Nếu Nghĩ Đến Bản Thân Mình Trước Mọi Người Sau Thì Dù Tinh Tấn Tu Học Đến Mấy Cũng Đều Ở Ngoài Cửa PhậtNgười có thể đoạn được phiền não là niệm niệm nghĩ đến chúng sanh, niệm niệm muốn người khác tốt, không muốn bản thân mình tốt, các bạn đều tốt, tôi là tệ nhất, vậy là được rồi; các bạn đều có phước, tôi không có phước, vậy mới được. Mang tâm luôn thương xót chúng sanh, mọi người trước còn mình sau, như vậy mới có thể đoạn phiền não. Người như vậy mới có tư cách tu hành, mới có tư cách vào cửa Phật. Niệm niệm chỉ nghĩ đến bản thân mình, sau đó mới nghĩ đến người khác, thì cho dù bạn tinh tấn nỗ lực tu học đến mấy đi chăng nữa, cũng đều ở ngoài cửa Phật, chắc chắc bước không qua ngưỡng cửa. Nhất định phải mở rộng tâm lượng, phải dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi quý trọng ngưòi khác, thành tựu cho người khác.

Chúng ta học Phật, nếu đi nghiên cứu giới luật cũng phải mất công sức cả đời, thậm chí cả một đời còn chưa nghiên cứu hết. Vì thế chúng ta chỉ cần nắm được cương lĩnh, thì có được thọ dụng. Cương lĩnh chỉ có hai câu: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (không làm các việc ác, siêng làm các việc lành). Nói cách khác, đoạn ác tu thiện là tinh thần của giới luật. “Chư ác mạc tác” là giới Tiểu Thừa, giới Tiểu Thừa là tự hạn chế bản thân, chính là tự bản thân mình thiện. “Chúng thiện phụng hành” là giới Đại Thừa. Giới Đại Thừa là sống chung với mọi người, chúng ta niệm niệm phải làm lợi ích cho mọi người. Vì vậy hễ tự tư tự lợi đều là ác, hễ lợi ích cho người khác đều là thiện. Cho nên người tu học Đại Thừa khởi tâm động niệm đều phải nghĩ đến việc làm thế nào để giúp đỡ người khác, làm thế nào để thành tựu cho người khác. Đây là tâm thái đối với mọi người của Bồ Tát Đại Thừa.

Đệ tử Phật khi khởi tâm động niệm đều phải làm lợi ích cho chúng sanh. Không những dạy chúng sanh có được lợi ích mà còn mong cho chúng sanh được lợi ích nhiều nhất, thù thắng nhất. Nếu không có cái tâm nguyện này thì không phải là đệ tử Phật. Ta có được mười phần lợi ích, dạy người ta bảy, tám phần là hẹp hòi, tâm lượng rất nhỏ, không phải là đệ tử Phật. Không những mong muốn chúng sanh có lợi ích lớn, mà còn phải thật sự mong muốn lợi ích mà tất cả chúng sanh có được hơn cả lợi ích mà ta có được. Phải có tâm lượng rộng lớn như vậy, dùng đủ mọi phương tiện thiện xảo để giúp đỡ tất cả chúng sanh.

Trích Niệm Phật Thành Phật
Lão pháp sư Tịnh Không giảng