Người Sanh Về Cực Lạc Tiết Kiệm Được 2 Đại A Tăng Kỳ Kiếp Để Thành PhậtĐối với các pháp môn thông thường, như trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật nói rất nhiều pháp môn khác, phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, đó là bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo. Tính từ ngày đó trở đi cho đến khi thành tựu [Phật quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác] phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Quý vị phải nghe cho thật rõ: Ba đại A-tăng-kỳ kiếp! A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất tu ba mươi địa vị: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, ba mươi địa vị [phải tu chứng] trong A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất. A-tăng-kỳ kiếp thứ hai tu bảy địa vị, từ Sơ Địa cho đến Thất Địa. A-tăng-kỳ kiếp thứ ba tu ba địa vị Bát Địa, Cửu Địa, Thập Địa. Bởi thế, tu xong ba đại A-tăng-kỳ kiếp sẽ thực sự chứng đắc quả vị gì? Pháp Vân Địa Bồ Tát, rất gần với quả vị rốt ráo, sở chứng của địa vị này là Tịch Diệt Nhẫn. Pháp Vân Địa là hạ phẩm Tịch Diệt Nhẫn, Đẳng Giác là trung phẩm Tịch Diệt Nhẫn, Diệu Giác là thượng phẩm Tịch Diệt Nhẫn.

Tu hành trong thế giới Tây Phương rất nhanh chóng!

Nói “ba đại A-tăng-kỳ kiếp” là từ Sơ Trụ của Viên Giáo cho đến Pháp Vân Địa Bồ Tát, bốn mươi địa vị phải tu mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Người vãng sanh Hạ Hạ Phẩm về Tây Phương Cực Lạc thế giới, mang theo nghiệp, đến khi hoa nở thấy Phật, hãy nhớ kỹ tiếp đó là “ngộ Vô Sanh”, câu này rất trọng yếu! Ngộ Vô Sanh là gì? Vô Sanh Pháp Nhẫn là sở chứng của Thất Địa Bồ Tát. Quý vị hãy nghĩ xem, trong thời gian mười hai kiếp ở Tây Phương Cực Lạc thế giới, Bồ Tát ở các nơi khác phải tu hành hai đại A-tăng-kỳ kiếp, trong khi ở Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ mất thời gian mười hai đại kiếp, không gì sánh bằng được!

Chúng ta nghĩ xem vì sao họ thành tựu nhanh chóng như thế? Nói theo thuật ngữ trong kinh Phật, họ được “oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì”, nâng cao [cảnh giới] thật nhanh. Nếu nói theo cách nói của người thế gian thông tục chúng ta, họ được quang minh của A Di Đà Phật tưới gội, vì sao vậy? Họ là học trò của A Di Đà Phật, chứ còn sao nữa! Quý vị thấy trong kinh Vô Lượng Thọ, Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán A Di Đà Phật, đó là Ngài đã thay mặt cho mười phương ba đời hết thảy chư Phật để tán thán, đức Thế Tôn tán thán A Di Đà Phật là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (ánh sáng tôn quý nhất, là vua của các vị Phật). Bởi thế, hết thảy chư Phật, dù các đức Phật đều bình đẳng, địa vị thực sự bình đẳng, trí huệ bình đẳng, đức tướng bình đẳng, nhưng trong sự bình đẳng ấy, có riêng một đức Phật được hết thảy chư Phật tôn kính. Không đức Phật nào chẳng tôn kính A Di Đà Phật, không vị Phật nào chẳng kính ngưỡng A Di Đà Phật. Học trò của A Di Đà Phật được quang minh chiếu đến, bất luận thân cận một vị Phật nào, vì là học trò của A Di Đà Phật nên được đặc biệt chiếu cố, thật là hy hữu!

Phật Di Đà thực sự gia trì kẻ đó, dù phiền não tập khí chưa đoạn, kẻ ấy vẫn có năng lực tham phỏng mười phương hết thảy Như Lai. Trong kinh không nói nhiều, chỉ nói là tham phỏng mười phương mười vạn ức Phật; nói như vậy là có dụng ý, dụng ý gì vậy? Tây Phương Cực Lạc thế giới cách thế giới Sa Bà mười vạn ức cõi Phật. Ý nói: Quý vị đến thế giới Cực Lạc rồi, trở về thế giới này rất dễ dàng, mỗi ngày đều có thể trở về, muốn về là về, dụng ý là đây: Có năng lực như thế đó! Tham phỏng chư Phật, đương nhiên quý vị nghe chư Phật thuyết pháp, mở mang trí huệ, chẳng phải là pháp sư tầm thường, mà chính là chư Phật đích thân giảng kinh thuyết pháp cho ta. Quý vị ra đi, đương nhiên cúng Phật, cúng Phật là tu phước báo. Bởi thế, quý vị đến tham phỏng chư Phật là phước huệ song tu, hằng ngày tham phỏng, còn gì tuyệt hơn! Bởi thế, người ấy tu hành chứng quả chỉ cần mười hai kiếp là thành công. Quý vị tu hành trong mọi cõi Phật khác phải mất hai A-tăng-kỳ kiếp, tu trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chỉ mười hai kiếp là thành.

Văn Thù, Phổ Hiền là Đẳng Giác Bồ Tát trong thế giới Hoa Tạng, vì sao cũng muốn về Tây Phương Cực Lạc thế giới? Ở đây có hai ý nghĩa:

1) Nghĩa thứ nhất là đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thành tựu nhanh hơn so với thế giới Hoa Tạng. Trong thế giới Hoa Tạng phải mất một A-tăng-kỳ kiếp, đến thế giới Cực Lạc chỉ cần một hai ngày là thành công, đương nhiên phải về đó.

2) Nghĩa thứ hai là làm gương cho chúng ta thấy. Trong các vị Bồ Tát, chúng ta ngưỡng mộ, sùng bái Văn Thù Bồ Tát. Nghe nói Văn Thù, Phổ Hiền cũng đều phải cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chúng ta còn nói gì nữa, đương nhiên theo gót các Ngài.

Từ đây ta mới thực sự thấu hiểu “chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn, đới nghiệp vãng sanh, đốn siêu viên chứng” là tán thán “công đức chẳng thể nghĩ bàn”.

Trích Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa