Chết Ta Đi Về Đâu?

Tùy theo nghiệp nhân con người đã gây tạo trong qúa khứ có sai khác, mà đến khi lâm chung mỗi người hấp hối đều có những biểu hiện lâm chung khác nhau. Hoặc có người biết trước giờ chết vui vẻ niệm Phật mà chết, hoặc có người đầy sự thảng thốt, run sợ… thậm chí có người khi sắp chết đã có những tướng biểu hiện của các cảnh giới Ngạ quỷ, Súc sanh… Như thế tuỳ theo nghiệp nhân thiện hay ác mà con người sắp chết có những biểu hiện lâm chung khổ đau hay hạnh phúc để rồi tái sanh về cảnh giới lành hay dữ. Chung quy, cảnh giới mà con người tái sanh là cảnh giới tương ưng với sự khao khát và thoả mãn tự thân của mỗi người.

CÁC CẢNH GIỚI TÁI SANH

A. DẪN NHẬP:

Tựu trung các cảnh giới mà con người sẽ tái sanh vào là cảnh giới gì ? Do động lực căn bản nào dẫn dắt thần thức con người đi tái sanh? Sự thọ dụng khổ đau hay hạnh phúc của từng cảnh giới ra sao? Nỗi bình an hay hốt hoảng để tương ứng với từng cảnh giới chuẩn bị tái sanh của con người như thế nào? Các yếu tố cần và đủ để biện minh về sự hình thành một cảnh giới là yếu tố gì? Đó là những vấn đề mà người Phật tử chúng ta không thể không biết.

B. CHÁNH ĐỀ

I. NGHIỆP VÀ CÁC CẢNH GIỚI TÁI SANH

1. Nghiệp – Nhân tố quyết định cho sự tái sanh:

Theo quan điểm đạo Phật con người sau khi chết không phải là mất hẳn, đó chỉ là một trạng thái biến dạng của nghiệp thức. Thể xác phân tán nhưng phần tâm thức tiếp tục cuộc truy cầu trong sự khao khát được thoả mãn về đối tượng ( cảnh giới) tương ứng. Và cứ như thế con người chúng ta khi chưa đạt đến Thánh vị, thì mãi luẩn quẩn trong cuộc rượt bóng bắt hình nơi trò chơi luân hồi huyễn mộng hư hư thực thực này.

Ai là tác giả của cuộc chơi hư hư thực thực này ? Đó chính là nghiệp- là nguyên động lực dẫn dắt con người đi vào tái sanh trong các cảnh giới luân hồi. Nghiệp là những hành động có tác ý, từ nghiệp tạo thành sức mạnh của nghiệp hay còn gọi là nghiệp lực. Nghiệp lực chi phối tái sanh của con người qua một trong bốn loại sau:

a. Cực trọng nghiệp : Nghĩa là những hành động trọng yếu hay là những hành nghiệp nhân cực trọng. Nếu Cực trọng nghiệp thuộc về loại bất thiện đó là những nghiệp như : Ngũ nghịch, Thập ác. Bằng như Cực trọng nghiệp thuộc về loại thiện đó là những nghiệp như: Người chứng đắc các quả vị tứ thiền sắc giới trở lên.

b. Tập quán nghiệp: Còn gọi là Thường nghiệp. Tập quán nghiệp là những việc làm, lời nói hàng ngày chúng ta hay làm và thường nhớ đến ưa thích hơn hết. Những thói quen lành hay dữ dần dần uốn nắn tạo thành bản chất của con người. Ngay trong lúc vô thức đôi lúc nó vẫn hiện khởi. Trong các loại nghiệp thì nghiệp này đóng vai trò rất quan trọng.

c. Tích lũy nghiệp: Đời sống của con người hôm nay là sự tích góp bởi vô số các nghiệp từ trong quá khứ đã tạo. Trong sự luân hồi bất tận con người ai cũng đã tích luỹ cho mình một số lượng lớn tài sản nghiệp. Như thế, Tích luỹ nghiệp là những nghiệp do tích luỹ nhiều đời. Nghiệp này có công năng dẫn dắt con người đi tái sanh, khi ba loại nghiệp trên vắng mặt.

d. Cận tử nghiệp: là nghiệp nhân sau cùng con người nhớ tưởng lúc lâm chung. Tâm niệm sau cùng của con người nếu là niệm ác tức sẽ tái sanh vào một trong các cảnh khổ. Tâm niệm sau cùng của con người nếu là niệm thiện tức sẽ tái sanh vào một trong các cảnh giới lành, đây gọi là Cận tử nghiệp.

Khi con người lâm chung, nếu không có Cực trọng nghiệp hay Tập quán nghiệp nào làm động cơ cho sự thúc đẩy tái sanh thì Cận tử nghiệp sẽ dẫn dắt con người thọ sanh. Hoặc nếu không có cả ba loại nghiệp kể trên thì Tích luỹ nghiệp sẽ dẫn dắt con người tái sanh.

2. Các cảnh giới tái sanh:

Trong vũ trụ mênh mông có tất cả mười cảnh giới mà tuỳ theo nghiệp lực của mỗi người tạo ra, tương ứng để tái sanh vào một trong mười cảnh giới đó. Mười cảnh giới đó bao gồm bốn cảnh giới Thánh và sáu cảnh giới phàm.

Thần thức con người sau khi chết sẽ có hai tình huống xảy ra. Nếu người nào có công phu tu hành đạt đến được cảnh giới nghiệp sạch tình không, tuỳ mức đoạn vô minh vi tế có sâu hay cạn hoặc dứt sạch mà sanh về một trong bốn cảnh giới Thánh là Phật, Bồ Tát, Duyên giác và Thanh Văn. Hoặc như người nào tuy tu hành nhưng chưa đoạn được phiền não, chưa đạt đến cảnh giới nghiệp sạch tình không…nhưng do tâm nguyện khẩn thiết cầu sanh thế giới Cực lạc và thường trì Thánh hiệu Phật A Di Đà, người đó cũng được thoát ly sanh tử, khi lâm chung được vãng sanh về thế giới Tịnh độ của chư Phật, lần hồi tiến tu cho đến ngày thành Phật.

Còn bằng người nào còn nghiệp sau khi chết đều phải tái sanh vào một trong sáu cảnh giới luân hồi. Tuỳ theo nghiệp nhân quả của mỗi con người có sai khác mà họ phải sanh vào cảnh giới khổ đau hay hạnh phúc. Sáu cảnh giới mà con người phải luân hồi qua lại đó là: Thiên đạo, Nhân đạo, replica rolex for sale A tu la đạo, Súc sanh đạo, Ngạ quỷ đạo và Điạ ngục đạo. Trong đó hai cảnh giới đầu là cảnh giới thiện đạo đây là cảnh giới hạnh phúc, bốn cảnh giới sau là cảnh giới ác đạo là cảnh giới khổ đau. Chung quy, con người trong dòng sống bất tận, phần nhiều vì vô minh che lấp tạo ra các nghiệp lành hay dữ rồi phải tùy theo nghiệp lành hay dữ mà tái sanh vào một trong sáu cảnh giới luân hồi.

II. Luân hồi trong lục đạo

Trong phạm vi bài viết chúng tôi xin trình bày giản lược về cảnh giới thọ dụng và nghiệp nhân tái sanh, biểu hiện lâm chung… trong sáu cảnh giới luân hồi và cảnh giới Tịnh độ mà thôi. Nơi cảnh giới Tịnh độ chúng tôi triển khai về cảnh giới Tây phương Tịnh độ (thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà) làm đại biểu.

1. Sanh về ác đạo

a. Địa ngục đạo:

Địa ngục tiếng phạn là Nại lạc ca, có nghĩa là Khổ cụ, Phi đạo, Ác nhân… Địa ngục là cảnh giới trong đó không có hạnh phúc, nơi có đầy đủ muôn vàn sự khổ đau mà những người tạo ác nghiệp phải sanh về để trả lại những nghiệp nhân bất thiện trong quá khứ.

a.1 Cảnh giới thọ dụng:

* Khổ lạc thọ dụng:

Chúng sanh ở cảnh địa ngục phải chịu sự thống khổ vô cùng, như trong kinh Địa tạng có dạy: Chúng sanh ở cõi này, một ngày một đêm trải qua trăm vạn lần chết đi sống lại để chịu các khổ báo như ăn hoàn sắt nóng, uống nước đồng sôi, bị kéo lưỡi cho trâu cày…

* Ẩm thực thọ dụng:

Chúng sanh ở cảnh dịa ngục đều dùng thức thực mà duy trì thân. Loại này cũng có thọ dụng phần đoạn thực vi tế, tạng phủ có hơi gió thoảng động, do nhân duyên này mà được sống lâu.

* Dục nhiễm thọ dụng:

Chúng sanh ở cảnh địa ngục không có hành dâm, vì bị quá nhiều sự hình phạt đau khổ.

a.2 Nghiệp nhân và biểu hiện lâm chung:

* Nghiệp sanh tái sanh:

Người nào hiện đời bất tín Tam bảo, tạo các nghiệp cực ác như ngũ nghịch, thập ác… sau khi chết sẽ đoạ vào cảnh giới khổ đau này.

* Biểu hiện lâm chung:

Nếu ai lâm chung, đoạ vào cảnh giới địa ngục sẽ có những biểu hiện sau:

– Nhìn ngó thân quyến với con mắt ghét giận.

– Đi đại tiện, tiểu tiện mà không hay biết.

– Nằm úp mặt hoặc che dấu mặt.

– Thân hình và miệng mồm đều hôi hám.

– Cơ thể co lại, tay chân bên trái chấm xuống đất.

b. Ngạ quỷ đạo:

Ngạ quỷ tiếng phạn Preta, Ngạ là đói khát, Quỷ là khiếp sợ. Ngạ quỷ là chỉ những chúng sanh thường xuyên bị nạn đói khát và khiếp sợ đe dọa đời sống. Thân tướng Ngạ quỷ có nhiều hình thù rất xấu xa, mắt thường con người không thể thấy được. Ngạ quỷ không có một cảnh giới riêng biệt, mà sống trong rừng bụi, ở những nơi dơ bẩn…

b.1 Cảnh giới thọ dụng :

* Khổ lạc thọ dụng:

Chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ chịu nhiều phần khổ não về sự đói khát chỉ có chút ít phần vui. Đại để loài Ngạ quỷ phân thành ba loại là: Quỷ đa tài, hạng Quỷ này do đời trước có tu phước nên hiện đời được ăn uống sung mãn có đầy đủ thần lực; loại thứ hai là Quỷ thiếu tài, hạng Quỷ này đời trước tuy có tu phước nhưng không nhiều, nên hiện đời tuy có đủ vật ăn uống nhưng không được như ý và thần lực kém cỏi; loại thứ ba là Quỷ Hy tự, hạng Quỷ này bụng to như cái trống cổ nhỏ như cây kim, bởi do đời trước tham lam bỏn xẻn, nên hiện đời luôn phải chịu cảnh đói khát liên tục…

* Ẩm thực thọ dụng:

Chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ đều dùng thô đoạn thực, tức ăn uống những vật thực như con người. Có điều, loài Ngạ quỷ Hy tự ( Quỷ kém phước) chỉ ăn thuần đồ bất tịnh. Loài Ngạ quỷ này khi thấy nước hay thức ăn thì những vật này đều hoá thành máu lửa và cát sạn.

* Dục nhiễm thọ dụng:

Chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ do vì có khổ vui xen lộn nên có sự dâm dục.Ở cõi này khi hai giống giao hợp, trong tâm khoái lạc tột độ liền có chất bất tịnh chảy ra.

b.2 Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung:

* Nghiệp nhân tái sanh:

Người nào hiện đời tạo những nghiệp ác cộng với tánh hay tham lam keo kiệt, không thích làm các việc lành bố thí, cúng dường…sau khi chết sẽ đọa vào cảnh giới đau khổ này.

* Biểu hiện khi lâm chung:

Nếu ai lâm chung đọa vào cảnh giới Ngạ quỷ sẽ có những biểu hiện sau :

– Thân nóng như lửa.

– Thường lo nghĩ đói khát, hay nói đến việc ăn uống.

– Không đại tiện nhưng đi tiểu tiện nhiều.

– Đầu gối bên phải lạnh trước.

– Tay bên phải nắm lại biểu hiện lòng bỏn xẻn.

c. Súc sanh đạo:

Súc sanh hay còn gọi là bàng sanh. Bàng sanh là loại chúng sanh có xương sống nằm ngang. Lại chữ bàng có nghĩa là “biến mãn” vì bàng sanh có nhiều chi loại và các cõi đều có loài này. Đây là cảnh giới thuần đau khổ, hình thù kỳ dị.

c.1 Cảnh giới thọ dụng :

* Khổ lạc thọ dụng:

Chúng sanh ở cảnh giới bàng sanh chịu nhiều phần khổ về ăn nuốt lẫn nhau, chỉ có chút ít phần vui. Chúng sanh ở cảnh này phải chịu nhiều sự đánh đập, cày bừa, bị banh da xẻo thịt và nấu nướng, bị người nhai nuốt… Nói chung, họ luôn sống trong tâm trạng si mê xen lẫn đầy nỗi sợ hãi.

* Ẩm thực thọ dụng :

Chúng sanh ở cảnh giới súc sanh đều dùng thô đoạn thực. Các loài rồng thường dùng rùa, cá, ếch, nhái… làm thức ăn, loài kim suý điểu dùng rồng làm thức ăn, những vị long vương có phước báo cũng thọ dụng các trân vị như hương phạn, cam lồ, nhưng miếng ăn sau cùng đều biến thành ếch nhái. Còn lại các loài bàng sanh khác đều ăn uống những vật bất tịnh.

* Dục nhiễm thọ dụng:

Chúng sanh ở cảnh giới Súc sanh, do vì có khổ vui xen lộn nên có sự hành dâm. Ở cõi này khi hai giống giao hợp, trong tâm khởi niệm khoái lạc tột độ liền có chất bất tịnh chảy ra.

c.2 Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung:

* Nghiệp duyên tái sanh:

Người nào hiện đời tạo các ác nghiệp cộng với tánh si mê, ngu độn…bướng bỉnh không nghe theo lời dạy của các bậc trưởng thượng, cố chấp không chịu sửa sai, sau khi chết đọa vào cảnh giới khổ đau này.

* Biểu hiện lâm chung:

Nếu ai lâm chung đoạ vào cảnh giới bàng sanh sẽ có những biểu hiện sau :

– Sanh lòng yêu mến vợ con đắm đuối không bỏ.

– Ngón tay và ngón chân đều co quắp.

– Ngu si mờ mịt như rơi vào mê sảng.

– Khắp trong thân mình đều toát mồ hôi.

– Tiếng nói khò khè miệng hay ngậm đồ ăn.

d. A tu la đạo

A tu la còn gọi là A tố lạc dịch là vô đoan chánh, phi thiên…. đây là hạng chúng sanh không bao giờ hớn hở tươi vui, đa số có hình tướng không được đoan chánh tâm luôn sân hận và hay sanh ái dục. A tu la có bốn bậc đó là Thiên A tu la, Nhân A tu la, Ngạ quỷ A tu la và Súc sanh A tu la.

d.1 Cảnh giới thọ dụng:

* Khổ lạc thọ dụng :

Chúng sanh ở cảnh giới A tu la thọ sự khổ vui xen tạp, hoặc nhiều hoặc ít tuỳ theo tội phước hơn kém của mỗi người. Nói chung, A tu la tuỳ theo ở cảnh giới nào thì có sự khổ lạc thọ dụng tương tự như ở cảnh giới đó, vì thế họ không có chủng loại và trụ xứ riêng biệt.

* Ẩm thực thọ dụng:

Chúng sanh ở cảnh giới A tu la thọ dụng có thô đoạn thực và tế đoạn thực. A tu la ở trong Súc sanh, Ngạ quỷ và cõi người dụng các vật bất tịnh. Riêng loài thiên A tu la dù có ăn các món ăn trân vị, song miếng sau cùng tự nhiên hóa ra bùn hay sâu nhái.

* Dục nhiễm thọ dụng :

Chúng sanh ở cảnh giới A tu la có sự hành dâm tương đồng như chúng sanh loài người, quỷ, bàng sanh.

d.2. Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung.

* Nghiệp nhân tái sanh :

Người nào hiện đời tuy có tu ngũ giới nhưng tâm còn nhiều sân hận và lòng dục nhiễm, sau khi chết sẽ đoạ vào cảnh giới khổ đau này.

* Biểu hiện lâm chung :

Có thể nói A tu la là một dạng khác của Ngạ quỷ, do vậy biểu hiện lâm chung của người nào sắp tái sanh về cảnh giới A tu la, thời có những biểu hiện như chúng sanh tái sanh về cảnh giới Ngạ quỷ.

Có điều, tại sao trong A tu la có thiên A tu la thế mà loại này vẫn xếp sau nhân đạo. Sở dĩ như thế do vì hạng A tu la ở cõi trời, do tâm sân hận và ái nhiễm của họ mà có sự việc kém hơn cõi người:

– Dù loài này có ăn các món ăn trân vị song miếng ăn sau cùng tự nhiên hoá thành bùn hay ếch nhái.

– Ở trong cõi trời mưa hoa hoặc châu báu, nơi cõi người mưa nước cõi A tu la mưa xuống những binh khí dao gậy.

– Loài người tâm điềm tĩnh nên dễ thực hành theo chánh pháp của Như lai, loài A tu la tâm sôi nỗi hơn thua nên khó tu đạo giải thoát.

2. Sanh về thiện đạo

a. Nhân đạo:

Nhân đạo là nẽo người. Nhân có nghĩa là nhẫn chỉ cho loài người khi gặp cảnh thuận nghịch đều có năng lực nhẫn nại an chịu với duyên phần. Chúng sanh ở cảnh giới này sự thọ hưởng có hạnh phúc lẫn đau khổ chứ không phải thuần khổ như bốn cảnh giới trước. Ở loài này có đầy đủ những thuận lợi để học và thực hành các giáo lý của đức Phật.

a.1 Cảnh giới thọ dụng :

* Khổ lạc thọ dụng :

Chúng sanh trong cảnh giới nhân đạo thọ sự khổ vui xen tạp, hoặc ít hoặc nhiều tuỳ theo nghiệp nhân mỗi người đã tạo ra. Nói chung, bên cạnh sự hạnh phúc đôi chút con người phải bị chi phối tám nỗi khổ lớn. Đó là : Sanh là khổ, bịnh là khổ, già là khổ, tử là khổ, cầu bất đắc là khổ, ái biệt ly là khổ, oán tắng hội là khổ và ngũ ấm xí thạnh là khổ.

* Ẩm thực thọ dụng :

Chúng sanh trong cảnh giới nhân đạo về ẩm thực thọ dụng có tế đoạn thực và thô đoạn thực. Tế đoạn thực là khi ở trong thai thọ dụng huyết phần của mẹ. Thô đoạn thực là ăn những thức ăn như: cơm, rau, cá, thịt… Nói rộng ra, các sự thọ dụng khác như: phòng nhà, chiếu, gối, tắm… cũng gọi là tế đoạn thực.

* Dục nhiễm thọ dụng :

Chúng sanh ở cảnh giới nhân đạo vì có sự khổ vui xen lộn nên có hành dâm. Sự hành dâm tương đồng như loài bàng sanh, quỷ, thần… khi hai thân khác giống giao hợp, trong tâm khởi niệm khoái lạc tột cùng, liền có chất bất tịnh chảy ra.

a.2 Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung:

* Nghiệp nhân tái sanh :

Người nào hiện đời có niềm tin kiên cố đối với Tam Bảo và giữ gìn năm giới cấm, có lòng nhân từ hiếu đạo, giúp đỡ yêu thương kẻ nghèo khó, phát tâm bố thí kẻ cúng dường… sau khi chết sẽ được tái sanh vào cảnh giới người.

* Biểu hiện lâm chung :

Nếu ai lâm chung được tái sanh vào cảnh giới nhân đạo sẽ có những biểu hiện sau :

– Khởi niệm lành sanh lòng hòa dịu ưa việc phước đức.

– Sanh lòng chánh tín thỉnh Tam Bảo đến đối diện quy y.

– Thấy bà con trông nom sanh lòng vui mừng.

– Tâm chánh trực không ưa dua nịnh.

– Dặn dò giao phó các công việc lại cho thân quyến rồi từ biệt ra đi.

b. Thiên đạo :

Thiên đạo là nẽo trời, chữ Thiên có nghĩa là thiên nhiên, tự nhiên, lại chữ thiên ở đây còn có bốn nghĩa ẩn: Tối thắng, tối thiên, tối lạc, tối tôn. Chúng sanh ở cảnh giới này thân tướng trang nghiêm hưởng phước lạc tự nhiên, sự ăn mặc thọ dụng đều tùy niệm hóa hiện.

b.1 Cảnh giới thọ dụng :

* Khổ lạc thọ dụng :

Chúng sanh ở cảnh giới này khổ ít vui nhiều. Chư thiên ở cõi dục thọ dụng nhiều phần vui, có ít phần khổ về sự suy não đoạ lạc. Chư thiên ở cõi sắc giới từ sơ thiền đến tam thiền lấy định cảnh làm vui, sự vui cùng cực duy ở cõi tam thiền. Từ tứ thiền cho đến chư thiên cõi vô sắc thì không có khổ lạc thọ.

* Ẩm thực thọ dụng :

Chư thiên ở cõi dục thọ dụng những trân vị như cam lồ, tô đà. Tuy nhiên, tuỳ theo phước báu của mỗi vị sai khác mà có vị thọ dụng đầy đủ có vị thọ dụng không đầy đủ, đồng thời mùi vị của thức ăn có sự hơn kém. Chư thiên ở cõi sắc giới thọ phần tư thực, dùng sự vui thiền định để nuôi sắc thân. Còn chư thiên ở cõi vô sắc thì chỉ có thức thực.

* Dục nhiễm thọ dụng :

Chúng sanh ở cảnh thiên đạo, chỉ có chư thiên ở dục giới là có sự hành dâm, còn chư thiên ở cõi sắc và vô sắc giới đều tu phạm hạnh không có dục nhiễm thọ dụng.

Thiên chúng ở dục giới khi gần gũi với nhau không có chảy ra chất bất tịnh, chỉ nơi căn môn có hơi gió nhẹ thổi ra dục niệm liền tiêu. Trời Tứ thiên vương và Đao lợi có sự giao cảm cũng như loài người. Trời Dạ ma nam nữ chỉ ôm nhau là đã thoả mãn dâm dục. Trời Đâu suất hai bên nắm tay nhau dục niệm liền tiêu. Trời Hoá lạc hai bên nam nữ chỉ chăm nhìn nhau cười là dục sự đầy đủ. Trời Tha hoá chư thiên chỉ liếc mắt nhau là đã xong rồi dục sự.

b.2 Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung :

* Nghiệp nhân tái sanh :

Người nào hiện đời tu Thập thiện và chứng đắc các thiền định, sau khi lâm chung sẽ được tái sanh về cảnh trời. Trong đó người nào thành tựu mười nghiệp lành, sẽ tái sanh về cảnh giới Dục giới, người nào tu mười nghiệp lành cọng với chứng đắc một trong bốn thiền định ( tứ thiền) sẽ tái sanh về cảnh trời Sắc giới, người nào tu mười nghiệp lành cọng với chứng đắc một trong bốn không định (tứ không) sẽ tái sanh về cảnh trời Vô sắc.

* Biểu hiện lâm chung :

Nếu ai lâm chung được tái sanh về cảnh trời sẽ có những biểu hiện sau :

– Phát khởi tâm lành.

– Chánh niệm rõ ràng.

– Đối với của cải, vợ con…lòng không lưu luyến.

– Không có những sự hôi hám.

– Ngữa mặt lên và mỉm cười, mà nghĩ tưởng thiên cung đến rước mình…

Lưu ý:

Biểu hiện lâm chung của sáu cảnh giới kể trên không phải con người khi sắp chết mỗi mỗi đều biểu hiện đầy đủ, mà đôi lúc chỉ có những điểm thiết yếu biểu hiện. Lại chúng ta cần phân biệt, ví như hai cảnh giới nhân đạo và thiên đạo thì tâm hồn họ đều trong sạch, nhưng một bên chỉ nghĩ đến thiên cung xao lãng việc đời, một bên thì thương nhớ bà con căn dặn việc nhà. Còn hai cảnh Ngạ quỷ và địa ngục thì tâm hồn họ đều mê man, nhưng một bên thì sanh tâm nóng nảy mất hết sự từ hòa, một bên thì biểu hiện tham lam hay nói đến chuyện ăn uống. Đến như loài Súc sanh thì thân thể tháo mồ hôi tiếng nói khàn nghẹt nhưng còn luyến tiếc bà con…. đó là những điểm dị biệt trong sáu cảnh giới để chúng ta xác định rõ từng cảnh giới tái sanh.

Lại có đôi người đến khi chết tâm hồn trở thành vô ký (không biểu hiện lành hay dữ như thế nào). Hạng người này muốn dự đoán họ sẽ tái sanh về cảnh giới nào, chúng ta chỉ xác định dựa theo hơi nóng nơi nào trên thân mới có thể quyết đoán được.

III. BA YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH THÀNH TỰU MỘT CẢNH GIỚI:

Xưa nay có một số người quan niệm rằng : Con người chúng ta khi tâm thanh tịnh chính là đang sống trong cảnh giới Tịnh độ, khi tâm đang ngu si, mê mờ…là đang sống trong cảnh giới địa ngục chứ không có cảnh giới Tịnh độ hay cảnh giới địa ngục nào khác. Quan niệm về cảnh giới như thế là hoàn toàn không chính xác, đôi khi dẫn đến nhiều sự ngộ nhận gây tác hại không nhỏ. Với những biểu hiện của tâm con người như thế, chúng ta chỉ có thể nói đó là nghiệp nhân Tịnh độ hay nghiệp nhân địa ngục mà con người đang tạo mà thôi.

Chung quy, cảnh giới mà mỗi khi chúng sanh thọ dụng phải đầy đủ ba yếu tố mới có thể thành tựu :

Vũ trụ quan : Là xác định vị trí địa lý của mỗi cảnh giới, như cảnh Tây phương Tịnh độ là cõi cực kỳ trang nghiêm nằm ở phía tây cõi Ta Bà, địa ngục là cảnh giới thuần khổ đau vị trí ở ngoài mé núi Thiết vi.

Nhân sanh quan : Là xác định thân tướng sai biệt của mỗi cảnh giới, bởi thân tướng của mỗi loài tuỳ theo phước báu có hơn kém mà mỗi loài đều có hình tướng sai biệt, như thân tướng của Thánh chúng cõi Tây phương Tịnh độ thì trang nghiêm đủ ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, còn thân tướng của chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ thì bụng to như trống, cổ nhỏ như kim, thân tướng chúng sanh ở cảnh địa ngục thì xấu xa kỳ dị, đầu trâu mặt ngựa…

Tâm lý quan : Là xác định tâm lý sai biệt của mỗi cảnh giới, như tâm của Thánh chúng cõi Tây Phương Tịnh độ thì luôn thanh tịnh, tâm các Ngài luôn an trụ vào thiền định đồng thọ hưởng pháp lạc của thiền định tương đồng với Phật A Di Đà; còn tâm chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ luôn bị sự đốt cháy của đói khát… tâm của chúng sanh ở cảnh giới địa ngục luôn sân hận, sợ hãi…

Như thế, chúng sanh hiện đời gây tạo nghiệp nhân gì sau khi lâm chung sẽ tuỳ theo nghiệp nhân đó mà tái sanh về một trong sáu cảnh giới luân hồi. Do đó, cảnh giới tái sanh chỉ xác lập khi đã đầy đủ ba yếu tố kể trên, nếu chưa đủ ba yếu tố đó thì chưa có thể nói đó là cảnh giới chúng sanh đang thọ dụng. Hay nói một cách khác, ở mỗi cảnh giới đều có vị trí, thân tướng và tâm lý sai khác mà chúng sanh ấy phải thọ dụng.

C. Kết luận:

Tóm lại, bởi do vô minh và ái dục chi phối mà chúng sanh cứ sống rồi chết, chết rồi lại sống, cứ thế mãi mãi trối lăn vào một trong sáu cảnh giới luân hồi. Trong sáu cảnh giới đó, bốn cảnh giới trước hoàn toàn khổ đau, hai cảnh sau trời và người tuy có hạnh phúc nhưng xét lại vẫn thuần là khổ.

Ví như chúng sanh ở cảnh giới địa ngục, thì một ngày một đêm phải trải qua cảnh vạn lần chết đi sống lại bị sự tra tấn của vạc dầu hầm lửa. Chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ thì bị sự thiêu đốt của nạn đói khát, ngàn vạn năm cái tên cơm, nước chưa từng nghe huống gì là được ăn no. chúng sanh ở cảnh giới Súc sanh thì bị sự khổ của si mê dày vò, bị người khác banh da xẻo thịt nhai nuốt vào bụng. Chúng sanh ở cảnh giới A tu la thì bị sự sân hận và tham dục chi phối, suốt ngày luôn đánh giết lẫn nhau để tìm cầu sự thoả mãn của xác thịt. Còn chúng sanh ở hai cảnh giới trời, người tuy có hạnh phúc xen lẫn khổ đau nhưng ở cảnh người, chúng sanh phải chịu tướng bát khổ; ở cảnh giới trời vẫn bị năm tướng suy hao. Chi bằng muốn thoát ly sanh tử luân hồi tránh sự nhọc nhằn khi phải làm kẻ lữ khách qua lại nơi tam giới, chúng ta nên cố gắng phát tâm tín sâu, nguyện thiết, chuyên trì danh hiệu Phật A Di Đà. Chúng ta chỉ mong làm sao hiện đời trả chút nghiệp còn lại lâm chung sớm được vãng sanh về nước Phật mà thôi.

Trích Lâm Chung Những Điều Cần Biết
Thích Nguyên Liên soạn dịch

Các Bài Pháp Khác:

484 Phúc Đáp

  1. Trần Phi Công

    Thầy có bài viết nầy hay quá, con đã đọc qua và đã hiểu được, khi người chết sẽ đi về đâu, đi về đâu nơi hạnh phúc hay đau khổ là do lúc còn sống ta tạo nghiệp lành hay dữ. Thật sự con đã nhìn thấy cảnh LÀNH DỮ của nhiều trường hợp lúc cận tử nghiệp, thật đúng vô cùng. Con nguyện làm mọi điều lành, tích phước thiện cho mình và đem lại niềm vui cho chúng sanh. Nguyện được tinh tấn Niệm phật A Di Đà cầu vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc khi lâm chung. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Tác đại chứng minh.

    Reply
  2. Tỉnh Thức

    CÓ PHẢI KHI CHẾT, KHÔNG MANG THEO ÐƯỢC GÌ HAY KHÔNG?

    Vấn đề Khi Chết không mang theo được gì nhiều người đã nhận thức rõ điều ấy, và đó là một sự thật hiển nhiên mà từ cổ đại tới nay, mọi người trên quả đất đều thấy và biết.

    Tuy nhiên, đối với Phật giáo thì Khi chết mỗi người đều có mang theo “cái” mà không ai thấy hay biết “cái” mang theo đó là “Cái Nghiệp” của chính họ.

    Cho đến nay, sự kiện gọi là Nghiệp quả hay Nghiệp báo vẫn còn gây nhiều thắc mắc khó hiểu mặc dù số lượng người tin vào Nghiệp (Karma) và nhất là tin vào vấn đề có sự tái sinh ở kiếp sau ngày càng gia tăng thấy rõ tại các nước Âu Mỹ.

    NGHIỆP LÀ HẬU QUẢ CỦA KIẾP TRƯỚC?

    Tái sinh vào kiếp sau tức là sau khi chết sẽ lại hóa sanh trở lại qua một kiếp đời khác.

    Như vậy khi một người nào đó chết đi thì thật sự người đó không chết, vì chỉ cái thân xác tan rã mà thôi còn cái tinh anh vi diệu của người ấy (con ngươi, thường gọi là Hồn hay Linh hồn) lại chuyển qua một đời sống mới qua một thân xác mới.

    Sự luân chuyển từ kiếp nầy qua kiếp khác gọi là sự luân hồi. Mỗi giai đoạn sống trong sự chuyển hoá luân hồi ấy gọi là mỗi Kiếp.

    Mỗi Kiếp người đều phải chịu hậu quả của những hành động gây ra từ kiếp trước – tạo ra các nguyên nhân hay có thể gọi là cái nghiệp. Đó là luật Karma hay còn gọi là luật Quả Báo hoặc Nghiệp báo. Sự luân chuyển từ kiếp này qua kiếp khác gọi là Luân hồi.

    NGƯỜI CHẾT CHỈ MANG THEO “CÁI NGHIỆP” CỦA HỌ ÐỂ TẠO QUẢ CHO KIẾP SAU

    Để hiểu rõ giai đoạn này, ta hãy bất đầu khi một người chết đi, họ trở thành bất động. Sở dĩ xác thân khi chết bất động vì thật ra nó chỉ là một khối vật chất bình thường trong tự nhiên mà thôi. Nó như cái áo mặc, khi chết chính là lúc trút bỏ cái áo ấy. Khi sống, xác thân cử động được là nhờ có sự hổ trợ hợp đồng của các giác quan như thấy, nghe, nhận biết, ngửi, nếm, suy nghĩ tính toán… Khi chết, thân xác bất động thì các giác quan âý cũng mất luôn. Tuy nhiên có 2 thể vật chất đặc biệt không bị mất đi, vẫn còn tồn tại. Hai thể này có tên gọi là Mạt Na Thức và A Lại Da Thức mà kinh Phật giáo gọi là hai thức. Hai thức này sẽ là cầu nối giữa cái xác thân đã chết vớì các xác Thân sanh trở lại của kiếp kế tiếp.

    Mạt Na Thức có nhiệm vụ sao chép lại bao quát về cá tánh, bản năng, năng khiếu, cảm xúc, sự hiểu biết và ký ức, hành vi cử chỉ lẫn tư tưởng của con người mà nó liên hệ lúc còn sống. Tất cả những ghi nhận, sao chép này từ Mạt Na Thức sẽ truyền hết cho A lại Da thức lưu trữ. Như vậy có thể hiểu A lại Da Thức như là một cái thư viện lưu trữ các tài liệu sách vở của một người lúc còn sống. Tài liệu ấy bao gồm các đặc tính, bản năng, thói hư tật xấu và cả tánh tốt của người đó. Tuy nhiên tùy theo sự dồn nén tập trung tư tưởng, tình cảm nào đó quá nhiều như uất hận, căm thù, đau khổ, sợ hãi, nuối tiếc… thì những tư tưởng tình cảm ấy sẽ là đầu mối cho đời sống kế tiếp mang nặng tất cả những gì đã bị kích động dồn nén ấy. Do đó mà các vị chân tu thấy rõ điều đó đã căn dặn mọi người rằng; lúc sắp qua đời phải cố giữ tâm yên bình không nên nuối tiếc, đau buồn hay căm giận. Đặc biệt sự căm thù, lòng tức giận là mối nguy ghê sợ nhất nếu phát sinh lúc lâm chung thì lúc tái sanh sẽ rơi vào vòng đau khổ cùng cực. Ðó cũng là lý do tại sao lúc người vừa mới chết, mọi người có mặt nên đọc kinh cầu nguyện, nhắc nhở tâm linh người chết nên sáng suốt, vui vẻ hầu tránh sự mê mờ u tối, lầm lạc khiến dễ sa vào chốn địa ngục.

    NGƯỜI CHẾT CÓ CÒN BIẾT GÌ KHÔNG?

    Đây là câu hỏi mà nhiều người đã thường đặt ra khi đứng trước xác thân một người vừa mới qua đời. Nhiều người thắc mắc cho rằng một khi đã chết thì làm sao người chết nghe thấy, nhận biết những gì xung quanh nữa? như vậy tụng Kinh, đọc Kinh, nhắc nơở những điều tốt lành bên cạnh họ có ích gì nữa đâu?

    Phật Thích Ca bậc đã đắc đạo, giác ngộ, nên thấy biết hết những nguyên lý thâm sâu vi diệu trong vũ trụ. Theo Phật thì: khi một người chết thì cái xác thân của người đó trở nên bất động và không còn các tiếp nhận qua các giác quan liên hệ về thấy, nghe, ngửi, sờ, nhận thức nữa vì các giác quan ấy cũng không còn. Tuy nhiên nhờ hai thức còn lại là Mạt Na Thức và A Lại Da Thức mà người chết vẫn còn hiểu biết mặc dù tim đã ngừng đập, không còn thở, không còn cử động nữa mà thôi.

    SỰ NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI CHẾT KÉO DÀI ÐƯỢC BAO LÂU?

    Các kinh sách Phật giáo đều cho biết là thời gian ấy là 49 ngày. Một thời gian vô cùng quan trọng đối với người chết. Vì người ấy tuy đã chết rồi nhưng nhờ hai thức quan trọng là Mạt Na Thức và A Lại Da Thức còn tồn tại nên người chết vẫn còn hiểu biết rất rõ những sự việc chung quanh. Khi sắp chết, tim đập yếu dần, nhiệt lượng cơ thể giảm. Trong khi các giác quan bình thường sắp sửa biến mất thì hai thức Mạt Na và A Lại Da lại đảm trách công việc vào lúc này. Ta có thể nhận biết điều này khi thấy phần nhiều những người chết rất tỉnh táo vào giờ phút cuối cùng sắp từ giả cõi đời. Có người chuẩn bị tắm rửa sạch sẽ trước khi chết hay dặn dò vợ con điều này điều kia. Âý là do thức Mạt Na của người ấy phát động vào lúc người ấy sắp lìa đời. Thức Mạt Na là phần ghi nhận tất cả những gì liên quan tới cảm nghĩ, nhận thức hành động của người ấy nên thức này khi mở ra chẳng khác nào mở cuốn tự điển của cuộc đời nên không quên bất cứ điều gì trước đây dù xa xưa tới mấy. Cái nhớ, biết rõ ràng như thế nên trước khi lìa đời người chết nói năng rất tỉnh táo sáng suốt. Trong khoảng thời gian 49 ngày, thức A Lợi Da trước đây im lìm khi người còn sống thì nay hoạt động . Vì là nơi tích trữ các dữ kiện về tâm thức hành động bản năng, tư tưởng, tình cảm, ý muốn của người ấy lúc còn sống do Mạt Na Thức chuyển tới nên vào giai đoạn này, nếu vì lý do nào đó mà A Lợi D2a Thức bị kích động mạnh bởi những tác động ảnh hưởng bên ngoài như sự kêu gào thãm thương, đau đớn của thân nhân người chết hay bản thân người sắp chết căm hờn, tức tối, oán thù thì những tác động âý sẽ khiến người chết không nguôi và ảnh hưởng tới cuộc đời kế tiếp khi tái sanh khó mà vào được hoàn cảnh thanh lành.

    Như vậy khi một người chết, ta nên nghĩ là người ấy chết về phần xác thân mà thôi còn một phần thuộc tâm linh vẫn còn ràng buộc với thân xác, chưa hẳn rời ra ngay nên người chết ấy chưa hẳn là đã chết một cách tuyệt đối. Tình trạng này có khi lâu đến mấy ngày. Trong thời gian đó phần cảm nhận mà người chết có được là nhờ thức gọi là Thần Thức. Chính Thần Thức này là do Mạt Na Thức và A Lại Da Thức kết hợp lại mà thành.

    Khi chết Mạt Na Thức và A Lại Da Thức liên kết nhau tạo nên một thân mới khác, nhưng thân mới này không có hình hài gọi là Thân Trung ấm. Mặc dầu Thân Trung ấm vô hình vô tướng nhưng lại có sự thông hiểu tinh tường hơn cả người sống. Thân Trung ấm chính là cái thân chuẩn bị của tương lai khi xác thân cũ sẽ tan rã, hủy hoại. Khi chuyển biến từ kiếp này qua kiếp khác, thức A Lại Da đóng vai trò quan trọng vì nó chứa đựng một năng lực vô song.

    SỨC MẠNH CỦA NGHIỆP LỰC

    Nhà nghiên cứu Nguyễn Gia Cát khi tìm hiểu về Thần Thức và Năng lực bảo vệ đã có những ghi nhận như sau:

    Khi con người trút hơi thở cuối cùng thì cơ thể vẫn còn có một nơi tập trung hơi nóng ấm, đó là Thần Thức.

    Thần Thức là tất cả những hành động của quá khứ tập trung lại tạo nên một sức mạnh vô hình, mầu nhiệm chuyển dẫn người chết lại đầu thai vào xác thân khác để chịu Quả Báo. Sức mạnh đó là sức mạnh của Nghiệp lực. Cái mà nhiều người gọi là Hồn thật ra là Thần Thức chớ không gì khác.

    Thần thức lưu giữ tất cả mọi cá tính, bản năng, hành động, hoàn cảnh… của người đã chết đầy đủ, không thiếu sót (Chính vì lẽ đó mà không ai có thể che dấu những gì mình đã làm, vì Thần thức đã giữ bản sao của đời người đó từng chi tiết rồi) Vì thế cho nên dù người đó đã qua đời, thân xác đã tan rửa nhưng vẫn còn phần quan trọng là Thần thức là bản sao chép về đời người đó vẫn còn và tạo ra một năng lực gọi là Nghiệp lực. Nghiệp lực ấy sẽ chuyển dần người chết đầu thai vào một thân xác mới khác để chịu quả báo.

    KHI CHẾT KHÔNG MANG THEO ÐƯỢC GÌ
    ÐOÀN VĂN THÔNG

    Reply
    • lam bc

      Xin hỏi cac đạo hữu, Ai có thể chứng minh được cõi Tịnh độ trong kinh ADIDA là có thật ?

    • Ngan

      @lam bc: Không ai chứng minh được điều đó khi còn ở cõi trần này, chỉ có những người được Chư Phật tiếp dẫn lúc lâm chung và những người đã được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Đức Phật thì mới biết được thôi bạn à. Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết về những người đã được vãng sanh sau đó trở về kể lại về cảnh giới nơi ấy cho người thân theo những cách nào đó. Tin hay không còn tùy thuộc vào cơ duyên của mỗi người nữa 🙂

  3. Nguyễn Thị Diệu Hiền

    Mẹ con là người hiền lành ở đời không phật lòng một ai, lúc nào cũng nhẫn nhịn,mất đi do căn bệnh ung thư ác tính. Mẹ con bệnh ở thời kỳ thứ 3 di căn sang nhiều bộ phận khác, người nổi hạch, thịt trên người lồi ra gây mùi hôi thối khi sắp chết. Ngoài ra 2 ngày gần ra đi mẹ con trăn trối rất nhiều việc, ra đi vẫn còn lưu luyến 2 con vì chưa ai lập gia đình. Vậy với những biểu hiện khác nhau như vậy thì có thể xác định được mẹ con sẽ về đâu không? Con cảm ơn

    Reply
    • lam bc

      Chào bạn,
      Tình cờ toi đọc được mail của bạn, biết được những nổi niềm bạn dành cho mẹ. Bạn ơi, Mẹ ra đivoi sự đau khổ về thể xác và tinh thần là không tốt rồi. Nếu bạn biết được cảnh giới mà mẹ đang ở thì có ích gì? Chi bằng làm được những gì có thể thì mình nên làm vd:
      1/ Đọc kinh cầu nguyện
      2/ Phóng sanh
      3/ cúng dường tam baỏ
      4/ xây cầu, giúp người nghèo v.v..
      Sau đó hồi hướng cho mẹ. Những việc làm này được chính những người con thân yêu của mình làm với sự thành tâm thì sợ gì Mẹ mình không về cảnh giới tốt.
      Chúc bạn hãy giành chúc thì giờ suy nghĩ về ý kiến của mình
      Lam

    • songhiep

      Nam mô A Di Đà Phật!
      Chào Hiền! Trước tiên cho mình xin chia buồn cùng bạn nhưng đừng nên buồn lâu vì sinh lão bệnh tử là vô thường mình nên xả bỏ chấp trước(đừng để ý) đối với những thứ vô thường đó. Hiện giờ mình chưa biết tình hình của bạn ra sao nhưng nếu bạn làm theo phương pháp này thì bạn sẽ biết rằng mẹ bạn sẽ đi về đâu. Nếu mẹ của bạn có thể niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT hoặc là A DI ĐÀ PHẬT một cách thành tâm thì đường về của mẹ bạn là Tây Phương Cực Lạc thế giới, nơi mà chỉ có sự an vui vi diệu, giáo chủ của cõi ấy là Đức Phật A Di Đà. Ngoài việc mẹ bạn niệm Phật, bạn và những người thân trong gia đình cũng phải niệm Phật, bạn có thể nhờ ban hộ niệm bằng cách hỏi thăm các chùa hoặc các phật tử về vấn đề này sẽ rất có ích. Ngoài ra bạn nên tìm hiểu mục “Gương vãng sanh” trong trang web này để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
      Chắc cũng là cơ duyên nên mình mới đọc những dòng tâm sự của bạn. Vì thế mình khuyên bạn và gia đình nên sớm niệm phật kết hợp với việc an chay từ đây đến lúc mẹ bạn lâm chung và đến hết 49 ngày, nếu ăn chay quen rồi thì nên ăn chay, đừng nên ăn mặn nhiều để giảm bớt ác nghiệp sác sinh.
      Mình hy vọng với việc niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT hoặc là A DI ĐÀ PHẬT này thì mẹ của bạn có thể vãn sanh về Tây Phuơng Cực Lạc và tuơng lai bạn và người thân của bạn cũng vậy. Nên nhớ thành tâm khi niệm Phật.
      Nguyện cho mẹ của bạn cũng như bạn, gia đình bạn và tất cả chúng sanh này có thể chuyên tâm tu tập, để có thể diệt trừ tội nghiệp và sẽ được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Bạn nên tìm hiểu ba bộ kinh sau sẽ rất hữu ích cho việc vãng sanh của mẹ bạn (PHẬT THUYẾT KINH VÔ LƯỢNG THỌ, PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ, PHẬT THUYẾT KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ). Vì Phật là bậc giác ngộ, đã diệt trừ hết các phiền não và có trí huệ sáng suốt và hiểu thấu thế gian nên những gì Phật nói ra là chân lý và luôn luôn đúng và là sự thật nên hãy thành thật mà tin.
      Nếu có thắc mắc gì thì có thể đến chùa hỏi thăm các thầy, hoặc các tăng ni phật tử về vấn đề vãng sanh, hoặc có thể gửi mail cho mình
      [email protected]
      Chúc bạn, cùng gia đình và thế giới này luôn luôn sống trong anh lành, vui vẻ và hạnh phúc.
      Nam mô A Di Đà Phật.

  4. Ngoc Lan

    Những điều mà Đường Về Cõi Tịnh đã cho con là vô giá. Công đức của các thầy thật là vô biên.

    Reply
  5. Hoàng Hồng Kỳ

    Con cám ơn! NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!

    Reply
  6. Lương y PHAN VĂN SANG

    Kính chào Đạo Hữu Lam BC.

    Tuy ở cách xa nửa vòng trái đất, tôi có đọc sách báo cũng như tôi nghe người ta nói nhiều về đời sống ở Thụy sĩ, một đất nước giàu có, xinh đẹp, bình yên…nhưng tôi thì chưa có khả năng để đến Thụy Sĩ.
    Tôi chưa đến được, tôi chưa tận mắt thấy, nhưng thật sự là có Thụy Sĩ như sách báo, phim ảnh , và mọi người đã mô tả .
    Tuy cách xa mười muôn ức cõi có một thế giới Tây Phương của Phật A Di Đà ở đó nhơn dân đời sống vô cùng sung sướng nên gọi là thế giới Cực lạc như lời trong Kinh Phật thuyết A Di Đà mà Phật Thích Ca đã mô tả, tuy chúng ta chưa đủ phước đức nhơn duyên để về đến thế giới đó chưa tận mắt thấy nhưng sự thật là có thế giới Phật A Di Đà như lời Phật Thích ca đã diễn thuyết.
    Phật Thích Ca là đấng đại giác, trí tuệ siêu phàm, lục thông quảng đại bất khả tư nghì, là Phật tử sau thời gian dài học Phật tôi tin lời Phật nói , có cõi Tây phương cực lạc thế giới của Phật A Di Đà.Xin được học hỏi ở Đạo hữu.
    NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

    Reply
    • lam bc

      Trước tiên xin cám ơn Anh Sang, Anh la người bạn đầu tiên trên mạng cuả mình. Cám ơn Anh đã chia xẽ những cảm nghỉ của Anh, Những lập luận của Anh hoàn toàn đúng. Nhưng trong mười điều khuyên Đức Phật có nói” các con chớ vội tin những gì kinh sách nói” Như Anh cũng biết kinh sách là do con người viết lại, Làm sao có thể biết được kinh Vô Lượng Thọ là do Đức Phật thuyết. Anh có thể giãi thích theo một hướng khác không.
      Xin cám ơn!

    • Cư sĩ Hữu Minh

      Thư trả lời anh Lam BC:

      Ở bên dưới anh Lương Văn Sang đã trả lời thắc mắc của anh rồi. Ở đây HM chỉ xin đính chính thêm chút xíu. Anh viết “kinh sách là do con người viết lại, Làm sao có thể biết được kinh Vô Lượng Thọ là do Đức Phật thuyết” có điểm không được đúng mà HM xin được giải thích như sau.

      Sách thì đúng là do con người viết ra nhưng kinh điển thì không phải. Những lời nào do chính kim khẩu đức Thích Ca Mâu Ni nói, hay các chư thánh nói và được Phật công nhận điều ấy là đúng thì mới được gọi là kinh. Ngay cả hàng thanh văn như Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất… hay bồ tát Quan Thế Âm nói cũng không thể gọi là kinh được.

      Thời của đức Phật chưa có giấy nên mọi kinh điển đều là do truyền miệng. Mãi sau này Phật nhập diệt các đệ tử của ngài mới mở hội kết tập kinh điển để chép lại những lời lúc Phật còn tại thế nói ra thành kinh văn. Hội kết tập kinh điển lần thứ nhất do ngài thị giả của đức Phật là A Nan Tôn Giả làm chủ xướng. Ngài A Nan không những chỉ là một đệ tử lớn của đức Phật mà còn được mệnh danh là Đệ Nhất Đa Văn vì những gì ngài nghe qua tai một lần là có thể lặp lại không sai một chữ dù người khác đã nói lâu cách mấy. Bộ óc siêu việt của ngài giống như bộ chứa máy vi tính khi cần là mở ra xem không mất điều gì. Chỉ khác là máy vi tính có giới hạn về sức chứa còn bộ óc của ngài thì vô hạn. Tất cả những bộ kinh mà đức Thích Ca đã tuyên thuyết suốt 49 năm được ngài lặp lại răm rắp không thừa, không thiếu một chữ khiến cả hội chúng phải khóc ròng vì cứ ngỡ đức Phật vẫn còn tại thế. Những vị khách mời đến dự lễ hội kết tập kinh điển khi ấy gồm có 500 vị A La Hán thượng thủ xuất sắc nhất thời bấy giờ đến chứng minh. Những vị này đều đồng ý là những gì ngài A Nan nói ra quả là hoàn toàn đúng y như lời đức Phật đã nói không một chút nào sai.

      Một câu chuyện bên lề HM xin kể cho vui nhân kể chuyện liên quan tới ngài A Nan. Đó là nhân kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, ngài Ma Ha Ca Diếp là sơ tổ của Thiền tông Ấn Độ bấy giờ chỉ mời những vị nào đã chứng quả thánh A La Hán trở lên mới được vào dự. Khổ nỗi ngài A Nan lúc ấy tuy là thị giả của Phật theo Phật suốt ngần ấy năm, nghe Phật thuyết pháp không biết bao nhiêu hội mà ngài chưa chứng được quả thánh. Do vậy ngài sẽ không được vào dự hội kết tập kinh điển. Đêm hôm ấy ngài suy nghĩ thật lâu, quyết lòng buông xả tới mức không còn gì để buông xả và nhập định sâu. Mãi cho đến gần sáng khi vừa ngã lưng xuống giường thì ánh sáng giác ngộ bừng sáng trong tâm. Ngài đã chứng quả A La Hán ngay giây phút lịch sử ấy. Không đợi đến khi mọi người đến nơi mở khóa vào động dự hội, ngài đã vận dụng thần thông bay xuyên vách vào thẳng trong hội và khi mọi người vào đến đã thấy A Nan ngồi trong ấy tự bao giờ. Tổ Ma Ha Ca Diếp một ngày trước đó còn tuyên bố A Nan sẽ không được vào dự hội kết tập kinh điển vì chưa chứng quả thánh, giờ đây khi nhìn nét mặt trong sáng hào quang sáng ngời của A Nan ngài đã hiểu điều kỳ diệu gì đã xảy ra. Ngày nay chúng ta có kinh điển để thọ trì phải nói đó là công lao vô cùng to lớn của ngài A Nan.

      Liên quan đến kinh Vô Lượng Thọ, HM có viết tại một đề tài khác mời anh tham khảo cho vui.

      Mười Lý Do Nên Tu Pháp Môn Tịnh Độ Để Vãng Sanh về Tây Phương Cực Lạc

  7. nguyễn thị lý

    mẹ con vừa bị tai nạn và mất đến nay đã được 11 ngày,lúc mọi người đưa mẹ con lên bệnh viện thì da hồng hào,thở được chút,cứ nghĩ mẹ con sẽ qua cơn nguy kịch,nhưng trớ trêu thay mẹ con lại không tỉnh lại nữa và mất đi.Mẹ con ở đời hay đi lễ chùa,hiền lành,vậy mà lại mất sớm,bỏ lại con nheo nhóc 1 mình,3 ngày tang mẹ con,con chưa hiểu về cõi sinh tử,về Phật giáo nên con chỉ biết khóc,kêu gào,gọi mẹ con,đám tang của me con,các bác trong nhà giế gà,sát sinh nhiều,…sau khi đưa tang mẹ con được một bác gần nhà cho con mượn Kinh để đọc,lúc đo con mới biết lẽ ra con không nên khóc mà tụng Kinh cho mẹ con.Nay con mới tự mình tụng cho mẹ con được 1 biến Kinh Địa Tạng nhưng lòng con nhớ mẹ quá!liệu mẹ con có được về cảnh giới tốt không khi mất đột ngột vì tai nạn,ra đi chưa kịp nói 1 lời với con,3tuaafn nay con đang thi ở trường nên con chưa tụng Kinh cho mẹ con được,mồng 6 tết này là 49 ngày mẹ con rồi,liệu sau 3 tuần con tụng cho mẹ con có kịp không ạ?và nếu con phóng sinh thì cách niệm hồi hướng sang cho mẹ con nhwu thế nào ạ?hay chỉ cần tâm con muốn hồi hướng cho mẹ của con là được ạ?con cảm ơn!

    Reply
    • lam bc

      Trước tiên , Chú xin chia sẽ với cháu những mất mát, khổ đau lớn nhất trong cuộc đời.
      Làm sao ai có thể trả lời cho con được, vì có nói đi nữa cũng khó có thể tin được, Cháu ơi những lúc này ráng sắp xếp đọc kinh cho mẹ. Sự thành tâm và những lời giáo hoá cuả thánh hiền trong kinh mang lại một năng lực vô cùng, nó làm thay đổi những suy nghĩ lầm lạc, Tâm thay đổi thì cảnh thay đổi
      Xin chào,

    • songhiep

      Nam mô A Di Đà Phật.
      Chào bạn Lý. Đọc những dòng bạn tâm sự mình có thể cảm nhận được tấm lòng hiếu thảo của bạn đối với mẹ bạn tuy không nhiều thì cũng ít vì mình cũng làm con, cũng có cha mẹ mà. Đầu tiên mong bạn đừng buồn. Đời vốn là sinh, lão, bệnh, tử. Tất cả đều là vô thường. Có sinh ắt sẽ có tử không sớm thì cũng muộn mà thôi. Trong trường hợp mẹ bạn vẫn còn có cách cứu chữa. Mình khuyên bạn nên ăn chay và tụng kinh từ đây hết 49 ngày của mẹ bạn. Ngoài ra ban nên niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT hoặc là A DI ĐÀ PHẬT với tấm lòng thành tâm thì mẹ bạn sẽ không đọa vào 3 đường ác (địa ngục, ngã quỷ và súc sanh). Vì sao?
      Là vì trong kinh phật nói “Niệm môt câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT có thể diệt được tội sanh tử trong 80 ức kiếp”. Hơn nữa niệm Phật thì ở đâu cũng niệm được dù thành tiếng hay không thành tiếng nhưng thành tâm là được. Khi bạn ăn chay + không sát sanh + tụng kinh + niệm phật => có phúc đức. Bạn nên hồi hướng những phúc đức này cho mẹ bạn và những vong hồn để cho những nghiệp ác của mẹ bạn và họ được tiêu trừ. Có như thế thì mẹ bạn và vong hồn mới được giải thoát khỏi 3 đường ác. Và bạn đã làm việc thiện rồi đó. Muốn biết việc này có thành công hay không thì bạn nên nguyện khi mẹ bạn đã đến chỗ an vui rồi thì mong mẹ bạn có thể về báo mộng cho bạn biết để bạn an tâm và không còn buồn rầu nữa. Nhớ thành tâm khi nguyện.
      Nhân đây mình cũng khuyên bạn nên niệm Phật và cầu vãng sanh Tịnh Độ Cực Lạc. Điều này bạn nên nhờ sự giúp đỡ của các thầy, tăng ni, phật tử trong chùa và ban hộ niệm đề học hỏi và tu tập thêm.
      Mong tương lai bạn, và các chúng sanh trên thế giới này cũng như mình đều sẽ được sanh về Tịnh Độ Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.
      Chúc bạn và gia đình luôn luôn sống trong cảnh vui vẻ, an lành và hạnh phúc.
      Nam Mô A Di Đà Phật

  8. Cháu Chi

    Cháu nghe kể lại, cha cháu hôn mê sâu nhưng vẫn không đi,nên anh rể cháu xoay đầu một tí sau cha cháu đi, khi xoay đầu cha cháu hoảng hốt và đau đớn, rồi cha cháu đi nhưng mắt vẫn mở. Khi cháu đến thì cha cháu đã đi khoãng một giờ rồi, Cháu và gia đình thay phiên nhau niệm Phật Cha cháu đi 15g đến 18g thi thì chú cháu sờ vào trán của cha cháu, cháu nghe chú nói cha cháu ấm ở trán đến khoãng nữa tiếng sau chú lại sờ nữa. Lúc đó chú bảo cha cháu mới đi khoãng 10 phút.Rồi 19g hơn ban liệm đến tắm rồi chích rất nhiều phoc mon vào cơ thể cha cháu. Đến bây giờ cháu vẫn còn cảm thấy đau đớn.Khi nhớ lại cái ống chích thật to ấy cấm vào cơ thể cha cháu mười mấy mũi. Người ta bảo phải để cha cháu 8 tiếng trở lên mới được tắm rửa. Nhưng sợ cứng nên chỉ khoãng 3 tiếng là là tắm rồi.vậy quá trình như thế có ảnh hưởng như thế nào với cha cháu xin chân thành chỉ rỏ để cho cháu hiểu biết thêm. Cháu xin chân thành biết ơn. Kim Chi.

    Đường Về Cõi Tịnh: Đạo hữu vui lòng xem bài tham khảo này: Trợ Giúp Người Khi Lâm Chung

    Reply
  9. Ngoc nhi

    Con xin hoi em gai cua o qua doi dot ngot nay 3 thang o loi tran troi co de lai dua côn 6tuoi con dang nuoi, co nhieu khi con cam giac nhu co dang trong nha con nhieu khi vai va lung ben phai cua con rat nang ,nguoi cua bi noi da ga va bi lanh hoai ,luc nao con cung nhuc nhoi ba vai nhu bi nhieu mui kim chamchit ,con ngay nao cung doc kinh cho em con va cung duong di chua,lam phuoc rat nhieu noi , hy vong cho em con duoc yen long ra di,vá
    SOm duoc giang sanh o biet con co lam dung cach o?,xin cac thay hay cac chu cac bac di co nao ,co deu chi huong dan cho con voi,con thanh that cam ta.

    Đường Về Cõi Tịnh: Xin đạo hữu vui lòng gõ tiếng Việt có dấu khi gửi bài hồi đáp. A Di Đà Phật.

    Reply
    • songhiep

      Nam mô A Di Đà Phật.
      Kính chào Ngoc Nhi, mình là Hiệp, mình hiện là phật tử tại gia, hiện giờ mình đang du học và đang sống xa nhà, mình chỉ mới tự tu được khoảng vài tháng thôi. Vì thế mình chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc này. Mình thấy trang web :Đường về cõi tịnh này rất hay và bổ ích, có rất nhiều thông tin bổ ích cho các tăng, ni và phật tử tại gia như mình. Chắc cũng do duyên lành mà mình biết được trang web này và đọc được bài viết của bạn.
      Tuy chỉ đọc vài dòng ngắn ngủi của bạn nhưng mình có thể cảm nhận được tình thuơng mà bạn đã giành cho em của mình. Trước tiên mình xin chia buồn cùng bạn và mong bạn đừng buồn rầu nữa vì Đời vốn là vô thường và sinh, lão, bệnh tử kia cũng là vô thường nên không có gì là luyến tiếc (Như Phật Thích Ca đã có nói). Mà những đều Phật nói là sự thật, và là chân lý nên luôn đúng và không bao giờ sai.
      Mình xin đi thẳng vào vấn đề để bạn khỏi phải bận tâm nhiều:
      Theo như bạn đã kể thì bạn có cảm giác như em của bạn chưa được luân hồi nhưng theo minh được biết thì sau khi lâm chung thì trong vòng 49 ngày tùy theo nghiệp quả mà con người ta được luân hồi theo 6 đường (Địa ngục, ngả quỷ, và súc sanh giành cho những người làm điều ác, ngược lại luân hồi theo 3 đường là người, trời và Atula nếu làm điều thiện), nếu như em gái bạn vẫn chưa luân hồi thì nghiệp kiếp này hoặc là những tiền kiếp về trước khá nặng nên mới vậy. Bạn có đề cập là đọc kinh và làm phước nhưng có thể là những điều đó hoặc là chưa đủ phước để diệt trừ ác nghiệp, hoặc là chưa đủ thành tâm và cũng có thể là em gái bạn vẫn còn tâm nguyện gì đó chưa làm nên còn quyến luyến nên quay về. Mình hiện giờ đang tu theo “Tịnh Độ) tức là niệm hồng danh của đức Phật A Di Đà (mình hay niêm như vầy NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT), ngoài ra mình còn tu thập thiện (làm các việc thiện, nếu bạn muốn rõ hơn thì có thể hỏi các thầy tại chùa, hoặc tìm kiếm trên mạng), sau một thời gian niệm Phật mình thấy rất có hiệu quả = tâm thanh tịnh, thân thể khỏe mạnh, an vui, tự do tự tại. Phật Thích Ca Mâu Ni lúc còn sống ngài có nói rằng : Thành tâm niệm một câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT có thể diệt được tội sanh tử trong 80 ức kiếp (bạn nên kiếm kinh PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ, PHẬT THUYẾT KINH VÔ LƯỢNG THỌ, PHẬT THUYẾT KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ để tìm hiểu thêm). Mình khuyện bạn nên niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT hoặc A DI ĐÀ PHẬT và nguyện rằng: “Trong khi con niệm kinh mong Phật A Di Đà và chư Phật trong khắp mười phương gia hộ, mọi phước đức từ việc niệm Phật này nguyện xin hồi hướng cho em con cũng như các vong hồn đang còn vất vưởng để cho em con và tất cả họ đều được giải thoát và sinh sống trong cảnh an vui”. Bạn nên nguyện trước và niệm sau hoặc làm ngược lại cũng được nhưng điều quan trọng là bạn phải thật thành tâm trong lúc niệm Phật và cầu nguyện. Nếu chưa quen thì ban đầu bạn thử niệm trong một thời gian cố định về sau quen rồi thì niệm bất cứ nơi đâu và bất cứ trong thời gian nào. Bạn có thể niệm thành tiếng hoặc niệm trong tâm cũng được vì chư Phật có thần thông nên sẽ nghe thấy. Nếu bạn thấy những chỗ nào không thích hợp cho việc niệm ra tiếng thì niệm trong tâm. Ngoài ra bạn còn cần phải ăn chay để không tạo thêm ác nghiệp cho em bạn, cho bạn và cũng như gia đình bạn nữa. Lúc đầu chưa quen thì có thể ăn khoảng 1 tuần sau tăng dần lên. Đến khi quen rồi có thể ăn nhiều tháng thậm chí như ăn chay trường trong vòng nhiều năm. Tuơng lai rồi mình cũng sẽ ăn chay trường. Khi quen rồi bạn sẽ cảm thấy tâm hồn thanh thản, tâm từ bi dần dần phát sinh, và không còn tạo ác nghiệp nữa.
      Nhân đây mình cũng chia sẽ một vài điều về niệm Phật. Bạn đã từng nghe “Niệm Phật Vãng Sanh chưa?”. Mình thì đã nghe rồi và rất tin tưởng vào việc ấy chắc là vì có duyên với Phật nhiều kiếp nên kiếp này mình mới biết tới pháp tu Tịnh Độ. Vì em bạn đã ra đi rồi nên cơ hội cho cô ấy vãng sanh gần như không còn nên bây giờ mình mưốn chỉ cho bạn và các người thân của bạn con đường để về bên Tây Phương Cực Lạc, cõi ấy vô cùng an lạc và không có ba đường khổ: địa ngục, ngả quỷ và súc sanh. Chính đức Phật A Di Đà là giáo chủ cõi này. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông qua ba bộ kinh mình vừa nêu ở trên và có thể đi chùa để hỏi thêm các sư thầy hoặc tăng ni phật tử.
      Nếu bạn đủ Tín (niềm tin vào Phật và những gì Phật nói, và tin vào sự cứu độ của đức Phật A Di Đà)-Hạnh (tức là công phu niệm phật, nhiều hay ít)-Nguyện (tức là cầu nguyện, mong muốn thiết tha được sanh về Tịnh Độ Cực Lạc của Phật A Di Đà). Mình chỉ nói sơ cho bạn hiểu, còn chi tiết thì bạn có thể tìm hiểu thêm như sự chỉ dẫn của mình ở trên. Đặc biệt là phải thành tâm niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Mình mong với câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT này thì cuộc đời của bạn và gia đình bạn sẽ thay đổi theo một hướng tốt đẹp từ đây.
      Nếu như bài viết này có thể làm được những điều ấy thì hãy trân quý nó. Nếu như bài viết này có thể tạo phúc đức cho mình thì mình cũng xin hồi hướng các công đức ấy cho đạo Bồ Đề để có thể tiêu trừ ác nghiệp cho em bạn và tất cả chúng sanh trong cõi Ta Bà này để cho tất cả chúng sanh đều được giải thoát và vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thọ hưởng an vui, chuyên tâm tu tập tới ngày thành Phật Đạo.
      Nếu có thắc mắc gì thì bạn có thể gửi mail cho mình, hoặc có thể tìm đến chùa nơi ấy có các sư Thầy thông hiểu đạo lý, hoặc có thể hỏi các tăng ni và phật tử để hiểu thêm.
      Mình xin chúc bạn và gia đình luôn luôn sống trong vui vẻ, hạnh phúc và mọi điều tốt lành
      Nam mô A Di Đà Phật!

  10. Thanh Nhân

    Nam Mô A Di Đà phật!
    Con đã biết khi người chết để lại những điểm nóng trên thân thể từ chân đến đỉnh đầu để thể hiện cảnh tái sanh. Nhưng nội con mất tụi con làm “đã khai thị trước đó và hộ niệm cho đến lúc mất luôn. sau 8 tiếng con không tìm được điểm ấm trên thân thể nhưng không có. Vậy làm sao con biết nội con được về đâu.????????
    ” Nội con là người đạo phật và đã tin phật và niệm phật hơn 35 năm. Cùng với con cháu niệm phật cho tới ra đi. Còn trối lại với con cháu là rán lo tu niệm, và nhắc con dâu hộ niệm tiếp mình nữa. Tụi con nghĩ là Ông sẽ vãng sanh cực lạc, nhưng thân thể không mềm diệu như các kinh sách đã nói. Gia đình dùng nước nóng và rượu bóp cho tay chân mềm lại và niệm phật tiếp tục cho đến 12 tiếng, thì thân thể không cứng nữa và cũng không mềm hơn.”
    Không tìm được chỗ nóng và thân thể nhủ thế có được vãng sanh không.???????????
    Con chân thành cảm ơn!!

    Reply
    • Thiện Mẫn

      Nam Mô A Di Đà Phật.

      Con tôi được 5 tuổi vừa qua đời được 55 ngày, hiện tại tôi có những thắc mắc rất cần sự hỖ trợ giải thích cũng như hồi âm từ Quí Thầy, Quí Phật tử trong diễn đàn này.

      1. Sau 2 tuần con tôi mất, mỗi nửa đêm tôi thường giật mình thức giấc và có cảm giác như toàn thân lành lạnh, tê tê, xót xót (giống như mình ngồi lâu bị tê chân) nhưng không đau, ngay lúc đó tôi liền niệm Phật và dần dần thì hết. Cảm giác đó đến với tôi trong 2 tuần liên tiếp tôi cảm thấy rất sợ. Nhưng tôi không dám hỏi ai vì cứ nghĩ đó là do cơ địa. Vậy đó có phải cảm giác con của tôi về và đến bên tôi không?

      2. Tất cả những người bạn của tôi, khi có người thân qua đời (lớn tuổi), họ thỉnh thoảng thấy người thân về báo mộng hoặc nói điều gì đó. và họ cũng hỏi tôi rằng tôi có thấy con trai về báo mộng không. Nhưng hầu như không có, chỉ có cảm giác như trên đã nêu thôi.

      Kính xin Quí Thầy, Quí Phật Tử giải thích thêm cho tôi những vấn đề nêu trên, tôi xin chân thành cảm ơn.

      NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

    • Đường Về Cõi Tịnh

      Gửi đạo hữu Thanh Nhân: Điểm nóng cuối cùng trên thân thể người lâm chung nơi đỉnh đầu, chân tay mềm mại chỉ là điều để xác quyết người ấy thật sự vãng sanh mà thôi. Còn những ai không có điểm ấm không có nghĩa là không vãng sanh. Để biết người ấy có được vãng sanh hay không thì phải xem lại 3 yếu tố: người ấy có tin vào Đức Phật A Di Đà và thế giới của ngài ở Tây Phương Cực Lạc không? Người ấy có phát nguyện để được Phật tiếp dẫn về Cực Lạc không? Và người ấy có niệm Phật được cho đến hơi thở sau cùng không? Nếu 3 điều kiện này hội đủ thì chắc chắn người ấy được vãng sanh 100%.

      Ở đây chúng tôi xin nói thêm là điểm nóng cuối cùng trên thân thể người lâm chung, tức là điểm mà thần thức (linh hồn) thoát ra khỏi xác, không phải là nóng như lửa đốt hay nước nóng. Có khi chỉ là 1 điểm ấm rất nhạt mà người ít kinh nghiệm khó thể nhận ra. Điều này phải nhờ người có nhiều kinh nghiệm trong ban hộ niệm làm.

      Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

    • Cư sĩ Hữu Minh

      Trả lời cô Thiện Mẫn: Không phải người nào qua đời cũng về báo mộng cho người thân cả. Như cả 2 thân phụ và thân mẫu của chúng tôi khi qua đời cũng đã lớn tuổi nhưng chưa lần nào về báo mộng cả.

      Trường hợp người con 5 tuổi của cô có nhiều khả năng cháu đã được đầu thai sớm vì cháu còn quá nhỏ và nghiệp cũng không nặng. Còn việc cháu có về gặp chị như chị có cảm giác suốt 2 tuần thì không ai dám nói đó là sự thật. Trừ những vị đó là những vị thánh có thiên nhãn thông có thể nhìn thấy được người qua đời đang ở đâu hay sanh vào cõi nào.

      Chị biết niệm Phật được là đã quá tốt rồi. Hãy hồi hướng công đức niệm Phật ấy cho con chị để cháu tăng thêm phước nơi cõi lành.

      Niệm Phật một câu phước sanh vô lượng
      Lễ Phật một lễ tội diệt hằng sa.

      A Di Đà Phật

  11. nguyễn trần thiên kim

    vậy thầy ơi ! khi con người bị người thân trong gia đình không biết tôn trọng mình , không còn yêu thương mình gì nữa vậy xin thầy cho con hỏi nên sống or chết. không thì nên đi vào đâu để cho đầu óc mình thanh thãnh vậy thầy ! không thì con ở nhà bị người thân chửi mắng. con chẳng biết con phải là con ruột hay con người mẹ khác nữa. Nếu ai mà biết mẹ con ở đâu thì xin chỉ giúp con qua email này [email protected]

    Reply
  12. Thanh Nhân

    NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
    Chào Thiên Kim!
    Mình rất hiểu được tâm trạng của bạn hiện giờ. Có phải bạn cảm thấy cô độc khi không dược người thân quan tâm lo lắng mà con la mắng nữa. Có lúc bạn muốn chết cho xong!.
    NHƯNG XIN ĐỪNG LÀM THẾ. Bạn xem lại các cảnh tái sanh ở trên lại nếu bạn chết sẽ về đâu. Tôi cảm thấy sợ cho bạn.
    Tôi khuyên bạn thế nầy nha:
    Bạn cứ xem mình là kẻ phàm phu, đầy tội lỗi. Còn những người khác là Bồ tác sống. Từ đó tạ lỗi với những bồ tác đó để thức tỉnh tình thương của họ, và bạn tìm quên những buồn phiền của minh với công việc. Nếu bạn tin Phật thì hãy niệm NA MÔ A DI ĐÀ PHẬT khi bạn thấy minh cô độc. Thân ái chào bạn
    NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

    Reply
  13. vothuong

    a di da phat.khi niem phat vong tuong hay day khoi len.lam tam cua ta co cam giac ko yen on. do la do chung ta chua dat het nguyen luc vao suc tri niem.vi the khi niem phat,hay co hogang nhut tam de tranh nhung vong tuong day khoi,neu co vong tuong dung co gang ma de len.hay dieu hoa tam thuc.hoi tho nhe nhang. dung de vong tuong tiep tuc lam chu cua minh. viec nguoi da mat di,than thuc co the van con quanh quan noi hoc con tai the.chung ta hay dung cong duc niem phat ma hoi huong cho ho som vang sanh. cua phat tu dang phien nao vi gia dinh.co le chua nhin ra su viec.ba me thuong con.vi muon con tot,nen la mang. hay vui len vi co nguoi quan tam lo langh cho ban than minh,hay tuong tuong 1 ngay nao do.ban se khong nghe duoc nhung tieng la mang do.co the ban se buon hon. chuc ban tinh tan.adidaphat

    Đường Về Cõi Tịnh: Xin đạo hữu cố gắng tập viết tiếng Việt có dấu cho trọn vẹn ngôn ngữ đẹp của nước mình. A Di Đà Phật.

    Reply
  14. vothuong

    nam mô a di đà phật.hoan hỷ hoan hỷ

    Reply
  15. Lương y PHAN VĂN SANG

    Kính chào đạo hữu Lam BC.
    Cuối năm cũng có nhiều bận bịu, chậm hồi âm, nay tạm rảnh xem kỹ những lời của Đạo hữu trên đây, tôi xin có đôi lời muốn được học hỏi cùng đạo hữu, nếu có gì thiếu sót xin đạo hữu góp ý.
    “ Chớ vội tin những gì kinh sách nói”, Kinh sách là do con người viết lại !
    Để trả lời câu hỏi đó đến với đạo hữu , thì một người tại gia kiến thức Phật Pháp hạn hẹp như tôi phải nói là “ không đơn giản”, nhưng dù đúng dù sai tôi cũng xin tỏ bày, nếu có sai sót xin được học hỏi ở chư Tôn Đức và các Đạo hữu.

    Những điều Đạo hữu nói trên nằm ở :
    TĂNG CHI BỘ III.65
    Đoạn Kinh kàlàma. Như sau :
    Đại ý nói rằng:
    Một thời Phật đi đến vùng Kalama. Người dân ở đây hỏi Phật rằng họ không biết phải tin vào điều gì, bởi mỗi nhà tư tưởng đến đây lại nói với họ những điều khác nhau. Họ mong Ngài chỉ dạy.
    Phật bảo : “Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình !”
    Như vậy câu:“ chớ vội tin những gì kinh sách nói”, Đạo hữu nhắc lại 1 trong 10 điều khuyên của Phật trong Tăng chi Bộ, Kinh Kàlàma .

    Với những câu trên theo tôi hiểu, ngón tay chỉ mặt trăng , thì chúng ta hãy nhìn mặt trăng, chứ không chỉ có nhìn ngón tay.
    Hiện nay trên thế gian bỗng có người , lấy Kinh Phật ra thêm bớt, rồi diễn sai thánh ý của Phật lập riêng cho mình một đạo rồi tự xưng là “giáo chủ” có khi phỉ báng lời Kinh của Phật khiến cho nhiều người lầm tin và quy y theo họ cũng không phải là ít.
    Người Phật tử thuần thành, chơn chánh, có đủ trí tuệ , phải quy y các bậc chơn Tăng đức độ, tìm học các Kinh có đủ “Lý sự viên dung” mới đúng là Kinh Phật dạy
    Và Đạo hữu có nói “Kinh sách là do con người viết lại, làm sao để biết KINH VÔ LƯỢNG THỌ là do đức Phật nói ?
    Xin thưa : Để viết, dịch lại một bộ Kinh không phải ai cũng làm được, chỉ có các bậc cao tăng đức độ, trí tuệ siêu phàm, như ngài Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, và các ngài cao tăng nổi tiếng khác như ngài Thích Thiện Hoa….mà hàng Phật tử chúng ta ai ai cũng biết.
    Để biết Kinh do Phật nói, chúng ta phải xem Ở phần đầu của bộ Kinh có đủ 6 yếu tố thành tựu như sau :
    1-Tín thành tựu: NHƯ THỊ ( như thế này )
    2-Văn thành tựu: NGÃ VĂN ( tôi A Nan đã nghe )
    3-Thời thành tựu: NHẤT THỜI ( một thưở nọ)
    4-Chủ thành tựu: PHẬT ( Phật Thích Ca )
    5-Xứ thành tựu: TẠI VƯƠNG XÁ THÀNH, KỲ XÀ QUẬT SƠN TRUNG ( tại thành Vương xá, trong núi Kỳ Xà Quật)
    6-Chúng thành tựu: DỮ ĐẠI TỲ KHEO VẠN NHỊ THIÊN NHƠN ( với mười hai ngàn vị Đại Tỳ kheo).
    Ngoài ra Kinh Phật thuyết phải đủ 3 Khế : Khế là hợp.
    KHẾ LÝ (hợp lý chứ không mơ hồ)
    KHẾ CƠ ( hợp căn cơ trình độ cao thấp từng mỗi người, trừ kẻ mất trí)
    KHẾ THỜI ( dù trải qua thời đại nào cũng đúng )
    Chẳng hạn Phật dạy:
    – Vạn vật là vô thường , con người sống ở thế gian này phải chịu sự chi phối của thời gian trong “ Sanh-Già-Bịnh-Chết” : KHẾ LÝ.
    – Phật nói ra ai nghe cũng hiểu, nhận thức nhiều hay ít tùy trình độ mỗi người có cao, có thấp: KHẾ CƠ.
    – Chẳng hạn Phật đã nói: “trong một bát nước có vô số vi trùng !”: KHẾ THỜI.

    Bản thân tôi , là một Phật tử đang hành Pháp môn niệm Phật, thuộc nằm lòng điều nguyện thứ 18 và 19 của Phật A Di Đà :
    “Nếu có chúng sinh nào nghe danh hiệu của ta là A DI ĐÀ PHẬT phát tâm dứt bỏ các điều ác, làm các điều lành, rồi đem các công đức ấy hồi hướng để mong cầu sanh về thế giới Tây phương cực lạc, và tâm luôn tưởng niệm về ta , đến giờ phút hấp hối, sắp lâm chung khởi niệm đến 10 câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, nếu ta và các Bồ tát không đến đưa tay tiếp dẫn người đó về nước Tây phương cực lạc, ta thề không ở ngôi Chánh giác!”
    Từng đi niệm Phật cho người lâm chung, tôi và toàn Ban Hộ Niệm đã tận tai nghe, tận mắt chứng kiến trước lúc qua đời người bệnh chắp tay phát nguyện cầu vãng sanh và luôn niệm Phật, người đó bảo rằng họ đã thấy Phật hiện ra báo cho họ biết ngày Phật sẽ đến tiếp rước về Tây phương cực lạc, và họ đã vãng sanh đúng ngày, y như bổn nguyện của Phật A DI ĐÀ đã phát nguyện trong Kinh.
    Đúng Lý, đúng Sự như thế, vậy KINH VÔ LƯỢNG THỌ không phải Phật nói, thì ai đã nói ?
    NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. nếu tôi nói có gì không đúng, kính xin quý vị chỉ giáo.
    Phật tử, lương y PHAN VĂN SANG kính bút

    Reply
  16. Ngô Trang

    Người cháu yêu vừa mới qua đời nhưng cháu chưa kịp nói là cháu yêu anh ấy.Cháu rất hối hận. Liệu bây giờ cháu nói thì anh ấy có biết không?

    Reply
    • Lương y PHAN VĂN SANG

      Vài lời đến với cháu Ngô Trang.
      Đạo Phật có dạy : “ Ái bất trọng bất sanh Ta Bà. Niệm Phật bất chuyên, bất sanh Tịnh Độ”
      Nghĩa là : “ Nếu ta không nặng về tình yêu thương luyến ái thì đâu có luân hồi, tái sanh mãi ở cõi Ta bà này. Người tu Tịnh độ niệm Phật mà không chuyên cần tinh tấn thì không thể sanh về cõi Tịnh Độ”.
      Bỡi chúng sanh ( trong đó có cháu) vì quá nặng về tình yêu thương luyến ái mà đã bao nhiêu kiếp sanh tử trầm luân mãi trên cõi đời này để phải chịu quả “ ái biệt ly khổ”.
      Ái biệt ly khổ là 1 trong tám cái khổ, là quy luật tự nhiên cho bất cứ ai sống trên thế gian này mà Phật đã nói rõ cách nay trên 2.555 năm. Gồm có;
      1/-Sanh khổ : sanh ra trên đời này phải bôn ba, mưu sinh, đấu tranh cho sự sống……khổ !
      2/-Lão khổ : Già nua là sự sợ hãi của mọi người: mắt mờ, tai điếc, tóc bạc, da nhăn, đi đứng khó khăn…khổ
      3/-Bệnh khổ: Già đi đôi với bệnh, nhưng con người vừa sinh ra thì đã có bệnh rồi, bệnh thì muôn ngàn loại bệnh khổ !
      4/-Tử khổ: Chết là sự khiếp đãm,hãi hùng khổ đau nhứt của con người mà cháu đã chứng kiến người yêu mình đó.
      5/-Cầu bất đắc khổ: Sống trên đời có nhiều mưu cầu,mơ ước nhưng mấy ai được toại nguyện, mong cầu không thành cho nên khổ.!
      6/-Ngũ ấm xí thạnh khổ: Bị luật vô thường chi phối không ngừng, từ trẻ đến già, từ mạnh đến ốm, từ đau đến chết, luôn luôn làm cho con người phải lo sợ, buồn phiền….khổ!
      7/- Oán tằng hội khổ: Ghét ai đó mà ở chung nhau , luôn thấy mặt nhau thật là khổ !
      8/-Ái biệt ly khổ : đã là con người thì ai ai có mặt trên thế gian này cũng chịu cảnh khổ vì xa lìa người mình yêu thương như cháu đang phải chịu đó.
      Phật đã dạy cuộc đời là biển khổ như thế. Chúng ta đã trải qua bao nhiêu kiếp quá khứ từng chịu những cảnh khổ như trên rồi, nếu không giác ngộ lo tu cầu giải thoát, thì muôn kiếp sau cũng sẽ chịu những cái khổ ấy nữa !
      Trên đây cháu có hỏi “ Liệu bây giờ cháu có nên nói lời yêu thương cho anh ấy biết không ?
      Cháu Ngô trang ơi ! Cháu không cần phải nói, anh ấy cũng biết cháu yêu thương anh ấy rồi. Điều quan trọng trước mắt là cháu hãy định tâm luôn niệm câu “ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” và làm những việc thiện công đức để hồi hướng cho anh ấy, cầu mong anh ấy giác ngộ Phật Pháp và được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Riêng cháu ngày đêm ăn chay niệm Phật Di Đà cầu sanh Tịnh Độ, thời gian thấm thoát trôi qua, đời người cũng không lâu lắm đâu, khi bỏ thân này vãng sanh về Tây phương cực lạc gặp lại người thân, lúc bấy giờ không còn tình luyến ái nữa mà tất cả điều là đồng đạo với nhau cùng nhau tu học trong niềm vui giải thoát nơi Cực lạc.
      Nếu cháu mà cứ mãi ấp ủ nhớ thương trong đau khổ mà không tỉnh táo niệm Phật thì muôn kiếp sau tái sanh lại, biết đâu cháu cũng sẽ lập lại cảnh đau khổ biệt ly như thế này hoài.
      ĐẠO PHẬT là đạo GIÁC NGỘ, đạo TRÍ TUỆ, đạo GIẢI THOÁT….Trang duongvecoitinh là nơi để cùng nhau chia sẻ, khuyến khích nhau tu tập niệm Phật Vãng sanh, vậy cháu hãy biến đau thương thành sức mạnh phi thường, dũng mãnh, tinh tấn niệm Phật Di Đà.
      NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

  17. Đậu đình phúc

    NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
    con xin cám ơn đức phật và mọi người thành tâm!

    Reply
  18. Văn Cập Phú

    Nam Mô A Di Đà Phật

    Reply
  19. Phương Thu

    Nam mo A DI ĐÀ PHẬT
    Kính chào chú, xin chú cho con được hỏi : Con đang ăn chay và niệm phật, nhưng mà vì tuổi trẻ ( con năm nay 28 tuổi) chưa lập gia đình nên tâm cứ không an, lo chuyên yêu đương … muốn chuyên tâm lại không chuyên tâm, hiểu về phật pháp rồi con băng khoăn không biết con có nên lập gia đình không? Con muốn bỏ hết để chuyên tâm niêm Phật nhưng ba me và những người trong gia đình lại hối thúc con lấy chồng,con chẳng biết làm sao…Mong chú cho con lời khuyên. Con xin cảm ơn chú!

    Reply
    • Phật tử - Lương y PHAN VĂN SANG

      Gỏi đến Đạo hữu Thu Phương.
      Ăn chay niệm Phật không phải ai cũng làm được,nhưng cũng phải xét lại mình và tự hỏi vì sao ta ăn chay niệm Phật ? Ăn chay niệm Phật vì mục đích gì ?
      1/- Ăn chay, niệm Phật vì phong trào ? Thấy mọi người ăn chay niệm Phật mình cũng bắt chước ăn.
      2/- Ăn chay, niệm Phật để cho ta khác hơn mọi người,
      3/- Ăn chay niệm Phật để cho mọi người khen.
      4/- Ăn chay niệm Phật để đời hiện tại thân tâm an lạc, khi bỏ thân này vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

      60 năm cuộc đời thì 28 tuổi với phụ nữ không còn là trẻ nữa. Nhưng giữa 2 con đường : “xuất gia” và “xuất giá” đã làm cho 2 cái Tâm cứ “quýnh lộn” nhau mãi. Kế nữa gia đình lại cứ thúc giục mãi biết phải làm sao đây ?
      Tôi còn nhớ một câu của mà triết gia nào đó đã viết “ Tình yêu như những giọt sương long lanh vào buổi sáng, trông xa nó đẹp như hoàn kim cương, nhưng lại gần nó là giọt nước mắt !”
      Riêng lương y Sang tôi đã từng nói với bạn bè: “ Điều sai lầm lớn nhất của đời tôi là lấy vợ sinh con !”
      Vì sao ?
      Nhìn các Tăng Ni cũng là con người mà được thung dung, tự tại ngày ngày học hành, công phu niệm Phật, không vướng bận gia đình, còn mình thì cơm áo gạo tiền, ơn nghĩa mà thấy hối tiếc.

      Riêng về Phương Thu đang phân vân giữa 2 con đường làm tôi nhớ lại những bài thơ của Hòa Thượng Thích Giác Nhiên:

      HAI NẺO ĐẠO ĐỜI
      Xuất gia,xuất giá cũng đồng ly.
      Phận gái giữ cho khỏi lỗi nghì.
      Nghĩa Mẹ sanh thành nhiều khó nhọc,
      Ơn cha dưỡng dục lắm sầu bi.
      Thái Sơn vòi vọi nào so đặng,
      Nam Hải thênh thênh khó sánh bì
      Thế nữ hỡi ai người báo hiếu???
      May tay giải thoát mối tình đi.

      Song đường có thuở phải chia ly!
      Nữ tú làm sao đứng đạo nghì?
      Chín tháng cưu mang đầy thống khổ,
      Ba năm nhũ bộ quá sầu bi!!!
      Cù lao thăm thẳm nào cân được,
      Cúc dục vơi vơi há lượng bì.
      Báo hiếu đầu tiên ai thích nhỉ?
      Mài gươm đoạn phủi chỉ mành đi.

      HAI ĐIỀU VUI KHỔ
      Xuất gia,xuất giá cũng đồng đi,
      Hai nẻo khác nhau mới lạ kỳ.
      Lối đạo trở về nơi tịnh lạc,
      Đường đời đưa đến chốn sầu bi.
      Phật Tiên đắc nhập tâm nhàn rỗi,
      Thê thiếp lâm vào tánh mạng suy.
      Nữ giới hỡi ai người trí giả,
      Phu nhơn há sánh với bần ni?
      NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

      Mấy lời chia sẻ cùng Thu Phương

  20. thugiang

    Chào Phương Thu,

    Phương Thu hiểu thế nào về Phật Pháp mà cho rằng lập gia đình cản trở việc tu hành? Việc lập gia đình ko cản trở việc tu hành đâu em, nếu em có thể hướng cho chồng các con và các cháu của em sau này đi theo con đường chính pháp thì đó cũng là công đức vô lượng vô biên. Việc lập gia đình hay việc xuất gia đều là tùy duyên, em cứ yên tâm, khi đủ duyên em sẽ xác định được con đường của mình. Ăn chay, niệm Phật rất tốt, sau này nếu em lập gia đình nhớ giữ giới không tà dâm nữa nhé. Yêu thương chồng con, gia đình hạnh phúc, cả nhà đồng lòng tu theo chính pháp, sau này lớn tuổi về hưu rồi, em có thể lập 1 thất nho nhỏ, hoặc là Niệm Phật Đường nho nhỏ tại gia chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh thì em vẫn có thành tựu như thường. Em có thể search video về cư sĩ Diệu Âm, Cư Sĩ Lưu Tố Vân, Cư sĩ Lý Bỉnh Nam để tìm hiểu thêm em nhé. Họ đều là cư sĩ tại gia mà thành tựu tu học thì bất khả tư nghì. Em đừng chấp hình chấp tướng vào chuyện lập gia đình hay kô lập gia đình, em hãy yên tâm là dù lập hay không thì vẫn có thể tu thành tựu

    Reply
  21. Phung Van Thi

    Nam mô A Di Đà Phật
    Kính gửi lương y Phan Van Sang cùng các quý đạo hữu, cho con xin hỏi một điều sau:
    Cha con đã mất cách đây gần 40 năm, giờ đây sau khi tìm được mộ cha , con muốn đưa mộ phần của người về quê, tiện để trông nom hương khói.COn phải làm như thế nào cho phải đạo với người đã khuất.Ở quê con có tục lệ :khi sang cát thường cúng bái, đốt vàng mã, thuê cánh hát âm về kèn trống,lại còn đưa vào loa cônng xuất lớn, inh ỏi, rồi tổ chức ăn uống (quê con gọi là làm ma khô, người mới chết gọi là ma tươi).Bản thân mình không muốn làm những điều ấy, nhưng trong gia đình lại khác, bà con làng xóm , người thân đều không ai hiểu đạo, cứ theo phong tục truyền để lại ,con không theo thì bị anh em dị nghị , cho rằng :khác người, một mình một lối..vv..tất cả tạo cho mìmnh 1 áp lực, thật khó đi đến một quyết định.
    Nay con mong được sự chỉ dạy của thầy cũng như của các quý đạo hữu.COn có nên làm theo thế tục không?Con phải làm những gì để tốt , giúp ích cho người đã khuất ? Xin moi người hoan hỉ
    Nam mô A Di Đà Phật

    Reply
    • Tịnh Thái

      Tìm được mộ cha gần 40 năm là một việc tốt, là một nhân duyên khó được, khiến cho kẻ mất và người sống đều sanh tâm hoan hỉ và an lòng.

      Trong trường hợp của bạn thì nên gửi cốt của cha vào chùa , chùa có thể ở gần quê thì tốt nhất.

      Mọi việc thủ tục cúng giỗ v.v…khi đó quý Thầy sẽ đứng ra tổ chức nên sẽ chu đáo và không có ai có ý kiến hết.

      Cái lợi lớn là sẽ tránh được các hủ tục mê tín và sát sanh, lại có thể gieo nhân duyên Phật pháp đến cho người thân quen khi đến chùa tham dự buổi cúng giỗ, sự trang nghiêm, tiếng kinh, câu A Di Đà Phật…tất cả những thứ này đều được mọi người tiếp xúc và trồng căn lành trong tâm thức.

      Tóm lại bạn nên thống nhất cùng gia đình gửi cốt của Ba vào Chùa, ở nhà chỉ cần để di ảnh thờ là được, việc đãi tiệc cũng là đãi trên chùa, vậy là tốt nhất.

      A Di Đà Phật.

  22. Phương Thu

    Cảm ơn chú, chị Thu Giang đã cho e những lời khuyên nhủ chân thành!
    Đi tu có lẽ e không đủ duyên, e từng bỏ công việc nhà nước, trốn nhà đi tu, nhưng mà gia đình e khóc quá, đi tìm … nên cuối cùng e phải về.
    Tin tức bây giờ cứ cảnh báo Đại Nạn 2012 .E chỉ sợ bây giờ mà không lo tu, cứ lo chuyện lập gia đình thì lại không kịp.
    Dù sao nhận được lời khuyên của chị Thu Giang e cũng phần nào yên tâm. Thôi thì tùy duyên vậy phải không chị

    Reply
  23. thao nguyen

    me toi luc con sông that tha chiu nhieu đau khô nhung không hề oán giận đời ,mẹ tôi bị tai biến mạch máu não rối mất ,lúc ấy trời mưa to , trước khi mất mẹ nói ;mẹ không sống được nữa rồi và chìm vào hôn mê sâu .tôi giận mình vì không nhận ra dó là lời cuối cùng của mẹ, tôi rất hay mơ thấy mẹ ,lúc nào nghĩ đến là mơ đến ,nghe nói thế là mẹ tôi chua siêu thoát ,xin hỏi nghiệp nhân tái sinh của mẹ tôi là gì ,tôi phải làm gì để mẹ tôi siêu thoát

    Reply
    • Tịnh Thái

      Thảo Nguyên hãy tụng kinh Địa tạng cho Mẹ + niệm A Di Đà Phật, đây là chánh hạnh, phải làm thường xuyên.

      Còn tùy vào hoàn cảnh cá nhân có thể phóng sanh, ấn tống kinh Phật + cúng dường trai tăng v.v…Việc này là phụ thêm.

      Tất cả việc này đều hồi hướng cho Mẹ thì Mẹ của Thảo Nguyên dù đang trong cảnh giới nào cũng đều nhận được lợi ích.

      Làm đều đặn một thời gian với tâm chân thành thì sẽ có cảm ứng tốt, khi ngủ sẽ không còn mơ thấy Mẹ nữa.

      Nam Mô A Di Đà Phật.

  24. timlaiphattanh

    @Phuong Thu: Xuất gia là một việc rất tốt nhưng để trở thành một bậc chân tu ở thời đại hiện nay không phải dễ. Trong Phật pháp chữ hiếu đặt hàng đầu: Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát…nếu không tròn thì cho dù có xuất gia cũng khó tìm đường giải thoát. Cha mẹ khóc lóc đau khổ khi bạn đòi xuất gia thì bạn ko nên xuất gia. Bất luận xuất gia hay tại gia đều có thể giải thoát được cả. Bạn có thể tu tại gia, tùy duyên mà tu. Phát nguyện sáng tối hàng ngày cầu vãng sanh Cực Lạc, rồi nhiếp tâm niệm Phật. Trong cuộc sống bình thường bạn giữ vẹn luân thường đạo lý rồi cứ công phu liên tục ko gián đoạn để nương theo bổn nguyện của A Di Đà Phật cầu Phật tiếp dẫn lúc lâm chung. Chỉ làm thế cũng đã đủ, nếu như tự mình làm gương hướng cả gia đình (nhất là cha mẹ) cũng niệm Phật cầu vãng sanh thì là đại hiếu rồi.

    Còn về đại nạn 2012 thì bạn chưa xem đĩa mới HT Tịnh Không ngài đã đính chính rồi sao? Đĩa bạn xem là đĩa đã bị chắp vá những tình tiết của một số đĩa giảng pháp. Bạn nên xem đĩa mới (hình như cũng có trong web này). Nhưng có điều tôi muốn nói rằng: “Cho dù ngày mai tận thế thì đêm nay sen vẫn gieo trồng”. Bạn cứ phát tâm tu niệm Phật cầu vãng sanh. Còn tận thế có hay ko cũng đừng nên quan tâm, nghiệp thì có cộng nghiệp và biệt nghiệp. Nếu như phát tâm dũng mãnh thì cho dù có tận thế cũng là ngày được vãng sanh, được Phật tiếp dẫn, vậy ko quý hay sao. Đời người ai ko trải qua cửa tử. Quan trọng nhất là sau khi tử sẽ về đâu mà thôi. Cho nên quan trọng nhất hiện giờ ko phải xuất gia hay tại gia gì hết, mà quan trọng nhất là biết niệm Phật phát nguyện cầu vãng sanh. Mọi thứ khác tùy duyên mà làm, ko phan duyên. Một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng cực.

    A Di Đà Phật.

    Reply
  25. thugiang

    Gửi Quý đạo hữu,

    KO hiểu sao mình ko tin chuyện tận thế năm 2012. Đức Phật đã dạy thời mạt pháp kéo dài 10 ngàn năm, mà năm nay mới là năm thứ 1000 của thời mạt pháp, vậy thế giới này còn kéo dài ít nhất là 9 ngàn năm nữa mà. Vì đây là lời Đức Phật nên mình rất tin.

    Chuyện tu là chuyện cả đời người, ko phải hôm nay tu ngày mai ko tu. Khi trong lòng đã ngấm Phật Pháp, thì bất cứ 1 giây 1 phút nào ta cũng tu, bằng pháp quán niệm đó, để biết niệm khởi trong ta là thiện hay ác, thiện thì phát huy, ác thì diệt bỏ. Nên Phương Thu đừng chấp vào hình tướng, cho rằng cạo đầu mới là xuất gia nhé. Tại gia vẫn tu tốt như thường, nên kết hợp phương pháp tứ niệm xứ với niệm Phật, bản thân chị thấy vô cùng hiệu quả. Niệm Phật giúp ta diệt trừ vọng tưởng, thay vì mơ ước lung tung hão huyền, ta chỉ nương câu niệm Phật mà thôi. Pháp Tứ Niệm Xứ giúp ta diệt trừ tham sân si từ trong ý niệm. Làm được 2 điều đó, thì dù xuất gia hay tại gia em cũng là Phật tử xuất sắc, dần dần sẽ đạt nhiều thành tựu

    Reply
  26. timlaiphattanh

    @thu giang: Bạn thân mến!

    Theo thiển ý của tôi thì tôi chiếu theo lời Đức Phật nói rằng ở thế gian này pháp ko có định pháp. Con người thì có sanh, lão, bệnh, tử. Thế giới có thành, trụ, hoại, không. Ví dụ như con người đó thọ mạng 70 tuổi, người này ko chịu làm lành lánh dữ mà toàn tạo sát nghiệp thì liệu thọ mạng này của anh ta có bị giảm ko hay vẫn còn y nguyên? Hoặc đã từng có chú Sa di nhỏ tuổi lẽ ra thọ mạng ngắn ngủi nhờ cứu nguyên đàn kiến nên thọ mạng sau cùng là trên 90 tuổi vậy đó. Suy rộng ra hơn là thế giới, nếu như tâm địa con người ở thế gian này thuần thiện thì thế giới này sẽ tồn tại lâu hơn. Tuy nhiên hình như mọi việc đều đi ngược trở lại. “Tướng do tâm sanh, cảnh tùy tâm chuyển”. Ở thế gian này tâm người hiện nay toàn nghĩ đến chuyện dâm, sát….thử nghĩ thời gian tồn tại của nó thế nào chắc bản thân ai cũng tự có câu trả lời. Cho nên chuyện có tận thế hay ko tận thế gì thì nó cũng đã vậy rồi.

    Do thugiang hỏi nên tôi trả lời vậy thôi chứ tôi cũng thuộc hàng ngu phu ngu phụ lo niệm Phật cầu vãng sanh chớ giờ lo nghĩ gì mấy chuyện tận thế chi cho mệt. Đã mang thân này thì trước hay sau gì cũng chết, chỉ là chết rồi về cảnh giới nào mà thôi. Mình ko cứu mình nổi thì độ được cho ai. Chỉ nguyện cho nhiều người cùng nghe thấy phát bồ đề tâm mà chuyên niệm danh hiệu A Di Đà Phật hàng ngày cho đến mạng chung nhất định sẽ được Phật tiếp dẫn đúng như lời nguyện của Ngài.

    Tôi thì cứ cố gắng chiếu theo lời của Ngài Pháp Nhiên Thượng Nhân, Ngài nói rằng: ““Muốn cho đời sống thanh thoát và cõi lòng hoan lạc thì hành giả chỉ nên chuyên cần chăm chú xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật, rồi đem tất cả cuộc đời mình, giao phó cho bản nguyện A Di Đà Phật. Chỉ có như vậy thì không còn có một thứ nghiệp lực hay oan trái nào có thể tác động đến tâm thức của mình”.

    Vài chia sẻ. Xin được học hỏi ở những bạn đồng tu khác.

    Nam mô A Di Đà Phật.

    Reply
  27. thugiang

    A Di Đà Phật,Đúng thế, chuyện tận thế chả nên lo nghĩ, niệm Phật sống an lạc dù mai là tận thế là lựa chọn đúng nhất ạ.

    Reply
  28. Lê Thị Thắm

    Các đạo hữu. Tôi đã ngoài 50, phát tâm quy y tam bảovì tôi ngộ đạo từ khi đi chùa Bái Đính Ninh Bình. Lúc vào thăm cảnh Phật Quán Thế Âm ngàn tay ngàn mắt, nghe câu niệm Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phât.Sau đó tôi được nghe những lá thư của Cư sĩ Diệu Âm từ nước Ú gửi về khuyên người niệm Phật.
    Nhưng gia đình tôi chỉ có mình tôi tin đạo Phật, vậy nên làm gì cũng khó như: Đi chùa, lập bàn thờ Tam bảo, niêm phậtvv…
    Tôi phải làm gì? Xin các đạo hữu cho tôi lời khuyên.

    Reply
    • Phật tử - Lương y PHAN VĂN SANG

      Vài lời chia sẻ cùng Đạo hữu Lê Thị Thắm.
      Đem băng đĩa thuyết pháp về mở tự mình xem ( như là đĩa VÔ THƯỜNG, các đĩa nói về NHÂN QUẢ, PHIM PHẬT GIÁO….mục đích là cố tình để mọi người trong gia đình cùng xen, nghe dần dần họ thấm nhuần mà giác ngộ. Đã có người làm thế mà giác ngộ được chồng con đó ).
      Giả sử nếu bị gia đình phản ứng dội thì đành phải mật tu Tịnh độ như phim NGHỊCH DUYÊN sau đây:

      Bị Chồng Ngăn Cản Tu Hành Bắt Giết Heo Mỗi Ngày Vợ Vẫn Âm Thầm Niệm Phật Biết Trước Ngày Vãng Sanh [Video]

    • timlaiphattanh

      Con kính chào cô Thắm!

      Cô ơi, cô quả thật là có nhiều thiện căn phước đức khi tuổi quá năm mươi được nghe, tin Phật pháp và khao khát được tự công phu niệm Phật phát nguyện vãng sanh Tây Phương đó cô. Cô cố gắng nhiều nhé!

      Con cũng mới học Phật thời gian gần đây thôi nhưng biết được cái gì con chia sẻ giúp cô chút ấy: Phật pháp có cái hay là tùy duyên, hình thức chỉ là trợ duyên, quý nhất ở tâm và lòng thành kính sâu. Hoàn cảnh của cô thế nào thì cô cứ y như thế ấy, rồi cảnh nó sẽ tùy tâm cô mà chuyển, đó là thật không hư dối. Nếu như cô không thể đi chùa được thì cô ở nhà tự tu. Nhà không lập bàn thờ được thì hàng ngày cô cố gắng quay mặt về hướng Tây (hướng mặt trời lặn) phát nguyện cầu vãng sanh (nguyện đức Phật A Di Đà tiếp dẫn khi mạng chung) rồi sau đó cô cứ liên tục niệm Phật cả ngày. Niệm ra tiếng không được thì niệm thầm, hoặc khi nào niệm ra tiếng được thì niệm, khi nào mệt thì niệm thầm. Trừ những lúc ngủ, tắm rửa, toilet, thay đồ….thì phải niệm thầm để tránh bất kính. Cứ mỗi ngày trước khi đi ngủ thì cô nguyện đem tất cả những việc thiện và công đức niệm Phật cô làm được trong ngày hồi hướng về Tây Phương (Cô phát nguyện thế này: Con nguyện đem tất cả những việc thiện và công đức niệm Phật hết trong ngày hôm nay hồi hướng trang nghiêm Tây Phương Phật Tịnh Độ. Trên đền bốn ơn nặng. Dưới cứu khổ ba đường. Nếu có ai thấy nghe. Đều phát tâm Bồ đề. Hết một báo thân này. Đồng sanh nước Cực Lạc. Nam Mô A Di Đà Phật). Quan trọng nhất là lòng thành và duy trì từ lúc phát tâm cho đến khi vãng sanh về đất Phật luôn. Cô cứ chăm chỉ làm hoài tự nhiên gia cảnh sẽ có sự thay đổi và chuyển hóa mọi người trong nhà. Và cái lợi ích lớn nhất là khi lâm chung được Phật tiếp dẫn. Còn gì quý hơn nữa phải không cô?

      Chúc cô tinh tấn tu tập và thân tâm an lạc.

      Con chào cô.

      Nam mô A Di Đà Phật.

  29. Tran Thi Thao Linh

    Thưa thầy, con có vấn đè mong thày giải đáp. Năm 2008, con có mang thai 1 bé gái, đến tháng thứ 7 thì con bị ngộ độc thai ngén buộc đình chỉ việc mang thai. Lúc đó để cứu con bác sỹ buộc con phải sinh non, nên sau khi sinh ra 15 phút thì bé mất, con đã khóc rất nhiều. Năm 2011 con gửi vong linh bé lên chùa,hàng tháng mùng 1, rằm con đều lên chùa thắp nhang. Nhưng khi bé sau của con bị Tim, thầy mà bữa giờ con vẫn hay đề cập có nói, bé nhà con về quấy em nó, về trong hình hài không có quần áo mặc. Nghe lời thầy, con có làm bữa cơm chay cúng và đốt đồ cho con gái, thầy đó bảo giờ bé đã vào núi tu rồi, ở đó được học hành không lo đói không lo rét được nghe thuyết giảng phật pháp…, sau đó vợ chồng con thực hiện sám hối trong 7 ngày về hành động bỏ bé(làm việc này không hề có chuyện tốn tiền hay bồi dưỡng thầy gì cả).
    Thầy ơi, thầy giải thích cho con nghe ý nghĩa việc gửi vong lên chùa? tại sao gửi lên chùa bé còn về quấy em…
    Xin thầy giải thích cặn kẽ cho con hiểu thêm .
    Con xin chân thành cám ơn
    Nam mô a di đà phật

    Reply
  30. Xuân Nam

    Gởi Chị Thắm
    Đễ diễn giải việc này rất dài dòng đó Chị, nhưng đại thể như thế này: chưa chắc đi chùa, lập bàn thờ, ăn chay … là tu được rồi mà tu là sửa ở Tâm, khẩu, ý của mình đó chị. Chị có thể ở nhà mà tu cũng được, đọc kinh đọc sách sửa đổi chính mình, làm điều thiện tránh điều ác là đã tu rồi đó Chị.

    Reply
  31. Phung Van Thi

    Nam mô a di đà Phật
    Xin đa tạ TỊnh Thái đã chỉ dẫn những điều thật bổ ích.NHưng thực hiện được như vậy khó quá.Vì ở quê mình chưa có ai đưa hài cốt lên chùa, chỉ có đưa vong linh lên chùa mà thôi, nếu bây giờ mình đưa hài cốt lên chùa họ sẽ không đồng ý đâu.Hai nữa là khó mà ra khỏi vòng thế tục, vì do chiến tranh mà cha mình đã ngã xuống , giờ đây mình đưa mộ phần về , anh em thân quyến và chính quyền địa phương sẽ tổ chức truy điệu và an táng tại nghĩa trang quê nhà thôi.Mình chỉ băn khoăn về việc ăn uống,chắc chắn sẽ phải sắp chục mâm cỗ,liệu có tránh được sát sinh hay không ? Cha mình mất đã gần 40 năm,giờ cha mình đang ở cảnh giới nào? Những thủ tục như cúng bái, xem giờ,truy điệu, phúng viếng ..v.v…có thực sự cần thiết cho vong linh của người khuất hay không
    Mình thực sự lo lắng ,làm sao để không gây thêm ác nghiệp cho tất cả mọi người , còn sống hay đã khuất mà thôi. Xin được quý đạo hữu cùng chia sẻ
    Nam mô a di đà Phật
    Phùng Văn Thi
    DT : 01886 057 195
    0987 666 096

    Reply
  32. thugiang

    gửi bạn Thi,

    Theo minh nghĩ truy điệu phúng viếng dành cho người sống, xem h vốn đạo Phật ko hề dạy, nhưng đây là thuận theo thế tục, nếu người nhà quá quan trọng chuyện này thì cũng nên thuận theo, vì vong người chết sợ nhất là cảnh cả nhà không hoan hỷ, ko vui vẻ đón họ về. Đón vong hay cúng lễ trong sự hục hoặc cãi nhau là đại kỵ. Đưa vong linh lên chùa theo mình là ổn rồi, người đã mất cần cầu siêu, cần người nhà làm phước hồi hướng cho họ. Vì thế tốt nhất là làm cỗ chay đãi mọi người, nếu việc này ko được đại gia đình thuận theo thì nên thuê bên thứ 3 làm cỗ, nếu gia đình muốn tự nấu mà ko thuê bthứ 3 làm cỗ thì nên mua những con đã chết rồi về nấu, ko nên mua đồ tươi sống về nấu. Đó là vài lời của tôi, ko biết có đúng ko. Bạn nên lựa lời khuyên gia đình, tùy theo nhận thức của họ mà chọn mức nào. Đẹp nhất vẫn là cỗ chay, cầu siêu, phóng sinh hồi hướng. Nên nhớ 1 điều, hào khí trong gia đình là quan trọng nhất, gia đình có hòa khí vong mới hoan hỷ ạ. Tuyệt đối ko bao h cũng giỗ, lễ tết cầu siêu khi gia trung lục đục, đánh cãi lẫn nhau…

    Reply
    • Phung Van Thi

      Cảm ơn Thu Giang đã chia sẻ.Chắc là cách đó là tốt nhất ,để trọn vẹn đôi đường , đời và đạo.Mình sẽ cố gắng làm để tròn chữ hiếu với cha mẹ
      Nam Mô A Di Đà Phật

  33. thugiang

    Hi Thao Linh, theo thiển ý của mình, việc gửi vong lên chùa có rất nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, hầu hết chúng sinh ở cõi vô hình bị thiêu đốt bởi khát vọng có một thân xác đặc biệt các vong linh mất trẻ- vậy nên họ cảm thấy khổ sở, nếu đưa họ lên chùa, để ngày ngày nghe kinh Phật, họ sẽ giác ngộ mà đợi đến duyên tái sinh. Thứ 2, nhà chùa luôn cúng ít nhất là rằm mùng một rất cẩn thận nên vong không lo bị đói, như vậy trường hợp vong đó nặng nghiệp mãi không được siêu sinh, mà con cháu qua mấy đời đã quên hết ko còn cúng, thì vong vẫn có nơi nương tựa, ko thành quỷ đói quấy quả.

    Bé đầu nhà bạn mất lúc mới lọt lòng, khi chưa gây nghiệp, nên việc bé siêu thoát sẽ rất nhanh đó, có khi chỉ sau 3 năm đã siêu. Còn bé sau quấy quả cũng có thể là do bé trước về, cũng có thể là do oan gia trái chủ của bé. Nhưng xét về khoa học thì mình cho là do bé yêu, ốm, khó chịu trong người nên bé hay quấy. Sự ốm này cũng do là bé chưa có được nhiều phước về đường sức khỏe, kiếp trước có thể đã gây nghiệp đánh người nên kiếp này bị vậy. Tốt nhất là nên kết hợp âm dương, lo chăm sóc bé thật tốt, đồng thời thành tâm cầu nguyện cho bé. Sau này bé lớn, hướng bé làm lành lánh dữ, tin theo phật pháp, ắt sẽ có sự chuyển nghiệp mà sống an lành.
    Đức Phật có lời dạy: Nghĩ đến thân xác đừng cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì tham dục dễ sinh.

    Vậy nên việc bé ôm chưa hẳn đã là việc không hay, biết đâu đấy chính là nhân duyên để bé và bạn và gia đình bạn quyết tâm tu tập, sống tốt đẹp hơn.

    Vài điều ngu muội của kẻ phàm phu, mong quý đạo hữu đừng chê cười.

    Reply
  34. ĐặngTâm

    Con là một phật tử rất có niềm tin vào Tam Bảo, con thường xuyên đi
    chùa đảnh lễ các đức Phật, nhưng con có một vài thắc mắc mong thầy giải đáp giúp con
    Con thấy đức vua Tịnh Phạn là cha của đức Phật được thờ trong chùa, sao Thánh mẫu Ma-Gia là người sinh ra Đức Phật Thích ca Mâu Ni lại không được tôn thờ trong chùa? vậy ngài được thờ ở chỗ nào ạ?
    Trong Tam Bảo luân có ba ngôi tượng lớn có phải là tượng Thích Ca Mâu Ni ở giữa, tượng A-Di-Đà bên phải và tượng Di-Lạc bên trái không ạ?
    Con có được đọc cuộc trả lời phỏng vấn của một thầy giáo trong trường Học viện báo chí và tuyên truyền, thầy nói trong chùa mà thờ Đức Thánh Trần, Thánh Mẫu là không đúng, làm cho đạo Phật bị cải biến đi. Con không hiểu việc thờ trên là khớp hay chưa khớp với đạo Phật mong thầy giải đáp giúp con.
    Con xin chân thành cảm ơn thầy!

    Reply
  35. do tran thao ngan

    nam mô a di đà phật….mong cho tất cã những người trên cõi đời này điều đc yên vui……..

    Reply
  36. Minh Sang

    NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
    Vui lòng cho con hỏi: ông xã con mất nay là 104 ngày. khi Anh ấy mất toàn thân nổi da gà và lạnh ( vì Anh ấy mất trên tay con).Con và cháu đã quy y Tam Bảo ( sau ngày Anh mất được 10 ngày) và làm lễ trai tăng cúng dường mỗi thất .con ăn chay niẹm Phật cầu nguyện cho Anh được siêu thoát- mọi công đức con làm xin hồi hướng hết cho Anh. Vậy xin chỉ bảo : chồng con có được siêu thoát và vào đường nào trong 6 ngã luân hồi?
    Thành tâm xin được chỉ dạy để con có thể biết được chồng con về đâu sao khi Anh mất?
    TRÂN TRỌNG MONG HỒI ÂM!

    Reply
    • Tịnh Thái

      Sau khi chồng mất, chị đã quy y Tam Bảo, làm lễ trai tăng cúng dường mỗi thất, ăn chay niệm Phật…điều này đã nói lên sự chân thành của Chị. Với tâm chân thành đó thì chúng tôi tin tưởng chồng Chị rất có thể sẽ được sanh về cõi lành, còn cõi nào thì không nhất định, tùy vào phước phần của chính chồng Chị, tùy vào tâm của Chồng chị có chịu buông xả vợ con, gia đình, nhà cửa hay không? Nếu anh ấy vẫn còn tâm tham luyến cảnh trần gian, hay còn có 1 thứ nào đó mà trong tâm không buông bỏ được thì chưa thể siêu thoát, người mà còn có tâm tham chấp sâu nặng thì rất dễ đọa lạc vào cảnh giới Ma Quỷ.

      Do đó, việc sau khi chết sanh về đâu là do nghiệp nhân của chính mình quyết định chứ chẳng phải do người khác, người khác chỉ là trợ duyên mà thôi, cái chính vẫn là ở chính bản thân mình, ông tu ông chứng, bà tu bà chứng là vậy.

      Hiểu rõ được điều này thì mình chỉ có thể tận hết bổn phận, hộ trợ hết sức mà thôi…Còn lại thì do chính nghiệp lực của người đó quyết định cảnh giới tái sanh ở kiếp kế tiếp của họ, không có ai tu dùm hay tu thế ai được…

      Đây cũng là nhân duyên tốt để giúp Chị có thể phản tỉnh mà phát tâm học Phật, niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, chính Chị phải có thể vãng sanh, ra khỏi sanh tử luân hồi thì Chị mới thật sự có khả năng cứu giúp thân bằng quyến thuộc của Chị, những người vẫn đang kẹt trong luân hồi sanh tử.

      Mình vẫn chưa thể độ được chính mình thì cũng chẳng thể độ được cho người khác: Đây là lời Phật dạy, là chân lý.

      Xin được chia sẻ đôi lời cùng Chị.

      Nam Mô A Di Đà Phật.

  37. Nhà Nhân Tướng Học

    Xin được tham gia đóng góp ý kiến với các bạn và trao đổi qua Yahoo: momangphonui . Mong rằng có thể giúp ích các bạn những điều thắc mắc về tâm linh trong sự hiểu biết của tôi và sự gia hộ của ơn trên. Thân ái!

    Reply
  38. Diệu Quỳnh

    Con chào chú Tịnh Thái !
    Chú ơi , chú cho con hỏi. Con được biết nếu như người thân của mình mất thì trong khoảng thời gian ít nhất 8 tiếng không được chạm vào thân thể người đó , kể cả là giường chiếu của người đó. Nhưng trong trường hợp người đó bị bệnh lâu ngày chân tay bị cong, hay cơ thể co quắp mà không được bóp lại mà để tới 8 tiếng sẽ cứng lại thì làm sao có thể cho được vào áo quan a ?
    Và nếu nhất đình phải để 8 giờ thì có cách gì để giữ được cho thân thể người đó vẫn mềm không ạ ? Xin chú chỉ dạy giúp con. Con cảm ơn chú ạ !

    Reply
    • Tịnh Thái

      Trong vòng 12 giờ gia đình nên chuyên tâm niệm danh hiệu A Di Đà Phật cho người mất, không nên đụng chạm gì vào cơ thể của họ.

      Sau đó, nếu cơ thể vẫn còn có chỗ bị cứng thì có thể dùng khăn mềm nhúng nước ấm mà lau ở chỗ cứng nhiều lần thì chỗ đó sẽ mềm ra.

      Nam Mô A Di Đà Phật.

  39. phương thúy

    kinh thưa thầy!
    Cha của con mat nay được 100ngày rồi lúc cha con còn sống lúc con khỏe manh cha con có đối xử không tốt với anh chị của con, nhưng đối với con cha con rất là thương yêu và cưng chiều con lắm nên khi cha con mất rồi anh chị con hay nằm mơ thấy cha đi làm chuyện gì mà rất mệt mỏi và yếu ớt . con không biết có phải cha con đang bị đài ải vì những việc làm lúc còn sống không? nhưng còn riêng con không biết phải làm gì hết , khi nghĩ đên cha con phải bị đài ải con chỉ biết khóc thôi thầy ơi!

    Reply
    • Tường Linh

      Chào chú Tịnh Thái,

      Nam Mô A Di Đà Phật!
      Chú cho con hỏi: Chồng con đã mất hơn 4 tháng, 51 tuổi âm, mỗi cúng thất đều mời Sư ở chùa đến cúng, đến cúng thất 3 thì có Làm Lễ qui y cho chồng con và có pháp danh để được tu học theo phật pháp, nhằm tránh bị lôi kéo làm bậy và tránh bị trùng tang cho người thân. Sau 49 ngày thì con nghe Sư ở chùa nói chồng con đi theo phật rồi, nhưng tối về con vẫn nghe tiếng gõ cửa phòng như lúc trước 49 ngày khi chưa theo phật(trước đây không bao giờ xảy ra chuyện này), con đoán biết đó là chông con về. Từ lúc 49 ngày đến 100 ngày thì thỉnh thoảng lại về gõ cửa lúc đêm khuya, cả 3 mẹ con con đều nghe! Tiếng gõ cửa thông thường rất nhẹ, con biết là chồng con không nỡ ra đi khi để lại 2 đứa con thơ còn nhỏ dại. Nhưng tối hôm qua là đêm 14 tháng 7 âm lịch, con thường nghe nói 12g đêm là các vong sẽ phải trở lại cõi âm! Đêm qua con nghe tiếng gõ cửa rất mạnh và liên tục, con k biết chuyện gi xảy ra với chồng con, cùng lúc đó con đang nằm mơ chồng con về nhà ủi đồ giúp con, sau đó chồng con tự nhiên kêu đi thông hầm cầu, rồi kêu quần bị dơ cần phải thay quần nhưng không còn quần nào để thay, con nói chồng con lấy cái quần vừa ủi mà mặc, sau đó con tỉnh giấc vì tiếng gõ cửa rất to. Xin chú có thể lý giải giấc mơ của con được không? hay là chồng con cần giúp gì ở cõi âm! Mà sao chồng con theo phật rồi vẫn về được! Vậy chồng con có bị xuống địa ngục không hay được lên trời! Lúc chồng con mất tay chân rất mềm mại, không hề bị cứng lạnh như nhiều người, hôm sau mặc quần áo quan vẫn mềm mại nên mạc rất dễ dàng. Không biết có phải do trước đó trong thời gian chồng con bị bênh, con và 2 đứa con nhỏ liên tục đọc Chú Đại Bi hay không? Vậy chồng con có được vãng sanh không? Con có cần đốt thêm quần áo gì cho chông con không và thật sự người âm có cần quần áo mình đốt không hay đây chỉ là phong tục? Con sợ do mình không hiểu biết thế giới bên kia nên không thể giúp được chồng mình! Vì sao đêm qua chồng con lại vể gõ cửa to và dồn dập như vậy?

      Cho con hỏi thêm một điều nữa: con rất là yêu thương chồng mình, nếu vẫn lưu luyến như vậy vì con vẫn thường nói chuyện với chồng con dù con không biết có chồng con về hay không, con vẫn thường gọi tên chồng mình. Như vậy chồng con có biết hay không? Ảnh mất rồi thì mọi việc xảy ra với mấy mẹ con con ảnh có biết không? Nếu con không gọi ảnh nữa thì ảnh sẽ đi luôn có đúng không? Như vậy làm sao ảnh phù hộ cho 2 đứa con trai của con được nữa. Có người khuyên con không nên ích kỷ mà gọi tên anh nữa, để anh yên lòng ra đi. Lúc trước 100 ngày con cũng dằn lòng khấn ảnh hãy yên tâm ra đi, mọi việc ở lại con sẽ cố gắng lo dạy dỗ con cái. Nhưng sau đó con thấy chồng con vẫn về gõ cửa nên con lại gọi tên chồng con, thật lòng con vẫn muốn chồng con thỉnh thoảng về để 3 mẹ con con không cảm thấy bơ vơ trống vắng, nhưng con lại không biết như vây có hại gì cho chồng con không? chồng con có bị lang thang vất vưởng không? Hay ảnh vẩn được theo phật mà thỉnh thoảng xin phép về nhà thăm vợ con?

      Nam Mô A Di Đà Phật!

    • Tịnh Thái

      Có vài vấn đề cần chia sẻ cùng Chị:

      1. Việc trùng tang trong dân gian đồn đại là mê tín, hoặc có người nói nếu người nhà mất trong tháng 7 âm lịch thì gia đình sẽ rất…xui! Đây toàn là mê tín, đã có sanh thì phải có tử, là việc bình thường, không cần thiết phải lo lắng quá như vậy.

      2. Nếu chồng Chị vẫn còn tâm luyến ái thương nhớ Chị và các cháu, tối lại hay về gõ cửa như vậy, và Chị lại hay mơ thấy anh ấy thì đây là những dấu hiệu cho thấy anh ấy chưa được vãng sanh về với Phật A Di Đà. Mà vẫn có thể còn ở trong thân trung ấm hoặc trong cảnh giới Ma Quỷ. Chị hãy mau mau tụng kinh Địa Tạng hồi hướng cho anh ấy, niệm Phật hồi hướng cho anh ấy thêm 100 ngày nữa, các cháu cùng tụng với Chị thì càng tốt, mỗi ngày đều phải nên tụng kinh và niệm A Di Đà Phật. Không cần phải đốt vàng mã gì hết, người mất họ cần nhất là được người nhà tụng Kinh Địa Tạng và niệm A Di Đà Phật. Những thứ khác chỉ là thứ yếu, lợi ích không thể so sánh bằng với việc tụng kinh & niệm Phật.

      …Gõ cửa dồn dập là thần thức đang bị tán loạn, đang đau khổ, cần mình giúp đỡ, hãy mau mau mà tụng kinh & niệm Phật cho anh ấy.

      3. Chị nên bỏ cái tâm thương nhớ thường tình của nữ nhi, đừng gọi tên chồng, đừng nói chuyện với chồng 1 mình như vậy, cái tâm đó nó níu kéo chồng Chị không thể buông được sự luyến ái với vợ con, là hại chồng Chị, làm cho anh ấy cứ bị dằn vặt, khổ sở, chẳng thể sanh được về cõi lành. Riêng Chị nếu còn kéo dài cái tật này thì chẳng sớm thì muộn thì Chị cũng bị Ma dựa mà phát cuồng phát dại, việc này Chị không thể không biết.

      Phải tự biết sanh tử vô thường, hết duyên vợ chồng rồi thì hãy để người ta ra đi thanh thản, chẳng nên bi lụy níu kéo như thế…Người chết chả thể giúp gì được cho người sống, tất cả đều do nghiệp lực dẫn dắt mà thôi. Nhưng người sống có thể trợ duyên cho người mất, tăng trưởng thêm chút phước báo cho họ làm hành trang trên con đường tái sanh về cõi lành bằng cách chân thành, nhất tâm tụng kinh Địa Tạng và niệm A Di Đà Phật.

      Nam Mô A Di Đà Phật.

    • Tịnh Thái

      Đối với người đã mất, khóc lóc chẳng giúp được gì cho họ, thậm chí là còn làm cho họ tăng thêm phiền muộn và nghiệp chướng trên con đường tái sanh về cõi lành…Tốt nhất là bạn hãy thường tụng kinh Địa Tạng và niệm A Di Đà Phật, phóng sanh làm lành hồi hướng cho Cha bạn, đây là phương pháp hiệu quả nhất đối với người mất, nhất là niệm A Di Đà Phật, là công đức bậc nhất vậy.

      Nam Mô A Di Đà Phật.

  40. Tường Linh

    Con cảm ơn chú Tịnh Thái nhiều lắm. Con sẽ làm theo lời chú chỉ dạy là tụng kinh Địa tạng thêm 100 ngày nữa cho chồng con và mong giúp được chồng con tái sanh về cõi lành.
    Nam Mô A Di Đà Phật !

    Reply
  41. nguyễn thị kim chi

    Mẹ con qua đời 49 ngày con cúng dường trai tăng. mẹ con có được giảm tội để đi về cõi niết bàn?

    Reply
  42. võ thanh lý

    chết thật sự là hết thật không.còn mẹ còn vợ còn con.còn tình còn nghĩa nhưng dời khổ dau.thật sự tôi thương vợ tôi rất nhiều nhưng vì nổi hờn ghen vô cớ làm tôi mêt mõi.đôi lúc tôi muốn tim cái chết thật sự để cho nổi dau không còn nửa.nhưng vì còn …chết có phải là hết thật khong

    Reply
  43. dương thị hòa

    NAM MO A DI DA PHAT!
    KINH THUA CAC THAY VA CAC VI PHAT TU!
    Ba noi chau da mat duoc gan 5 nam, va da boc mo
    cach day khoảng 1 năm chau dang o Hà Nội thi chuyển hẳn vao Vung Tau o, 1 buổi chiều chau nhin len trời va nhin vao dam may. Một lúc sau chau thấy khuôn mặt bà cháu đang cười rất tươi hiện ro mồt một. cac thay va các vị phật tu giải thích hồ chau hiên tượng nay vơi.

    Reply
  44. Trần mạnh tuấn

    Các thầy cho con hỏi : em gái con có bầu nhưng thai bị chết lưu , vẫn mổ lấy thai ra và gia đình có mời thầy cúng và chôn cất đàng hoàng. Vậy trường hợp này em bé đi về đâu? Con xin chân thành cảm ơn. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

    Reply
  45. dương hóa

    thưa các thầy cùng các đạo hữu , sống chết là có số từ xưa đến nay tôi đã đều nghe và thấy qua thực tế không ít lần.
    Lần này đến lượt tôi, hiện nay sức khỏe tôi rất bình thường nhưng lại mang trong lòng một nổi lo buồn rất lớn , về gia đình cũng như sự nghiệp của tôi.
    Nhiều lúc gần đây tôi đã nghĩ đến không biết khi mình chết đi có hết buồn không và những người ở lại ra sao ? xin được nghe ý kiến của quý thầy và đạo hữu ,hiện nay tôi không biết mình nghĩ như thế nào mà lại hỏi vậy xin các vị lượng thứ

    Reply
  46. Nguyễn Lê

    Nam mô A Di Đà Phật!
    Thật là hoan hỉ!
    Đây là lần đầu tôi đọc trang này, tôi đã quy tam bảo, mà lâu rồi buông thả không chăm tu, đến nỗi hôm nay quên mất cả danh hiệu phật tử của mình, thật là tội lớn.
    Đọc trang này tôi như giật mình tỉnh lại vậy, cảm ơn các thầy, quý vị đạo hữu đã lập nên, tham gia vào trang này, cho tôi thật nhiều hạnh ngộ, giúp tôi thêm quả quyết tu tập hơn nữa!
    Nam mô A Di Đà Phật!
    Tôi cũng có một chút thiển ý về đằng sau cái chết, xin viết ra đây, mong là quý thầy và đạo hữu chỉ điểm, sửa sai.
    theo tôi hiểu, sau khi chết thần thức người ta còn tồn tại dưới dạng gọi là thân trung ấm, thường hết 49 ngày thì sẽ theo nghiệp mà tái sinh về nẻo nào đó. Có người tái sinh rất sớm, chưa đầy 49 ngày. có người lại rất lâu, thậm chí hàng ngàn năm vẫn còn là thân trung ấm!
    Nếu sau khi chết, vì luyến ái tình thâm không dứt được, hay vì tham tiếc gia tài… càng tham nhiều càng chậm tái sinh và ngược lại.
    Mất người thân ai cũng đau xót, nhưng càng gào khóc hay gọi tên, rồi làm cỗ ma sát sinh nhiều bao nhiêu, càng làm nghiệp ác của người thân thêm nặng, lại thêm nặng luyến ái dây dưa. Thế càng phải ở lâu trong thân trung ấm (ta thường hiểu là hồn ma chưa siêu thoát đó)
    Tôi cũng từng ngậm ngùi vì khi bố tôi mất, tôi chưa biết đến Phật đạo, cứ hoài khóc thương và than trời trách đất. Bố tôi mất rồi, anh em chúng tôi thường mơ thấy bố đau ốm, khổ đau, hạ nóng đông rét…
    Sau này chúng tôi may được biết mà đọc kinh cầu siêu cho bố và gia tiên. Từ đó chúng tôi ít mơ thấy bố hơn, mà mỗi lần thấy bố thường thấy người vui lắm, bệnh tật thuyên giảm, lại nhắc các con thường tụng kinh, hồi hướng cho cả gia tiên nữa…
    Đời là bể khổ, tôi có đoạn trải qua khổ não lúc gần đây, u uất đến quên cả việc thường tụng kinh Phật. Nay tình cờ gặp trang báo này, lòng đầy hoan hỉ!
    Cám ơn quý thầy và đạo hữu!
    Nam mô A Di Đà Phật!
    Nam mô bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

    Reply
  47. Khánh Ly

    thầy ơi con có một câu hỏi mong thầy giải giúp. Trước đây cha con thường say xỉn đánh mắng mẹ con con rồi bị mấy cô chú dụ dỗ đuổi tụi con đi. Sống trong hoàn cảnh như thế nên mấy chị em con có nhiều hành động lời nói không hay với cha. Giờ nghe lời Phật dạy con biết mình mang tội bất hiếu. Tụi con phải làm gì để chuộc lỗi lầm thưa thầy? Cha con giờ vẫn không thay đổi nên gia đình con tan nát mỗi người một phương. Tụi con cũng không thể về nhà nhưng thật sự rất thương ba.
    Con cảm ơn thầy!

    Reply
    • Tịnh Thái

      Nếu vì điều kiện thực tế không thể quan tâm chăm sóc đến cha trực tiếp thì có thể thực hiện gián tiếp qua người thân nào khác mà đang gần gũi với Cha hay hàng xóm, bạn bè thân của cha v.v…Cứ âm thầm giúp cha một thời gian sau thì cha có thể hồi tâm chuyển ý.

      Tịnh Thái tâm đắc 1 câu của HT Tịnh Không: “Mình không thể cảm hóa được người khác là do tâm chân thành của mình chưa đủ…”, biết vậy thì mình phải ráng mà cố gắng hơn, nhẫn nại hơn, 10 năm, 20 năm…thậm chí 40-50 năm. Rồi sẽ chuyển được.

      Mưa dầm thấm đất, nước chảy đá mòn…nhất định sẽ được.

      Nam Mô A Di Đà Phật.

  48. Sương TG

    Nam mô A Di Đà Phật.
    Con cũng là một phật tử tại gia, con quy y và có pháp danh chưa được bao lâu,công đức đi lễ chùa và đọc kinh chưa nhiều lắm ,vậy con có được tí phước nào để có thể hồi hướng cho mẹ con không?.
    Mẹ con mất đến này được 2 tháng rồi, mẹ con mất vì căng bệnh u não ,bác sĩ đã bó tay, nên sức khỏe mẹ con mỗi ngày một yếu, dần dần kiệt sức mà ra đi, mẹ ra đi rất nhẹ nhàng, lúc sắp đi chỉ thấy nhịp tim đập mạnh rồi từ từ yếu lại và mẹ đã xuôi tay bỏ lại con và gia đình
    Lúc mẹ ra đi nhìn mặt mẹ không mấy tươi vui có lẽ vì mẹ còn vướng bận vì con , con là con giữa trong nhà, lại là gái mà gần 30 tuổi rồi con cũng chưa lập gia đình, lúc sống người mà mẹ lo lắng nhất lại chính là con.
    Vì hiều được tí xíu phật pháp, và nghe được những lời tâm sự trên mạng nên con và chị đã quỳ niệm phật suốt 7 tiếng đồng hồ đến khi tẩn niệm mẹ ,niệm được khoảng 1 tiềng đồng hồ thì con nhìn thấy mẹ con với vẽ mặt tươi tỉnh miệng như đang mĩm cười với con, lúc đó con vui lắm, và không dám lãng phí dù là 1 tí xíu thời gian mà ngưng niệm phật .Con không để ý mẹ con còn hơi ấm ở chỗ nào ,chỉ nghe Cha kể lại là mẹ ấm trên đầu thôi.
    Sau ngày chôn cất mẹ con được người thân bảo cho là nên đọc kinh Địa Tạng và niệm Phật hồi hướng cho mẹ con, con cũng làm theo đến hết 49 ngày . Con cũng đi cúng dường chùa ,phóng sanh để mong mẹ con được siêu thoát vãng sanh cực lạc. Vậy mẹ con có được vãng sanh không ? hay là duyên lành con quá mỏng không thể đủ để hồi hướng cho mẹ.
    Từ khi mẹ con mất đến nay ngày nào con cũng cầu mong mẹ con có thể về mách bảo cho con biết mẹ con tội phước thế nào ,có bị đọa vào đường giữ hay không? mà con và gia đình điều không thấy mẹ về. Con rất buồn ,xin sư phụ hãy chỉ cho con biết con phải làm sao để trợ duyên cho mẹ con về cõi lành ,được theo phật.
    Và sau 49 ngày nếu như con vẫn làm việc phước đức để hồi hướng cho mẹ thì mẹ con có được tăng duyên lành hay không ?

    Reply
  49. Hoa Di

    Kính thưa thầy và quý đạo hữu.
    Con năm nay 25tuổi.Chồng con vừa qua đời hửơng dương 26 tuổi.chồng con bị điện giật trong lúc làm việc.Hôm nay là đúng 21ngày chồng con mất.Anh ra đi đột ngột và không có 1 ngừoi thân nào bên cạnh.nên con không biết biểu hiện lúc lâm chung như thế nào.con đang mang thai bé đầu hơn 8tháng.
    Con có 1vài điều không hiểu kính mong thầy.quý đạo hữu.các vị thúc bá chỉ dạy cho con.
    Theo lời nhận xét của mọi ngừơi thì Chồng con lúc sống rất hiền. hiếu đạo với cha mẹ.anh chị 2 bên.yêu thương vợ hết mực và hòa đồng vui vẻ với tất cả bạn bè.đồng nghiệp.Khi anh ra đi mọi ngừời rất tiếc thương và đến viếng chia buồn với gia đình rất đông.có ngừơi chưa gặp anh lần nào chỉ nghe qua lời kể về anh cũng đến thắp cho anh nén nhang.Bên gia đình con đã biết giác ngộ quy y Tam bảo.
    Ngày tẩn liệm anh con đã khóc rất nhiều nhưng con vẫn niệm A di đà Phật và đêm đó mệt quá con chợp mắt thì nghe văng vẳng bên tai :đừng khóc nữa em.em khóc anh buồn lắm.Qua ngày hom sau con không khóc nữa và nghe theo lời sư Thúc con dạy(Con quy y gần 10năm nhưng chưa hiểu nhiều về Phật pháp) là thắp nhang nói với anh: em biết anh thương mẹ con em nhiều lắm.nhưng duyên nợ vợ chồng mình đến nay là hết rồi anh nên nghe kinh.nhat tâm niệm phật.giũ bỏ hết tất cả để nhẹ nhàng thanh thản ra đi siêu sanh về miền cực lạc.nếu anh cứ luyến thương vất vữơng theo mẹ con em anh sẽ khổ lắm“Mẹ và dì con có rứơc ban hộ niệm cho chồng con 3 đêm.và bà con gần xa cũng có gửi tên anh cúng cầu siêu 49 ngày.Ngày đưa tang anh con luôn nhất tâm niệm phật hồi hứớng công đức cho chồng con.Và bắt đầu trì chú Kinh địa tạng.Từ lúc biết tin con mang thai.cả con và anh có đọc Chú đại bi.ngày chú 3 có khi 5 biến.lúc còn sống Nguyện vọng của anh là quy y Tam bảo nên Rằm tháng 10 vừa rồi sư thầy của con đã làm lễ cho anh.đêm đó. có 2 ngừơi (bạn và chị dâu con)điều nằm mơ thấy chồng con ở trong chùa.Lúc anh quy y con đã đọc hết 1 cuốn Địa tạng.
    Và lần đầu con mơ thấy anh từ khi anh mất là: con và anh đi biển.anh đòi xuống biển tắm nhưng con kéo anh lại không cho anh xuống vì con thấy nứơc biển rất dơ..toàn là dầu nhớt.có rất nhiều em bé.ngừơi già trai có gái có.đông lắm.rồi con thấy có 1hàng ngừời bị còng tay lôi đi.con sợ quá nên kéo anh lên và nói vô chùa thắp nhang.guơng mặt anh rất vui vẻ.lúc nào con cũng thấy anh cừơi.Thầy cho con hỏi giấc mơ của con và gia đình con như vậy có báo hiệu tốt không?con vẫn trì chú và đọc Kinh đia tạng hồi hứơng cho chồng con và tất cả chúng sanh.và con không thấy anh nữa mà mẹ chồng con nằm mơ thấy anh nói là phải lo cho 2mẹ con con.phải cất cho mẹ con con 1 căn nhà riêng.mặc dù anh là con trai út.về phần mẹ chồng con thì Nghiệp còn rất nặng.chưa chánh tín Tam bảo.Thưa thầy.Thầy hoan hỉ chỉ dạy cho con để con có thể giúp chồng con đựơc siêu sanh Tịnh độ
    Nam mô a di đà Phật.

    Reply
  50. nguyễn việt tú

    ông ngoại cháu vừa mất vào tháng 12/2012 vừa xong. bố mẹ cháu có đi xem nhà sư họ bảo là trùng tang nhị sa, vay cho chau hỏi bây giờ nhà cháu cần làm gì

    Reply

Để Lại Phúc Đáp

Your email address will not be published.

Cỡ lớn nhất có thể upload: 2 MB. Thể loại được đính kèm: image, document. Drop files here