hồn.

Khổng Tử nói rất hay, Khổng Tử đã nói ở trong “Dị Hệ Từ”, “Du Hồn Vi Biến”, trong đây Ngài nói được rất hay. Bởi vì hồn đích thực là biến hóa của nó quá lớn, tốc độ quá nhanh, nói du hồn là nói được rất chính xác. Có thể thấy được Khổng Tử không phải không biết đối với việc này, ông nói “Du Hồn Vi Biến”, chính là nói sáu cõi luân hồi, nói “Tinh Khí Vi Vật”, đó chính là nói quan hệ của hiện tượng tinh thần cùng hiện tượng vật chất, ngày nay khi chúng ta từ nơi tri thức của lượng tử lực học để giải thích hai câu nói này thì rất dễ dàng hiểu rõ. Hiện tượng vật chất đích thực là do hiện tượng tinh thần biến hiện ra, cho nên gọi là “tinh khí vi vật, du hồn vi biến”.

Mười pháp giới Y Chánh Trang Nghiêm, Chánh Báo chính là du hồn vi biến, căn cứ vào cái gì để thay đổi? Căn cứ vào ý niệm của chính mình. Cho nên khi ý niệm sanh ra, thánh nhân người xưa nói rất hay: “bổn tánh vốn thiện”, Phật nói lại càng hay hơn: “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, Thích Ca nói vốn dĩ là Phật, tổ tông chúng ta nói bổn tánh vốn thiện, là một ý nghĩa. Vốn thiện không phải là thiện của thiện và ác, “vốn thiện” – cái thiện đó là tán thán, nó quá viên mãn, không có chút kém khuyết nào. Thích Ca Mâu Ni Phật ở trong kinh Hoa Nghiêm đã nói một câu “tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai”, đây chính là bổn thiện. Có trí tuệ viên mãn, có đức hạnh viên mãn, có tướng hảo viên mãn, tướng hảo là thuộc về phước báo, cho nên tướng hảo phước báo đều là viên mãn, đây là “vốn thiện”.

Mê mất đi tự tánh thì trí tuệ đức tướng của chúng ta liền bị bóp méo đi, bị biến chất. Có khởi được tác dụng hay không? Có. Tác dụng gì vậy? Hoàn cảnh hiện tiền của chúng ta chính là tác dụng, thế nhưng tác dụng này đã bị biến chất rồi.

Gíao dục của Phật là gì? Không gì khác hơn, dạy bảo chúng ta làm thế nào để quay về với tự tánh, giáo dục truyền thống của chúng ta là dạy cái gì? Dạy chúng ta quay về với bổn tánh, thì sẽ trở thành thánh nhân. Nếu quay chưa về được đến nơi, đó là hiền nhân. Đang trên đường quay trở về, đó gọi là quân tử. Ở trong Phật pháp cũng là như vậy, quay về được viên mãn thì gọi là Phật Đà, quay về chưa được đến nơi, thì gọi là Bồ Tát , đang trên đường quay về đó là A La Hán, cùng đồng một đạo lý. Đây là thánh học, học vấn của thánh nhân, chân thật làm đến được viên mãn cứu cánh triệt để.

Cho nên “Phật pháp ở thế gian thì không thể lìa thế gian giác”.Câu nói này quan trọng, hay nói cách khác lìa khỏi thế gian thì bạn không thể giác, bạn không rời thế gian thì bạn mới có thể giác, làm sao mà bạn có thể từ bỏ đi công việc, buông bỏ gia đình? Đó là bạn không gánh vác trách nhiệm, bạn học Phật hiểu biết không thấu triệt, chỉ nghe lời truyền miệng, bạn không nên có cách làm như vậy.

Xuất gia có thể thành Phật là đúng, Thích Ca Mâu Ni Phật đã biểu diễn cho chúng ta xem thấy, xuất gia thành Phật nhưng tại gia cũng có thể thành Phật. Khi Phật Thích Ca còn tại thế, người bên ngoài không biết, người học Phật thì biết, có hai vị Phật đồng thời xuất hiện, một là Thích Ca Mâu Ni Phật, vị thứ hai là một vị Phật ở tại gia, cư sĩ Duy Ma Cật, người không học Phật thì không biết. Cư Sĩ Duy Ma Cật nói pháp, Phật Thích Ca phái Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất…những vị đại đệ tử này đến nghe kinh, đến học tập với cư sĩ Duy Ma Cật. Nhìn thấy cư sĩ Duy Ma Cật, đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu ba vòng, lễ tiết cũng hoàn toàn giống như thấy Phật, việc này các vị xem qua Kinh Duy Ma Cật thì biết.

Mục đích nói rõ cái gì? Phật pháp là sư đạo, trong sư đạo lão sư là lớn nhất, chỉ cần họ có thân phận là lão sư, bạn muốn học tập với họ, vậy thì bạn liền phải tôn sư trọng đạo. Người xuất gia cùng học với người tại gia, người tại gia là lão sư. Ba vị lão sư của tôi, trong ba vị này lão cư sĩ Lý Bĩnh Nam chính là cư sĩ tại gia, tôi xuất gia học Phật với ông, đối với ông cũng là lễ bái, không thể nói ông là người tại gia, ta là xuất gia, cao hơn so với ông một bậc, vậy thì xong rồi! Đây là việc cần phải nên hiểu, không thể nào không biết.

Với người học Phật tại gia, thì bạn phải dùng phương thức của tại gia; xuất gia học Phật, bạn chân thật là xuất gia, bạn phải đem việc gia đình của bạn xếp đặt cho tốt. Xuất gia, việc quan trọng nhất, phải có sự đồng ý của cha mẹ, nếu như bạn còn có vợ, con cái, vợ và con cái của bạn phải đồng ý, không đồng ý thì bạn không thể xuất gia, việc này trên giới luật đều có qui định, cho nên không thể không gánh vác trách nhiệm. Học Phật chính là học làm ra một tấm gương tốt, cá nhân bạn ở trong xã hội là một tấm gương tốt, làm tấm gương tốt cho mọi người, bạn ở gia đình, gia đình của bạn là một tấm gương tốt cho tất cả hết thảy gia đình trên thế giới, bạn từ nơi nghề nghiệp, không luận là ở nơi nghề nghiệp nào, bạn ở nơi nghề nghiệp đó đều là tấm gương tốt nhất, là mô phạm.

Thích Ca Mâu Ni Phật nghề nghiệp của Ngài là giáo dục, là giáo học, ở trong giáo dục Ngài đích thực làm đến được là một thầy giáo tốt nhất, giáo học chưa từng kém khuyết buổi nào, 49 năm như một ngày. Thái độ giáo học cũng giống như Khổng Tử, không phân quốc tịch, không phân chủng tộc, không phân tôn giáo tín ngưỡng, người đến thì không từ chối, người đi thì không lưu giữ, hơn nữa đều xem là nghĩa vụ, không có nhận học phí, thời gian học tập của bạn dài ngắn tùy theo ý bạn. Cho nên bằng lòng trọn đời đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, việc này trên kinh điển có ghi chép: 1255 người, gọi là chúng thường tùy còn số lượng không đi theo trọn đời, thân cận Phật Đà mấy ngày, mấy mươi ngày, hai ba năm thì rất nhiều, số đó thì không có ghi chép. Đủ thứ hạng người đi theo học với Ngài, không có ai là không có được đại hoan hỉ, pháp hỉ sung mãn, việc này nhất định phải biết.

Nói không ăn không uống, Thích Ca Mâu Ni Phật mỗi ngày đi ra ngoài khất thực, Ngài còn phải ăn cơm, Ngài còn phải nghỉ ngơi. Thời xưa Ấn Độ ngày đêm chia làm sáu thời, ngày ba thời, đêm ba thời, buổi tối thời gian nghỉ ngơi là nửa đêm, tính theo thời gian hiện tại là từ 10 giờ tối đến 2 giờ khuya, bốn giờ đồng hồ, thời gian này là nghỉ ngơi, đời sống rất có qui luật, tại gia học Phật cũng không ngoại lệ.

Cho nên nói là muốn học theo pháp sư Oánh Kha thì không học được. Tại vì sao? Bạn không có loại tâm chân thành đó của ông, bạn không có cái tâm cung kính đó của ông, trong ba ngày thì ông có thể niệm ra được Phật, bạn 30 ngày cũng không niệm ra được, không tin thì bạn cứ thử xem, chân thành đến tột điểm! Ông cũng là có một nghịch tăng thượng duyên giúp ông. Vì sao vậy? Ông đã tạo ra rất nhiều tội nghiệp, những tội nghiệp đó đều là tội nghiệp đọa địa ngục, ông sợ đọa địa ngục, cho nên bức bách ông không thể không chân thành, vậy thì phải vạn phần chân thành, vạn phần chân thành thì tội của ông liền sám hết.

Ngày nay chúng ta còn có nhiều vọng tưởng tạp niệm như vậy ở trong tâm thì bạn làm sao có thể niệm ra được Phật? Không thể nào! Nếu như tâm thật chân thành rồi, thì bạn sẽ không viết gởi đến đây những lời này, một vọng niệm cũng không có. Bạn vẫn còn viết hỏi tôi nhiều thứ đến như vậy, có thể thấy rằng công phu của bạn chưa được.

(Còn tiếp…)

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không.
Thời gian: ngày 08 tháng 02 năm 2012.
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật Đà Hong Kong.
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Tịnh Thái

Phật A Di Đà Mở Rộng Vòng Tay Cứu Độ Tôi

Phật A Di Đà Mở Rộng Vòng Tay Cứu Độ TôiĐã từ lâu, tôi cầu mong có được một cơ hội tham gia Phật thất. Tháng bảy năm nay (năm 2010), trong thời gian nghỉ giải lao của Pháp Hội Tam Thời Hệ Niệm Niệm Phật mà tôi đang tham gia, tôi đã nói về tâm nguyện của mình với một người bạn. Thế rồi cô ấy cho tôi biết tại Tinh xá Hoa Nghiêm do Hòa Thượng Tuyên Hóa sáng lập, năm nào cũng tổ chức Phật thất. Tôi vô cùng vui mừng khi biết rằng Tinh xá Hoa Nghiêm tọa lạc tại Maryland, cách chỗ tôi cư trú không xa mấy. Lúc đó đang là tháng bảy, từ ngày 10 đến 17 tháng mười mới là thời gian diễn ra Phật thất, nhưng tôi đã nôn nóng ghi danh trước hai tháng để chuẩn bị cho lần tịnh tu này.

Một tuần trước khi diễn ra Phật thất, tôi có phần căng thẳng. Bởi đây không những là lần đầu tiên tôi tham dự, mà còn do tôi không biết một chữ tiếng Hoa nào. Nhưng tôi hiểu rõ, tất cả những tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới đều niệm hồng danh Phật A Di Đà bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Dù gì đi nữa, điều quan trọng nhất là đại đa số các Phật tử, nếu không muốn nói là toàn bộ, đều biết rất rõ lời nguyện từ bi của Ngài chính là muốn cứu độ chúng sinh, cũng biết rất rõ về Tây phương Cực Lạc thế giới. Tôi tự nhủ rằng tuy mình không biết niệm danh hiệu Phật A Di Đà bằng tiếng Hoa, nhưng mình sẽ thành tâm niệm thầm danh hiệu của Ngài bằng tiếng Việt. Như vậy sẽ chẳng còn gì để lo lắng nữa.

Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả chính là cảm giác ấm áp của một gia đình, cùng bầu không khí an lạc thanh bình, tràn đầy pháp hỷ từ nơi các pháp sư mà tôi bắt gặp ngay từ ngày đầu đặt chân đến Tinh xá Hoa Nghiêm. Trong bảy ngày đó, tuy rằng tôi mới làm quen với các Phật hữu, cũng chẳng nói năng gì với nhau, nhưng tôi có một cảm giác mãnh liệt rằng tôi và họ đang hòa hợp với nhau về mặt tinh thần. Cảm nhận đó đến từ niềm tin sâu sắc của chúng tôi đối với Phật A Di Đà. Chúng tôi đều nguyện vãng sanh đến đất Cực Lạc, để thoát khỏi quả báo luân hồi, và để thực hiện những lời nguyện Bồ đề của mình. Tiếng niệm Phật trong pháp hội đã mang đến cho tôi một nguồn năng lượng tích cực và một niềm vui diệu kỳ.

Đã từng đọc và nghe nhiều bài thuyết giảng Phật pháp nên tôi đã quen thuộc với lời dạy của Phật Thích Ca về sáu ngã luân hồi, về thân người khó được, khó như một con rùa mù tìm được tấm ván lềnh bềnh trên biển vậy. Tuy nhiên, nếu không có kinh nghiệm đó, thì những lý thuyết kia không thể ăn sâu vào tâm thức tôi được. Trong một lần ngồi niệm thầm danh hiệu Phật Di Đà, bên tai tôi, tiếng niệm Phật hoan hỷ của mọi người vang rền cả chánh điện, tôi như chợt tỉnh ngộ! Được làm thân người thật khó làm sao, nếu đời sau phải làm súc sanh, ngạ quỷ, hay phải xuống địa ngục thì đó sẽ là một sự đau khổ triền miên. Bất chợt cảm nhận được sự vô thường của kiếp người làm tôi sợ hãi khủng khiếp. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình đang sống trong một ngôi nhà nghiệp chướng ngùn ngụt lửa dữ. Và cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra sự cấp bách của việc thoát khỏi ngọn lửa nghiệp chướng ấy.

Cảm giác ghê sợ này khiến tôi toàn tâm toàn ý niệm Phật: “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật,…” Tôi khẩn thiết niệm Phật không ngưng nghỉ. Không hiểu sao cùng lúc đó, trong lòng chợt phát ra một âm thanh cầu nguyện: “Phật A Di Đà kính mến! Xin hãy lắng nghe lời cầu khẩn của con, xin hãy cứu con! Xin Ngài hãy mở lòng từ bi cứu lấy con!” Trong một giây phút ngắn ngủi, tôi chợt cảm thấy Phật A Di Đà đưa tay ra để tôi bắt lấy. Tôi đã được cứu ra từ ngôi nhà nghiệp chướng kia. Một cảm giác yên bình và ấm áp lan tỏa khắp người, tôi bắt đầu rơi lệ, những giọt lệ của sự giải thoát, những giọt lệ của pháp hỷ tràn đầy. Mọi thứ xảy ra trong một khoảnh khắc ngẳn ngủi, dù rằng chưa đến vài phút, nhưng cảm giác kỳ diệu ấy vẫn tồn tại trong tâm tôi khá lâu sau đó.

Trước khi kinh nghiệm được chuyện này, niệm Phật đối với tôi chẳng qua chỉ là một phương thức cung kính lễ Phật, chứ không hề có cảm giác liên hệ đến tâm linh một cách chân chính. Giờ đây, khi niệm Phật, tôi thực sự cảm thấy mình giống đứa trẻ đi lạc đường, dốc hết sức mình mà thành tâm cầu mong Phật A Di Đà, người cha từ bi, soi đường dẫn lối để tôi có thể về đến nhà ở thế giới Cực Lạc. Tôi cũng hy vọng có thể chia sẻ kinh nghiệm của lần tham gia Phật thất này, đồng thời cũng trân trọng gửi lời cảm ơn đến tất cả các vị pháp sư cùng các đạo hữu tại Tinh xá Hoa Nghiêm.

Chuyển dịch từ bài ‘Amitabha Extends His Hand to Rescue Me‘, Vajra Bodhi Sea Magazine số 448 tháng 1, 2011 trang 40-41.

Nguyễn Ngọc Trân

3 Yếu Tố Phải Có Khi Tu Tịnh Độ Và Cách Niệm Phật

3 Yếu Tố Phải Có Khi Tu Tịnh Độ Và Cách Niệm PhậtMuốn được vãng sanh phải đủ 3 yếu tố: Tín, Hạnh, Nguyện như đảnh 3 chân thiếu 1 tất ngã.

TÍN: Là tin có: tự, tha, nhơn, quả, sự và lý.

HẠNH: Là chấp trì danh hiệu Phật cho được “nhất tâm bất loạn”.

NGUYỆN: Là quyết muốn thoát khỏi cõi Ta-Bà, cầu sanh về nước Cực-Lạc.

Dưới đây là đại khái 6 lối tin về Tịnh-Độ.

Tin tự: Tin chắc rằng mình có Phật tánh sáng suốt, đủ vô lượng công đức. Nếu mình cố công lo niệm Phật thì quyết có thể chứng ngộ được.

Tin tha: Công nhận rằng lời dạy của Đức Phật Thích-Ca không luống dối; Đức Phật A-Di-Đà luôn luôn nhiếp thọ tùy theo cơ cảm của mình mà ứng.

Tin nhơn: Đinh ninh công hạnh niệm Phật hiện tại của mình có năng lực giải thoát.

Tin quả: Tin chắc ở chín phẩm sen vàng là nơi sẽ về của ta sau này.

Về được đó thì dù hạng nào cũng không thối chuyển.

Tin sự: Xác nhận ngoài cõi Ta-Bà có một cõi Cực-Lạc đúng như lời Phật nói.

Tin lý: Tin tự tâm ta cũng tức là Tịnh-Độ, nếu một khi nó đã được trong sạch.

Sự và ly viên dung không tách biệt.

Tóm lại, không tin thì thôi, nếu có tin cần phải tin sâu, tin chắc, và tin rồi phải thực hành.

HẠNH: Là thực hành, phải cho kiên nhẫn và đúng pháp.

Kế đây là bài dịch ý của mấy vần thơ mà Tổ Đức Nhuận đã bàn về sự niệm Phật để giúp vào một phần nào cho sự thực hành ấy được đúng.

Xét ra niệm Phật dễ mà không
Ý, khẩu buông lung giữ chẳng đồng.
Miệng niệm Di-Đà tâm toán loạn.
Dầu cho bể cổ vẫn là không.

Ấy đó, niệm Phật cốt phải giữ tâm và miệng đi đôi, nghĩa là miệng niệm thì tai phải nghe, tâm phải chú ý nghĩ nhớ Phật và nhất là tâm ý phải không tán loạn, không nghĩ xằng xiêng mới có hiệu quả.

Đây là bước thứ nhất của sự niệm Phật, nếu ai chưa được mà vội trách móc, vội ngã lòng rằng sao niệm hoài mà không thấy gì hết, rằng sao càng niệm chừng nào càng rối rắm chừng nấy v.v… thì thiệt là một điều oan uổng và đáng tiếc !

Để giúp sự niệm Phật được dễ dàng tôi xin nêu ra đây những bí quyết thành công của Ngài Giác Minh Diệu Hạnh đã dạy mà Thượng Tọa Trí Tịnh đã lược giải trong quyển “Đường về Cực-Lạc”:

Ðiều kiện thứ nhứt, trong lúc niệm, phải rành rẽ rõ ràng.

Rành rẽ là chữ câu ràng rẽ không lộn lạo, mù mờ. Rõ ràng, là tiếng nói rõ ràng, không trại tiếng.

Ðiều kiện thứ hai, tiếng phải hiệp với tâm, tâm phải duyên theo tiếng, tâm và tiếng hiệp khắn với nhau.

Ðiều kiện thứ ba, phải chí thành tha thiết, với đức Từ Phụ, lòng ta như con thơ nhớ mẹ, với cõi Cực Lạc lòng ta như viễn khách tưởng cố hương.

Ðiều kiện thứ tư, không cho xen lộn một mảy tưởng niệm thế xự; nghĩa là phải luôn nhiếp tâm trụ nơi tiếng niệm Phật, không xao lãng. Nếu lỡ xao lãng phải liền nhiếp thâu lại.

Với trường hợp đây, chú tâm nhận chắc lấy tiếng của mình niệm là công hiệu nhứt.

Trong quyển Niệm Phật Luận ngài Đạm Hư Đại lão Pháp sư đã nói:
Một khi niệm câu A-Di-Đà Phật được tương ứng, liền đó hành giả được 6 căn thanh tịnh. Vì:

1/ Mắt thường nhìn Phật thì nhãn căn thanh tịnh.
2/ Tai nghe tiếng niệm của mình và của đại chúng thì nhĩ căn thanh tịnh.
3/ Mũi nghe biết hương thơm của nhang, trầm thì tỷ căn thanh tịnh.
4/ Lưỡi cử động để niệm Phật thì thiệt căn thanh tịnh.
5/ Thân ở trong đạo tràng mà lạy Phật thì thân căn thanh tịnh.
6/ Trong khi niệm, lạy, tâm thường tưởng Phật thì ý căn thanh tịnh.

NGUYỆN: Nguyện phải cho thiết tha, cho quyết định.

Chúng ta có thể lựa một trong các bài văn phát nguyện rồi học thuộc lòng, để trước khi lên giường ngồi xếp bằng hướng về Tây-Phương phát nguyện xong sẽ nằm ngủ.

Hoặc những vị kém trí nhớ hằng ngày phát nguyện TRÌ-DANH NIỆM-PHẬT – Niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật, đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm, ăn cũng niệm, làm việc cũng niệm, cho đến những chỗ không sạch sẽ cũng đều niệm được cả (nhớ những lúc này niệm thầm, vì niệm lớn sanh tội bất kính).

Niệm từ buổi mai khi mới thức dậy, cho đến buổi tối, cả ngày niệm không xen hở. Khi gần đi ngủ, ngồi xếp bằng, bán già, hay kiết già, chắp tay mà nguyện rằng: Con tin lời của Đức Phật A-Di-Đà, giữ một lòng niệm danh hiệu Phật, nguyện đời này bao nhiêu tội chướng thảy đều tiêu sạch, đến khi lâm chung được Phật và các vị Bồ-Tát, đến tiếp dẫn chúng con về Cực-Lạc.

Trích An Dưỡng Tập và Phật-Học phổ-thông
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm biên khảo từ nhiều tác giả khác.

Nên Ăn Chay Hay Không Ăn Chay?

Nên Ăn Chay Hay Không Ăn Chay?Thuở ban sơ khi Phật còn tại thế, Ngài chủ trương con người nên ăn chay chứ không bắt buộc người ta phải ăn chay. Vì sao? Bởi có số người rất thích mùi vị thơm ngon, nếu Ngài kiên quyết bắt họ phải ăn chay thì e là họ sẽ không dám xuất gia. Nhân vì lúc bấy giờ có một số đệ tử của Phật thích ăn thịt mà Ngài cũng không nói gì. Người xuất gia là đi khất thực theo thứ lớp tuần tự. Người không ham ăn thì sẽ nói: “Người ta cúng dường thứ gì thì mình ăn thứ đó.” Còn người tham ăn thì có sự lựa chọn hơn.

Rốt cuộc thì ăn thịt và không ăn thịt đọc tiếp ➝

Dù Người Muốn Giết Mình Cũng Không Nên Có Tâm Sân Hận

Dù Người Muốn Giết Mình Cũng Không Nên Có Tâm Sân HậnQuý vị nên biết rằng Sư Phụ nầy của quý vị rất nghiêm khắc, chứ không ngọt ngào gì đâu. Có lúc tôi nghiêm khắc đến nỗi đệ tử tôi phải chảy cả nước mắt, nước mũi nữa đó. Nay tôi xin kể cho quý vị biết là tôi làm sao mà học được cái tánh như thế.

Khi mười sáu tuổi, tôi đã bắt đầu giảng kinh Kim Cang. Trong kinh có nói về một vị tiên nhẫn nhục, vị nầy dù bị vua Ca Lợi chặt đứt cả tứ chi mà vẫn không hề sanh tâm sân hận. Sau khi đọc câu chuyện đó, tôi bèn phát nguyện học theo và một lòng nhất tâm tu pháp môn nhẫn nhục.

Tôi biết tánh mình bẩm sinh là nóng nảy và cang cường bướng bỉnh. Cho nên tôi phải tu pháp môn nhẫn nhục là thích hợp nhất. Nhưng một khi tôi hạ quyết tâm, thì bao nhiêu khảo nghiệm thử thách từ bốn phương tám hướng ào ào kéo tới. Có người xưa nay chưa từng mắng tôi, giờ nầy cũng mắng tôi; người vốn chưa hề đánh tôi, giờ đây cũng đánh tôi. Bạn bè trước đây vốn đối xử với tôi rất tốt, kết quả lại chuyên môn công kích tôi. Thế nên tôi tự xét rằng: “Mình giảng kinh Kim Cang cho người ta, trong kinh có nói về ông tiên nhẫn nhục bị cắt đứt cả tay chân mà không sanh lòng sân hận. Hiện nay những người nầy chỉ chửi mắng mình, công kích mình, chớ họ chưa đến đổi chặt đứt tay chân của mình, nếu mình không thể nhẫn nhục thì làm sao mình còn giảng được kinh Kim Cang nữa đây?”

Vì thế tôi bèn hạ quyết tâm là phải nhẫn nhục. Bất luận những ai đối với tôi không tốt, thậm chí là họ muốn hại tôi, tôi cũng đều nhịn nhục hết. Kết quả là tôi không bị cảnh giới bên ngoài làm dao động. Kỳ thật những người nầy không phải muốn đến hại tôi, mà trái lại họ giáo hóa tôi, xem tôi có chịu nổi mấy thứ khảo nghiệm đó không. Ai mắng tôi thì tôi hướng về người đó khấu đầu đảnh lễ. Có ai đánh tôi thì tôi ngủ ngay một giấc cho họ xem. Lúc còn ở nhà, tôi vẫn thường thường bị mấy thứ như thế đả kích. Nhưng sau khi xuất gia, các bậc thiện tri thức cũng lại tới lui không dứt. Ôi thôi những vị xuất gia trước sau, tả hữu bao quanh bên tôi, chẳng một ai xem tôi ra gì. Họ đều coi tôi như cái gai trước mắt, đều muốn ức hiếp tôi. Có ông thầy khi thấy tôi thắp hương bèn mắng lớn: “Chú mà xuất gia cái gì? Thắp một cây nhang cũng không biết. Thật là đần độn! Còn dám nói tới xuất gia nữa sao!”

Lúc bấy giờ tôi nghĩ rằng: “A! Khảo nghiệm lại đến nữa rồi. Tiên nhân nhẫn nhục bị vua Ca Lợi chặt đứt tay chân mà không sân hận. Còn hiện nay mình chưa bị như thế mà. Được rồi! Thì cứ khấu đầu đảnh lễ ông ta!” Thế là tôi đến trước mặt thầy đó khấu đầu cúi lạy để cám ơn ông ta đã giúp đỡ tôi. Lúc bấy giờ, bất luận là những bậc “thiện tri thức” xuất gia hay tại gia, họ đã không ngừng đến giúp đỡ tôi như thế, nhưng lòng tôi đối với họ vẫn không một mảy may sân hận. Mỗi lần như vậy, tôi đều hồi quang phản chiếu: “Nhất định là lúc xa xưa mình đã không hề giúp họ, trái lại hôm nay họ lại giúp mình, vậy mình phải cảm tạ họ mới phải chớ!”

Bây giờ các vị đã hiểu rõ chưa? Sư Phụ của quý vị là ông thầy như thế đó. Là ông thầy chuyên môn tu hạnh nhẫn nhục, chuyên môn bị người ta ức hiếp. Tôi chuyên môn nhẫn nhịn những cái người ta không thể nhẫn, nhường những cái người ta không thể nhường. Con người như vậy thì có lợi lộc gì? Nhưng quý vị đã quá bất hạnh, vì gặp phải một người chẳng có ích lợi. Vậy sao quý vị vẫn còn muốn học tập theo cái ông Sư Phụ ngu si nầy? Nhưng khi quý vị đã theo tôi rồi, tôi cũng không thể không kể lại chuyện quá khứ từng trải của tôi, là tôi đã đến từ con đường tu hạnh nhẫn nhục đó.

Quý vị học Phật, không nên nghe cho nhiều Phật Pháp rồi lại không chịu thực hành, mà hãy nên cung hành một cách thực tiễn. Quý vị nên tự bản thân y chiếu và cố gắng áp dụng theo những điều răn dạy của đức Phật.

Chúa Giê-Su đề xướng chủ thuyết “Ái địch” là yêu thương kẻ thù địch. Đối với người không tốt với ta, thì ta lại càng phải yêu thương người đó.

Còn Phật giáo chủ trương “Oán thân bình đẳng,” là dù thân hay thù, mình cũng đều xem như nhau. Lòng nhân từ của chúng ta đối với ai cũng nên bình đẳng, không phân biệt thân sơ, khinh trọng. Nếu người học Phật không thể thực sự hành theo, thế thì học đến bao giờ cũng chỉ là học cạn cợt bên ngoài, chứ không thể nào đạt được sự lợi ích chân thật!

Hãy nhớ kỹ! Nhớ kỹ! Bước đầu học Phật nhất định là phải tu nhẫn nhục! Cứ kể như là có người muốn giết mình, mình cũng không nên có tâm sân hận. Thậm chí là nếu so với chỗ tu hành của ông tiên nhẫn nhục, chúng ta lại càng phải tiến hơn một bước. Nhưng đó cũng không phải có ý nói: “Ông tiên tu nhẫn nhục bị chặt đứt tay chân mà không khởi tâm sân hận, vậy bây giờ anh có thể chặt thân thể của tôi đi, tôi cũng không sân hận đâu!” Đó là bắt chước người ta, chứ không phải là từ ý của mình, như vậy là bị hạng nhì rồi. Không những tay chân mình dù có bị chặt, mình chẳng giận hờn, thậm chí nếu thân bị bằm tan xương thịt nát, mình cũng không nên sân hận! Bởi vậy khi có người phỉ báng tôi, hoặc giả đối xử không tốt với tôi, tôi cũng chẳng giận hờn.

Trích Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị Quyển 6
Giảng ngày 1 tháng 12 năm 1990

Sự Tai Hại Nhất Trên Đời Là Ái Tình Sâu Đậm

Sự Tai Hại Nhất Trên Đời Là Ái Tình Sâu ĐậmTình Ái và Dục Vọng là Tảng Ðá Buộc Chân Người Tu Ðạo. Cho đến hơi thở cuối cùng, cũng nên đối xử tốt với mọi người, nhưng đừng để tình ái xen vào.

Trong nghiệp sinh tử, tình ái và dục vọng là gốc chướng Ðạo. Là người tu Ðạo, bất luận đối với người hoặc đồ vật, nếu sinh ra lòng ái dục thì sẽ chướng ngại sự tu hành, làm mình không phát triển được. Nói một cách rõ ràng hơn, ái dục là sinh tử, sinh tử chính là ái dục. Ái dục là nguồn gốc của sinh tử. Nếu không phá vỡ tình ái dục vọng vô minh, thì mình sẽ không thể ra khỏi biển lớn sinh tử. Làm sao để thoát sinh tử? Rất giản dị, chỉ cần “đoạn dục khử ái,” nghĩa là dứt dục vọng, trừ ái tình, chẳng cách nào khác hơn.

Người tu Ðạo đừng nên suy nghĩ về tình ái dâm dục, càng không nên có hành vi yêu đương. Ðối với bất cứ người nào, không nên sinh lòng yêu đương; hễ có lòng yêu đương thì gốc khổ không thể tránh được; vì có lòng yêu đương thì khó thoát vòng sinh tử.

Có người nói: “Con người là động vật có tình cảm, chuyện ăn uống và dâm dục là việc tự nhiên.” Chính bởi vì nhân duyên đó, nên cần phải tu Ðạo. Trong Kinh Tứ-Thập-Nhị-Chương có dạy rằng:

Mình xem những người già như mẹ mình, những người lớn tuổi như chị, những cô trẻ là em và những đứa nhỏ là con. Hãy Sinh ra lòng độ thoát họ và diệt trừ những niệm ác.

Là kẻ tu đạo mình phải luôn luôn quán tưởng như vậy. Nếu quả không có ái, phải chăng khi gặp người khác mình cứ ngậm miệng chẳng để ý đến họ? Không đúng! Mình không chấp trước vào tình ái, không sinh lòng yêu đương, nhưng không sinh ra lòng ruồng ghét kẻ khác, cũng không thể nói rằng: “Bởi vì tôi không thương người ta nên tôi phải ghét họ.” Ðó là điều sai lầm. Như vậy thì thế nào là đúng? Tức là không thương mà cũng chẳng ghét ai. Không thương, không ghét chính là Trung-đạo.

Tu hành là tu cái gì? Chính là tu pháp Trung-đạo. Ðối đãi với người mình luôn luôn bình đẳng, dùng tâm từ bi; nhưng phải luôn cẩn thận, chớ để rớt vào cạm bẫy ái tình.

Quý-vị nên chú ý! Ðừng nên bị tình ái làm cho mê hoặc. Nếu có người gởi cho quý-vị phong thơ tình, quý-vị cảm thấy lòng mình vui mừng, giống như có con thỏ nhảy nhót, con tim hết sức hoan hỉ, cho rằng hễ có kẻ yêu mình, là chuyện tốt. Sự thật là người yêu quý-vị chỉ muốn kéo quý-vị đọa lạc mà thôi.

Quý-vị thiện-tri-thức nên tựa vào chỗ này mà dụng công phu, phải thật sự hiểu rằng: “Ái tình là thứ phiền hà vô cùng.” Từ vô lượng kiếp tới nay, sở dĩ sanh tử không thể chấm dứt được là vì sao? Chính là bị hai chữ “ái tình” làm hại. Nếu như mình có thể “đoạn dục khử ái” thì mới có thể siêu thoát Tam-giới, không còn sanh tử nữa.

Thứ mình thích thì mình yêu, không thích thì ghét bỏ. Hễ khi thích, tức là mình đã sinh lòng yêu thương. Hễ khi ghét lòng mình sinh ra sự ghét hận. Cả hai thứ, yêu, ghét đều là do tình cảm mà có. Người tu hành xử lý sự việc không dựa vào tình cảm. Tuy nhiên cũng không thể giống như ông Quan Công, ngồi chễm chệ trên bàn xử lý, người ta đảnh lễ, ông cũng không thèm nhìn tới. Ðối với người, mình phải có sự hòa nhã, lễ độ, không nên cống cao, ngạo mạn, coi thường kẻ khác.

Tóm lại, đối với người khác mình phải có lòng từ bi, tìm phương tiện giúp đỡ họ. Lúc nào cũng nên nghĩ đến người khác và khiến họ sinh lòng hoan hỉ. Cho đến hơi thở cuối cùng, cũng nên đối xử tốt với mọi người, nhưng đừng để tình ái xen vào. Các vị nhớ lấy! Ðó là pháp môn vô cùng trọng yếu.

Sự tai hại nhất trên đời là ái tình sâu đậm. Việc cao thượng nhất là tu đạo thanh tịnh.

Quý-vị xem gốc cây nầy gồm có hai nhánh, song đôi hợp thành một, nhánh trên nhánh dưới kết hợp với nhau, quý-vị biết đó là gì không? Ðây là do vô lượng kiếp về trước có một đôi nam nữ thương yêu nhau rất sâu đậm. Hai người đó phát nguyện rằng: “Tại thiên, nguyện tác tỷ dực điểu. Tại địa, nguyện vị liên lý chi.” Nghĩa là nếu sinh lên trời thì làm đôi uyên ương hai cánh liền nhau, nếu sinh dưới đất thì nguyện làm gốc cây liền cành. Ðôi nam nữ nầy rất chung tình, nên kết làm vợ chồng. Cả hai người có một sở thích giống nhau, đó là: ham tiền. Người đàn ông thì thí mạng để kiếm tiền, người đàn bà thì thích phung phí tiền, cho nên có qua có lại hết sức hợp tình hợp ý.

Tuy nhiên, bởi vì yêu nhau quá đậm đà nên tạo ra tội nghiệp cũng hết sức sâu dầy. Ðời đời kiếp kiếp sinh ra trầm luân, đọa lạc vào đường súc sanh, trở thành ngạ quỷ, cuối cùng đọa địa ngục. Ðến nay đôi vợ chồng nầy biến thành thảo mộc. Gốc cây nầy đáng lẽ gồm có hai nhánh, nhưng nó lại sinh trưởng cùng một chỗ, nên mãi mãi ràng buộc với nhau không xa lìa. Quý-vị thấy không, nhánh bên trái bao quanh lấy nhánh bên phải, nhánh bên phải cũng nhào sang ôm lấy nhánh bên trái, giống như đàn ông đàn bà hai người ôm nhau vậy. Ðó mới thấy rằng đôi nam nữ nầy tập khí ái tình si mê, hạ liệt bao kiếp rất sâu đậm. Ngày nay chúng thành loại thảo mộc mà cũng không bỏ được lòng si ái đó. Ở giữa hai gốc nầy có một cục đá, mà hai người nầy quý như châu báu. Cục đá đó là gì? Nguyên lai nó là trương mục ngân hàng của hai vị đó trong tiền kiếp.

Mấy năm trước có lần chúng tôi vào thành thuyết Pháp. Khi đi ngang qua bờ sông thấy gốc cây nầy, liền nhặt đem về. Quý-vị nhìn xem: đầu gốc cây nầy bị chặt đứt, rễ cũng bị chặt mất luôn, lộ ra hai nhánh rất khô cằn, song hai nhánh cây nầy vẫn triền miên ôm chặt lấy nhau. Quý-vị không thấy đó đáng thương xót sao?

Như vậy đủ thấy rằng tình yêu càng sâu đậm thì càng nguy hiểm. Ðây không phải là chuyện nói chơi nói giỡn đâu. Có người trong bụng nghĩ rằng: “Thầy ơi! Thầy nói Pháp này tôi không thể tin được, bởi vì nó không có chứng minh, không hợp lý. Ðại khái Thầy muốn dọa con nít, nói lời chiêm bao thôi.” Tin hay không là do quý-vị, tôi không có cách nào làm quý-vị tin được bởi vì đây là Pháp rất khó nói, khó thuyết. Người đã mê luyến ái thì dù mình có nói cách nào đi nữa họ vẫn không thức tỉnh, không chấp nhận được. Sự tai hại nhất trên đời là ái tình sâu đậm. Việc cao thượng nhất là tu đạo thanh tịnh. Không phải người ta không biết lý ấy; biết nhưng cố phạm là vì chẳng cách gì dứt bỏ thói quen đã làm trong nhiều kiếp trước.

Tục ngữ Trung Hoa có câu rằng: “Khi tay đã cầm cây củi khô rồi, thì y khó chịu bỏ ra để đổi lấy cành hoa.” Ðó là muốn ví dụ những người luôn luôn chấp trước vào tình yêu. Nếu mình nói với họ rằng, hãy bỏ đi những thứ luyến ái đó để tu Ðạo là điều quý hơn, chắc chắn họ sẽ cố chấp không muốn quay đầu lại. Rằng:

Thiên vũ tuy khoan, nan nhuận vô căn chi thảo.
Phật môn tuy quảng, nan độ bất tín chi nhân.

Nghĩa là:

Trời mưa rưới nước khắp nơi, song khó tươi nhuận cây cỏ không gốc.
Cửa Phật tuy rộng thênh thang, mà vẫn khó độ kẻ chẳng lòng tin.

Tôi đã bảo tồn gốc cây nầy lâu năm rồi. Có nhiều người tôi không muốn cho họ thấy bởi vì có nói pháp nầy cho họ, họ cũng chẳng tin. Tôi phải chờ cho thời điểm chín mùi rồi tôi mới nói. Ngày 24 tháng 10, quý-vị từ khắp nơi xa xôi đến đây để triều bái, tôi đem gốc cây nầy ra Vạn Phật Ðiện. Tuy nhiên cho đến ba tuần sau tôi mới nói là vì nếu không nói thì e chẳng còn thời gian nữa; nên bất kể là quý-vị có tin hay không, tôi cứ kể nhân duyên của gốc cây nầy cho quý-vị nghe.

Trích Khai Thị Về Ái Dục
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Chú thích hình trên: Hai gốc cây hiện được lưu giữ tại Vô Ngôn Đường Vạn Phật Thánh Thành

 

Ðức Phật dạy: “Trong các thứ ái dục, không gì đáng ngại bằng sắc dục. Lòng ham thích sắc đẹp to lớn không gì sánh bằng. May thay, chỉ có một mình nó mà thôi. Nếu có hai thứ như thế thì khắp thiên hạ không ai có thể tu Ðạo được cả!”

Kinh Phật Nói Bốn Mươi Hai Chương – Chương 24