Niệm Phật Cầu Vãng Sinh Có Ích Kỷ Không?

Niệm Phật Cầu Vãng Sinh Có Ích Kỷ KhôngHỏi: Có người nói, những người tu Tịnh Độ niệm Phật cầu vãng sanh về Cực lạc, thì những người đó thật là ích kỷ, chỉ nghĩ riêng cho mình được lợi lạc, mặc cho những người thân hay bạn bè nói rộng ra là tất cả mọi người ở cõi Ta bà nầy ai khổ mặc ai, miễn sao phần mình được sung sướng thì thôi. Xin hỏi: người nói như thế có hợp lý hay không?

Đáp: Nếu bảo rằng có hợp lý hay không, theo tôi, thì chỉ hợp lý ở một giai đoạn nào đó thôi, chớ không thể nói là hợp lý hoàn toàn. Nếu khẳng quyết cho rằng những người niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực lạc là hoàn toàn ích kỷ chỉ nghĩ cho riêng mình. Lời trách nầy, e có hơi quá đáng! Vì sao? Bởi vì bản nguyện của người niệm Phật cầu sanh Tây phương, họ không phải nguyện về Cực lạc để rồi thọ hưởng những thú vui bên đó luôn, mà tâm nguyện của họ, chỉ về bên đó tiếp tục tu học một thời gian, cho đến khi nào hoàn toàn giác ngộ thành Phật, chừng đó, họ sẽ trở lại cõi Ta bà nầy để hóa độ chúng sanh.

Như vậy, rõ ràng họ không phải là những kẻ bạc tình bạc nghĩa. Chẳng qua cũng chỉ vì lòng thương mọi người, mà họ không muốn cùng nhau chết chìm, khi mình chưa biết lội, mà dám xông pha nhảy xuống nước cứu vớt người. Họ không muốn mạo hiểm phiêu lưu như thế. Vì vậy, để được an toàn bảo đảm trong việc cứu vớt người, chính họ phải tìm cách bảo đảm cho mình có một nội lực thật vững chắc trước, rồi sau đó, họ sẽ trở lại cứu độ mọi loài. Như thế, quả họ là những người biết lo xa, và biết dự phòng vững chắc. Việc họ làm, không phải tùy hứng hay ngẫu nhiên, mà họ chỉ làm đúng theo những gì mà Đức Phật Thích Ca chỉ dạy, giới thiệu.

Thế thì, trong thời gian họ vắng mặt ở cõi nầy, người ta coi họ như là người ích kỷ. Nhưng kỳ thật, không hẳn là như thế. Thí như những vị xuất gia, khi vào chùa, họ xa lìa cha mẹ, bà con họ hàng, những người thân thuộc, bạn bè thân thiết. Thời gian ở chùa, các ngài quyết chí tu học. Chả lẽ trong thời gian ở trong chùa tu học, thì những vị nầy lại là những kẻ ích kỷ, bạc tình bạc nghĩa hết hay sao? Mới nhìn qua như là có ích kỷ, nhưng xét sâu hơn, chưa hẳn là như thế. Vì sau khi ngộ đạo, các ngài vân du hóa đạo làm lợi ích cho chúng sanh.

Như vậy, khi các ngài không còn có mặt ở ngoài đời, giam mình tu học ở trong chùa, hay một nơi nào khác, thì người ta cho rằng các ngài là yểm thế hay ích kỷ? Nhưng đây lại là thời gian mà các ngài chuẩn bị hành trang tư lương cho mình khả dĩ thật chu đáo chín mùi, để sau nầy các ngài ra hoằng pháp lợi sanh. Thế thì, ta lại vội trách các ngài ích kỷ được sao? Nếu vội trách như thế, xét ra, thật hơi quá đáng! Nếu không muốn nói là quá hàm hồ nông cạn.

Lại thêm một thí dụ nữa. Thí như có một sinh viên ở nước Việt Nam ta, anh ta nghe sự giới thiệu của một giáo sư đại học rất tài giỏi, ông ấy nói rằng, ở bên Mỹ có một trường đại học chuyên đào tạo những người có khả năng chuyên ngành kỹ thuật điện tử, đây là ngành mà anh thấy rất thích hợp cho khả năng anh. Sau khi nghe vị giáo sư đó giới thiệu, anh ta quyết tâm bằng mọi cách phải qua được bên Mỹ để học. Tâm nguyện của anh là sau khi anh học xong chương trình của trường đại học đó giảng dạy, bấy giờ anh sẽ trở về lại Việt Nam để dấn thân phục vụ làm việc, hầu giúp ích cho đồng bào anh.

Như vậy, việc anh sinh viên qua Mỹ du học, và cưu mang một tâm nguyện như thế, thử hỏi: anh sinh viên kia có ích kỷ hay không? Chả lẽ trong thời gian anh vắng mặt ở quê nhà để đi qua nước người du học, thì ta lại lên án kết tội anh sinh viên đó là người ích kỷ chỉ nghĩ cho riêng mình được sao? Bạn sẽ nghĩ thế nào về người kết tội anh sinh viên đó như thế?

Cũng vậy, sở dĩ hôm nay, người ta biết được Pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Cực lạc là do từ kim khẩu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu. Cũng như anh sinh viên kia, sở dĩ anh biết được trường đại học bên Mỹ, là nhờ sự giới thiệu của vị giáo sư đó. Và khi nghe xong, anh sinh viên kia không phải tự nhiên mà qua được bên Mỹ để học, tất phải hội đủ những điều kiện theo sự đòi hỏi của trường đại học ở Mỹ. Vì ở đây có rất nhiều thuận duyên tiện lợi cho sự trau dồi học hỏi của anh ta.

Cũng thế, người muốn vãng sanh về thế giới Cực lạc của đức Phật A Di Đà cũng phải hội đủ 3 điều kiện: Tín, Nguyện và Hạnh. Và đồng thời ở cõi đó có nhiều thắng duyên thuận lợi hơn.

Sau khi hội đủ điều kiện rồi, anh sinh viên kia, khi sang Mỹ du học, anh ta chỉ có một tâm nguyện duy nhất là sau khi tốt nghiệp mãn khóa, có mảnh bằng tiến sĩ trong tay, anh ta sẽ trở lại quê nhà để thi thố tài năng để làm lợi ích cho quê hương xứ sở của mình.

Cũng thế, người niệm Phật sau khi về Cực lạc có đủ mọi thắng duyên tu học, nỗ lực tu học cho đến khi nào hoàn toàn giác ngộ, bấy giờ họ sẽ trở lại cõi nầy để hoằng hóa lợi sanh. Một tâm nguyện như thế, thì tại sao ta cho họ là ích kỷ?

Có người lại nói, họ chưa hề thấy ai từ cõi Cực lạc trở về? Đã là do nguyện lực độ sanh của Bồ tát, thì làm sao chúng ta biết rõ họ từ đâu đến. Và sách sử cũng đã chứng minh cho chúng ta thấy, khi nào có ai phát hiện ra các Ngài là Bồ tát, thì các Ngài sẽ ẩn diệt ngay. Trường hợp như các Ngài Hàn Sơn, Thập Đắc hay như Hòa Thượng Thiện Đạo, sử nói Ngài là hóa thân của đức Phật A Di Đà.

Tóm lại, theo tôi, thì những người niệm Phật phát nguyện vãng sanh về Cực lạc để tiếp tục tu hành (tất nhiên là có sự đảm bảo hơn cõi nầy về mọi mặt, theo như lời Phật Thích Ca giới thiệu) sau đó, họ sẽ trở lại cõi nầy để hoằng hóa độ sanh đúng theo bản nguyện của họ. Như thế, xét bề ngoài thì dường như có ích kỷ, nhưng xét về bên trong, tức tâm nguyện, thì không có gì là ích kỷ cả. Vì bản nguyện đó, cũng chỉ nhắm vào chúng sanh mà nguyện, tất nhiên là thuận theo bản hoài của chư Phật, trừ phi, những ai chỉ nguyện cho mình về Cực lạc không thôi mà không phát đại nguyện hoàn lai Ta bà để độ sanh, người như thế, thì đáng trách là quá ích kỷ chỉ nghĩ đến sự lợi lạc cho riêng mình, không đoái hoài thương cảm ai cả. Như thế, thì quả là trái với lòng từ bi Phật dạy. Người như thế, mới nên đáng trách. Ngược lại, thì ta không nên vội trách.

Trích 100 Câu Hỏi Phật Pháp
Thích Phước Thái

10 Điều Khó Khi Tu Ở Thế Gian Này So Với Cực Lạc

10 Điều Khó Khi Tu Ở Thế Gian Này So Với Cực LạcBồ-tát Long Thọ nói: “Tu hành trong cõi Ngũ trược gọi là khó hành đạo, như người què đi trên đường hiểm trở, một ngày chẳng đi quá mấy dặm. Tu hành ở Tịnh độ gọi là dễ hành đạo, như kẻ phàm phu nương vào sức mạnh của Chuyển Luân Vương, trong một ngày đi khắp tứ thiên hạ”.

Nay đem mười điều khó ở cõi Ta-bà để so sánh với mười điều dễ ở Tịnh độ:

1. Ta-bà không thường gặp Phật. Phật Thích-Ca đã diệt độ, tà pháp mạnh mẽ; Cực Lạc thì Phật thường chẳng diệt, hiện đang làm giáo chủ.

2. Ta-bà mạt pháp nhiễu nhương, có nhiều ngoại đạo, dù bàn Phật pháp nhưng đa số nghiêng lệch sai lầm; Cực Lạc thì Phật và Bồ-tát, nước, chim, cây rừng thường tuyên thuyết Diệu pháp.

3. Ta-bà bạn bè tà ác, mong cầu lợi dưỡng, làm mê lầm người tu hành đọa vào ba đường ác; Cực Lạc thì Quán Âm, Thế Chí làm bạn thù thắng, các bậc Thượng thiện nhân ở chung một nơi.

4. Ta-bà có các loài ma não loạn, phá hoại chánh pháp; Cực Lạc tuy có Thiên ma nhưng đều hộ trì chánh pháp, giúp người tu hành mau được thành tựu.

5. Ta-bà luân hồi trong sáu nẻo, như bánh xe xoay vòng không có ngày dừng nghỉ; Cực Lạc thì hoa sen hóa sinh, không còn luân chuyển trong đường sinh tử khổ đau.

6. Ta-bà qua lại ba cõi theo nghiệp chịu quả báo, tuy sinh lên cõi Trời nhưng khó tránh con đường ác; Cực Lạc thì danh từ của ba đường ác còn không nghe, huống chi có thật.

7. Ta-bà trần duyên ác trược, thường làm chướng ngại đối với việc xuất thế; Cực Lạc thì lầu vàng điện ngọc, áo đẹp cơm ngon đều làm phương tiện trợ giúp tu hành.

8. Ta-bà con người sống trăm năm nhưng phần nhiều chết yểu, thời gian mau chóng, đại đạo khó thành; Cực Lạc thì tuổi thọ của chúng sinh ngang bằng với Phật.

9. Ta-bà tu hành phải đoạn trừ Kiến hoặc, Tư hoặc mới có thể được Bất thối chuyển. Người mới tu chưa tránh khỏi sự thối chuyển đọa lạc; Cực Lạc thì chúng sinh khi sinh về đều vào Chánh định tụ mãi không còn thối chuyển.

10. Ta-bà người tu hành trải qua muôn kiếp khó thành, như các vị đồ đệ nghe pháp trong thời Phật Đại Thông, thối chuyển Đại thừa chấp vào Tiểu thừa, trải qua vô số kiếp còn ở bậc Thanh văn; Cực Lạc thì chỉ một đời này thường theo Phật học, tiến thẳng đến đạo tràng, thành tựu đạo giác ngộ Vô Thượng.

Mười điều khó và dễ nói trên đây, thật cách xa nhau như trời với vực. Nếu cậy vào sức mình thì chỉ luống uổng tự nhọc nhằn. Nhưng nếu nương nhờ vào duyên thù thắng thì được sự lợi ích cao rộng.

Người tu hành nên chọn lựa!

Trích TỊNH TỪ YẾU NGỮ
Thiền Sư Nguyên Hiền
Thích Minh Thành dịch

Hào Quang Tỏa Sáng Khi Niệm Phật

Hào Quang Tỏa Sáng Khi Niệm PhậtCó 2 vị Lạt-Ma là Ajo và Reto cùng theo học 1 thầy. Reto là 1 học giả tinh thông Kinh điển, có thể giảng giải, trích dẫn hầu như tất cả sách vở 1 cách dễ dàng, trong khi Ajo chỉ chuyên tâm Lễ Bái và Thiền Định.

Lạt Ma Reto ghi danh vào Đại Học Drepung, tốt nghiệp thủ khoa, trở nên 1 Pháp Sư nổi tiếng của Tây Tạng, trong khi Lạt Ma Ajo vẫn ẩn tu tại làng Chumbi.

Sau nhiều năm không gặp nhau, 1 hôm Pháp Sư Reto có dịp công du qua làng cũ. Nhớ đến người huynh đệ đồng môn, ông ghé lại ngôi chùa xưa thăm hỏi. Gặp nhau cả 2 đều mừng rỡ chuyện trò vui vẻ, Reto bèn hỏi Ajo đã tu học đến đâu. Lạt Ma Ajo thành thật thưa rằng: “Bao năm nay chỉ chuyên tụng 1 bộ Kinh A Di Đà mà thôi”. Pháp Sư Reto lắc đầu than cho chú em quê mùa hủ lậu, Kinh điển thiên kinh vạn quyển không đọc mà chỉ đọc tụng có 1 bộ Kinh tầm thường mà gần như ai cũng biết. Reto bèn giảng giải cho Ajo một hồi về những pháp môn cao siêu cho đến tận khuya mới đi ngủ.

Vừa chợp mắt ít lâu, ông đã giật mình tỉnh giấc vì thấy ánh sáng ở đâu chói loà cả 1 vùng. Ánh sáng này phát ra từ phía chánh điện ngôi chùa nên ông ngạc nhiên rời trú phòng bước ra xem thế nào.

Ông thấy Lạt Ma Ajo đang chắp tay đảnh lễ, trì tụng Hồng Danh Đức Phật A Di Đà nhưng quanh ông này hào quang sáng rực cả chánh điện. Ông thấy trong hào quang đó có 1 ao sen lớn bằng các thứ ngọc báu với những lâu đài, dinh thự toàn bằng vàng. Ngoài ra, còn có những giống chim lạ cất tấu lên những điệu nhạc hoà nhã, vi diệu nghe như tiếng giảng Kinh, rồi trời đổ mưa hoa, những bông Mạn Đà La rơi xuống ao báu toả ánh sáng khắp nơi.

Pháp sư Reto nín thở theo dõi cho đến khi Lạt Ma Ajo trì tụng xong bộ Kinh A Di Đà thì linh ảnh đó mới biến mất. Quá xúc động, Reto vội bước vào hỏi làm sao Ajo lại có được thần thông như vậy. Lạt Ma Ajo cho biết ông không hề có thần thông gì cả mà chỉ chuyên tâm trì tụng 6 chữ Hồng Danh mà thôi.

Lạt Ma Reto lại hỏi: “Nhưng ta thấy hào quang sáng ngời trong chánh điện và những linh ảnh lạ lùng. Chắc chắn chú phải có những phương pháp tu luyện gì nữa chứ?”

Lạt Ma Ajo cho biết không hề áp dụng 1 phương pháp gì ngoài việc gìn giữ Thân-Khẩu-Ý cho thật thanh tịnh, trang nghiêm để trì tụng Hồng Danh Phật A Di Đà mà thôi.

– Làm sao có thể như vậy được? Như ta đây làu thông Kinh điển, tu tập bao năm nay mà đâu đã có kết quả gì? Lạt Ma Reto thắc mắc.

– Có lẽ huynh chỉ đọc văn giải nghĩa để thoả mãn trình độ trí thức giỏi biện luận như 1 nhà thông thái mà thiếu hành trì, không chí thành cung kính, đọc Kinh còn nghi ngờ, chỉ trọng về Lý Tánh mà không chuộng sự tu dưỡng Thân-Tâm chăng? Như em đây thì chuyên tâm tin tưởng vào lời khuyên dạy của Chư Phật, tin rằng có cõi Tây Phương Cực Lạc, tin vào Đại Nguyện của Phật A Di Đà và tha lực tiếp dẫn của Ngài, rồi chí thành nguyện cầu sẽ được sinh sang cõi nước Cực Lạc (Tín-Nguyện-Hạnh).

Pháp Sư Reto bừng tỉnh vội vã chắp tay đảnh lễ người em đã khai ngộ cho mình. Ông trở về Lhassa trình bày sự việc cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, rồi xin từ chức Pháp Sư về nhập thất tu Thiền trong dãy Tuyết Sơn.

Đức Đạt Lai Lạt Ma truyền lệnh cho xây 1 ngôi Chùa nguy nga rộng lớn để xứng đáng với công đức tu hành của 1 vị Cao Tăng và phong cho Lạt Ma Ajo chức Hoà Thượng (Rinpoche). Tuy nhiên, Hoà Thượng Ajo không thích việc có 1 ngôi chùa riêng như vậy, ông chỉ muốn tiếp tục sống trong ngôi chùa nhỏ bé nơi thung lũng Chumbi mà thôi. Vị quan trông coi việc xây cất lấy làm lạ bèn hỏi tại sao, thì Ngài cho biết dù chùa cao to đẹp đẽ, dù cung vàng điện ngọc cũng chỉ là hình thức bên ngoài, hữu sinh hữu hoại, nay còn mai mất, không thể so sánh với cảnh giới của cõi Cực Lạc được.

Sau cùng, người ta đành mời Ngài về trụ trì Chùa Tse Cholin, 1 ngôi chùa lớn trong vùng, vì vị trụ trì tại đây đã qua đời trước đó ít lâu. Hoà Thượng Ajo nhận lời quản trị ngôi chùa này nhưng vẫn tiếp tục sống tại ngôi chùa nhỏ bé cũ gần đó, vì ông biết rằng vị trụ trì Tse Cholin sẽ Hoá Thân trở lại đây trong 1 thời gian không lâu nữa.

Theo Hoà Thượng Ajo, thì Đức Phật đã chỉ dẫn rất nhiều Pháp môn khác nhau, các đệ tử tuỳ theo căn cơ trình độ lãnh hội mà tu hành được giải thoát. Tuy nhiên vì biết vào thời Mạt Pháp (Kali Yuga), chúng sanh nghiệp sâu, trí mỏng khó có thể trông cậy vào tự lực cá nhân mà giải thoát, nên Đức Phật đã truyền dạy riêng 1 phương pháp giản dị là Pháp môn Niệm Phật cầu Vãng Sanh. Pháp môn này giản dị mà công năng vô cùng mầu nhiệm, bất khả tư nghì, vì ngay như Đức Di Lặc chỉ còn 1 Kiếp nữa sẽ thành Phật mà Ngày Đêm 6 thời còn đảnh lễ, trì niệm Hồng Danh Chư Phật.

Theo Hoà Thượng Ajo, thì cách trì tụng Hồng Danh phải đặt căn bản trên sự chí thành, khẩn thiết thì mới được Cảm Ứng. Dù làm đúng các Nghi thức nhưng tâm không thành thì khó có kết quả gì, tóm lại vấn đề trọng yếu vẫn là ở TÂM. Ngài chỉ phương pháp Quán Tưởng, là lúc nào cũng giữ trong Tâm hình ảnh của Đức Phật A Di Đà và cảnh giới cõi Cực Lạc mà trong đó bất cứ thứ gì cũng phát ra hào quang sáng chói, nơi mà tiếng gió thổi, chim hót, lá cây rụng cũng phát ra những Diệu Âm. Ngài cho biết làm sao để lúc Đi-Đứng-Nằm-Ngồi cũng đều chú tâm vào hình ảnh Đức Phật A Di Đà cho đến lúc thật thuần thục, không thấy có mình là Người Niệm Phật và Phật là 1 Vị mà mình đang Niệm, chỉ có 1 ánh sáng vô tận, vô lượng chiếu soi. Niệm đến chỗ Vô Niệm, cho đến Nhất Tâm Bất Loạn, thì sẽ được cảnh giới bất khả tư nghì.

Hoà Thượng Ajo cho biết 6 chữ Hồng Danh A Di Đà Phật có 1 oai lực vô cùng rộng lớn với những Mật nghĩa sâu xa, mà chỉ có Phật với Phật mới hiểu rõ cùng tận mà thôi. Phật A Di Đà là Pháp giới tàng thân, bao nhiêu công đức của Chư Phật trong 10 phương pháp giới, nơi 1 Đức Phật A Di Đà đều đầy đủ cả. A Di Đà có nghĩa là nguồn sáng vô tận (Vô Lượng Quang), tuổi thọ vô lượng (Vô Lượng Thọ); hay nói theo nghĩa khác là bao gồm toàn thể không gian (ánh sáng) và thời gian (tuổi thọ) tượng trưng cho chân lý tuyệt đối bất khả tư nghì.

Trích Đường Mây Qua Xứ Tuyết
của Lama Anagarika Govinda
Việt văn của Nguyên Phong

Sáu Chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” Thay Đổi Đời Tôi

Sáu Chữ Nam Mô A Di Đà Phật Thay Đổi Đời TôiTôi gặp anh tại một ngôi chùa với bộ áo “lam hiền”. Mở đầu câu chuyện, anh đều niệm danh hiệu Đức Phật Di Đà. Một gương mặt sáng với vết sẹo lớn giữa chân mày, anh ví mình như con thuyền nhỏ giữa dòng thác loạn, điên cuồng, xô đẩy.

Và, con thuyền nhỏ đó cứ bị trôi đi trong sự va đập, đảo điên không có bến dừng. Anh tâm sự, sự điên đảo đó là kết quả của một gia đình bị rạn vỡ, không tình thương yêu. Sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, anh đã lao vào thế giới giang hồ, trôi giạt giữa chợ đời tối tăm và không lối thoát. Và, nhờ thiện duyên, anh đã gặp Phật. Sáu chữ: Nam mô A Di Đà Phật nhiệm mầu đã làm thay đổi cuộc đời anh. Anh là Lê Thừa Dương Hùng…

Tuổi thơ lưu lạc

Ngồi bên hiên chùa, đôi mắt nhìn xuống, giọng âm hưởng Quảng Trị ấm, ký ức một thời được tái hiện, như thể những thước phim về một số phận…

“Những trận đòn, những xung đột với cha dượng trong ngôi nhà của mẹ làm đứa trẻ lên 7 như tôi cảm thấy bị hất hủi, đuổi xua. Trong tâm hồn đứa trẻ con lên bảy như tôi chứa đầy mặc cảm, tôi luôn tự hỏi tại sao những đứa trẻ như tôi lại có đủ ba mẹ, có một gia đình hạnh phúc, chúng được hồn nhiên vui vẻ, được cha mẹ chăm sóc và được đến trường vui đùa cùng chúng bạn… Tôi lại một mình và cảm thấy không thể sống nổi nơi mà mình tưởng như là mái ấm. Mái ấm ở làng quê nhỏ của xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) không đủ tình thương yêu để níu kéo tôi ở lại. Tôi đã bỏ nhà, đi lang thang đầu đường xó chợ. Đêm đến tôi ngủ vật vờ ở bãi biển quê. Ngày ngày nối tiếp đêm đêm, bước chân tôi thúc giục phải đi và cho đến khi tôi dừng lại ở TP.Huế. Tôi bắt đầu chuỗi ngày lang thang ở chợ đời. Đứa trẻ quê miền biển nhỏ thó như tôi chứa đầy mặc cảm, bắt đầu vật lộn với cuộc mưu sinh đói khát ở chợ Đông Ba.

Ở chợ Đông Ba, hàng ngày tôi làm phụ hàng cho những chủ hàng, đêm ngủ vật vờ ở các sạp. Tôi là đứa trẻ bị khinh miệt, đói khát và cảm thấy vô cùng cô đơn. Nhiều khi vô tình bắt gặp những gia đình sum vầy bên mâm cơm hay những đứa trẻ đồng lứa bên cha mẹ hạnh phúc, tôi càng thấy mình lạc lõng, tủi phận và nổi giận. Dù vất vả, đơn độc nơi xứ lạ quê người nhưng trong tôi có một thứ tình cảm luôn thúc giục và luôn “thức” trong tâm trí mình. Đó là nỗi nhớ mẹ. Nó là thứ gì đó mà đứa trẻ như tôi luôn cảm thấy phải hướng đến, nỗi nhớ ấy ngày càng day dứt và nó lớn hơn bất cứ cái gì, lúc này.

Ròng rã hai năm bằng những chuỗi ngày đơn độc ở chợ đời Đông Ba với nỗi nhớ mẹ không nguôi ngoai trong tâm trí và tôi quyết định kiếm đường quay về tìm mẹ.

Nhưng, bao nhiêu vụn vỡ trong lòng lại một lần nữa lan ra đau đớn, tôi không tìm được hơi ấm và tình thương của mẹ. Bởi lẽ, mẹ còn có chồng và các em, phải lo toan cuộc sống nghèo nàn. Tôi không được đi học, tiếp tục lêu lổng trong buồn tủi. Không chịu thêm được, một lần nữa, tôi quyết định ra đi”.

Nhìn những chiếc lá rơi nhẹ trước hiên chùa, giọng anh vẫn trầm buồn:

“Tôi trở lại chợ Đông Ba, bấy giờ tôi cũng đã lớn hơn. Tôi kết bạn với những đứa trẻ lang thang khác. Ban ngày chúng tôi làm bốc vác, làm thuê làm mướn, bán trà đá, đánh nhau, ăn cắp vặt ở bến xe Gia Hội, ban đêm rủ nhau xuống dưới gầm cầu Trường Tiền để ngủ. Những ngày bôn ba bán sức khỏe để kiếm chút tiền mọn cho cuộc sống ở chợ, bến xe, dần dần tôi trở thành đứa trẻ rắn rỏi, lạnh lùng, dày dạn kinh nghiệm sống giang hồ. Tuy vậy, nỗi nhớ mẹ lúc nào cũng luôn đầy ắp, nỗi nhớ ấy lớn khôn cùng. Mười ba tuổi, một lần nữa tôi quyết định quay về quê tìm mẹ…”.

Bước ra giang hồ

Anh xòe hai bàn tay ra và đan chúng lại với nhau, đôi mắt anh nhìn xuống nó và quá khứ lại thoảng hiện trên gương mặt:

“Cuộc sống ở mái nhà của mẹ tôi không thể xoay chuyển được, tôi tiếp tục cuộc sống buồn chán, lêu lổng và quậy phá. Tôi trở thành người bất trị. Chính nơi quê mình, tôi gặp đại ca Lê Lam, người cùng xóm vừa mới đi Nhật trở về và bắt đầu một cuộc sống giang hồ thật sự. Tôi được đại ca Lê Lam “chấm” bởi người nhỏ mà có máu lạnh, vài trận đâm chém với giang hồ cũng đủ điểm cho đại ca cho gia nhập hội.

Những lần đối đầu với các nhóm giang hồ quanh vùng đã cho tôi thêm “số má”, và là người khá thông minh, lanh lợi, có máu lạnh, hung hãn bất chấp người đó là ai, cỡ nào. Tôi cũng là người dễ nổi giận với bản thân, tôi được đại ca Lê Lam để ý và tạo điều kiện để có dịp “xung trận”. Trong một dịp một mình đụng độ với hai anh bộ đội, tôi chụp kéo và đâm mấy phát vào bụng, ngực. Tôi bị bắt đi cải tạo 9 tháng. Tôi nhớ lúc đó vừa bước vào tuổi 15. Đó là bước ngoặt mở đầu cho chuỗi ngày tù tội…”.

Trong câu chuyện về số phận của mình, thỉnh thoảng có những quãng ngừng… anh đang tìm lại một ký ức tưởng chừng đã qua nhưng thật ra nó như là nỗi ám ảnh không thể chối bỏ:

“Ra trại, trong một lần đại ca cử đi dò la tin tức, tôi đi ngang quán nước cách quê 7km và bị một nhóm 6 người phát hiện “Nó đây rồi, đánh chết mẹ nó đi, thà giết lầm chứ không bỏ sót”. Một mình thân cô, thế cô, tôi lùi lại phía sau quán và nhanh mắt nhận ra một người đang cầm dao xắt thịt, tôi chụp lấy và chém đứt lìa một cánh tay của một thằng trong nhóm, chưa hả giận tôi sấn tới xẻo tiếp một lỗ tai mang về cho đại ca làm chiến tích.

Vụ này giúp tôi dày thêm những ngày tù tội, tôi bị bắt với 2,5 năm tù giam, ở trại giam được 9 tháng tôi vượt trại và trốn vào Sài Gòn. Vào đây tôi thay tên đổi họ, mới trải qua hai ngày trên đất mới tôi nghe có băng Tâm Voi, một băng rất lớn hoạt động bảo kê, đòi nợ mướn tại Sài Gòn, Bình Dương, Hà Tây và đang chốt tại An Sương nên tìm đến xin gia nhập. Tham gia hội này hai năm thì theo lệnh truy nã, công an Huế vào Sài Gòn bắt, tôi bị kết án thêm 2,5 năm tù.

Được ra tù, ngựa quen đường cũ và bản tính độc ác, tôi nghe nói đại ca Lê Lam đã vào Sài Gòn sinh sống, đang làm nghề xe ôm. Tôi quay lại Bình Dương và tiếp tục tham gia vào đường dây bảo kê, đòi nợ mướn ở Dĩ An. Thời gian này, Tâm Voi “tử nạn”, tôi lên làm đại ca, thỏa sức sống bằng đồng tiền dơ bẩn, ăn chơi trác táng và hút chích. Một lần đi đòi nợ 12 triệu đồng ở Bình Phước, con nợ là một phụ nữ đang mang bầu không có tiền trả, tôi liền xiết chiếc xe máy. Người phụ nữ ôm chân tôi lại van xin đừng lấy xe vì nó là phương tiện duy nhất nuôi sống gia đình, nhưng tôi co chân đạp thẳng vào bụng chị, sau đó biết chị đã bị sẩy thai… đó là nỗi dằn vặt trong tôi suốt những năm sau này, khiến tôi sám hối cho đến tận bây giờ”.

Một lần nghe Nam mô A Di Đà Phật

Một thoáng niềm vui chợt hiện ra trên gương mặt, chất giọng Quảng Trị vẫn nhẹ và đều:

“Sau sự vụ trên, tôi về thăm em gái ở Hóc Môn và được em gái cho biết đại ca Lê Lam đã “đi tu”. Tôi nghe với tâm thế hết sức ngờ vực. Em gái cũng khuyên: “Anh nên quay đầu, đến anh Lê Lam mà còn đi tu, anh làm vậy suốt đời cũng không được gì. Anh bỏ đi, làm vậy hoài mẹ khổ, nếu anh không tin thì gặp anh Lê Lam đi”. Lúc bấy giờ tôi là một gã giang hồ nghiện ngập và độc ác, trong tôi đầy ắp sự ngờ vực. Tôi ngờ vực một đại ca lừng lẫy oai hùng, từng hoạt động giang hồ ở Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản và các cứ khắp nơi trong nước như Lê Lam sao lại có ngày “đi tu”.

Không tin đại ca Lê Lam đã “đi tu” nên tôi tìm đến nhà, gặp lại đại ca tôi rất mừng. Lê Lam bảo anh đã quy y Tam bảo với pháp danh Tịnh Long, sám hối tội lỗi trước kia mỗi ngày để được làm người lương thiện. Trong đầu tôi lờ mờ những chữ nghĩa xa lạ về Phật pháp, Đức Phật, nghiệp báo, xả bỏ… nhưng có điều gây ấn tượng cho tôi lúc bấy giờ là Lê Lam nói về đại ca Năm Cam lừng lẫy có bốn vợ, nắm trong tay hàng chục tỷ đồng nhưng cũng đã chịu nghiệp báo, phải đền tội. Còn anh sám hối vì đã gây ra biết bao đau khổ cho đàn em, mải mê với những trò chơi quái đản, không phân biệt chính tà, đã gây nghiệp ác cho nhiều người. “Em có theo con đường của anh thì em theo. Học lại bài học vỡ lòng này: lấy thiện trừ ác” – tôi còn nhớ lời của Tịnh Long nói chắc rõ từng chữ.

Tôi đã vô cùng ngạc nhiên, không biết Phật pháp là gì mà làm cho đại ca khét tiếng như Lê Lam thay đổi đến như vậy. Tôi đã nghĩ ngợi rất mông lung…

Một hôm, đi ngoài đường và nhìn thấy một ngôi chùa, vì tò mò nên tôi đã ghé vô. Tôi còn nhớ, đó là chùa Đông Linh, ở Hóc Môn. Vừa bước vô chùa tôi nhìn thấy tượng Đức Bồ tát Quán Thế Âm và thoảng đâu đó một câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Tôi đã cảm nhận một sự an lành, thư thái trong lòng không giải thích được. Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại đến chùa… để chỉ nhìn ngắm Đức Quán Thế Âm. Tình cờ, tôi gặp một người bạn đang tu tập ở chùa Hoằng Pháp, được bạn rủ đi chùa nhiều hơn. Lúc này, đang là con nghiện nặng, nên lúc đến chùa tôi nguyện nếu Phật pháp nhiệm mầu thì gia hộ cho tôi từ bỏ ma túy, đừng hại người và làm người tốt”.

Một lần nữa hai bàn tay anh nắm chặt vào nhau, đôi mắt hướng nhìn về phía tượng Bồ tát Quán Thế Âm đằng xa xa:

“Tôi hạ quyết tâm cai nghiện. Mua thùng mì gói, thùng nước uống và thuê một nhà trọ, nhờ khóa trái, một mình tôi trải qua 21 ngày vật vã đối diện giữa sự sống và cái chết, lúc nào tôi cũng niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ tát cho đến khi tôi thấy lòng mình tỉnh táo, cảm thấy mình đã dứt hẳn với ma túy.

Từ đó, ngày nào tôi cũng vô chùa, khi đứng trước Đức Bổn sư và Bồ tát Quán Thế Âm tôi luôn bộc bạch tâm sự trong lòng và cảm thấy có sự cảm ứng. Và, hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng tôi chỉ nhờ vào 6 chữ Nam mô A Di Đà Phật.

Một điều lạ lùng là tôi rất thích nhìn ngắm gương mặt và hình tướng của Đức Quán Thế Âm, tôi xem Ngài là chỗ nương tựa vĩnh cửu, trong thâm tâm tôi nghĩ Ngài là Mẹ của tôi, của mọi chúng sinh. Hàng ngày, mỗi khi chiêm ngưỡng Ngài, tôi nguyện: “Đôi tay của con đã từng vấy máu, tạo bao tội lỗi, hôm nay con gặp được Mẹ và cũng đôi tay này con nguyện làm cái gì đó tốt đẹp hơn”. Không hiểu vì sao, trong đầu tôi luôn luôn khắc ghi gương mặt của Bồ tát, tôi cũng thường vẽ, khắc gương mặt Ngài lên mặt đất, lên giấy, lên gỗ…

Sáu Chữ Nam Mô A Di Đà Phật Làm Thay Đổi Đời Tôi

Hiện nay, Phật tử Tịnh Tín đang cưu mang, dạy nghề cho 23 bạn trẻ tại cơ sở điêu khắc với tâm nguyện không để cho các em sa vào con đường tội lỗi như mình ngày xưa. Anh cho biết, cuộc đời mình tự hào nhất là thời gian qua đã giúp cho 50 em cơ nhỡ học nghề, 2 em có cơ sở riêng và đặc biệt có hai em xuất gia đầu Phật. Hiện tại, anh yên tâm vì thấy mẹ hạnh phúc. Thỉnh thoảng, anh cũng đến các đạo tràng để nói chuyện, chia sẻ về cuộc đời đã qua của mình như cách sám hối với mong muốn có được sự thông cảm và nhẹ lòng. – Ảnh: H.Diệu

Tôi tự mình đi thăm dò tại các xưởng gỗ, đứng nhìn họ thực hiện các thao tác khắc trên gỗ, vậy là tôi mua đồ nghề về tự học. Hàng tháng trời tôi chỉ đục khắc gương mặt Đức Quán Thế Âm dù đôi tay có tróc da chảy máu. Dịp may, một công ty Đài Loan tuyển thợ điêu khắc gỗ, vậy là tôi đi làm, ngày đi làm ban đêm tôi đi chùa Hoằng Pháp để niệm Phật.

Tay vuốt lại tà áo lam cho thẳng nếp, anh nhoẻn miệng cười. Một nụ cười thoảng thôi nhưng trông anh rất hạnh phúc:

“Tháng 4-2005 với số tiền 47 triệu đồng dành dụm được, tôi đi thuê xưởng, mua gỗ và một chiếc xe máy để mở tiệm. Người quen thân cho là tôi điên rồ, với số tiền này tôi có thể mua nhà, mua đất sao lại mua một đống gỗ. Nhưng, tôi muốn thực hiện lời nguyện trước Đức Quán Thế Âm: đôi tay này có thể làm điều có ích.

Nhờ vào sự chăm chỉ và quyết tâm hướng thiện, tôi đã cất công đi tìm những em cơ nhỡ như mình ngày xưa để nuôi và dạy nghề tại cơ sở. Những pho tượng Bổn Sư, Quán Thế Âm của tôi được hình thành ngày càng đẹp và được các chùa đến đặt, tôi cũng làm thêm các loại hoa lam gỗ. Tin này bay xa tận quê nhà Quảng Trị nhưng không ai tin vì lẽ một thằng giang hồ chuyên đâm chém như tôi làm sao có thể là người làm ra những pho tượng Phật được. Tôi cũng đã gởi về cúng dường ở chùa quê tôi một pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm…

Điều tốt lành đã đến với tôi, năm 2006 tôi được TT.Thích Chân Tính quy y Tam bảo với pháp danh Tịnh Tín. Chùa Đông Linh cũng cho tôi đi tham gia khóa đào tạo huynh trưởng do THPG TP tổ chức và nhờ đó tôi bắt đầu có những ngày tháng gắn với gia đình áo lam. Cuộc đời tôi thật sự đã bước sang một trang mới.

Đôi lúc ngẫm lại, tôi tự cảm nhận mình như được tái sinh lần nữa, nhờ vào năng lượng nhiệm mầu của 6 chữ “Nam mô A Di Đà Phật”, nhờ vào Đức Bồ tát Quán Thế Âm…”

H.Diệu ghi theo lời kể của Phật tử Tịnh Tín
Theo Giacngo